Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/07/2019

Đảng - Văn nghệ sĩ và tiền

Phạm Trần

Nếu đem câu nói "Dân tộc nào có Văn hóa ấy" gán cho 96 triệu người dân Việt Nam đang ngoi ngóp trong đời sống văn hóa và nghệ thuật hiện nay thì rất oan, vì người dân chẳng có trách nhiệm gì với cái thứ văn nghệ được Đảng chỉ huy và nuôi ăn 85 tỷ đồng.

huuthinh1

Câu nói khó quên của ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch 20 năm Hội Nhà văn, Chủ tịch tổ chức Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật - Ảnh minh họa

Theo thừa nhận của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch 20 năm Hội Nhà văn, Chủ tịch tổ chức Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật thì các hội vẫn tiếp tục được nhà nước hỗ trợ. Ông hân hoan nói : "Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta".

Ngân sách nhà nước bỏ ra nuôi ăn khoảng 40,000 hội viên là 85 tỷ đồng mỗi năm. Ông Hữu Thỉnh đã kể lể tại lễ tổng kết hoạt động của Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật ngày 09/01/2019, rằng : "Năm 2018 là năm Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặt hái được nhiều thành công nhưng cũng là một năm nhiều thử thách. "Đất nước phát triển thuận lợi nhưng chúng ta thì khó khăn vô cùng, đến mức bị đặt vào tình thế "tồn tại hay không tồn tại" (Tuổi Trẻ online, 09/01/2019).

Theo Tuổi Trẻ thì : "Nguyên nhân gieo rắc khó khăn cho Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chính là đề án cải tiến phương thức hoạt động các hội văn học nghệ thuật của Bộ Nội vụ".

Theo ông Hữu Thỉnh thì đây là : "Một đề án rất dày, công phu, nhưng tựu trung lại chỉ có mấy chữ thôi : tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải. Nghĩa là chúng ta sẽ không có biên chế, trụ sở, không được hỗ trợ nữa".

Ông nói : "Không thể để cho giới văn học nghệ thuật của chúng ta tự trang trải được đâu. Bao thế hệ tài năng, hết lòng vì đất nước !"

Ông Thỉnh cho rằng nếu Nhà nước quyết làm theo đề án này nghĩa là sẽ "biến đội quân sáng tạo tinh thần cho đất nước chỉ lo kiếm sống "… Như vậy thì Nhà nước sẽ mất nhiều hơn được. Nhà nước chỉ tiết kiệm được 85 tỉ đồng mỗi năm nhưng lại mất đội quân 4 vạn người là những "chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước", "mất cả đội ngũ bao năm gắn bó với đất nước, với cách mạng và sáng tạo ra đời sống tinh thần cho nhân dân".

Ông thê thảm hóa rằng : "Đẩy 4 vạn văn nghệ sĩ cả nước đi chạy quảng cáo, xin tài trợ kiếm sống thì thời giờ đâu để trở thành chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước".

Vì vậy, vẫn theo Tuổi Trẻ, "ông cùng các lãnh đạo Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã kiên trì trình bày những trăn trở này với lãnh đạo cao nhất".

Cuối cùng, ông Thỉnh đã toại nguyện với khoản tiền trợ cấp 85 tỷ đồng. Ông đã hí hửng nói với các nhà văn : "Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thực chất là Nhà nước nuôi… Nhà nước nuôi anh em chúng ta".

Văn chương - nô dịch

Với nội dung câu chuyện kể của ông Hữu Thỉnh thì đồng tiền đã được lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam sử dụng để nắm đầu văn nghệ sĩ Việt Nam. Nhưng từ trước tới nay đảng vẫn chi tiền nuôi ăn các tổ chức ngoại vi của đảng gồm Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…

Ngoài ra ngân sách còn đài thọ hoạt động cho 28 Hội "đặc thù khác" của đảng, trong đó có Hội Nhà báo và Hội Nhà văn.

Tổng kinh phí được phổ biến năm 2014 của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Viet Nam Institute for Economic and Policy Research-VEPR) đưa ra là khoảng 14.000 tỉ đồng.

Nhưng nếu tính thêm trị giá đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác thì chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm từ 45.600 đến 68.100 tỷ đồng, tương đương 1-1,7% Tổng sản lượng nội địa.

