Bãi Tư chính : 'Rủi ro đụng độ quân sự cao' khi đối đầu lần hai ?
Hà Hoàng Hợp, BBC, 18/08/2019
Đối đầu lần hai ở bãi Tư Chính và khu vực lân cận trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tăng cao và nếu không được quản lý đúng mức, sẽ có thể tạo ra rủi ro đụng độ quân sự cao, một nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) bình luận.
Bãi Tư Chính : Diễn biến mới khi Hải dương 8 quay lại biển Việt Nam
"Nếu tàu chiến hai bên vờn nhau, bên Trung Quốc hộ tống và bao bọc tàu thăm dò trái phép, bên Việt Nam đuổi tàu thăm dò trái phép, và bây giờ, là đuổi cả tàu chiến Trung Quốc, thì rủi ro đụng độ quân sự sẽ tăng cao", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện ISEAS nói với BBC News Tiếng Việt hôm 18/8/2019 từ Hà Nội.
"Cuộc tập trận của Trung Quốc trước khi xảy ra vụ Tư Chính, trước khi có cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN và các cuộc gặp ASEAN với Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, EU... thực chất là Trung Quốc dọa nạt Việt Nam và các nước ASEAN có tuyên bó chủ quyền ở biển Đông", vẫn theo ông Hà Hoàng Hợp.
Dưới đây là toàn văn cuộc trao đổi được thực hiện qua bút đàm với nhà quan sát và nghiên cứu chính trị này.
BBC : Tình hình cập nhật hiện nay ở khu vực đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông thế nào, theo quan sát của Tiến sĩ ?
Hà Hoàng Hợp : Một số nguồn tin cho biết có ít nhất một tàu chiến Việt Nam đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật biển ở vùng bãi Tư Chính. Nếu tin này đúng, thì đây không phải lần đầu Việt Nam dùng tàu hải quân thực thi pháp luật trên biển. Năm 1994, tàu hải quân Việt Nam đã xua đuổi tàu thăm dò Trung Quốc khỏi vùng bãi Tư Chính.
Việc sử dụng tàu hải quân để thực thi pháp luật trên biển là hợp pháp, và cũng là biện pháp hòa bình kiên quyết hơn.
Nhưng nó cũng tăng rủi rô đụng độ quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc ở vùng biển gần bãi Tư Chính.
Rủi ro đụng độ quân sự ?
BBC : Có tin tức cho hay 'nhiều tàu của Trung Quốc 'đang kéo vào' và Việt Nam ít nhất đã cử hai tàu chiến ra khu vực, nếu các thông tin này là có cơ sở, diễn biến này có ý nghĩa thế nào và có thể có hệ lụy ra sao, thưa ông ?
Hà Hoàng Hợp : Các nguồn tin cũng cung cấp đồ họa AIS của sự chuyển vận của ít nhất 2 tàu chiến Trung Quốc hướng về vùng biển gần bãi Tư Chính.
Nếu tàu chiến hai bên vờn nhau, bên Trung Quốc hộ tống và bao bọc tàu thăm dò trái phép, bên Việt Nam đuổi tàu thăm dò trái phép, và bây giờ, là đuổi cả tàu chiến Trung Quốc, thì rủi ro đụng độ quân sự sẽ tăng cao.
Với tình hình này, hải quân hai nước cần thực hiện đúng CUES (thỏa thuận không ràng buộc nhằm tránh các đụng độ không chủ định.)
Nếu không theo CUES, lại để xảy ra đụng độ, thì chắc hẳn sẽ có đụng độ quân sự lớn hơn và tình hình sẽ trở nên vô cùng khó quản trị.
Tập trận dọa nạt ai ?
BBC : Mới đây Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông, việc này diễn ra gần như trùng thời gian với sự kiện đối đầu từ đầu tháng Bảy ở bãi Tư Chính và vùng nước kề cận, mục đích của đợt tập trận này là gì ?
Hà Hoàng Hợp : Cuộc tập trận của Trung Quốc trước khi xảy ra vụ Tư Chính, trước khi có cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN và các cuộc gặp ASEAN với Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, EU.... thực chất là Trung Quốc dọa nạt Việt Nam và các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, việc bắn bắn tên lửa diệt hạm từ tàu chiến và từ đất liền, đảo... là đe dọa xung đột với hải quân đối với Mỹ và tất cả các nước có hoạt động hải quân trên vùng biển quốc tế.
