Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/08/2019

Ai dám điều tra con ông cháu cha phạm pháp và lộng hành ?

Nhiều nguồn tin

Vụ Gateway : Không thể vì con cháu các cụ mà có cái nhìn khác !

Trúc Giang, VNTB, 28/08/2019

"Trường tư thục Tuổi Thơ bị nhà chức trách buộc phải đóng cửa vì đã làm phỏng 3 trẻ. Còn trường cũng tư thục nhưng tên Tây là Gateway làm chết học trò lại không bị sao hết, vẫn hoạt động bình thường". Nữ luật gia Nguyễn Thu Trang, Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng phải chăng ở đây có yếu tố ‘con ông – cháu cha’ ?

Bà Nguyễn Bích Quy, người đưa đón học sinh trường Gateway, bị Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) khởi tố về tội Vô ý làm chết người. Bà Quy đã bị bắt giam. Quyết định khởi tố bị can theo điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 (tội Vô ý làm chết người) được Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy phê chuẩn ngày 26/8. Hôm 27/8, Công an quận Cầu Giấy tống đạt quyết định này tới bà Quy, 20 ngày sau khi khởi tố vụ án.

con1

Tranh biếm họa

Bà Quy bị Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy cáo buộc đã "vô ý không kiểm tra hết trong xe mà đã đóng cửa bỏ đi" dẫn tới việc bé Lê Hoàng Long (lớp 1 trường Gateway) bị bỏ quên trên chiếc Ford Transit biển số 29B-069.56 suốt 9 tiếng trong ngày 6/8. Theo kết quả giám định, bé chết vì bị "sốc nhiệt, suy hô hấp", không có nguyên nhân bệnh lý.

Viện kiểm sát nhân dân Cầu Giấy cho rằng trong cái chết của bé Long có trách nhiệm của tài xế Doãn Quý Phiến (53 tuổi, nhân viên hợp đồng Công ty trách nhiệm hữu hạn vận tải Ngân Hà) khi không trực tiếp kiểm tra xe trước khi đóng cửa mà phó mặc cho người đưa đón là bà Quy. Ông Phiến và bà Quy cùng "vô ý và cẩu thả". Nhà chức trách nói rằng ông Phiến đang tiếp tục bị điều tra.

"Dường như vì bà Quy mời luật sư hỗ trợ ngay từ khi xảy ra vụ việc nên bà được ‘ưu ái’ nhận sớm quyết định khởi tố". Luật gia Nguyễn Thu Trang nhận xét trong một trao đổi với người viết vào trưa ngày 27/8.

Phân tích khía cạnh pháp lý, bà Nguyễn Thu Trang nhìn nhận nếu bà Quy đã được ký hợp đồng lao động, thì tội danh khởi tố có thể sẽ không phải là ‘Vô ý làm chết người’ mà thành ‘Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc hành chính’ (điều 129 Bộ luật Hình sự 2015).

"Thế nhưng ở đây cần làm rõ là trong hoạt động đưa đón học sinh lâu nay của trường Gateway, có hay không về quy trình được xác lập bằng văn bản do người chịu trách nhiệm ban hành của việc ‘đón – nhận’ học sinh từ nhà của các em đến trường Gateway ? Các thầy, cô đứng lớp ở Gateway có trách nhiệm nhận đủ các học sinh của lớp mình vào đầu giờ học theo những bước thủ tục nào, điểm danh ra sao ? Theo tôi biết thì gia đình của nạn nhân cũng đã mời luật sư Phạm Hương Giang và luật sư Vũ Gia Trưởng thuộc Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp", Luật gia Nguyễn Thu Trang nói.

Trong một diễn tiến khác, luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận có tình tiết bất thường ở đây là từ khi xảy ra vụ chết người này, công luận hoàn toàn không có bất kỳ tin tức gì về tài xế được cho là ông Doãn Quý Phiến. 

"Trong khi đó theo lời của bà Quy nói với báo chí thì bà đã ký vào sổ bàn giao đủ số lượng các em trên xe. Tuy nhiên vẫn theo lời bà Quy, thì lúc ký vào sổ này ở hôm trước đó lẫn hôm xảy ra vụ chết người, vẫn không có người xác nhận lúc bà ký. Tình tiết này cần làm rõ, và trong khi chưa làm rõ trách nhiệm trong quy trình đón các em học sinh từ nhà đến trường/lớp, tôi cho rằng phải buộc dừng ngay mọi hoạt động dạy học của trường Gateway", Luật sư Trần Thành lập luận.

