Con ông cháu cha địa phương là điểm nghẽn thể chế Tổng bí thư Tô Lâm muốn nói ?!
Cho đến thời điểm này, phải thực tâm mà nói, rất khó để hi vọng hay tin tưởng vào thế hệ lãnh đạo cộng sản tương lai. Bởi thế hệ lãnh đạo tương lai là một thể hệ đỏ vô cảm và có năng lực thấp, vô cảm, ham hưởng thụ và hơn hết, họ không có lý tưởng như lớp cha anh của họ. Với đà này, dân tộc đứng trước nguy cơ tồn vong là chuyện rõ trước mắt.
Các học viên tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức mới đối với cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng. Ảnh : CTV.
Hai mươi năm trước, có một lớp cán bộ địa phương, họ là những người con gia đình cán bộ, gia đình thân nhân liệt sĩ, có công cách mạng, họ không có năng lực gì ngoài ba thứ hoạt động phong trào, trình độ không có, bỏ học ở lớp 9, lớp 12. Thế rồi nhà nước có chính sách biên chế cho cán bộ cấp xã, phường. Vậy là họ ồ ạt xông vào các cơ quan địa phương để làm việc, từ chỗ nhân viên sai vặt bưng trà pha nước, cạo giấy, thậm chí đấm bóp cho chủ tịch, họ dần dà có bằng đại học chuyên tu, tại chức, rồi bước vào hội đồng nhân dân, có chân trong hội đồng, họ trở thành cán bộ biên chế và nắm quyền lãnh đạo.
Lớp cán bộ tôi vừa nói có mặt khắp đất nước này, họ không có khả năng giải nổi bài toán lớp 9 nhưng họ lại có bằng đại học, cao học và trung cấp, cao cấp lý luận. Họ có thể sai khiến những cán bộ khác có bằng đại học chính qui, bởi họ ngồi ghế lãnh đạo và họ hô mưa gọi gió trong thứ quyền lực thừa kế từ cha ông của họ để lại.
Sau khi hết nhiệm kì ở xã, phường, họ lại được thuyên chuyển lên cấp huyện, thị để tiếp tục ngồi ở những ghế quyền lực mới, cao hơn một cấp. Và những ghế ở địa phương dành cho những ai ?
Đó lại là những con ông cháu cha của địa phương, tức con của các quan chức địa phương, họ giống y cha mẹ họ, tức không có khả năng học chữ, bỏ dở việc học ở cấp trung học phổ thông hoặc đại học tư thục, học dang dở nhưng họ được cơ cấu vào cơ quan nhà nước, cụ thể là ủy ban xã, phường để làm một chân cán bộ văn hóa, cán bộ địa chính, cán bộ kinh tế... Họ vừa làm vừa học bổ túc, chuyên tu, tại chức và cũng được đưa đi học khóa chính trị trung cấp, rồi cao cấp, bước cuối cùng là vào hội đồng nhân dân và lên nắm quyền lãnh đạo.
Đó là cái giống cha mẹ, còn cái khác là nhóm này khá máu lạnh, quen hưởng thụ, ăn trên ngồi trốc, ăn tục nói phét và ăn không từ chỗ nào, thứ gì. Thậm chí, những cán bộ trẻ này có thói quen xem việc đi ăn chầu rìa là cái danh dự của cán bộ, ví dụ như nhà dân có đám giỗ, chỉ cần mời một người thì cả nhóm kéo đến ăn và họ xem việc có mặt của họ là danh dự của gia đình đó, họ còn có suy nghĩ rằng chủ nhà phải bỏ phong bì tặng họ vì họ đã đến làm sang cho gia đình... Chuyện này có từ Nam chí Bắc, không ngoại trừ tỉnh nào. Vì lẽ, ngay từ nhỏ, lớp cán bộ này, hay nói đúng hơn là lớp cô chiêu cậu ấm đỏ này đã được tắm trong môi trường hưởng thụ, cha mẹ của họ luôn lập luận kiểu "ông bà đã hi sinh vì sự nghiệp dân tộc, đến thế hệ sau phải được hưởng thụ, và cái thứ lập luận ấy được lặp đi lặp lại, được biến thành thứ thuốc, thứ động cơ "bảo vệ đảng", động cơ để được làm đảng viên nòng cốt, làm lãnh đạo. Cho đến lúc này, người ta làm lãnh đạo, làm đảng viên để được hưởng thụ, để làm giàu và để hô hào hò hét, gầm gừ trên bất kì miếng ngon nào trong xã hội. Nếu không có cái bả phù vân hưởng thụ ấy, chắc chắn, trong đám con ông cháu cha kia sẽ chẳng có ma nào vào đảng, điều đó là chắc chắn rồi !
Bởi nếu như vào đảng với lý tưởng thực sự là cống hiến, xây dựng đất nước, thì họ không phải đối tượng đảng cũng như họ không đủ tư cách là đối tượng đảng. Họ, những con người mà tôi biết trong đó, có người hiện nay là chủ tịch, phó chủ tịch xã... đã thi liên tục năm lần bảy lượt vẫn trượt đại học, sau đó thi cao đẳng cũng không đậu, cha của người này (hiện đang Phó chủ tịch phường) từng nuôi năm lần bảy lượt heo rồi dê để chờ ăn mừng con thi đậu đại học nhưng chẳng lần nào ăn mừng được. Thế rồi từ một kẻ thất nghiệp, phụ việc ở cơ quan xã, dần dần trở thành cán bộ đoàn, rồi vào hội đồng nhân dân, khi xã lên phường, thuyên chuyển cán bộ, họ biến thành Phó chủ tịch phường.
Bên cạnh cái ghế Phó chủ tịch phường này còn một cái ghế khác cũng phó chủ tịch, gốc gác là dân ăn tục nói phét, sai đâu đánh đó, dân xem như hạng chó săn của đảng. Thế rồi dần dà làm cán bộ dân quân tự vệ, chỉ huy, rồi xã đội trưởng, đùng cái chuyển vào tranh cử hội đồng nhân dân và nghiễm nhiên làm phó chủ tịch xã.
Tất cả những cái ghế ấy, bây giờ nếu bảo làm gì, hỏi họ đang làm gì thì câu trả lời là đến tháng lại lãnh lương, có tiệc thì mò đến ăn, hò hét, hầm hố hù dọa dân, lấn chiếm từng mét đất của dân, san lấp ao hồ, biến đất công thành đất tư... Có hàng trăm mối tư lợi từ việc làm cán bộ xã, cán bộ phường... Chính các mối tư lợi này khiến cho cán bộ xã, cán bộ phường nhanh chóng trở thành bầy linh cẩu trong mắt dân. Và chưa dừng ở đó, tình trạng chạy đua lên thành phố, đây là một thứ đáng sợ nhất của dân lành.
Khi một đơn vị địa phương được lên xã, phường, ban đầu dân nghe thì có vẻ vui mừng, thậm chí rất vui mừng vì mình một bước đổi đời. Nhưng thực sự dân có đổi đời không ? Không, hoàn toàn không, mà còn đeo thêm cái ách vào cổ. Vì để lên xã, phường, cán bộ xã đã tìm cách tạo ra một thứ cơ sở hạ tầng ảo, mượn chuẩn, thuê chuẩn, tức làm hồ sơ giả với hàng loạt các chữ ký của các cơ quan chuyên môn nhằm qua mắt cấp trên, nộp đơn xin chuẩn thuận lên phường, lên phố. Dân mơ hồ mừng vì nghĩ rằng lên phường lên phố thì đất tăng giá, có cơ may đổi đời nhưng dân chưa bao giờ đặt câu hỏi đất lên giá thì liệu bán đất xong, lại làm gì tiếp theo ? Và khi lên phường, lên phố thì được cái gì, mất cái gì ? Họ chỉ nghe là mừng.
Kỳ thực, lên phường, lên phố, cán bộ địa phương được quyền thu thuế đất của dân. Nhiều gia đình cả đời làm nông, quanh năm rảnh thì đi phụ hồ kiếm mấy đồng cất dành phòng khi đau ốm, đùng cái lên phường, lên phố, phải đóng thuế đất mỗi năm vài triệu đồng, có nhà đóng hàng chục triệu đồng thuế đất phi nông nghiệp vì xã bây giờ là phường, phải đóng thuế. Ngoài các khoản thuế đất phi nông nghiệp, người ta phải đóng thêm phí vệ sinh môi trường, phí quĩ vì người nghèo, phí tặng quà tri ân... đủ các loại phí... ! Và đời sống thì hoàn toàn không thay đổi, chỉ có gánh nặng thuế má hằng năm trở nên kinh khủng, cán bộ trở nên sang chảnh, ăn trên ngồi trốc và hống hách hơn, những thằng dốt trong mắt dân bây giờ chính thức ngẩng cao đầu đe nẹt dân. Đó là sự thật.
Và còn một sự thật khác là với mức thu hằng năm, với đủ các kiểu hạch sách, hoạnh họe dân, tương lai, cán bộ xã, phường sẽ chạy các bằng cao hơn để vào hệ thống quận, huyện, thành phố... Và con đường thăng tiến dựa trên lý lịch, dựa trên bằng cao cấp lý luận đảng, dựa trên thâm niên "phục vụ nhân dân", dựa trên kinh nghiệm bảo vệ đảng và dựa trên bằng cấp bất minh trong một nền giáo dục bất minh... Dường như con đường hoạn lộ luôn mở rộng thênh thang với những kẻ con ông cháu cha, kém năng lực nhưng giỏi luồn lách, bợ đỡ và thủ đoạn !
Thử nghĩ, tương lai dân tộc, đất nước này sẽ về đâu với một cơ chế chính trị hết sức nặng nề, cơ hội, bất minh và kém năng lực như vậy ?!
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 26/10/2024
Nhiều "hạt giống đỏ" của đất nước đã bị "chín lép"
1. Ở buổi khởi sự, khi cướp chính quyền mới chỉ là mưu đồ, những người cộng sản còn tay trắng thì tổ chức thanh niên cộng sản thực sự là nơi giáo dục lí tưởng cộng sản, rèn luyện và thử thách lớp người trẻ để đưa họ vào con đường cách mạng cộng sản. Những người cộng sản Việt Nam lứa đầu hầu hết đều được giáo dục lí tưởng và đào tạo kĩ năng cách mạng chuyên nghiệp trong tổ chức Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội do Nguyễn Ái Quốc, người mang bạo lực cách mạng vô sản về Việt Nam, dựng lên.
Kĩ năng cần thiết hàng đầu của cách mạng vô sản là tuyện truyền. Điều được tập trung tuyên truyền cao nhất là mục tiêu chiến đấu hi sinh vì dân vì nước của những người cộng sản : Tất cả chính quyền về tay nhân dân. Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh... chỉ là thứ bánh vẽ, là mồi câu dẫn dụ người dân theo họ, giao thân phận cho họ sử dụng làm công cụ giành và giữ chính quyền.
Thực tế chứng minh rằng mục tiêu đích thực, mục tiêu cao nhất và vĩnh hằng của đảng cộng sản chỉ là chính quyền. Chính quyền. Và chính quyền. Có chính quyền họ mới thoả mãn được nỗi thèm khát "Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình", nỗi thèm khát được đưa vào thánh ca cộng sản như tôn chỉ, như lẽ sống, như chân lí cộng sản.
Khi những người cộng sản đã cướp được chính quyền, cướp được lợi quyền của dân, của nước thành của riêng họ thì tổ chức thanh niên cộng sản chỉ còn là nhà trẻ, là nhà chờ đưa con cái các quí ông, quí bà vai vế trong đảng cộng sản lên bệ phóng quyền lực. Chính quyền thâu tóm tất cả lợi quyền của dân của nước trong tay những người cộng sản sẽ được chuyển giao từ cộng sản cha sang cộng sản con như của gia bảo của nòi cộng sản.
Đám con kém cỏi, ham chơi, lêu lổng, bất tài, không có năng lực làm việc, không biết làm việc và cũng không cần, không muốn làm việc giúp ích cho đời, không tự tìm được chỗ đứng trong xã hội liền được ông bố nắm quyền lực trong đảng cõng vào hệ thống quyền lực, đặt vào vị trí lãnh đạo tổ chức đoàn thanh niên cộng sản. Từ đây bắt đầu con đường công danh thần tốc với cậu ấm cô chiêu của những đấng bậc bề trên trong đảng.
Tổ chức đoàn thanh niên cộng sản ở trung ương là nhà trẻ của cậu ấm cô chiêu cấp trung ương. Tổ chức đoàn cấp tỉnh là nhà trẻ của đám trẻ nhà quan đảng cấp tỉnh.
2. Gã trai miền rừng Nông Quốc Tuấn không có được đầu óc sáng láng để học chữ đến nơi đến chốn, không thể vào đời bằng con đưởng học vấn, trí tuệ, lại không chí thú tu thân học lấy một nghề tinh nuôi bản thân và gia đình. Khi Nông Quốc Tuấn vào đời, ông bố Nông Đức Mạnh mới chỉ là quan chức cấp phó ở tỉnh miền núi và ông phó chủ tịch tỉnh Bắc Thái chỉ giành được cho thằng con không học vấn, không nghề nghiệp, chỉ có thể làm những công việc cơ bắp phổ thông một suất xuất khẩu lao động ngay trong những đợt đầu tiên nhà nước cộng sản mang sức lao động người Việt ra bán ở thị trường thế giới.
Bán sức lao động ở thị trường thế giới được giá hơn làm thuê trong nước rất nhiều đã mở cho Tuấn con đường vào đời rộng rãi, sáng sủa, tốt đẹp hơn rất nhiều đám trẻ con dân thường thất thểu về Hà Nội chạy xe ôm, làm thợ đụng, dầu dãi nắng mưa, bụi bặm nhặt những đồng bạc vụn trong may rủi, phập phù.
Con đường công danh thênh thang của chàng trai miền rừng Nông Quốc Tuấn không học vấn, không nghề nghiệp, phải ra nước ngoài làm thuê bỗng mở ra chói lọi cùng bước ngoặt thăng tiến chói lọi của ông bố Nông Đức Mạnh. Bước ngoặt chói lọi của gã trai không học vấn, không nghề nghiệp cũng bắt đầu từ nhà trẻ là tổ chức đoàn thanh niên cộng sản.
Bảy năm Tuấn cặm cụi làm thuê ở miền Đông nước Đức cũng là bảy năm ông bố Tuấn len lỏi tìm đường thăng tiến trên con đường quyền lực. Leo lên được ghế Bí thư tỉnh uỷ, vào được trung ương đảng, vào được nhóm quyền lực cao nhất trong đảng và con đường về kinh đảm đương những trọng trách quốc gia ở triều đình cộng sản mở ra trước mắt, ông bố Bí thư tỉnh uý của Tuấn liền gọi Tuấn đang bán sức lao động cơ bắp ở Đức về. Và tổ chức đoàn thanh niên cộng sản Bắc Thái là nhà trẻ, nhà chờ trước khi Tuấn được đưa vào bệ phóng quyền lực là Bí thư trung ương đoàn thanh niên cộng sản Việt Nam.
Bố, Nông Đức Mạnh làm Chủ tịch quốc hội thì con, Nông Quốc Tuấn là Bí thư Trung ương đoàn kiêm Chủ tịch hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Bố Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam thì con Nông Quốc Tuấn làm phó Bí thư rồi Bí thư tỉnh uỷ Bắc Giang, một vị trí bảo đảm chắc chắn cho Tuấn chiếm một ghế ban Chấp hành Trung ương.
Đại hội X, tháng tư, 2006, ông con, Bí thư tỉnh uỷ Bắc Giang Nông Quốc Tuấn ung dung vào nhà Đỏ, ban Chấp hành trung ương, thì ông bố, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh mãn nguyện rời nhà Đỏ về hưu, hưởng những lợi quyền tột đỉnh ưu đãi suốt đời. Nhận lợi quyền mảnh đất kim cương sáu trăm mét vuông bên Hồ Tây. Đất Hồ Tây linh thiêng của lãng đãng huyền thoại, của lung linh sử vàng, đến thời cộng sản thành đất ô trọc với những những bãi rác của một thời lịch sử ô uế là những biệt phủ kệch cỡm của đám quan lại kếch xù trong triều đình cộng sản cũng là những tội đồ kếch xù trong lịch sử đất nước.
Nung nấu suy nghĩ tìm ra một quốc sách để lại dấu ấn của một Tổng bí thư và ông Tổng bí thư xuất thân từ cánh rừng Na Rì, Bắc Cạn chỉ quen với những phong trào quần chúng liền phát động phong trào toàn đảng học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Đến thời Nông Đức Mạnh, đảng cộng sản mới chính thức và rầm rộ mang Hồ Chí Minh ra làm liều thuốc an thần ru ngủ người dân quên đi đói nghèo, quên đi tội lỗi của đám quan chức bất tài, tham nhũng. Xối xả đổ tiền thuế nghèo của dân dựng tượng đài Hồ Chí Minh từ trung tâm đô thị ánh sáng đến góc rừng heo hút âm u. Tượng đài sau phải hoành tráng hơn tượng đài trước vì thế cũng tốn kém, xa xỉ, lố lăng hơn tượng đài trước.
