Không thu hồi đất của vợ quan vì... phù hợp thực tiễn ?
An Viên, VNTB, 18/08/2019
Liên quan đến việc tỉnh Quảng Nam có thu hồi 2 lô đất A51 và A52 của bà Nguyễn Thị Ánh (vợ ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam) chuyển nhượng sai quy định của Luật đất đai ? Ông Trần Minh Thái, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho rằng không thu hồi 2 lô đất A51 và A52 là "phù hợp với thực tiễn", bởi "trên diện tích đất bà Ánh đã làm nhà, nếu thu hồi phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khó khăn, ảnh hưởng đến kinh tế cá nhân".
Căn nhà được xây trên trên hai lô đất A51 và A52
Nếu căn cứ trên quan điểm đầy nhân văn của ông Trần Minh Thái, thì bất kỳ công trình sai phạm nào ở Việt Nam, khi đã có công trình trên đất đều "xứng đáng" được hợp pháp hóa. Và như thế, quy định của Luật đất đai 2013, cũng như bộ máy cưỡng chế của nhà nước xoay quanh các vi phạm đất đai đều bị vô hiệu hóa một cách tuyệt đối.
Thế nhưng, ở Việt Nam đã không tồn tại sự "nhân văn" như thế đối với những người đã và đang là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi bất kỳ công trình xây phạm nào được xây dựng đều có đầy đủ ban bệ cưỡng chế một cách "quyết liệt và công khai", thậm chí đôi lúc đội ngũ cưỡng chế của nhà nước còn nhiệt tình đến mức "cưỡng chế nhầm" [1].
Đặt tình huống, nếu bà Nguyễn Thị Ánh, không phải là vợ của ông Vũ Ngọc Hoàng, bản thân ông Hoàng không phải là nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, thì liệu ông Chánh thanh tra tỉnh Quảng Nam có "thô thiển" và "trơ trẽn" đến mức vịn lý do "bà Ánh đã làm nhà" để không đưa ra quan điểm thu hồi hay không ? Thậm chí cái gọi là "ảnh hưởng đến kinh tế cá nhân" càng cho thấy tính lợi ích nhóm, quan liêu cục bộ bên trong tư tưởng của ông Trần Minh Thái.
"Tất cả mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một vài con lại bình đẳng hơn những con khác" (George Orwell, Nông Trại Súc Vật), tất cả thể hiện một cách sinh động qua lô đất A51 và A52 của vợ nguyên Bí thư tỉnh ủy. Sẽ khó có sự công bằng khi giá trị đất lại được thao túng và chuyển nhượng một cách vô phép tắc, và được bầu chữa dựa trên mối quan hệ quan chức với nhau.
Và sẽ khó có thể chấp nhận trong thời kỳ "củi lò", xuất hiện hiện tượng cán bộ "giữ mình" để giữ phiếu bầu trước kỳ bổ nhiệm Đại hội [2], lại xuất hiện hiện tượng cựu cán bộ sử dụng quyền lực để bao che các sai phạm của cá nhân hoặc người thân gia đình mình, mà ở đây là trường hợp của nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Vũ Ngọc Hoàng. Bởi nếu không có yếu tố "bao che" hay sử dụng "quyền lực" thông qua các mối quan hệ quyền lực thân thuộc, thì liệu ông Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam có đủ "liêm sỉ" để đề cập đến việc không thu hồi đất sai phạm "vì phù hợp với thực tiễn" ? Thậm chí đặt trong một tình huống nhất định, việc không thu hồi để tránh "ảnh hưởng kinh tế cá nhân" có phải là cách thức bôi nhọ gián tiếp tinh thần "chống tham nhũng" và "không vùng cấm" của ông Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Gián tiếp bôi nhọ tinh thần "chống tham nhũng" của Đảng cộng sản Việt Nam, và làm suy yếu "uy tín của đảng, nhà nước ta" trong công cuộc chống tham nhũng hiện nay ?
Facebooker Hoàng Minh bày tỏ : ông Trần Minh Thái tuyên bố như thế có phải đi ngược lại phẩm chất, năng lực, hiểu biết, trình độ "chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực" theo tinh thần Thông tư số 09/2011 của Thanh tra Chính phủ về quy định tiêu chuẩn Chánh thanh tra tỉnh hay không ? Và liệu có cần xem xét quy trình bổ nhiệm ông Thái có thực sự "đúng quy trình" ?