"Tôi nghĩ rằng ở vụ này cần làm rõ trường Gateway đã giao trách nhiệm cụ thể như thế nào cho bà Quy và ông Phiến ? Như vậy, cần khởi tố ngay người đứng tên chịu trách nhiệm của pháp nhân trong bộ hồ sơ thủ tục thành lập trường Gateway", Luật gia Nguyễn Thu Trang, nhận định.

Theo phân tích của luật gia Trang, bà Quy có nói sổ giao nhận các cháu, bà có ký giao đủ 13 cháu, nhưng lúc ký không có ai đứng đó để nhận bàn giao. Lưu ý trách nhiệm của bà Quy là ký bàn giao, trách nhiệm của trường là có người nhận. Việc không có người nhận không phải trách nhiệm của bà Quy. 

"Tôi cho rằng cơ quan điều tra đang đi theo hướng là bà Quy có tội bỏ quên đứa bé lại trên xe đưa đón. Nhưng có một tình tiết là sau khi ghé cổng trường cho các bé vào trường, tài xế còn đánh xe đi một đoạn nữa để vào bãi gửi, hoặc đi công việc khác chứ không phải dừng hẳn xe lại ngay sau khi các bé xuống xe", Luật gia Nguyễn Thu Trang chia sẻ.

Gay gắt hơn, luật sư Trần Thành cho rằng không thể biện minh kiểu so sánh rằng việc gì ra việc đấy, không nên vì con cháu các cụ mà có cái nhìn khác. "Tôi đồ rằng vì đây là trường do con cháu các cụ lập ra nên ỷ thế gốc bự, họ đã bỏ qua rất nhiều quy trình bắt buộc trong chuyện đưa – đón, điểm danh… Ngay cả cái tên Tây là Gateway trong khi trường có 100% vốn của nhà đầu tư trong nước, cho thấy đã sai bét nhè. Vậy mà lâu nay có ai dám thổi còi đâu", Luật sư Trần Thành nhận định.

Trong một diễn biến khác, theo các nhà báo ở Hà Nội, đến nay họ vẫn chưa tìm được nơi ở hiện tại của ông Doãn Quý Phiến. Lẽ đó nên việc săn tin tức về ông Phiến trong vụ án ‘vô ý chết người’ ở trường Gateway là rất ít ỏi.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 28/08/2019

**********************

Vụ án Gateway : Sao chỉ khởi tố người đưa đón trẻ ?

Diễm Thi, RFA, 27.08/2019

Nhiều khuất tất

Tối ngày 6/8/2019, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin với nội dung một bé trai lớp 1 là học sinh của trường quốc tế Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của trường.

con2

Xe đưa đón học sinh Trường quốc tế Gateway chiều 7/8. Photo gateway.edu

Sự việc ngay lập tức gây xôn xao dư luận khi hầu như mọi người đều nhìn thấy những điểm vô lý trong cái chết của cháu bé qua thông tin báo chí đăng tải.

Ngay sau khi vụ việc này xảy ra, một số nguồn tin trên mạng xã hội đã truy tìm thông tin của trường Gateway và cho biết, con gái Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Xuân Trang, có cổ phần 14,3% trong Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục quốc tế Edufit (Edufit Group), công ty mẹ của trường Tiểu học quốc tế Gateway ; bà Trần Thị Hồng Vân có cổ phẩn hơn 40%. Bà này là con gái của ông Trần Văn Vệ, trung tướng, phó thủ trưởng thường trực Cơ quan Cảnh sát đều tra, chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát đều tra Bộ Công an, nguyên quyền tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, nguyên giám đốc Công An tỉnh Thái Bình.

Dư luận tiếp tục lên tiếng khi một ngày sau đó, báo cáo của trường Gateway ngay buổi họp báo tại UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, xe của trường đón 13 học sinh tiểu học vào khoảng gần 7 giờ sáng hôm 6/8. Trong số các học sinh được đón có bé trai tên Long, 6 tuổi, ngồi ở hàng ghế sau cùng. Khi các bé xuống xe, ông Phiến – người lái xe và người đón trẻ là bà Quy không kiểm tra nên không biết cháu Long còn trên xe. Sau đó, ông Phiến đưa xe về bãi trông giữ.

