Cả thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc lẫn các quan chức lãnh đạo khối đảng và khối chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đều ‘câm như hến’ mà không đả động gì đến sân golf Tân Sơn Nhất trong hai cuộc họp gần đây nhất - tháng 8 năm 2019 - về việc đầu tư các dự án giảm tải cho Tân Sơn Nhất và thu hồi toàn bộ đất quốc phòng hoạt động sai phạm.
Sân golf Tân Sơn Nhất - Ảnh minh họa
Vào năm 2017 và 2018 khi vấn đề giải tỏa sân golf Tân Sơn Nhất được đặt ra, giới chủ đầu tư của sân golf này, và cả vài lãnh đạo của Bộ Quốc phòng, đã trắng trợn ngã giá. Một chủ đầu tư của sân golf này – ông Trần Văn Tĩnh – đã nói ra con số đó và cũng toạc ra với báo chí : "sẵn sàng bàn giao sân golf Tân Sơn Nhất, nhưng phải bồi thường !" – như một cách mặc cả với ngân sách quốc gia cùng tiền đóng thuế của dân. Theo đó nếu nhà nước thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất, số kinh phí dùng để "bồi thường giải tỏa" cho cụm sân golf – nhà hàng – khách sạn – chung cư… đã được xây dựng quy mô và còn hứa hẹn sẽ phát triển thêm là quá lớn – lên đến ít nhất 3.000 tỷ đồng.
Hiện tượng rất đồng pha và đồng điệu là quan điểm mặc cả trên rất nhất quán từ trên xuống dưới, và từ dưới lên trên trong hệ thống "nhóm lợi ích quân đội". Chỉ khoảng 3 tuần trước khi "phải bồi thường" của ông Trần Văn Tĩnh, Thứ trưởng quốc phòng Trần Đơn cũng đã "bắn ý" về "phải bồi thường" trong hội nghị quán triệt, triển khai kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về quản lý sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 8/8/2017.
Đó là một thách thức chưa từng có trước pháp luật. Bởi chính Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã khẳng định hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất là vô hiệu. Mà hợp đồng đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường gì cả. Còn việc quân đội không sử dụng hết giao cho nhà đầu tư bên ngoài khai thác làm sai mục đích sử dụng đất là Bộ Quốc phòng đã vi phạm Luật Đất đai.
Nhưng rốt cuộc đã không có một chỉ đạo nào từ Thủ tướng Phúc về trách nhiệm phải chịu đối với Bộ quốc phòng và những cơ quan liên quan.
Và rốt cuộc, sân golf Tân Sơn Nhất đã bị biến thành "kẻ tống tiền", còn ngân sách quốc gia và tiền thuế của dân tạo ra ngân sách lại bị biến thành một thứ "con tin". Vẫn hầu như không có bất cứ một chuyển động đáng kể nào về ‘mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất’ cho tới nay.
Vào tháng 2 năm 2019 đã lộ thêm một bằng chứng sống động về Bộ Giao thông và vận tải cố ý câu giờ mà không mau chóng chấm dứt sự tồn tại của sân golf Tân Sơn Nhất và mở rộng sân bay dân sự cùng tên.
Theo tờ Dân Việt, để "cứu" sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông và vận tải có 2 đề án mở rộng theo đề xuất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)) và Công ty Hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar). Tuy nhiên, vẫn không thể thực hiện cùng 1 lúc (vì có nhiều tranh cãi), bởi đề án của ACV chưa mang tính khả thi cao. Từ thiết kế nhà ga, quỹ đất, công suất, đến tiến độ thực hiện đều bất cập so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Dân Việt, mặc dù Thủ tướng đã quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với việc xây thêm ga hành khách, nhưng khi ACV đưa ra thiết kế tại văn bản số 1942/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020, định hướng đến 2030 do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký lại khác xa so với quyết định của tư vấn ADPi (Pháp) trước đó.
Đây là một điểm "bất thường" bởi nó khác so với những gì Thủ tướng cùng các Bộ, ngành đã thống nhất trước đó. Cụ thể, ACV quyết định xây dựng nhà ga trên diện tích đất 16 ha (thay vì 26 ha như tư vấn Pháp được Thủ tướng phê duyệt). Thậm chí, nhà ga này chỉ có diện tích 100.000 m2, thay bằng 200.000 m2 phục vụ 20 triệu hành khách.
Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất đang trong giai đoạn quá độ, thì việc "thu nhỏ" nhà ga T3 liệu có tiếp tục là một điểm tắc nghẽn mới đối với ngành Hàng không ? Đặc biệt, với công suất 20 triệu khách thì hàng loạt các tiện ích nhà ga phải đảm bảo về đường ra vào, bãi đậu xe, tiện nghi nhà ga, nơi tiếp nhận đón trả khách, an ninh…
Được biết, thiết kế của ACV kế thừa theo văn bản số 3193/QĐ-BGTVT ngày 7/9/2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020, định hướng đến 2030 của Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải.
Tuy nhiên, ACV đã tự "xóa sổ" chính quyết định 3193/QĐ-BGTVT bằng việc xóa nhà ga lưỡng dụng đã có trong Quyết định này, dù trước đó, chính Bộ Giao thông và vận tải đã có văn bản cho phép và yêu cầu Hãng hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) sớm triển khai xây dựng nhà ga lưỡng dụng.
Cần phải nhắc lại, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải, việc "thu nhỏ" nhà ga T3, Tân Sơn Nhất phải chăng ACV đang đi ngược với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đi ngược với các quyết định của Bộ Giao thông và vận tải trước đó.
Mặt khác, Quyết định 1942/QĐ-BGTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký ban hành đã được các Bộ, Ngành, đơn vị tư vấn thống nhất ? Bộ Giao thông và vận tải có phải đang cố tình kéo dài thời gian chậm triển khai sân bay Tân Sơn Nhất khiến cho các hãng Hàng không phải lao đao vì thiếu sân đỗ, máy bay phải bay lòng vòng trên bầu trời thêm 15 – 12 phút mới được hạ cánh ?...
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 18/08/2019