Đấy cũng là cảnh báo Mỹ khi Mỹ tiến hành tuần tra tự do hàng hải.
Trung Quốc đang làm mọi cách để chiếm biển Đông sau khi tuyên bố về đường 9 đoạn.
Ngày 16 tháng Tám, Việt Nam đã ra tuyên bố tiếp tục yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu. Phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam bằng mọi cách.
BBC : Hiệu ứng, hiệu quả của việc phát ngôn của Việt Nam hôm 16/8 phản đối Trung Quốc "tái xâm phạm nghiêm trọng" chủ quyền của Việt Nam ra sao ? Phía Trung Quốc sẽ tiếp tục phớt lờ và sẽ còn có thêm các động thái khác gây quan ngại hơn với Việt Nam hay thế nào, theo ông ?
Hà Hoàng Hợp : Trung Quốc đã và đang phớt lờ yêu cầu rút nhóm tàu khỏi vùng biển quanh bãi Tư Chính là nơi Việt Nam có chủ quyền kinh tế, có quyền chủ quyền và quyền tài phán.
Sau khi rút tàu thăm dò ra bãi Chữ Thập để lấy dầu... Trung Quốc lại đưa tàu thăm dò đó vào vừng bãi Tư Chính, tiến hành thăm dò ở một vùng mặt nước khác với đợt trước ngày 8 tháng Tám.
Cùng lúc, Trung Quốc đã đưa thêm một số tàu chiến vào vùng biển thuộc Philippines, thách thức chủ quyền và các quyền khác của Philippines. Như vậy, Trung Quốc đang dọa nạt 3 trong 4 nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
Bản chất là Trung Quốc muốn chiếm trên 90% biển Đông. Và muốn ép các nước ASEAN công nhận thứ chủ quyền đó bằng một quy tắc ứng xử có lợi cho Trung Quốc và có hại cho ASEAN.
Việt Nam là tấm gương ?
BBC : Trái lại với các ý kiến quan ngại rằng Việt Nam có chính sách khá 'yếu mềm' trước Trung Quốc, mới đây đã có nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng Việt Nam (và cả Malaysia) thực ra đều có đối sách mạnh mẽ và khôn ngoan mà khu vực, cụ thể là Philippines, cần học tập, thậm chí ý kiến này còn gợi ý rằng Tổng thống Rodrigo Duterte nên đi thăm Việt Nam và Malaysia trước khi tới Trung Quốc, để học hỏi đối sách của hai nước nàytrước Trung Quốc về Biển Đông, ông có nhận xét gì ?
Hà Hoàng Hợp : Thực tế người ta chưa hiểu hết bản chất của chính sách của tổng thống Philippines Duterte.
Philippines có lợi thế lớn và căn bản, là tòa PCA đã có phán quyết phủ nhận mọi yêu sách của Trung Quốc liên quan đến Philippines.
Tổng thống Duterte vừa qua đã tiếp ông Hoàng Bình Quân, trưởng ban đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, chắc chắn ông ấy hiểu rõ chính sách và hành động của Việt Nam ở biển Đông.
Philippines cũng có lợi thế lớn lao, là quan hệ đồng minh với Mỹ.
Cho dù có khác biệt giữa ba quốc gia : Philippines, Malaysia, Việt Nam, cả ba quốc gia đều đang hành động để chống lại đường lối bá quyền ở biển Đông của Trung Quốc.
BBC : Cuối cùng, quốc tế và khu vực đang quan sát ra sao các động thái liên quan tới Trung Quốc trên Biển Đông vào thời điểm này, nhất là cùng lúc Trung Quốc dường như đang gặp không ít thách thức ở đối nội, tại Hong Kong lẫn ở khu vực và bên ngoài ? Có dự đoán hay cảnh báo gì đáng kể không từ các giới quan sát về tình hình an ninh ở khu vực hiện nay và cho thời gian tới đây ?
Hà Hoàng Hợp : Hiện nay, Trung Quốc đang phải xử lý các vấn đề phát triển kinh tế, thương mại trong lúc đang gặp khó khăn với Mỹ về các vụ áp thuế.
Trung Quốc cũng cần đẩy mạnh sáng kiến vành đai và con đường. Trung Quốc đang gặp khó khăn trong vụ Hong Kong. Vấn đề Đài Loan, biển Hoa Đông, Tân Cương, biên giới với Ấn Độ v.v... là các vấn đề lớn đối với Bắc Kinh.
