Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/08/2019

Hồng Kông thu hút sự chú ý của phong trào dân chủ Việt Nam

Nhiều tác giả

Hong Kong, Việt Nam và những tiềm ẩn cho phong trào dân chủ

Nguyễn Viện, BBC, 17/08/2019

Cả thế giới đang hướng về Hong Kong với cả sự phấn khích hy vọng và lo âu. Điều gì sẽ xảy ra cho Hong Kong trong những ngày sắp tới ?

hong1

Người biểu tình Hong Kong hôm thứ Sáu, một số người giương tấm biển kêu gọi giới chức trao quyền cho nhân dân

Người biểu tình Hong Kong có thể đạt được gì ?

Có vẻ như những người biểu tình không muốn dừng lại, bởi họ chưa đạt được bất cứ điều gì trong những mục tiêu tranh đấu của họ.

Luật dẫn độ vẫn chưa bị hủy bỏ vĩnh viễn, vấn đề chỉ là thời gian.

Bầu cử tự do cho người dân Hong Kong là điều không thể có khi Hong Kong đang là một phần lãnh thổ của cộng sản Trung Quốc.

Một Hong Kong độc lập thì quá ảo tưởng.

Cả thế giới đang hướng về Hong Kong với cả sự phấn khích hy vọng và lo âu. Điều gì sẽ xảy ra cho Hong Kong trong những ngày sắp tới ?

Chính quyền Hong Kong cũng như Bắc Kinh có lẽ sẵn sàng chờ đợi ngày người dân mệt mỏi nếu như mọi việc vẫn còn trong vòng kiểm soát, hoặc dùng một giải pháp sắt máu mà Trung Quốc sẽ không ngần ngại thực hiện bất chấp dư luận quốc tế, bởi họ là cộng sản.

Về phía những người biểu tình, tôi tin rằng họ cũng không quá ngây thơ để có thể hy vọng thay đổi thể chế sau những ngày biểu tình tổng lực.

Tuy nhiên, điều không thể khác là nguyện vọng của họ, ý chí của họ phải được bày tỏ và họ muốn được lắng nghe.

Tất nhiên, một chính quyền nằm trong tay Bắc Kinh thì không thể đáp ứng bất cứ điều gì. Vì thế, vấn đề của Hong Kong không chỉ là hôm nay, mà sẽ là vẫn còn, mãi còn cho đến khi có một Trung Quốc dân chủ.

hong2

Dư luận quốc tế thắc mắc người Hồng Kông còn biểu tình đến bao giờ ?

Điều tích cực nhất trong sự giận dữ của người Hong Kong, theo tôi, nó sẽ tác động không ít đến giới tinh hoa của Trung Quốc, cũng như những con người đang sống lưu vong trên quê hương mình ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông…

Nó là cảm hứng và niềm hy vọng cho ngày mai, một cuộc sống mang dấu ấn con người thay vì một trại súc vật.

Từ Hong Kong nhìn tới chuyện Việt Nam

Cũng như Hong Kong, tôi không tin trong ngắn hạn, giới tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam có thể làm được điều gì đáng kể.

Khi quân đội còn nằm trong tay đảng Cộng sản thì không có bất cứ cơ sở nào để tin rằng chế độ này sẽ bị lật đổ. Đảng Cộng sản tất nhiên biết rõ điều ấy.

Điều trớ trêu và bi kịch nhất, có lẽ không ai bảo vệ chế độ cộng sản ở Việt Nam cẩn thận cho bằng… Trung Quốc. Môi hở răng lạnh.

Cũng là oái oăm nhất, chống Trung Quốc có thể bị coi là "phản động", mặc dù Trung Quốc đang trường chinh thôn tính Việt Nam.

Đối với đảng Cộng sản, không phải thế lực thù địch, bất cứ từ đâu đến hay trong nhân dân để đảng phải lo nghĩ, mà chính là sự tự diễn biến, tự chuyển hóa của hàng ngũ cán bộ đảng viên.

Nội tại những bất cập, sai lầm và tha hóa là những khiếm khuyết bẩm sinh mà đảng tự bản thân không thể sửa đổi.

