Bắt đầu từ ngày 20/3/2020, thủ đô Manila của Philippines sẽ bị phong tỏa hoàn toàn. Các chuyến bay nội địa hay quốc tế đều bị huỷ. Người dân của đảo quốc này bị cấm rời khỏi đất nước và cũng chỉ có người mang quốc tịch Philippines và một vài trường hợp ngoại lệ mới được nhập cảnh.
Đường phố ở Philippines vắng vẻ vì dịch bệnh Covid-19 - Photo : RFA
Các biện pháp này nằm trong một chiến dịch gọi là "kiểm dịch cộng đồng nâng cao", được áp dụng trên toàn bộ hòn đảo Luzon (bao gồm cả thủ đô Manila và nhiều thành phố lớn khác của Philippines). Chiến dịch này dự tính sẽ kéo dài cho đến ngày 14/4, nhằm ngăn chặn sự lây lan của của dịch Covid-19.
Thực hiện triệt để
Theo tờ Rappler của Philippines, người dân được yêu cầu phải làm việc và học tập tại nhà. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng như bus, tàu điện, jeepny, taxi đều không được hoạt động.
Bạn Ngô Thảo, du học sinh chuyên ngành Quản lý nhà hàng khách sạn tại Manila cho biết tất cả các ngã tư đều có chốt cảnh sát kiểm tra người đi đường :
"Khu vực Metro Manila đều bị phong tỏa hết. Ở các trục đường giao nhau thì họ sẽ có các cảnh sát đứng canh ở đó. Ai đi qua thì người ta sẽ hỏi đi đâu, có giấy tờ ID gì không. Nếu không có thì người ta sẽ không cho đi. Hiện tại thì taxi và các dịch vụ xe máy giao hàng, vận chuyển đều bị đình chỉ".
Chốt kiểm tra trên phố ở Philippines - Photo : RFA
Ông Nguyễn Văn Long, một người Việt sinh sống ở Manila khoảng 10 năm nay cho biết Chính phủ Philippines thực hiện lệnh phong tỏa này một cách triệt để. Các xe cứu thương và xe cảnh sát chạy liên tục ngoài đường yêu cầu người dân nhanh chóng trở về nhà :
"Cảnh sát hay dừng xe lại hỏi đi đâu, nếu không xuất trình được là mình đi đâu, có việc gấp thì nó sẽ đưa về đồn. Ví dụ trên ô tô chở hai ba người mà có việc khẩn cấp như đi viện hoặc ra sân bay thì họ cho, nhưng đi loanh quanh ngoài đường thì nó sẽ đưa về đồn.
Hiện tại Chính phủ vẫn đang họp rất nhiều. Một số công ty ở các toà nhà lớn có cảnh sát đứng chắn ở dưới, không cho người lên làm việc, đuổi về. Các công ty hiện giờ đang cho nhân viên ở nhà làm việc tại nhà".
Ông Long nói rằng tất cả người dân không được ra đường. Mỗi gia đình chỉ có một người được ra ngoài một lần trong ngày để mua các nhu yếu phẩm. Mọi người phải xếp hàng dài trước các siêu thị để kiểm tra y tế trước khi vào siêu thị mua hàng :
"Chỉ duy nhất siêu thị bán đồ cho dân dùng và các tiệm thuốc thì được mở thôi. Nhưng nói chung là phải xếp hàng hơi dài, còn những cái chợ hoa quả hay nói chung là nhu yếu phẩm thì vẫn được mở, người dân vẫn có thể đi mua bán".
Theo thông báo, lệnh phong tỏa chỉ áp dụng ở tại đảo Luzon, nhưng nhiều tỉnh ở các đảo khác cũng đang bị đặt trong tình trạng tương tự. Ông Vương Thái, hiện đang ở đảo Palawan cho biết mọi người không được ra đường vào giờ giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng, và cũng không được di chuyển qua các tỉnh khác :
"Tình hình là đóng cửa trong vòng một tháng, và các tỉnh khác cũng như vậy luôn. Đóng cửa hết, nghĩa là ai ở tỉnh nào ở luôn tỉnh đó, không đi lại được".
Công việc, học tập bị ảnh hưởng
Việc Tổng thống Duterte ban bố lệnh phong tỏa hoàn toàn vào ngày 17/3, mọi người chỉ có 72 giờ để rời khỏi Philippines và chuẩn bị mọi thứ, khiến cuộc sống của nhiều người bị ảnh hưởng. Người Việt Nam đang làm việc, học tập ở đảo quốc này cũng không là ngoại lệ.
Người dân xếp hàng trước siêu thị để mua hàng ở Philippines - Photo : RFA
Bạn Ngô Thảo chia sẻ việc không được đến trường có nhiều bất tiện, nhưng bạn vẫn chọn ở lại trong giai đoạn này vì quan trọng nhất là hạn chế di chuyển và cách mình đối phó với dịch bệnh :
"Việc đó thì cũng một phần bất ngờ. Việc học của mình tự nhiên bị đình chỉ cho nên mình phải đổi phương pháp học. Nhưng mình là một sinh viên nước ngoài mà phải học online như vậy thì có nhiều cái hơi bất cập. Ví dụ, mình đến trường thì có thể nghe thầy cô giảng trực tiếp, còn về nhà vẫn có lớp học online, nhưng làm sao mà bằng thực tế được.
Nhưng nếu về bây giờ thì sẽ khó theo kịp tiến trình của lớp. Về thì sẽ cũng bị cách ly 14 ngày, ra sân bay bây giờ thì cũng nguy hiểm.
Với lại em cũng chưa tìm thấy mục đích thực sự để về. Ví dụ như mục đích mình về nhà để tránh dịch nhưng bây giờ thì ở đâu cũng như vậy, ở Việt Nam mình cũng dịch nhiều rồi. Chủ yếu là bản thân mình đáp ứng cái hoàn cảnh như thế nào thôi, cách đối mặt của bản thân mình. Nếu mình muốn về để tránh dịch thì ở đây mình cũng có thể tránh được, tự cách ly trong nhà, mua đồ ăn về đủ dùng".
Ông Long cho biết cả công việc làm hành chính ở công ty và việc buôn bán đều phải tạm dừng vì lệnh cấm ra đường nếu không có việc gấp.
Còn ở những khu vực người dân sống chủ yếu nhờ vào khách du lịch như El Nido thuộc đảo Palawan thì người dân đang gặp nhiều khó khăn hơn :
"Tổng thống Duterte nói là phong tỏa Manila, nhưng mà các tỉnh khác cũng bị phong tỏa luôn. Có một số người đồn thổi là sẽ đóng dài nên mình cũng không biết. Những người có kinh tế khá giả thì không sao, nhưng cuộc sống ở Palawan rất là khó khăn, nghe tới đóng cửa thì ai cũng sợ hết, sợ đói. Kinh tế, điều kiện của họ không có, nền y tế thì lại yếu kém, chỉ thông báo đóng cửa vậy thôi chứ Chính phủ không có tài trợ gì hết".
Không thiếu thực phẩm, chỉ lo y tế kém
Tính đến sáng ngày 19/3, số người mắc Covid 19 ở Philippines là 202. Trong đó, có đến 19 ca tử vong. Điều này làm cho nhiều người Việt Nam lo ngại về khả năng chống dịch cũng như hệ thống y tế ở đây.
Hình minh hoạ. Phun thuốc khử trùng trên đường phố Manila, Philippines hôm 19/3/2020 AFP
Ông Long cho biết mình đã đoán trước được tình hình bùng phát dịch bệnh ở Philippines vì có rất nhiều người Hàn Quốc đang sinh sống ở đây, nên đã chủ động chuẩn bị thực phẩm cho mình và gia đình. Tuy nhiên, điều ông lo ngại nhất là năng lực y tế của đất nước này :
"Lúc vẫn chưa bùng nổ dịch thì tôi cũng dự đoán là chắc chắn sau khi Hàn Quốc nó bùng thì bên Phil này chắc chắn cũng sẽ bị tiếp theo, nên tôi cũng có dự trữ một ít lương thực, gạo, đồ ăn, nhu yếu phẩm đủ dùng trong một vài tháng, rồi thì hạn chế ra ngoài thôi.
Sau khi Chính phủ ra lệnh phong tỏa hoàn toàn, đóng cửa tất cả mọi nơi thì tôi ở nhà. Nói chung cũng không ảnh hưởng gì nhiều
Mọi người ai cũng có lo lắng bởi vì khi người ta nhìn thấy tỉ lệ nhiễm chỉ có 50 người, mà chết đến 10 người thì nó thể hiện một nền y tế, khả năng y tế không được tốt cho lắm. Cho nên ai cũng hoang mang khiếp sợ".
Ông Thái ở Palawan cũng bi quan về hệ thống y tế yếu kém :
"Hiện tại bây giờ ở khu vực của mình chưa có trường hợp bệnh tật nào, chưa có trường hợp nào nhiễm. Mình ở đây lâu năm thì cũng thấy rằng là nếu như ở Manila có dịch bệnh thì còn có thể giải cứu được, chứ ở khu vực như Palawan này thì có dịch bệnh là tiêu. Nói chung y tế là yếu kém".
Bạn Ngô Thảo cho biết hiện giờ chưa xảy ra tình trạng thiếu lương thực ở thủ đô Manila :
"Việc khan hiếm thực phẩm thì không có đâu, bởi vì các cửa hàng thực phẩm vẫn được mở, chợ công cộng vẫn được mở và các siêu thị lớn vẫn mở cửa để bán hàng. Chỉ là các công ty thì sẽ bị đóng cửa thôi. Cho nên vấn đề thực phẩm thì cũng không đến nỗi.
Vì em ở trong một dãy nhà trọ mà bà chủ cũng hơi khó nên cũng hạn chế cho mọi người ra ngoài vì sợ ảnh hưởng của virus. Em đã mua từ vài ngày trước những đồ khô như ngũ cốc, sữa, vitamin C, các sợi bún phở, những thứ có thể dự trữ lâu được, những thứ đó có nhiều năng lượng cho mình, để có thể không ra ngoài trong một thời gian dài".
Không thấy thông tin gì từ Đại sứ quán Việt Nam
Cả 3 người mà chúng tôi phỏng vấn đều cho biết họ không hề nhận được bất kỳ một thông báo hỗ trợ nào từ phía Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines.
Ông Long không biết chắc chắn Đại sứ quán có thông tin hỗ trợ gì không, nhưng cá nhân ông chưa nghe thấy gì :
"Hiện tại thì cũng không thấy thông báo. Tôi cũng không để ý nhưng đối với tôi thì tôi chưa nhận được tin tức nào từ Sứ quán về vấn đề này. Nhưng nhiều lúc sứ quán cũng không thể liên lạc hết với tất cả mọi người bên này được. Hiện tại chưa thấy đại sứ quán có động tĩnh gì đến tai tôi, còn không biết những người khác thì có biết gì hay không. Cho nên tôi cũng không dám nói là Đại sứ quán không có hành động gì.
Bạn Ngô Thảo nói :
"Em ở ngay gần Đại sứ quán luôn mà em không thật sự không biết gì về Đại sứ quán luôn. Em không biết là họ có thông báo hay không luôn.
Thứ nhất là mình không đi ra ngoài. Thứ hai là mình đọc các trang thông tin về tình hình hiện tại của Phil để biết mình nên làm gì, chứ cũng chẳng biết trang web của Đại sứ quán ở đâu luôn".
Ông Vương Thái nói rằng Đại sứ quán không làm gì hết, để người Việt ở Philippines "tự xử" :
Ở Philippines này có rất nhiều đảo, có thể người ta không thể phổ quát hết được. Hàng ngày mình cũng có lên Facebook hoặc YouTube đọc tin, hoàn toàn Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines này họ không có tiếng nói gì hết, cũng không có phát động gì hết, cũng không báo động gì hết, nghĩa là tự xử".
Trên trang web chính thức của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, hoàn toàn không có thông tin nào cảnh báo cũng như hỗ trợ người Việt đối phó với dịch Covid-19. Các tin tức gần nhất là các hoạt động mà Đại sứ quán Việt Nam chào đón, hỗ trợ các vận động viên Việt Nam tham dự SEAGAMES 30.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 20/03/2020
Truyền thông trong nước hôm 27/2 loan tin số lượng người từ Hàn Quốc đổ về "tránh dịch" ngày càng đông nên hiện đang có tình trạng ùn ứ tại các sân bay quốc tế ở Việt Nam.
Việt Nam có đủ năng lực để đón 20.000 người từ vùng dịch về "tránh dịch" ?
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, cho biết hiện lượng người về từ Hàn Quốc rất đông, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 người nhập cảnh qua Nội Bài, trong khi khả năng tiếp nhận của khu cách ly tập trung ở Hà Nội có hạn, dẫn đến việc quá tải ở sân bay và các cơ sở cách ly.
Tại tỉnh Khánh Hòa, tờ Tuổi Trẻ online dẫn lời bác sĩ Nguyễn Hoa Hội, giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, cho biết ba ngày vừa qua, lượng người từ Hàn Quốc đổ về sân bay Cam Ranh ngày một tăng.
Đến ngày 27/2, sân bay Cam Ranh có 3 phòng cách ly có sức chứa tối đa 100 người. Tuy nhiên, số người phải cách ly hiện khoảng 200 người.
Trước đó, vào ngày 24/2/2020, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết đang lên kế hoạch để hỗ trợ khoảng 20.000 lao động Việt Nam tại các nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dịch SARS-CoV-2 như Hàn Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản về nước.
Gánh nặng rất lớn !