Như vậy, rõ ràng các Tổ chức được gọi là "quần chúng" lại không phải của dân, do dần và vì dân mà do đảng lập ra để phục vụ cho quyền lợi của đảng

Điều lệ của "Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam" (Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật) là bằng chứng tay sai của Tổ chức này :

"Điều 5. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

1. Liên hiệp tổ chức, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và theo nguyên tắc :

a) Tự nguyện, tự quản :

b) Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch :

c) Không vì mục đích lợi nhuận :

d) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Liên hiệp.

2. Liên hiệp là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện đầy đủ mọi trách nhiệm của một tổ chức thành viên Mặt trận theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương, dân chủ.

Ngoài vai trò tay sai công khai, hoạt động của Tổ chức Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật quy định ở Điều 2 nguyên văn như sau :

Điều 2 : Tôn chỉ, mục đích

"1. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (sau đây gọi tắt là Liên hiệp) là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đại diện cho các tổ chức thành viên có cùng tôn chỉ, mục đích, có tư cách pháp nhân, phạm vi hoạt động trong cả nước, gồm : các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các Hội Văn học nghệ thuật địa phương) và Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Mục đích của Liên hiệp là tập hợp, đoàn kết các tổ chức thành viên, các Hội Văn học nghệ thuật để phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau trong các hoạt động nghề nghiệp, hoạt động xã hội nhằm xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Vậy thế nào là "sáng tạo văn học nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" ?

Đó là thứ văn học nghệ thuật "của đảng, do đảng và vì đảng" cho nên nền văn học Việt Nam cứ mãi dậm chân tại chỗ để tiếp tục đi theo lối mòn một chiều, khô cứng và giáo điều của Tuyên giáo Đảng. Đó còn là thứ Văn học đang "đứng trơ vơ" như "con lạc chợ" giữa sau chiến tranh và thời kỳ hơn 30 năm được gọi là "đổi mới, hội nhập".

Từ lâu, giới lãnh đạo Văn nghệ đảng đã than phiền "vì sao Nhà văn thì nhiều : Tác phẩm in ra cũng không đếm hết mà vẫn chưa có Tác phẩm đỉnh cao" tiêu biểu cho thời đại vươn lên và hội nhập của toàn dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng" ?

Thắc mắc này đã được Nhà Thơ Hữu Việt ghi lại trên báo Nhân Dân của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, ngày 25/07/2019, trong cuộc nói chuyện với Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh và Nhà phê bình Văn học, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng.

Nguyên văn :

Nhà thơ Hữu Việt : "Từ những năm 80 trở về trước, chúng ta dễ dàng gọi ra một dòng văn học chủ lưu, đó là văn học về chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên hiện nay, quan niệm về dòng văn học chủ lưu đã thay đổi. Có ý kiến cho rằng đó là dòng văn học đổi mới, được thai nghén và khởi đầu từ năm 1986. Nhưng hơn 30 năm đã qua, bình tĩnh nhìn lại thì liệu đây có phải dòng văn học chủ lưu hay không ?"

Nhà phê bình văn học Đinh Xuân Dũng : Thời gian vừa qua, do công việc nên tôi đọc khá nhiều tác phẩm văn học và nghĩ cũng nhiều. Chỉ từ tháng 10-2016 đến nay, tôi đọc khoảng 360 tác phẩm thuộc tất cả các thể loại, điều này không phải để khoe mà để nói lên băn khoăn, rằng, so với dòng văn học chủ lưu thời kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thì cho đến hiện tại, văn học Việt Nam vẫn chưa định hình vì quá trình tìm kiếm của nó vẫn chưa kết thúc. Đây là giai đoạn quá độ hết sức vất vả, khó khăn, tự tìm kiếm mình, thể hiện qua bốn xu hướng. Thứ nhất, nỗ lực tiếp nối những thành tựu và những giá trị bền vững của văn học thời kỳ chống Mỹ. Thứ hai, nỗ lực vượt qua hạn chế về lịch sử của giai đoạn đó, đổi mới sáng tác : những ai vượt qua được chính mình thì sẽ có chỗ đứng trong văn học. Thứ ba, cố gắng hiện đại hóa văn chương, nhưng con đường này còn đang đi nửa chừng nên chất lượng và hiệu quả nghệ thuật không cao. Và xu hướng thứ tư, những sáng tác tưởng rằng đổi mới, nhưng thực chất bế tắc, lúng túng không tìm ra đường đi trúng của văn học, rơi vào sự tầm thường, tẻ nhạt.

