"Đảo ngọc-Điểm đến của thiên niên kỷ mới"
Không thể không nhắc đến hòn đảo ngọc du lịch Phú Quốc khi đề cập về thành quả phát triển du lịch ấn tượng và ngoạn mục của Việt Nam trong năm 2018, đã tiếp đón khoảng 15,6 triệu du khách quốc tế và 80 triệu lượt khách nội địa, thu về hơn 620 ngàn tỷ đồng.
Quang cảnh một góc biển và rừng ở Hòn Thơm bị "xẻ thịt" phục vụ du lịch. Courtesy : Facebook Tùng Thiện
Riêng Phú Quốc trong năm 2018, Chính quyền huyện Phú Quốc, được truyền thông quốc nội vào trung tuần tháng 2 năm 2019 dẫn lời cho biết Phú Quốc dự tính đón khoảng 2,5 triệu khách trong nước và quốc tế ; tuy nhiên đã đón trên 4 triệu lượt khách, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2017. Chính quyền huyện Phú Quốc còn cho biết tính đến trung tuần tháng 4 năm 2019 đã thu về gần 13 ngàn tỷ đồng từ các hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm 2018.
Mới đây nhất, có thể nói Phú Quốc thêm một lần nữa được cộng đồng du lịch toàn cầu chú ý khi thông tin nữ tỷ phú Kaabia Grewal, người Ấn Độ vào trung tuần tháng 7 đã chọn hòn đảo ngọc này để tổ chức đám cưới xa hoa, kéo dài 7 ngày đêm với sự tham dự của khoảng 700 khách cùng 125 nghệ sỹ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để biểu diễn trong đám cưới bạc tỷ này.
Chia sẻ với truyền thông Việt Nam, cô dâu Kaabia Grewal và chú rể Rushang Shah cho biết họ chọn Phú Quốc bởi vì rất ấn tượng với phong cảnh hoang sơ, đẹp tự nhiên của hòn đảo ngọc.
Phú Quốc với giấc mơ phiên bản của "Singapore"
Huyện đảo Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang, một hòn đảo ngoài khơi vùng biển Tây Nam của Việt Nam, ở Vịnh Thái Lan, được lãnh đạo Việt Nam mong muốn sẽ biến hòn đảo này trở thành một phiên bản như đảo quốc Singapore khi Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 633 vào tháng 5 năm 2010 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030.
Đảo Phú Quốc có diện tích 567 km2, dài 49 km và có 22 hòn đảo lớn nhỏ xung quanh. Do có sự tương đồng với Singapore về vị trí địa lý nên Phú Quốc được quy hoạch theo định hướng sẽ trở thành một đặc khu kinh tế-thương mại với mô hình một "Singapore" thứ hai ở khu vực Đông Nam Á. Sau gần một thập niên tiến hành quy hoạch, Phú Quốc gần như thay đổi diện mạo hoàn toàn, từ một hòn đảo thưa thớt dân cư và cách trở với đất liền bỗng chốc mọc lên nhiều khu resort nghỉ dưỡng sang trọng, đẳng cấp quốc tế và hiện có hơn 25 điểm đến du lịch hấp dẫn cùng 12 đường bay quốc tế mà chính quyền địa phương rất hãnh diện khi quảng bá về du lịch Phú Quốc với khẩu hiệu "Đảo ngọc-Điểm đến của thiên niên kỷ mới". Phú Quốc cũng được bình chọn là 1 trong 19 điểm đến tốt nhất Châu Á năm 2019 và nằm trong tốp 5 điểm đến mùa thu hàng đầu tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo ghi nhận của báo cáo mới nhất về tổng quan thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2018 và triển vọng năm 2019 thì Phú Quốc được đánh giá là thị trường du lịch sôi động bậc nhất ở Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiềm năng, không ngừng tăng trưởng ; tuy vậy nơi đây vẫn đang thiếu hụt chuỗi dịch vụ mua sắm, giải trí hiện đại.
Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính, hồi hạ tuần tháng 1 năm 2019, được báo VnExpress Online dẫn lời nhận định rằng Phú Quốc được dự báo sẽ tiếp tục là vòng xoáy hút vốn để đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trú và các dịch vụ mua sắm, giải trí bởi đà tăng trưởng du lịch bức phá hơn nữa trong tương lai của hòn đảo này.
Nhà lấn rừng trên các đảo nhỏ quanh Phú Quốc. Courtesy : Facebook Tùng Thiện
Một bức tranh hỗn loạn
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Kiên Giang, mới vừa diễn ra ở thành phố Rạch Giá vào ngày 29 tháng 7, đã nhấn mạnh mặc dù Phú Quốc có tiềm năng và lợi thế để trở thành hòn ngọc tỏa sáng trên Vịnh Thái Lan, nhưng không nên đầu tư ở Phú Quốc một cách chộp giật và không nên tập trung quá lớn cho du lịch và bất động sản ở hòn đảo này. Ông Phúc còn đưa ra yêu cầu mạnh mẽ là không được "bê tông hóa" Phú Quốc.