Giáo sư ngành sinh học đang nghiên cứu tại một trường đại học ở Hàn Quốc không muốn nêu tên nói với RFA rằng kế hoạch này của Bộ Lao động, thương binh và xã hội là một gánh nặng khủng khiếp đè lên nền kinh tế và y tế của Việt Nam :
"Tôi nghĩ là đem 20.000 người về nó là một cái sức nặng khủng khiếp lên nền kinh tế là một. Thứ hai là chế độ cách ly cũng cần phải xem xét, bởi vì con virus này kiểu như là giết người thầm lặng vậy, nó tấn công tùy theo mức độ miễn dịch của từng người.
Cho nên với việc tập trung lại 20.000 người thì cần phải có một kế hoạch rất là chi tiết và cần phải có khoảng không gian đủ lớn để cách li.
Bác sĩ Phan Đình Hiệp từ Úc thì cho rằng đây là một việc làm hợp tình hợp lý dù có ảnh hưởng chung đến tình hình xã hội Việt Nam :
"Mình chưa thấy cái kế hoạch chính xác như thế nào. Nhưng mà nếu như Lao động, thương binh và xã hội tính đến chuyện đó thì cũng là một điều hợp tình hợp lý.
Tuy nhiên chúng ta phải cân nhắc trên các yếu tố, ví dụ như yếu tố địa phương của nước ta như thế nào, địa phương của chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng như thế nào. Cái thông lệ quốc tế cũng như mối quan hệ ngoại giao giữa ta và nước sở tại, và quan trọng cuối cùng và căn bản nhất đó là phải theo nguyện vọng của những người đang đi công tác ở nước ngoài. Họ có muốn về hay không và họ hiểu như thế nào để quyết định được điều đó.
Chắc chắn nếu mà người ta về thì đó là một khó khăn rất lớn về kinh tế. Tuy nhiên về bình diện quốc gia thì cũng có thể làm được, giống như kiểu khi đã có đại dịch thì mọi người nhường cơm sẻ áo, chịu đói khổ với nhau. Dù sao người ta cũng là công dân của nước mình, ai cũng là con người hết, chẳng may người ta rơi vào tình huống là ở vào vùng dịch. Nếu Chính phủ có nhu cầu đưa người ta về thì chắc chắn phải có hỗ trợ tài chính, có thể là tuyệt đối hoặc là hỗ trợ một phần thì đó là do chính sách của nhà nước tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của quốc gia".
Có đủ năng lực cách ly 20.000 người ?
Từ ngày 26/2, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tất cả các chuyến bay từ Hàn Quốc trở về đều phải bị cách li tập trung 14 ngày, không phân biệt có xuất phát từ vùng dịch hay không.
Các hãng hàng không có chuyến bay từ Hàn Quốc buộc phải hạ cánh tại một trong ba sân bay là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phù Cát (Bình Định) và Cần Thơ, làm thủ tục ở sân bay xong họ phải về thẳng các trung tâm cách ly ở địa phương.
Điều này càng làm cho các khu vực cách ly quá tải khi lượng người dồn về ngày càng đông.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết Trường Quân sự tại Sơn Tây, Hà Nội chỉ tiếp nhận được khoảng 800 người. Trong khi cho đến sáng ngày 28/2, sân bay Nội Bài đang có khoảng 1.500 người chờ đợi chưa đi được. Nhiều người không có chỗ ngồi, không có nước uống, không có đồ ăn…
Như vậy, liệu Việt Nam có đủ năng lực để thực hiện ý định đón 20.000 lao động từ nước ngoài về như kế hoạch của Bộ Lao động, thương binh và xã hội hay không ?
Theo ý kiến của Bác sĩ Phan Đình Hiệp, hiện giờ Chính phủ chưa công bố kế hoạch cụ thể nên chưa thể trả lời là họ có đủ khả năng hay không, nhưng những gì cần thiết thì vẫn phải làm. Ông đánh giá năng lực chống dịch của Việt Nam cũng khá so với các nước có dịch :
"Cái chính là chính sách mà Việt Nam gọi là "cả một hệ thống chính trị vào cuộc" - Mặc dù mình không thích từ đó nhưng mà ở Việt Nam người ta dùng từ đó - và cảm giác rằng trong vụ dịch này thì bên công an, chính quyền, y tế người ta vào cuộc khá quyết tâm. Cái cách người ta ứng phó với vụ dịch khá là triệt để.
Vấn đề là 20.000 người về thì cách ly bao nhiêu cho đủ và cách ly thế nào cũng là một bài toán nan giải, và cũng tùy theo địa phương mà người ta đến nữa. Ví dụ như chúng ta nói là cách ly ở đâu ở Sài Gòn hay ở Hà Nội hay Đà Nẵng hay một nơi nào khác".
Bác sĩ Hiệp nói thêm rằng Chính phủ cần phải công bố kể hoạch đón người về như thế nào, điều kiện cách ly ra sao để công dân ở nước ngoài người ta có thể tự đánh giá và đưa ra quyết định là nên về hay ở :
"Khi nhà nước có kế hoạch thì phải công bố. Có điều hiện nay trên truyền thông vẫn rất mập mờ không rõ ràng lắm, và nếu không rõ ràng như thế thì sẽ làm cho những người công dân ở nước ngoài không biết đường đi, lợi ích hay mục tiêu lợi hại của việc đón như thế nào thì người ta khó quyết định".
Vị tiến sĩ sinh học không muốn nêu tên cũng nói rằng bà chưa thể đánh giá năng lực của Việt Nam khi Chính phủ chưa công bố kế hoạch gì cụ thể cho việc hỗ trợ đón 20.000 công dân về nước. Tuy nhiên, bước đầu thấy rằng Việt Nam có hơi lúng túng trong việc xử lí cách ly. Điển hình là vụ 20 công dân Hàn Quốc than phiền với truyền thông nước này rằng điều kiện cách ly ở Đà Nẵng rất tệ :
"Mình không biết là họ sẽ có kế hoạch như thế nào vì họ không thông báo kế hoạch cụ thể. Còn theo mình thấy thì có vẻ như bên phía mình còn rất là lúng lúng túng trong việc cách li. Ví dụ như về Đà Nẵng là thành phố có khoảng 20 chuyến/ngày về cách li, thì thấy chỉ có 20 hành khách của Hàn Quốc xuống mà họ khá là lúng túng, thì cũng gây ra một cái điều tiếng không hay đối với phía Hàn Quốc.
Chương trình thời sự còn nói về việc điều kiện cách ly tập trung. Họ có quay lại điều kiện nhà vệ sinh với các phòng cách ly thì họ bảo rằng các phòng cách ly nó không được thoải mái lắm, điều kiện sống không tốt và việc này làm cho họ hoàn toàn bị động bởi vì trước đó hoàn toàn không có lệnh cách li hoặc không có thông báo cách li từ trước".
Ngày 24/2, đoàn khách nhập cảnh vào Đà Nẵng từ thành phố Daegu, Hàn Quốc. Nhóm du khách được ôtô đưa đi theo lối riêng đến nơi cách ly.
Trong số này có 20 người Hàn Quốc được sắp xếp cách ly tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhóm du khách Hàn Quốc không đồng ý và đã quay về Hàn Quốc vào đêm 25/2.
Nguy cơ "bùng dịch" từ các cơ sở cách ly tập trung
Người dân được chăm sóc y tế tại khu cách ly tập trung, Trung đoàn 852. Courtesy of Báo Cao Bằng
Một vấn đề đáng lo ngại khác là nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ các cơ sở tập trung, nơi đang cách ly những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao vừa về từ vùng dịch. Về khía cạnh chuyên môn, vị tiến sĩ giấu tên nói rằng đây là một chủng virus hoàn toàn mới nên bây giờ mọi nhận định đều mang tính chủ quan, mặc dù nó cùng chủng loại với SARS và MERS. Con virus này lây lan với tốc độ khá nhanh, nếu trong diện tiếp xúc gần thì trong vòng 15 phút cũng có thể bị lây được rồi.
Ngoài ra, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 4 đến 40 ngày làm cho một số người đã bị bệnh mà không biết vì không có biểu hiện bệnh ra ngoài, rồi những người tưởng khoẻ mạnh như thế lại lây cho nhiều người khác :
"Cho nên với việc tập trung lại 20.000 người thì cần phải có một kế hoạch rất là chi tiết và cần phải có khoảng không gian đủ lớn để cách ly.
Ở mình có một lợi thế đó là nhiệt độ khá cao cho nên việc bị nhiễm bệnh thường là nhẹ và hệ miễn dịch của người Việt mình do môi trường sống ở Việt Nam cũng hơi khắc nghiệt cho nên mình cũng có hệ miễn dịch khá tốt".
Vị tiến sĩ này cũng cho biết bà không có ý định sẽ về Việt Nam tránh dịch vì nguy cơ ở Việt Nam có khi còn cao hơn ở Hàn Quốc :
"Con số mà mình nhìn thấy chưa chắc là con số thực cho nên là nguy cơ có khi còn cao hơn ở Hàn Quốc ấy chứ, cho nên là mình không có ý định về".
Theo bác sĩ Phan Đình Hiệp, vấn đề an toàn hay không thì phải căn cứ vào các điểm sau : Thứ nhất là địa phương mà người đó chuyển về. Ví dụ như người đó ở Vũ Hán hay Deagu thì chắc chắn là rủi ro tỷ lệ quá cao. Nhưng nếu người ta ở Singapore thì nguy cơ không cao bằng.
Thứ hai là số người cách ly tập trung ở địa phương. Nhiều người tập trung vào một địa điểm thì rõ ràng nguy cơ có, và đặc biệt là những người từ vùng dịch về thì nguy cơ càng cao :
"Theo mình biết rằng ở Việt Nam họ đã chuẩn bị những khu bệnh viện dã chiến và có thể người ta sẽ huy động những trạm ví dụ như quân đội hay những khu vực dân vệ quân đội hoặc những khu thể thao có những cơ sở có thể tập trung người ta được vào đó.
Rõ ràng tập trung người vào đó thì vấn đề tài chính kinh tế và theo sát một số lượng 20.000 người chẳng hạn là một số lượng quá lớn. Người ta có làm được hay không thì chúng ta cũng phải chờ thời gian thôi.
Tuy nhiên, ở những nơi cách ly tập trung chắc chắn là phải có sự giám sát của y tế, những người có biểu hiện sốt, nóng lạnh, ho thì sẽ được thăm khám chẩn đoán kỹ hơn. Như vậy cũng có mặt lợi và mặt hại tùy vào năng lực và quản lý của địa phương điều kiện của vùng mà người ta đang ở".
Bác sĩ Hiệp cho rằng dù rủi ro là có thật nhưng cũng phải chấp nhận và Chính phủ cần phải kiểm soát chặt chẽ những người có nguy cơ cao để tránh bùng dịch ra cộng đồng :
"Mình tin rằng với xã hội nhân văn bây giờ thì công dân ở nước mình ở nước ngoài mà bị và nếu nước ta muốn về với gia đình để an toàn hơn thì Chính phủ phải tạo điều điện hỗ trợ cho người ta về. Còn vấn đề kiểm soát nổi hay không thì tuỳ thuộc và năng lực của quốc gia đó, mặc dù có rủi ro.
Chúng ta hay nói phải đóng cửa biên giới phía Bắc để không cho người từ vùng dịch phía Trung Quốc qua nhưng nếu công dân của Việt Nam đang đi làm ở Trung Quốc người ta về thì cửa khẩu vẫn phải mở cho người ta về rồi cách li và làm sao kiểm tra sớm để phát hiện sớm, điều trị sớm, những người có nguy cơ nặng để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Nếu như công nhân người ta muốn và chính phủ đồng ý cho về thì khi đó xã hội sẽ cùng chia nhau một cái rủi ro. Nhưng chúng ta phải chú ý rằng 20.000 người về không có nghĩa là 20.000 người đó đều bị bệnh. Chắc chắn sẽ có những người có nguy cơ bệnh và nếu kiểm soát y tế tốt thì vẫn có thể phát hiện những trường hợp như vậy và điều trị sớm thì cái rủi ro sẽ thấp hơn nhiều. Chúng ta phải chấp nhận nguy cơ chung thôi chứ không biết làm sao được".
Khu cách ly ở tỉnh Cao Bằng cũng trong tình trạng quá tải do người Việt từ Trung Quốc về quá đông. Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết hiện đang cách ly tại nhà khoảng 3.000 người và hơn 1.000 người khác phải cách ly tập trung.
Ngày 28/2, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) vừa bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách "có khả năng lây lan dịch SARS-CoV-2 ra cộng đồng".
Trước đó, CDC xếp Việt Nam vào nhóm "có khả năng lây lan cộng đồng", cảnh báo cấp 1 cùng với 4 quốc gia khác là Iran, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.
Hiện nay, Iran đã bị đưa vào cấp cảnh báo thứ hai, cùng với Nhật Bản và Ý. Hàn Quốc và Trung Quốc cùng ở mức độ cảnh báo cao nhất là cấp 3.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 28/02/2020
Bốn ngày sau khi bị phong tỏa để tránh dịch bệnh viêm phổi cấp lây lan, người dân xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do biết tình hình cuộc sống của họ vẫn ổn định dù "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Hình minh họa. Công an đeo khẩu trang ở chốt kiểm soát tại xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc hôm 14/2/2020 - AFP
Xã Sơn Lôi hiện là nơi có nhiều bệnh nhân dương tính với virus corona (Covid-19) nhất trên cả nước, với 11/16 ca nhiễm bệnh ở Việt Nam.
Khu vực xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc có trên 2.800 hộ dân với khoảng 10.600 nhân khẩu đang bị phong toả, cách ly hoàn toàn.
