Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn, vào ngày 22 tháng 9 phát đi lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc lần thứ 9.
Hình minh họa. Một tấm biển với hình Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản trên đường phố Thành phố Hồ Chí Minh hôm 28/4/2015 AP
Nội dung lời kêu gọi có đoạn "toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước hùng cường và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa".
Người dân trong nước hưởng ứng trước kêu gọi mới nhất của một lãnh đạo trong hệ thống điều hành đất nước hiện nay ra sao ?
Người dân thờ ơ
Ông Trần Quốc Khánh, một người dân thường xuyên bình luận các sự kiện chính trị xã hội trên Facebook cá nhân chia sẻ về lời kêu gọi này rằng :
"Tổ quốc của tôi là dải đất hình chữ S, là dân tộc của tôi, còn cái Xã hội Chủ nghĩa thì thực ra là do Đảng cộng sản Việt Nam đặt ra thôi chứ còn dân tộc của tôi 3900 năm về trước chẳng ai gọi là Xã hội Chủ nghĩa cả, và trong tương lai thì chắc là người ta sẽ không còn gọi như thế !".
Đồng quan điểm, nhà báo Sương Quỳnh từ Sài Gòn bình luận với RFA :
"Xã hội chủ nghĩa hiện nay là một xã hội đang tham nhũng và cái Xã hội chủ nghĩa không tưởng đó thì người dân nào mà bảo vệ trong khi họ không để Tổ quốc, đất nước và nhân dân lên trên thì họ chỉ kêu gọi người dân đi bảo vệ một nhà cầm quyền đang đầy rẫy tham nhũng, đẩy rẫy tha hóa".
Ông Nguyễn Thế Huy, hiện đang tư vấn việc làm tại Nhật Bản cho biết ông cũng không còn "thiết tha" gì với lời kêu gọi như thế này :
"Tôi nghĩ là nó không có chút đánh động nào trong tâm tư của tôi cả. Bởi vì tôi thấy là qua bao nhiêu năm, từ sau năm 75 đến giờ đã 40-50 năm, có những biến cố xảy ra nhưng hầu như mình không có làm một điều gì cụ thể cả, toàn là những lời kêu gọi không nên lòng tin của mình cũng đã giảm đi từ từ".
Cả ba người đều cho rằng sở dĩ Mặt trận Tổ quốc ra lời kêu gọi có nội dung như vậy một phần là do Trung Quốc đang gây hấn với Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính, và Mặt trận Tổ quốc muốn kêu gọi sự ủng hộ của người dân.
Tuy nhiên, nhà báo Sương Quỳnh nói thẳng rằng lời kêu gọi này chỉ mang tính chất lừa mị dân mà thôi :
Áp phích kêu trên đường phố Hà Nội hôm 30/3/2016, kêu gọi người dân đi bầu AFP
"Mặt trận Tổ quốc xưa nay phải làm những việc này để cầu cứu người dân, nhưng thực sự khi người dân lên tiếng bị đàn áp thì Mặt trận Tổ quốc lại làm lơ.
Bây giờ Mặt trận Tổ quốc kêu gọi người dân tham gia bảo vệ đất nước phải có những việc làm cụ thể để chứng minh cho người dân rằng nhà cầm quyền, quân đội, công an và Mặt trận Tổ quốc đang thật lòng để giữ gìn đất nước nhưng có thấy đâu ! Như vậy thì lời kêu gọi này có phải là để mị dân hay không, dối trá hay là một động thái gì đó để đáp ứng cho nhà cầm quyền thôi ? !
Mặt trận Tổ quốc chỉ là một cánh tay nối dài của đảng chứ không phải đang nói tiếng nói của nhân dân".
Còn ông Khánh cũng không tin đây là một Lời kêu gọi thật lòng :
"Lời kêu gọi của bất kì ai trong việc bảo vệ đất nước thì tôi đều ủng hộ nhưng tin vào lời kêu gọi đó hay không thì đó là quan điểm của mỗi người.
Trong lúc Trung Quốc xâm lược Việt Nam ở Bãi Tư Chính thì quan chức Việt Nam vẫn duy trì bang giao hợp tác với Trung Quốc. Đó là một điều người dân rất là lo ngại và lòng tin ở chính quyền thấp lắm".
"Dân đã bị lừa quá nhiều lần" !
Trước đây, lãnh đạo chính phủ Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi người dân thực hiện các hoạt động khác nhau như thủ tướng "kêu gọi toàn dân thực hiện Chương trình sức khoẻ Việt Nam", "kêu gọi thanh niên đi bộ 10.000 bước mỗi ngày", "kêu gọi chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa"… Nhưng hầu hết những lời kêu gọi đó đều "đi vào quên lãng".
Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại gây chú ý với hai lời kêu gọi hôm 19/6/2019, ông kêu gọi người dân "đồng cam cộng khổ’ cùng chính phủ trả nợ công".
Hôm 9/8, ông Phúc lại kêu gọi các tôn giáo cảnh giác các thế lực lợi dụng chính sách của nhà nước để chống phá.