Miệng hô hào cán bộ đảng viên học tập đạo đức Hồ Chí Minh nhưng lưng Nông Đức Mạnh âm thầm cõng ông con không học vấn, không nghề nghiệp vào chốn quan trường cấp cao của chính quyền cộng sản là hình ảnh chân thực, sống động, đầy sức chứng minh và khẳng định về sự giả dối của người cộng sản, về sự giả dối của những ngôn từ mĩ miều "Tất cả chính quyền về tay nhân dân", "Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" .
Âm thầm cõng ông con đi xuất khẩu lao động trở về gửi vào nhà trẻ là tổ chức đoàn thanh niên cộng sản rồi biến nhà trẻ đó thành bệ phóng quyền lực, tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nêu một tấm gương sáng chói cho toàn đảng của ông, tạo ra thời kì toàn đảng từ trung ương đến địa phương học hỏi và làm theo phiên bản quan đảng Nông Đức Manh cõng đứa con không học vấn, không nghề nghiệp Nông Quốc Tuấn vào quan trường.
3. Ở trung ương, cậu ấm Nguyễn Minh Triết con trai út Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa học xong đại học bên Anh liền được Thủ tướng Ba Dũng gọi về gửi vào nhà trẻ là tỉnh đoàn Bình Định.
Hai nhiệm kì Thủ tướng, thực sự là nhân vật quyền lực nhất trong triều đình cộng sản, Thủ tướng Ba Dũng đã tạo được vây cánh đông đúc nhất và thế lực mạnh mẽ nhất trong đảng của ông. Với vây cánh và thế lực đó, trước đại hội đảng 12, đầu năm 2016, chiếc ghế đảng trưởng tưởng như đã nằm trong tầm tay tham lam và mạnh mẽ của ông Ba Dũng. Trong thế mạnh đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cõng được ông con Nguyễn Minh Triết từ tỉnh đoàn Bình Định về trung ương đoàn.
Nhưng chính trường vốn hiểm hóc khó lường. Chính trường cộng sản lại thêm bạo liệt sắt máu. Từ bưng biền U Minh Thượng, U Minh Hạ Cà Mau về chốn hiểm hóc, sắt máu, ông y tá của rừng U Minh lên được đến Thủ tướng đã là thần kì. Chuyện thần kì không thể có mãi. Với mưu toan, sắp sắp đặt của ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, đại hội đảng 12 đầu năm 2016 đã chặn đứng con đường quyền lực của ông bố Ba Dũng.
Ông bố, Ba Dũng phải từ quan về lại nơi xuất phát Cà Mau, Kiên Giang, Phú Quốc của ông nay không còn u minh nữa mà đang đô thị hóa rầm rộ. Ông con, Nguyễn Minh Triết thôi đành ngồi chơi xơi nước ở toà nhà 55 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, cơ quan trung ương đoàn chờ ông bố tìm đường cõng sang ngả khác vậy.
4. Ở đảng bộ các tỉnh thành, tấm gương Nông Đức Mạnh – Nông Quốc Tuấn, bố quan đảng cõng con vào quan trường được học tập và làm theo tức thì, rộng rãi, sống động, phong phú chứ không hình thức, chiếu lệ, giả dối như việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ nêu hai dẫn chứng đại diện của hai miền Nam Bắc.
Bí thư Lê Thanh Hải, phó bí thư Nguyễn Văn Đua của thủ đô kinh tế Sài Gòn nay có tên thành Hồ đều gửi quí tử là Lê Trương Hiếu Hải và Nguyễn Việt Quế Sơn vào nhà trẻ của đảng bộ Sài Gòn là thành đoàn. Lê Thanh Hải chẳng cần ra triều đình cũng leo lên tột đỉnh quyền lực là Bộ Chính trị thì Lê Trương Hiếu Hải, Nguyễn Việt Quế Sơn đâu cần ra trung ương Đoàn.
Thu ngân sách một quận của thủ đô kinh tế Sài Gòn còn lớn hơn thu ngân sách cả tỉnh đất rộng người đông như Nghệ An. Làm quan cấp quận ở thủ đô kinh tế Sài Gòn còn màu mè, quyền uy hơn làm quan cấp tỉnh nhiều nơi khác. Trên lãnh địa quyền lực Lê Thanh Hải và Nguyễn Văn Đua còn bảo đảm sự hanh thông quan lộ cho Hải, Sơn nữa. Và bệ phóng thành đoàn thành Hồ đã đưa Hải, Sơn vào chốn quan trường khởi đầu từ chủ tịch quận, phó bí thư quận uỷ.
Đã quen với hình ảnh các quan đảng chẳng cần lén lút cứ ngang nhiên hăm hở, tất bật cõng con vào quan trường, người dân Việt Nam không bất ngờ, không quan tâm và cũng quen nhẫn nhục, chịu đựng bất công, không mảy may phản ứng trước sự tham nhũng quyền lực của Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua.
Nhưng ông Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã rải con cháu họ hàng lên khắp các ghế quyền lực trong tỉnh nay lại thực hiện phiên bản Nông Đức Mạnh – Nông Quốc Tuấn, ông Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến sỗ sàng cõng con trai Nguyễn Nhân Chinh không tài cán, không đóng góp, không công lênh, chưa có thực tế một ngày chính trường từ nhà trẻ của đảng bộ tỉnh là tỉnh đoàn Bắc Ninh nghênh ngang đặt lên chiếc ghế đầy quyền uy, Bí Thư thành uỷ Bắc Ninh là sự hỗn hào, khinh bỉ, xúc phạm quá lớn người dân mảnh đất trai tài gái sắc Kinh Bắc.
Người dân Bắc Ninh bất bình. Báo chí cả nước đồng loạt lên tiếng. Ông bố, Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đành phải tính lại chiếc ghế quan trường cho ông con Nguyễn Nhân Chinh. Rà soát lại hàng quan chức trong tỉnh, ông Bí thư tỉnh uỷ Chiến vui sướng nhận ra giám đốc sở Lao động Thương binh Xã hội chỉ còn vài tháng nữa đến tuổi nghỉ hưu. Đây rồi ! Đặt thằng con ngồi ghế phó ở đây vài tháng mai phục chiếc ghế giám đốc cũng là chiếc ghế thường vụ tỉnh uỷ. Từ Thường vụ tỉnh uỷ tót lên Bí thư tỉnh uỷ thì quá đơn giản.
Nghị định 24/2014NĐ-CP qui định các sở cấp tỉnh không được quá ba phó giám đốc thì ông sẽ tìm chỗ đẩy một phó của sở Lao động Thương binh Xã hội đi chỗ khác. Toan tính trong đầu, dàn xếp với đám quan chức đàn em trong tỉnh xong, ông Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến lại hì hục cõng ông con Nguyễn Nhân Chinh rời ghế Bí thư thành uỷ Bắc Ninh đưa sang sở Lao động Thương binh Xã hội, đặt lên ghế phó giám đốc sở.
Đúng như toan tính tài tình, sáng suốt của ông bố Nguyễn Nhân Chinh, sáu tháng sau, giám đốc sở Lao động Thương Binh Xã hội Đinh Văn Duân về hưu. Ông con Nguyễn Nhân Chinh ngồi ghế phó chưa ấm chỗ liền sỗ sàng tót lên ghế giám độc thay ông Duân. Người dân cả nước lại một lần nữa tròn mắt kinh ngạc về mức độ tận cùng vô liêm sỉ, tận cùng trắng trợn tham nhũng quyền lực của ông quan đảng đất văn hiến Kinh Bắc.
5. Nhà nước ưu ái dành quyền lực cho đám cậu ấm cô chiêu bất tài con cái những quan đảng tham nhũng là nhà nước ưu ái, dung dưỡng tham nhũng, nhà nước phản bội nhân dân, chống lại nhân dân.
Dành quyền lực nhà nước cho con cái đám quan tham nhũng bất tài, nhà nước cộng sản đang loại bỏ và tuyệt diệt những hiền tài trong dân. Những hiền tài trong dân sáng chói trí tuệ và tài năng, nồng nàn lòng yêu nước như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Năng Tĩnh, Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Nguyễn Ngọc Ánh... chỉ vì lên tiếng việc dân việc nước liền bị vu tội tuyên truyền chống nhà mước, hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, phải nhận những bản án giam thân trong ngục tù đến mòn mỏi cuộc đời, đến lúc không còn sức khoẻ, không còn ý chí cống hiến mới mãn án tù.
Dành quyền lực nhà nước cho những kẻ bất tài, loại bỏ hiền tài, nhà nước cộng sản đang tuyệt diệt cả nền văn hiến Việt Nam, đang khinh bỉ, rẻ rúng cả dân tộc tài năng đã tạo ra một nền văn hiến huy hoàng.
Phạm Đình Trọng
Nguồn : VNTB, 18/01/2021
Sao kiểm sát viên phải 'nể' lãnh đạo địa phương ?
RFA, 13/01/2021
Chủ nhiệm Ủy han Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga mới đây nói rằng một số kiểm sát viên còn có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương khi thực hiện chức năng kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hành chính.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu tại phiên họp 12/1/2021. plo.vn
Bà Nga đưa ra nhận xét này tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam vào ngày 12/1, đánh giá nhiệm kỳ công tác khóa XIV, 2016 – 2021, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Xác nhận thực trạng vừa nêu, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết tình trạng hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên trong các phiên tòa dân sự và hành chính ở cấp huyện, tỉnh vẫn còn vấn đề cả nể.
Cụ thể, lời ông Trí được truyền thông nhà nước Việt Nam trích dẫn nguyên văn như sau : "Một kiểm sát viên công tác ở Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện, tỉnh ra tòa mà phát biểu mạnh về ông Chủ tịch tỉnh thì chắc sau khó xin đất, xin trụ sở được. Tất nhiên, xin đất, xin trụ sở là công việc thôi nhưng không có mối quan hệ tốt thì khó lắm. Kiểm sát viên muốn nói mạnh mà ông viện trưởng bảo "nói vừa vừa thôi" thì kiểm sát viên cũng không dám nói. Phải nói thật như vậy. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng phải dùng cách thuyết phục là nhiều chứ có phải lúc nào cũng nói thẳng ra được đâu. Ngay cả Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể chứ một cán bộ bình thường mà đòi hỏi không kiêng nể gì hết thì rất khó. Tất nhiên, kiêng nể cũng phải có nguyên tắc".
Trao đổi với RFA tối 13/1, Luật sư Đặng Trọng Dũng, từng là một nhà báo, hiện đang công tác tại Văn phòng Luật sư Đặng Dũng & Ninh Hòa ở thành phố lớn nhất phía Nam nhận xét về phát biểu của người đứng đầu Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao như sau :
"Tôi coi bản tin báo Pháp luật như vậy tôi rất buồn. Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nói thật như thế thì phải nói rằng nếu kiểm sát viên vì những quyền lợi riêng tư như ông viện dẫn như vậy mà không có hình thức răn đe hoặc nói thế nào thì đó là điều rất thất vọng cho luật sư và người dân. Thiếu điều ông ‘vẽ đường cho hươu chạy’. Ông ấy bảo vì quyền lợi thế này, thế kia thì kiểm sát viên không dám nói gì nhiều, ông bảo ngay cả Viện trưởng cũng phải thận trọng thì tôi thấy rằng điều ông nói như thế là thực tế mà thực tế đó là điều rất đáng buồn và không biết cách nào khắc phục".
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành luật, Luật sư Hà Huy Sơn, Giám đốc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn Hà Sơn tại Hà Nội nhận định :
"Theo tôi đây cũng là một thực tế ở Việt Nam vì cơ quan tư pháp của Việt Nam không độc lập với bên hành pháp, nắm quyền hành liên quan đến kinh tế, đất đai, nhiều cái về công chức cán bộ khác, tuy ngang cấp nhưng họ vẫn có thế lực hơn đối với bên cơ quan tư pháp".
Vẫn theo lời Viện trưởng Lê Minh Trí tại phiên thảo luận ngày 12/1, tính ‘cả nể’ mà ông nhắc đến không chỉ xuất hiện riêng trong lĩnh vực tư pháp giữa các kiểm sát viên với các lãnh đạo tỉnh, mà vẫn còn nhiều trong cả hệ thống.
Chị Ngọc Hà, một người dân đang sống tại Bình Dương, bày tỏ cảm nghĩ qua Facebook Messenger về phát biểu vừa nêu như sau :
"Mình thì thấy việc ông Viện trưởng nói người dân ai cũng biết, chỉ là bây giờ có quan chức xác nhận sự thật thôi. Mình chỉ thấy lạ là có luật pháp nhưng chính người làm luật lại nói vậy như một sự cam chịu, không thể thay đổi thì trách nhiệm của những người lãnh đạo liên quan ở đâu ?".
Luật sư Đặng Trọng Dũng cho rằng luật pháp Việt Nam hiện nay đã có quy định đầy đủ, nhưng ăn thua là người thực thi pháp luật như thế nào, phải có bản lãnh thế nào, vừa phải đào tạo vừa phải kiểm điểm mỗi một vụ án thế nào… Ông tiếp lời :
"Nếu ông (Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) nói thực trạng như vậy mà không hề nói được biện pháp khắc phục là điều rất đáng buồn. Trong đó ông nói là tranh luận là then chốt nhưng thực sự ra tòa luật sư chúng tôi rất muốn tranh luận đến nơi đến chốn nhưng người mà cầm cân trong phiên tòa là chủ tọa, thẩm phán nhiều khi họ cắt ngang chúng tôi. Như một vụ án dân sự tôi vừa vào tòa án cấp cao, chưa tranh luận gì cả thì ông cắt cụp một cái rồi ông đưa một bản án trái pháp luật, cuối cùng chúng tôi phải giám đốc thẩm. May mà giám đốc thẩm được và bây giờ xử lại từ đầu. Tôi thấy nền tư pháp của mình có những thực trạng đáng buồn như vậy".
Ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong buổi Hội nghị của Chính phủ Hà Nội về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật diễn ra ngày 24/11/2020 có nhắc đến nội dung chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác làm chính sách.
Do đó, Luật sư Hà Huy Sơn đưa ra đề xuất :
"Phải thay đổi từ Hiến pháp về hệ thống chính trị tại Việt Nam. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập thì mới thay đổi được cái gốc. Còn do đảng thống nhất, phân công chức năng thì không thay đổi được câu chuyện. Theo tôi việc thay đổi hình thức hầu như không thể thay đổi được vì nó là bản chất hiện nay đó là đảng lãnh đạo toàn nhà nước và xã hội nên không thay đổi được. Quan điểm của tôi là như vậy".
Vẫn theo Luật sư Hà Huy Sơn, đây là bản chất chế độ chính trị của Việt Nam nên không thể thay đổi. Trong thực tế, những người nêu lên những vấn đề này, với truyền thống chính phủ Hà Nội thì có thể bị kết tội lật đổ chính quyền nhân dân.
Nguồn : RFA, 13/01/2021
***********************
RFA tiếng Việt, 12/01/2021
Tại buổi báo cáo công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhiệm kỳ 2016-2021 vào sáng ngày 12/1, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng.
Nhiều người trẻ tuổi Việt Nam sở hữu tài sản nghìn tỷ
Biệt phủ tọa lạc trên diện tích 2.300 m2 ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh do con gái nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đứng tên chủ sở hữu. Courtesy of zing.vn
Ông Lê Minh Trí được báo giới dẫn lời khẳng định rằng "thu hồi tài sản tham nhũng nhiệm kỳ sau đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước". Điển hình, nhiệm kỳ trước thu hồi 5-10% nhưng nhiệm kỳ này hơn 50%.
Mặc dù vậy, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh trong thực tế nhận được phản ánh hiện nay có những người trẻ từ 20-30 tuổi đã đứng tên các tài sản cả trăm tỷ, cả ngàn tỷ đồng. Cơ quan chức năng dù biết nhưng không thể xử lý được vì quyền sở hữu của công dân nên không đụng vào được.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng đó là hiện tượng quan chức tham nhũng không bao giờ tự đứng tên tài sản, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên do quy định kê khai tài sản ở Việt Nam chỉ trong hệ thống chính trị. Do đó, ông Lê Minh Trí đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản để khi một tài sản mới được đăng ký mà không chứng minh được nguồn gốc thì sẽ bị điều tra và sẽ có cớ sở pháp lý để xử lý cũng như chắc chắn không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng.
Anh Đỗ Nam Trung, một bạn trẻ ở Việt Nam lên tiếng xác nhận về thông tin mà Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đề cập đến nhiều người tuổi từ 20-30 sở hữu tài sản giá trị trăm, ngàn tỷ.
"Theo tôi thấy đa phần những người trẻ mà có khối tài sản lớn như thế là do của cha ông để lại hay cha mẹ làm quan chức hoặc một kiểu kinh doanh ‘tư bản đỏ’, tức là hình thức kinh doanh có móc nối với chính quyền để làm giàu và sau đó thì tuồn tiền cho họ đứng tên. Thật ra thì những tài sản đó không phải của họ mà là của cha mẹ họ thôi. Thứ hai nữa là mình không có gì để cảm thấy phục những người đó cả, tại vì họ được sinh ra trên một ‘cái mâm vàng’ thì họ tận dụng thôi chứ thật ra họ chẳng tài cán gì cả".