Báo chí nhà nước dẫn lời ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho biết xã Sơn Lôi sẽ bị phong tỏa toàn bộ trong 20 ngày, bắt đầu từ ngày 13/2 đến 3/3 để khoanh vùng, dập dịch.
Tinh thần người dân ổn định
Hôm 17/2, ông Dương Công Hoàng, một người dân sinh sống tại xã Sơn Lôi nói về cuộc sống thường ngày của người dân khi đang bị cách ly :
"Đời sống của mọi người thì vẫn bình thường, chỉ có khác là không thể đi làm, đi học được như thường ngày thôi, còn mọi thứ thì vẫn ổn.
Chủ yếu là họ phong tỏa khu vực cách ly thôi chứ đời sống của người dân ở trong địa bàn thì vẫn chủ động ăn uống, tự lo hết mọi thứ chứ không phải Chính quyền can thiệp vào từng gia đình, từng người dân đâu.
Cái chính là cách ly phong tỏa thôi. Người dân chủ yếu là vẫn phải tự mình cách ly. Những người mà có bệnh dương tính thì họ đem đi để cách ly và chữa trị. Chứ còn những người dân thì vẫn bình thường, chỉ khác là không đi ra ngoài thôi, sinh hoạt các thứ ở trong nhà".
Hình minh họa. Người dân đeo khẩu trang đi lại trên đường phố ở xã Sơn Lôi hôm 13/2/2020 AFP
Ông Hoàng cũng chia sẻ thêm rằng hiện nay tinh thần của bà con là rất tốt, đoàn kết và khá bình tĩnh để đối phó dịch bệnh.
Một người khác cũng đang ở khu cách ly là ông Nguyễn Văn Sủng đánh giá tình hình hiện nay nhìn chung là vẫn còn tốt :
"Tất cả ổn định. Nhà nước và Chính quyền ủng hộ, giúp đỡ. Mọi mặt là ok hết, không có vấn đề gì cả, từ vật dụng cho đến các thứ. Nói chung là ổn định".
Mặc dù người dân cũng khá lo lắng nhưng tinh thần của mọi người nhìn chung là tốt".
Nội bất xuất, ngoại bất nhập
Ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên thông báo trong khoảng thời gian cách ly, Chính quyền sẽ dựng hàng rào chắn quanh xã và lập nhiều chốt để ngăn chặn và kiểm soát người dân ra vào khu vực này.
Các chốt được dựng lên sẽ có mặt các lực lượng công an, quân đội, y tế, cán bộ xã canh gác cả ngày lẫn đêm để ngăn ngừa bệnh, chỉ một số trường hợp đặc biệt nhưng phải chịu sự đồng ý, giám sát của cán bộ chức năng mới được qua lại chốt.
Hình minh họa. Một người đàn ông đeo khẩu trang đi ngang qua tấm biển cảnh báo dịch bệnh corona ở xã Sơn Lôi hôm 13/2/2020 AFP
Một người muốn giấu tên ở Hà Nội đã đến tận xã Sơn Lôi để trao tặng khẩu trang cho người dân nơi này cho biết Chính quyền kiểm soát người ra vào rất gắt gao. Ông chỉ được phép đứng ngoài rào chắn để chuyển khẩu trang vào bên trong :
"Khu cách ly có cảnh sát cơ động, công an, bác sĩ và đại diện Chính quyền địa phương, họ dựng barier ở đó và bảo rằng các bác chỉ ở đây thôi chứ không được vô trong đó. Bởi vì đang dịch bệnh phải cách ly hoàn toàn.
Họ không đồng ý cho chụp ảnh cảnh sát cơ động, chỉ được chụp ảnh cái barier và người nhận thôi. Nói chung hôm đó cũng bình thường không có vấn đề gì cả. Họ không cản trở cũng không có ý kiến gì gây khó khăn cho anh em hỗ trợ cả".
Cùng ý kiến, ông Hoàng nói rằng người dân không thể tự ý ra khỏi xã nếu không có sự đồng ý của lực lượng chức năng :
"Đi lại trong khu vực thì ok, nhưng mà đi ra khỏi khu vực thì sẽ bị kiểm soát rất chặt chẽ. Người nào đi ra ngoài khỏi khu vực bị phong tỏa cách ly thì phải có lý do chính đáng và được chấp nhận thì mới được đi ra khỏi khu vực cách ly, và phải được kiểm tra kỹ về vấn đề thân nhiệt. Còn nếu không thì sẽ không được đi, phải đeo khẩu trang và tuân thủ đầy đủ các biện pháp sát trùng sát khuẩn".
Ngày 16/2/2020, Văn phòng UBND huyện Bình Xuyên cho biết đã có 192 người sinh sống tại xã Sơn Lôi rời khỏi địa phương trước khi Chính quyền ra lệnh phong toả, cách ly khu vực này.
Ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết địa phương đã lên danh sách và kêu gọi 192 người này trở về. Tuy nhiên về mặt pháp lý thì cũng thể ép buộc họ quay về để cách ly được.
Lo ngại thiếu dụng cụ y tế nếu dịch bệnh kéo dài
Cũng theo thông tin từ Chính quyền địa phương, mỗi người dân sẽ được hỗ trợ 40.000 đồng/ngày nếu cách ly tại nhà và 60.000 đồng/ngày nếu cách ly tập trung. Đồng thời, tổ chức các điểm bán hàng lưu động, đưa hàng hoá thiết yếu vào từng thôn, xóm.
Ông Sủng cho biết mỗi ngày đều có người đi xịt khử trùng và phân chia khẩu trang, xà phòng cho từng hộ dân :
"Ở các chốt đấy thì họ có khử trùng, có nhân viên đi từ nhà để đo thân nhiệt của mỗi người. Còn thuốc hay các vật dụng như xà phòng, nước rửa tay các thứ thì người ta đều chia về phân phối đầy đủ hết".
Hình minh họa. Phun thuốc khử trùng ở xã Sơn Lôi hôm 13/2/2020 AFP
Ông Hoàng nói hiện giờ Chính quyền có phát tiền đúng như thông tin từ báo chí. Ngoài ra thì hiện giờ các dụng cụ sát khuẩn đều được phát chứ người dân không cần phải mua. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì có thể sẽ thiếu :
"Nói chung là họ có cấp lương thực, thực phẩm cho người dân hàng ngày. Ngoài ra thì còn một số đơn vị từ thiện thi thoảng cũng đến làm từ thiện, phát mì tôm, trứng các thứ cho dân. Nói chung là ổn, không có vấn đề gì.
Họ phát hằng ngày, họ sẽ đưa tiền về các địa phương cụ thể để phát.
Khẩu trang cũng được Chính quyền cấp phát và nhiều nhà hảo tâm tài trợ làm từ thiện thì cũng có, nhưng mà còn phụ thuộc vào thời gian dịch, nếu kéo dài thì chắc chắn là sẽ thiếu. Còn hiện tại bây giờ thì vẫn ok".
Xã Sơn Lôi là nơi có người từng đi về từ Vũ Hán, Trung Quốc, tâm điểm của dịch bệnh Covid 19, và là nguyên nhân khiến xã này có nhiều người nhiễm bệnh nhất trong cả nước.
Trong những ngày gần đây, tại một số nơi xuất hiện tình trạng một số cơ sở dịch vụ lo sợ không dám đón khách từ Vĩnh Phúc vì sợ dịch bệnh lây lan.
Ông Hoàng nói ông mong muốn Chính quyền phải "tuyên truyền" tốt hơn cho người dân nơi khác hiểu đúng về tình trạng dịch bệnh để người xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc không bị kỳ thị :
"Việc tuyên truyền để cho mọi người hiểu về bệnh và thực trạng của địa phương thì dân sẽ hiểu ra vấn đề, sẽ suy nghĩ đúng để tránh được tình trạng kỳ thị".
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 17/02/2020
Một số nhà hoạt động chính trị thuộc diện Bộ Công an Việt Nam truy nã bị chuyển tội danh từ tội chính trị sang các tội danh hình sự khác như "môi giới mãi dâm" hay "nhận hối lộ".
Các nhà hoạt động đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, từ trái sang : Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, và Trương Minh Đức. Hình minh họa.
Hội anh em Dân chủ (AEDC) dẫn nguồn từ trang web của Bộ Công an Việt Nam cho biết, ông Nguyễn Văn Tráng, ông Mai Văn Tám là thành viên Hội này bị đổi từ tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" sang tội danh "môi giới mãi dâm". Bà Phạm Thị Lan bị đổi từ tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" sang tội danh "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" rồi sau đó là tội danh "sử dụng trái phép vũ khí thô sơ". Ông Trần Minh Nhật, đảng viên đảng Việt Tân, bị chuyển từ tội danh "không chấp hành án" sang tội danh "nhận hối lộ". Ông Thái Văn Dung, ông Lê Văn Sơn, cũng là đảng viên Đảng Việt Tân, bị chuyển từ tội danh "không chấp hành án" sang tội danh " xúi giục hoặc giúp người khác tự sát".
Đài Á Châu Tự Do liên hệ với ông Nguyễn Văn Tráng thì được biết hiện ông đang lánh nạn cũng khá lo lắng về thông tin này :
"Tôi mới lên tra lại hồ sơ của tôi trên trang web của Bộ Công an thì tôi thấy được sự thay đổi tội danh từ "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" trở thành tội "môi giới mãi dâm".
Tôi cũng khá là lo lắng bởi vì sự thay đổi nào cũng có mục đích chứ không phải ngẫu nhiên mà Bộ Công an lại tiến hành thay đổi tội danh từ một người hoạt động chính trị trở thành một người tội phạm hình sự. Tôi có cảm giác đầu tiên là mọi thứ sẽ còn khó khăn hơn nữa trong tương lai".
Ông Lê Văn Sơn trả lời RFA từ Mỹ cho biết ông không quan tâm đến những việc làm như thế này của Chính quyền Hà Nội :
"Tôi thì tôi mới biết và thực ra đến bây giờ tôi vẫn chưa vào trang web của công an Cộng sản xem là mình bị như thế nào. Bởi vì thực sự ra tôi thấy trò này nếu là sự thật của công an Cộng sản Việt Nam thì nó quá là trẻ con mà tôi cũng chả thèm quan tâm đến làm gì cả".
Về nguyên do mà Bộ Công an thực hiện việc thay đổi tội danh từ chính trị sang tội danh hình sự, ông Tráng nghĩ rằng có 2 mục đích chính. Thứ nhất là nhằm hạ thấp hình ảnh của những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, như cái cách mà trước đây nhà cầm quyền đã làm với luật sư Lê Quốc Quân hay Cù Huy Hà Vũ. Thứ hai nhằm khiến cho việc lánh nạn của những người hoạt động chính trị khó khăn hơn rất nhiều và khả năng bị dẫn độ về Việt Nam cũng cao hơn. Ông Tráng trình bày :
"Tôi cho rằng khi mà hình sự hóa các tội danh chính trị sẽ khiến cho sự lẩn tránh của các nhà hoạt động trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nếu họ xin quy chế tị nạn hay xin đi nước thứ ba thì sẽ trở nên khó khăn hơn, giấy tờ thủ tục cũng phức tạp hơn rất nhiều. Cái thứ hai của việc quy hoạt động chính trị sang hình sự khiến cho khả năng dẫn độ của họ bị tăng lên, thì tôi cho rằng có những mục đích như trên".
Cả hai luật sư Lê Quốc Quân và Cù Huy Hà Vũ đều là những người đã lên tiếng chỉ trích chính quyền. Luật sư Lê Quốc Quân bị án tù với cáo buộc trốn thuế. Luật sư Cù Huy Hà Vũ bị bắt với cáo buộc "quan hệ bất chính".
Ông Lê Văn Sơn cho rằng khi Chính quyền Hà Nội truy nã hay cầm tù những người hoạt động vì dân chủ, nhân quyền thì chắc chắn sẽ có sự can thiệp, lên tiếng của Quốc tế và động thái thay đổi tội danh này sẽ nhằm làm giảm bớt áp lực Quốc tế :
"Tôi thấy những người lên tiếng đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, cho tự do, cho quyền con người tại Việt Nam khi họ bị bắt, bị cầm tù liên quan đến chính trị thì rõ ràng là quốc tế họ can thiệp rất là mạnh và họ gây sức ép rất lớn lên Chính quyền Hà Nội. Vì thế cho nên việc chuyển đổi tội danh từ chính trị sang hình sự nó sẽ, thứ nhất là cộng sản Hà Nội biến những người đấu tranh chân chính trở thành những người phạm tội hình sự.
Thứ hai, nếu như mà những việc chuyển đổi như thế này mà không có phản ứng gì thì họ sẽ lừa được dư luận trong nước cũng như quốc tế và việc can thiệp của các chính phủ, các tổ chức đối với những người hoạt động trở nên khó khăn hơn".
Chủ tịch Hội AEDC, luật sư Nguyễn Văn Đài cũng đã ra thông cáo phản đối việc Bộ Công an Việt Nam thay đổi tội danh trên lệnh truy nã của những nhà hoạt động nói trên. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức Quốc tế cùng nhau lên án hành động này của nhà cầm quyền Việt Nam.
Theo nội dung thông cáo, "Việc hình sự hóa này nhắm mục đích sâu xa hơn là có lý cớ đẩy mạnh việc truy tìm trong nước, hay yêu cầu các nước lân cận bắt và dẫn độ những người đang bị truy nã về Việt Nam để trừng phạt họ. Đồng thời nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam rất ranh ma để né tránh sự lên án của quốc tế đối với các vi phạm nhân quyền của họ".
