Vụ học sinh chết ở Gateway : Bà Quy bị bắt vì nhà trường ?
Nguyễn Hùng, VOA, 30/08/2019
Vụ học sinh sáu tuổi chết trong ngày tới lớp 1 Tokyo của trường khi đó còn tự nhận là quốc tế Gateway ở Hà Nội đã có cái kết đầu tiên. Đó là người đưa đón trẻ Nguyễn Bích Quy, 54 tuổi, bị khởi tố bị can và bắt tạm giam ba tháng. Bà Quy bị buộc tội "vô ý làm chết người".
Trước cổng trường Gateway -
Tài xế Doãn Quý Phiến, 53 tuổi, cũng bị cho là "vô ý tự tin và cẩu thả" như bà Quy nhưng hiện giờ ông cũng như chính nhà trường chưa nhận được kết luận gì của cơ quan điều tra. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy nói trách nhiệm của trường Gateway sẽ được xét tới trong quá trình điều tra tiếp theo.
Các lãnh đạo và cổ đông của trường Gateway, trong đó có nguồn tin nói rằng bao gồm cả con cái của lãnh đạo cao cấp, đã tự thừa nhận quy trình của họ có vấn đề. Cho tới thời điểm bé Lê Hoàng Long tử vong, nơi đáng ra phải đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ em lại trở thành tổ chức vô ý sát nhân.
Cả ngày 6/8 vừa rồi và trong nhiều năm vừa qua chỉ có duy nhất một em chết vì bị bỏ quên trên xe ở Hà Nội. Điều rõ ràng là nếu bố mẹ em Long không chọn Gateway thì em bé bây giờ hàng ngày vẫn đang đến lớp. Vậy có thể khẳng định trường đã góp phần gây ra cái chết của em bé sáu tuổi.
Trong những lời khai đầu tiên của mình, bà Quy nói do bận chăm hai em bé khóc mếu lúc xuống xe nên bà không kiểm tra xe trước khi đóng cửa. Sau này bà thay đổi lời khai và nói bà đã kiểm tra. Nếu bà không kiểm tra như lời khai ban đầu, việc tuyển dụng, đào tạo và hỗ trợ nhân viên của Gateway có vấn đề. Chuyện tài xế không tham gia kiểm tra xe trước khi lái đi cũng là vấn đề nữa của quy trình đón đưa. Tại Anh cả hai con đầu của tôi khi còn nhỏ cũng học trường mang tên Gateway tại vùng Kent. Hầu hết các bậc phụ huynh của trường Gateway nơi tôi sống tự đưa con tới trường hoặc nhờ người đưa tới. Trường không có dịch vụ đưa đón. Có các cơ sở tư nhân đưa đón và tôi thấy chỉ có một lái xe đưa chừng 10 cháu tới các trường khác nhau trong đó có cả Gateway. Trong trường hợp của trường Gateway ở Hà Nội, hai người mang danh của một tổ chức "quốc tế" mà đưa 13 cháu cũng không xong.
Ngoài chuyện tuyển nhân viên được cho là chưa có đồng lao động và chưa qua đào tạo bài bản, Gateway cũng không có sự trợ giúp cần thiết với những người đưa đón chưa có kinh nghiệm như bà Quy. Chỉ sau khi cháu Long qua đời họ mới tăng cường người ra đón các cháu xuống xe. Bà Quy nói trước đó bà tự đưa các cháu vào phòng ăn và lúc ký sổ ghi bao nhiêu cháu đến ngày 6/8 cũng không có giáo viên nào tiếp nhận.
Như vậy hệ thống ghi tên và điểm danh các cháu tới trường mỗi ngày của Gateway cũng có vấn đề. Một là họ không ghi chính xác có bao nhiêu cháu đến trường. Nếu họ có ghi, họ cũng không điểm danh buổi sáng dựa trên danh sách đó vì nếu có người ta đã phát hiện ra bé Long vắng mặt và gọi cho người đưa đón hoặc gọi cho bố mẹ em.
Trường Gateway mà hai con tôi học trước đây ghi rõ họ điểm danh "chính xác" vào 9g00 sáng và 1g15 chiều mỗi ngày các em tới trường. Những ngày tôi đưa các cháu đến trường, các cô giáo chia nhau đón các cháu ở cổng trước và cổng sau. Tôi thường xuyên thấy cô hiệu trưởng tươi cười chào các cháu mỗi sáng. Nếu trường Gateway ở Hà Nội quên điểm danh sáng mà có điểm danh đầu giờ chiều thì có lẽ em Long vẫn có thể được cứu sống.
Cơ quan điều tra còn đang tiếp tục công việc của họ nhưng những lỗ hổng của trường Gateway mà giờ đã tự bỏ hai chữ "quốc tế" trong tên trường bằng tiếng Việt thì không cần phải có nghiệp vụ điều tra mới biết. Chỉ là những lỗ hổng đó do đâu mà có và ai phải chịu trách nhiệm mà thôi.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VOA, 30/08/2019
*********************
Có lẽ, chúng ta cần quỳ xuống
Tuấn Khanh, RFA, 29/08/2019
Trong cùng một thời điểm, tin tức về những đứa trẻ ở Việt Nam ập vào lòng nhân ái đang đau yếu của người Việt, không khác gì một cú knock-out chí mạng. Chúng ta - những người trưởng thành - đều lảo đảo theo những cách khác nhau.
Có lẽ, chúng ta cần quỳ xuống xin lỗi những gia đình mang khổ nạn, đang chịu những cái chết. Vì họ là đồng bào.