Bạn trẻ Đỗ Nam Trung không đồng ý với giải thích của ông Lê Minh Trí rằng chính quyền không thể "đụng" đến các tài sản khổng lồ của những người trẻ tuổi.
"Nhìn thấy có quá nhiều người trẻ sở hữu khối tài sản lớn như thế thì rõ ràng sự bất công trong xã hội đang rất nhiều. Tại vì ở Việt Nam có cơ chế xã hội chủ nghĩa, là cơ chế ‘xin-cho’ và nếu như không làm láo, không làm bậy, không mua gian bán lận thì không bao giờ giàu. Kiểu gì cũng phải móc nối với chính quyền, đút lót cho chính quyền thì mới giàu được; hoặc họ là sân sau của các quan chức hoặc là họ móc nối với quan chức và hai bên cùng có lợi. Cho nên, những đồng tiền đó bất minh nhiều hơn những đồng tiền chính đáng".
Tin tức về tham nhũng trên báo chí nhà nước. RFA Edited
Phản biện của xã hội
Luật sư Phạm Công Út, vào tối ngày 12/1 nhắc lại một vụ việc điển hình gây xôn xao dư luận hồi năm 2017, được báo giới Nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng tải về biệt phủ ở trung tâm huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh do con gái nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đứng tên.
Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành tư pháp, luật sư Phạm Công Út cho rằng ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nói rằng không thể "đụng" vào những tài sản như của trường hợp vừa nêu là không hiểu đúng theo luật pháp hiện hành.
"Vấn đề thu nhập hợp pháp thì sẽ dựa theo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Một thanh niên, thanh nữ 18 tuổi, vừa đủ tuổi đứng tên tài sản, mà đứng tên tài sản khủng thì người ta phải xem lại thu nhập cá nhân của người đó. Nhưng nếu không xem thu nhập cá nhân của một người nào đó để tạo nên một gia sản khổng lồ thì thu nhập đó là phi pháp, chứ không thể dơn giản chỉ xem xét vấn đề truy thu thuế. Việc đó là việc bất minh bởi đó là con của một quan chức hưởng lương và các bổng lộc khác để rồi tạo ra những khoản tài sản khổng lồ để cho con của mình đứng tên. Đối với các cơ quan thanh tra, điều tra sẽ truy ngược lại là có khai báo về thu nhập cá nhân hay không. Vấn đề này là một lỗ hổng rất lớn và vấn đề này vẫn có luật nhưng tôi chưa thấy luật đụng đến những câu chuyện cụ thể như thế này. Ở đây, nhà nước chưa làm mạnh tay mặc dù có luật, không nằm trong luật này thì nằm trong luật khác. Chẳng hạn đó là Luật Thuế thu nhập cá nhân".
Luật sư Phạm Công Út khẳng định rằng giải thích của ông Viện trưởng Lê Minh Trí sai vì Luật Thuế thu nhập
Về đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đưa ra, luật sư Phạm Công Út nhận định:
"Tôi cho rằng bây giờ có đưa ra luật gì đi nữa thì cũng chưa thoát ra khỏi phương thức giao dịch thực tế. Khi nào thoát ra được gaio dịch thực tế thì lúc đó các luật đưa ra mới áp dụng được. Còn bây giờ giao dịch thực tế hiện nay, ví dụ như một quan chức tiến hành tố tụng và người ta đưa ra một con số được viết trong lòng bàn tay của họ rồi đưa cho người đưa hối lộ đọc thấy và sau đó họ xóa đi, thì dù có đưa luật nào đi nữa cũng không đi vào thực tiễn cuộc sống. Bởi vì tại Việt Nam, người ta thanh toán bằng những khoản ‘tiền tươi’, chứ không thông qua ngân hàng. Do đó, nếu ra luật kiểu nào đi nữa thì tôi nghĩ trong thời điểm bây giờ và tương lai gần sẽ không hiệu quả".
Vào ngày 11/1, truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải nội dung văn bản liên quan kiến nghị về tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi. Báo giới cho biết Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông Nguyễn duy Giảng vừa gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để yêu cầu trả lời kiến nghị vừa nêu.
Theo nội dung kiến nghị thì cơ quan có thẩm quyền đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.
Luật sư Đặng Đình Mạnh trong cùng ngày 11/1, nhận xét với RFA rằng kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là chưa chuẩn xác.
"Mặc dù về ý nghĩa tôi nghĩ mọi người sẽ rất tán thành việc xét xử nghiêm, nghiêm khắc đối với đối tượng tham nhũng nhưng ít nhất cũng phải trên cơ sở có tình có lý. Hiện nay kiến nghị vi phạm Luật Hình sự vì Luật Hình sự có quy định khi một người có tội mới kèm theo hình phạt phụ là tịch thu tài sản hoặc tịch thu những khoản tiền bất chính. Theo ý kiến của Viện Kiểm sát Tối cao đưa ra như vậy thậm chí chưa cần có bản án tuyên họ có tội thì làm sao có thể xác định đó là tài sản bất chính để nhà nước có thể thu ?"
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng theo thiển ý của ông thì tài sản tham nhũng đôi khi bị tẩu tán, nhờ người thân trong gia đình đứng tên cho nên cần có điều tra mở rộng đối với tài sản của những người thân trực hệ của bị can, bị cáo tham nhũng và nhờ đó để có cơ sở thu hồi tài sản mà họ thu lợi bất chính.
Nguồn : RFA, 12/01/2021
Trúc Giang, VNTB, 28/08/2019
"Trường tư thục Tuổi Thơ bị nhà chức trách buộc phải đóng cửa vì đã làm phỏng 3 trẻ. Còn trường cũng tư thục nhưng tên Tây là Gateway làm chết học trò lại không bị sao hết, vẫn hoạt động bình thường". Nữ luật gia Nguyễn Thu Trang, Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng phải chăng ở đây có yếu tố ‘con ông – cháu cha’ ?
Bà Nguyễn Bích Quy, người đưa đón học sinh trường Gateway, bị Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) khởi tố về tội Vô ý làm chết người. Bà Quy đã bị bắt giam. Quyết định khởi tố bị can theo điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 (tội Vô ý làm chết người) được Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy phê chuẩn ngày 26/8. Hôm 27/8, Công an quận Cầu Giấy tống đạt quyết định này tới bà Quy, 20 ngày sau khi khởi tố vụ án.
Tranh biếm họa
Bà Quy bị Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy cáo buộc đã "vô ý không kiểm tra hết trong xe mà đã đóng cửa bỏ đi" dẫn tới việc bé Lê Hoàng Long (lớp 1 trường Gateway) bị bỏ quên trên chiếc Ford Transit biển số 29B-069.56 suốt 9 tiếng trong ngày 6/8. Theo kết quả giám định, bé chết vì bị "sốc nhiệt, suy hô hấp", không có nguyên nhân bệnh lý.
Viện kiểm sát nhân dân Cầu Giấy cho rằng trong cái chết của bé Long có trách nhiệm của tài xế Doãn Quý Phiến (53 tuổi, nhân viên hợp đồng Công ty trách nhiệm hữu hạn vận tải Ngân Hà) khi không trực tiếp kiểm tra xe trước khi đóng cửa mà phó mặc cho người đưa đón là bà Quy. Ông Phiến và bà Quy cùng "vô ý và cẩu thả". Nhà chức trách nói rằng ông Phiến đang tiếp tục bị điều tra.
"Dường như vì bà Quy mời luật sư hỗ trợ ngay từ khi xảy ra vụ việc nên bà được ‘ưu ái’ nhận sớm quyết định khởi tố". Luật gia Nguyễn Thu Trang nhận xét trong một trao đổi với người viết vào trưa ngày 27/8.
Phân tích khía cạnh pháp lý, bà Nguyễn Thu Trang nhìn nhận nếu bà Quy đã được ký hợp đồng lao động, thì tội danh khởi tố có thể sẽ không phải là ‘Vô ý làm chết người’ mà thành ‘Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc hành chính’ (điều 129 Bộ luật Hình sự 2015).
"Thế nhưng ở đây cần làm rõ là trong hoạt động đưa đón học sinh lâu nay của trường Gateway, có hay không về quy trình được xác lập bằng văn bản do người chịu trách nhiệm ban hành của việc ‘đón – nhận’ học sinh từ nhà của các em đến trường Gateway ? Các thầy, cô đứng lớp ở Gateway có trách nhiệm nhận đủ các học sinh của lớp mình vào đầu giờ học theo những bước thủ tục nào, điểm danh ra sao ? Theo tôi biết thì gia đình của nạn nhân cũng đã mời luật sư Phạm Hương Giang và luật sư Vũ Gia Trưởng thuộc Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp", Luật gia Nguyễn Thu Trang nói.
Trong một diễn tiến khác, luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận có tình tiết bất thường ở đây là từ khi xảy ra vụ chết người này, công luận hoàn toàn không có bất kỳ tin tức gì về tài xế được cho là ông Doãn Quý Phiến.
"Trong khi đó theo lời của bà Quy nói với báo chí thì bà đã ký vào sổ bàn giao đủ số lượng các em trên xe. Tuy nhiên vẫn theo lời bà Quy, thì lúc ký vào sổ này ở hôm trước đó lẫn hôm xảy ra vụ chết người, vẫn không có người xác nhận lúc bà ký. Tình tiết này cần làm rõ, và trong khi chưa làm rõ trách nhiệm trong quy trình đón các em học sinh từ nhà đến trường/lớp, tôi cho rằng phải buộc dừng ngay mọi hoạt động dạy học của trường Gateway", Luật sư Trần Thành lập luận.
"Tôi nghĩ rằng ở vụ này cần làm rõ trường Gateway đã giao trách nhiệm cụ thể như thế nào cho bà Quy và ông Phiến ? Như vậy, cần khởi tố ngay người đứng tên chịu trách nhiệm của pháp nhân trong bộ hồ sơ thủ tục thành lập trường Gateway", Luật gia Nguyễn Thu Trang, nhận định.
Theo phân tích của luật gia Trang, bà Quy có nói sổ giao nhận các cháu, bà có ký giao đủ 13 cháu, nhưng lúc ký không có ai đứng đó để nhận bàn giao. Lưu ý trách nhiệm của bà Quy là ký bàn giao, trách nhiệm của trường là có người nhận. Việc không có người nhận không phải trách nhiệm của bà Quy.
"Tôi cho rằng cơ quan điều tra đang đi theo hướng là bà Quy có tội bỏ quên đứa bé lại trên xe đưa đón. Nhưng có một tình tiết là sau khi ghé cổng trường cho các bé vào trường, tài xế còn đánh xe đi một đoạn nữa để vào bãi gửi, hoặc đi công việc khác chứ không phải dừng hẳn xe lại ngay sau khi các bé xuống xe", Luật gia Nguyễn Thu Trang chia sẻ.
Gay gắt hơn, luật sư Trần Thành cho rằng không thể biện minh kiểu so sánh rằng việc gì ra việc đấy, không nên vì con cháu các cụ mà có cái nhìn khác. "Tôi đồ rằng vì đây là trường do con cháu các cụ lập ra nên ỷ thế gốc bự, họ đã bỏ qua rất nhiều quy trình bắt buộc trong chuyện đưa – đón, điểm danh… Ngay cả cái tên Tây là Gateway trong khi trường có 100% vốn của nhà đầu tư trong nước, cho thấy đã sai bét nhè. Vậy mà lâu nay có ai dám thổi còi đâu", Luật sư Trần Thành nhận định.
Trong một diễn biến khác, theo các nhà báo ở Hà Nội, đến nay họ vẫn chưa tìm được nơi ở hiện tại của ông Doãn Quý Phiến. Lẽ đó nên việc săn tin tức về ông Phiến trong vụ án ‘vô ý chết người’ ở trường Gateway là rất ít ỏi.
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 28/08/2019
**********************
Vụ án Gateway : Sao chỉ khởi tố người đưa đón trẻ ?
Diễm Thi, RFA, 27.08/2019
Nhiều khuất tất
Tối ngày 6/8/2019, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin với nội dung một bé trai lớp 1 là học sinh của trường quốc tế Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của trường.
Xe đưa đón học sinh Trường quốc tế Gateway chiều 7/8. Photo gateway.edu
Sự việc ngay lập tức gây xôn xao dư luận khi hầu như mọi người đều nhìn thấy những điểm vô lý trong cái chết của cháu bé qua thông tin báo chí đăng tải.
Ngay sau khi vụ việc này xảy ra, một số nguồn tin trên mạng xã hội đã truy tìm thông tin của trường Gateway và cho biết, con gái Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Xuân Trang, có cổ phần 14,3% trong Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục quốc tế Edufit (Edufit Group), công ty mẹ của trường Tiểu học quốc tế Gateway ; bà Trần Thị Hồng Vân có cổ phẩn hơn 40%. Bà này là con gái của ông Trần Văn Vệ, trung tướng, phó thủ trưởng thường trực Cơ quan Cảnh sát đều tra, chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát đều tra Bộ Công an, nguyên quyền tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, nguyên giám đốc Công An tỉnh Thái Bình.
Dư luận tiếp tục lên tiếng khi một ngày sau đó, báo cáo của trường Gateway ngay buổi họp báo tại UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, xe của trường đón 13 học sinh tiểu học vào khoảng gần 7 giờ sáng hôm 6/8. Trong số các học sinh được đón có bé trai tên Long, 6 tuổi, ngồi ở hàng ghế sau cùng. Khi các bé xuống xe, ông Phiến – người lái xe và người đón trẻ là bà Quy không kiểm tra nên không biết cháu Long còn trên xe. Sau đó, ông Phiến đưa xe về bãi trông giữ.
Chiều cùng ngày, ông Phiến và bà Quy đưa xe từ bãi về trường đón học sinh, khi mở cửa xe thì thấy cháu Long nằm dưới sàn xe sau ghế tài xế. Mọi người vội đưa bé Long đi sơ cứu, sau đó chuyển tới Bệnh viện E. Tại đây, bé Long qua đời.
Bốn ngày sau cái chết của bé Long, bà Quy thuật lại buổi sáng cuối cùng của cậu bé với tờ VnExpress : "Tôi và anh Phiến đã sơ suất không kiểm tra kỹ lần cuối trước khi rời xe nên phần lớn trách nhiệm này thuộc về tôi. Nhưng nếu như sau khi tài xế đưa học sinh đến trường rồi kiểm tra lại xe thì đã không để xảy ra sự đau buồn này". Ngày 20/8, Công an Cầu Giấy đã gửi ngay giấy mời bà Quy lên trụ sở làm việc để lấy lại lời khai, lần này bà cho biết : "Không nhớ rõ lúc trước đã nói những gì vì tinh thần hoảng loạn. Hiện tôi bình tĩnh hơn nên nói chuẩn xác hơn". Và bà nói rằng "khi bà bước lên xe kiểm tra và không thấy cháu nào trên xe".
Mặc dù bà Quy đã khai lại và khẳng định mình không bỏ quên cháu Long trên xe đưa đón nhưng ngày 26/8 Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy ký quyết định khởi tố với bà Nguyễn Bích Quy theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự !
Vì sao chỉ bắt bà Quy ?
Chiều tối ngày 27/8, bà Nguyễn Bích Quy, người phụ trách đưa đón học sinh trường Gateway, bị bắt tạm giam thời hạn 3 tháng để điều tra về hành vi "Vô ý làm chết người".
Luật sư của bà Quy, ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng Văn phòng luật sư Thành Sơn và Đồng sự - cho RFA biết sự việc vào tối cùng ngày :
"Tôi đang đi công tác thì nghe tin bà Quy bị bắt tạm giam lúc 18 giờ 15 phút. Theo tôi tìm hiểu thì trường hợp bà Quy không thuộc diện phải bắt tạm giam. Bà Quy bị khởi tố theo khoản 1 tội vô ý làm chết người thì không đến nỗi bị bắt. Tôi chưa hình dung được lý do tại sao, có thể để bà ấy khỏi trả lời báo chí…".
Ông nói thêm rằng việc bắt giam này không hợp lý và không đúng luật, bởi những trường hợp bắt giam thường là do họ thấy có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có phạm tội khác. Trường hợp này ông thấy chẳng có gì vì bà Quy chấp hành mọi yêu cầu của cơ quan điều tra.
Cũng cùng ý kiến việc bắt bà Quy là để "bịt miệng" bà với truyền thông, Luật sư Lê Công Định cũng viết một status ngắn trên facebook cá nhân của mình vào tối 27/8, trong đó có đoạn :
"Bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy trong vụ trường Gateway chỉ nhằm mục đích ngăn chặn bà đưa ra những lời khai bất lợi cho sự thật về cái chết của cháu bé học sinh, chứ không phải vì bà Quy bị tình nghi phạm tội thật sự".
Một luật sư nữa của bà Quy, luật sư Lê Trọng Minh chia sẻ trên facebook cá nhân của mình vào tối 27/8 rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật hình sự thì tội mà bà Quy bị khởi tố có khung cao nhất là 05 năm tù. Như vậy trường hợp của bà Quy không thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam. Có thể nói việc bắt tạm giam là trái quy định của pháp luật.
Ông viết thêm rằng :
"Liệu bà có đủ tỉnh táo và năng lực để khai báo nếu như chưa có sự có mặt của chúng tôi hay không ?