Cả bốn quá trình này đều đang diễn ra nên chưa thể khẳng định xu hướng nào sẽ phát triển trở thành dòng chủ lưu.

Nhà thơ Hữu Thỉnh : "Còn theo tôi quan sát, dòng chủ lưu của văn học nước ta hiện nay là yêu nước, nhân văn và dân chủ, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Một tâm trạng chung là ai cũng khao khát, cũng trằn trọc để tự vượt, tự đổi mới. Có nhiều khó khăn, nhất là về đời sống, nhưng sách vẫn ra nhiều, và có những sách hay. Nhất là về đề tài lịch sử, về hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Có nhiều tác phẩm trực diện đi vào những vấn đề trung tâm hiện nay là đạo đức xã hội, chống tha hóa, chống suy thoái, chống tham nhũng, khắc phục bệnh cửa quyền, xa dân, mất dân chủ. Đồng thời cũng cho ta thấy biết bao nhân cách đẹp đẽ, vững vàng, đáng trân trọng. Ở đây có vấn đề đánh giá và khả năng đánh giá. Cả một rừng sách, khó có nhà phê bình nào có thể bao quát được tất cả. Cũng có những tác phẩm công phu, những phát hiện mới mẻ nhưng ít được biết đến, hoặc đánh giá chưa đúng mức".

Nghe ông Hữu Thỉnh nói "văn học nước ta hiện nay là yêu nước, nhân văn và dân chủ" mà chói tai vì hoàn toàn sai sự thật. Nếu yêu nước là "yêu xã hội chủ nghĩa" : nhân văn phải là thứ "văn hóa của con người Cộng sản" và dân chủ là thứ "xin cho" như đang diễn ra ở Việt Nam thì đó là thứ "văn học xếp hàng kiểu tem phiếu của thời kỷ bao cấp".

Trả lời của 20 ngòi bút

Bằng chứng lời nói của ông Hữu Thỉnh là bâng quơ theo "lề đảng" đã bị lật tẩy trong tuyên bố ra khỏi Hội Nhà văn của 20 cấy bút nổi tiếng ngày 11/05/2015.

Tuyên bố bắt đầu rằng : "Là những người viết văn đã nhiều năm tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam, đã góp sức xây dựng Hội qua thời chiến cũng như thời bình, đã đau xót trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Hội trong những năm gần đây và tích cực góp ý với Hội để khắc phục tình trạng ấy".

"Đến hôm nay, nhận thấy tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi nhiều điều căn bản trong điều lệ và tổ chức của Hội để Hội thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản".

"Nhận thấy khả năng thay đổi trên càng không thể xảy ra khi lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đã tự tiện tước quyền tham gia Đại hội lần 9 sắp tới của chúng tôi với lý do chúng tôi là thành viên của một ban vận động thành lập một văn đoàn tương lai – đó là việc làm vi phạm trắng trợn điều lệ hiện hành của Hội Nhà văn Việt Nam, tước bỏ một trong những quyền cơ bản của hội viên và công dân, xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người cầm bút".

"Chúng tôi tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam kể từ ngày hôm nay, 11 tháng 5 năm 2015".

Theo tin của Hội Nhà văn Việt Nam của đảng vào thời ký đó thì : "Trong phiên bỏ phiếu bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/5/2015, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị những người tham dự gạch tên chín người sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và tham gia Văn đoàn độc lập.

Chín người này là Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Ý Nhi, Hiền Phương, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Thân, và Phạm Đình Trọng.

Tổ chức Văn đoàn độc lập, do Nhà văn Nguyên Ngọc đứng đầu cuộc vận động từ năm 2014 đã đưa ra lời kêu gọi về "quyền tự do sáng ác và công bố tác phẩm".

Trong số các Nhà văn, Nhà Thơ ký tên ra khỏi Hội Nhà văn từ lúc đầu có những người nổi tiếng như Nguyên Ngọc, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Đình Trọng, Võ Thị Hảo, Bùi Minh Quốc, Đặng Văn Sinh, Hoàng Minh Tường, Lê Hiền Phương, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Quang Thân, Thùy Linh, Vũ Thế Khôi, Ý Nhi, Dư Thị Hoàn, Trịnh Hoài Giang, Dạ Ngân, Nguyễn Duy, Trần Kỳ Trung v.v…

Kiểm soát văn nghệ sĩ

Sau khi có số đông Văn nghệ sĩ bỏ hàng ngũ và bỏ đảng, Ban Tuyên giáo đã yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo rút tất cả các Tác phẩm của Văn đoàn Độc lập khỏi chương trình Giáo dục.