Ngoài ra, Hội AEDC cũng kêu gọi các chính phủ Hoa Kỳ, Canada, Australia, EU,... cùng với Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về tị nạn hãy nhanh chóng cho phép những người có tên nêu trên mà còn đang cư trú ở Thái Lan được phép sang tị nạn chính trị trong trường hợp khẩn cấp. Tránh để họ bị bắt cóc đưa trở lại Việt Nam như trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh – cựu quan chức ngành dầu khí, và blogger Trương Duy Nhất,…. những người đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc khi đang xin quy chế tị nạn ở nước ngoài.
Ngày 20/12/2019, Viện kiểm sát đã đề nghị mức án phạt đối với các bị cáo trong vụ Mobifone mua lại 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Trong đó, Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án cao nhất là ‘tử hình’.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại một cuộc họp cùng lãnh đạo các nước ASEAN ở Sunnylands, Mỹ hôm 15/2/2016 – AFP - Hình minh họa.
Tuy nhiên, trước đó tại tòa ông Nguyễn Bắc Son khai trong vụ này ông thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của thủ tướng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng, qua Công văn 2678 ngày 14/12/2015 của Văn Phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của thủ tướng.
Nhân vật này từng được lãnh đạo đảng đề cập đến là ‘đồng chí X’. Công luận và giới quan sát lâu nay quan tâm liệu trong công cuộc đốt lò chống tham nhũng của ông Trọng nhân vật X này có thể bị phán xét hay không ?
Một chi tiết thu hút sự chú ý dư luận trong phiên sơ thẩm vụ án này chính là lời khai của bị cáo, cựu Bộ trưởng Thông tin vàTruyền thông (Thông tin và truyền thông) Nguyễn Bắc Son vào chiều ngày 18/12 rằng đã thực hiện phi vụ này theo "tinh thần chỉ đạo của thủ tướng" lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Theo học giả Đỗ Thông Minh, cụm từ "làm theo tinh thần chỉ đạo" mà ông Nguyễn Bắc Son đã khai trong phiên xử rất mơ hồ :
"Đây là một tình tiết rất mới. Trước đây ví dụ như bị Cù Huy Hà Vũ tố hoặc (Nguyễn Tấn Dũng - PV) bị người này người kia tố, thế nhưng lần này nó dính trực tiếp đến một siêu vụ án mà một trong những thủ phạm chính có thể bị tử hình.
Ông ấy làm theo "tinh thần chỉ đạo" của Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng. Chữ "tinh thần chỉ đạo" như thế nào thì mình không rõ, nó là một công văn rõ ràng hay là chỉ cảm thấy như thế".
Dù vậy, học giả cũng không loại trừ khả năng cựu Thủ tướng Việt Nam có thể phải ra tòa :
"Tình trạng này là 50/50. Nhưng mà tôi thấy khi đã đưa ra hai ông bộ trưởng của thời Nguyễn Tấn Dũng cộng với chuyện đưa Hoàng Trung Hải (Bí thư Hà Nội) ra nữa thì có thể nói là đã sờ tới gáy của Nguyễn Tấn Dũng rồi. Thành ra có lẽ cũng không xa lắm có thể Nguyễn Tấn Dũng sắp bị nhập khám, nhập kho.
Nguyễn Tấn Dũng bị gạt ra với một hình thức là cho "hạ cánh an toàn" nhưng mà phải im miệng. Còn nếu trong trường hợp mà Nguyễn Tấn Dũng phản ứng lại thì có thể sẽ lại bị khui ra, khép thêm vào các tội khác là chống lại Đảng".
Các bị can trong vụ MobiFone mua AVG : Lê Nam Trà (ngoài cùng bên trái), Phạm Nhật Vũ (giữa), Nguyễn Bắc Son Courtesy of VnMedia -RFA edited
Theo blogger Nguyễn Lân Thắng, chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng có phải "hầu tòa" hay không đã được đồn đoán trong dư luận từ cách đây rất lâu rồi. Có rất nhiều nhà báo cũng như những nhà phân tích bình luận chính trị xã hội đề cập đến vai trò của cựu Thủ tướng trong cương vị là người đứng đầu Chính phủ trong giai đoạn đó.
Nhưng theo ông Nguyễn Lân Thắng, chuyện này là khó có khả năng xảy ra, vì :
"Tôi nghĩ điều này cũng rất khó bởi vì thực ra ông Dũng cũng đã về hưu rồi. Hơn nữa ông ấy vẫn còn nắm trong tay một số những bằng chứng cũng như những việc rất động trời, cho nên những phe khác mà muốn tấn công ông Dũng thì cũng phải dè chừng. Bởi vì một khi ông ấy đã bị dồn đến đường cùng rồi thì rất có thể sẽ còn những chuyện động trời khác tung ra và chỉ sẽ gây bất lợi cho những phe tấn công ông Dũng.
Luật pháp ở Việt Nam không nghiêm minh và nhiều khi các ý kiến chỉ đạo của những người đứng đầu Chính phủ, đứng đầu Nhà nước được thực thi nhưng lại không có những văn bản giấy tờ minh chứng cho chuyện đó, nên cũng rất khó để xét trách nhiệm của những người này".
Đồng quan điểm rằng sẽ không có chuyện cựu Thủ tướng bị khởi tố, Tiến sĩ Lê Minh Nguyên, nhà quan sát chính trị, nhận định rằng hiện giờ, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ muốn hạ uy tín của Nguyễn Tấn Dũng mà thôi :
"Ông Trọng làm để nhục mạ và trả thù ông Dũng, nhưng truyền thống của đảng Cộng sản là họ không đem những ông "Tứ trụ" ra để xử, để bắt nhốt, và để loại những đàn em của Nguyễn Tấn Dũng còn lại trong hệ thống đang lăm le trong Đại hội 13 sắp tới.
Họ sẽ không truy tố Nguyễn Tấn Dũng về trách nhiệm hình sự, không bắt ông Dũng phải ra tòa hay ngồi tù bởi vì họ muốn bảo vệ hệ thống đảng cộng sản của họ. Nếu họ thực sự làm chuyện đó thì Đảng cộng sản rất dễ bị tan vỡ".
Những mức án cho các bị cáo còn lại trong cùng vụ gồm ông Trương Minh Tuấn từ 14-16 năm tù, Lê Nam Trà 23-25 năm, Cao Duy Hải từ 14-16 năm. Bốn người này cùng bị cuộc tội "Vi phạm quy định về quản lí và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "nhận hối lộ".
Riêng Phạm Nhật Vũ bị đề nghị từ 3-4 năm tù vì tội "đưa hối lộ".
Học giả, nhà nghiên cứu Đỗ Thông Minh từ Nhật, nhận định với RFA rằng đây là bản án xứng đáng dành cho các bị cáo trong vụ đại án này :
"Nếu nhìn một cách tổng quát thì bản án khá tương xứng với tội họ làm. Chúng ta cũng thấy đó là những chuyện động trời. Tôi gọi đó là siêu án của nhà cầm quyền. Các quan chức cấu kết với nhau, lấy tiền nhà nước để mua những cơ sở không đáng ra gì hết rồi lấy tiền mà chia nhau".
Hình minh họa. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) đang đi đằng sau ghế của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại đại hội đảng ở Hà Nội hôm 26/1/2016 AFP
Trong khi đó nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội cho biết ông không có niềm tin vào công lý về hệ thống tòa án ở Việt Nam, và mức án dành cho các bị cáo là không tương xứng. Bởi vì, theo đánh giá của ông Thắng, Phạm Nhật Vũ là người chủ mưu móc nối đưa hối lộ nhưng chỉ chịu hình phạt 3-4 năm tù giam là phi lý :
"Hơn nữa, trong quá trình xét xử, đề nghị các thủ tục đặc biệt về mặt pháp lý đối với ông Phạm Nhật Vũ như vậy thì nó không công bằng giữa các công dân với nhau. Đó là điểm mà tôi cho rằng toàn bộ phiên tòa này chỉ là một trò hề.
Chẳng qua chúng ta chỉ đang nhìn thấy một sự tấn công giữa các phe phái với nhau, chứ không phải là một quá trình thực thi công lý trên đất nước Việt Nam".
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên cho rằng những bản án này là một phần trong chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mà các bị cáo trong vụ án này như là những "con dê tế thần".
Dù vậy, theo ông Lê Minh Nguyên thì dù có các mức án nặng cũng không giải quyết được vấn nạn tham nhũng :
"Trong chế độ cộng sản họ nhận thấy rằng vấn đề tham nhũng có thể làm sụp đổ chế độ, thành ra ông Nguyễn Phú Trọng muốn đốt lò trị tham nhũng để cho dân chúng thấy rằng chế độ làm việc một cách nghiêm chỉnh, minh bạch. Đảng có nhu cầu là phải có "con dê tế thần" để cương quyết trị tham nhũng, thành ra đề nghị Nguyễn Bắc Son án tử hình.
Nhưng mà theo cái nhìn của tôi thì Nguyễn Bắc Son chưa chắc bị án tử hình, dù có bị án tử đi nữa thì cũng được Chủ tịch nước tha, vì nghề của họ là giơ cao đánh khẽ.
Chính căn bản hệ thống độc tài cần phải thay đổi nếu không thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề tham nhũng trong hệ thống chính quyền".
Bộ Công an đã khởi tố vụ án về thương vụ Mobifone mua lại 95% cổ phần công ty AVG vào 7/2018.
Ông cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc là chủ mưu khi đã bút phê chỉ đạo bán AVG cho Mobifone với giá 8.900 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản của AVG chỉ có tổng giá trị là 1.970 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành thương vụ, ông Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu đô la Mỹ còn Trương Minh Tuấn nhận 200.000 đô la Mỹ tiền "cảm ơn" từ Phạm Nhật Vũ.
Theo thông tin từ báo chí nhà nước, phiên tòa sơ thẩm sẽ diễn ra liên tục từ ngày 17/12/2019 cho đến hết tháng 12 năm nay.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 23/12/2019
Ngày 10/12/2019, mạng báo trong nước đưa tin có 164 sinh viên học ngoại ngữ tại Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Incheon bất ngờ "biến mất", trong đó có 161 người đến từ Việt Nam.
Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc - Ảnh minh họa
Những sinh viên này đăng kí khóa học tiếng Hàn trong một năm nhưng sau khi sang Hàn Quốc học tập được 3-4 tháng thì bất ngờ nghỉ học và mất tích gần một tháng nay.
Ngày 12/12, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo, thông báo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đang làm việc với Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc để xác minh xem những em học sinh này đã đi đâu.
"Trào lưu" du học để kiếm việc làm
Bà Thụy An, hiện đang theo học chương trình tiến sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính tại Hàn Quốc nói với RFA rằng truyền thông Hàn Quốc khẳng định 161 du học sinh ngôn ngữ Việt Nam đã trốn ra ngoài để làm việc bất hợp pháp.
Cũng theo bà An, hiện nay, số lượng người Việt Nam sang Hàn Quốc để làm việc với visa du học sinh học ngôn ngữ là rất nhiều :
"Ở Hàn Quốc này chắc là phải tới 99% du học sinh ngôn ngữ đều bỏ ra ngoài bài để đi làm hết. Các em này đi làm có thể theo hai dạng là bất hợp pháp và vừa học vừa làm".
Theo tìm hiểu của phóng viên RFA, thực trạng du học sinh Việt làm việc "chui" không chỉ xảy ra ở Hàn Quốc mà nó còn rất phổ biến ở các nước Châu Á phát triển khác như Đài Loan hay Nhật Bản.
Vy Nguyễn, người vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Đài Loan xác nhận rằng ở Đài Loan, tình trạng này là không hề ít :
"Họ lấy danh là đi qua bên Đài Loan học tiếng, thì học buổi sáng xong rồi buổi tối họ đi làm chui. Thường thì họ có người quen để giới thiệu những công việc làm ở trong những công xưởng. Đó là cách họ kiếm tiền hoặc là hiện tại thì cũng có những dạng du học sinh đi qua vừa học vừa làm".
Những du học sinh đi theo diện vừa học vừa làm sẽ được nhà trường hỗ trợ chỗ ở và việc làm. Tuy nhiên, áp lực phải đảm bảo việc học và kiếm tiền chi trả học phí, sinh hoạt phí khiến nhiều sinh viên khó khăn về kinh tế phải trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp.
Bà Vy Nguyễn cũng lí giải nguyên do của việc ngày càng nhiều người chọn hình thức sang nước ngoài làm việc bằng visa du học thay vì xuất khẩu lao động : Thứ nhất là chi phí làm hồ sơ để du học ngôn ngữ rẻ hơn, chỉ từ 2.000 đến 2.500 đô la Mỹ. Trong khi xuất khẩu lao động phải đóng từ 5.000 đến 7.000 đô la Mỹ, và mỗi tháng còn phải đóng một khoảng tiền cho mô giới.
Thứ hai là thủ tục xin visa du học ngôn ngữ khá đơn giản và dễ dàng được chấp nhận hơn.
Thứ ba là dù làm việc bất hợp pháp nhưng họ có thể tự chọn lựa công việc có mức lương cao hơn là công nhân làm việc trong xí nghiệp và không phải đóng các khoản phí cho mô giới mỗi tháng.
Hậu quả của việc du học sinh bỏ trốn
Ảnh hưởng đến bản thân người bỏ trốn
Bà Thụy An khẳng định rằng việc bỏ trốn đi làm bất hợp pháp để lại nhiều hậu quả, đầu tiên cho chính bản thân và gia đình của người du học sinh :
"Hậu quả thì nhiều lắm. Các em đó thì còn trẻ mà, ở tuổi đó thì nên phát triển bản thân nhiều hơn sơn là đi làm và lao động kiếm tiền để mưu sinh. Hàng ngày hàng đêm phải đi học, đi làm đến 12 giờ đêm mới về, mất hết thời gian cho bản thân, không thể học thêm được cái gì, cũng không thể giao lưu, không thể đi ra ngoài tìm hiểu thêm văn hóa lối sống ở bên đây. Một thời tuổi trẻ vài năm như vậy chỉ làm việc trong nhà hàng để kiếm tiền thì rất lãng phí.