Một vụ án mà cả xã hội quan tâm nhưng quá nhiều điều còn nghi vấn ?! Mục đích và căn cứ của việc bắt tạm giam là gì ?".
Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng có 8 năm làm Hội thẩm Nhân dân lên tiếng với RFA rằng dư luận người ta có quyền nghi ngờ bởi thực chất trường này có nhiều uẩn khúc khi công chúng và báo chí biết được là trường này có con ông cháu cha trong ban thành lập. Ông nêu thắc mắc tại sao không triệu tập người tài xế ?
"Chung quanh việc này có nhiều điều rất đáng ngờ, đặc biệt là những lời khai của chị Quy khi luật sư vào cuộc. Chị Quy đã phản bác lại tất cả những nội dung mà trước đó báo chí thông tin. Ông tài xế chính là người đầu mối đầu tiên nếu cảnh sát điều tra vô tư thì tôi nghĩ chỉ cần truy ông đó là ra vấn đề ngay".
Ngay sau khi bà Nguyễn Bích Quy bị bắt, dư luận mạng xã hội đều đồng tình rằng cách Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bắt tạm giam bà Quy là để "bịt miệng" bà. Nhiều người đặt nghi vấn tại sao người người đứng đầu ngôi trường này không chịu trách nhiệm mà chỉ quy trách nhiệm cho mỗi bà Quy – người đưa đón trẻ ?
Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội đưa ra quan điểm của mình rằng :
"Bây giờ đang trong giai đoạn điều tra cho nên có thể hiện nay mới khởi tố bà Quy, đến khi có thêm chứng cứ hoặc căn cứ vào lời khai thì họ có thể khởi tố thêm hoặc không. Tóm lại là bây giờ chưa thể kết luận là đúng hay sai, hợp lý hay không khi mới chỉ khởi tố bà Quy".
Trong khi đó, luật sư Lê Công Định đặt câu hỏi trên facebook cá nhân của mình rằng : Luật pháp của chế độ độc tài toàn trị phải chăng chỉ trừng phạt những kẻ yếu thế dưới đáy xã hội, chỉ vì họ không được bảo bọc trong quyền thế và tiền bạc, và bởi họ chỉ có một sinh mạng bé nhỏ trần trụi để cái gọi là "công lý" được thực thi bằng sự chà đạp tha hồ một cách vô đạo và bỉ ổi ?
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 27/08/2019
******************
RFA, 28/08/2019
Vào ngày 8 tháng 6 năm 2019, trên Facebook Thảo Thắng của cô Nguyễn Thị Thanh Thảo có bài viết nói về tâm tình của cô đối với bố là ông Nguyễn Mạnh Thắng – TGĐ Công ty Sông Đà 7 – đơn vị vừa trúng thầu dự án nhìn tỷ tại Thái Nguyên. Trong đó có đoạn cô viết "Nhiều lúc nghĩ thương bố thật. Cứ ăn và phá. Trường kỳ bao năm nay. Mỗi 1 năm báo bố 20 tỷ… 5 năm liên tiếp báo 5 lần con số như thế.. Cũng vì tội tin người và ga lăng quá. Tặc lưỡi xong tiền mất…".
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo và bố bà là ông Nguyễn Mạnh Thắng cùng dòng trạng thái bà Thảo chia sẻ. RFA edit
Mãi đến ngày 24/8, status này được lan truyền rộng rãi trên mạng. Nhiều người chia sẻ lại ảnh chụp màn hình và thể hiện bức xúc trước thông tin mỗi năm con gái lãnh đạo tiêu xài hàng chục tỷ đồng …
Trả lời với báo chí trong nước, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết do con ông "trẻ con, hồ đồ, đồng bóng" và thích tôn vinh bản thân nên khoe khoang chứ chẳng có gì, vì thân ông còn lo cho ông chưa xong thì cướp đâu 20 tỷ cho con ?
Mặc dù giải thích như vậy, nhưng cư dân mạng vẫn lục lại Facebook con gái ông và chụp lại ảnh những xe hơi cao cấp mắc tiền trong bộ sưu tập của cô con gái rượu ông Thắng đã đăng tải trước đó.
Sau khi thông tin này lan truyền với tốc độ chóng mặt, cô Thảo đã khóa Facebook - Thảo Thắng.
Hầu hết những người trao đổi với Đài Á Châu tự Do đều cho rằng chuyện con cái các lãnh đạo Tổng công ty tiêu xài hoang phí không phải là điều gì mới mẻ, nhưng hiếm người nào "không đánh mà khai" như trường hợp cô Thảo. Nhưng dù sao cũng phải cám ơn cô Thảo vì nhờ có dòng trạng thái của bà mà người dân mới biết rõ hơn, như lời bạn Hiền, hiện đang ở Sài Gòn :
"Thật ra nó còn nhiều hơn vậy nữa mà nhiều khi mình đâu biết được. Nói đơn giản như ông (Nguyễn Tấn Dũng đi, chắc chắn ông đã có quốc tịch nước ngoài, con ruột, con rể, con dâu, thậm chí cháu cũng có quốc tịch nước ngoài thì nghĩ đi, 20 tỷ đó làm gì đủ, nhiều khi nhiều hơn như vậy nữa. Nói chung tùy theo cấp độ của người cha làm ở đâu, làm ít thì ‘ăn’ ít, làm nhiều thì ‘ăn’ nhiều, đại loại vậy, chứ một năm nhà nước mình lỗ mấy ngàn tỷ thì 20 tỷ này nhằm nhò gì".
Giải thích rõ hơn trong trường hợp cô Thảo và ông Thắng, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhận định các doanh nghiệp nhà nước đều báo cáo lỗ nhưng các quan chức phụ trách đều giàu nên bao nhiêu cái lỗ thì nhà nước phải chịu, dân phải gánh. Ông cho rằng đây là tình trạng chung các quan chức nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước đều được độc quyền nên có thu nhập bất chính và có nguồn tiền rất lớn.
"Một là họ để dành, gửi ra các nhà băng nước ngoài. Hai là tiêu xài không thương tiếc. Người thì gửi con đi học nước ngoài như bà Bộ trưởng (Y tế) Nguyễn Kim Tiến gửi con sang Mỹ, Nguyễn Đức Chung gửi con sang Úc… Nói chung trên mạng người ta đã đăng hết quan chức nào, từ cấp huyện cũng rất nhiều người có con du học nước ngoài rồi. Họ lấy tiền đó cho con du học nước ngoài, nếu không đi nước ngoài, ở trong nước thì lấy tiền đấy để ăn chơi hoặc đẻ ra các doanh nghiệp để rửa tiền là chính".
Lãnh đạo Hà Nội đến thăm cô Trần Thị Tâm, con gái Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, phải nhập viện vì sử dụng ma túy đá quá liều trong Đại nhạc hội tại Công viên nước hồ Tây hôm 16/9/2018. Ảnh chụp màn hình báo trong nước
Sự việc lần này cũng khiến nhiều người nhớ lại vụ việc cách đây gần 1 năm khi cô Trần Thị Tâm, sinh năm 1999, con gái Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cháu cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương phải nhập viện vì sử dụng ma túy đá quá liều trong Đại nhạc hội tại Công viên nước hồ Tây hôm 16/9/2018.
Điều dư luận chú ý là sau khi cô Tâm nhập viện, không những cô không bị công an đến làm việc mà giới chức lãnh đạo Hà Nội đã mang hoa và quà đến thăm hỏi, động viên. Hành động này đã gây nên nhiều bất bình trong xã hội lúc bấy giờ, phải chăng do con cháu lãnh đạo nên cô có thể ‘thoát nạn’ một cách nhẹ nhàng.
Nhận xét về thực trạng những ‘hạt giống đỏ’ được bao bọc, phung phí ăn chơi bị lên án trong thời gian gần đây, nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội bày tỏ :
"Nó thể hiện gần như sự thối nát của chế độ bởi vì nguyên tắc con các quan lại thời nay khi đất nước còn đang rất khó khăn, phải đi vay tiền nước ngoài rất nhiều thì phải rất liêm khiết. Rõ ràng các quan không liêm khiết thì con cái mới ăn tàn phá hại như vậy.
Thứ hai là mình thấy được sự bế tắc trong việc ăn chơi của giới trẻ vì khi họ kiếm tiền một cách mờ ám, bất chính dễ dàng quá gần như họ không có động lực trong việc lao động chân chính nữa mà dồn vào việc ăn chơi, đua đòi".
Còn theo Nhà báo Minh Hải, không hẳn những ‘con ông cháu cha’ trên cả nước đều ăn chơi, phung phí, vẫn còn nhiều người chăm chỉ lo học, có chí tiến thủ, tuy nhiên con số thích sống tận hưởng vẫn nhiều hơn :
"Đó là cách giáo dục của mỗi bậc chính trị vì thật sự những người làm chính trị ở Việt Nam hầu như đều khá giả về kinh tế, đủ tiền của cho con ăn học. Nhưng nếu không điều khiển được con cái thì nó sẽ thành ra lêu lổng, ăn chơi trác táng vì cha mẹ có điều kiện, có tiền. Đó là chuyện bình thường ở Việt Nam".
Dưới góc nhìn cá nhân, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng bất bình đẳng trong xã hội hiện nay đang thể hiện rất rõ và những tầng lớp con cái các quan chức, đại gia ăn chơi như vậy là một gương xấu cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để dẹp bỏ được chuyện này không phải là dễ :
"Nhìn chung là tình trạng đó lâu rồi, từ thời bao cấp đã thấy con các quan chức được ưu tiên đặc quyền đặc lợi rồi, nhưng lúc đó chưa có nhiều của cải để tham nhũng. Còn từ khi đổi mới, kinh tế thị trường, đầu tư nước ngoài vào thì bán đất, bán khoáng sản, bán tài nguyên thì các quan chức mới có nhiều tiền lại càng tham nhũng nhiều hơn, con cái họ càng ăn chơi, phá phách nhiều hơn".
Vẫn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, tình trạng con ông cháu cha được bao che để lộng quyền, ăn chơi trác táng lâu nay như một điều tất yếu trong cơ chế, thể chế của đất nước Việt Nam. Do đó, nếu thay đổi thể chế mới có thể chỉnh đốn lại hệ thống, mà điều này có lẽ còn quá xa vời.
*******************
RFA, 27/08/2019
Ngoài việc "thúc" Chính phủ sớm ban hành quy định xử lý cán bộ thì UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng kêu gọi trung ương hỗ trợ thành phố trong việc tiếp xúc, vận động, giải thích để người dân hiểu, thông suốt và đồng thuận với phương án giải quyết của Thành phố Đồng thời hạn chế việc tiếp nhận, chuyển đơn về Thành phố xử lý đối với các khiếu nại, tố cáo đã được các ngành, cấp Thành phố giải quyết.
Một góc khu vực người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. (Ảnh minh họa) - RFA
Cũng trong kiến nghị lần này, thành phố cho biết sẽ xử lý nghiêm, công khai danh tính cán bộ vi phạm trên cổng thông tin điện tử và cương quyết xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm để cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp ; xử lý người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái.
Đồng thời, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan công quyền phải nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát ; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu với người dân, doanh nghiệp ; loại bỏ ngay các thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với nghề luật sư như ông khi làm thủ tục giấy tờ cho người dân cũng thấy nhiều khó khăn nên thông điệp vừa được thành phố đưa ra được rất nhiều doanh nghiệp và người dân đồng tình.
"Đã từ lâu người dân đã muốn công khai chuyện này và phải thực hiện công khai đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận xử lý kịp thời những kiến nghị tố cáo của người dân, doanh nghiệp về hành vi nhũng nhiễu và gây phiền hà. Tôi thấy đây là một thông điệp rất là hay cho một nhà nước vì nhân dân của dân và chịu sự giám sát của người dân, thông điệp này được sự rất đồng tình của người dân và doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đối với những cán bộ công chức lâu nay gây phiền hà, họ đặt ra những thủ tục không có trong luật".
Ngoài ra, luật sư Hậu còn cho hay, trong luật thì tổ chức chính quyền địa phương đã có những quy định rất rõ các trình tự thủ tục nên ở những nơi thường xuyên có sự tiếp xúc và giao dịch với người dân và doanh nghiệp thì các cơ quan công quyền cần phải có hệ thống giám sát bằng công nghệ hiện đại như ghi âm, ghi hình hoặc giám sát trực tuyến thì mới hiệu quả.
Nhà báo Đàm Ngọc Tuyên, một nhà quan sát từ Sài Gòn cho chúng tôi hay, vấn đề không chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ trước đến nay Việt Nam không biết bao nhiêu thông tư, nghị quyết, quy định như vậy được đưa ra nhưng khi thực hiện thì hoàn toàn không đúng. Vì vậy :
"Nếu chính xác người ta đưa ra sắc luật như vậy để thượng tôn pháp luật thì điều đó rất là tốt, chứ thật sự trước đây khi mà không có những đạo luật như vậy thì khi đưa ra những luật như vậy thì nhiều quan chức sau khi sai phạm từ những chuyện nhỏ đến chuyện lớn thì hầu như người dân đều cảm nhận rằng, khi tên tuổi họ được đưa lên truyền thông rồi thì một thời gian sau người ta được thuyên chuyển sang những vị trí cao hơn thì cũng như không thôi".
Còn theo ông Trần Bang, một kỹ sư và là một người dân sinh sống tại Sài Gòn thì có nhận định rằng, điều này rất cần thiết trong nội bộ của nhà nước nhưng ông cho rằng nó không thật sư triệt để.
"Bởi vì triệt để nhất là nên bỏ luật an ninh mạng đi để người dân có quyền được cất tiếng nói, thì tiếng nói trên cộng đồng mạng là tiếng nói khủng khiếp nhất ngay cả những sự kiện mà cộng đồng mạng mà họ khui ra thì xin lỗi còn hơn một bản án của tóa quyết nên điều đó nó tác động nhiều hơn là nội bộ xin Chính phủ xử lý. Tội của người ta mà không công khai ra mà phải xin một người nào đó để mình được làm thì nếu ông kia không cho làm thì anh cũng không làm được hay sao".
Dư luận xã hội đặc vấn đề cho rằng, trong Nghị định 97/2017 bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013 quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành nêu rất rõ việc xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm trong công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ được giao, giờ thêm quy định về xử lý cán bộ sai phạm, liệu thêm quy định có thể thanh lọc được cán bộ suy thoái, cậy thế cậy quyền, nhũng nhiễu dân ?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, ông không lo sẽ có sự chồng chéo trong cách xử phạt, vì cơ chế của chính phủ như hình chóp, tức là Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị thì các tỉnh thành, quận huyện là những nơi thực hiện cụ thể.
"Thì giờ thành phố Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp này kiên quyết loại bỏ những bộ máy của Đảng và nhà nước những cán bộ có hành vi tiêu cực, tham nhũng và thậm chí xử lý hình sự những trường hợp vi phạm. Muốn làm được chuyện này thì tôi cho con người rất là quan trọng mà để con người làm tốt thì phải có những chế tài như vậy và cần thay đổi công tác đối với những công việc mang tính nhạy cảm và phức tạp. Đảm bảo giảm quyết dứt điểm những kiến nghị phản ánh tố cáo của người dân và doanh nghiệp".
Tuy nhiên, theo nhà báo Đàm Ngọc Tuyên thì luật Việt Nam có sự chồng chéo lên nhau và ngay cả "phép vua thua lệ làng", có nghĩa là ngay cả những có Luật thì cũng không "hợp" với luật của địa phương.
Ngay cả trên cao khi họp Quốc hội người ta đưa ra những luật cũng vậy, đi kèm theo biết bao nhiêu thông tư hướng dẫn xử lý thế này thế kia nhưng cuối cùng cũng không ăn thua gì cả. Bây giờ không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà ngay cả trung ương đưa ra bao nhiêu sắc luật yêu cầu quan chức không sách nhiễu người dân phải làm đúng là nô bọc nhân dân thì sẽ không bao giờ thực hiện được vì cái chính là đã nằm ở thể chế rồi nên giờ có ra bao nhiều sắc luật thì cũng sẽ như vậy mà thôi".
Còn theo ông Trần Bang thì thừa nhận rằng, về việc thủ tục hành chính thì tại Sài Gòn họ đã làm khá hơn (chứ không tốt) nhiều tỉnh thành khác
"Tức là thủ tục hành chính ở phường, quận thì cán bộ cũng hơi sợ dân vì dân nhiều khi cũng là cán bộ cấp cao về hưu, người ta đi làm các thủ tục hành chính cho nên họ cũng rất sợ nên trong nội thành tương đối khá hơn chút còn ngoài thành, các tỉnh khác, tỉnh lẻ thì họ bậy bạ nhiều hơn. Trong bất cứ nội bộ của tổ chức nào người ta cũng đều có những quy định riêng nhưng mà theo tôi nó không triệt để".
Vào ngày 30/7/2019, thành phố Hồ Chí Minh vừa tiến hành xử lý 300 cán bộ, công chức bằng hình thức cảnh cáo, cách chức, thôi việc vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác phòng chống lĩnh vực xây dựng. Và trong ngày 27/8, 10 cá nhân và tập thể Sở Giao thông vận tải cũng vừa bị kiểm điểm. Trước đó hàng loạt cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị đề nghị truy tố như nguyên phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt, Lê Văn Thanh….
