Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/03/2017

"Putin muốn phương Tây phải đến gặp ông ta"

Stanislav Belkovsky

Chính sách đối ngoại của nước Nga dưới thời tổng thống Vladimir Putin ra sao với phương Tây và Nhà Trắng ? Lập trường của Nga thế nào trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraine ? Tình hình phân chia quyền lực trong nội bộ chính trường Nga như thế nào ? Tình trạng hoạt động của phe đối lập đến đâu ? Nhà nghiên cứu về chính trị học, Stanislav Belkovsky (*), trên báo Libération số ra ngày 18/3/2017, giải mã về các chiến lược hiện nay của tổng thống Nga.

putin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, Moskva, ngày 16/03/2017 - REUTERS/Maxim Shipenkov

Libération : Ông đánh giá thế nào về chính sách đối ngoại của Nga ?

Stanislav Belkovsky : Đó không phải là một sự đối lập với phương Tây, mà là một sự đối đầu để buộc phương Tây phải yêu mến nước Nga. Nên nhớ là Vladimir Putin đã từng ủng hộ tư tưởng mở rộng quan hệ Đại Tây Dương và rất ủng hộ Châu Âu lúc mới lên cầm quyền. Nhưng rồi sau một chuỗi thất vọng, ông ấy cuối cùng tin chắc là phương Tây đã thường xuyên nói dối ông. Vào năm 2007, trong một bài diễn văn nổi tiếng và giọng điệu khó chịu tại Munich, ông ấy đã cảnh báo : "Chúng tôi đến để làm ăn, chứ không phải để gây chiến, hãy đón nhận chúng tôi trước khi quá muộn".

Trong những năm 2013-2014, ông Putin thực hiện những toan tính cuối cùng để lôi kéo phương Tây về với ông : tha bổng Khodorkovski (trùm dầu hỏa bị giam tù vào năm 2003 vì tội lừa đảo trên diện rộng, trở thành tù nhân chính trị nổi tiếng nhất của Nga- chú giải của ban biên tập), ban nhạc Pussy Riot (các ca sĩ nhạc Punk này bị kết án tù vì đã nhảy múa trong một nhà thờ) hay như các nhà tranh đấu bảo vệ môi trường của Greenpeace. Thế nhưng, ông được đáp trả với một sự lăng nhục ghê gớm : không một lãnh đạo nào trên thế giới đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội tại Sochi năm 2014. Tệ hơn nữa, cùng lúc này tại Kiev, bắt đầu một cuộc cách mạng, cuộc cách mạng Maidan, và theo Putin, thì chính Hoa Kỳ đã xúi giục. Vì vậy, giờ đây, thông điệp đã thay đổi : "Chúng tôi đến để gây chiến cho đến khi nào quý vị chấp nhận hòa giải thì thôi".

Libération : Mối quan hệ giữa Putin với Nhà Trắng sẽ ra sao ?

Stanislav Belkovsky : Ông ấy sẽ không liên minh với Hoa Kỳ để chống lại Liên Hiệp Châu Âu. Điều duy nhất làm cho ông ấy thích ông Trump là vì nhân vật này là một ứng viên chống hệ thống. Nhưng về mặt chính trị, Putin chẳng kỳ vọng được điều tốt gì và ông ấy cũng không nuôi một chút ảo tưởng nào. Thực ra, Putin muốn tìm kiếm một sự đồng thuận với phương Tây. Các chiến dịch quân sự Nga tại Cận Đông hay tại Ukraine không phải là những mục tiêu tự thân mà chỉ là những công cụ để buộc phương Tây phải hành động, phải đến bắt chuyện với ông ấy, để xác định vùng ảnh hưởng, mà không gian hậu Xô Viết để lại cho nước Nga, để giảm nhẹ các trừng phạt, do chưa bãi bỏ được các cấm vận này.

Libération : Triển vọng giải quyết xung đột Ukraine ra sao ?

Stanislav Belkovsky : Trở ngại chủ yếu, chính là bản thân Ukraine. Tầng lớp tinh hoa lên cầm quyền ở Kiev năm 2014 đã đánh giá thấp tầm mức trách nhiệm của họ. Triển vọng hội nhập nhanh vào Liên Hiệp Châu Âu đã bị mất. Trước hết phải giải quyết các vấn đề bên trong Ukraine. Vùng Donbass, đó là một cuộc xung đột bị "đông" lại một cách vô thời hạn. Và bán đảo Crimee vẫn sẽ là của Nga… Vì cả đại bộ phận dân chúng Crimée lẫn phần đông dân Nga đều sẽ không chấp nhận trao trả vùng này cho Ukraine. Còn về việc điện Kremln công nhận hộ chiếu do chính quyền tự phong Donbass cấp (theo sắc lệnh công bố ngày 18/2 vừa qua), đây là chuyện giả tưởng, một cách để trấn an quân ly khai. Sẽ không có chuyện sáp nhập các vùng này vào Nga vì Putin chẳng thấy lợi ích gì. Ngược lại, chiến tranh có thể tái diễn bất kỳ lúc nào.