Những tai nạn xảy ra trong lao động thì không được chi trả. Có những tai nạn rất là nặng như đột tử, đột qụy hoặc là những tai nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng thì phải bỏ ra một số tiền cực lớn để chi trả thì bảo hiểm không thể chi trả được bởi vì đâu có đóng bảo hiểm đâu. Cho nên nếu điều không may mắn xảy ra, gia đình những em này phải gánh hậu quả rất lớn, có nhiều gia đình đến mức phải phá sản".
Phương Nguyễn, một kỹ sư đang làm việc tại Nhật Bản nói rằng những người làm việc bất hợp pháp mà ông biết luôn phải sống trong nỗi lo sợ :
"Mình thấy thiệt hại cho các bạn đó. Cho dù các bạn đó có bị bệnh như thế nào cũng không thể đến bệnh viện được, sống trong nơm nớp lo sợ, lúc nào cũng sợ là cảnh sát bắt.
Ví dụ như các bạn lên mạng xã hội cũng không dám cho biết mình đang ở đâu. Trong khoảng thời gian đó, các bạn sống không được tự do".
Còn theo Vy Nguyễn, một khi những người này bị cảnh sát bắt thì họ và cả người thân trong gia đình rất khó có cơ hội được quay lại Đài Loan :
"Trong trường hợp làm việc bất hợp pháp thì khi mà họ bị phát hiện thì họ sẽ bị phạt và trường sẽ đuổi về luôn. Mà khi đã về Việt Nam như vậy rồi thì họ sẽ khó qua lại Đài Loan".
Ảnh hưởng chung đến người Việt Nam
Ngoài những hậu quả trước mắt đối với du học sinh bỏ trốn, người Việt nói chung không liên quan gì đến chuyện lao động bất hợp pháp cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Bà Thụy An nói :
"Bây giờ sinh viên xin visa sang Hàn rất là khó. Có quá nhiều trường hợp sang đây bất hợp pháp. Người ta xem xét lại chỉ tiêu hoặc giới hạn số lượng visa được sang đây hoặc người ta kéo dài thời gian xin visa thêm.
Cái danh dự của người Việt ở bên này cũng bị nhắc nhiều lắm. Người Hàn kiểu như họ kì thị, người ta có cái nhìn không có thiện cảm về người Việt Nam".
Bà Vy Nguyễn cho biết những người dân địa phương, thiểu số ở Đài Loan thường xuyên khiếu nại với Chính phủ vì tình trạng lao động bất hợp pháp "cướp" mất việc làm của họ.
"Nếu như vậy quá nhiều thì có thể Đài Loan sẽ hạn chế lao động từ Việt Nam hoặc là gây khó khăn hơn về Visa đi qua đi lại, hoặc là không cấp nhiều học bổng cho du học sinh Việt Nam. Thay vào đó họ sẽ cấp cho các nước khác như Indo - Thái Lan, còn Việt Nam thì sẽ bị hạn chế số lượng lại".
Theo ông Nguyễn Phương, chính vì tình trạng du học sinh Việt Nam bỏ trốn, làm việc bất hợp quá nhiều nên công ty mà ông từng làm việc đã ngưng tuyển lao động Việt Nam :
"Công ty thì sẽ không dám nhận những bạn người Việt Nam nữa. Nó sẽ ảnh hưởng đến những người sau muốn đến Nhật làm việc. Như công ty của mình hiện nay họ không nhận người Việt Nam nữa, thì nó ảnh hưởng rất là nhiều".
Hồi tháng 3/2019, Trường Đại học Phúc lợi Xã hội Tokyo, Nhật Bản thông báo có 700 sinh viên trốn học từ tháng 4/2018, đa số trong họ là du học sinh Việt Nam.
Ngày 31/10/2019, Đại sứ quán Nhật Bản thông báo đình chỉ đại diện xin cấp visa đối với 90 cơ sở tư vấn du học ở Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam "ngó lơ" khi du học sinh gặp nạn
Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất mà cả ba người được phỏng vấn đều đồng quan điểm đó là một khi đã chọn cách trốn học, chấp nhận sống bất hợp pháp, các bạn du học sinh sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nếu xảy ra tai nạn lao động hay bệnh tật.
Khi đó, họ chỉ biết nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt chứ Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại cũng "ngó lơ".
Bà Thụy An nói rằng Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc rất khó để liên lạc được :
"Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc người dân bình thường không thể liên lạc được. Tôi liên lạc rất nhiều lần qua điện thoại hotline nóng, không biết vì sao người ta không bao giờ nghe điện thoại hết. Dù có nên thẳng lãnh sự quán cũng không thể nào dễ dàng gặp được lãnh sự nữa.
Mình phải đến rất sớm để bốc số thì mới có thể gặp được nhân viên. Mỗi ngày họ chỉ làm việc từ 9 giờ 30 cho đến 12 giờ. Nếu hôm đó đó số của mình chưa tới thì mình phải đợi ngày hôm sau bốc lại một lần nữa để gặp lại họ. Để gặp được lãnh sự quán là không dễ dàng".
Ông Nguyễn Phương thẳn thắn khẳng định Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật tham nhũng nhiều mà còn không giúp được gì cho người dân Việt :
"Nói chung là Lãnh sự quán Việt Nam là những người mà chỉ biết ăn thôi. Nó tồn tại rất nhiều bất công ở trong lãnh sự quán Việt Nam ở Nhật.
Mình nghĩ là nó chẳng bao giờ hỗ trợ đâu, mà cũng không ai nghĩ đến vấn đề nhờ đến Lãnh sự quán cả. Bởi vì người Việt Nam mình đã biết rồi, ở Việt Nam chính ở trên đất nước của mình mà không nhờ được thì làm sao mà ở nước ngoài họ có thể quan tâm đến mình được. Họ nghĩ vậy cho nên họ chả có nhờ cậy gì đến Lãnh sự quán hết.
Rất nhiều trường hợp như người Việt Nam bị chết ở bên này thì họ cũng có quan tâm gì đâu. Bên này tự quyên góp đem xác về chứ Lãnh sự quán đâu có quan tâm gì đâu. Mình chưa thấy trường hợp nào mà Lãnh sự quán quan tâm đến người Việt Nam chết bên này".
Bà Vy Nguyễn thì nói rằng thậm chí, Văn phòng Văn hóa kinh tế Việt Nam ở Đài Loan còn đổ lỗi ngược lại cho nạn nhân :
"Họ không có trách nhiệm trong việc giúp đỡ những người Việt Nam ở Đài Loan. Du học sinh hay lao động hay bất cứ ai cũng vậy, họ phủ bỏ trách nhiệm. Đôi khi còn đổ lỗi và cứ nói là người Việt của mình vi phạm luật lệ".
Bà lấy ví dụ trường hợp của một người lao động bất hợp pháp là ông Nguyễn Quốc Huy bị cảnh sát Đài Loan bắn chết hồi năm 2017.
Bố của nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ của người đại diện Chính phủ Việt Nam ở Đài Loan thì họ nói rằng do con trai ông vi phạm luật pháp, thay vì kiện tụng, ông nên tìm cách hoà giải.
Sau đó, được sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội dân sự tại Đài Loan, cuối cùng người cách sát đó nhận mức án 8 tháng tù giam và phải bồi thường cho gia đình nạn nhân gần 2 tỷ đồng.
Trở lại câu chuyện du học sinh Việt Nam bỏ trốn đi làm "chui", theo số liệu của Bộ Tư pháp Hàn Quốc vào tháng 5/2018, số lượng du học sinh quốc tế bỏ trốn là 11.142 người, trong đó Việt Nam là cao nhất với 4.457 người, tức là chiếm gần một nửa.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 16/12/2019
Chị Thảo, một người Hồng Kông gốc Việt có con trai là một trong những người luôn ở tuyến đầu trong các cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ ở trung tâm tài chính quốc tế 6 tháng vừa qua nói về lý do con chị quyết định từ bỏ du học ở nước ngoài và trở về tham gia cùng các bạn.
Các phụ huynh Hong Kong cầm biển yêu cầu cảnh sát không bắn vào các sinh viên hôm 19/11/2019 - AP
Chan, con trai chị, nhận mình là người Hồng Kông đã bị kẹt ở Đại học Bách Khoa trong những ngày "nóng bỏng" nhất, cảnh sát chống bạo động đột kích, sau đó bao vây tứ phía và Chan chỉ chịu rời đi vì bị các bạn ép khi thấy dấu hiệu bị nhiễm độc trên cơ thể lan rộng.
Tên tuổi và một số địa danh trong bài phóng viên Đài Á Châu Tự Do đã thay đổi để giữ an toàn cho người trong cuộc.
Chị Thảo là thuyền nhân, rời Việt Nam đến trại cấm Hồng Kông năm 1988 và mãi gần 10 năm sau chị mới được ra ngoài tự do.
Chan là đứa con trai duy nhất của chị, lớn lên trong vòng tay yêu thương, dạy dỗ của mẹ nên Chan nói được tiếng Việt.
"Chị nuôi nó từ nhỏ nên nó bị ảnh hưởng ở đây, nó nói được tiếng Việt nhưng không biết viết. Nhưng mà xem chữ Việt thì vẫn có những cái nó đoán được, những từ khó ví dụ viết tắt thì nó không biết đâu !
Từ khi bắt đầu nó lên trung học lên lớp 8 là là nó không muốn về Việt Nam nữa vì nó không có bạn vì thế cho nên cuộc sống đi sâu vào chính trị ở Việt Nam thì nó không biết" - chị Thảo kể về đứa con mà chị đặt hết vào niềm hy vọng.
Rồi biểu tình nổ ra ở trung tâm tài chính quốc tế từ đầu tháng 6 với số lượng có khi lên đến hai triệu người nhưng đều là các cuộc biểu tình ôn hòa.
Bạo lực leo thang kể từ ngày 12 tháng 6 và cao điểm từ tháng 8 năm 2019 khi cảnh sát dùng hơi cay, đạn túi đậu… và cả đạn thật để giải tán người biểu tình và người dân thì phản kháng bằng những gì có trong tay.
Chan khi đó thấy những người bạn mình bị đánh đập bởi cảnh sát chống bạo động và những tên côn đồ trong các cuộc biểu tình đã không thể ngồi yên.
Chan nói dối mẹ, lặng lẽ về nước khi đang du học và quyết định trở thành một người ở tuyến đầu.
("Người ở tuyến đầu" là một thuật ngữ mới, chỉ những nhóm người biểu tình Hồng Kông đeo mặt nạ phòng độc, mũ bảo hiểm luôn sẵn sàng ở phía trước đoàn biểu tình để đối đầu với cảnh sát.)
Chị Thảo không hề biết về việc này, chị cứ ngỡ rằng con trai mình vẫn đang học tập ở nước ngoài. Cho đến một ngày Hiệu trưởng ngôi trường Chan đang học ở nước ngoài liên lạc với chị để thông báo về việc nghỉ học đột ngột của Chan.
Cảnh sát khống chế người biểu tình Hong Kong hôm 18/11/2019 - Reuters - Ảnh minh họa
Chị tìm cách liên lạc với những người bạn của con trai và biết được cháu đã nói dối để quay về đồng hành cùng các bạn trong cuộc chiến đòi tự do, dân chủ cho Hồng Kông :
"Những người bạn của nó cũng đi biểu tình, cũng bị người ta bắt và bị đánh đập. Cho nên tâm trạng của nó là không thể ngồi yên được, nên nó đành phải xin lỗi…
Nó biết rằng chị sẽ không vui thế nhưng mà những điều con làm nó nghĩ rằng là có ý nghĩa, và vì nó biết rằng chị thương yêu nó nên cũng sẽ chia sẻ cùng với nó, hiểu được cho nó", chị Thảo kể về quyết định táo bạo của Chan.
Kể từ khi cuộc biểu tình diễn ra cho đến nay, đã có ít nhất 6 ngàn người biểu tình bị cảnh sát bắt giữ và con lại ở tuyến đầu, cho nên những lần Chan chuẩn bị bước ra khỏi nhà là mỗi lần chị Thảo thót tim.
Chị chỉ thở phào khi nghe tiếng con mình mở cửa trở về trong đêm khuya sau các cuộc biểu tình.
Khủng hoảng không chỉ gặp ở người trực tiếp bị đàn áp, ở lực lượng chống bạo động… mà nó còn nằm ở gia đình của những người tham gia biểu tình.
Chị Thảo là một người như vậy !
"Chị phải đi khám bác sĩ và phải uống thuốc trong những ngày rơi vào khủng hoảng, nhất là khoảng thời gian mà ở Hồng Kông… trong một hai ngày liên tục có những xác chết, mà lại cho là tự tử ở biển nữa.
Nói chung là rồi những ngày con ba, bốn ngày không về, không liên lạc được tự nhiên bị rơi vào cái tình trạng bất an", chị Thảo kể lại giọng chậm rãi.
Chị ban đầu đã định hạn chế cho Chan tiếp tục tham gia biểu tình vì sự khốc liệt của các cuộc biểu tình khi những cột mốc về bạo động cứ vượt qua đến nỗi người ta không còn nhớ chính xác ngày tháng năm của sự kiện.
"Lúc đầu cũng không nghĩ là nên ngăn cấm mà chỉ muốn hạn chế thôi !