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương, vừa gửi thư xin lỗi toàn dân vì lạm dụng quyền lực, dùng công xa đón vợ con ở phi trường, buộc hàng trăm người khác phải chờ khi chuyến bay VN262 từ Sài Gòn ra Hà Nội, đến phi trường Nội Bài hôm 4 tháng 1.
Người mẫu Thủy Hương, vợ Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh.
Suốt tuần vừa qua, cho dù cả mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông sôi sùng sục vì chuyện này nhưng xét cho đến cùng, quý tử của ông Trần Đức Lương, cựu Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và vợ ông ta đều không có lỗi…
***
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thật sự sòng phẳng về quyền và trách nhiệm, chắc chắn không có chuyện Bộ Công thương dành đến hai công xa, làm sẵn thẻ ra vào khu vực đặc biệt có giá trị dài hạn để cả hai công xa này có thể đưa - đón ông Anh tại chân cầu thang lên - xuống phi cơ bất cứ lúc nào (1).
Trả lời tờ Tuổi Trẻ, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc, khẳng định, việc cấp thẻ ra vào khu vực đặc biệt dưới hình thức dài hạn để đưa – đón ông Anh tại chân cầu thang lên - xuống phi cơ là chuyện tất nhiên vì có… qui phạm pháp luật xác nhận ông Anh là một trong những người có… đặc quyền thụ hưởng đãi ngộ đó.
Theo Thông tư số 45/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông và vận tải thì tại Việt Nam có tới vài trăm viên chức được đãi ngộ như thế : Các Ủy viên Bộ Chính trị, các Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, các Bộ trưởng và cá nhân giữ chức vụ tương đương trở lên, các Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, các Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Giao thông - Vận tải, Thứ trưởng Công an, Thứ trưởng Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam – là những đối tượng có quyền thụ hưởng đãi ngộ đưa đón như ông Anh (2).
***
Dẫu hiến pháp minh định sẽ đối đãi bình đẳng với tất cả công dân nhưng Việt Nam có không ít qui định pháp luật, công khai phân định thứ hạng trong xã hội như Thông tư số 45/2017/TT-BGTVT. Chẳng riêng chuyện đưa – đón khi sử dụng phi cơ, trên thực tế, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam từ trung ương đến địa phương mặc nhiên được dành cho đặc quyền "ăn trên, ngồi trước".
Tháng 3 năm ngoái, Ban Bí thư của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục cải sửa "Quy định về Chăm sóc cán bộ cao cấp", những cá nhân đang hoặc đã từng là : Tổng Bí thư. Chủ tịch Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội. Thủ tướng. Các Ủy viên Bộ Chính trị. Các Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng. Các Phó Chủ tịch Nhà nước. Các Phó Chủ tịch Quốc hội. Các Phó Thủ tướng. Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các Đại tướng. Các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Trưởng các ban của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội. Các Bộ trưởng. Bí thư các tỉnh - thành phố trực thuộc Trung ương. Các Thượng tướng. Phó các ban của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, phó các đoàn thể chính trị - xã hội. Các Thứ trưởng. Các Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh - thành phố trực thuộc trung ương và các chức vụ tương đương – được hưởng chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe riêng, tùy vị trí mà được kiểm tra sức khỏe hàng ngày, hàng tuần, hai lần/tuần, tháng/lần, tại tư gia hoặc nơi làm việc, hàng năm phải… nghỉ dưỡng sức, được ngân sách đài thọ khi cần đi khám bệnh – chữa bệnh ở ngoại quốc. Cũng theo quy định vừa dẫn, Giám đốc những bệnh viện được chỉ định khám bệnh, chữa bệnh cho cán bộ cao cấp phải "bố trí đủ nhân viên y tế đúng tiêu chuẩn" cho các khoa, phòng dành riêng để điều trị cán bộ cao cấp (3).
Đến tháng 11 năm ngoái, "Quy định về Chăm sóc cán bộ cao cấp" của Ban Bí thư thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam được luật hóa. Khi thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Quốc hội khóa 14 "nhất trí" xác định – "thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp" là "bí mật nhà nước" (4).
Trước nay, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam vẫn thường xuyên được đưa đi khám bệnh – chữa bệnh ở rất nhiều nơi trên thế giới và vì vậy, chuyện bảo mật những thông tin về tình trạng sức khỏe của giới này chắc chắn không nhằm ngăn chặn tai, mắt ngoại nhân. Xét về bản chất, việc biến "thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp" trở thành "bí mật nhà nước", chỉ nhằm răn đe, ngăn chặn dân chúng Việt Nam chia sẻ thông tin, tham gia bình luận về những vấn đề có liên quan đến sức khỏe các "công bộc" của họ. Làm "lộ bí mật nhà nước" là tội hình sự, có thể bị phạt đến 15 năm tù.
***
Theo dõi diễn tiến scandal liên quan đến ông Trần Tuấn Anh, nhiều người tin rằng, ông đang bị một số đồng chí đâm sau lưng tuy nhiên ông không lẻ loi, một số đồng chí khác đã tìm đủ cách giúp ông "giải độc dư luận", hết phân bua con ông sốt, đến biện giải chính ông bệnh nên mới có chuyện điều công xa đón vợ con,…
Trận bão dư luận mà ông Anh vẫn chưa thoát ra khỏi tâm bão cho thấy, rất nhiều người quên rằng, ở Việt Nam lúc nào cũng có vài trăm cá nhân như Trần Tuấn Anh, vừa bô bô mọi thứ ở Việt Nam là "của dân", mọi việc là "do dân, vì dân", vừa thản nhiên "ăn trên, ngồi trước".
Liệu việc một bộ trưởng lạm dụng quyền lực, dùng công xa đón vợ con tại chân cầu thang máy bay có nghiêm trọng hơn tình trạng nhiều bộ trưởng, nhiều bí thư, chủ tịch sắp xếp đưa vợ con đi theo các "đoàn công tác tại nước ngoài" hay dùng công xa đi học, đi chợ, đi chùa, đi chơi,... vẫn xảy ra hết ở chỗ này tới ở chỗ khác, hết lúc này tới lúc khác ?
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không vận hành theo kiểu như trước nay, không xem dân chúng như gia cầm, gia súc và không tìm đủ cách để duy trì quyền chăn dắt, chắc chắn sẽ không có những cá nhân dám hành xử ngạo mạn như ông Trần Tuấn Anh.
Ông Anh chỉ là "điểm", không phải "diện". Nếu vẫn chỉ chú tâm vào "điểm" thì sự phẫn nộ dẫu chính đáng cũng vẫn nằm trong… "định hướng" không của nhóm này thì cũng của nhóm khác và xét về mức độ bất lương, bất xứng thì chẳng nhóm nào chịu thua nhóm nào !
Tiến trình lựa chọn - quy hoạch "cán bộ cấp chiến lược" để lãnh đạo cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026, của Đảng cộng sản Việt Nam, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều scandal khác.
Bao giờ thì người Việt đủ tỉnh táo để thôi không "húc" theo định hướng của bất kỳ nhóm nào mà mục tiêu cuối cùng vẫn chỉ nhằm duy trì quyền chăn dắt họ ?
Bao giờ thì người Việt biết đòi để giành về cho mình quyền lựa chọn, đặt để những cá nhân xứng đáng vào vị trí lãnh đạo quốc gia, không chấp nhận một hệ thống bất toàn khăng khăng làm thay và tạo ra hết chuyện quái đản này tới chuyện quái đản khác ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/01/2019
Chú thích :
Thực ra "4C" nơi nào cũng có chỉ có điều người ta chưa biết đến vì "các cụ" không thiếu kinh nghiệm "rào giậu".
Người Việt vài chục năm qua vốn đã quá quen với cụm từ "con ông, cháu cha" hay cũng còn gọi là "con cháu các cụ" (4C), ấy là khi nói đến chuyện tuyển dụng vào biên chế, bổ nhiệm, cất nhắc các vị trí trong cơ quan công quyền thì lớp "4C" này luôn được xem là ưu tiên số một.
Cũng vì thế nhóm "4C" còn được xếp đầu bảng trong hàng ngũ "tứ ệ" hay "ngũ ệ" với tục danh là "hậu duệ".
Nói đến "con ông, cháu cha" là người ta nghĩ ngay đến những lãnh đạo sở, huyện tuổi chừng 30, con cái các vị Bí thư hoặc nguyên Bí thư ở Quảng Nam, Hậu Giang, Hải Dương,…
Thực ra "4C" nơi nào cũng có chỉ có điều người ta chưa biết đến vì "các cụ" không thiếu kinh nghiệm "rào giậu".
Người Hà Nội chưa nghe thấy chuyện "4C" tại Thủ đô không phải vì không có mà vì đất Tràng An thanh lịch, "xấu chàng hổ ai", chẳng lẽ lại tự động vạch áo cho người xem lưng ?
Truyền thông dẫu có biết cũng phải học nghề thợ may "bảy lần đo, một lần cắt".
Tưởng chừng câu chuyện "con ông, cháu cha" không còn "đất" để khai thác thì không ngờ mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội lại phát hiện một điều mới mẻ, ấy là chuyện "con ông, cháu cha… vỉa hè".
Cảnh thi công lát đá tự nhiên cho vỉa hè tại Hà Nội. (Ảnh minh hoạ : Baogiaothong.vn)
Báo Anninhthudo.vn dẫn lời ông Chung như sau :
"Như việc lát đá vỉa hè vừa qua, tại sao Ban quản lý dự án các quận huyện lại làm không tốt. Quá trình duyệt dự toán thế nào ?
Có việc "con ông cháu cha" cung cấp vật liệu để hưởng lợi không ?
Tôi biết là có việc đó và chúng ta cần phải kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm và công khai" [1].
Đã là "4C" thì đương nhiên chỗ ngồi phải "ấm", chỗ ăn thì phải ngon, không ngon thì dại gì mà dính vào.
Thế thì cái vụ "ăn" đá lát vỉa hè Hà Nội vừa qua chắc không thể là chuyện cà mèng, lại càng không thể do các "4C" tự ý nghĩ ra mà không có sự chỉ lối, đưa đường của "các cụ".
Vậy nên làm rõ chuyện "4C vỉa hè" không phải là quan trọng nhất, quan trọng là tìm ra "các cụ" của những "4C vỉa hè" đó là ai, làm gì, ở đâu và quan trọng nữa là nên cho dân chúng biết để tránh "ít cụ, nhiều ngờ".
Báo Tienphong.vn đưa tin : "Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang chỉ đạo rà soát lại tất cả vấn đề liên quan đến trình độ, bằng cấp.
"Bước đầu đã có một số trường hợp vi phạm trong bằng cấp, thành phố sẽ xử lý nghiêm túc và công khai trong thời gian tới" [2].
Ông Chung đã nói thế thì dân biết thế, bởi từ khi nhậm chức đến nay, ông có nhiều phát biểu mà dân chúng ghi nhận là thẳng thắn, không né tránh, chẳng hạn cái vụ công an chống lưng cho tư nhân bán bia vỉa hè hay vụ bảo kê trông giữ xe ở Mỹ Đình,…
Cứ tưởng sau vụ "trồng nhầm" cây mỡ thay cây vàng tâm trên vỉa hè một vài tuyến phố Hà Nội được rút kinh nghiệm triệt để thì nay lại đến vụ đá lát vỉa hè.
Mà sao cái "vỉa hè" Hà Nội lại dính đến nhiều chuyện thị phi như vậy ?
Phải chăng đất công sản ở đâu cũng là màu mỡ, béo bở chứ không riêng Đà Nẵng ?
Hơi tiếc là dân Thủ đô chưa thấy bất kỳ cây "gậy chống bia" nào - mà ông Chung biết rất rõ - được thành phố công khai đưa vào chiếc lò đang nóng vốn đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhóm từ năm ngoái.
Chẳng lẽ dân nên "yên tâm" chờ đợi, nhất định đến một ngày đẹp trời nào đó các thành viên "nhóm lợi ích bằng rởm" hay "gậy chống bia" sẽ được "công khai".
Mà thành phố đã nói là "công khai trong thời gian tới" thì dân có cần biết câu chuyện của những người thích đùa thế này :
Một cửa hàng trương biển : "Ngày mai miễn phí các mặt hàng". Hôm sau dân rồng rắn xếp hàng từ sớm, khi mang hàng ra cửa bị bảo vệ yêu cầu vào quầy trả tiền, dân hỏi "sao bảo miễn phí" ?
Trả lời "ngày mai mới miễn phí chứ không phải hôm nay" !
Nhân nói đến chuyện "làm rõ, xử lý nghiêm và công khai", mấy tháng trước người dân vừa được biết đến tuyên bố của ông Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến sau khi kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật cán bộ tỉnh này liên quan đến người mà truyền thông gọi là "hot girl Thanh Hóa" như sau :
"Việc này cần thực hiện công khai để đảng viên trong Đảng bộ hiểu rõ bản chất vụ việc, đâu là việc đúng, sai, để thể hiện tính minh bạch trong xử lý vi phạm".
Tiếc cho ông Chiến là sau đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận rất khác so với những gì mà ông Chiến đã chỉ đạo Tỉnh ủy "công khai, minh bạch trong xử lý vi phạm".
Cấp dưới của ông là ông Phó Chủ tịch Ngô Văn Tuấn đã bị cách hết chức vụ trong Đảng vì "nâng đỡ không trong sáng" cô gái có tên Quỳnh Anh !
Người viết tin rằng điều đó sẽ không lặp lại tại Hà Nội, hy vọng rằng với kinh nghiệm và bản lĩnh của vị tướng công an, ông Nguyễn Đức Chung có đầy đủ công cụ và quyền lực để thực hiện lời nói của mình trước cán bộ dưới quyền và với nhân dân thành phố.
Và người dân Kẻ Chợ cũng tin rằng nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng :
"Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực đã có kết quả bước đầu, xử lý nhiều cán bộ cao cấp. Cứ nói trên nóng dưới lạnh, nhưng giờ dưới cũng nóng dần lên rồi" [3] sẽ được thực hiện nghiêm túc tại Hà Nội.
Nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố là 5 năm, kéo dài đến năm 2021, thế là đã gần nửa chặng đường.
Một trong những quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố và ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung là hồi sinh bốn dòng sông chết của thủ đô : sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và sông Tích.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ, xử lý tất cả các hồ nội thành và các hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị ô nhiễm nghiêm trọng. [4]
Thời gian chỉ còn ba năm, cũng gần dịp kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo, cải tạo cả bốn dòng sông không chỉ cần quyết tâm mà cũng cần nhiều tiền bạc.
Nếu thành phố động viên xã hội hóa, cho tư nhân cải tạo sông, đổi lại được phép xây một số cầu bắc qua sông làm bãi đỗ xe hoặc kinh doanh thương mại thì chắc nhiều người sẵn sàng hưởng ứng.
Người viết tưởng tượng viễn cảnh thế này :
Trên các dòng sông nước trong veo không có chút mùi khó chịu nào, có những câu cầu bắc ngang, tầng dưới là cầu và bãi đỗ xe, tầng trên là nhà hàng.
Người thủ đô đi dạo, thể dục dưỡng sinh trên cầu mỗi sáng và nhâm nhi ly cà phê buổi tối.
Nếu lòng sông mở rộng, trên những con thuyền nan lờ lững trôi là các đôi nam thanh nữ tú thì chắc chắn đấy sẽ là điểm nhấn cho du lịch thủ đô.
Hồi sinh được bốn dòng sông chết chắc chắn là một kỳ tích, chắc chắn là điều mà toàn dân Hà Nội mong đợi.
Vấn đề là khi nào điều đó sẽ thành hiện thực.
Vấn đề cũng còn ở chỗ ý thức của người Kẻ Chợ khi các dòng sông đó hồi sinh, liệu người ta có đối xử với sông như đối xử với những vườn hoa quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm dịp Tết dương lịch vừa qua ?
Một việc nữa mà người viết cũng mong muốn là Hà Nội sẽ làm gương cho cả nước về tinh gọn bộ máy chính quyền, đoàn thể.
Nên chăng Hà Nội chủ động đề xuất với Trung ương việc ghép lại hai quận Từ Liêm, quận Long Biên và huyện Gia Lâm thành một đơn vị hành chính như cũ ?
Vừa rồi, vụ Vũ "nhôm" có hộ chiếu nước ngoài (dư luận cho là do quốc đảo Antigua & Barbuda ở phía đông biển Caribe cấp), quá khứ cũng có người khác đã chuẩn bị cho ngày rời bỏ tổ quốc bằng cách thức tương tự, chính quyền Hà Nội có nên quan tâm xem có hay không cán bộ công chức trong bộ máy nhập quốc tịch nước ngoài, sẵn sàng cho ngày "cất cánh an toàn".
Hà Nội có nên tổng rà soát xem bao nhiêu cán bộ lãnh đạo địa phương mua nhà tại Hà Nội, cung cấp dữ liệu đó cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương bởi những biệt phủ hoành tráng tại địa phương giá trị chưa chắc đã bằng một căn hộ tầng thượng (Penthouse) tại Hà Nội.
