Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/10/2024

Con ông cháu cha địa phương là điểm nghẽn thể chế…

Viết từ Sài Gòn

Con ông cháu cha địa phương là điểm nghẽn thể chế Tổng bí thư Tô Lâm muốn nói ?!

Cho đến thời điểm này, phải thực tâm mà nói, rất khó để hi vọng hay tin tưởng vào thế hệ lãnh đạo cộng sản tương lai. Bởi thế hệ lãnh đạo tương lai là một thể hệ đỏ vô cảm và có năng lực thấp, vô cảm, ham hưởng thụ và hơn hết, họ không có lý tưởng như lớp cha anh của họ. Với đà này, dân tộc đứng trước nguy cơ tồn vong là chuyện rõ trước mắt.

cocc1

Các học viên tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức mới đối với cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng. Ảnh : CTV.

Hai mươi năm trước, có một lớp cán bộ địa phương, họ là những người con gia đình cán bộ, gia đình thân nhân liệt sĩ, có công cách mạng, họ không có năng lực gì ngoài ba thứ hoạt động phong trào, trình độ không có, bỏ học ở lớp 9, lớp 12. Thế rồi nhà nước có chính sách biên chế cho cán bộ cấp xã, phường. Vậy là họ ồ ạt xông vào các cơ quan địa phương để làm việc, từ chỗ nhân viên sai vặt bưng trà pha nước, cạo giấy, thậm chí đấm bóp cho chủ tịch, họ dần dà có bằng đại học chuyên tu, tại chức, rồi bước vào hội đồng nhân dân, có chân trong hội đồng, họ trở thành cán bộ biên chế và nắm quyền lãnh đạo.

Lớp cán bộ tôi vừa nói có mặt khắp đất nước này, họ không có khả năng giải nổi bài toán lớp 9 nhưng họ lại có bằng đại học, cao học và trung cấp, cao cấp lý luận. Họ có thể sai khiến những cán bộ khác có bằng đại học chính qui, bởi họ ngồi ghế lãnh đạo và họ hô mưa gọi gió trong thứ quyền lực thừa kế từ cha ông của họ để lại.
Sau khi hết nhiệm kì ở xã, phường, họ lại được thuyên chuyển lên cấp huyện, thị để tiếp tục ngồi ở những ghế quyền lực mới, cao hơn một cấp. Và những ghế ở địa phương dành cho những ai ?

Đó lại là những con ông cháu cha của địa phương, tức con của các quan chức địa phương, họ giống y cha mẹ họ, tức không có khả năng học chữ, bỏ dở việc học ở cấp trung học phổ thông hoặc đại học tư thục, học dang dở nhưng họ được cơ cấu vào cơ quan nhà nước, cụ thể là ủy ban xã, phường để làm một chân cán bộ văn hóa, cán bộ địa chính, cán bộ kinh tế... Họ vừa làm vừa học bổ túc, chuyên tu, tại chức và cũng được đưa đi học khóa chính trị trung cấp, rồi cao cấp, bước cuối cùng là vào hội đồng nhân dân và lên nắm quyền lãnh đạo.

Đó là cái giống cha mẹ, còn cái khác là nhóm này khá máu lạnh, quen hưởng thụ, ăn trên ngồi trốc, ăn tục nói phét và ăn không từ chỗ nào, thứ gì. Thậm chí, những cán bộ trẻ này có thói quen xem việc đi ăn chầu rìa là cái danh dự của cán bộ, ví dụ như nhà dân có đám giỗ, chỉ cần mời một người thì cả nhóm kéo đến ăn và họ xem việc có mặt của họ là danh dự của gia đình đó, họ còn có suy nghĩ rằng chủ nhà phải bỏ phong bì tặng họ vì họ đã đến làm sang cho gia đình... Chuyện này có từ Nam chí Bắc, không ngoại trừ tỉnh nào. Vì lẽ, ngay từ nhỏ, lớp cán bộ này, hay nói đúng hơn là lớp cô chiêu cậu ấm đỏ này đã được tắm trong môi trường hưởng thụ, cha mẹ của họ luôn lập luận kiểu "ông bà đã hi sinh vì sự nghiệp dân tộc, đến thế hệ sau phải được hưởng thụ, và cái thứ lập luận ấy được lặp đi lặp lại, được biến thành thứ thuốc, thứ động cơ "bảo vệ đảng", động cơ để được làm đảng viên nòng cốt, làm lãnh đạo. Cho đến lúc này, người ta làm lãnh đạo, làm đảng viên để được hưởng thụ, để làm giàu và để hô hào hò hét, gầm gừ trên bất kì miếng ngon nào trong xã hội. Nếu không có cái bả phù vân hưởng thụ ấy, chắc chắn, trong đám con ông cháu cha kia sẽ chẳng có ma nào vào đảng, điều đó là chắc chắn rồi !