Bên cạnh đó, những tác động xã hội từ bên ngoài trong một thế giới mở không thể không làm cho những đầu óc thủ cựu nhất phải so sánh, cũng như sự thức tỉnh của người dân đang càng ngày càng lan rộng về một lịch sử bị dối trá, bưng bít trước những sự thật.

Cái giá trị lớn lao nhất của giới tranh đấu trong thời gian qua chính là góp phần vào sự thức tỉnh đó bằng ý thức bày tỏ lòng trung thực của mình về những vấn đề cấp bách của đất nước mà đảng đang cố dụi đầu vào cát và bắt nhân dân của mình cũng phải sợ hãi tránh né bằng sự phủ dụ cái nhu nhược "cứ để Đảng và nhà nước lo".

Nguyễn Viện (Sài Gòn)

Nguồn : BBC, 17/08/2019

*******************

Bài học Hương Cảng cho Bắc Kinh

Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 16/08/2019

Gần hai tháng biểu tình ở Hồng Kông khiến Đảng cộng sản Trung Hoa bối rối. Không những họ chịu bó tay không can thiệp, họ còn thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cho nên Bắc Kinh chưa biết phải đối phó cách nào.

hong3

Hôm Thứ Sáu 16/08/2019, người dân Hồng Kông tiếp tục xuống đường biểu tình ủng hộ dân chủ, bất chấp sự răn đe của Bắc Kinh. (Hình : Manan Vatsyayana/AFP/Getty Images)

Trong khi dân Hồng Kông đi biểu tình ở tòa nhà nghị viện, ở trụ sở cảnh sát và ở phi trường, thì Trung Quốc cho chiếu hình lính tráng kéo về túc trực, với những xe nhà binh xếp hàng chờ ở Thẩm Quyến, bên kia biên giới. Dương oai diễu võ đe dọa.

Nhưng cùng trong thời gian đó, Trung Quốc cũng đưa hàng ngàn "nhà nghiên cứu" vô Hồng Kông tìm gặp những người dân địa phương thuộc đủ các thành phần. Họ gặp các giáo sư đại học, các thương gia xưa nay không bao giờ bày tỏ ý kiến chính trị, các sinh viên, nhà báo, vân vân, để hỏi những câu giản dị, như : Dân Hồng Kông muốn cái gì ? Tại sao người ta lại nổi giận dữ vậy ?

Trung Quốc cũng đã làm giống như vậy lần trước. Năm 2003, sau khi nửa triệu người biểu tình chống một dự luật an ninh với mục đích thắt chặt ách kiểm soát đời sống dân cư, làm nghị viện phải hủy bỏ không bàn nữa, Bắc Kinh đã từng đưa hàng ngàn "nhà nghiên cứu" qua Hồng Kông để tìm hiểu. Chắc chắn những điều tra viên này đã làm báo cáo đầy đủ và trung thực những gì họ được nghe.

Nhưng năm nay, Bắc Kinh vẫn lâm tình trạng bất ngờ. Vì chính những người vẫn báo cáo tin tức cho Trung ương Đảng và Bộ Công an cũng không nhìn thấy tâm trạng thật của người dân cựu thuộc địa.

Bốn tháng trước, cả Bắc Kinh không ai nghĩ trước rằng một dự luật về dẫn độ tội phạm qua Đài Loan, nhân vụ một thanh niên Hồng Kông giết cô bạn gái trong khi du lịch ở Đài Bắc, lại đưa tới các biến cố lạ lùng như thế này !

Một tháng trước ngày dân bắt đầu biểu tình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng, 韩正) mới tiếp các đại biểu Quốc hội từ Hồng Kông tới họp, ông nói rất tự tin : "Tình hình Hương Cảng đang tốt đẹp hơn… Hồng Kông đang phát triển đúng đường lối".

Vì niềm tin tưởng sai lầm đó, cho nên khi hàng chục ngàn dân chúng bắt đầu biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, ông Hàn Chính còn khuyến khích dân Hồng Kông hãy ủng hộ dự luật này và tác giả là bà Lâm Quách Nguyệt Nga (Carrie Lam), vị hành chánh trưởng quan do Bắc Kinh chỉ định.

Hàn Chính không hiểu gì về dân Hồng Kông. Khi số người biểu tình lên tới 130.000, ngày 28/4, Bắc Kinh vẫn coi đó là chuyện nhỏ. Ngay trong lục địa, mỗi năm vẫn có hàng trăm ngàn cuộc biểu tình chống chính quyền các địa phương, có sao đâu ?