Chiến lược biển Đông của Trung Quốc không có gì thay đổi ; Trung Quốc đẩy mạnh việc chiếm hơn 90% biển Đông sau khi đã quân sự hóa 7 đảo nhân tạo.
Nếu so sánh lúc này, với thời kỳ giữa thế kỷ 18, trước khi Trung Quốc bị các nước phương Tây chia cắt, có thể thấy có một số điểm tương tự : Trung Quốc đang thực hiện chính sách bá quyền trước hết là ở Châu Á, bất chấp các quy tắc chung. Trung Quốc đe dọa an ninh khu vực, làm mất niềm tin của láng giềng.
Vấn đề chắc không phải là vì gặp khó khăn bên trong, thì gây ra điều gì ở bên ngoài để đánh lạc hướng dư luận nội bộ.
Vấn đề của Trung Quốc là chính sách bá quyền của Trung Quốc đang vấp phải sự phản kháng từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Đường lối bá quyền lúc này của Trung Quốc không hứa hẹn hòa bình ít nhất cho khu vực Châu Á.
Quốc Phương thực hiện
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, mà phần trả lời ở trên là quan điểm cá nhân, đồng thời là thành viên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh quốc, ông có nhiều nghiên cứu và phân tích về chính trị, chiến lược và địa chính trị liên quan Việt Nam, quốc tế và khu vực.
*****************
Mỹ ‘phối hợp đa phương’ ở Biển Đông
Viễn Đông, VOA, 18/08/2019
Một quan chức ngoại giao Mỹ chuyên về vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế mới nói rằng Washington "phối hợp đa phương" trong khi đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.
Khi được hỏi về nỗ lực yêu cầu Bắc Kinh minh bạch hóa các hoạt động quân sự trên Biển Đông, bà Andrea L. Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, trả lời rằng "đây là một nỗ lực chung, không phải của riêng Hoa Kỳ".
"Chúng tôi phối hợp với các đối tác và đồng minh nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải và quyền tự do đi lại ở khu vực đó [Biển Đông]. [Chúng tôi] phối hợp song phương cũng như đa phương nhằm quy trách nhiệm cho Trung Quốc", bà Thompson nói hôm 13/8 trong một cuộc họp báo.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác của chúng tôi. Chúng tôi cũng tin tưởng tuyệt đối vào đội ngũ lãnh đạo cấp cao ở cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng để đảm bảo rằng Trung Quốc biết rõ quan điểm của chúng tôi và sẽ tiếp tục đứng lên bảo vệ lẽ phải cũng như quyền tự do hàng hải".
Tuyên bố về việc "phối hợp đa phương" của Mỹ với các nước khác về Biển Đông được đưa ra đúng ngày xuất hiện tin tàu khảo sát của Trung Quốc quay lại khu vực Bãi Tư chính trong thềm lục địa của Việt Nam, ít ngày sau khi rời đi. Đây là khu vực nơi một công ty Nhật đang thực hiện khoan thăm dò theo hợp đồng với tập đoàn Rosneft của Nga ở Việt Nam.
Các chuyên gia về Biển Đông từng nói với VOA tiếng Việt rằng sự liên quan của công ty Nga và Nhật trong vụ "đối đầu" giữa tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc ở Bãi Tư Chính đã "gây phức tạp" cho quyết sách của chính quyền Bắc Kinh cũng như "đa phương hóa" và "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông.
Chính quyền Bắc Kinh lâu nay tuyên bố chỉ đàm phán giải quyết vấn đề Biển Đông với các quốc gia trực tiếp liên quan.
Sau khi vấp phải chỉ trích của Washington về "hành động khiêu khích" ở Bãi Tư Chính, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lên tiếng cho rằng Mỹ "vu khống", "vô trách nhiệm" đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ và "các thế lực bên ngoài khác" khuấy động bất ổn ở Biển Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Andrea L. Thompson năm ngoái đã có chuyến thăm kéo dài nhiều ngày tới Việt Nam, quốc gia bà nói là "một trong các đối tác mạnh" của Mỹ ở khu vực.
Liên quan tới vấn đề hợp tác hàng hải, một tuyên bố của Mỹ mới đây nói rằng "một Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có khả năng và vững mạnh ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là điều sống còn để thúc đẩy cấu trúc khu vực nhằm hỗ trợ việc quản trị dân chủ và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, thông qua luật pháp quốc tế".