Một giám đốc dự án của một công ty kinh doanh và du lịch tại Phú Quốc, không muốn nêu tên, lên tiếng với RFA rằng yêu cầu không được "bê tông hóa" của ông Thủ tướng thật sự là quá muộn màng bởi bức tranh quy hoạch và xây dựng tại đảo Phú Quốc trong vòng 10 năm qua đã quá hỗn loạn. Vị giám đốc ẩn danh trình bày ghi nhận của ông :
"Chính so sánh đó (so sánh với Singapore-pv) thì Phú Quốc mới thành bê-tông. Chính sự so sánh biến Phú Quốc thành Singapore, vô hình trung đã biến tương lai của Phú Quốc thành một hòn đảo bê-tông. Vậy thì quy hoạch đã sai ngay từ đầu nên điều chỉnh quy hoạch đã không đi theo hướng tích cực, mà lại tiếp tục đi theo hướng tiêu cực nữa. Ví dụ như theo quy định từ mực nước biển trung bình lên 50 mét sẽ không bao giờ có bất cứ một công trình nào được xây dựng thì trên thực tế, toàn bộ tất cả những công trình đều sở hữu bãi biển riêng của nhà đầu tư hết. Cho nên bản thân người dân ở tại thị trấn Dương Đông và ở tại hòn đảo Phú Quốc lại không có một bãi biển công cộng nào đúng nghĩa để tắm cho đến thời điểm này. Hay ví dụ như một vùng đất được quy hoạch dành cho phát triển giáo dục, đất dành cho du lịch sinh thái, đất dành cho những vùng nông nghiệp dự trữ…thì người ta không có tôn trọng những quy hoạch đặc thù đó…Tức là quy hoạch bị phá vỡ một cách nát bét luôn, không thể nào cứu vãn được".
Đài RFA ghi nhận truyền thông quốc nội từ năm 2018 lần lượt đăng tải nhiều thông tin liên quan tình trạng xây dựng trái phép, sai quy hoạch của Chính phủ tại Phú Quốc kéo dài trong những năm qua, với đánh giá của một số nhà thầu chuyên nghiệp tại đảo Phú Quốc thì vi phạm trong xây dựng chiếm đến 90%. Tờ Tiền Phong Online hồi tháng 10 năm 2018, dẫn nguồn Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy một số dự án tại huyện đảo Phú Quốc được duyệt không đúng theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Báo giới còn ghi nhận mặc dù chưa có kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ, nhưng những sai phạm ở đảo Phú Quốc được nhìn từ góc độ trực quan thì đất nông nghiệp bị "băm nát" và tình trạng đào núi, lấn biển, xây dựng tràn lan.
Một phóng viên truyền hình ở đồng bằng Sông Cửu Long, vừa có một chuyến du lịch đến Phú Quốc, chia sẻ với RFA rằng ông cảm nhận các dự án "bê tông hóa" phục vụ du lịch ở Phú Quốc đang dần làm "sa mạc hóa" các đảo ở vùng biển Phú Quốc. Người phóng viên truyền hình không muốn nêu danh tính này, trong cương vị là một du khách cho biết khi trải nghiệm ngồi trên cáp treo Hòn Thơm-Phú Quốc, là cáp treo dài nhất thế giới, ông không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy một con đường đang xây dựng lấn biển mà ông mô tả giống như cái lưỡi của con quái thú đang lè ra liếm mặt nước biển trong xanh. Người phóng viên truyền hình nhấn mạnh với Đài Á Châu Tự Do :
"Đại ý là quá nhiều bê tông rồi. Bị đào xới nhiều lắm, làm riết muốn lở lói cái đảo luôn. Nói chung là bị đô thị hóa theo dạng kinh doanh".
Còn một cư dân ở Phú Quốc, là một thầy giáo nghỉ hưu, chia sẻ với với RFA về nhận xét đời sống của người dân trên hòn đảo ngọc kể từ khi nó được "thay da đổi thịt" qua Quyết định 633 của Thủ tướng Chính phủ :
"Cuộc sống mới nhìn thoáng qua thì phồn vinh lắm nhưng không phải do kinh tế phát triển đâu mà chỉ do bán đất thôi. Nói ra thì không dám nói, nhưng sự thật thì ở đây thì người ta chỉ biết có tiền thôi. Cho nên bây giờ đi đến Phú Quốc thì không nghĩ đó là hòn đảo đâu. Ví dụ hồi trước con đường đi xuống biển tắm bây giờ người ta bán luôn, xây bít hết trơn. Muốn tắm biển thì phải vô khách sạn mới được tắm. Hồi giải phóng, họ (chính quyền) kết luận cuộc sống ở miền Nam là cuộc sống phồn vinh giả tạo. Sự thật tôi thấy lúc trước đâu có như vậy đâu, còn bây giờ thì tôi thấy có giả tạo. Bán đất, xây nhà, mu axe hơi… Thấy phồn vinh lắm nhưng tôi thấy sự thật là không khá vì không phải do bàn tay họ làm ra, mà do đất đâi thôi rồi có lúc sẽ bị chết thôi".