Bởi nếu như vào đảng với lý tưởng thực sự là cống hiến, xây dựng đất nước, thì họ không phải đối tượng đảng cũng như họ không đủ tư cách là đối tượng đảng. Họ, những con người mà tôi biết trong đó, có người hiện nay là chủ tịch, phó chủ tịch xã... đã thi liên tục năm lần bảy lượt vẫn trượt đại học, sau đó thi cao đẳng cũng không đậu, cha của người này (hiện đang Phó chủ tịch phường) từng nuôi năm lần bảy lượt heo rồi dê để chờ ăn mừng con thi đậu đại học nhưng chẳng lần nào ăn mừng được. Thế rồi từ một kẻ thất nghiệp, phụ việc ở cơ quan xã, dần dần trở thành cán bộ đoàn, rồi vào hội đồng nhân dân, khi xã lên phường, thuyên chuyển cán bộ, họ biến thành Phó chủ tịch phường.

Bên cạnh cái ghế Phó chủ tịch phường này còn một cái ghế khác cũng phó chủ tịch, gốc gác là dân ăn tục nói phét, sai đâu đánh đó, dân xem như hạng chó săn của đảng. Thế rồi dần dà làm cán bộ dân quân tự vệ, chỉ huy, rồi xã đội trưởng, đùng cái chuyển vào tranh cử hội đồng nhân dân và nghiễm nhiên làm phó chủ tịch xã.

Tất cả những cái ghế ấy, bây giờ nếu bảo làm gì, hỏi họ đang làm gì thì câu trả lời là đến tháng lại lãnh lương, có tiệc thì mò đến ăn, hò hét, hầm hố hù dọa dân, lấn chiếm từng mét đất của dân, san lấp ao hồ, biến đất công thành đất tư... Có hàng trăm mối tư lợi từ việc làm cán bộ xã, cán bộ phường... Chính các mối tư lợi này khiến cho cán bộ xã, cán bộ phường nhanh chóng trở thành bầy linh cẩu trong mắt dân. Và chưa dừng ở đó, tình trạng chạy đua lên thành phố, đây là một thứ đáng sợ nhất của dân lành.

Khi một đơn vị địa phương được lên xã, phường, ban đầu dân nghe thì có vẻ vui mừng, thậm chí rất vui mừng vì mình một bước đổi đời. Nhưng thực sự dân có đổi đời không ? Không, hoàn toàn không, mà còn đeo thêm cái ách vào cổ. Vì để lên xã, phường, cán bộ xã đã tìm cách tạo ra một thứ cơ sở hạ tầng ảo, mượn chuẩn, thuê chuẩn, tức làm hồ sơ giả với hàng loạt các chữ ký của các cơ quan chuyên môn nhằm qua mắt cấp trên, nộp đơn xin chuẩn thuận lên phường, lên phố. Dân mơ hồ mừng vì nghĩ rằng lên phường lên phố thì đất tăng giá, có cơ may đổi đời nhưng dân chưa bao giờ đặt câu hỏi đất lên giá thì liệu bán đất xong, lại làm gì tiếp theo ? Và khi lên phường, lên phố thì được cái gì, mất cái gì ? Họ chỉ nghe là mừng.

Kỳ thực, lên phường, lên phố, cán bộ địa phương được quyền thu thuế đất của dân. Nhiều gia đình cả đời làm nông, quanh năm rảnh thì đi phụ hồ kiếm mấy đồng cất dành phòng khi đau ốm, đùng cái lên phường, lên phố, phải đóng thuế đất mỗi năm vài triệu đồng, có nhà đóng hàng chục triệu đồng thuế đất phi nông nghiệp vì xã bây giờ là phường, phải đóng thuế. Ngoài các khoản thuế đất phi nông nghiệp, người ta phải đóng thêm phí vệ sinh môi trường, phí quĩ vì người nghèo, phí tặng quà tri ân... đủ các loại phí... ! Và đời sống thì hoàn toàn không thay đổi, chỉ có gánh nặng thuế má hằng năm trở nên kinh khủng, cán bộ trở nên sang chảnh, ăn trên ngồi trốc và hống hách hơn, những thằng dốt trong mắt dân bây giờ chính thức ngẩng cao đầu đe nẹt dân. Đó là sự thật.

Và còn một sự thật khác là với mức thu hằng năm, với đủ các kiểu hạch sách, hoạnh họe dân, tương lai, cán bộ xã, phường sẽ chạy các bằng cao hơn để vào hệ thống quận, huyện, thành phố... Và con đường thăng tiến dựa trên lý lịch, dựa trên bằng cao cấp lý luận đảng, dựa trên thâm niên "phục vụ nhân dân", dựa trên kinh nghiệm bảo vệ đảng và dựa trên bằng cấp bất minh trong một nền giáo dục bất minh... Dường như con đường hoạn lộ luôn mở rộng thênh thang với những kẻ con ông cháu cha, kém năng lực nhưng giỏi luồn lách, bợ đỡ và thủ đoạn !

Thử nghĩ, tương lai dân tộc, đất nước này sẽ về đâu với một cơ chế chính trị hết sức nặng nề, cơ hội, bất minh và kém năng lực như vậy ?!

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 26/10/2024

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viết từ Sài Gòn
Read 176 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)