Làm được việc này chính là đáp ứng tiêu chí Hà Nội vì cả nước, vì công cuộc phòng chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành.
Còn nhiều điều khác nữa như thực phẩm bẩn, tội phạm ma túy, mãi dâm, công chức "tham nhũng vặt",… cũng cần đến quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền và người dân không nghĩ rằng thành phố sẽ giải quyết một lúc tận gốc mọi vấn đề.
Điều mà người dân mong đợi là những gì đã nói ra, đã hứa sẽ được thực hiện chứ không phải tình trạng "nói mà không làm, làm không đến nơi đến chốn, làm ngược với nói" như từng được nêu trong nhiều văn bản, trong phát biểu các các vị lãnh đạo cao cấp và trên mặt báo.
Có người hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch thành phố để lại di sản là "quy hoạch băm nát thủ đô".
Mới chưa quá nửa nhiệm kỳ mà đòi hỏi lãnh đạo Đảng bộ và Ủy ban nhân dân thành phố làm đủ mọi thứ là không hợp lý.
Thế nhưng nếu không làm ngay từ hôm nay thì chẳng bao giờ có được câu trả lời dẫu "thời gian tới" có dài bằng ba bốn nhiệm kỳ cũng vậy.
Xuân Dương
Nguồn : GDVN, 08/01/2018
Tài liệu tham khảo :
[1] http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/lat-da-via-he-ha-noi-co-viec-con-ong-chau-cha-cung-cap-vat-lieu-de-huong-loi/753770.antd
[2] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-noi-ra-soat-bang-cap-cua-can-bo-1222415.tpo
[3] http://congan.com.vn/tin-chinh/tong-bi-thu-cu-noi-tren-nong-duoi-lanh-nhung-gio-duoi-cung-nong-dan-len-roi_49129.html
[4] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/nhung-con-song-chet-dac-quanh-o-ha-noi-truoc-gio-hoi-sinh-381126.html
Việt Nam : Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị tước mọi chức vụ đảng (RFI, 07/10/2017)
Các hãng tin AFP, Reuters và AP hôm 06/10/2017 đều đưa tin Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cách chức bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, đồng thời cho thôi chức ủy viên trung ương đảng. Sự kiện này diễn ra vào lúc tháng tới hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng, có thể có sự hiện diện của tổng thống Mỹ Donald Trump. Sáng nay ông Trương Quang Nghĩa đã được phân công thay thế ông Nguyễn Xuân Anh.
Ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên bí thư thành ủy Đà Nẵng. Ảnh chụp lúc ông dự một hội nghị tại Hà Nội ngày 24/03/2017. Reuters/Kham/File Photo
Thông cáo của chính phủ nói rằng ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức vì đã vi phạm kỷ luật của đảng, cũng như trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Thông cáo viết : "Những vi phạm, khuyết điểm của ông là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân".
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Xuân Anh, 41 tuổi, một trong hai ủy viên trung ương đảng trẻ nhất, đã nhận một chiếc xe và hai căn nhà do doanh nghiệp tặng. Ông cũng bị cáo buộc sử dụng bằng cấp không hợp lệ. Song song đó, ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng bị cảnh cáo cùng với Ban thường vụ thành ủy về những vi phạm trong quản lý đất đai.
AP dẫn lời ông Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói rằng việc thi hành kỷ luật hai cán bộ cấp cao nhất của thành phố không ảnh hưởng việc tổ chức thượng đỉnh APEC vào tháng 11. Đây là hội nghị quốc tế quan trọng nhất diễn ra tại Việt Nam trong năm nay, trên nguyên tắc với sự tham dự của 21 nước Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Nga Vladimir Putin, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hồi tháng Năm, bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là ông Đinh La Thăng đã bị mất chức ủy viên Bộ Chính trị, vì những sai phạm trong thời kỳ làm chủ tịch PetroVietnam, nhưng vẫn còn là ủy viên trung ương đảng.
AFP nói thêm, tuần trước 51 lãnh đạo ngân hàng và doanh nhân đã phải ra tòa trong vụ đại án Hà Văn Thắm, trong đó ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu tổng giám đốc Ocean Bank và là cựu chủ tịch PetroVietnam đã lãnh án tử hình vì làm thất thoát hàng triệu đô la.
Hãng tin Pháp dẫn lời các nhà phân tích nhận định chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay có quy mô chưa từng thấy. Năm 2016, Việt Nam lần đầu tiên được Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng về tham nhũng thứ 113 so với hạng 176 của năm 2012. Tuy nhiên Việt Nam vẫn đứng sau Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia. Một số nhà phân tích cũng cho rằng chiến dịch chống tham nhũng còn nhằm thanh trừng nội bộ.
Ông Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1976, là con của ông Nguyễn Văn Chi, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông từng là phóng viên báo Thanh Niên, trước khi lên làm phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng và trở thành bí thư thành ủy từ năm 2015.
Ông Trương Quang Nghĩa sinh năm 1958, là em ông Trương Quang Được, nguyên ủy viên Bộ chính trị. Ông hiện là ủy viên trung ương, Bbộ trưởng Giao thông vận tải, được bổ nhiệm làm bí thư thành ủy Đà Nẵng thay ông Xuân Anh kể từ hôm nay 07/10/2017.
Thụy My
***********************
Bí thư Đà Nẵng bị cách chức, ra khỏi Trung ương Đảng (BBC, 06/10/2017)
Ông Nguyễn Xuân Anh bị Đảng cộng sản cách chức bí thư Thành ủy Đà Nẵng, mất luôn cả vị trí ủy viên Trung ương Đảng.
Ông Nguyễn Xuân Anh
Loan báo chính thức ngày 6/10 nói Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, vì ông có những "vi phạm nghiêm trọng".
Đây là kết quả từ buổi họp trong khuôn khổ hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra tại Hà Nội.
Vi phạm 'nghiêm trọng'
Thông báo nói Ban Chấp hành Trung ương Đảng kết luận ông Xuân Anh "vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng ; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm".
Ông còn bị nói là "vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp ; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên".
Sinh năm 1976, ông Nguyễn Xuân Anh trở thành một trong hai ủy viên Trung ương Đảng trẻ nhất khóa XII.
Trước đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luận 4 vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh và đề nghị kỷ luật ông.
- Với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, ông Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt ; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền. Những việc làm của ông đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.
- Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm.
- Thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang nhấn mạnh chỉnh đốn đảng
Việc thi hành kỷ luật được Trung ương Đảng cộng sản họp bàn sáng 6/10.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng trình bày trước Trung ương về vấn đề này.
Theo thông báo ngày 6/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức : Cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 ; và cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.
Ông Nguyễn Xuân Anh là con nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi.
Ông từng là Trưởng ban Quốc tế báo Thanh Niên, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, Bí thư quận Liên Chiểu, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Trước khi Hội nghị trung ương 6 diễn ra, Bộ Chính trị Đảng cộng sản tổ chức họp ngày 2/10 và ra quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Các vi phạm của Thành ủy Đà Nẵng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu.
Trong đó có việc "cho chủ trương một số trường hợp ; có biểu hiện tác động, ưu ái người nhà của đồng chí Bí thư Thành uỷ".
Thành ủy Đà Nẵng cũng bị nói là "buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai".
Một số Đảng viên cao cấp bị kỷ luật từ sau Đại hội Đảng 12 :
Đã nghỉ hưu : Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Phong Quang, Dương Anh Điền, Nguyễn Văn Thiện...
Đương chức : Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Võ Kim Cự, Hồ Thị Kim Thoa, Huỳnh Đức Thơ, Trịnh Xuân Thanh...
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng
Bầu bổ sung Ban Bí thư
Cũng tại buổi họp trung ương ngày 6/10, đã diễn ra việc bầu bổ sung Ủy viên Ban Bí thư khóa XII.
Kết quả, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, được bầu vào Ban Bí thư.
*********************
Nguyễn Xuân Anh mất chức bí thư Đà Nẵng, ủy viên trung ương (VOA, 06/10/2017)
Ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, theo thông cáo từ cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam hôm 6/10.
Ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật, cách chức Bí thư Đà Nẵng, Ủy viên Trung ương
Thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho hay ông Xuân Anh còn bị "cho thôi giữ chức" Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12. Ông cũng bị cách chức Ủy viên Ban Thường vụ và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định ông Xuân Anh phải "chịu trách nhiệm chính" về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, đồng thời cả về những vi phạm, khuyết điểm "nghiêm trọng" của cá nhân ông.
Thông cáo của Ban chấp hành không đưa ra các chi tiết, chỉ nói ông Xuân Anh đã mắc một loạt vi phạm đối với "nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng", "quy định về những điều đảng viên không được làm", "quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên" và "tiêu chuẩn cấp Ủy viên".
Cách đây vài tuần, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thông báo hôm 18/9 nói Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 có những sai phạm lớn trong công tác nhân sự, quản lý đất đai và nhận quà biếu.
Riêng về ông Xuân Anh, Ủy ban Kiểm tra khẳng định ông "thiếu gương mẫu" trong việc nhận và sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp tặng, và "gây dư luận xấu trong xã hội" khi vị bí thư Đà Nẵng sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp.
Ủy ban cũng nêu ra việc ông bí thư "có biểu hiện áp đặt" khi quyết định một số nhân sự, ngoài ra còn "trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền".
Ông Nguyễn Xuân Anh, 41 tuổi, là con trai cả của ông Nguyễn Văn Chi, cựu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng từ năm 2002 đến 2011.
Ông đã thăng tiến nhanh từ tháng 4/2014 khi được bầu làm phó bí thư thành ủy Đà Nẵng, và hơn 1 năm sau, tháng 10/2015, trở thành bí thư thành ủy, chức vụ quyền lực nhất trên thực tế tại thành phố được cho là phát triển ngoạn mục nhất ở Việt Nam.
Việc kỷ luật ông Xuân Anh diễn ra trong bối cảnh công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng do Tổng bí thư ĐCS Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đang được đẩy mạnh từ đầu năm đến nay.
Hồi đầu tháng 8, trong một phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Trọng nhận xét rằng "đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế".
Cũng trong cuộc họp hôm 1/8, vị tổng bí thư dùng hình ảnh đốt lò để liên hệ đến hiệu ứng lan tỏa của các hoạt động chống tham nhũng.
Ông nói : "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được".
Phát biểu của ông Trọng đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng và lan truyền rộng rãi. Trên mạng xã hội, mỗi khi có quan chức nào bị kỷ luật hay truy tố, nhiều người thường nói ví von rằng lại có thêm "củi" được cho vào "lò".
Người đứng đầu Đà Nẵng bị cách chức khi chỉ còn khoảng hơn 1 tháng Hội nghị cấp cao APEC sẽ diễn ra ở thành phố.
Để biện hộ cho việc "độc quyền lãnh đạo", những người cộng sản Việt thường hay vịn vào lý do : "Đảng cộng sản Việt Nam có công, đã lãnh đạo dân tộc chiến thắng đế quốc, thực dân, giành lại độc lập cho dân tộc".
Nếu "công lao" có sự kế thừa, hợp lý là con cháu của những bà mẹ anh hùng, những liệt sĩ, những thương phế binh... mới là những lãnh đạo chính đáng
Vấn đề là những thế hệ "khai quốc công thần" chống Pháp, chống Mỹ… đã lần lượt về với ông bà. Người "có công", tức những "có tư cách" để lãnh đạo đất nước đã không còn bao nhiêu người. Thế hệ lãnh đạo hiện thời, tính về tuổi tác, cũng không có mấy người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến "chống Pháp, chống Mỹ".
Đảng bây giờ không phải là đảng thời chống Pháp, chống Mỹ.
Khi đảng vịn vào lý do "giải phóng, giành độc lập cho dân tộc" để khẳng định "quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội", như hiến pháp đã qui định, là một điều phi lý. Hiến pháp vì vậy tự mâu thuẩn.
Điều 4 hiến pháp đã không còn giá trị.
Những người cộng sản Việt đang lãnh đạo đất nước hôm nay lại càng không thể vịn vào lý do "đảng đã lãnh đạo dân tộc chống ngoại xâm, giành lại độc lập".
Mà "công lao" không thể "kế thừa".
Vì nếu "công lao" có sự kế thừa, hợp lý là con cháu của những bà mẹ anh hùng, những liệt sĩ, những thương phế binh... mới là những lãnh đạo chính đáng.
Trong xã hội loài thú, con cháu của con chim đầu đàn, của con sư tử đầu bầy... chỉ đơn thuần là một thành tố trong bầy.
Muốn trở thành con thú đầu đàn, con chim đầu bầy... những con thú này phải khẳng định sức mạnh, hay chứng minh trí khôn và kinh nghiệm.
Tương tự như vậy trong xã hội loài người.
Lý lẽ khác cũng thường thấy người cộng sản nhắc để biện hộ cho việc độc quyền "lãnh đạo nhà nước và xã hội" là vì họ đại diện "giai cấp vô sản".
Trước khi khối cộng sản sụp đổ, bất kỳ đảng cộng sản nào cũng cho rằng họ có "chính danh" để lãnh đạo đất nước. Vì họ đại diện cho số đông (nhân dân vô sản) trong xã hội. Vì vậy nhà nước xã hội chủ nghĩa là "nhà nước vô sản", sử dụng sự "chuyên chính vô sản", tức sự "độc tài" cho tầng lớp vô sản, nhằm triệt tiêu giai cấp bóc lột đem lại sự "công bằng" trong xã hội.
Bây giờ nhìn lại, có thực Đảng cộng sản Việt Nam là một đảng của "giai cấp công nhân, nhân dân lao động, thành phần vô sản" trong xã hội hay không ?
Thực tế chỉ ra rằng Đảng cộng sản Việt Nam thực tế chỉ là một tập hợp những người có tiền, có quyền (giai cấp quí tộc đỏ).
Tức là Đảng cộng sản Việt Nam đã phục vụ cho quyền lợi của một giai cấp khác. Giai cấp đó là "tư bản nước ngoài", tư bản đỏ…
Đảng cộng sản Việt Nam đã phản bội lại giai cấp mà họ đại diện.
Dựa trên cái gì để những người cộng sản Việt biện hộ cho tính "chính danh" của họ, để tiếp tục lãnh đạo đất nước ?
Dựa trên lịch sử, họ là những người "đội lốt" để tiếm quyền. Dựa trên giai cấp, họ là những kẻ phản bội.
Vì vậy một số đảng viên "tinh ma", để giữ độc quyền lãnh đạo cho đảng, họ bắt chước các nước như Đài Loan, Singapour, Nam Hàn, Trung Quốc... sử dụng "bằng cấp" để "bảo kê" tính chính danh.
Trong xã hội loài thú, "sức mạnh", "trí thông minh" và sự "kinh nghiệm" là những yếu tố đưa con thú lên vị trí "đầu đàn".
Thì xã hội tân tiến, kẻ (có tham vọng lãnh đạo) luôn là những người "có trí tuệ", hiểu biết thông suốt các việc mà mình sẽ phải làm trong cương vị "lãnh đạo". Mà sự hiểu biết không phải "trời cho", không phải là "thần đồng" sinh ra đã có.
Sự học tập, với bằng cấp chứng nhận trình độ học tập, là một yếu tố để chứng minh khả năng "kinh bang tế thế". Các nước Châu Á như Đài Loan, thập niên 70, 80… bắt buộc người lãnh đạo phải có bằng cấp (lúc trước là tiến sĩ, sau này không biết).
Ta thấy người cộng sản Việt bắt chước y như vậy. Thử kiểm nghiệm, hầu như 99,99% đảng viên lãnh đạo nếu không phải là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… thì hạng bét cũng phải là thạc sĩ.
Một cán bộ quèn, làm việc ở phường, cũng có bằng tiến sĩ.
Vụ đổ bể bằng cấp "dổm" của ông Nguyễn Xuân Anh. Theo tin của VOA, ta biết thêm rằng có hàng trăm quan chức Việt Nam đã lấy "bằng tiến sĩ", có chung xuất xứ "lò ấp" với ông Anh.
Sử dụng bằng cấp giả, sử dụng bằng cấp không đúng "tiêu chuẩn quốc tế", đều là hành vi lường gạt.
Việc sử dụng bằng cấp dổm đã phổ biển trên diện rộng trong Đảng cộng sản Việt Nam. Đảng này đã trở thành một đảng lừa bịp, một tập đoàn lường gạt dân chúng ở tầm quốc gia (và quốc tế).
Đảng này không còn chính danh để tiếp tục lãnh đạo đất nước.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 22/09/2017
Đã có một thời kỳ rất dài, người cộng sản lên án chế độ thực dân, phong kiến ở mọi góc độ, mọi bình diện và mọi nơi, mọi lúc. Bất cứ thứ gì liên quan đến chế độ thực dân, phong kiến đều được gắn cho những tính từ không mấy dễ chịu như "lạc hậu, thối nát, man rợ"... và nhiều ngôn từ khác nữa.
