Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/01/2021

Tài sản bất minh con ông cháu cha ở Việt Nam bất khả xâm phạm ?

RFA tiếng Việt

Sao kiểm sát viên phải 'nể' lãnh đạo địa phương ?

RFA, 13/01/2021

Chủ nhiệm Ủy han Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga mới đây nói rằng một số kiểm sát viên còn có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương khi thực hiện chức năng kiểm sát xét xử và kiểm sát thi hành án hành chính.

taisan1

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu tại phiên họp 12/1/2021. plo.vn

Bà Nga đưa ra nhận xét này tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam vào ngày 12/1, đánh giá nhiệm kỳ công tác khóa XIV, 2016 – 2021, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Xác nhận thực trạng vừa nêu, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết tình trạng hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên trong các phiên tòa dân sự và hành chính ở cấp huyện, tỉnh vẫn còn vấn đề cả nể.

Cụ thể, lời ông Trí được truyền thông nhà nước Việt Nam trích dẫn nguyên văn như sau : "Một kiểm sát viên công tác ở Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện, tỉnh ra tòa mà phát biểu mạnh về ông Chủ tịch tỉnh thì chắc sau khó xin đất, xin trụ sở được. Tất nhiên, xin đất, xin trụ sở là công việc thôi nhưng không có mối quan hệ tốt thì khó lắm. Kiểm sát viên muốn nói mạnh mà ông viện trưởng bảo "nói vừa vừa thôi" thì kiểm sát viên cũng không dám nói. Phải nói thật như vậy. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng phải dùng cách thuyết phục là nhiều chứ có phải lúc nào cũng nói thẳng ra được đâu. Ngay cả Viện trưởng cũng có lúc phải kiêng nể chứ một cán bộ bình thường mà đòi hỏi không kiêng nể gì hết thì rất khó. Tất nhiên, kiêng nể cũng phải có nguyên tắc".

Trao đổi với RFA tối 13/1, Luật sư Đặng Trọng Dũng, từng là một nhà báo, hiện đang công tác tại Văn phòng Luật sư Đặng Dũng & Ninh Hòa ở thành phố lớn nhất phía Nam nhận xét về phát biểu của người đứng đầu Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao như sau :

"Tôi coi bản tin báo Pháp luật như vậy tôi rất buồn. Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nói thật như thế thì phải nói rằng nếu kiểm sát viên vì những quyền lợi riêng tư như ông viện dẫn như vậy mà không có hình thức răn đe hoặc nói thế nào thì đó là điều rất thất vọng cho luật sư và người dân. Thiếu điều ông ‘vẽ đường cho hươu chạy’. Ông ấy bảo vì quyền lợi thế này, thế kia thì kiểm sát viên không dám nói gì nhiều, ông bảo ngay cả Viện trưởng cũng phải thận trọng thì tôi thấy rằng điều ông nói như thế là thực tế mà thực tế đó là điều rất đáng buồn và không biết cách nào khắc phục".

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành luật, Luật sư Hà Huy Sơn, Giám đốc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn Hà Sơn tại Hà Nội nhận định :

"Theo tôi đây cũng là một thực tế ở Việt Nam vì cơ quan tư pháp của Việt Nam không độc lập với bên hành pháp, nắm quyền hành liên quan đến kinh tế, đất đai, nhiều cái về công chức cán bộ khác, tuy ngang cấp nhưng họ vẫn có thế lực hơn đối với bên cơ quan tư pháp".

Vẫn theo lời Viện trưởng Lê Minh Trí tại phiên thảo luận ngày 12/1, tính ‘cả nể’ mà ông nhắc đến không chỉ xuất hiện riêng trong lĩnh vực tư pháp giữa các kiểm sát viên với các lãnh đạo tỉnh, mà vẫn còn nhiều trong cả hệ thống.

Chị Ngọc Hà, một người dân đang sống tại Bình Dương, bày tỏ cảm nghĩ qua Facebook Messenger về phát biểu vừa nêu như sau :

"Mình thì thấy việc ông Viện trưởng nói người dân ai cũng biết, chỉ là bây giờ có quan chức xác nhận sự thật thôi. Mình chỉ thấy lạ là có luật pháp nhưng chính người làm luật lại nói vậy như một sự cam chịu, không thể thay đổi thì trách nhiệm của những người lãnh đạo liên quan ở đâu ?".