Chiều cùng ngày, ông Phiến và bà Quy đưa xe từ bãi về trường đón học sinh, khi mở cửa xe thì thấy cháu Long nằm dưới sàn xe sau ghế tài xế. Mọi người vội đưa bé Long đi sơ cứu, sau đó chuyển tới Bệnh viện E. Tại đây, bé Long qua đời.

Bốn ngày sau cái chết của bé Long, bà Quy thuật lại buổi sáng cuối cùng của cậu bé với tờ VnExpress : "Tôi và anh Phiến đã sơ suất không kiểm tra kỹ lần cuối trước khi rời xe nên phần lớn trách nhiệm này thuộc về tôi. Nhưng nếu như sau khi tài xế đưa học sinh đến trường rồi kiểm tra lại xe thì đã không để xảy ra sự đau buồn này". Ngày 20/8, Công an Cầu Giấy đã gửi ngay giấy mời bà Quy lên trụ sở làm việc để lấy lại lời khai, lần này bà cho biết : "Không nhớ rõ lúc trước đã nói những gì vì tinh thần hoảng loạn. Hiện tôi bình tĩnh hơn nên nói chuẩn xác hơn". Và bà nói rằng "khi bà bước lên xe kiểm tra và không thấy cháu nào trên xe".

Mặc dù bà Quy đã khai lại và khẳng định mình không bỏ quên cháu Long trên xe đưa đón nhưng ngày 26/8 Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy ký quyết định khởi tố với bà Nguyễn Bích Quy theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự !

Vì sao chỉ bắt bà Quy ?

Chiều tối ngày 27/8, bà Nguyễn Bích Quy, người phụ trách đưa đón học sinh trường Gateway, bị bắt tạm giam thời hạn 3 tháng để điều tra về hành vi "Vô ý làm chết người".

Luật sư của bà Quy, ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng Văn phòng luật sư Thành Sơn và Đồng sự - cho RFA biết sự việc vào tối cùng ngày :

"Tôi đang đi công tác thì nghe tin bà Quy bị bắt tạm giam lúc 18 giờ 15 phút. Theo tôi tìm hiểu thì trường hợp bà Quy không thuộc diện phải bắt tạm giam. Bà Quy bị khởi tố theo khoản 1 tội vô ý làm chết người thì không đến nỗi bị bắt. Tôi chưa hình dung được lý do tại sao, có thể để bà ấy khỏi trả lời báo chí…".

Ông nói thêm rằng việc bắt giam này không hợp lý và không đúng luật, bởi những trường hợp bắt giam thường là do họ thấy có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có phạm tội khác. Trường hợp này ông thấy chẳng có gì vì bà Quy chấp hành mọi yêu cầu của cơ quan điều tra.

Cũng cùng ý kiến việc bắt bà Quy là để "bịt miệng" bà với truyền thông, Luật sư Lê Công Định cũng viết một status ngắn trên facebook cá nhân của mình vào tối 27/8, trong đó có đoạn : 

"Bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy trong vụ trường Gateway chỉ nhằm mục đích ngăn chặn bà đưa ra những lời khai bất lợi cho sự thật về cái chết của cháu bé học sinh, chứ không phải vì bà Quy bị tình nghi phạm tội thật sự".

Một luật sư nữa của bà Quy, luật sư Lê Trọng Minh chia sẻ trên facebook cá nhân của mình vào tối 27/8 rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật hình sự thì tội mà bà Quy bị khởi tố có khung cao nhất là 05 năm tù. Như vậy trường hợp của bà Quy không thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam. Có thể nói việc bắt tạm giam là trái quy định của pháp luật.

Ông viết thêm rằng : 

"Liệu bà có đủ tỉnh táo và năng lực để khai báo nếu như chưa có sự có mặt của chúng tôi hay không ?

Một vụ án mà cả xã hội quan tâm nhưng quá nhiều điều còn nghi vấn ?! Mục đích và căn cứ của việc bắt tạm giam là gì ?".

Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng có 8 năm làm Hội thẩm Nhân dân lên tiếng với RFA rằng dư luận người ta có quyền nghi ngờ bởi thực chất trường này có nhiều uẩn khúc khi công chúng và báo chí biết được là trường này có con ông cháu cha trong ban thành lập. Ông nêu thắc mắc tại sao không triệu tập người tài xế ?

