Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/09/2017

Con sãi ở chùa lại quét lá đa

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Đã có một thời kỳ rất dài, người cộng sản lên án chế độ thực dân, phong kiến ở mọi góc độ, mọi bình diện và mọi nơi, mọi lúc. Bất cứ thứ gì liên quan đến chế độ thực dân, phong kiến đều được gắn cho những tính từ không mấy dễ chịu như "lạc hậu, thối nát, man rợ"... và nhiều ngôn từ khác nữa.

sai1

Các thành viên mới của Bộ Chính trị (từ trái qua phải) Trương Hòa Bình, Võ Văn Thưởng, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai, Trần Quốc Vượng, và Ngô Xuân Lịch, chụp hình chung với các ủy viên trung ương mới của Đảng Cộng sản tại lễ bế mạc đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 - AFP

Đặc biệt, chế độ phong kiến bị cộng sản lên án nhiều nhất là tệ "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa". Thế rồi, để kích động dân đen nổi dậy, lật đổ, người Cộng sản luôn nêu cao những câu ca dao rằng : "Bao giờ, dân nổi, can qua. Con vua thất thế lại ra quét chùa".

Phá tan tất cả

Tin vào những lời lẽ lên án đanh thép và những lời đường mật đó, dân nghèo đất Việt đã hùa nhau "đi theo đảng" lật đổ phong kiến, thực dân để cho bọn "con vua thất thế" và con dân nghèo nhảy lên ngai vàng.

Tôi nhớ mãi bài thơ của Tố Hữu về một người đầy tớ, cuộc sống của ông được mô tả như sau :

"Đến già, còn bửa củi
Gánh nước, cuốc vườn cau
Đất bụi lấm đầy đầu
Mà chủ còn hất hủi !"

Khi đó, người cộng sản đã đến với họ với những lời đường mật :

Tôi xiết chặt bàn tay
Của lão : "Bao nhiêu nỗi
Đau buồn và tức tối
Sẽ tan biến ngày mai...
Ông đã nghe ai nói
Có một xứ mênh mông
Nửa tây và nửa đông
Mạnh giầu riêng một cõi ?
Nơi không vua, không quan
Không hạng người ô uế
Không hạng người nô lệ
Sống đau xót, lầm than.
Nơi tiêu diệt lòng tham
Không riêng ai của cải
Hàng triệu người thân ái
Cùng chung sức nhau làm
Để cùng nhau vui sướng
Ai già nua tật nguyền
Thì cứ việc ngồi yên
Đã sẵn tiền nuôi dưỡng".

 (Trích Lão đầy tớ - Tố Hữu)

Và người dân Việt cứ vậy mà sướng, mà ung dung khoan khoái "ngồi mơ nước Nga".

Và đám dân chúng cùng đinh ấy, đã đua nhau hò hét, cướp giết và lật đổ để xây dựng một đất nước cộng sản như được hứa hẹn.

Kết quả là kể từ khi cướp chính quyền bằng cuộc cách mạng 19/8/1945 trở đi, biết bao cuộc vận động, phong trào thúc giục người dân Việt Nam đạp đổ, phá nát tất cả mọi "tàn dư thực dân phong kiến" ở đất nước này, bất kể tốt, xấu quý giá hay rẻ mạt. Phá tất. Tất cả để nhằm xây dựng một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa với đầy đủ những lời lẽ ru ngủ như ở đó "của cải tuôn ra dào dạt, mọi người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, con người bình đẳng và làm chủ xã hội"... Ôi chao, cứ như trong mơ về một "Thiên đường xã hội chủ nghĩa" ở ngay mặt đất này.

Những cuộc cách mạng "long trời, lở đất" như Cải Cách ruộng đất, cải tạo Công thương nghiệp tư bản, tư doanh, đánh tư sản... đã phá nát đến ngõ ngách không chỉ cơ sở vật chất và mối quan hệ xã hội được xây đắp bao đời, mà nền văn hóa ngàn đời cũng theo đó mà bị tận diệt.