Các thành viên mới của Bộ Chính trị (từ trái qua phải) Trương Hòa Bình, Võ Văn Thưởng, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai, Trần Quốc Vượng, và Ngô Xuân Lịch, chụp hình chung với các ủy viên trung ương mới của Đảng Cộng sản tại lễ bế mạc đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 - AFP
Đặc biệt, chế độ phong kiến bị cộng sản lên án nhiều nhất là tệ "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa". Thế rồi, để kích động dân đen nổi dậy, lật đổ, người Cộng sản luôn nêu cao những câu ca dao rằng : "Bao giờ, dân nổi, can qua. Con vua thất thế lại ra quét chùa".
Phá tan tất cả
Tin vào những lời lẽ lên án đanh thép và những lời đường mật đó, dân nghèo đất Việt đã hùa nhau "đi theo đảng" lật đổ phong kiến, thực dân để cho bọn "con vua thất thế" và con dân nghèo nhảy lên ngai vàng.
Tôi nhớ mãi bài thơ của Tố Hữu về một người đầy tớ, cuộc sống của ông được mô tả như sau :
"Đến già, còn bửa củi
Gánh nước, cuốc vườn cau
Đất bụi lấm đầy đầu
Mà chủ còn hất hủi !"
Khi đó, người cộng sản đã đến với họ với những lời đường mật :
Tôi xiết chặt bàn tay
Của lão : "Bao nhiêu nỗi
Đau buồn và tức tối
Sẽ tan biến ngày mai...
Ông đã nghe ai nói
Có một xứ mênh mông
Nửa tây và nửa đông
Mạnh giầu riêng một cõi ?
Nơi không vua, không quan
Không hạng người ô uế
Không hạng người nô lệ
Sống đau xót, lầm than.
Nơi tiêu diệt lòng tham
Không riêng ai của cải
Hàng triệu người thân ái
Cùng chung sức nhau làm
Để cùng nhau vui sướng
Ai già nua tật nguyền
Thì cứ việc ngồi yên
Đã sẵn tiền nuôi dưỡng".
(Trích Lão đầy tớ - Tố Hữu)
Và người dân Việt cứ vậy mà sướng, mà ung dung khoan khoái "ngồi mơ nước Nga".
Và đám dân chúng cùng đinh ấy, đã đua nhau hò hét, cướp giết và lật đổ để xây dựng một đất nước cộng sản như được hứa hẹn.
Kết quả là kể từ khi cướp chính quyền bằng cuộc cách mạng 19/8/1945 trở đi, biết bao cuộc vận động, phong trào thúc giục người dân Việt Nam đạp đổ, phá nát tất cả mọi "tàn dư thực dân phong kiến" ở đất nước này, bất kể tốt, xấu quý giá hay rẻ mạt. Phá tất. Tất cả để nhằm xây dựng một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa với đầy đủ những lời lẽ ru ngủ như ở đó "của cải tuôn ra dào dạt, mọi người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, con người bình đẳng và làm chủ xã hội"... Ôi chao, cứ như trong mơ về một "Thiên đường xã hội chủ nghĩa" ở ngay mặt đất này.
Những cuộc cách mạng "long trời, lở đất" như Cải Cách ruộng đất, cải tạo Công thương nghiệp tư bản, tư doanh, đánh tư sản... đã phá nát đến ngõ ngách không chỉ cơ sở vật chất và mối quan hệ xã hội được xây đắp bao đời, mà nền văn hóa ngàn đời cũng theo đó mà bị tận diệt.
Và người ta hy vọng rằng ở cái Thiên đường xã hội chủ nghĩa ấy là :
"Nơi không vua, không quan. Không hạng người ô uế. Không hạng người nô lệ. Sống đau xót, lầm than".
Vết xe đổ, nhổ xong lại liếm !
Một thời gian mới cướp được chính quyền về tay mình và sau chiến tranh, người Cộng sản chưa vững ghế, chưa chắc chân, do vậy mọi hoạt động còn nhìn trước, ngó sau kẻo "Quan trên trông xuống, người ta trông vào". Thế nên việc đưa con cái, cháu chắt, người nhà vào chiếm những chiếc ghế béo bở trong bộ máy cai trị còn được chú ý, kiêng dè.
Thế nhưng, khi bộ máy được củng cố, nhà tù, súng đạn đã đầy đủ, ghế ngồi đã chắc chắn và nhất là khi người dân đã nếm đủ mọi mùi sự sợ hãi và khiếp nhược sau một thời gian dài cái "chuyên chính vô sản" tha hồ tác oai, tác quái... thì những người Cộng sản không ngại ngần trong việc ngang nhiên bất chấp tất cả để duy trì hệ thống độc tài toàn trị kiêm gia đình trị của từng vùng, từng lãnh thổ và cả đất nước.
Chính vì hệ thống cai trị chuyên quyền và độc tài, nạn tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Những chiếc ghế cai trị dân bất cứ ở vị trí nào từ địa phương đến trung ương đã được dần dần định danh và định giá. Nếu trước đây, trên mạng Internet người ta có vẻ ngạc nhiên khi có thông tin chạy vào chức Chủ tịch Thành phố hết 30 tỷ đồng. Rồi người ta ngạc nhiên khi trong vụ án PMU 18 với thông tin chạy vào Trung ương Đảng hết 1 triệu đola, thì đến nay, việc mua bán chức quyền đã là một điều như việc cơm ăn, nước uống hàng ngày.
Mới đây, bà Châu Thị Thu Nga khai đã chạy vào Đại biểu quốc hội hết 30 tỷ đồng là chuyện không làm cho người ta ngạc nhiên.
Chính vì những chiếc ghế gắn liền với sự béo bở và là những đầu mối kiếm chác, tham nhũng vinh thân phì gia, mà các nhà chính trị, các nhà lãnh đạo đất nước đã không từ bỏ cơ hội bố trí người nhà, họ hàng vào các chân "Đầy tớ phục vụ nhân dân" này ngoài những phi vụ mua bán kiếm chác như đã nói ở trên.
Có lẽ khó có ai có thể tìm được một số người trong bộ máy công quyền tại Việt Nam hiện nay không xuất thân từ con ông cháu cha mà từ thực tài của bản thân không cần mua bán, chạy chọt phe nhóm.
Chắc chắn sẽ không có một Nguyễn Chí Vịnh thứ trưởng Bộ Quốc phòng nếu không phải là con Nguyễn Chí Thanh. Cũng sẽ không có một Nông Quốc Tuấn bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nếu không phải là con Nông Đức Mạnh, càng không thể có một Lê Minh Hưng làm Thống đốc Ngân hàng nếu không phải con Lê Minh Hương, cựu bộ trưởng Công an.
Người ta cũng biết rằng Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh con của Trần Đức Lương, cựu chủ tịch nước hoặc Phạm Bình Minh Bộ trưởng ngoại giao là con Nguyễn Cơ Thạch. Và người ta thừa biết rằng nếu không phải con Nguyễn Văn Chi, thì Nguyễn Xuân Anh có nằm mơ đến bảy đời sau cũng không leo được lên chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Có thể kể cả ngày không hết hiện tượng "con ông, cháu cha" trong hệ thống nhà nước Việt Nam hiện tại.
Có lẽ thời kỳ "con ông cháu cha" hưng thịnh nhất là thời Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Một thời gian dài làm mưa làm gió trên chính trường Việt Nam với những câu nói và hành động bất nhất điển hình, Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện cho cả nước biết rằng khi có quyền lực trong tay thì "miệng quan trôn trẻ" là chuyện đương nhiên.
Khỏi cần nhắc lại những lời thề thốt của một người đứng đầu chính phủ và sự nuốt lời trong công việc, chỉ cần nhìn hai đứa con ông đều được "cấu tạo" thần tốc vào các chân lãnh đạo tỉnh thì biết rằng ông bất chấp tất cả miệng đời người thế. Và ông đã mở đầu, cổ vũ cho việc đưa người thân, gia đình, họ hàng vào chiếm ghế lãnh đạo.
Thế là đúng như cha ông đã nói "thượng bất chính, hạ tắc loạn" các quan chức các tỉnh thi nhau đưa con cái, cháu chắt ào ào vào những chiếc ghế béo bở như chỗ không người. Cả nước theo nhau làm đúng quy trình "Cha bổ nhiệm con, chồng cơ cấu vợ, chị nâng đỡ em"... mọc lên như nấm sau mưa.
Không chỉ ở Huế cả nhà làm quan, mà ở Bắc Ninh thì cả họ nhà Bí thư tỉnh ủy đều chiếm những vị trí quan trọng trong tỉnh. Không chỉ có Yên Bái, chị bổ nhiệm em, mà ở Hải Dương thì từ con trai cho đến em rể... tất cả đều làm quan "đúng quy trình".
Về vấn đề này, báo chí cho biết : Bộ Nội vụ đã kiểm tra, rà soát theo thông tin báo chí phản ánh, tổng hợp được 9 địa phương, đơn vị bao gồm : Tỉnh Hà Giang ; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An ; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế ; Huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk ; tỉnh Bình Định ; huyện Phong Điền, Cần Thơ ; Cục thuế tỉnh Bà Rỉa – Vũng Tàu thuộc Tổng cục thuế - Bộ Tài chính ; tỉnh Yên Bái ; Trung tâm Pháp y thuộc Sở y tế Thành phố Đà Nẵng.
Nhưng đó chỉ mới là một phần nhỏ trong hệ thống công quyền hiện nay.
Không chỉ cả họ làm quan, mà hình thành một hệ thống còn hơn cả thời phong kiến vua chúa ngày xưa. Người dân Hà Tĩnh thường đùa với nhau rằng : Nếu như ở Mỹ chỉ có Tổng thống Bush cha và Bush con, thì ở Hà Tĩnh có từ Thoại ông, Thoại cha đến Thoại cháu. Nghĩa là cả ba đời đang thay nhau để cai trị đám dân đen ngu dốt chứ không dành phần cho ai.
Rồi không chỉ anh em, họ hàng, mà những người cánh hẩu được đưa vào giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước bất chấp khả năng. Báo chí đã nêu không biết bao nhiêu trường hợp đưa lái xe vào làm chánh văn phòng Ủy ban, thậm chí đưa lái xe lên làm Viện Trưởng, bổ nhiệm em trai có tiền sự bị bắt vì đánh bạc lên làm Giám đốc Sở... Những câu chuyện chắc chỉ có ở cái thời Cộng sản kiêm Phong kiến thối nát ở Việt Nam đầu thế kỷ 21 mà thôi.
Và hài hước thay, khi đã thành một hệ thống con vua thì lại làm vua như một định luật bất biến, thì hệ thống quan chức đã lập tức có những lý luận, bao biện hết sức... gây cười. Chẳng hạn Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh cho rằng : "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc". Điều này đã gây những phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.
Hạnh phúc hay đại họa ?
Cần phải nói rằng, một con người được hình thành bởi nhiều yếu tố cộng lại. Để làm một người lãnh đạo dân, cần hội tụ nhiều yếu tố cơ bản cần thiết, đặc biệt là sự thông minh, nhạy bén và nhất là sự hy sinh phục vụ. Với con người, yếu tố thông minh, tài giỏi có nguồn gốc lớn từ nguồn gen di truyền là chính, sự học hành, rèn luyện là cần thiết nhưng chỉ là một phần mà thôi.
Thế nhưng, thử xét theo cả hệ thống cộng sản xưa nay, trong một thể chế chính trị mà ngay từ đầu đã chủ trương "Trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ" - nghĩa là những tầng lớp ưu tú nhất đều bị loại bỏ, người Cộng sản chỉ ưu tiên Giai cấp công nhân vì họ nhận đó là giai cấp của họ. Mà xưa nay, công nhân chỉ có búa và đe thì họ thạo, còn chữ nghĩa, trí thông minh thì chẳng ai trông cậy vào cái giai cấp ấy.
Mà phần lớn những lão thành, những cá nhân đã từng leo đến chức lãnh đạo trong hàng ngũ cộng sản, đều xuất phát từ giai cấp công nhân, hoặc nông dân là tầng lớp liên minh mới được cất nhắc, bổ nhiệm và chú trọng, những thành phần ưu tú khác như "Trí, phú, địa, hào" thì đừng có mơ.
Vì thế có thể nói ngay rằng, về nguồn gen, họ chẳng được thừa hưởng bất cứ sự thông minh tài giỏi nào để lại. Ngược lại họ được thừa hưởng sự lưu manh, cơ hội và thiếu văn hóa cần thiết cho con người và xã hội.
Còn về tinh thần, đạo đức ? Thì hẳn là những kẻ cố tình bám lấy cơ hội là cái ô cái lọng của cha ông, anh chị để leo lên giữ cái ghế của mình không bởi từ thực tài, đó là những kẻ cơ hội. Mà đã là cơ hội thì xin đừng nói đến tinh thần phục vụ bất cứ ai, kể cả người thân của mình.
Như vậy, việc bổ nhiệm con em cán bộ lãnh đạo lên làm lãnh đạo tiếp tục, cần phải được hiểu chính xác là đại họa của dân tộc. Chỉ là hồng phúc cho đám cơ hội vơ vét mà thôi.
Thì đã hẳn, cứ nhìn đất nước này sau mấy chục năm người cộng sản thi nhau cha truyền con nối làm tập thể vua lãnh đạo cho đến hôm nay đứng trên bờ vực của sự suy đồi, sụp đổ mọi mặt thì sẽ thấy rõ ràng.
Còn quan chức ư ? Cứ mở miệng ra câu nào thì dân đập vào miệng câu ấy đủ hiểu trình độ và tư duy của họ như thế nào.
Tạm kết
Có lẽ, khi người cộng sản ra sức tung hô chiếc bánh vẽ thiên đường xã hội chủ nghĩa, và qua đó ra sức chửi rủa hệ thống phong kiến và thực dân, họ cũng không ngờ rằng sẽ có một ngày nào đó, chính họ lại phải liếm lại bãi nước bọt mà họ đã nhổ ra.
Có ai ngờ, đến một ngày, chính người cộng sản lúng túng đến mức chắc phải xé bỏ tất cả những trang sách giáo khoa và những tác phẩm văn học đã từng vận dụng câu ngạn ngữ dân gian rằng : "Còn vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa".
Bởi đơn giản là những câu đó nếu được nhắc lại thì chỉ tổ làm người ta thấy ớn lạnh, sửng sốt và kinh hãi trước sự lỳ lợm, sự điêu toa và sự thiếu liêm sỉ khi chính người dân nhìn vào hệ thống hiện nay.
Bởi ngày xưa chỉ có "con vua thì lại làm vua" còn ngày nay, con cháu họ hàng cán bộ đua nhau làm cán bộ.
Ngày xưa, cả đất nước chỉ có một vua, việc lạm dụng chức quyền cũng chỉ có một người. Còn ngày nay, bất cứ chỗ nào cũng có những đàn vua tập thể mang tên Đảng ủy và đàn cán bộ họ hàng, hang hốc nhà đảng viên chia chác nhau ghế ngồi trên đầu người dân.
Và đại họa của đất nước đang lừng lững đến một cách vững chắc nhất, nhanh chóng nhất và khủng khiếp nhất.
Hà Nội, Ngày 20/9/2017
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 20/09/2017 (nguyenhuuvinh's blog)
Từ đời sống bóng đá đến đời sống xã hội
Đội bóng đá U22 của Việt Nam tại kì Sea Games 29 Malaysia 2017 là đội bóng mạnh. Một dàn cầu thủ tài năng và rất đồng đều. Cả đội hình dự bị cũng không chênh lệch bao nhiêu so với đội hình chính thức. Sức mạnh của kĩ thuật cá nhân, những tài năng bóng đá Việt Nam được đào tạo, rèn luyện bài bản chính qui hiện đại từ tuổi nhỏ với những ông thầy đến từ những nền bóng đá hàng đầu thế giới. Sức mạnh kĩ thuật đồng đội của một đội hình nhiều năm tập luyện và thi đấu bên nhau, cảm nhận được từng bước chạy, từng đường bóng của đồng đội như đọc được suy nghĩ của nhau. Sức mạnh của sức trẻ được chăm bẵm đầy đủ và sức bền được tích lũy như sức nén của chiếc lò so. Sức mạnh của những tài năng khát khao thể hiện mình và khao khát chiến thắng.
Đội bóng đá U22 của Việt Nam tại kì Sea Games 29 Malaysia 2017 là đội bóng mạnh
Một vị trí duy nhất sút kém không tương xứng với toàn đội là người trấn giữ khung thành. Nhìn dáng người thanh mảnh, nhẹ nhõm của cầu thủ mang găng tay đứng trong khung thành đã thấy sự mong manh và thấy khung thành quá thênh thang, chênh vênh, trống trải. Không hiểu sao, người trấn giữ khung thành mong manh như vậy của đội U22 lại vừa được ông huấn luyện viên mới của đội tuyến quốc gia gọi lên đội tuyển.
Bóng đá Thái Lan vẫn là đối thủ lớn nhất của bóng đá Việt Nam ở mọi kì Sea Games. Những kì Sea Games trước, Thái Lan là đội bóng có sức mạnh vượt trội. Nhưng kì này sức mạnh Thái Lan không còn đáng kể nữa. Trận ra quân quá cam go, chật vật mới có được tỉ số hòa 1 – 1 trong may mắn của Thái Lan trước Indo là một minh chứng.