"Chung quanh việc này có nhiều điều rất đáng ngờ, đặc biệt là những lời khai của chị Quy khi luật sư vào cuộc. Chị Quy đã phản bác lại tất cả những nội dung mà trước đó báo chí thông tin. Ông tài xế chính là người đầu mối đầu tiên nếu cảnh sát điều tra vô tư thì tôi nghĩ chỉ cần truy ông đó là ra vấn đề ngay".

Ngay sau khi bà Nguyễn Bích Quy bị bắt, dư luận mạng xã hội đều đồng tình rằng cách Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bắt tạm giam bà Quy là để "bịt miệng" bà. Nhiều người đặt nghi vấn tại sao người người đứng đầu ngôi trường này không chịu trách nhiệm mà chỉ quy trách nhiệm cho mỗi bà Quy – người đưa đón trẻ ?

Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội đưa ra quan điểm của mình rằng :

"Bây giờ đang trong giai đoạn điều tra cho nên có thể hiện nay mới khởi tố bà Quy, đến khi có thêm chứng cứ hoặc căn cứ vào lời khai thì họ có thể khởi tố thêm hoặc không. Tóm lại là bây giờ chưa thể kết luận là đúng hay sai, hợp lý hay không khi mới chỉ khởi tố bà Quy".

Trong khi đó, luật sư Lê Công Định đặt câu hỏi trên facebook cá nhân của mình rằng : Luật pháp của chế độ độc tài toàn trị phải chăng chỉ trừng phạt những kẻ yếu thế dưới đáy xã hội, chỉ vì họ không được bảo bọc trong quyền thế và tiền bạc, và bởi họ chỉ có một sinh mạng bé nhỏ trần trụi để cái gọi là "công lý" được thực thi bằng sự chà đạp tha hồ một cách vô đạo và bỉ ổi ?

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 27/08/2019

******************

Con cái lãnh đạo ‘ăn và phá’- ai lãnh ?

RFA, 28/08/2019

Vào ngày 8 tháng 6 năm 2019, trên Facebook Thảo Thắng của cô Nguyễn Thị Thanh Thảo có bài viết nói về tâm tình của cô đối với bố là ông Nguyễn Mạnh Thắng – TGĐ Công ty Sông Đà 7 – đơn vị vừa trúng thầu dự án nhìn tỷ tại Thái Nguyên. Trong đó có đoạn cô viết "Nhiều lúc nghĩ thương bố thật. Cứ ăn và phá. Trường kỳ bao năm nay. Mỗi 1 năm báo bố 20 tỷ… 5 năm liên tiếp báo 5 lần con số như thế.. Cũng vì tội tin người và ga lăng quá. Tặc lưỡi xong tiền mất…".

con3

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo và bố bà là ông Nguyễn Mạnh Thắng cùng dòng trạng thái bà Thảo chia sẻ. RFA edit

Xài tiền của ai ?

Mãi đến ngày 24/8, status này được lan truyền rộng rãi trên mạng. Nhiều người chia sẻ lại ảnh chụp màn hình và thể hiện bức xúc trước thông tin mỗi năm con gái lãnh đạo tiêu xài hàng chục tỷ đồng …

Trả lời với báo chí trong nước, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết do con ông "trẻ con, hồ đồ, đồng bóng" và thích tôn vinh bản thân nên khoe khoang chứ chẳng có gì, vì thân ông còn lo cho ông chưa xong thì cướp đâu 20 tỷ cho con ?

Mặc dù giải thích như vậy, nhưng cư dân mạng vẫn lục lại Facebook con gái ông và chụp lại ảnh những xe hơi cao cấp mắc tiền trong bộ sưu tập của cô con gái rượu ông Thắng đã đăng tải trước đó.

Sau khi thông tin này lan truyền với tốc độ chóng mặt, cô Thảo đã khóa Facebook - Thảo Thắng.

Hầu hết những người trao đổi với Đài Á Châu tự Do đều cho rằng chuyện con cái các lãnh đạo Tổng công ty tiêu xài hoang phí không phải là điều gì mới mẻ, nhưng hiếm người nào "không đánh mà khai" như trường hợp cô Thảo. Nhưng dù sao cũng phải cám ơn cô Thảo vì nhờ có dòng trạng thái của bà mà người dân mới biết rõ hơn, như lời bạn Hiền, hiện đang ở Sài Gòn :

"Thật ra nó còn nhiều hơn vậy nữa mà nhiều khi mình đâu biết được. Nói đơn giản như ông (Nguyễn Tấn Dũng đi, chắc chắn ông đã có quốc tịch nước ngoài, con ruột, con rể, con dâu, thậm chí cháu cũng có quốc tịch nước ngoài thì nghĩ đi, 20 tỷ đó làm gì đủ, nhiều khi nhiều hơn như vậy nữa. Nói chung tùy theo cấp độ của người cha làm ở đâu, làm ít thì ‘ăn’ ít, làm nhiều thì ‘ăn’ nhiều, đại loại vậy, chứ một năm nhà nước mình lỗ mấy ngàn tỷ thì 20 tỷ này nhằm nhò gì".