Ngày 9/6, nhìn cảnh một triệu người xuống đường, đủ các thành phần và mọi lớp tuổi, họ mới ngạc nhiên. Một tuần sau, sau khi bà Nguyệt Nga đã phải lên ti vi chính thức rút bản dự luật vô thời hạn, vẫn có hai triệu người tập họp bầy tỏ ý kiến tưng bừng như ngày hội lớn !

Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh không hiểu nổi. Dân Hồng Kông không chỉ phản đối một bản dự luật. Họ muốn chống tất cả hệ thống lãnh đạo lãnh thổ này, chống những người cai trị bưng tai bịt mắt trước các nguyện vọng sâu xa của người dân. Nguyện vọng rất giản dị : Chúng tôi không muốn bị cai trị như cảnh người dân Trung Quốc đang phải chịu đựng.

Bắc Kinh đã cho quân đội biểu diễn thị uy, nhưng vô hiệu, dân vẫn tiếp tục biểu tình. Khi cảnh sát Hương Cảng mới thử dùng bạo lực, dân càng phản đối mạnh hơn. Họ kéo đến làm phi trường tắc nghẽn hai ngày liền. Họ không hề sợ hãi !

Nhưng sau cùng, những người dân phản kháng hăng hái nhất lại ngoan ngoãn giải tán. Chỉ vì ban giám đốc đưa chuyện này ra tòa và một vị chánh án đã phán quyết bắt phải ngưng (court injunction) các cuộc biểu tình ngăn cản hoạt động của phi trường.

Bây giờ giới lãnh đạo Trung Quốc có thể hiểu thêm một điều về dân Hương Cảng : Họ đã có thói quen sống trong luật pháp.

Ngay hôm sau, Tân Hoa Xã ở Bắc Kinh đã viết một bài, tựa đề : Cách duy nhất giải quyết vụ Hương Cảng là "Bảo vệ tinh thần pháp trị" (dịch tiếng Anh : Upholding rule of law). Bài báo nêu danh các chuyên gia, như ông Hàn Đại Nguyên (Han Dayuan,韓大元), khoa trưởng Luật khoa Đại học Nhân dân, Bắc Kinh.

Trong một cuộc họp báo do nhà nước tổ chức, Giáo Sư Hàn Đại Nguyên nói rằng trước mối lo ngại bạo động, chỉ có một cách giải quyết vấn đề Hồng Kông là quay trở lại với khuôn khổ cai trị bằng luật pháp (rule of law). Hệ thống cai trị dựa trên pháp luật của Hồng Kông sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, và phát triển ; giúp Hồng Kông giữ được trật tự và phồn thịnh ; bảo vệ các quyền và tự do của người dân Hồng Kông ghi trong bản "Luật căn bản", là hiến pháp tạm thời của mảnh đất này.

Không cần sử dụng bạo lực, chỉ cần dùng luật pháp. Đó là bài học quan trọng nhất giới lãnh đạo cộng sản Bắc Kinh mới học được từ dân Hồng Kông.

Nhưng một điều mà ông Hàn Đại Nguyên không nói rõ, và Bắc Kinh cũng không muốn nhấn mạnh, là Hồng Kông theo một hệ thống tư pháp khác hẳn trong lục địa. Thượng tôn pháp luật, theo lối Trung Quốc là thẳng tay đàn áp những người không đồng ý với đảng và nhà nước. Quan tòa ở trong lục địa do Đảng cộng sản chỉ định và sai khiến. Dân Hồng Kông đã sống và nghĩ theo truyền thống tư pháp của Anh quốc, khác hẳn. Luật pháp rõ ràng, quan tòa độc lập.

Ngay từ khi người Anh cai trị thuộc địa này, các quyền tự do căn bản của dân chúng vẫn được tôn trọng. Tự do phát biểu ý kiến, giúp cho báo, đài đủ mọi khuynh hướngmở mang. Tự do hội họp để bày tỏ ý kiến tập thể, cho nên hai triệu người có thể biểu tình trong trật tự. Tự do suy nghĩ, tự do tôn giáo, tự do kinh doanh, tự do cư trú nhờ không bị trói buộc bằng hộ khẩu, vân vân.