Vào thời điểm đó, Nhà văn "ly khai" Phạm Đình Trọng nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỷ tiếng Việt (VOA) : "Đây là một quyết định của Ban Tuyên giáo, một việc làm nhỏ nhen, hẹp hòi và phi chính trị, vì một nền chính trị lành mạnh thì phải hướng đến nhân dân, hướng đến một nền văn hóa của nhân dân chứ không phải là của đảng phái, phe nhóm vì đó không phải là một chính trị chân chính".

Trong khi đó, Tuyên giáo đảng đã ra lệnh theo dõi biến chuyển tư tưởng trong giới Văn nghệ sĩ, hệt như theo dõi tư tưởng đảng viên, kể cả trong lực lượng Võ trang Nhân dân (Quân đội, Công an và Dân phòng) để ngăn chận "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong hàng ngũ.

Lệnh theo dõi văn nghệ sĩ đã được ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhắc nhở từ năm 2018, nay được lập lại ngày 17/07/2019, vào dịp có Hội nghị đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Ông Hùng ra lệnh cho Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật phải : "Không ngừng động viên văn nghệ sĩ tham gia hưởng ứng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước : về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Ông bảo : "Các Hội cần duy trì chế độ báo cáo thường xuyên đối với Ban Tuyên giáo Trung ương (qua Vụ Văn hóa - Văn nghệ) : chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ, kịp thời phát hiện những vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong lĩnh vực hoạt động của hội".

Ngoài ra, ông Lê Mạnh Hùng cũng không tiếc lời chê trách những thiều sót, bất cập của tổ chức Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật không "ăn khớp" với yêu cầu của đảng. Ông nói : "Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác văn hóa, văn nghệ trong thời gian vừa qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục như : thiếu cán bộ lãnh đạo văn nghệ chuyên trách, có uy tín cao về nghề nghiệp và quy tụ được hội viên : thực tiễn nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các hội có uy tín, kinh nghiệm quản lý tuổi đã cao, đến đại hội tới thực hiện chuyển giao thế hệ đang gặp khó khăn về nguồn cán bộ đủ tầm thay thế : chất lượng hội viên và việc phát triển hội viên, nhất là hội viên trẻ đang là vấn đề khó khăn xuất hiện ở một số hội…"

Đặc biệt, ông Hùng còn nói có hiện tượng : "Một số văn nghệ sĩ chưa đề cao trách nhiệm xã hội, công dân, có những phát ngôn, viết hồi ký, sách, báo bộc lộ sự dao động, hoài nghi về lý tưởng và niềm tin về sự phát triển của đất nước trong vận hội mới.

Thiếu vắng những tác phẩm tâm huyết, có giá trị lâu bền, những cá tính sáng tạo độc đáo, nhất là ở các tác phẩm văn xuôi và thơ. Tác phẩm ít có chiều sâu về tư tưởng, giá trị nhân văn nhưng lại được truyền thông quảng bá rộng rãi, tác động không nhỏ đến thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, nhất là giới trẻ. Trong sáng tác còn có biểu hiện dễ dãi, thiếu tính chuyên nghiệp, chiều theo thị hiếu tầm thường".

Như vậy là hỏng bét rồi còn gì ? Số tiền 85 tỷ bạc cấp cho Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật hàng năm chi tiêu ra sao mà "xôi hỏng bỏng không" như thế ? Khoản 85 tỷ đồng đâu phải là nhỏ hay tiền chùa mà là của công sức lao động của nhân dân góp lại.

Chẳng nhẽ câu nói hân hoan "Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta" của Chủ tịch Hữu Thỉnh không động viên được các Văn nghệ sĩ giúp đảng vui lòng hay sao mà để cho Phó trưởng Ban Tuyên giáo Lê Mạnh Hùng phải nặng lời như tát nước vào mặt như thế ?

Phạm Trần

(31/07/2019)

Quay lại trang chủ
Read 624 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)