Nhưng mà về sau này thì chị chứng kiến quá nhiều cảnh mà những đứa cùng trang lứa với con mình bị đánh, bị tra tấn, rồi lại có những cái xác chết không minh bạch.
Tự nhiên thông tin đó rơi ngay vào những ngày trường kỳ kháng chiến như thế, mà cứ kêu là tự tử, báo chí đưa tin là không rõ nguồn gốc thì tim mình nó thắt lại và càng sợ.
Nhưng mà nghĩ đến những đứa trẻ nó bằng với con mình nó cũng có can đảm để làm như vậy thì mình không thể ép buộc con mình mà giữ con mình ở nhà được". chị Thảo nói về lý do đồng hành cùng con.
Người biểu tình Hong Kong đòi chính phủ phải đáp ứng đủ 5 yêu cầu. Hình chụp hôm 25/11/2019 - Reuters - Ảnh minh họa
Có nghĩa là khi chị biết Chan đi ở đâu thì chị thu xếp công việc đến gần đấy, rồi cũng có khi hòa vào dòng người biểu tình, chưa kể chị còn nghe ngóng thông tin của cảnh sát để báo cho con, hay rời đi để bảo đảm an toàn tính mạng.
"Chị vừa qua phải đi khám bác sĩ tâm lý vì máu không lưu thông được.
Bác sĩ cũng nói là, ai sống trong đời sống này cũng đều có một sứ mệnh riêng của người ta và nếu như một ai đó đã quyết định ở một cái vị trí nào đấy rồi thì không thể ngăn cản được.
Có lo nữa thì cái người bị tổn hại sức khỏe là chính mình và mình cần phải có sức khỏe để lo cho con nữa, cho nên là sau khi đi khám bác sĩ thì tinh thần của có đỡ thêm chút ít".
Chan là một trong số ít người cố thủ ở đại học Bách Khoa Hương Cảng đến những ngày cuối cùng. Cảnh sát khi đó đã dùng đòn tâm lý chiến khi liên tục bắc loa kêu gọi ‘hạ vũ khí, đầu hàng' và Chan đã đành đưa ra một quyết định quan trọng. Rời đi !
Cảnh sát Hồng Kông hôm 29 tháng 11 năm 2019 tuyên bố trao trả quyền kiểm soát trường Đại học Bách Khoa Hương Cảng cho ban quản trị nhà trường sau 12 ngày vây hãm với hơn 1000 người biểu tình bị bắt giữ.
Những ngày đó chị Thảo như ngồi trên đống lửa !
Các tin tức về cuộc vây hãm của cảnh sát chống bạo động xung quanh Đại học Bách Khoa là thông tin đáng chú ý nhất trên các mặt báo những ngày cuối tháng 11 năm 2019.
Chị vẫn liên lạc được với Chan qua ứng dụng chat trên điện thoại từ Đại học Trung Văn về tới Đại học PolyU. Chan luôn bảo : "Con vẫn ổn mẹ không phải lo, ở đây vẫn có cơm ăn".
Tuy vậy, như một bản năng của người mẹ bảo vệ con của mình, chị đến cổng PolyU nghe ngóng, đưa vào bên trong từng hộp cơm mong đến được tay Chan.
"Tại vì ở trong trường Đại học Bách khoa lúc bấy giờ còn khoảng tầm hai chục đứa, nó tản mác khắp nơi.
Bọn chị đứng ở ngoài hàng rào thép muốn đưa đồ ăn vào thì cũng không thể nào đến tận nơi đưa được.
Chỉ có là ném vào hoặc gửi những nhân viên y tế họ mang vào. Họ vào tận nơi khuôn viên gọi nhưng chúng nó không chịu ra, có những đứa rơi vào tình trạng hoảng loạn tinh thần…"
Những người biểu tình tìm cách thoát ra ngoài hôm 18/11/2019 - AP - Ảnh minh họa
Đến ngày cảnh sát mở chiến dịch tấn công mạnh mẽ nhất vào trường, chị Thảo mất liên lạc với con hoàn toàn.
"Lúc đó tinh thần chị hoảng loạn !" - chị Thảo nói xong và im lặng một lúc lâu.
Người mẹ Hồng Kông gốc Việt kể về quyết định của Chan :
"Lúc ở trong đấy thì nó luôn nghĩ là phải cùng đồng đội thoát khỏi biến cố của Hồng Kông. Chúng nó không nghĩ gì nhiều đâu…
Lúc đấy chúng nó chỉ nghĩ làm sao tự chế ra cái để kháng cự lại, tại vì chúng nó chỉ nghĩ phải quyết liệt cho đến ngày chiến thắng.
Cho đến lúc từng đội, từng đội tan rã để tìm đường trốn ra ngoài. Nhiều người cũng đẩy nó ra ngoài, bảo rằng đi đi !
Nhưng mà nó và các đồng đội quyết tâm lắm, chúng nó nhìn thấy nhau thương quá. Nó cũng không muốn ra nhưng vì nó bị ngấm độc nặng rồi, chân tay nó bủn rủn rồi, không còn biện pháp nào khác nên là người đi cùng ép nó đi".
Chan và các chiến hữu cùng lứa tuổi đã bằng cách nào đó ra ngoài một cách an toàn, tuy nhiên phải mất vài ngày sau anh mới tỉnh lại…
Khi đó Chan nhờ người báo tin cho mẹ mình. Chị Thảo ngay lập tức chạy đến nơi, mặc dù thấy con vẫn đang trong tình trạng chưa ổn định, chị vẫn cảm thấy yên tâm phần nào vì giờ có gì cũng có hai mẹ con.
Sau 6 tháng biểu tình, cuộc bầu cử các Ủy viên Hội đồng 18 Quận của đặc khu hành chính sôi nổi hơn lúc nào hết khi lần đầu tiên trong lịch sử có tới gần 3 triệu cử tri xếp hành đi bỏ phiếu vào hôm 24 tháng 11 vừa qua.
Chị Thảo mặc dù gần ba mươi năm ở Hồng Kông tuy nhiên đây có lẽ là lần chị cảm thấy háo hức nhất và ý nghĩa nhất với việc bỏ lá phiếu của mình vào thùng phiếu.
Những sinh viên tham gia biểu tình tìm cách thoát ra ngoài theo đường ống cống. Hình chụp ngày 19/11/2019 - Reuters - Ảnh minh họa
"Năm nay tại sao nhiều người đi bầu là do bạn bọn trẻ mới vừa trưởng thành, vừa đủ 18 tuổi là chúng nó kéo nhau đi hết. Chứ nhiều năm khác là không có đâu, thậm chí là chị cũng chả đi vì nó chẳng liên quan gì đến mình.
Chị trước đó cảm thấy rằng những người được bầu chẳng có ý nghĩa gì cả vì mình chưa nhận thức được là công việc của họ có thể làm gì để giúp được mình hoặc giúp được gì cho xã hội.
Mình cũng nghĩ như kiểu ở Việt Nam là bầu Tổ trưởng khu phố cũng chỉ là hô hào đóng góp này kia chả làm được cái gì. Mình luôn nghĩ như thế !
Nhưng không, phải sau những cuộc biểu tình này tất cả mọi người đều ý thức ra rằng, những ai được bầu cử ở khu phố này họ đều có trách nhiệm và đòi hỏi quyền dân chủ cho mình và những cái gì mà người dân đòi hỏi", chị Thảo chia sẻ trải nghiệm của mình.
Kết quả kiểm phiếu sau ngày 24 tháng 11 cho thấy, phe ủng hộ phong trào dân chủ tại Hồng Kông giành thắng lợi áp đảo ở 17/18 Hội đồng quận, chiếm 347/452 ghế so với chỉ 60 ghế của các Ủy viên thân Bắc Kinh.
Chị Thảo nói chị cảm thấy vui với kết quả như một cuộc trưng cầu ý dân vì "những ứng cử viên sáng giá hầu như là thanh niên trẻ tuổi và đều có những tiếng nói chung với người dân".
Những thanh niên Hồng Kông như Chan sau nửa năm trải qua các cuộc biểu tình vẫn kiên định với "năm yêu cầu, thiếu một cũng không được" đối với chính quyền của bà Carrie Lam.
Cậu thanh niên mang dòng máu Việt Nam giờ đã ổn hơn sau khi được các nhân viên y tế tình nguyện điều trị tích cực. Anh bị phơi nhiễm hơi cay, hóa chất từ vòi rồng xanh và những ngày vất vả trong Đại học Bách khoa Hương Cảng.
Việc sẽ tiếp tục ở tiền tuyến sẵn sàng đối đầu bạo lực với cảnh sát, lui về phía sau hậu cần hay chỉ là người tham gia biểu tình ôn hòa vẫn còn để ngỏ. Riêng phần chị Thảo, chị sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chan, cùng những thanh niên mang hoài bão "Quang phục Hồng Kông, Cách mạng Thời đại".
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 10/12/2019
Làn sóng biểu tình đòi dân chủ cho Hong Kong, phản đối sự can thiệp của Trung Quốc đã kéo dài được 6 tháng. Những cuộc biểu tình đã dẫn đến những bạo động và hàng ngàn người, trong đó rất đông sinh viên đã bị bắt, có người bị thương do đạn của cảnh sát hoặc bị đánh đập.
Hình minh họa. Người dân Hong Kong tập trung vào ngày 29/11/2019 - AFP
Hong Kong cũng là vùng đất có nhiều người Việt, bao gồm cả các bạn sinh viên đang sinh sống và học tập tại đây.
Khuyên người dân không nên tham gia biểu tình
Theo thông tin từ báo chí Nhà nước, ngày 18/11, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau đã hỗ trợ 40 sinh viên đang du học tại Hong Kong về nước an toàn.
Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Tổng lãnh sự tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ liên lạc chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại và công dân Việt Nam, sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Trước thông tin trên, một bạn du học sinh yêu cầu được giấu tên đang ở Hong Kong cho biết thêm về thực trạng công tác hỗ trợ của Tổng lãnh sự Việt Nam qua email rằng :
"Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong có cố gắng liên lạc với sinh viên Việt Nam đang du học tại Hong Kong, tuy nhiên việc hỗ trợ về đi lại hay chỗ ở không được thông báo một cách chính thức.
Việc Tổng lãnh sự tuyên bố hỗ trợ đưa năm sinh viên từ Đại học Trung Văn (Chinese Unversity) ra sân bay là có thật. Tuy nhiên sự hỗ trợ chỉ dừng lại ở việc đưa ra sân bay, ngoài ra không có gì hơn.
Bộ ngoại giao và Tổng lãnh sự tuyên bố đã "đưa 40 sinh viên Việt Nam ở Hong Kong về nước" là chưa xảy ra. Vì ngoại trừ năm sinh viên được hỗ trợ đưa ra sân bay, các bạn còn lại đều tự về (bao gồm tự đi ra sân bay và tự chi trả kinh phí chuyến bay).
Thậm chí ngày hôm 21/11, khi bộ ngoại giao tổ chức họp báo, hơn 10 bạn đã quay trở lại Hong Kong để tiếp tục công việc tại đại học Khoa học kỹ thuật Hong Kong từ ngày thứ Ba (19/11)".
Những sinh viên tham gia biểu tình thăm một quầy cung cấp đồ ở Trường đại học Trung Văn ở Hong Kong hôm 13/11/2019 - AFP - Hình minh họa.
Ngoài ra, bạn này chia sẻ thêm là hiện nay bạn vẫn chưa quyết định trở về Việt Nam vì công việc cá nhân ở Hong Kong còn nhiều và quan trọng hơn là bạn vẫn cảm thấy an toàn khi ở lại Hong Kong.
Trong khi đó, linh mục Nguyễn Kim Sơn, người đã sinh sống và làm việc tại Hong Kong hơn 10 năm cho RFA biết một quan chức làm việc ở Tổng lãnh sự Việt Nam có nhờ ông vận động giáo dân Việt không nên tham gia vào các cuộc biểu tình :
"Trước đây mình có quen với một anh làm trong lãnh sự quán ở Việt Nam. Ảnh có hỏi mình tình hình như thế nào, nhưng họ chỉ hỏi vậy thôi.
Ông ấy nói với mình là lấy tư cách là linh mục thì nên khuyên ngăn các anh chị giáo dân đừng có đi biểu tình, đừng dính dáng đến các vụ việc đó, chứ họ cũng không đến thẳng với người dân để nói chuyện".
Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 12/9/2019, trả lời tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc về thái độ của Việt Nam đối với tình hình ở Hong Kong, người phát ngôn Bộ Ngoại giao bà Lê Thị Thu Hằng nói "Việt Nam tôn trọng chính sách "một quốc gia, hai chế độ", các quy chế liên quan của Hong Kong và hi vọng tình hình Hong Kong sớm trở lại bình thường, tiếp tục ổn định, phồn vinh, duy trì vị trí là trung tâm tài chính, thương mại quan trọng của khu vực và thế giới".
Ủng hộ phong trào dân chủ Hong Kong, nhưng…
Chị Hương, một người Hong Kong gốc Việt thường nhập hàng hoá Hong Kong về bán ở Việt Nam nhiều năm nay khẳng định vẫn luôn ủng hộ các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong :
"Mình cũng luôn luôn đồng hành với những người dân biểu tình ở đây. Thực ra thì mình cũng không phải là hiểu được nhiều lắm đâu nhưng vẫn phân biệt được giữa cái ác và cái thiện và nền dân chủ nó làm cho mình như thế nào để có quyền được độc lập như thế".