Bản Luật Căn Bản, do Anh và Trung Quốc ký kết bảo đảm thi hành trong 50 năm, vẫn tiếp tục cho dân hưởng các quyền tự do đó. Dưới chế độ của đế quốc Anh, dân Hồng Kông không có dân chủ nhưng được tự do.

Nhưng thế giới đã thay đổi. Người dân bắt đầu đứng lên đòi thêm các quyền dân chủ. Các tổ chức sinh viên, các hội đoàn nghề nghiệp đang vận động đòi quyền trưc tiếp bàu cửa người hành chánh trưởng quan, đứng đầu guồng máy cai trị. Họ cũng đòi số đại biểu do dân trực tiếp bàu phải tăng lên trong nghị viện, thay vì đa số vẫn là những người do triều định Bắc Kinh chọn và chỉ định.

Hai đại biểu đòi dân chủ trong nghị viện, Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung,梁國雄), và Chu Khải Hồi (Eddie Chu Hoi-dick朱凱廸), 63 tuổi và 32 tuổi, cuối tuần này sẽ bắt đầu những cuộc biểu tình đòi cho người dân Hồng Kông được bỏ phiếu trực tiếp bầu những người cai trị mình.

Điều mà Đảng cộng sản Trung Quốc lo sợ nhất là dân chúng trong lục địa sẽ nhìn tấm gương của dân Hồng Kông và tự hỏi : Tại sao mình không được tự do như họ ?

Đây sẽ là thử thách lớn đối đối với Trung Quốc trong những năm sắp tới. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 16/08/20149

*****************

Cuộc kháng cự của Hồng Kông liệu có giành được chiến thắng ?

Ai Wei Wei, VNTB, 16/08/2019

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo rằng nước Anh nên đứng ngoài cuộc. Hồng Kông không phải là việc của quý vị, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói vậy. Chúng tôi có chủ quyền. Chúng tôi làm những gì mà chúng tôi nhận thấy là phù hợp.

hong4

Cuộc kháng cự của Hồng Kông liệu có giành được chiến thắng ?

Xin có vài lời giới thiệu về Ngải Vị Vị

Ông Ngải Vị Vị là một nghệ sĩ đã từng bị chính quyền Trung Quốc cộng sản cầm tù.

Ngải Vị Vị ( , sinh 1957) là một nghệ sĩ, nhà hoạt động, và nhà triết học người Trung Quốc hoạt động tích cực trong lĩnh vực kiến trúc, nhiếp ảnh, phim ảnh, phê bình văn hoá và xã hội. Bên cạnh lĩnh vực nghệ thuật, ông còn tham gia điều tra tham nhũng và các hoạt động ngầm của chính phủ Trung Quốc. Ông đặc biệt quan tâm tới việc phơi bày các vụ scandal tham nhũng trong việc xây dựng các trường học ở Tứ Xuyên bị sập đổ trong động đất Tứ Xuyên 2008. Ngày 3/4/2011, công an Trung Quốc đã bắt giữ ông tại sân bay Bắc Kinh và xưởng vẽ của ông ở thủ đô bị niêm phong trong một hành động cảnh cáo rõ ràng của chế độ với các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến. 

Sau đây là nguyên văn bài báo của Ngải Vị Vị

Ngày 29/06/2019, một cô gái trẻ 21 tuổi đã viết một cái gì đó lên tường một cầu thang của một tòa nhà công cộng ở Fanling, một vùng ngoại ô của tầng lớp dân chúng lao động ở Hồng Kông :

Đồng bào Hồng Kông thân mến : Cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ còn kéo dài, vì vậy chúng ta phải đảm bảo rằng ý chí của chúng ta sẽ không bị héo mòn. Chúng ta phải nhất mực đòi hỏi rằng dự luật phải được rút bỏ hoàn toàn, rằng sự vu khống của chính quyền đối với các cuộc biểu tình của chúng ta như là một sự "bạo loạn" phải được hủy bỏ, rằng những người biểu tình bị giam giữ phải được phóng thích, rằng Lâm Trịnh Nguyệt Nga – Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông phải rời từ chức, và các lực lượng cảnh sát phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Mong ước của tôi là sử dụng cuộc đời bé nhỏ của tôi để ủng hộ những đòi hỏi này, những đòi hỏi xuất phát từ hai triệu con người trong số chúng ta !