Và người ta hy vọng rằng ở cái Thiên đường xã hội chủ nghĩa ấy là :

"Nơi không vua, không quan. Không hạng người ô uế. Không hạng người nô lệ. Sống đau xót, lầm than".

Vết xe đổ, nhổ xong lại liếm !

Một thời gian mới cướp được chính quyền về tay mình và sau chiến tranh, người Cộng sản chưa vững ghế, chưa chắc chân, do vậy mọi hoạt động còn nhìn trước, ngó sau kẻo "Quan trên trông xuống, người ta trông vào". Thế nên việc đưa con cái, cháu chắt, người nhà vào chiếm những chiếc ghế béo bở trong bộ máy cai trị còn được chú ý, kiêng dè.

Thế nhưng, khi bộ máy được củng cố, nhà tù, súng đạn đã đầy đủ, ghế ngồi đã chắc chắn và nhất là khi người dân đã nếm đủ mọi mùi sự sợ hãi và khiếp nhược sau một thời gian dài cái "chuyên chính vô sản" tha hồ tác oai, tác quái... thì những người Cộng sản không ngại ngần trong việc ngang nhiên bất chấp tất cả để duy trì hệ thống độc tài toàn trị kiêm gia đình trị của từng vùng, từng lãnh thổ và cả đất nước.

Chính vì hệ thống cai trị chuyên quyền và độc tài, nạn tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Những chiếc ghế cai trị dân bất cứ ở vị trí nào từ địa phương đến trung ương đã được dần dần định danh và định giá. Nếu trước đây, trên mạng Internet người ta có vẻ ngạc nhiên khi có thông tin chạy vào chức Chủ tịch Thành phố hết 30 tỷ đồng. Rồi người ta ngạc nhiên khi trong vụ án PMU 18 với thông tin chạy vào Trung ương Đảng hết 1 triệu đola, thì đến nay, việc mua bán chức quyền đã là một điều như việc cơm ăn, nước uống hàng ngày.

Mới đây, bà Châu Thị Thu Nga khai đã chạy vào Đại biểu quốc hội hết 30 tỷ đồng là chuyện không làm cho người ta ngạc nhiên.

Chính vì những chiếc ghế gắn liền với sự béo bở và là những đầu mối kiếm chác, tham nhũng vinh thân phì gia, mà các nhà chính trị, các nhà lãnh đạo đất nước đã không từ bỏ cơ hội bố trí người nhà, họ hàng vào các chân "Đầy tớ phục vụ nhân dân" này ngoài những phi vụ mua bán kiếm chác như đã nói ở trên.

Có lẽ khó có ai có thể tìm được một số người trong bộ máy công quyền tại Việt Nam hiện nay không xuất thân từ con ông cháu cha mà từ thực tài của bản thân không cần mua bán, chạy chọt phe nhóm.

Chắc chắn sẽ không có một Nguyễn Chí Vịnh thứ trưởng Bộ Quốc phòng nếu không phải là con Nguyễn Chí Thanh. Cũng sẽ không có một Nông Quốc Tuấn bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nếu không phải là con Nông Đức Mạnh, càng không thể có một Lê Minh Hưng làm Thống đốc Ngân hàng nếu không phải con Lê Minh Hương, cựu bộ trưởng Công an.

Người ta cũng biết rằng Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh con của Trần Đức Lương, cựu chủ tịch nước hoặc Phạm Bình Minh Bộ trưởng ngoại giao là con Nguyễn Cơ Thạch. Và người ta thừa biết rằng nếu không phải con Nguyễn Văn Chi, thì Nguyễn Xuân Anh có nằm mơ đến bảy đời sau cũng không leo được lên chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Có thể kể cả ngày không hết hiện tượng "con ông, cháu cha" trong hệ thống nhà nước Việt Nam hiện tại.

Có lẽ thời kỳ "con ông cháu cha" hưng thịnh nhất là thời Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Một thời gian dài làm mưa làm gió trên chính trường Việt Nam với những câu nói và hành động bất nhất điển hình, Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện cho cả nước biết rằng khi có quyền lực trong tay thì "miệng quan trôn trẻ" là chuyện đương nhiên.