Bình luận về vấn đề này, nhà báo Sương Quỳnh cho biết bởi vì người dân đã bị lừa quá nhiều nên chẳng còn tin vào lời kêu gọi của lãnh đạo :
"Không còn người dân tin vào cái lời đấy của ông Phúc. Mà có phải là đất nước nghèo hay kinh tế suy thoái đâu mà do chính tham nhũng, chính lãnh đạo phá hoại môi trường, chính lãnh đạo mang đầu tư từ Trung Quốc để phá hoại đất nước. Thế thì kêu gọi người dân đồng cam cộng khổ cái gì khi mà tham nhũng đầy ra, quan thì giàu dân thì nghèo.
Nếu như nhà cầm quyền này vì dân, nếu đất nước này nghèo khổ thì nhân dân xưa nay vẫn đồng cam cộng khổ.
Ông Hồ ngày xưa kêu gọi xây dựng đất nước đã có nhiều người dân bị lừa rồi. Như Bà Năm (người đầu tiên bị xử tử trong Cải cách Ruộng đất - PV) nuôi ông Hồ và các ông ấy nhưng bà là người bị xử đầu tiên, thế thì bây giờ người dân có còn tin vào các ông ấy nữa ?"
Ông Trần Quốc Khánh cũng từng là một cựu chiến binh, cho biết trong quá khứ, đã rất nhiều lần người dân tin và hưởng ứng lời kêu gọi đồng hành cùng Chính phủ, ví dụ như trong cuộc chiến tranh Biên Giới phía Bắc và cuộc chiến Biên Giới Tây Nam, đã có hàng chục ngàn người dân sẵn sàng bỏ tính mạng để tham gia bảo vệ đất nước nhưng sau đó Việt Nam lại tiếp tục bang giao với Trung Quốc. Theo ông Khánh, điều đó cho thấy giá trị hi sinh của người dân là rẻ quá.
Làm sao để lấy lại được lòng tin từ người dân ?
Trả lời câu hỏi rằng "Bây giờ lãnh đạo Việt Nam cần phải làm gì để lấy lại được lòng tin từ người dân"
Ông Nguyễn Thế Huy nói rằng trước hết nếu lãnh đạo Việt Nam muốn người dân hưởng ứng những lời kêu gọi như thế này thì Chính phủ phải có những hành động cụ thể để người dân có niềm tin :
"Tôi nghĩ phải có hành động cụ thể thì tôi mới hưởng ứng được ví dụ như bây giờ Trung Cộng xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam thì ít ra chính phủ phải có hành động cụ thể nào đi đã. Chẳng hạn như cho người dân trong nước tuần hành biểu tình chống Trung Cộng. Tất cả các nơi trên thế giới người ta đều có quyền tự do biểu tình nói lên chính kiến của mình.
Thứ hai bây giờ phải thu thập tất cả bằng chứng về quyền lãnh thổ của Việt Nam để đưa ra Tòa án quốc tế. Đó là hai chuyện mà tôi nghĩ cần phải làm như vậy thì lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc mới có tác động với người dân.
Ngoài ra, nếu Chính phủ muốn lấy lại lòng tin, sự đồng hành của người dân thì phải xuất phát từ chính cán bộ nhà nước :
"Trước tiên những người cán bộ phải hưởng ứng. Đã có bao nhiêu vụ án tham nhũng xảy ra, lấy của công xây đường sá hạ tầng bất cứ chỗ nào cũng bị rút ruột, thì mình thấy chính người cán bộ đó phải trả lại tiền thì người dân mới hưởng ứng được.
Nói chung là kêu gọi phải có sự cụ thể, mà sự cụ thể đó phải do người cán bộ Cộng sản đi đầu mới được".
Hình minh họa. Biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh phản đối luật An ninh mạng và dự luật Đặc Khu tháng 6/2018 - AFP
Theo ông Trần Quốc Khánh, trước khi kêu gọi người dân làm gì, Chính phủ phải đáp ứng những quyền cơ bản của người dân :
"Lời kêu gọi của Chính phủ hay của những đơn vị gọi là cánh tay nối dài của đảng thì chúng tôi cũng phải yêu cầu ngược lại, tức là các anh phải phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân, tôn trọng quyền thành lập hội đoàn của người dân thì từ đó người dân mới có chỗ dựa, tiếng nói mới có giá trị.
Còn nếu như anh không tôn trọng những điều ấy cứ lúc nào anh cần thì hô hào, sau đó thì chưa chắc anh đã thực hiện".
Nhà báo Sương Quỳnh thì thẳn thắn nêu quan điểm :
"Lãnh đạo muốn lấy lại lòng tin của người dân thì phải thay đổi thể chế thôi, phải có tam quyền phân lập. Chính họ phải thực hiện đúng pháp lý và hiến pháp mà họ đưa ra chứ chưa cần đến hiến pháp hòa nhập với thế giới".
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 26/09/2019