Bản thông điệp được một bàn tay yếu đuối viết bằng một thứ sơn màu đỏ. Những đường nét nguệch ngoạc ở cuối mỗi chữ của bức thông diệp, dường như vẫn đầy cương quyết nhưng đã kiệt sức. Cô Lo Hiu Yan sau đó gieo mình từ ban công xuống đất bên ngoài tòa nhà. Nguyện ước của cô đã được thực hiện.

Ngày 9/6/2019, khoảng một triệu người ở Hồng Kông đã biểu tình chống lại dự luật dẫn độ được Bắc Kinh bảo trợ, dự luật này cho phép dẫn độ các công dân Hồng Kông sang xét xử tại Trung Quốc đại lục. Ngày 16/6, một cuộc biểu tình khác đã thu hút khoảng hai triệu người - hơn một phần tư dân số thành phố. Phần lớn những người biểu tình ở độ tuổi thiếu niên hoặc 20 tuổi. Quy mô, các khẩu hiệu và trật tự được tổ chức tốt của các cuộc biểu tình đã thu hút sự ngưỡng mộ từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng cuối cùng, cảnh sát Hồng Kông đã sử dụng hơi cay, đạn cao su và các vụ bắt giữ để giải tán người biểu tình. Chính quyền Hồng Kông gọi họ là "những tên côn đồ".

Ngày 1/7, một cuộc biểu tình khác, lần này là để kỷ niệm (nhưng thực chất là khóc than) việc bàn giao Hồng Kông từ Anh quốc sang cho Trung Quốc hồi 22 năm về trước, đã thu hút hơn 100.000 người biểu tình, một vài người trong số họ đã đột nhập vào tòa nhà hội đồng lập pháp của thành phố Hồng Kông.

Chúng ta cần phải tự hỏi tại sao những người trẻ tuổi Hồng Kông lại làm những việc như vậy ? Đối với thế giới, việc bàn giao Hồng Kông của Anh quốc dường như chỉ là một chú thích của lịch sử. Nhưng dầu vậy, đối với những người trẻ tuổi Hồng Kông việc trở về với Trung Quốc đại lục có nghĩa là tất cả.

Họ - những người trẻ tuổi Hồng Kông – nhìn thấy gì ở Trung Quốc đại lục ngày nay ? Một công xưởng của thế giới, chắc chắn là thế. Trung Quốc đại lục giàu có và có ảnh hưởng hơn nhiều so với ba thập kỷ trước đây. Nền kinh tế của Trung Quốc đại lục đang hòa nhập với nền kinh tế thế giới, và Trung Quốc đại lục đang nhắm tới việc mở rộng phạm vi của nó thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng. Nhưng sự giàu có của Trung Quốc đại lục được xây dựng trên lưng của những người lao động giá rẻ của những người di cư từ nông thôn ra thành thị, không được các quy định về an toàn, các đoàn thể, báo chí tự do hoặc một nền tư pháp công minh chính đại bảo vệ.

Quyền lực chính trị ở Trung Quốc đại lục vận hành theo những cách thức giống với thế giới ngầm. Những điểm mạnh của hệ thống này là tốc độ và hiệu quả của guồng máy cai trị của nó, vốn bị hoen ố nặng nề bởi tham nhũng, được bảo vệ bởi một hệ thống cảnh sát rộng lớn và dày đặc và không có các đối thủ cạnh tranh. Còn những con người (ở Trung Quốc đại lục) thì sao ? Họ là những bánh răng của nó. Nếu những con người đó có những mong muốn hoặc nhu cầu khác - như suy nghĩ độc lập, tự do biểu đạt hoặc mưu cầu hạnh phúc cá nhân - tốt thôi, nhưng đó là những thứ để các đối thủ của chúng ta, các nền dân chủ phương Tây, theo đuổi. Mô hình sản xuất của phương Tây kém hiệu quả hơn so với mô hình sản xuất chúng ta. Chúng ta có "những đặc trưng mang màu sắc Trung Quốc".