Tài liệu được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố còn nói rằng Hoa Kỳ giúp huấn luyện các lực lượng tuần duyên của ASEAN, tiến hành các chương trình hỗ trợ an ninh nhằm củng cố an ninh hàng hải của các nước trong khu vực cũng như sẽ cùng với Thái Lan tổ chức Cuộc Diễn tập Hàng hải đầu tiên giữa ASEAN và Mỹ vào tháng Chín tới.
Mỹ, quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, luôn khẳng định không đứng về bất kỳ quốc gia nào trong tranh chấp lãnh hải giữa nhiều nước.
Trong một cuộc họp báo mới đây, khi được hỏi về việc Mỹ sẽ hợp tác như thế nào nhằm củng cố quyền tự do hàng hải với các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ, đề cập tới việc mới đây đã "đón tiếp lãnh đạo của Cảnh sát Biển Việt Nam" và "đang hợp tác chặt chẽ" với phía Hà Nội.
"Vì là láng giềng của Trung Quốc, rõ ràng họ phải rất cẩn trọng trong quan hệ ở khu vực", Đô đốc Schultz nói.
Viễn Đông
*******************
Biển Đông : Tình hình Bãi Tư Chính tiếp tục căng thẳng
Thụy My, RFI, 18/08/2019
Tại khu vực bãi Tư Chính, hôm nay 18/08/2019 các tàu Việt Nam tiếp tục đối đầu với nhóm tàu Trung Quốc, gồm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 cùng với các tàu hải cảnh, xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Vị trí Lô dầu khí 6.01 (màu tím) của Việt Nam ở vùng Bãi Tư Chính (Biển Đông). Bản đồ do AMTI - CSIS công bố. Ảnh minh họa
Theo trang Đại sự ký Biển Đông, sáng hôm qua 17/8, tàu hải cảnh 37111 trong nhóm tàu Trung Quốc bất ngờ neo đậu trong nhiều giờ ở một thực thể nằm ở phía tây Đá Lát, nơi Việt Nam đang đóng quân. Giáo sư Alexander Vuving xác định thực thể này là bãi ngầm Mỹ Hải (Jubilee Bank) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và do vậy thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Việc 37111 neo đậu ở bãi ngầm Mỹ Hải đã làm dấy lên những lo ngại từ nhiều nhà quan sát, rằng Trung Quốc có thể chiếm một thực thể không người ở phía tây nam Trường Sa, một vị trí chiến lược của khu vực và nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đến cuối giờ chiều qua, giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Hoa Kỳ cho biết chiếc hải cảnh 37111 đã rời khỏi bãi ngầm Mỹ Hải. Trang Marine Traffic cho biêt hải cảnh 37111 tiếp tục tham gia chuyển động cùng nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8.
Hai tàu Việt Nam đang bám đuổi chặn đường nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8, được cho là trong đó có tàu khu trục Quang Trung thuộc lớp Gepard của Hải Quân Việt Nam. Con tàu đã rời vịnh Cam Ranh từ ngày 15/8.
Thụy My
**********************
Biển Đông : Trung Quốc 'sẽ hở sườn', nếu gây chiến tranh
Quốc Phương, BBC, 17/08/2019
Nếu gây chiến tranh vào thời điểm hiện nay trên Biển Đông, Trung Quốc 'đã hở sườn', theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Hà Nội, người từng có nhiều năm làm công việc này trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trung Quốc sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có các tàu 'nghiên cứu' Hải Dương Địa Chất, đưa vào các khu vực 'tạo tranh chấp' và có tranh chấp ở Biển Đông và khu vực
Bản thân lãnh đạo của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, cũng 'cần thận trọng' vì trong nội bộ Trung Quốc hiện nay cũng có rất 'nhiều vấn đề', nếu thúc đẩy các hành động quân sự, vẫn theo ý kiến của vị cựu sĩ quan này.
Tuy nhiên, các nước ở khu vực cũng nên lưu ý đến việc Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, buộc phải chuyển hướng chú ý ra ngoài là một phần, nhưng nếu họ cùng đường thì cũng có thể 'dám làm liều', nhà nghiên cứu từng trong quân đội Việt Nam nêu quan điểm từ Hà Nội.
"Tư duy của những người làm chính trị ở Trung Quốc rất khác, có thể có một phần nghìn tia hy vọng, họ vẫn làm", bà Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam nói với một chương trình Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt trong tháng này, bình luận về những sóng gió và đối đầu ở bãi Tư Chính và biển Đông.
