Chính phủ các nước phát triển cùng các tổ chức quốc tế tài trợ ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức) hẳn phải rất ngạc nhiên khi các cơ quan Việt Nam giải ngân chậm như rùa bò đối với nguồn vốn này, dù đó được xem là ‘tiền từ trên trời rơi xuống’ mà chẳng phải trích xuất từ bầu ngân sách đang cạn kiệt.
Biểu tình chống Formosa ở Đài Loan. Ảnh minh họa
Các nhà tài trợ có biết sự thật này ?
Vụ việc gần nhất xảy ra vào gần trung tuần tháng 7 năm 2019, khi Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh một lần nữa họp với đại diện của các nhà tài trợ ODA là Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra-đồng Chủ tịch Nhóm Đại sứ các nước về hợp tác phát triển, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, và Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman. Trong cuộc họp này, bị các nhà tài trợ thúc ép, thậm chí cảnh cáo về tình trạng chậm giải ngân vốn ODA trong các dự án đầu tư công, ông Minh đã phải thừa nhận tình trạng giải ngân vốn ODA quá chậm và phải cam kết sẽ kiểm tra và yêu cầu các bộ ngành báo cáo, không để tái diễn tình trạng chậm trễ trong việc ký kết và tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại.
Tuy nhiên, phía Việt Nam đã không cho biết nguồn cơn sâu xa vì sao các bộ ngành nước này lại giải ngân chậm trễ đến thế.
Nhưng với rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những tỉnh thành được nhận vốn ODA để thực hiện loại hình dự án đầu tư công, đã chẳng có gì đáng ngạc nhiên, bởi đã cộm lên quá nhiều dư luận về việc thường xuyên phải ‘chạy’ các cửa thì mới có được dự án viện trợ, và tiếp đó lại phải ‘chạy’ không ít cửa nữa thì dự án mới được các bộ ngành rót tiền.
Danh sách các bộ ngành đó là rất quen thuộc như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước và những bộ ngành chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật.
‘Chạy’ càng nhiều, chi càng ‘đậm’ thì càng nhận được nhiều dự án ODA, giá trị ODA của dự án càng lớn và tiền càng mau được giải ngân. Còn nếu không chạy, dự án dù có sẵn nhưng cứ ì ra đó, bất chấp các nhà tài trợ hối thúc và kêu réo.
Cách đây không lâu, vào những năm 2016, 2017 đã có một bằng chứng ác nghiệt về chiêu trò ngâm tiền bồi thường xã hội với động cơ rất ‘trong sáng’. Đó là vụ thủ phạm gây thảm họa xả thải ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung là Formosa bồi thường 500 triệu USD.
Ít nhất 300 tỷ đồng lọt vào túi kẻ nào ?
Tính từ thời điểm hai tháng 7 và 8 năm 2016 khi Formosa bắt đầu chuyển tiền hai đợt để bồi thường cho ngư dân, mỗi đợt 250 triệu USD mà Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đứng ra nhận, mãi đến 8 tháng sau đó số tiền được giải ngân chỉ chiếm 30% trong số 500 triệu USD, và phải nhiều tháng nữa thì gần hết số 500 triệu USD mới được xem là giải ngân xong (nói ‘được xem’ là do tiền chuyển về chính quyền các tỉnh miền Trung, nhưng lại tiếp tục bị một số cơ quan chính quyền ‘ngâm tôm’).
Vì sao Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính ‘ngâm’ tiền bồi thường quá lâu như thế ?
Ngay từ đầu khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng ra "nhận trách nhiệm giữ dùm" 500 triệu USD, đã có dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của cơ chế này, nhất là khi xuyên suốt từ trước đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại là một trong những địa chỉ "bảo kê" rõ rệt nhất cho nạn xả thải của Formosa.
Sau khi giải ngân 30% của 500 triệu USD, với 8 tháng "giữ dùm" số còn lại, lãi tiền gửi ngân hàng của con số 350 triệu USD là ít nhất 300 tỷ đồng (tính theo kỳ hạn tiền gửi 3 tháng, lãi suất 5%/năm). Số tiền lãi này bằng đến phân nửa so với tiền "tạm ứng" đợt đầu cho một tỉnh miền Trung.
Số tiền lãi 300 tỷ đồng trên thuộc về ai ? Có phải theo "thông lệ" đã chui vào túi giới quan chức "ăn của dân không chừa thứ gì" mà không tính vào tiền bồi thường cho ngư dân ? Hẳn đó chính là nguyên do sâu xa để Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính cố ý "ngâm" tiến độ bồi thường cho ngư dân càng chậm càng tốt.
Vụ ‘ngâm tôm’ rất đáng nghi ngờ và dã man trên chỉ buộc phải đi đến chỗ kết thúc sau khi mạng xã hội, chứ không phải báo chí quốc doanh, cùng người dân miền Trung lên tiếng mạnh mẽ và phẫn nộ tố cáo thái độ chây ì cực kỳ vô trách nhiệm của các bộ ngành và các cấp chính quyền địa phương liên quan đến tiền bồi thường.
Trong thực tế, dư luận từng phản ánh rất nhiều về hiện tượng nhiều cơ quan Việt Nam đã dùng tiền được ngân sách cấp và tiền từ tài trợ ODA của quốc tế (chi cho các chương trình kinh tế và xã hội) để gửi ngân hàng lấy lãi riêng cho các cơ quan này chứ không tính vào khoản chi kinh tế - xã hội theo đúng nguyên tắc tài chính. Có dấu hiệu một số cơ quan còn cố ý kéo dài việc triển khai chương trình xã hội để thu lãi tiền gửi ngân hàng càng nhiều càng tốt.