Bạn du học sinh giấu tên thẳng thắn nêu quan điểm ủng hộ việc người dân Hong Kong xuống đường biểu tình đòi quyền cơ bản. Và việc chính quyền đáp ứng chậm các yêu cầu của người dân đã tạo ra bạo lực, bất ổn ở Hong Kong trong nhiều tháng gần đây :
Những người bị cảnh sát bắt giữ gần Đại học Bách khoa Hong Kong hôm 18/11/2019 - AFP - Hình minh họa.
"Đứng ở góc độ cá nhân, việc biểu tình của người dân Hong Kong là cần thiết để đưa ra quan điểm của người dân trước những chính sách về mặt luật pháp và chính trị của chính quyền Hong Kong.
Tuy nhiên việc leo thang bạo lực ở cả hai phía người biểu tình và cảnh sát là đáng lên án. Các cuộc biểu tình này cho thấy luật biểu tình là cần thiết để hỗ trợ người dân biểu đạt suy nghĩ và chính kiến của mình đối với chính quyền.
Chính quyền cần nhanh chóng ứng phó và trả lời các yêu cầu của người dân nhằm tránh xung đột leo thang. Đây là điều mà chính phủ Hong Kong đã không làm được trong thời gian vừa qua.
Theo quan sát của cá nhân, xung đột giữa người biểu tình và chính quyền Hong Kong gần như không thể giải quyết do một trong các yêu sách của người biểu tình đòi hỏi phổ thông đầu phiếu, việc mà Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép nhằm tạo ảnh hưởng chính trị nhất định lên Hong Kong".
Linh mục Nguyễn Kim Sơn phân tích rằng vấn đề ở Hong Kong hiện nay rất là phức tạp và sâu rộng. Ông cho biết cá nhân cũng như đa số người dân Hong Kong đều ủng hộ phong trào dân chủ nhưng cũng không hài lòng về các hành động tấn công bạo lực.
Còn về ý kiến chỉ trích các cuộc tuần hành, phản đối người biểu tình vì cho rằng chính những người này gây nên nên bất ổn, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở Hong Kong, linh mục Sơn lý giải rằng Hong Kong hiện nay có thể nhìn có vẻ như ổn định chứ lâu dài thì chưa chắc :
"Nhưng vấn đề biểu tình thì một nửa ủng hộ, một nửa thì không. Họ muốn một xã hội ổn định. Nhưng trước mắt thì ổn định chứ về lâu dai thì chưa chắc nó đã ổn định. Chỉ là trước mắt thôi, còn về lâu về dài thì người Hong Kong đều ủng hộ vấn đề dân chủ mà".
Cuộc sống có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều
Những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng đã ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế của Hong Kong. Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Hong Kong xác nhận vào ngày 15/11 vừa qua rằng GDP của Hong Kong giảm 3,2% từ tháng Sáu đến tháng Chín. Các ngành kinh doanh, dịch vụ và du lịch đều bị ảnh hưởng nặng nề. Cuộc sống người Việt ở Hong Kong vì vậy cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Linh lục Nguyễn Kim Sơn nói rằng những cuộc biểu tình kéo dài có ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật nhưng ông không thấy quá phiền hà vì đây là tình hình chung :
"Trước mắt không có ảnh hưởng trực tiếp vì tình hình đang xảy ra thì ảnh hưởng chung đến tình hình của Hong Kong.
Thứ nhất là vấn đề giao thông bởi vì người biểu tình trong vấn đề phản đối thì họ cũng có làm thiệt hại đến các tuyến đường xe điện ngầm, các trạm xe điện ngầm. Chính vì vậy, các trạm xe điện ngầm phải điều chỉnh lại giờ hoạt động, rút ngắn thời gian hoạt động. các chuyến xe sẽ ít hơn, một số trạm ngưng hoạt động luôn.
Thứ 2 là ở một số địa điểm gọi là địa điểm nóng người đi lại cũng bị hạn chế.
Tình hình biểu tình kéo dài như vậy thì một số ngành nghề bị giảm thiểu, như là lĩnh vực phục vụ nhà hàng ăn uống không có khách nhiều, cho nên là công ăn việc làm của họ cũng bị ảnh hưởng luôn. Đó là những cái cơ bản.
Nhân viên văn phòng tập trung ủng hộ những người biểu tình đòi dân chủ trong một khu trung tâm mua bán ở Hong Kong hôm 26/11/2019 - AFP - Hình minh họa.
Bạn sinh viên giấu tên cũng cho rằng việc biểu tình ở Hong Kong có ảnh hưởng đến cuộc sống của du học sinh Việt Nam nhưng không nhiều, chủ yếu vẫn là giao thông bị gián đoạn, ách tắc tàu điện khiến việc đi lại khó khăn hơn.
Có thời điểm, việc biểu tình còn khiến các trường đại học phải đóng cửa :
"Các trường đại học phải đóng cửa khiến các bạn sinh viên không còn môi trường để làm việc. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh an ninh thì xã hội Hong Kong vẫn vận hành bình thường.
Các bạn sinh viên nước ngoài gần như được đảm bảo an toàn nếu không trực tiếp tham gia biểu tình hoặc tranh cãi với người biểu tình".
Chị Hương cho biết về những khó khăn mà một người buôn bán như chị đang gặp phải khi những cuộc biểu tình vẫn đang tiếp diễn :
"Ảnh hưởng là thu nhập không đều đặn như trước bởi vì nghỉ hẳn mà nghỉ thì đâu có lương. Rơi vào những thời điểm như thế này thì mình đâu có làm được cái gì đâu, rồi là bên hải quan họ cũng không làm cho nên mình cũng không đánh được hàng về thì mọi thứ tắc nghẽn hết".
Theo tờ South China Morning Post, nhân dịp lễ Tạ ơn năm 2019, hàng ngàn người dân Hong Kong đã xuống đường tuần hành để cảm ơn nước Mỹ vì Tổng thống Trump đã thông qua hai dự luật ủng hộ dân chủ ở Hong Kong vào ngày 27/11/2019.
Theo đó, điều luật này cho phép Hoa Kỳ có thể áp dụng cấm vận đối với các quan chức Trung Quốc và Hong Kong bị xác định là vi phạm nhân quyền. Luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hàng năm phải xem xét tình hình Hong Kong, đảm bảo khu vực này có được các tự do đặc biệt, nếu không Washington sẽ rút lại quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 29/11/2019
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn, vào ngày 22 tháng 9 phát đi lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc lần thứ 9.
Hình minh họa. Một tấm biển với hình Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản trên đường phố Thành phố Hồ Chí Minh hôm 28/4/2015 AP
Nội dung lời kêu gọi có đoạn "toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước hùng cường và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa".
Người dân trong nước hưởng ứng trước kêu gọi mới nhất của một lãnh đạo trong hệ thống điều hành đất nước hiện nay ra sao ?
Ông Trần Quốc Khánh, một người dân thường xuyên bình luận các sự kiện chính trị xã hội trên Facebook cá nhân chia sẻ về lời kêu gọi này rằng :
"Tổ quốc của tôi là dải đất hình chữ S, là dân tộc của tôi, còn cái Xã hội Chủ nghĩa thì thực ra là do Đảng cộng sản Việt Nam đặt ra thôi chứ còn dân tộc của tôi 3900 năm về trước chẳng ai gọi là Xã hội Chủ nghĩa cả, và trong tương lai thì chắc là người ta sẽ không còn gọi như thế !".
Đồng quan điểm, nhà báo Sương Quỳnh từ Sài Gòn bình luận với RFA :
"Xã hội chủ nghĩa hiện nay là một xã hội đang tham nhũng và cái Xã hội chủ nghĩa không tưởng đó thì người dân nào mà bảo vệ trong khi họ không để Tổ quốc, đất nước và nhân dân lên trên thì họ chỉ kêu gọi người dân đi bảo vệ một nhà cầm quyền đang đầy rẫy tham nhũng, đẩy rẫy tha hóa".
Ông Nguyễn Thế Huy, hiện đang tư vấn việc làm tại Nhật Bản cho biết ông cũng không còn "thiết tha" gì với lời kêu gọi như thế này :
"Tôi nghĩ là nó không có chút đánh động nào trong tâm tư của tôi cả. Bởi vì tôi thấy là qua bao nhiêu năm, từ sau năm 75 đến giờ đã 40-50 năm, có những biến cố xảy ra nhưng hầu như mình không có làm một điều gì cụ thể cả, toàn là những lời kêu gọi không nên lòng tin của mình cũng đã giảm đi từ từ".
Cả ba người đều cho rằng sở dĩ Mặt trận Tổ quốc ra lời kêu gọi có nội dung như vậy một phần là do Trung Quốc đang gây hấn với Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính, và Mặt trận Tổ quốc muốn kêu gọi sự ủng hộ của người dân.
Tuy nhiên, nhà báo Sương Quỳnh nói thẳng rằng lời kêu gọi này chỉ mang tính chất lừa mị dân mà thôi :
Áp phích kêu trên đường phố Hà Nội hôm 30/3/2016, kêu gọi người dân đi bầu AFP
"Mặt trận Tổ quốc xưa nay phải làm những việc này để cầu cứu người dân, nhưng thực sự khi người dân lên tiếng bị đàn áp thì Mặt trận Tổ quốc lại làm lơ.
Bây giờ Mặt trận Tổ quốc kêu gọi người dân tham gia bảo vệ đất nước phải có những việc làm cụ thể để chứng minh cho người dân rằng nhà cầm quyền, quân đội, công an và Mặt trận Tổ quốc đang thật lòng để giữ gìn đất nước nhưng có thấy đâu ! Như vậy thì lời kêu gọi này có phải là để mị dân hay không, dối trá hay là một động thái gì đó để đáp ứng cho nhà cầm quyền thôi ? !
Mặt trận Tổ quốc chỉ là một cánh tay nối dài của đảng chứ không phải đang nói tiếng nói của nhân dân".
Còn ông Khánh cũng không tin đây là một Lời kêu gọi thật lòng :
"Lời kêu gọi của bất kì ai trong việc bảo vệ đất nước thì tôi đều ủng hộ nhưng tin vào lời kêu gọi đó hay không thì đó là quan điểm của mỗi người.
Trong lúc Trung Quốc xâm lược Việt Nam ở Bãi Tư Chính thì quan chức Việt Nam vẫn duy trì bang giao hợp tác với Trung Quốc. Đó là một điều người dân rất là lo ngại và lòng tin ở chính quyền thấp lắm".
Trước đây, lãnh đạo chính phủ Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi người dân thực hiện các hoạt động khác nhau như thủ tướng "kêu gọi toàn dân thực hiện Chương trình sức khoẻ Việt Nam", "kêu gọi thanh niên đi bộ 10.000 bước mỗi ngày", "kêu gọi chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa"… Nhưng hầu hết những lời kêu gọi đó đều "đi vào quên lãng".
Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại gây chú ý với hai lời kêu gọi hôm 19/6/2019, ông kêu gọi người dân "đồng cam cộng khổ’ cùng chính phủ trả nợ công".
Hôm 9/8, ông Phúc lại kêu gọi các tôn giáo cảnh giác các thế lực lợi dụng chính sách của nhà nước để chống phá.
Bình luận về vấn đề này, nhà báo Sương Quỳnh cho biết bởi vì người dân đã bị lừa quá nhiều nên chẳng còn tin vào lời kêu gọi của lãnh đạo :
"Không còn người dân tin vào cái lời đấy của ông Phúc. Mà có phải là đất nước nghèo hay kinh tế suy thoái đâu mà do chính tham nhũng, chính lãnh đạo phá hoại môi trường, chính lãnh đạo mang đầu tư từ Trung Quốc để phá hoại đất nước. Thế thì kêu gọi người dân đồng cam cộng khổ cái gì khi mà tham nhũng đầy ra, quan thì giàu dân thì nghèo.
Nếu như nhà cầm quyền này vì dân, nếu đất nước này nghèo khổ thì nhân dân xưa nay vẫn đồng cam cộng khổ.
Ông Hồ ngày xưa kêu gọi xây dựng đất nước đã có nhiều người dân bị lừa rồi. Như Bà Năm (người đầu tiên bị xử tử trong Cải cách Ruộng đất - PV) nuôi ông Hồ và các ông ấy nhưng bà là người bị xử đầu tiên, thế thì bây giờ người dân có còn tin vào các ông ấy nữa ?"
Ông Trần Quốc Khánh cũng từng là một cựu chiến binh, cho biết trong quá khứ, đã rất nhiều lần người dân tin và hưởng ứng lời kêu gọi đồng hành cùng Chính phủ, ví dụ như trong cuộc chiến tranh Biên Giới phía Bắc và cuộc chiến Biên Giới Tây Nam, đã có hàng chục ngàn người dân sẵn sàng bỏ tính mạng để tham gia bảo vệ đất nước nhưng sau đó Việt Nam lại tiếp tục bang giao với Trung Quốc. Theo ông Khánh, điều đó cho thấy giá trị hi sinh của người dân là rẻ quá.
Trả lời câu hỏi rằng "Bây giờ lãnh đạo Việt Nam cần phải làm gì để lấy lại được lòng tin từ người dân"
Ông Nguyễn Thế Huy nói rằng trước hết nếu lãnh đạo Việt Nam muốn người dân hưởng ứng những lời kêu gọi như thế này thì Chính phủ phải có những hành động cụ thể để người dân có niềm tin :
"Tôi nghĩ phải có hành động cụ thể thì tôi mới hưởng ứng được ví dụ như bây giờ Trung Cộng xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam thì ít ra chính phủ phải có hành động cụ thể nào đi đã. Chẳng hạn như cho người dân trong nước tuần hành biểu tình chống Trung Cộng. Tất cả các nơi trên thế giới người ta đều có quyền tự do biểu tình nói lên chính kiến của mình.