Từ sâu xa trong gốc rễ, cuộc đối đầu với phương Tây không phải là về thương mại. Đó là cuộc đối đầu giữa hai hệ thống chính trị về cơ bản không tương thích với nhau, đó là hai cách hiểu khác nhau về nền văn minh hiện đại là gì. Mô hình chính quyền Trung Quốc về sự hy sinh của con người để phục vụ cho sự giàu có và quyền lực của nhà nước (và của giới thượng lưu) chắc chắn mâu thuẫn với lý tưởng dân chủ. Các chính quyền và doanh nghiệp phương Tây cưỡi trên lưng hệ thống của Trung Quốc đại lục nhằm tìm kiếm lợi nhuận của chính họ cần phải tự nhắc nhở mình rằng những hành động của quý vị gây tổn hại đến phẩm giá con người và, trong bất kỳ trường hợ nào, việc tiếp tục và tiếp tục những hành động như vậy đều là thực chất của sự gian ác.

Giới trẻ Hồng Kông, những người đã trưởng thành nhờ có internet và có hiểu biết tốt về internet, nhận thức sâu sắc về những sự lựa chọn thay thế khắc nghiệt mà họ đang phải đối mặt. Họ đã quen với tự do, với các quyền cá nhân và tiếp cận thông tin. Họ biết những gì họ muốn, những gì họ đang bảo vệ và bản chất của sự đối lập mà họ phải đối mặt. Họ đã thấy các quyền tự do của Hồng Kông - trên các phương tiện truyền thông, giáo dục, nhà ở, thương mại và các nơi khác - từ từ bị xói mòn, và họ biết rằng Đảng cộng sản Trung Quốc không dừng lại ở việc theo các đuổi lợi ích của chính nó (của chính Đảng cộng sản Trung Quốc).

Quyền tự chủ hợp pháp của Hồng Kông, vốn bị đe dọa trong dự luật dẫn độ này, dường như có lẽ là chiếc lá mùa thu cuối cùng trên thân cây của nó trước khi mùa đông khắc nghiệt tràn tới. Họ biết mùa đông đó có diện mạo như thế nào : bắt giữ tùy tiện, giam cầm bí mật và coi thường sự thật, coi thường sự trung thực và coi thường sự công bằng. Họ cảm thấy rằng thất bại trong trận chiến hiện tại sẽ là thất bại đối với tất cả. Thất bại và họ, cũng giống như những người dân ở Tây Tạng, Tân Cương và phong trào dân chủ đại lục, sẽ phải sống dưới sự khủng bố và tấn công và không còn biết trông cậy vào ai.

Những người trẻ tuổi ở Hồng Kông cũng nhận thức được rằng các cuộc biểu tình của họ không phải đơn thuần là một cuộc đấu tranh cục bộ. Họ biết rằng Hồng Kông, với thói quen tự do dân sự được thừa hưởng từ sự cai trị của nước Anh ở một bên và cuộc đối đầu với chế độ độc tài Trung Quốc ở bên kia, là một phòng thí nghiệm cho thế giới. Điều gì sẽ xẩy ra ? – những người dân tự do mong muốn duy trì tự do sẽ bị đè bẹp, nghiền nát bởi một guồng máy độc đoán ? Tiền lệ đó sẽ là một cơn ác mộng đối với thế giới. Và có lẽ là một bước ngoặt.

Bị đẩy đến chân tường, như họ nhìn nhận, Lo Hiu Yan và ít nhất ba công dân trẻ Hồng Kông khác đã tự kết liễu đời mình.

Nếu các cuộc biểu tình gần đây mà diễn ra ở Thâm Quyến, Thượng Hải hay Bắc Kinh, thì chế độ cộng sản Trung Quốc đã sử dụng vũ lực gây chết người, như cách đây 30 năm ở Bắc Kinh khi quân đội với xe tăng và súng máy đã tàn sát những người biểu tình ủng hộ dân chủ được trang bị không có gì khác ngoài đá, gạch và sự can đảm của họ. Nhưng tại thời điểm hiện tại, "một quốc gia, hai hệ thống" vẫn còn tạo ra một sự khác biệt ở Hồng Kông. Nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo rằng nước Anh nên đứng ngoài cuộc. Hồng Kông không phải là việc của quý vị, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói vậy. Chúng tôi có chủ quyền. Chúng tôi làm những gì mà chúng tôi nhận thấy là phù hợp.