Không quan tâm nợ quốc gia

Giải thích rõ hơn trong trường hợp cô Thảo và ông Thắng, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhận định các doanh nghiệp nhà nước đều báo cáo lỗ nhưng các quan chức phụ trách đều giàu nên bao nhiêu cái lỗ thì nhà nước phải chịu, dân phải gánh. Ông cho rằng đây là tình trạng chung các quan chức nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước đều được độc quyền nên có thu nhập bất chính và có nguồn tiền rất lớn.

"Một là họ để dành, gửi ra các nhà băng nước ngoài. Hai là tiêu xài không thương tiếc. Người thì gửi con đi học nước ngoài như bà Bộ trưởng (Y tế) Nguyễn Kim Tiến gửi con sang Mỹ, Nguyễn Đức Chung gửi con sang Úc… Nói chung trên mạng người ta đã đăng hết quan chức nào, từ cấp huyện cũng rất nhiều người có con du học nước ngoài rồi. Họ lấy tiền đó cho con du học nước ngoài, nếu không đi nước ngoài, ở trong nước thì lấy tiền đấy để ăn chơi hoặc đẻ ra các doanh nghiệp để rửa tiền là chính".

con4

Lãnh đạo Hà Nội đến thăm cô Trần Thị Tâm, con gái Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, phải nhập viện vì sử dụng ma túy đá quá liều trong Đại nhạc hội tại Công viên nước hồ Tây hôm 16/9/2018. Ảnh chụp màn hình báo trong nước

Sự việc lần này cũng khiến nhiều người nhớ lại vụ việc cách đây gần 1 năm khi cô Trần Thị Tâm, sinh năm 1999, con gái Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cháu cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương phải nhập viện vì sử dụng ma túy đá quá liều trong Đại nhạc hội tại Công viên nước hồ Tây hôm 16/9/2018.

Điều dư luận chú ý là sau khi cô Tâm nhập viện, không những cô không bị công an đến làm việc mà giới chức lãnh đạo Hà Nội đã mang hoa và quà đến thăm hỏi, động viên. Hành động này đã gây nên nhiều bất bình trong xã hội lúc bấy giờ, phải chăng do con cháu lãnh đạo nên cô có thể ‘thoát nạn’ một cách nhẹ nhàng.

Nhận xét về thực trạng những ‘hạt giống đỏ’ được bao bọc, phung phí ăn chơi bị lên án trong thời gian gần đây, nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội bày tỏ :

"Nó thể hiện gần như sự thối nát của chế độ bởi vì nguyên tắc con các quan lại thời nay khi đất nước còn đang rất khó khăn, phải đi vay tiền nước ngoài rất nhiều thì phải rất liêm khiết. Rõ ràng các quan không liêm khiết thì con cái mới ăn tàn phá hại như vậy.

Thứ hai là mình thấy được sự bế tắc trong việc ăn chơi của giới trẻ vì khi họ kiếm tiền một cách mờ ám, bất chính dễ dàng quá gần như họ không có động lực trong việc lao động chân chính nữa mà dồn vào việc ăn chơi, đua đòi".

Còn theo Nhà báo Minh Hải, không hẳn những ‘con ông cháu cha’ trên cả nước đều ăn chơi, phung phí, vẫn còn nhiều người chăm chỉ lo học, có chí tiến thủ, tuy nhiên con số thích sống tận hưởng vẫn nhiều hơn :

"Đó là cách giáo dục của mỗi bậc chính trị vì thật sự những người làm chính trị ở Việt Nam hầu như đều khá giả về kinh tế, đủ tiền của cho con ăn học. Nhưng nếu không điều khiển được con cái thì nó sẽ thành ra lêu lổng, ăn chơi trác táng vì cha mẹ có điều kiện, có tiền. Đó là chuyện bình thường ở Việt Nam".