Luật sư Đặng Trọng Dũng cho rằng luật pháp Việt Nam hiện nay đã có quy định đầy đủ, nhưng ăn thua là người thực thi pháp luật như thế nào, phải có bản lãnh thế nào, vừa phải đào tạo vừa phải kiểm điểm mỗi một vụ án thế nào… Ông tiếp lời :

"Nếu ông (Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) nói thực trạng như vậy mà không hề nói được biện pháp khắc phục là điều rất đáng buồn. Trong đó ông nói là tranh luận là then chốt nhưng thực sự ra tòa luật sư chúng tôi rất muốn tranh luận đến nơi đến chốn nhưng người mà cầm cân trong phiên tòa là chủ tọa, thẩm phán nhiều khi họ cắt ngang chúng tôi. Như một vụ án dân sự tôi vừa vào tòa án cấp cao, chưa tranh luận gì cả thì ông cắt cụp một cái rồi ông đưa một bản án trái pháp luật, cuối cùng chúng tôi phải giám đốc thẩm. May mà giám đốc thẩm được và bây giờ xử lại từ đầu. Tôi thấy nền tư pháp của mình có những thực trạng đáng buồn như vậy".

Ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong buổi Hội nghị của Chính phủ Hà Nội về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật diễn ra ngày 24/11/2020 có nhắc đến nội dung chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác làm chính sách.

Do đó, Luật sư Hà Huy Sơn đưa ra đề xuất :

"Phải thay đổi từ Hiến pháp về hệ thống chính trị tại Việt Nam. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập thì mới thay đổi được cái gốc. Còn do đảng thống nhất, phân công chức năng thì không thay đổi được câu chuyện. Theo tôi việc thay đổi hình thức hầu như không thể thay đổi được vì nó là bản chất hiện nay đó là đảng lãnh đạo toàn nhà nước và xã hội nên không thay đổi được. Quan điểm của tôi là như vậy".

Vẫn theo Luật sư Hà Huy Sơn, đây là bản chất chế độ chính trị của Việt Nam nên không thể thay đổi. Trong thực tế, những người nêu lên những vấn đề này, với truyền thống chính phủ Hà Nội thì có thể bị kết tội lật đổ chính quyền nhân dân.

Nguồn : RFA, 13/01/2021

***********************

Vì sao cơ quan chức năng không thể "đụng" đến tài sản nghìn tỷ bất minh của nhiều người trẻ ?

RFA tiếng Việt, 12/01/2021

Tại buổi báo cáo công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhiệm kỳ 2016-2021 vào sáng ngày 12/1, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng.

Nhiều người trẻ tuổi Việt Nam sở hữu tài sản nghìn tỷ

tre1

Biệt phủ tọa lạc trên diện tích 2.300 m2 ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh do con gái nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đứng tên chủ sở hữu. Courtesy of zing.vn

Ông Lê Minh Trí được báo giới dẫn lời khẳng định rằng "thu hồi tài sản tham nhũng nhiệm kỳ sau đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước". Điển hình, nhiệm kỳ trước thu hồi 5-10% nhưng nhiệm kỳ này hơn 50%.

Mặc dù vậy, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh trong thực tế nhận được phản ánh hiện nay có những người trẻ từ 20-30 tuổi đã đứng tên các tài sản cả trăm tỷ, cả ngàn tỷ đồng. Cơ quan chức năng dù biết nhưng không thể xử lý được vì quyền sở hữu của công dân nên không đụng vào được.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng đó là hiện tượng quan chức tham nhũng không bao giờ tự đứng tên tài sản, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên do quy định kê khai tài sản ở Việt Nam chỉ trong hệ thống chính trị. Do đó, ông Lê Minh Trí đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản để khi một tài sản mới được đăng ký mà không chứng minh được nguồn gốc thì sẽ bị điều tra và sẽ có cớ sở pháp lý để xử lý cũng như chắc chắn không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng.

Anh Đỗ Nam Trung, một bạn trẻ ở Việt Nam lên tiếng xác nhận về thông tin mà Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đề cập đến nhiều người tuổi từ 20-30 sở hữu tài sản giá trị trăm, ngàn tỷ.

"Theo tôi thấy đa phần những người trẻ mà có khối tài sản lớn như thế là do của cha ông để lại hay cha mẹ làm quan chức hoặc một kiểu kinh doanh ‘tư bản đỏ’, tức là hình thức kinh doanh có móc nối với chính quyền để làm giàu và sau đó thì tuồn tiền cho họ đứng tên. Thật ra thì những tài sản đó không phải của họ mà là của cha mẹ họ thôi. Thứ hai nữa là mình không có gì để cảm thấy phục những người đó cả, tại vì họ được sinh ra trên một ‘cái mâm vàng’ thì họ tận dụng thôi chứ thật ra họ chẳng tài cán gì cả".

Bạn trẻ Đỗ Nam Trung không đồng ý với giải thích của ông Lê Minh Trí rằng chính quyền không thể "đụng" đến các tài sản khổng lồ của những người trẻ tuổi.