Libération : Vì lý do gì Marine Le Pen (ứng viên tổng thống Pháp của đảng Mặt Trận Quốc Gia) được Kremlin ủng hộ ?

Stanislav Belkovsky : Bởi vì bà ấy cũng chống hệ thống và bà ấy có khả năng có những hành động mà về mặt chính trị thì không nên, chẳng hạn như đến Nga vay tiền để tài trợ cho chiến dịch vận động tranh cử của mình. Chính điều này có thể làm hài lòng Putin. Nhưng điều đó không có nghĩa là Putin hy vọng vào bà ấy. Putin biết rất rõ là một khi lên cầm quyền, Le Pen sẽ không còn là chính bà ấy nữa. Trong khi chờ đợi, ông ấy khoái trá về sự xáo trộn mà nữ ứng viên này đang gây ra trong đời sống chính trị Pháp.

Libération : Theo ông, đời sống chính trị trong nội bộ nước Nga ra sao ?

Stanislav Belkovsky : Giống như là bị tâm thần phân lập. Cảnh cách kinh tế là thiết yếu nhưng chính quyền không muốn thực hiện. Putin là một người bảo thủ và cho rằng cải cách thì luôn luôn phải trả giá nhiều hơn là không làm. Chính quyền làm cho mọi người tin rằng có thay đổi, nhưng đồng thời họ tăng cường, đa dạng hóa và siết chặt các biện pháp gây áp lực lên những ai bất mãn và bất phục tùng. Một cách chính thức, người ta thông báo sẽ có một cuộc bầu cử tổng thống "hợp pháp" vào năm 2018, ngoại trừ việc là kết quả đã được biết trước. Nga không ngừng khẳng định sự độc lập của mình, nhưng trên thực tế, sự phụ thuộc tâm về mặt tâm lý của điện Kremlin đối với phương Tây ngày càng tăng.

Libération : Phải chăng có một "bộ chính trị" bên cạnh Putin, một nhóm những người thân cận hỗ trợ ông ấy trong việc ra các quyết định ?

Stanislav Belkovsky : Không, không tồn tại một "bộ chính trị" như vậy. Khái niệm có từ thời Liên Xô này đòi hỏi phải có một cơ cấu, với quy định hoạt động và phân chia nhiệm vụ. Không có một bộ máy chính trị như thế bên cạnh Putin và nhóm người thân cận với ông ta cũng biến đổi hoặc thay đổi. Trong đầu của Putin, mọi thứ được phân chia theo lĩnh vực hoạt động. Igor Setchine (chủ tịch tập đoàn Gazprom) phụ trách về dầu khí và gần như có toàn quyền trong lĩnh vực này. Anh em nhà Kovaltchouk quản lý ngành truyền thông (Iouri Kovaltchouk, trùm tư bản truyền thông, chủ ngân hàng Rossiya, được xem như là ngân hàng riêng của Putin). Còn anh em nhà Rotenberg thì có mảng hạ tầng giao thông (Arkadi và Boris Rotenberg là bạn thời trẻ của Putin). Nhưng các chức vụ này đều không được thể chế hóa. Còn đối với những gì liên quan đến các vấn đề ngoại giao và quân sự, Putin tự mình quyết.

Libération : Quyền lực của ông Putin dựa vào ai ?

Stanislav Belkovsky : Ông ấy không phụ thuộc vào ai cả. Đó là một thần tượng quốc gia, ông ấy là hiện thân cho nước Nga. Một trong những lý do gây ra sự bất mãn trong giới tinh hoa của Nga chính là cuộc xung đột với phương Tây. Nhưng ông Putin chẳng vuốt ve, chiều lòng ai cả. Ông ấy đứng lên trên giới tinh hoa này, thay thế những người bạn thân lâu đời mà ông có trách nhiệm đạo lý đối với họ bằng lớp người kỹ trị cầm quyền trẻ hơn, những người mà ông Putin chẳng phải chịu ơn gì. Nhưng những người mới đến đó không được tuyển chọn theo thái độ chính trị của họ.

Libération : Tại Nga, liệu người ta đã nghĩ đến thời hậu Putin chưa ?

Stanislav Belkovsky : Tất cả mọi người đều nghĩ đến. Nhưng đó là trong suy nghĩ thôi, bởi vì thật là mạo hiểm khi nói ra loại suy nghĩ. Có khả năng ông Putin không ra ứng cử năm 2018, nhưng người ta chỉ có thể biết điều này vào phút chót. Để đi đến quyết định nói trên, ông ấy sẽ phải giải quyết trước một số vấn đề, trong đó có việc trả lại cho tầng lớp tinh hoa Nga quyền được tự do đi lại ở phương Tây. Ông ấy cũng phải bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình ông, tại Nga và Châu Âu. Nếu ông ấy quyết định rời điện Kremlin, quyền lực sẽ không rơi vào tay một nhà đối lập, mà được chuyển cho một người kế thừa do ông chỉ định.

