Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/10/2024

Khi hai đồng chí cộng sản ôm chặt và gườm nhau

Nam Việt

Các biểu hiện rộn ràng và khác thường giữa Trung Quốc và Việt Nam, đang cho thấy hai quốc gia này đang ở trong một tình cảnh phức tạp nhất, kể từ sau đợt xung đột Giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014. Có thể mô tả tình huống lúc này, Bắc Kinh và Hà Nội vừa ôm chặt nhau, hô khẩu hiệu yêu thương, nhưng trong túi đang thủ sẳn vũ khí sát thương, có thể rút ra bất kỳ lúc nào.

omnhau1

Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Thủ tướng Chu Ân Lai đến thăm Việt Nam, ngày 9/5/1960 - Ảnh minh họa

Tin từ SCMP cho hay, Hải quân Trung Quốc tuyên bố mở một đợt tập trận mới ở Biển Đông, một tuyến đường thủy đang có tranh chấp nơi các nước có tuyên bố chủ quyền là Philippines và Việt Nam đang tăng cường cải tạo đất và xây dựng. Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân không nêu rõ cuộc tập trận diễn ra ở đâu và khi nào, chỉ nói rằng cuộc tập trận được tiến hành "vào cuối mùa thu".

Dù mục đích cuộc tập trận này không mô tả rõ là nhằm mục đích gì, nhưng rõ là Trung Quốc đã nhắm đến một khả năng đụng độ trên biển. Có thể đối thủ đầu tiên là Philippines, có sự trợ giúp của đồng minh. Nhưng một khả năng tranh chấp vũ lực với Việt Nam thì có thể xảy nhưng xác suất Hà Nội động tay vì Bắc Kinh trên biển Đông là bằng 0. Đó là chưa nói, người bạn nhỏ cộng sản của Bắc Kinh nổi tiếng là khó lường trong cách hành động có vẻ nhẫn nại mỗi ngày.

"Một đội tàu khu trục thuộc Hải quân Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam đã tiến hành huấn luyện và đánh giá đầy đủ về phòng không và đánh chặn tên lửa, chống tấn công mặt nước và kiểm soát thiệt hại tàu thuyền", bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc hôm Chủ Nhật cho biết. Cuộc tập trận bao gồm được biết có các hoạt động tấn công mục tiêu trên biển và trên không – đặc biệt mô phỏng trường hợp tàu Trung Quốc bị tấn công, tiếp theo là bài tập tìm kiếm và tấn công với một tàu khác đóng vai đối thủ.

Trước đó, báo cáo mới của Chatham House - Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia, là một viện chính sách độc lập có trụ sở tại London - cho thấy Bắc Kinh đang xây dựng một hệ thống radar mới quy mô lớn trên Tri Tôn – hòn đảo cực Tây và cực Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 250 km (155 dặm).

Đây là hệ thống radar mới mang lại cho Trung Quốc lợi thế để giám sát khu vực ven biển miền Trung Việt Nam, nơi có các căn cứ quân sự chiến lược của Việt Nam, vốn cũng im lặng theo dõi các hoạt động hàng hải của Trung Quốc nay. Hệ thống radar tối tân này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng tác chiến điện tử và tình báo của mình. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể cải thiện việc giám sát mọi hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.

Phan Xuân Dũng, cán bộ nghiên cứu tại Viện ISEAS Yusof Ishak và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Australia, nói với This Week in Asia rằng Trung Quốc có thể giành được "quyền kiểm soát trên thực tế" đối với khu vực tranh chấp nằm trong hệ thống của nước này thông qua khả năng phát hiện các hoạt động của Việt Nam. các hoạt động.

Điều này có nghĩa, Trung Quốc sẽ giám sát toàn bộ bản đồ đường chín đoạn, đặc biệt là Việt Nam, và có hành động can thiệp theo thời gian thực.

Hai người bạn cộng sản, vẫn hay trình diễn trên sân khấu quốc tế về tình đồng chí keo sơn, nhưng nhà nào cũng chạy đua để phòng thủ và đánh trả. Trong khi tố cáo Bắc Kinh cải tạo đảo để cho hoạt động quân sự thì Việt Nam, quốc gia kiểm soát 11 trong số 29 thực thể ở quần đảo Trường Sa, cũng đã cải tạo hơn 2 km2 ở quần đảo này trong năm tháng qua, theo tổ chức nghiên cứu Sáng kiến thăm dò Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh.