"Nhìn thấy có quá nhiều người trẻ sở hữu khối tài sản lớn như thế thì rõ ràng sự bất công trong xã hội đang rất nhiều. Tại vì ở Việt Nam có cơ chế xã hội chủ nghĩa, là cơ chế ‘xin-cho’ và nếu như không làm láo, không làm bậy, không mua gian bán lận thì không bao giờ giàu. Kiểu gì cũng phải móc nối với chính quyền, đút lót cho chính quyền thì mới giàu được; hoặc họ là sân sau của các quan chức hoặc là họ móc nối với quan chức và hai bên cùng có lợi. Cho nên, những đồng tiền đó bất minh nhiều hơn những đồng tiền chính đáng".

tre2

Tin tức về tham nhũng trên báo chí nhà nước. RFA Edited

Phản biện của xã hội

Luật sư Phạm Công Út, vào tối ngày 12/1 nhắc lại một vụ việc điển hình gây xôn xao dư luận hồi năm 2017, được báo giới Nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng tải về biệt phủ ở trung tâm huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh do con gái nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đứng tên.

Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành tư pháp, luật sư Phạm Công Út cho rằng ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nói rằng không thể "đụng" vào những tài sản như của trường hợp vừa nêu là không hiểu đúng theo luật pháp hiện hành.

"Vấn đề thu nhập hợp pháp thì sẽ dựa theo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Một thanh niên, thanh nữ 18 tuổi, vừa đủ tuổi đứng tên tài sản, mà đứng tên tài sản khủng thì người ta phải xem lại thu nhập cá nhân của người đó. Nhưng nếu không xem thu nhập cá nhân của một người nào đó để tạo nên một gia sản khổng lồ thì thu nhập đó là phi pháp, chứ không thể dơn giản chỉ xem xét vấn đề truy thu thuế. Việc đó là việc bất minh bởi đó là con của một quan chức hưởng lương và các bổng lộc khác để rồi tạo ra những khoản tài sản khổng lồ để cho con của mình đứng tên. Đối với các cơ quan thanh tra, điều tra sẽ truy ngược lại là có khai báo về thu nhập cá nhân hay không. Vấn đề này là một lỗ hổng rất lớn và vấn đề này vẫn có luật nhưng tôi chưa thấy luật đụng đến những câu chuyện cụ thể như thế này. Ở đây, nhà nước chưa làm mạnh tay mặc dù có luật, không nằm trong luật này thì nằm trong luật khác. Chẳng hạn đó là Luật Thuế thu nhập cá nhân".

Luật sư Phạm Công Út khẳng định rằng giải thích của ông Viện trưởng Lê Minh Trí sai vì Luật Thuế thu nhập

Về đề xuất ban hành Luật Đăng ký tài sản do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đưa ra, luật sư Phạm Công Út nhận định:

"Tôi cho rằng bây giờ có đưa ra luật gì đi nữa thì cũng chưa thoát ra khỏi phương thức giao dịch thực tế. Khi nào thoát ra được gaio dịch thực tế thì lúc đó các luật đưa ra mới áp dụng được. Còn bây giờ giao dịch thực tế hiện nay, ví dụ như một quan chức tiến hành tố tụng và người ta đưa ra một con số được viết trong lòng bàn tay của họ rồi đưa cho người đưa hối lộ đọc thấy và sau đó họ xóa đi, thì dù có đưa luật nào đi nữa cũng không đi vào thực tiễn cuộc sống. Bởi vì tại Việt Nam, người ta thanh toán bằng những khoản ‘tiền tươi’, chứ không thông qua ngân hàng. Do đó, nếu ra luật kiểu nào đi nữa thì tôi nghĩ trong thời điểm bây giờ và tương lai gần sẽ không hiệu quả".

Vào ngày 11/1, truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải nội dung văn bản liên quan kiến nghị về tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi. Báo giới cho biết Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông Nguyễn duy Giảng vừa gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để yêu cầu trả lời kiến nghị vừa nêu.

Theo nội dung kiến nghị thì cơ quan có thẩm quyền đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.

Luật sư Đặng Đình Mạnh trong cùng ngày 11/1, nhận xét với RFA rằng kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là chưa chuẩn xác.

"Mặc dù về ý nghĩa tôi nghĩ mọi người sẽ rất tán thành việc xét xử nghiêm, nghiêm khắc đối với đối tượng tham nhũng nhưng ít nhất cũng phải trên cơ sở có tình có lý. Hiện nay kiến nghị vi phạm Luật Hình sự vì Luật Hình sự có quy định khi một người có tội mới kèm theo hình phạt phụ là tịch thu tài sản hoặc tịch thu những khoản tiền bất chính. Theo ý kiến của Viện Kiểm sát Tối cao đưa ra như vậy thậm chí chưa cần có bản án tuyên họ có tội thì làm sao có thể xác định đó là tài sản bất chính để nhà nước có thể thu ?"

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng theo thiển ý của ông thì tài sản tham nhũng đôi khi bị tẩu tán, nhờ người thân trong gia đình đứng tên cho nên cần có điều tra mở rộng đối với tài sản của những người thân trực hệ của bị can, bị cáo tham nhũng và nhờ đó để có cơ sở thu hồi tài sản mà họ thu lợi bất chính.

Nguồn : RFA, 12/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 514 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)