Trong chiều hướng này, tôi thấy có hai người : Dmitri Medvedev (thủ tướng hiện nay), là lẽ đương nhiên và Alexeï Dioumine, một trong những cựu cận vệ trở thành chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của bộ Quốc Phòng. Lực lượng này đã sáp nhập Crimée – chiến dịch mà Putin xem như là một thành công tuyệt đối. Dioumine sau đó trở thành thứ trưởng Quốc Phòng, rồi thống đốc vùng Toula năm 2016, điều này sẽ cho phép ông ta có được kinh nghiệm cần thiết.

Libération : Tình trạng phe đối lập Nga ra sao ?

Stanislav Belkovsky : Phe đối lập Nga không đồng nhất và không thế lực. Họ lý luận theo cùng cách thức của Putin : người nào không theo chúng ta thì có nghĩa là chống lại chúng ta và do vậy họ đòi ông Putin phải ra đi. Phe đối lập không có khả năng hợp nhất bền vững và hiệu quả. Có vài nhân vật đáng chú ý, như Alexeï Navalny. Nhưng ông ta quá chú ý đến vai trò cá nhân mình. Nếu như ông ấy không đưa ra một chương trình cụ thể, đó là vì không muốn mất đi sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng. Bất chấp các vụ việc đang nhắm vào mình, ông Navalny vẫn không bị ngồi tù và người ta để ông dấn thân vào chiến dịch tranh cử. Điều này có lợi vì ông ấy sẽ thu hút thêm được 10% cử tri tham gia bầu cử (đó là tỷ lệ mà ông ấy hy vọng có được) nhờ vậy, tạo thêm tính chính đáng cho cuộc bỏ phiếu và thắng lợi của ông Vladimir Putin. Trong khi chờ đợi, chính quyền khoa trương tính chất dân chủ của mình bằng cách để cho đối lập tham gia vào đời sống chính trị.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 26/03/2017

(*) :  Stanislav Belkovsky là nhà sáng lập Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Gia, một trung tâm cố vấn tại Moskva. Ông nổi tiếng với những báo cáo được nghiên cứu kỹ về các nhà tài phiệt Nga đầu những năm 2000. Stanislav Belkovsky còn là chuyên gia chính trị chính của Dojd - kênh truyền hình độc lập duy nhất tại Nga.

*******************

Tổng thống Nga bất ngờ tiếp ứng viên tổng thống cực hữu Pháp (RFI, 25/03/2017)

Ửng cử viên tổng thống Pháp đảng cực hữu Marine Le Pen được tiếp kiến tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva ngày 24/03/2017. Hiện tại bà đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu ở vòng 1, diễn ra ngày 23/04.

putin2

Ứng viên tổng thống Pháp Le Pen (trái) và tổng thống Nga, Putin tại Moskva ngày 24/03/2017.Reuters

Theo chương trình được loan báo thì nhân chuyến thăm Nga, sau cuộc tiếp xúc một số nghị sĩ Nga vào sáng qua, bà Le Pen không có hoạt động quan trọng nào khác, và nhất là không có cuộc họp với nguyên thủ Nhà Nước Nga.

Thế nhưng, sau khi kín đáo đến thăm một cuộc triển lãm tại bảo tàng của Điện Kremlin, người ta thấy bà Le Pen xuất hiện trên truyền hình nhà nước Nga cùng với tổng thống Vladimir Putin trong một phòng khách trên tầng thứ nhất của điện Kremlin, thường được sử dụng cho các cuộc họp không chính thức.

Phát biểu với bà Le Pen, ông Putin khẳng định là nước Nga không hề muốn tác động đến cuộc bầu cử Pháp sắp tới, nhưng có quyền liên lạc với các chính trị gia Pháp có trọng lượng, tương tự như các nước Châu Âu hay Hoa Kỳ.

Riêng đối với bà Le Pen, ông Putin xác định "Thật là thú vị khi được chia sẻ với bà về cách phát triển quan hệ song phương và tình hình ở Châu Âu. Tôi biết bà đại diện cho một xu hướng chính trị Châu Âu đang phát triển khá nhanh".

Về phần mình, lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia cực hữu Pháp đã tiết lộ với hãng tin Pháp AFP rằng bà đã thảo luận với ông Putin về "cách thức cùng làm việc giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống chủ nghĩa toàn thống".

Theo hãng AFP, một tháng trước vòng một cuộc bầu cử tổng thống ngày 23/04/2017, bà Le Pen đã nâng cao được vị thế quốc tế của mình bằng cuộc tiếp xúc với lãnh đạo một nước lớn. Trước đó, bà cũng đã tiếp xúc với một số lãnh đạo các nước nhỏ, như tổng thống Liban Michel Aoun và tổng thống Tchad, Idriss Deby.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Stanislav Belkovsky
Read 1006 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)