Khỏi cần nhắc lại những lời thề thốt của một người đứng đầu chính phủ và sự nuốt lời trong công việc, chỉ cần nhìn hai đứa con ông đều được "cấu tạo" thần tốc vào các chân lãnh đạo tỉnh thì biết rằng ông bất chấp tất cả miệng đời người thế. Và ông đã mở đầu, cổ vũ cho việc đưa người thân, gia đình, họ hàng vào chiếm ghế lãnh đạo.

Thế là đúng như cha ông đã nói "thượng bất chính, hạ tắc loạn" các quan chức các tỉnh thi nhau đưa con cái, cháu chắt ào ào vào những chiếc ghế béo bở như chỗ không người. Cả nước theo nhau làm đúng quy trình "Cha bổ nhiệm con, chồng cơ cấu vợ, chị nâng đỡ em"... mọc lên như nấm sau mưa.

Không chỉ ở Huế cả nhà làm quan, mà ở Bắc Ninh thì cả họ nhà Bí thư tỉnh ủy đều chiếm những vị trí quan trọng trong tỉnh. Không chỉ có Yên Bái, chị bổ nhiệm em, mà ở Hải Dương thì từ con trai cho đến em rể... tất cả đều làm quan "đúng quy trình".

Về vấn đề này, báo chí cho biết : Bộ Nội vụ đã kiểm tra, rà soát theo thông tin báo chí phản ánh, tổng hợp được 9 địa phương, đơn vị bao gồm : Tỉnh Hà Giang ; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An ; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế ; Huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk ; tỉnh Bình Định ; huyện Phong Điền, Cần Thơ ; Cục thuế tỉnh Bà Rỉa – Vũng Tàu thuộc Tổng cục thuế - Bộ Tài chính ; tỉnh Yên Bái ; Trung tâm Pháp y thuộc Sở y tế Thành phố Đà Nẵng.

Nhưng đó chỉ mới là một phần nhỏ trong hệ thống công quyền hiện nay.

Không chỉ cả họ làm quan, mà hình thành một hệ thống còn hơn cả thời phong kiến vua chúa ngày xưa. Người dân Hà Tĩnh thường đùa với nhau rằng : Nếu như ở Mỹ chỉ có Tổng thống Bush cha và Bush con, thì ở Hà Tĩnh có từ Thoại ông, Thoại cha đến Thoại cháu. Nghĩa là cả ba đời đang thay nhau để cai trị đám dân đen ngu dốt chứ không dành phần cho ai.

Rồi không chỉ anh em, họ hàng, mà những người cánh hẩu được đưa vào giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước bất chấp khả năng. Báo chí đã nêu không biết bao nhiêu trường hợp đưa lái xe vào làm chánh văn phòng Ủy ban, thậm chí đưa lái xe lên làm Viện Trưởng, bổ nhiệm em trai có tiền sự bị bắt vì đánh bạc lên làm Giám đốc Sở... Những câu chuyện chắc chỉ có ở cái thời Cộng sản kiêm Phong kiến thối nát ở Việt Nam đầu thế kỷ 21 mà thôi.

Và hài hước thay, khi đã thành một hệ thống con vua thì lại làm vua như một định luật bất biến, thì hệ thống quan chức đã lập tức có những lý luận, bao biện hết sức... gây cười. Chẳng hạn Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh cho rằng : "Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc". Điều này đã gây những phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.

Hạnh phúc hay đại họa ?

Cần phải nói rằng, một con người được hình thành bởi nhiều yếu tố cộng lại. Để làm một người lãnh đạo dân, cần hội tụ nhiều yếu tố cơ bản cần thiết, đặc biệt là sự thông minh, nhạy bén và nhất là sự hy sinh phục vụ. Với con người, yếu tố thông minh, tài giỏi có nguồn gốc lớn từ nguồn gen di truyền là chính, sự học hành, rèn luyện là cần thiết nhưng chỉ là một phần mà thôi.