Bóng đá Phi không còn những cầu thủ nòi từ những lò đào tạo khét tiếng trời Âu nhập tịch dân Phi, khoác áo đội tuyển Phi. Bóng đá của xứ sở bóng chày, của xứ sở đấm bốc lại trở về sàn sàn với nền bóng đá chưa có bóng dáng chuyên nghiệp Căm Bốt, sàn sàn với nền bóng đá non trẻ Đông Timor.
Trong thế lực và trong tương quan đó, giấc mơ vàng của bóng đá Việt Nam ở Sea Games 2017 hiển nhiên là trong tầm tay. Chỉ còn đợi người có tài cầm quân, thấy được mạnh yếu của từng cá thể cầu thủ, sử dụng sắp xếp đội hình để triệt tiêu cái yếu, khuyếch đại cái mạnh, giúp những cá thể cầu thủ bộc lộ được tài năng và phối hợp nhịp nhàng trong đội hình, tạo được vẻ đẹp huy hoàng nhất và tạo ra sức mạnh lớn nhất của đội bóng, chinh phục mọi trở ngại, thực hiện giấc mơ vàng.
Nhưng…
Bóng đá là thể thao nhưng bóng đá cũng là nghệ thuật. Nghệ thuật của sức mạnh. Nghệ thuật của những tài năng cá thể kết hợp hài hòa, uyển chuyển với đồng đội, biến hóa mau lẹ như những tia chớp tạo thành nghệ thuật của cả đội hình, tạo ra cảm hứng về cái đẹp cho hàng vạn trái tin say đắm, hàng vạn tâm hồn ngất ngây vây kín quanh sân vận động. Sức hấp dẫn của bóng đá là cái đẹp của những tài năng cá thể kết hợp lại thành cái đẹp của cả đội hình. Đó chính là nghệ thuật
Cái đẹp lộng lẫy nhất, huy hoàng nhất của bóng đá là bàn thắng. Bàn thắng là sự thăng hoa, là sự phô diễn của những tài năng cá thể, những nghệ sĩ bóng đá trên sân cỏ kết hợp với nhau tạo nên sự ngây ngất, huy hoàng, lộng lẫy của cái đẹp bóng đá. Như sản phẩm công nghiệp là thành quả của cả một dây chuyền sản xuất công nghệ cơ khí. Bóng đá vừa là thể thao, vừa là nghệ thuật của văn minh công nghiệp. Khác hẳn với thể thao và nghệ thuật của nền sản xuất nông nghiệp thô sơ chỉ là tài năng của những cá thể đơn lẻ
Sản xuất nông nghiệp thô sơ, tự cấp, tự túc là hoạt động của những cá thể đơn độc và những gia đình riêng lẻ. Trong sản xuất là :
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.
Trong thể thao là đấu vật, ném còn. Trong nghệ thuật là những giọng chèo, giọng lí, giọng ví dặm giọng ca cải lương. Trong thưởng thức nghệ thuật là :
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
Con người của nền văn minh nông nghiệp thủ công, tâm hồn khép kín, tầm nhìn hạn hẹp, chỉ chăm chăm nhìn xuống mảnh đất dưới chân mình, chỉ biết lợi ích riêng tư, cục bộ, hẹp hòi của một cá thể, của một cộng đồng nhỏ bé.
Thế giới đã đi qua nền văn minh công nghiệp rực rỡ ánh sáng, bước lên nền văn minh tin học sán lạn, nền văn minh cho con người những năng lực kì diệu, thần tiên. Đau khổ thay và cũng căm phẫn thay cho người dân Việt Nam, chế độ độc đảng, độc tài đã níu giữ xã hội Việt Nam găm lại thời lãnh chúa phong kiến, nối tiếp thời phong kiến trung cổ kéo dài đến tận hôm nay và sẽ còn tồn tại dài dài cùng thể chế cộng sản. Chế độ độc đảng, độc tài cộng sản đã kéo xã hội Việt Nam tụt lại sau văn minh loài người ba, bốn thế kỉ. Đã bước sang thế kỉ hai mươi mốt, thiên niên kỉ thứ ba, đã là thời của văn minh tin học nhưng xã hội Việt Nam vẫn là thời của lãnh chúa.
Con người Việt Nam dù đang sử dụng laptop, smartphone vẫn là con người của nền sản xuất nông nghiệp cổ lỗ, con người chỉ biết đến những lợi ích riêng tư, hẹp hòi, cục bộ.
Lãnh chúa cộng sản còn đau khổ, tối tăm hơn cả lãnh chúa phong kiến. Trong xã hội tăm tối đó, con người Việt Nam dù đang sử dụng laptop, smartphone vẫn là con người của nền sản xuất nông nghiệp cổ lỗ, con người chỉ biết đến những lợi ích riêng tư, hẹp hòi, cục bộ. Những nhóm lợi ích đang ngang nhiên thống trị quyền lực nhà nước, thống trị cả nền kinh tế, thống trị đời sống xã hội là sự hiển hiện của con người nông nghiệp manh mún, con người chỉ biết có lợi ích nhỏ bé, riêng tư, cục bộ. Ở vị trí quốc gia, phải chăm lo lợi ích cho dân cho nước nhưng trong xã hội lãnh chúa tăm tối, những con người của nền văn minh nông nghiệp manh mún nắm quyền lực quốc gia chỉ lo cho lợi ích cục bộ riêng tư. Đặt lợi ích của đảng cộng sản, lợi ích của những nhóm quyền lực mang danh đảng cộng sản, mang danh nhà nước cộng sản lên trên lợi ích đất nước, lên trên lợi ích toàn dân.
Sự thất bại thảm hại của đội bóng đá U22 Việt Nam đầy sức mạnh ở Malaysia tháng 8/2017 này, một thất bại đau đớn ê chề, không vượt qua được vòng đấu bảng, cũng do người nắm sức mạnh đội bóng là con người của nền văn minh nông nghiệp manh mún, ở vị trí quốc gia nhưng chỉ lo cho lợi ích cục bộ riêng tư.
Với sức mạnh hiện nay của bóng đá Việt Nam, đấu với những đội bóng non trẻ, còn ở đẳng cấp thấp, với đấu pháp và đội hình nào, sức mạnh đó cũng dễ dàng chiến thắng. Và chúng ta đã thắng Đông Timor 4–0, thắng Campuchia 4–1, thắng Philippines 4–0. Nhưng đấu với đối thủ của nền bóng đá đã trưởng thành, dù bóng đá Việt Nam có sức mạnh vượt trội hơn nhưng đấu pháp sai và đội hình khập khiễng do cách dùng người nhỏ nhen, cục bộ, sức mạnh đó sẽ bị triệt tiêu, kết cục cay đắng sẽ đến. Chúng ta đã phải nhận sự cay đắng đó trong trận đấu với đội bóng xứ vạn đảo Indonesia. Càng cay đắng ê chề hơn trong trận đấu với đội bóng xứ Thái đang thời sa sút.
Qua diễn biến trận bóng đá Việt Nam – Indonesia, người xem bình thường cũng nhận ra rằng người cầm quân đội bóng xứ vạn đảo nhận thức được sức mạnh bóng đá Việt Nam. So tương quan lực lượng, phần thắng không thể đến với họ. Nếu thua, họ sẽ phải trắng tay về nước. Và người cầm quân đội bóng xứ vạn đảo đã hóa giải sức mạnh đối thủ bằng hai chiêu là. Một, cho cầu thủ thực hiện lối đá "tiều phu đốn củi" chặn đứng đối thủ có kĩ thuật bằng áp sát dùng sức mạnh tiều phu đốn gục đối thủ. Hai, đi đêm với trọng tài để trọng tài đứng về phía họ, bỏ qua những lỗi thô bạo của họ. Những tiều phu xứ vạn đảo liên tục đốn hạ giò cẳng cầu thủ Việt Nam đều được ông trọng tài xứ Oman Tây Á bỏ qua. Điển hình là cuối trận đấu, cầu thủ Quang Hải Việt Nam đi bóng áp sát khung thành đối thủ, bị đối thủ quét mũi giầy như người thợ cắt cỏ quét lưỡi hái. Quang Hải đổ gục. Một quả penalty rành rành cho Việt Nam cũng bị ông trọng tài bỏ qua.
Dù áp đảo đối thủ suốt trận đấu nhưng người cầm quân đội bóng Việt Nam không cơ mưu ứng phó, lại dùng người theo tình cảm nhỏ nhen, cục bộ làm cho đội bóng Việt Nam mất đi sức mạnh của kĩ thuật cá nhân và kĩ thuật đồng đội, trận đấu mất đi vẻ đẹp nghệ thuật của những cầu thủ nghệ sĩ trình diễn tài năng trên sân cỏ. Đội bóng phải chịu 90 phút hành hình, tra tấn của bạo lực và phải chấp nhận tỉ số hòa 0 – 0 đầy bất lợi, đầy nguy hiểm vì đã bị đẩy ra mấp mé bên rìa cuộc chơi.
Phải lấy tinh chống lại thô. Cần có những cầu thủ có kĩ thuật khéo léo và nhạy cảm nghệ sĩ để chống lại lối chơi của sức mạnh cơ bắp tiều phu đốn củi. Trong dàn cầu thù U22 Việt Nam, mọi vị trí đều có những cầu thủ có phẩm chất như vậy. Nhưng ở vị trí quan trọng nhất, vị trí mũi nhọn tấn công ghi bàn, cầu thủ tài năng, có kĩ thuật khéo léo, có nhạy cảm nghệ sĩ để có cái duyên ghi bàn thắng đã phải ngồi ghế chầu rìa và người cầm quân đã đưa một cầu thủ đệ tử đồng hương, đá bóng chỉ bằng sức mạnh đôi chân, không có cái đầu tỉnh táo, càng thiếu hụt cái hồn nhạy cảm nghệ sĩ. Để rồi những bàn thắng mười mươi mà đồng đội bằng kĩ thuật khéo léo vượt qua sự truy cản thô bạo đưa bóng đến chân cầu thủ có tên Tuấn Tài được người cầm quân ưu ái đưa vào sân đều bị Tuấn Tài vụng về kết thúc hỏng.
Xin hãy đọc những dòng của một chuyên gia bóng đá chỉ ra cái sai trong dùng người dẫn đến một trận cầu cay đắng của bóng đá Việt Nam : "Từ miếng đánh dọc biên, Văn Toàn tạt vừa tầm vào trước cầu môn nhưng Tuấn Tài quá sức vụng về đẩy bóng thẳng vào tay thủ môn Tama" Và tiếng than của ông chuyên gia bóng đá cũng là tiếng than của môn thể thao thời công nghiệp nằm trong tay những con người còn mang nặng trĩu trong tư duy căn tính nông dân manh mún, nhỏ nhen, hẹp hòi, cục bộ : "Làm nghề hơn 30 năm, tôi chưa khi nào thấy một tiền đạo lại vô duyên với việc sút cầu môn như Tuấn Tài vào tối 22/8. Cả hai tình huống ngàn vàng đều đi qua, phủi sạch mọi công sức của đồng đội trong một trận cầu mà U22 Việt Nam xứng đáng có ba điểm cùng chiếc vé sớm vào bán kết" (Tuổi Trẻ, 23/8/2017).
Tưởng rằng sau trận đấu cay đắng không ghi được bàn thắng trước đội bóng tầm thường, thô thiển và ngọn đèn đỏ báo động bị loại khỏi cuộc chơi đang nhấp nháy trước mặt buộc người cầm quân đội bóng đá U 22 Việt Nam phải nhận ra sai lầm trong dụng quân, phải thoát ra khỏi cái hẹp hòi cục bộ, phải đứng ở vị trí quốc gia mà hành xử. Nhưng không. Cầu thủ vụng về, đã mang công lao và tài năng của cả đội đổ xuống sông xuống biển, đã làm mất chiến thắng của toàn đội trong trận đấu mới diễn ra trước hai ngày lại được người cầm quân đưa vào sân trong trận đấu phải ghi được bàn thắng, phải thắng đội Thái mới mở được đường đi tiếp.
Trong trận đấu phải thắng mới tự cứu được mình nhưng với cách dụng quân của người cầm quân nhỏ nhen, cục bộ, bàn thắng đã không có mà còn phải nhận ba bàn thua. Không còn là cay đắng nữa mà là nhục nhã. Sự nhục nhã ở phương diện quốc gia.
Con người công nghiệp là con người của lí, con người của sự nghiệp. Con người nông nghiệp cổ lỗ là con người của tình. Tình yêu gia đình. Tình yêu quê hương. Con người nông nghiệp là con người của gia đình. Cả cuộc đời người nông dân chỉ là
"Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Cả ba việc ấy ắt là phải lo".
uộc đời của họ chỉ quanh quẩn từ túp lều tranh ra cánh đồng cạn, cánh đồng sâu, từ chiếc cối xay cối giã của việc nhà đến mảnh sân đình của việc làng.
Tầm nhìn hạn hẹp. Tình cảm khép kín. Cả cuộc đời cầu thủ và cuộc đời cầm quân của người cầm quân đội U 22 Việt Nam ở SEA Games 2017 cũng chỉ quanh quẩn ở mảnh đất xứ Nghệ . Trong tầm nhìn của ông, ông chỉ thấy lứa cầu thủ đàn em Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến và lứa cầu thủ học trò Hồ Tuấn Tài.
Cái cay đắng nhục nhã mà bóng đá Việt Nam phải nhận vì đã giao môn thể thao của văn minh công nghiệp cho một con người khá tiêu biểu cho nền văn minh nông nghiệp cổ hủ. Khái quát hơn, bóng đá Việt Nam chỉ phát huy được hết sức mạnh nội lực, rũ bỏ được cay đắng, tủi nhục, vươn lên ngang tầm thời đại khi những người làm bóng đá là những con người đích thực của nền văn minh công nghiệp. Nhưng thể chế lãnh chúa cộng sản đang và sẽ kìm hãm xã hội Việt Nam dừng lại mãi mãi ở nền văn minh nông nghiệp lạc hậu thì không thể có con người của văn minh công nghiệp. Vì vậy chỉ khi đất nước thực sự thoát khỏi thời lãnh chúa cộng sản, bóng đá cùng các hoạt động thể thao, văn hóa, nghệ thuật mới có thể phát triển.
Từ nỗi đau của bóng đá Việt Nam vì một môn thể thao của văn minh công nghiệp trong tay những con người còn mang nặng căn của nền nông nghiệp manh mún, lại chạnh nghĩ đến nỗi đau của người dân Việt Nam ở thời văn minh tin học vẫn phải sống trong thể chế lãnh chúa cộng sản còn nghiệt ngã hơn cả lãnh chúa phong kiến.
Những lãnh chúa cộng sản cha truyền con nối đã truyền nối căn tính ích kỉ, nhỏ nhen, hẹp hòi của nền sản xuất nông nghiệp manh mún cổ lỗ, kìm hãm xã hội Việt Nam mãi mãi trong trì trệ, ngưng đọng, tăm tối, lạc lõng với loài người.
Lãnh chúa cộng sản hiển hiện khi bà phó bí thư đảng của thành phố Phương Nam lớn nhất nước vốn là con của ông bí thư tỉnh ủy một tỉnh miền Đông Nam Bộ thời chiến tranh, phủ dụ dân chúng rằng : Con lãnh đạo lại làm lãnh đạo là hồng phúc cho dân. Con vua thì lại nghiễm nhiên làm vua, lãnh đạo dân nhưng không cần đến lá phiếu của người dân, người dân bị tước quyền công dân, tước quyền làm chủ đất nước. Đó là cha truyền con nối của thời lãnh chúa phong kiến, thời người dân chỉ là bầy nô lệ. Thời văn minh công nghiệp mà bà phó bí thư một thành phố công nghiệp lớn nhất nước vẫn mang tư duy của thời lãnh chúa phong kiến, tư duy của con người thời nông nghiệp cổ lỗ.
Những người cộng sản lứa đầu đã nhập khẩu học thuyết đấu tranh giai cấp máu và nước mắt về đất nước của yêu thương, thương người như thể thương thân, hết dìm đất nước trong tan hoang của chiến tranh cách mạng, lại dìm đất nước trong xơ xác kiệt quệ của những nhóm lợi ích tham lam vơ vét cướp bóc mà nhóm lợi ích lớn nhất là đảng cộng sản đã tham lam cướp đoạt cái quí giá nhất của người dân là quyền lực của nhân dân. Học thuyết đấu tranh giai cấp đã đưa giai cấp vô sản, lớp người đói khổ, không tài sản, không trí tuệ, lớp người nuôi bản thân chưa xong lên lãnh đạo đất nước, làm đất nước ngày càng xơ xác kiệt quệ.
Những lãnh chúa cộng sản cha truyền con nối đã truyền nối căn tính ích kỉ, nhỏ nhen, hẹp hòi của nền sản xuất nông nghiệp manh mún cổ lỗ, kìm hãm xã hội Việt Nam mãi mãi trong trì trệ, ngưng đọng, tăm tối, lạc lõng với loài người. Đó là sự bạc phúc của dân, bạc phận của nước và càng bạc phận với những hoạt động đòi hỏi những tài năng đỉnh cao như bóng đá, như văn học nghệ thuật !
Sài Gòn, 01/09/2017
Phạm Đình Trọng