Quan điểm của Hoàng Minh là không sai, khi mà quan điểm của ông Trần Minh Thái đã đi ngược tinh thần mà chức năng, nhiệm vụ ông quy định. Quan điểm đó tạo cơ sở cho sự lạm quyền và đứng trên pháp luật tiếp tục sinh sôi nảy nở, thậm chí nó dung túng và biến các hành vi trái pháp luật trở thành một điều hiển nhiên cho thực tế của chế độ.
Câu chuyện về di sản sai phạm của những cán bộ cấp cao trong đảng là không hề mới, và ở đó chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tính "vô liêm sỉ", "đứng trên luật", và "lạm quyền" luôn đồng hành với nhau. Chừng nào câu chuyện như trên còn tồn tại, thì chừng đó chiến dịch đốt lò còn có vấn đề, hay nói cách khác là thiếu bền vững.
An Viên
Nguồn : VNTB, 18/08/2019
Chú giải :
[2] Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam.
*****************
Tướng Nguyễn Mạnh Hùng đủ khả năng "kéo não" người dân về hay không ?
Kiều Phong, VNTB, 18/08/2019
Trong phiên chất vấn sáng ngày 15 tháng 8, trong cuộc họp Ủy ban thường vụ, ông Hùng nói "Mạng xã hội Việt Nam đã có 65 triệu người dùng". Mạng xã hội quen thuộc nhất đối với người Việt là Facebook mà còn chưa được 50 triệu. Có thể ông Hùng cố tình khuếch trương con số, cũng có thể ông nghe báo cáo láo từ bên dưới. Trong mọi trường hợp thì cả bộ Thông tin và Truyền thông đang lừa dối lẫn nhau. Sai lầm lớn nhất của bộ này là thiếu trung thực và không biết lượng sức mình.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển mạng xã hội "nội", made in Vietnam.
Vừa qua, có lời của tướng Nguyễn Mạnh Hùng- trước là sếp tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, sau này đang là Bộ trưởng bộ thông tin và truyền thông tuyên bố "kéo não người dân ở lại trong nước". Người ta đang bàn nhau xem mức độ khả thi của lời tuyên bố đến đâu.
Cụ thể, câu nói của tướng Hùng : "Làm mạng xã hội nội để kéo não người Việt ở lại trong nước". Lý luận của tướng Nguyễn Mạnh Hùng khá đơn giản : mạng xã hội "ngoại" thống lĩnh hiện nay giống như là người Việt để não của mình ở nước ngoài. Vậy nên cần xây dựng các mạng xã hội trong nước để cân bằng lại, kéo giữ não của người Việt ở trong nước.
Cần phải hiểu tại sao người dân không để não ở trong nước mà phải để ở nước ngoài. Tiền bạc cũng vậy, người ta để nơi nào người ta yên tâm hơn. Phe ông Hùng cố tạo ra các khái niệm như "thế lực thù địch", "phản động"... không có những khái niệm này mà cũng cố tạo ra cho có, để rồi không định nghĩa được khúc chiết, sử dụng tùm lum, làm cho người với người trong xã hội chẳng ai còn tin ai. Thời "cả vú lấp miệng em" đã qua rồi. Mạng xã hội của tướng Nguyễn Mạnh Hùng còn chưa ra thì người dân ai nấy đều đinh ninh rằng nó dùng để chụp mũ, ngăn cản, trả thù những người bất đồng chính kiến, đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Ấy là tại Việt Nam định nghĩa lẽ phải khác với nước ngoài, nên người dân phải để não ở nước ngoài. Giả sử Nguyễn Mạnh Hùng có làm được một mạng xã hội Việt, thì ông sẽ lấy nguyên lý gì để quản trị mạng xã hội đó ? Nếu có nguyên lý mạnh hơn thì chắc ông đã trưng ra để toàn dân được biết và so sánh. Nhưng ông Hùng không có nguyên lý gì cả, cho nên không dám đưa ra sẵn cho người ta chọn.
Bộ Thông tin và truyền thông không coi Zalo là đối thủ mà coi Facebook là đối thủ. Cát Linh, nhà báo độc lập trẻ ở Hà Nội thắc mắc : "Sao không hỏi ông Hùng xem tại sao mạng xã hội Zalo bao nhiêu năm không đăng ký kinh doanh ?". Câu hỏi này của Cát Linh rất trúng vấn đề. Trong một đất nước, tư tưởng là một mặt trận xung yếu. Một dân tộc cũng như một cá nhân, chỉ có thể chống lại đoàn lũ hay những tư trào ngoại lai tràn vao gieo rắc, phân tán dân tộc mình là khi nào tâm thức dân tộc ấy được tổ chức chu đáo trên một cơ sở tinh thần vững mạnh. Zalo là một ví dụ, vào Việt Nam như vào một nhà không chủ, muốn vào thì vào, muốn ra thì ra.