Thứ hai bây giờ phải thu thập tất cả bằng chứng về quyền lãnh thổ của Việt Nam để đưa ra Tòa án quốc tế. Đó là hai chuyện mà tôi nghĩ cần phải làm như vậy thì lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc mới có tác động với người dân.
Ngoài ra, nếu Chính phủ muốn lấy lại lòng tin, sự đồng hành của người dân thì phải xuất phát từ chính cán bộ nhà nước :
"Trước tiên những người cán bộ phải hưởng ứng. Đã có bao nhiêu vụ án tham nhũng xảy ra, lấy của công xây đường sá hạ tầng bất cứ chỗ nào cũng bị rút ruột, thì mình thấy chính người cán bộ đó phải trả lại tiền thì người dân mới hưởng ứng được.
Nói chung là kêu gọi phải có sự cụ thể, mà sự cụ thể đó phải do người cán bộ Cộng sản đi đầu mới được".
Hình minh họa. Biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh phản đối luật An ninh mạng và dự luật Đặc Khu tháng 6/2018 - AFP
Theo ông Trần Quốc Khánh, trước khi kêu gọi người dân làm gì, Chính phủ phải đáp ứng những quyền cơ bản của người dân :
"Lời kêu gọi của Chính phủ hay của những đơn vị gọi là cánh tay nối dài của đảng thì chúng tôi cũng phải yêu cầu ngược lại, tức là các anh phải phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân, tôn trọng quyền thành lập hội đoàn của người dân thì từ đó người dân mới có chỗ dựa, tiếng nói mới có giá trị.
Còn nếu như anh không tôn trọng những điều ấy cứ lúc nào anh cần thì hô hào, sau đó thì chưa chắc anh đã thực hiện".
Nhà báo Sương Quỳnh thì thẳn thắn nêu quan điểm :
"Lãnh đạo muốn lấy lại lòng tin của người dân thì phải thay đổi thể chế thôi, phải có tam quyền phân lập. Chính họ phải thực hiện đúng pháp lý và hiến pháp mà họ đưa ra chứ chưa cần đến hiến pháp hòa nhập với thế giới".
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 26/09/2019
Vừa qua, Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Văn Phúc, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng cộng sản Trung ương trả lời phỏng vấn báo chí trong nước về thực trạng nhiều thanh niên ngại xin vào đảng.
Đoàn viên Thanh niên Cộng sản Việt Nam diễu hành vào ngày 2/9/2015 - AFP
Phản bác, phản biện
Có 3 nguyên nhân chính được ông Vũ Văn Phúc nêu ra về tình trạng thanh niên hiện nay không muốn vào đảng :
Thứ nhất, "tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở nhận thức về vấn đề bồi dưỡng quần chúng để kết nạp vào đảng còn chưa thực sự chú trọng. Nhiều tổ chức, cơ sở Đảng, nhiều chi bộ không quan tâm đến việc kết nạp đảng viên, nên có những chi bộ mấy năm không kết nạp được đảng viên mới nào".
Đối với nguyên nhân này, Cát Linh, một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội có phản biện :
"Từ lúc bắt đầu đi học, học sinh đã bị bắt gia nhập vào Đội, Đoàn, phải học về Đảng cộng sản rất nhiều cho tới hết cấp hai, cấp ba nên có thể thấy công tác tuyên truyền là rất tốt, cả về mặt truyền thông".
Thứ hai, theo lời phó giáo sư- tiến sĩ Vũ Văn Phúc "về đảng viên, bên cạnh đại bộ phận đảng viên tốt, còn một bộ phận không nhỏ đảng viên có biểu hiện suy thoái, đặc biệt là đảng viên cấp cao, nhiều đồng chí bị xử lý kỷ luật, thậm chí có đồng chí bị truy tố hình sự, vào tù. Nhiều thanh niên nhìn vào đó mà không phấn đấu vào Đảng. Họ băn khoăn vào Đảng mà như những đồng chí ấy thì vào Đảng làm gì".
Bạn Minh Phụng, 26 tuổi, hiện đang kinh doanh ở Sài Gòn nêu ý kiến :
"Đảng viên suy thoái vốn đã nhiều xưa giờ, chẳng qua bây giờ "thế giới phẳng" nên nhiều người trẻ biết vấn đề hơn thôi".
Ông Vũ Văn Phúc cho biết thêm trong bài trả lời phỏng vấn rằng từ năm 2011-2017, Đảng cộng sản Việt nam đã kết nạp hơn 1,4 triệu đảng viên. Nhưng cũng trong giai đoạn này, có gần 51.000 đảng viên bị kỷ luật xóa tên, trong đó gần 12.500 đảng viên bị kỷ luật khai trừ.
Kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ ghế Tổng bí thư, hàng loạt đảng viên bị kỷ luật, khởi tố. Chính Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại phiên họp thứ 16 nêu rõ tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật đảng, và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư Quản lý. Điển hình như là kỷ luật cựu bộ trưởng Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn liên quan tới vụ MobiFone mua AVG, bắt Vũ Nhôm, Út Trọc, truy bắt Trịnh Xuân Thanh hay nổi cộm nhất là lần đầu tiên bắt giam xét xử một ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm Đinh La Thăng.
Thứ ba, là do bản thân quần chúng, đặc biệt là thanh niên nhận thức chưa đúng về đảng, về vai trò lãnh đạo của Đảng, của người cán bộ đảng viên. Động cơ của họ không rõ ràng nên họ không phấn đấu vào Đảng".
Trả lời về nhận định này, bạn Minh Phụng khẳng định "Họ chán ngán không quan tâm chuyện vào đảng chứ không phải là nhận thức sai".
Ngoài ra, ông Vũ Văn Phúc cũng phản bác những ý kiến nói rằng vào đảng sẽ được ưu tiên trong tuyển dụng, học hành. Theo ông, vào Đảng để phục vụ sự nghiệp cách mạng chung của Đảng, của đất nước, khi đất nước phát triển thì quyền lợi của từng đảng viên cũng phát triển theo, chứ không phải vào Đảng để được ưu tiên trong tuyển dụng, đi học nước ngoài.
Nhà hoạt động Cát Linh cũng cho rằng "Nhận định vào đảng sẽ dễ được thăng tiến hơn không hẳn là đúng vì hiện nay vẫn có nhiều đảng viên bị oan, có những đảng viên vẫn phải quỳ xuống để xin được gửi đơn…
Nhưng cũng có những người được thăng tiến rất nhanh, có lẽ là nhờ mối quan hệ hoặc tiền bạc hay cách nào đó. Hiện nay nếu muốn vào đảng để được thăng tiến thì cũng phải có gia đình hậu thuẫn, có cơ sở, có quan hệ, có tiền… Còn những người không có gì cả vào đảng cũng chỉ để phục vụ họ thôi".
Không vào đảng vì sợ bị ràng buộc !
Giải thích về thực trạng ngày càng ít thanh niên xin vào đảng, giảng viên trường Đại học âm nhạc Huế, bà Dương Bích Hà, người tuyên bố ra khỏi Đảng cộng sản vào năm 2018 nói với RFA :
"Qua một số em sinh viên trình bày, nói chuyện với mình thì mình thấy các em hầu như cũng rất sợ vào đảng. Bởi vì có những vấn đề làm cho các em mất lòng tin. Chính vì mất lòng tin nên các em tránh né, không muốn mình bị bó buộc vào một cái gì hết.
Các em bàn về vấn đề chính trị rất nhiều nhưng theo góc nhìn của các em thôi. Có thể các em chưa hiểu biết sâu sắc lắm về các vấn đề chính trị xã hội, nhưng nhìn thực trạng của xã hội hiện giờ, các em tuy không dám nói ra nhưng hầu hết đều không muốn vào đảng".
Nhà hoạt động trẻ Cát Linh cho biết mình chưa bao giờ quan tâm đến chuyện xin vào đảng. Tuy nhiên, việc tham gia đảng phái nào là quyền tự do cá nhân của mỗi người.
"Không hẳn cứ vào đảng mới làm được việc có ích cho đất nước. Khi mình chưa có mục đích để vào đảng thì cũng không nên vào làm gì cả.
Những nhà báo hay người hoạt động xã hội dân như mình thì mục đích là muốn giúp đất nước trở nên tốt đẹp hơn. Và mình không nghĩ vào đảng sẽ là cách giúp đất nước".
Mỗi người có một quan điểm riêng và chuyện tham gia đảng phái nào cũng là tự do của mỗi người. Quan trọng là những người trong hàng ngũ chính phủ có làm việc tốt hay không, có mang lại lợi ích cho người dân hay không mà thôi.
Thế nhưng Việt Nam chỉ có duy nhất một đảng lãnh đạo, mình thấy rằng điều đó sẽ gây ra nhiều bất lợi cho đất nước này".
Còn bạn Minh Phụng thẳng thắn nêu quan điểm rằng chưa bao giờ muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản, bởi vì đảng viên phải chịu nhiều ràng buộc :
"Hiện nay thế giới trở nên "phẳng" và cơ hội tiếp cận quốc tế đã dễ dàng hơn trước rất nhiều dẫn đến việc người trẻ càng có xu hướng muốn tự khẳng định giá trị bản thân và vươn ra "biển lớn".
Nếu tự khẳng định bản thân và vươn ra "biển lớn" đòi hỏi sự tự do tự tin và bản lĩnh, mà những thứ đó lại không có được khi vào Đảng.
Nói cách khác vào đảng thì không có tự do vì bị ràng buộc, không có bản lĩnh vì hèn nhát luồn cúi và dựa dẫm. Chính điều đó làm thui chột đi bản lĩnh và giá trị bản thân".
Bỏ đảng vì mất lòng tin
Bên cạnh tình trạng thanh niên Việt Nam ngày càng e ngại vào đảng, ngay chính nhiều đảng viên cũng quá thất vọng khi đã đứng trong hàng ngũ đảng viên Cộng sản.
Bà Dương Bích Hà chia sẻ với RFA rằng mình từng là một đảng viên nhiệt huyết, muốn vào đảng để góp sức xây dựng xã hội. Tuy nhiên, càng ngày bà càng nhận ra rằng đảng là nơi để nhiều người trục lợi cho bản thân. Năm 2018, bà ra khỏi Đảng cộng sản vì không muốn làm những điều trái với lương tâm :
"Mình xin ra khỏi Đảng còn là vì những con người xung quanh mình luôn nhân danh Đảng, nhân danh luật để làm bậy.
Từ nhỏ đã là một bí thư Đoàn với một tinh thần khí thế, luôn luôn muốn đóng góp sức khỏe của thanh niên, muốn hòa chung với tình hình với cả nước. Hồi đó, suy nghĩ của mình là vào được đảng cũng tốt và cũng không có những suy nghĩ sâu sắc lắm về chính trị.
Nhưng đến khi mình vào rồi thì gặp rất nhiều vấn đề như là bè phái, những người nói một đường làm một nẽo. Những người có chức có quyền hơn lại thoái hóa và biến chất, họ tìm mọi cách để chèn ép. Mình nhận ra một vấn đề là ở ngoài xã hội tất cả những người làm bậy đều là đảng viên cả".
Bà Dương Bích Hà nêu ra thực tế bị những đảng viên nhân danh tổ chức ép bà phải làm những điều mà theo bà là trái lương tâm. Bản thân bà nhận thấy nếu tiếp tục ở trong đảng thì sẽ không làm được gì hết và không thể bày tỏ được chính kiến của bản thân.
Bà phân tích rằng khẩu hiệu khi vào đảng là "phê bình và tự phê bình" thật là hay ; nhưng khi thực hiện lại nhằm để trù dập. Những người lên tiếng nói lên sự thật luôn luôn bị o ép.
Chính vì mất lòng tin bà Hà ra khỏi đảng. Thế nhưng việc từ bỏ đảng cũng không phải dễ dàng gì như trong trường hợp của bà :
"Khi đã xin ra khỏi đảng rồi thì biết bao nhiêu người bên tỉnh ủy đã gặp vận động mình rút đơn. Họ còn doạ mình đủ thứ, động đến quyền lợi của con cái mình, nói đủ chuyện nhưng mình vẫn dứt khoát chấp nhận ra khỏi đảng.
Sau khi họ thấy không khuyên mình rút đơn được nên phải chấp nhận cho mình ra đảngnhưng lại đưa ra một quyết định nói rằng mình là người vô tổ chức, ý thức kỷ luật kém. Vì vậy, mình lại càng mất lòng tin vào Đảng".
Giảng viên Bích Hà là một trong trong số gần 20 người tuyên bố rời bỏ Đảng cộng sản sau sự kiện ông Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức bị Ban Kiểm tra trung ương Đảng cộng sản đề nghị kỷ luật vào năm 2018.
Suốt từ năm 2011 đến nay, đã có nhiều lần các đảng viên, trí thức ở Việt Nam bỏ đảng như luật gia Lê Hiếu Đằng, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và bác sĩ Nguyễn Đắc Diên. Năm 2013, Nghệ sĩ ưu tú Kim Chi cũng tuyên bố ra khỏi Đảng.
Vào tháng 12/2017, ông Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu ở Hải Phòng về nhu cầu thúc đẩy công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Ông Trọng yêu cầu Đoàn cần giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác thông tin sai trái, chống phá xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội, "tránh tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị".
Đó là lối nói ‘văn vẻ’ của ông Nguyễn Phú Trọng ; trong thực tế đã lâu nay hầu hết những người trẻ ở Việt Nam còn cam tâm phấn đấu tham gia đảng từ những nấc đầu tiên đều chỉ vì danh lợi cá nhân.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 16/08/2019