Collin Koh, thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nhấn mạnh là Trung Quốc và Việt Nam đã từng có những lúc ‘thử" nhau để đo thực lực, và Việt Nam cho thấy đến lúc bị dồn ép cũng không lùi bước.

Ông Koh cho biết, bất chấp sự "bất cân xứng" về sức mạnh quân sự giữa các đối thủ ở Biển Đông, Việt Nam đã cho thấy trong một số sự cố hàng hải trước đây rằng họ có thể bất ngờ chống lại các hành động của Trung Quốc. Ông trích dẫn tình trạng bế tắc căng thẳng sau khi Trung Quốc xây dựng giàn khoan dầu gần đảo Tri Tôn vào năm 2014 và một sự cố tương tự tại Bãi Tư Chính, một tiền đồn do Việt Nam chiếm đóng ở Quần đảo Trường Sa, vào năm 2019.

Koh giải thích việc Trung Quốc đang dàn dựng các hệ thống quân sự quanh Việt Nam một cách bài bản và im lặng, vì : "Các nhà hoạch định Trung Quốc sẽ không có xu hướng coi thường Việt Nam trong thời điểm xung đột và do đó sẽ phải thực hiện các biện pháp thích ứng tương ứng để đối phó với mối đe dọa của Việt Nam".

Theo Der Spiegel, từ năm 2015, Việt Nam đã im lặng nâng cấp khả năng phòng thủ và đánh trả - và đích nhắm tới, không ai khác hơn là Trung Quốc. Việt Nam liên tục tìm mua các tên lửa hành trình để chống lại đối thủ từ bở, như đã mua 50 tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm và tấn công mặt đất 3M-14E Klub cho hạm đội tàu ngầm diesel-điện lớp SSK Kilo đang phát triển của mình.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cập nhật dữ liệu trên trang web của mình, dựa trên thông tin thu được từ sổ đăng ký vũ khí thông thường của Liên hợp quốc, cho thấy Nga đã chuyển một đợt 28 tên lửa trong hai năm qua cho Hà Nội, mặc dù tổng số chính xác vẫn chưa được biết.

Klub là tên lửa hành trình siêu âm thông thường do Nga sản xuất, "được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu được bảo vệ bởi các biện pháp đối phó và phòng không chủ động tinh vi", deagel.com giải thích. Nó là biến thể xuất khẩu của "sát thủ tàu sân bay" 3M-54 của Nga (NATO định danh : SS-N-27A "Sizzler") và có khả năng tấn công chính xác tầm xa.

Trong khi vẫn chưa rõ biến thể vũ khí chống hạm bán cho Việt Nam là 3M-54E Klub-S (tầm bắn 220km) hay 3M-54E1 (tầm bắn 300km) – cả hai đều có thể phóng từ tàu ngầm – cuộc tấn công mặt đất biến thể gần như chắc chắn là 3M-14E (tầm bắn 300km), có khả năng mang đầu đạn nặng 450kg.

Theo nhà phân tích hải quân Carl Thayer được Reuters trích dẫn, việc mua tên lửa hành trình tấn công mặt đất đánh dấu một "sự thay đổi lớn" ngoài việc nâng cao năng lực chống hạm của Hải quân Việt Nam. Ông nói thêm : "Họ đã tự tạo cho mình một sức mạnh răn đe mạnh mẽ hơn nhiều, làm phức tạp thêm các tính toán chiến lược của Trung Quốc".

Danh sách vũ khí đáng gờm của Việt Nam, ngoài tên lửa hành trình chống hạm (ASCM) như VCM-01 được sản xuất trong nước. Việt Nam cũng đang sở hữu tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E của Nga. Cũng có thông tin cho rằng Việt Nam có thể mua tên lửa hành trình BrahMos từ Ấn Độ. Tên lửa Scud thời Liên Xô đang hoạt động và sẵn sàng sử dụng cũng có mặt trong kho. Nhiều báo cáo cũng nói đến tên lửa Hwasong-6 của Triều Tiên.

Câu chuyện Trung Quốc tập trận, mô phỏng tàu của mình trên biển bị tấn công, mô phỏng các lượt tấn công bằng tên lửa hành trình, chắc không chỉ nhằm đối phó với Philippines, mà hẳn là cả Việt Nam. Trong những cái ôm nồng thắm của tình hữu nghị đời đời bền vững Việt-Trung lúc này, đang có cả hơi lạnh của những loại sát thương tân tiến nhất, mà họ đang ngầm hứa trao cho nhau.

Nam Việt

Nguồn : RFA, 28/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nam Việt
Read 112 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)