Trong phiên chất vấn sáng ngày 15 tháng 8, trong cuộc họp Ủy ban thường vụ, ông Hùng nói "Mạng xã hội Việt Nam đã có 65 triệu người dùng". Mạng xã hội quen thuộc nhất đối với người Việt là Facebook mà còn chưa được 50 triệu. Có thể ông Hùng cố tình khuếch trương con số, cũng có thể ông nghe báo cáo láo từ bên dưới. Trong mọi trường hợp thì cả bộ Thông tin và Truyền thông đang lừa dối lẫn nhau. Sai lầm lớn nhất của bộ này là thiếu trung thực và không biết lượng sức mình.
Lê Trọng Hùng, nhà báo độc lập ở Hà Nội kết luận ngắn gọn về tướng Nguyễn Mạnh Hùng : "Bộ trưởng toàn trị !".
Thời ông Hùng làm quản lý ở Viettel, nhiều người còn nể trọng tài năng. Thời đó cũng chưa mấy ai biết những việc Viettel làm, nên người ta tưởng ông tài năng. Ông Hùng ít tai tiếng. Từ ngày ông Hùng nhảy lên làm bộ trưởng bộ 4T (Thông tin và truyền thông), gặp nhiều sự bất trắc trước đó chưa xảy ra nay xảy ra, không được chuẩn bị sẵn phương pháp ứng xử, ông đã phát ngôn nhiều câu theo cảm tính và bị dân chửi. Riêng lần này, qua câu nói của mình, ông Hùng tiết lộ nỗi buồn của người phe mình. Đó là phe ông đã không giữ được não của dân, tim của dân. Dân đã đi đâu mất rồi.
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 18/08/2019
*****************
Vsmart Live hay lòng yêu nước giá rẻ ?
An Viên, VNTB, 17/08/2019
Rõ ràng, để cung cấp dịch vụ hay sản phẩm thực, thì một doanh nghiệp có tài và đức cần phải thêm một cái gì đó mà không thể được mua hoặc đo bằng tiền, và đó là sự chân thành và liêm chính.
Điện thoại Vsmart Live – vốn được cho là sản phẩm công nghệ của tập đoàn bị tố là phiên bản đổi tên của điện thoại Trung Quốc (Meizu 16Xs) - Giống nhau 100% ?!
Một hình ảnh chụp lại Quyết định của Chủ tịch tập đoàn Vingroup, kỷ luật và sa thải các nhân viên vi phạm chính sách ưu đãi nội bộ cho nhân viên với hành vi rao bán lại xe Vinfast trên mạng xã hội.
Đây là chính sách nội bộ công ty và không nhiều phê phán liên quan đến nó. Tuy nhiên, trong nội dung thông báo quyết định kỷ luật có nhắc đến ý chí "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam", "tự hào về các sản phẩm "Made in Việt Nam".
Giống như Bphone của ông CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng, Vinfast và các sản phẩm "công nghệ" khác của Vingroup được không ít quan chức cấp cao trong bộ máy chính quyền Việt Nam coi là "niềm tự hào của Việt Nam", là "cảm hứng của tinh thần Made in Vietnam". Và trong buổi trải nghiệm xe Vinfast tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Cát Hải, Hải Phòng) vào tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ví công cuộc sản xuất ô-tô của Vingroup như là cuộc hành trình của quân Tây Sơn thần tốc, là kỳ tích của ngành ô-tô Việt Nam.
Vingroup là tập đoàn tư nhân, và khát vọng họ vươn tầm thành một tập đoàn bền vững liên quan đến mảng công nghệ, hơn là bất động sản là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cho đến nay tập đoàn này vẫn được xem xét dưới góc độ vận động hành lang chính sách trong "đổi đất" và "giàu lên từ đất". Đối với mảng ô-tô, xe đạp điện, và thậm chí là cả điện thoại sắp ra mắt, Vingroup chỉ được coi là "mãnh liệt" hơn là "tinh thần Việt", và nhấn mạnh tự hào sản phẩm Vingroup hơn là về các sản phẩm Made in Vietnam.
Tại sao lại nói như vậy ?