Thế nhưng, thử xét theo cả hệ thống cộng sản xưa nay, trong một thể chế chính trị mà ngay từ đầu đã chủ trương "Trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ" - nghĩa là những tầng lớp ưu tú nhất đều bị loại bỏ, người Cộng sản chỉ ưu tiên Giai cấp công nhân vì họ nhận đó là giai cấp của họ. Mà xưa nay, công nhân chỉ có búa và đe thì họ thạo, còn chữ nghĩa, trí thông minh thì chẳng ai trông cậy vào cái giai cấp ấy.

Mà phần lớn những lão thành, những cá nhân đã từng leo đến chức lãnh đạo trong hàng ngũ cộng sản, đều xuất phát từ giai cấp công nhân, hoặc nông dân là tầng lớp liên minh mới được cất nhắc, bổ nhiệm và chú trọng, những thành phần ưu tú khác như "Trí, phú, địa, hào" thì đừng có mơ.

Vì thế có thể nói ngay rằng, về nguồn gen, họ chẳng được thừa hưởng bất cứ sự thông minh tài giỏi nào để lại. Ngược lại họ được thừa hưởng sự lưu manh, cơ hội và thiếu văn hóa cần thiết cho con người và xã hội.

Còn về tinh thần, đạo đức ? Thì hẳn là những kẻ cố tình bám lấy cơ hội là cái ô cái lọng của cha ông, anh chị để leo lên giữ cái ghế của mình không bởi từ thực tài, đó là những kẻ cơ hội. Mà đã là cơ hội thì xin đừng nói đến tinh thần phục vụ bất cứ ai, kể cả người thân của mình.

Như vậy, việc bổ nhiệm con em cán bộ lãnh đạo lên làm lãnh đạo tiếp tục, cần phải được hiểu chính xác là đại họa của dân tộc. Chỉ là hồng phúc cho đám cơ hội vơ vét mà thôi.

Thì đã hẳn, cứ nhìn đất nước này sau mấy chục năm người cộng sản thi nhau cha truyền con nối làm tập thể vua lãnh đạo cho đến hôm nay đứng trên bờ vực của sự suy đồi, sụp đổ mọi mặt thì sẽ thấy rõ ràng. 

Còn quan chức ư ? Cứ mở miệng ra câu nào thì dân đập vào miệng câu ấy đủ hiểu trình độ và tư duy của họ như thế nào.

Tạm kết

Có lẽ, khi người cộng sản ra sức tung hô chiếc bánh vẽ thiên đường xã hội chủ nghĩa, và qua đó ra sức chửi rủa hệ thống phong kiến và thực dân, họ cũng không ngờ rằng sẽ có một ngày nào đó, chính họ lại phải liếm lại bãi nước bọt mà họ đã nhổ ra.

Có ai ngờ, đến một ngày, chính người cộng sản lúng túng đến mức chắc phải xé bỏ tất cả những trang sách giáo khoa và những tác phẩm văn học đã từng vận dụng câu ngạn ngữ dân gian rằng : "Còn vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa".

Bởi đơn giản là những câu đó nếu được nhắc lại thì chỉ tổ làm người ta thấy ớn lạnh, sửng sốt và kinh hãi trước sự lỳ lợm, sự điêu toa và sự thiếu liêm sỉ khi chính người dân nhìn vào hệ thống hiện nay.

Bởi ngày xưa chỉ có "con vua thì lại làm vua" còn ngày nay, con cháu họ hàng cán bộ đua nhau làm cán bộ.

Ngày xưa, cả đất nước chỉ có một vua, việc lạm dụng chức quyền cũng chỉ có một người. Còn ngày nay, bất cứ chỗ nào cũng có những đàn vua tập thể mang tên Đảng ủy và đàn cán bộ họ hàng, hang hốc nhà đảng viên chia chác nhau ghế ngồi trên đầu người dân.

Và đại họa của đất nước đang lừng lững đến một cách vững chắc nhất, nhanh chóng nhất và khủng khiếp nhất.

Hà Nội, Ngày 20/9/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 20/09/2017 (nguyenhuuvinh's blog)

Quay lại trang chủ
Read 1491 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)