Dưới góc nhìn cá nhân, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng bất bình đẳng trong xã hội hiện nay đang thể hiện rất rõ và những tầng lớp con cái các quan chức, đại gia ăn chơi như vậy là một gương xấu cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để dẹp bỏ được chuyện này không phải là dễ :

"Nhìn chung là tình trạng đó lâu rồi, từ thời bao cấp đã thấy con các quan chức được ưu tiên đặc quyền đặc lợi rồi, nhưng lúc đó chưa có nhiều của cải để tham nhũng. Còn từ khi đổi mới, kinh tế thị trường, đầu tư nước ngoài vào thì bán đất, bán khoáng sản, bán tài nguyên thì các quan chức mới có nhiều tiền lại càng tham nhũng nhiều hơn, con cái họ càng ăn chơi, phá phách nhiều hơn".

Vẫn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, tình trạng con ông cháu cha được bao che để lộng quyền, ăn chơi trác táng lâu nay như một điều tất yếu trong cơ chế, thể chế của đất nước Việt Nam. Do đó, nếu thay đổi thể chế mới có thể chỉnh đốn lại hệ thống, mà điều này có lẽ còn quá xa vời.

*******************

Thêm quy định xử lý có thanh lọc được cán bộ suy thoái ?

RFA, 27/08/2019

Ngoài việc "thúc" Chính phủ sớm ban hành quy định xử lý cán bộ thì UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng kêu gọi trung ương hỗ trợ thành phố trong việc tiếp xúc, vận động, giải thích để người dân hiểu, thông suốt và đồng thuận với phương án giải quyết của Thành phố Đồng thời hạn chế việc tiếp nhận, chuyển đơn về Thành phố xử lý đối với các khiếu nại, tố cáo đã được các ngành, cấp Thành phố giải quyết.

con5

Một góc khu vực người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. (Ảnh minh họa) - RFA

Cải tổ bộ máy

Cũng trong kiến nghị lần này, thành phố cho biết sẽ xử lý nghiêm, công khai danh tính cán bộ vi phạm trên cổng thông tin điện tử và cương quyết xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm để cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp ; xử lý người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái.

Đồng thời, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan công quyền phải nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát ; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu với người dân, doanh nghiệp ; loại bỏ ngay các thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với nghề luật sư như ông khi làm thủ tục giấy tờ cho người dân cũng thấy nhiều khó khăn nên thông điệp vừa được thành phố đưa ra được rất nhiều doanh nghiệp và người dân đồng tình.

"Đã từ lâu người dân đã muốn công khai chuyện này và phải thực hiện công khai đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận xử lý kịp thời những kiến nghị tố cáo của người dân, doanh nghiệp về hành vi nhũng nhiễu và gây phiền hà. Tôi thấy đây là một thông điệp rất là hay cho một nhà nước vì nhân dân của dân và chịu sự giám sát của người dân, thông điệp này được sự rất đồng tình của người dân và doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đối với những cán bộ công chức lâu nay gây phiền hà, họ đặt ra những thủ tục không có trong luật".

Ngoài ra, luật sư Hậu còn cho hay, trong luật thì tổ chức chính quyền địa phương đã có những quy định rất rõ các trình tự thủ tục nên ở những nơi thường xuyên có sự tiếp xúc và giao dịch với người dân và doanh nghiệp thì các cơ quan công quyền cần phải có hệ thống giám sát bằng công nghệ hiện đại như ghi âm, ghi hình hoặc giám sát trực tuyến thì mới hiệu quả.

Nhà báo Đàm Ngọc Tuyên, một nhà quan sát từ Sài Gòn cho chúng tôi hay, vấn đề không chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ trước đến nay Việt Nam không biết bao nhiêu thông tư, nghị quyết, quy định như vậy được đưa ra nhưng khi thực hiện thì hoàn toàn không đúng. Vì vậy :

"Nếu chính xác người ta đưa ra sắc luật như vậy để thượng tôn pháp luật thì điều đó rất là tốt, chứ thật sự trước đây khi mà không có những đạo luật như vậy thì khi đưa ra những luật như vậy thì nhiều quan chức sau khi sai phạm từ những chuyện nhỏ đến chuyện lớn thì hầu như người dân đều cảm nhận rằng, khi tên tuổi họ được đưa lên truyền thông rồi thì một thời gian sau người ta được thuyên chuyển sang những vị trí cao hơn thì cũng như không thôi".