Mới đây, điện thoại Vsmart Live – vốn được cho là sản phẩm công nghệ của tập đoàn bị tố là phiên bản đổi tên của điện thoại Trung Quốc (Meizu 16Xs). Kết cấu hoàn toàn giống nhau, chỉ khác mỗi ký tự ngôn ngữ trên viên pin. Trả lời về vấn đề này, trên trang công nghệ Genk.vn, Vsmart cho biết cả Vsmart và Meizu đều có chung một nhà thiết kế IDH và đây là "việc phổ biến của thị trường công nghệ". Điểm khác duy nhất mà Vsmart chỉ ra là hệ điều hành được tùy biến từ Android, tương tự như cách ông Nguyễn Tử Quảng áp dụng với Bphone.
Và nếu nói như cách Vsmart, thì yếu tố "giữ bản quyền thiết kế" trong thời đại mà bản quyền đã trở thành cốt lõi của các công ty, nhà sản xuất là thứ không tồn tại. Chỉ "phổ biến thị trường công nghệ" khi và chỉ khi một nhà buôn nhập về số lượng lớn và đánh tráo bằng ký tự ngôn ngữ để đánh lừa người tiêu dùng.
Nói cách khác, Vingroup đang đi theo đường của BKAV, trong đó áp dụng White Label (Nhãn trắng), được sử dụng khi một sản phẩm hoặc dịch vụ được mua bởi một người bán lại, người đó đổi tên sản phẩm hoặc dịch vụ để tạo ấn tượng rằng chủ sở hữu mới đã tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
Vingroup không làm ra sản phẩm, nhưng Vingroup sử dụng bàn tay marketing quyền lực để biến sản phẩm gần như là nhập trở thành một sản phẩm Made in Vietnam.
Meizu 16Xs với cấu hình tương tự và khác mỗi hệ điều hành được tùy biến, được rao bán trên trang mạng taobao.com (Trung Quốc) với giá 1.499 tệ (tương đương 5,1 triệu đồng Việt Nam).
Vingroup không sai khi tìm cách kinh doanh, nhưng nếu đặt đường kẻ về mặt đạo đức và cái tâm trong kinh doanh thì Vingroup đã sai hoàn toàn. Sẽ khó chấp nhận một điện thoại được mô tả là "Made in Vietnam", được cho là "mãnh liệt tinh thần Việt", được nhấn mạnh là phải "tự hào về lòng yêu nước" chỉ là một đứa em sinh đôi từ bên Trung Quốc sang.
Và cái giá "lòng yêu nước", "tinh thần Việt" của Bphone hay Vsmart Live rẻ như cái giá của người anh em sinh đôi của nó ở bên Trung Quốc vậy.
Phạm Văn Tam, CEO Asanzo có lẽ sẽ biết chớp lấy cơ hội này để biện minh cho cái gọi là "Made in Vietnam" theo kiểu thay ký tự ngôn ngữ trên bề mặt.
Chúng ta sẽ cổ súy và ủng hộ những sản phẩm Việt, chúng ta hoan nghênh các ông bà doanh nghiệp người Việt, nhưng chúng ta cũng cần lên án những mác kinh doanh dùng lòng yêu nước như một phương thức thời thượng để kích cầu kinh doanh, bởi đó là một hành vi đốn mạt.
Sự đốn mạt này tồn tại như một trạng thái mê sảng về lòng yêu nước.
Bạch Thái Bưởi, dù không phải là nhà tư sản giàu nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng ông lại chính là nhà buôn nổi danh nhất và được nhiều người kính trọng, ngưỡng mộ nhất. Bởi doanh nhân này, đã thực sự phát huy thực tế lòng yêu nước đến từ những dịch vụ mang bản chất của người Việt. Trên cả, ông đáp ứng được lòng chân thực, chân thành, và liêm chính.
Rõ ràng, để cung cấp dịch vụ hay sản phẩm thực, thì một doanh nghiệp có tài và đức cần phải thêm một cái gì đó mà không thể được mua hoặc đo bằng tiền, và đó là sự chân thành và liêm chính.
Từ sự vụ Vsmart Live, Vingroup đã vô tình trả lời cho câu hỏi, tại sao những sản phẩm của tập đoàn này, được bán với giá ưu đãi cho nhân viên, lại bị chính nhân viên đem bán lại thay vì trải nghiệm sản phẩm Made in Vietnam như một sự tự hào về "lòng yêu nước".
An Viên
Nguồn : VNTB, 17/08/2019