Khó có giải pháp khắc phục
Là một người gắn bó và làm việc từ những ngày đầu ở Phú Quốc khi Quyết định 633 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, vị giám đốc dự án của công ty xây dựng và du lịch mà chúng tôi đã trích lời nhận xét ở phần trên, cho biết thêm ghi nhận của ông về nguyên nhân dẫn đến tình trạng Phú Quốc bị "bê tông hóa" như hiện nay :
"Quy hoạch một hòn đảo, một vùng miền đi liền với vấn đề xây dựng. Tuy nhiên, xây dựng tại Phú Quốc có thể nói rằng không theo một trật tự nào hết bởi vì một số yếu tố như : Trước tiên về gốc độ yếu tố Chính phủ là luật của Việt Nam không nghiêm, tức là xử lý những đại công trình, xử lý những hành lang biển hay nói chung là căn cứ theo quy hoạch được phê duyệt mà xử lý thì không có đồng bộ và không xử lý nghiêm về mặt pháp luật. Còn về vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang và của Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc. Từ chỗ luật pháp không ngiêm là vai trò của Chính quyền huyện Phú Quốc sử dụng một bộ máy chính quyền ở cấp huyện mà điều hành khối lượng công việc ở tầm của đặc khu cho nên họ theo không kịp kể cả về yếu tố con người lẫn vấn đề nhận thức và trình độ, do đó họ không thể quản lý được xuể. Đây chỉ là nói về mặt tích cực. Còn nếu bàn về mặt tiêu cực, nguyên nhân làm cho Phú Quốc bị hỗn loạn về trật tự xây dựng, thật sự là do tham nhũng hết. Phải nói rằng là nguyên nhân của tất cả các nguyên nhân là tham nhũng, nhóm lợi ích và tham nhũng kinh khiếp lắm, có thể nói là tàn khốc luôn".
Vị giám đốc này khẳng định vấn đề nhóm lợi ích đã và đang làm uổng phí tài nguyên đất, rừng và môi trường sinh thái ở Phú Quốc và ông cho rằng không thể cứ "bê tông hóa" Phú Quốc thì nó sẽ trở thành một "thiên đường" du lịch, bằng những dự án gắn liền với lợi ích kinh tế vì tiền, mà không vì chỉ số hạnh phúc của người dân.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi liệu rằng sẽ có dấu hiệu khả quan nào để có thể thay đổi hiện trạng "bê tông hóa" ở Phú Quốc qua yêu cầu mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay không, người phóng viên truyền hình ẩn danh ở đồng bằng Sông Cửu Long nêu lên quan điểm của mình :
"Có lạc quan với điều kiện sẽ có những giải pháp. Ví dụ như bây giờ không cho dự án treo nữa. Dự án treo nếu không xây dựng thì tiến hành giải tỏa đối với những tập đoàn mua đất, dành đất đợi cho có giá lên rồi bán. Thứ hai nữa là hạn chế bê tông hóa những dự án khai thác ở phía Bắc và phía Nam của đảo, những dự án này phải dừng lại hết. Những dự án nào đã triển khai rồi thì thôi, còn không cấp phép nữa. Hoặc là căn cứ theo bản đồ quy hoạch, chẳng hạn chỗ quy hoạch để xây dựng thảo cầm viên cho trẻ em nhưng thấy lại làm resort thì ngưng. Không được khai thác rừng, bảo vệ hiện trạng…Nhiều giải pháp lắm. Khả quan với điều kiện phải vào cuộc thật mạnh, chứ còn đánh trống bỏ dùi là không được".
Trong khi đó, vị giám đốc dự án của công ty xây dựng và du lịch ở Phú Quốc quả quyết ông rất bi quan, vì :
"Việc Thủ tướng lên tiếng không ‘bê-tông hóa’ thì đã nhìn thấy một chục năm trước rồi, chứ không phải không thấy, nhưng dùng một từ để nói là nắm tay những kẻ cơ hội lại không kịp".
Người giám đốc còn nhắc lại ngành du lịch ở Phú Quốc đóng góp đến 65% doanh thu cho hòn đảo ngọc, nhưng tỷ lệ du khách trở lại chỉ có 30% và theo nhận định của ông đó là một tỷ lệ tồi. Bên cạnh đó, những điểm mang tính chất đặc thù của Phú Quốc như cảm nhận của nữ tỷ phú người Ấn Độ sẽ không còn dấu tích, với nhiều casino nhanh chóng được mọc lên trong nay mai và khi huyện đảo này trở thành đặc khu kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
Nguồn : RFA, 02/08/2019