Trung Quốc không đơn độc trong việc muốn tránh né "những rắc rối" ở Hồng Kông. Nhiều người trong chính quyền và giới kinh doanh phương Tây, những người trục lợi từ hệ thống áp bức của Trung Quốc cũng đồng tình. Hồng Kông là một trung tâm của hệ thống này và cả hai bên đều sẽ thiệt hại nếu vai trò của Hồng Kông bị ảnh hưởng hoặc mất hẳn.

Một lý do khiến tôi đồng cảm với những người dân Hồng Kông là tôi đã phải chịu đựng những loại chiến thuật mà họ (những người dân Hồng Kông) lo sợ. Năm 2011, cảnh sát Trung Quốc đại lục mặc thường phục, hành động ngoài vòng pháp luật, đã bắt cóc và bịt mắt tôi và đưa tôi đến một địa điểm bí mật. Tôi không thể liên lạc với gia đình (và họ không được thông báo) và tôi không có luật sư. Tôi cảm thấy đột ngột mất đi sự tự tin và lòng tự trọng, tôi cảm thấy bị cô lập một cách đáng sợ và mất niềm tin vào xã hội. Nói tóm lại, tôi cảm thấy dường như mình đã rơi vào một hố đen sâu thẳm. Những gì sẽ đến với tôi tiếp theo sẽ là của riêng mình tôi phải chịu đựng. Một mình.

Tôi bị bắt cóc bởi vì, tôi, bằng nghệ thuật của mình, đang nêu lên những câu hỏi khó chịu. Ví dụ, tôi đã nêu câu hỏi có bao nhiêu trẻ em đã chết trong trận động đất ở Tứ Xuyên hồi năm 2008 khi các dãy nhà trong các ngôi trường của chúng được xây dựng một cách tệ hại sụp đổ. Những gì trong ba lô của chúng - và tâm trí của chúng - khi chúng phải chết một cách đầy oan uổng ? Đối với một chế độ chỉ nhằm bảo vệ các quyền lực của nó, các câu hỏi như trên đây đều bị nhìn nhận như một âm mưu lật đổ nhà nước. Hậu quả đối với tôi là một sự tra tấn, đánh đập gần như phải trả giá bằng mạng sống của tôi.

Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải lên tiếng bởi vì những người trẻ tuổi ở Hồng Kông cần phải biết rằng nỗi sợ hãi của họ đối với một nhà nước Trung Quốc độc đoán toàn trị là hoàn toàn có cơ sở : Các quan chức Hồng Kông do Bắc Kinh bổ nhiệm sẽ bán sạch các quyền tự do quý giá của Hồng Kông ngay khi họ được lệnh để làm điều đó. Hàng trăm tù nhân bất đồng chính kiến bị giam cầm ở Trung Quốc đại lục sẽ nói với họ điều này nếu họ có thể. Những người bị rọ mõm (các quan chức Hồng Kông), họ không thể.

Một số người đang đặt vấn đề : Liệu những người biểu tình Hồng Kông có thể giành chiến thắng hay không ? Câu trả lời của tôi là nếu họ kiên trì, họ không thể thua. Đây là một cuộc đấu tranh của các giá trị con người - tự do, công bằng, nhân phẩm - và trong vương quốc đó, những người dân Hồng Kông thực tế đã chiến thắng. Vâng, nếu họ bỏ cuộc, thì guồng máy (toàn trị của Trung Quốc đại lục) sẽ tiếp quản. Nhưng trong khi một chế độ độc tài tàn bạo mong muốn tồn tại lâu hơn họ (những người dân Hồng Kông) thì nó (guồng máy toàn trị của Trung Quốc đại lục) không bao giờ có thể giành chiến thắng. Bản chất của con người là có lý tưởng và biến chúng (những lý tưởng ấy) thành hiện thực. Chế độ độc tài không bao giờ có thể thay đổi được những chân lý đó. Thất bại của nó (chế độ độc tài, toàn trị) chỉ là vấn đề thời gian.

Ai Wei Wei

Nguồn : Can Hong Kong’s Resistance Win ?, New York Times, 12/07/2019

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 16/08/2019

Quay lại trang chủ
Read 808 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)