"Thế còn có thể họ liều lĩnh làm những việc ấy, cái thất bại có thể là 99%, nhưng cái mà họ đạt được để giải quyết tình thế này thì còn có thể là còn 1%, theo tôi nghĩ là như thế.
"Ai cũng nghĩ là nếu Trung Quốc bây giờ mà gây chiến với bất kỳ một nước láng giềng nào, nhất là đối với Việt Nam, họ đe dọa, họ cảm thấy như là Việt Nam yếu đuối, cho nên họ lớn tiếng từ lâu, xưa đến nay, mà khi họ lớn tiếng, Việt Nam lại không dám kiên trì làm những việc mà mình cần làm.
"Thế nhưng khi họ gây chiến bất cứ với Đài Loan hay Việt Nam, hay Mỹ, hay bất cứ ai, Trung Quốc, tôi hình dung nó như hình chữ C xung quanh Trung Quốc ở phía Tây, có lẽ chỉ còn một nước là Pakistan là còn không dám gây gì, còn tất cả các nước khác, ngay cả Mông Cổ, rồi các nước khác, họ đều có một mối hận với Trung Quốc...
"Trung Quốc nói theo một chiến thuật của nhà binh, nếu gây chiến tranh ở Biển Đông, thì Trung Quốc đã hở sườn".
'Liều lĩnh và đa mục tiêu là cách dụng binh Trung Quốc'
Tiếp tục phân tích bối cảnh và đặc biệt nhìn vào nội tình, thực lực của Trung Quốc trong thời điểm hiện nay, nhà nghiên cứu này nói :
"Tất cả mọi người đều nghĩ rằng Trung Quốc đều dậm dọa, làm những động tác giả thôi, chứ có thể Trung Quốc cũng không dám gây ra một cuộc chiến tranh gì, vì bây giờ Trung Quốc có tình hình Hong Kong như vậy, rồi tình hình ở trong nước thì đặc biệt gay go do hậu quả chiến tranh thương mại của tổng thống Mỹ,
"Tôi có đọc bài của một người Trung Quốc tên là Trương Kiến Hoa, bài ấy xem ra thì thấy nội bộ Trung Quốc rất nhiều vấn đề, rất phức tạp, cho nên nếu một người như ông Tập Cận Bình mà tỉnh táo ra và ông ấy có một tâm lý bình thường, thì ông chắc không dám liều lĩnh để làm những việc ấy.
"Thế nhưng trái lại, tôi có ý nghĩ thế này, bởi vì tôi cũng đọc khá nhiều sách vở của Trung Quốc, thì tôi thấy có một ý ở trong mưu chước cổ, người ta nói là trong một con đường mà không có lối thoát nào, thì liều chết sẽ thoát. Thành ra tôi đồng tình với nhiều ý kiến nhưng tôi vẫn để mấy phần trăm nhỏ nhỏ, để dự kiến có một cái gì, thì họ rất là liều lĩnh"
"Hơn nữa, trong tư duy của Trung Quốc, bao giờ trong nội bộ của họ mà găng go lắm, thì họ lại cứ 'chọc' ra ngoài, họ lại gây một cái gì để hướng sự chú ý của những người dân ở trong nước...".
Tiếp tục về nhân tố được gọi là 'tính liều lĩnh' này, bà Nguyễn Nguyên Bình nói :
"Quả là tôi nghiên cứu Trung Quốc khá nhiều, nên tôi đâm ra lại hoang mang không dám chắc chắn một điều gì, tôi cho rằng Trung Quốc vẫn có thể liều lĩnh làm một việc chiến tranh gì đó, có thể trong một giới hạn nào đó, trong một thời gian mà họ đã định trước, cũng giống như cuộc chiến tranh tháng Hai năm 1979, thực tế ra mình (Việt Nam) nói là cuộc chiến tranh xâm lược - thực ra mà có thể xâm lược được thì họ cũng xâm lược.
"Nhưng trong bụng họ đã định sẵn rằng đánh trong một thời gian nào đó rồi rút. Quân tử gọi là của Trung Quốc bao giờ cũng 'nước đôi' là một.
"Thứ hai là họ khi làm một động tác gì họ cũng nhắm nhiều đích, chứ không chỉ như chúng ta nói chiến tranh để thắng thua, chỉ để đạt được một mục tiêu gì.