Còn theo ông Trần Bang, một kỹ sư và là một người dân sinh sống tại Sài Gòn thì có nhận định rằng, điều này rất cần thiết trong nội bộ của nhà nước nhưng ông cho rằng nó không thật sư triệt để.

"Bởi vì triệt để nhất là nên bỏ luật an ninh mạng đi để người dân có quyền được cất tiếng nói, thì tiếng nói trên cộng đồng mạng là tiếng nói khủng khiếp nhất ngay cả những sự kiện mà cộng đồng mạng mà họ khui ra thì xin lỗi còn hơn một bản án của tóa quyết nên điều đó nó tác động nhiều hơn là nội bộ xin Chính phủ xử lý. Tội của người ta mà không công khai ra mà phải xin một người nào đó để mình được làm thì nếu ông kia không cho làm thì anh cũng không làm được hay sao".

Đã có luật – thêm quy định

Dư luận xã hội đặc vấn đề cho rằng, trong Nghị định 97/2017 bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013 quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành nêu rất rõ việc xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm trong công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ được giao, giờ thêm quy định về xử lý cán bộ sai phạm, liệu thêm quy định có thể thanh lọc được cán bộ suy thoái, cậy thế cậy quyền, nhũng nhiễu dân ?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, ông không lo sẽ có sự chồng chéo trong cách xử phạt, vì cơ chế của chính phủ như hình chóp, tức là Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị thì các tỉnh thành, quận huyện là những nơi thực hiện cụ thể.

"Thì giờ thành phố Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp này kiên quyết loại bỏ những bộ máy của Đảng và nhà nước những cán bộ có hành vi tiêu cực, tham nhũng và thậm chí xử lý hình sự những trường hợp vi phạm. Muốn làm được chuyện này thì tôi cho con người rất là quan trọng mà để con người làm tốt thì phải có những chế tài như vậy và cần thay đổi công tác đối với những công việc mang tính nhạy cảm và phức tạp. Đảm bảo giảm quyết dứt điểm những kiến nghị phản ánh tố cáo của người dân và doanh nghiệp".

Tuy nhiên, theo nhà báo Đàm Ngọc Tuyên thì luật Việt Nam có sự chồng chéo lên nhau và ngay cả "phép vua thua lệ làng", có nghĩa là ngay cả những có Luật thì cũng không "hợp" với luật của địa phương.

Ngay cả trên cao khi họp Quốc hội người ta đưa ra những luật cũng vậy, đi kèm theo biết bao nhiêu thông tư hướng dẫn xử lý thế này thế kia nhưng cuối cùng cũng không ăn thua gì cả. Bây giờ không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà ngay cả trung ương đưa ra bao nhiêu sắc luật yêu cầu quan chức không sách nhiễu người dân phải làm đúng là nô bọc nhân dân thì sẽ không bao giờ thực hiện được vì cái chính là đã nằm ở thể chế rồi nên giờ có ra bao nhiều sắc luật thì cũng sẽ như vậy mà thôi".

Còn theo ông Trần Bang thì thừa nhận rằng, về việc thủ tục hành chính thì tại Sài Gòn họ đã làm khá hơn (chứ không tốt) nhiều tỉnh thành khác

"Tức là thủ tục hành chính ở phường, quận thì cán bộ cũng hơi sợ dân vì dân nhiều khi cũng là cán bộ cấp cao về hưu, người ta đi làm các thủ tục hành chính cho nên họ cũng rất sợ nên trong nội thành tương đối khá hơn chút còn ngoài thành, các tỉnh khác, tỉnh lẻ thì họ bậy bạ nhiều hơn. Trong bất cứ nội bộ của tổ chức nào người ta cũng đều có những quy định riêng nhưng mà theo tôi nó không triệt để".

Vào ngày 30/7/2019, thành phố Hồ Chí Minh vừa tiến hành xử lý 300 cán bộ, công chức bằng hình thức cảnh cáo, cách chức, thôi việc vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác phòng chống lĩnh vực xây dựng. Và trong ngày 27/8, 10 cá nhân và tập thể Sở Giao thông vận tải cũng vừa bị kiểm điểm. Trước đó hàng loạt cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị đề nghị truy tố như nguyên phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt, Lê Văn Thanh….

Quay lại trang chủ
Read 901 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)