Một trong những lĩnh vực thường bị lạm dụng như trên là nông nghiệp - phát triển nông thôn. Một trong những địa chỉ bị dư luận phản ánh là "dịch vụ cầm đồ" cho những khoản tiền gửi thu lợi riêng bất chính như thế là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - tổ chức tín dụng mà đã trở thành quán quân trong giới ngân hàng Việt Nam có số vụ vi phạm pháp luật kinh tế nhiều nhất và số lãnh đạo bị bắt cao nhất.
Có lần, Đại sứ Ireland tại Việt Nam đã phải gửi thư đến các chóp bu Việt Nam, phàn nàn về sự chậm trễ giải ngân nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước này hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh giai đoạn 2017-2020. Vụ việc cực kỳ đáng xấu hổ và công phẫn này chỉ được tiết lộ bởi bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội - trong cuộc họp Ủy ban Thường vụ quốc hội vào tháng 8 năm 2018.
Đến thời trả giá
Từ trước tới nay, ODA do các tổ chức tài chính quốc tế và chính phủ nước ngoài đều quy định hết sức chặt chẽ về việc chính phủ Việt Nam không được sử dụng số tiền cho vay sai mục đích. Tuy nhiên trong thực tế "đúng quy trình" của ngân sách Việt Nam, tiền vay nước ngoài, đặc biệt là vay vốn ODA, có nhiều dấu hiệu đã bị chi sai mục đích và chi xài vô tội vạ. Tình trạng này rất phổ biến trong 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cũng từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 - 25%. Nhưng đó chỉ là mức "hợp pháp". Thậm chí tỷ lệ "lại quả" ODA còn lên đến 40% - được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 - 2010.
Mặc dầu nhiều lần quốc tế đã đề nghị Việt Nam phải có cơ chế giám định độc lập về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA, các bộ ngành và chính phủ Việt Nam vẫn nhắm mắt bịt tai. Cứ sau 5-7 năm, một nghị định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA lại được chính phủ ban hành. Nhưng lần nào cũng vậy, chẳng có bất cứ điều khoản nào cho thấy người dân được thông báo đầy đủ những thông tin ODA liên quan đến những dự án về dân sinh, cũng chẳng có chuyện người dân và Xã hội dân sự được đóng góp ý kiến và phản biện đối với những bất cập, bất công và nạn tham nhũng kinh hoàng trong môi trường ODA của giới quan chức. Cho tới nay vẫn không hề thấy bóng dáng của cơ chế giám định độc lập đâu.
Một sự thật cay đắng và công phẫn là vốn tài trợ cho chính phủ Việt Nam để "cải cách luật pháp" và "chống tham nhũng" trong vài chục năm qua từ các nước Tây Âu và Bắc Âu đã hầu như không mang lại kết quả. ODA vẫn là miếng mồi béo bở nhất cho các giới chức tham nhũng ở Việt Nam, còn ‘cải cách’ vẫn ì ra và nạn thâm lạm đâu vẫn vào đấy.
Quá hiển nhiên, đó là lý do vì sao ngay cả những quốc gia được coi là có "thiện cảm" với Việt Nam như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… cũng phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với một chính quyền "ăn của dân không chừa thứ gì".
Trong khi cái thói ăn uống ti tiện trên vẫn không hề suy xuyển mà thậm chí ngày càng dày mặt hơn, làm thế nào để "bày tỏ mong muốn tiếp tục được các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn ODA" như một cách nói tha thiết của quan chức phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại cuộc họp với các nhà tài trợ quốc tế vào tháng 7 năm 2019 ?
Những kẻ xin tiền
Lại nhớ 4 năm trước - vào đầu năm 2015 - về chuyến đi Úc thất bại của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Úc Tony Abbott, gương mặt ông Dũng đã xạm hẳn khi ông Tony Abbott không những không quan tâm đến lời chào mua nợ xấu của phía Việt Nam mà còn tuyên bố thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với quốc gia này.
Cho đến nay, dù các bộ ngành vẫn cố tuyên truyền là còn đến 22 tỷ đô la mà Việt Nam đã ký với đối tác quốc tế nhưng chưa giải ngân, sự thật là từ tháng 7/2017 trở đi, Việt Nam phải vay ODA với lãi suất không còn ưu đãi như vài chục năm trước, mà ngang giá với thị trường quốc tế, cùng thời gian vay không còn ân hạn như trước đây. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ phải chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh khắt khe hơn hẳn, hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%/năm.
Sau vài chục năm tận tình đào mỏ ODA, cuối cùng mọi thứ đã đắt gấp đôi. Nếu từ năm 2014, Việt Nam đã gần như trắng tay ODA, thì từ năm 2018 trở đi có thể xem là không còn ‘ODA ưu đãi’ nữa.
Đến lúc này, người ta đã có thể hiểu vì sao giới quan chức cao cấp Việt Nam như Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh… đã tận dụng các sự kiện hội thảo quốc tế, các cuộc gặp song phương ở Hà Nội lẫn các chuyến công du nước ngoài để phát ngôn ‘xin tiền’ không biết mệt mỏi và có lẽ chẳng còn mấy liêm sỉ.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 12/08/2019