"Nhưng Trung Quốc họ dùng chiến tranh như một phép đa năng để giải quyết được rất nhiều vấn đề, không giải quyết được vấn đề này thì cũng giải quyết được vấn đề kia".
Bình luận thêm về tư duy và cách dụng binh hay sử dụng biện pháp chiến tranh của Trung Quốc, bà Nguyễn Nguyên Bình nói tiếp với Bàn tròn thứ Năm của BBC :
"Trung Quốc sử dụng chiến tranh như một trò xiếc, nên thực ra là khó dự đoán. Thế nhưng mà tôi nghĩ là hiện nay, như các nhà phân tích đã nói, khả năng là Trung Quốc dám chiếm bãi Tư Chính chỉ là 1% so với 99%".
Thân ai và làm gì là tốt nhất cho Việt Nam ?
Cũng tại cuộc hội luận này, một nhà quan sát Biển Đông và chính trị khu vực từ New York, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nhân dịp này chia sẻ quan điểm và góc nhìn của mình. Ông phát biểu :
"Vấn đề là Việt Nam phải có thái độ rõ ràng hơn trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của mình. Thí dụ dụ có người đặt ra vấn đề thân Mỹ hay là thân Trung Quốc. Thực ra Việt Nam thân Mỹ cũng không được, mà thân Trung Quốc cũng không được.
"Là bởi vì thân Mỹ, Mỹ sẽ không bao giờ muốn làm đồng minh với Việt Nam, mà dại gì để mà bỏ sự sống ra để bảo vệ Việt Nam. Rồi thân Trung Quốc, thì dĩ nhiên, hầu hết người Việt Nam không muốn chuyện đó rồi.
"Do đó, cái mà người Việt Nam nên làm là làm sao xã hội càng ngày càng dân chủ hơn, tự do hơn, tạo nhân quyền hơn và cả thế giới này, hầu hết thế giới này phần lớn là các nước tự do dân chủ, không thể nào họ để cho một nước nhỏ bị một nước lớn toàn trị hành động gây hấn được.
"Do đó, thân cái đó là tốt nhất cho Việt Nam", nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê của Liên Hợp Quốc bình luận từ New York.
Còn từ Hà Nội, nhà phân tích chính sách công, PGS. Tiến sĩ Phạm Quý Thọ lên tiếng :
"Sự kiện bãi Tư Chính đã cho thấy một điều như thế này là đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam cần đứng về phía người dân. Mà muốn đứng về phía người dân trong những lúc khó khăn như thế này, thì cần phải thay đổi thể chế, mà thể chế cần phải được thay đổi theo hướng dân chủ hóa.
"Thì sẽ không chỉ giải quyết được những vấn đề không chỉ trước mắt, mà còn lâu dài. Và tất cả những việc này cần phải làm trong thời gian tới", nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói với Bàn tròn thứ Năm hôm 8/8/2019.
Liên quan diễn biến ở bãi Tư Chính và khu vực lân cận trong tuần này, ngày 16/8, sau bốn ngày khá 'im lặng' trên báo chí, truyền thông Việt Nam hôm thứ Sáu đã đưa tin Việt Nam giao thiệp với Trung Quốc và đã phản đối hành động của Trung Quốc đưa nhóm tàu thăm dò quay trở lại khu vực đối đầu.
iệt Nam coi đây là hành động tái vi phạm chủ quyền nghiêm trọng và nói sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời tiếp tục sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tái phán ở các vùng biển của mình mà Trung Quốc bị cáo buộc đã xâm phạm, dựa trên luật pháp quốc tế.
Một nguồn tin không muốn tiết lộ danh tính nói với BBC News tiếng Việt, động thái phát ngôn trên của Việt Nam được tung ra, sau khi cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã liên lạc 'giao thiệp' với các cơ quan đối tác phía Trung Quốc trong gần bốn ngày, nhưng phía Trung Quốc dường như không đáp ứng và rút các nhóm tàu ra khỏi vùng biển, theo yêu cầu của Việt Nam.
Nguồn tin này cũng nói Trung Quốc có khoảng 300 vệ tinh do thám và quân sự, trong đó có thể có 70 vệ tinh hoạt động ở các vùng biển khu vực, trong khi trong số tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc, có tàu có thể có thiết bị và chức năng "do thám, tình báo quân sự".
Quốc Phương