Cuối tháng 8/2019, bé Đặng Thùy Trâm 10 tuổi, theo bà ngoại đi mò cua bắt ốc mưu sinh ở Vịnh Cam Ranh bị nước cuốn đi mà chết. Nhưng cùng với cháu, là 4 nhân mạng gia đình nghèo khó ấy cũng chết chìm theo trong buổi nhặt nhạnh cuối cùng đó. Báo Tuổi trẻ cho hay.
Cũng trong tháng 8, chuyện 2 đứa bé gái sống trong gia đình bên nội, bị tất cả gã đàn ông cưỡng hiếp, ép làm nô lệ tình dục từ lúc 10 tuổi đến 17 tuổi. Thời gian súc vật đó kéo dài suốt nhiều năm ở Xã An Trường A, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, xóm làng ai cũng biết nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương cứ làm ngơ. Mới đây, một nhóm phụ nữ làm từ thiện đến tìm hiểu và tìm cách giải cứu cho em gái nhỏ, đã bị cả gia đình đó chặn đường, hành hung, dọa giết vì sợ bị cướp đi nguồn vui thú của họ. Chuyện đồi bại huyên náo đến mức quanh vùng đều biết, chỉ những người cần phải biết thì không.
Và cuối tháng 8, những tin tức ngày càng lộ rõ ở trường Gateway, Hà Nội, cho thấy một bé trai 6 tuổi đã chết oan khuất tại nhà trường, không như những giả thuyết đánh lạc hướng đầy tính nghiệp dư của công an điều tra và ban giám đốc nhà trường, nơi được nói đến là có liên quan đến việc làm ăn của con gái đương kim thủ tướng. Nếu không có giới truyền thông tự do trên internet, không có những phụ huynh xót xa, những người vô danh giận dữ lên tiếng vì sự mờ ám, có lẽ, mọi sự đã được dàn xếp trở thành một cái chết ngớ ngẩn không liên quan đến trường Gateway đang ăn nên làm ra. Theo kịch bản, bé sẽ được chết nhạt nhòa trong nền đạo đức xã hội chủ nghĩa. Không những bé trai đó, người phụ nữ đưa đón học sinh có lẽ cũng có một số phận không lành, vì sự bộc trực của bà.
Sống hay chết, trẻ em Việt đều đang bấp bênh trước những cửa ngõ vào đời, bất chấp đầy dẫy các hội, đoàn nhân danh các em mà được xênh xang, bất chấp các lời cam kết, tuyên thệ thơm phưng phức lấy ra từ các lò bánh vẽ mỗi ngày.
Số phận có công lý của nó. Những số phận nghèo hèn hay cao sang, đều có những kịch bản-công lý bất ngờ. Trong thế giới duy vật đắc chí hôm nay, mọi nỗ lực thực tế bằng tiền của hay địa vị để mưu cầu một vị trí vượt lên đồng loại, cũng không thể chọn lựa được màu của số phận. Ngay vào lúc nhà nước giương cao ngọn cờ mãi miết vinh thân phì gia, người dân chỉ nên lo kiếm cái ăn cái mặc, những chuyện khác "hãy để cho nhà nước giải quyết", những ví dụ ập đến, bộc lộ cốt lõi đang sụp đổ của một xã hội chỉ còn phục vụ ánh nhìn duy lợi.
Chết nhiều thật. Những con số người Việt chết hàng năm vì ung thư, tử nạn vì giao thông, chết vì tiêm chích, dịch bệnh, chết vì lũ lụt, chết trong đồn công an...trở nên là những cột mốc cao ngất, cao như một cường quốc về cái chết.
Khổ nạn nhiều thật. Những câu chuyện kể trong thời kết nối vũ trụ nghe mà sợ. Ô nhiễm tràn các con đường, bờ biển, đô thị. Đất đai bị cướp cho dự án, cho âm mưu, rừng núi trơ trọi và sông hồ cạn kiệt, người lên tiếng bị tù đày, tín ngưỡng truyền đời bị càn quét... đất nước chữ S ngày càng cong quặn vì những khổ nạn chất chồng.
Nhưng chúng ta, có thể đáng chết, có thể đáng phải nhận khổ nạn, nhưng con cháu chúng ta không đáng phải nhận những gì đang thấy, đang diễn ra hôm nay. Lẽ ra, những đứa trẻ Việt Nam phải có một cuộc sống khác, một tương lai khác. Lẽ ra, non nửa thế kỷ với một chính quyền thống nhất địa lý, trẻ em Việt phải được hưởng thụ một xã hội có một lộ trình tương lai khác.
Có lẽ, chúng ta cần phải quỳ xuống xin lỗi những đứa trẻ Việt Nam. Con cháu của một dân tộc đang chứng kiến sự nhu nhược, suy đồi và bế tắc từ cha anh của chúng. Khổ nạn hay cái chết của chúng không phải là may rủi, mà là sự thỏa hiệp và cam chịu tệ hại của chúng ta.
Có lẽ, chúng ta cần quỳ xuống xin lỗi những gia đình mang khổ nạn, đang chịu những cái chết. Vì họ là đồng bào. Vì họ cùng chia sẻ đất nước này với chúng ta trong thế kỷ bị nhà cầm quyền dẫn dắt vào mê lộ duy lợi, chỉ còn biết đến mình, tranh nhau vượt lên và hài lòng vì thấy mình đã khôn khéo hay khỏe mạnh nhất, để giành được chỗ đứng gần máng ăn của nông trại-người. Chúng ta xin lỗi vì đã mê mãi trong cuộc đua vô nghĩa, mà đau đớn nhất, con chuột đến nhất trong cuộc đua chuột, vẫn chỉ mãi là một con chuột.
Chúng ta cần xin lỗi tổ tiên, đất nước này. Vì lẽ nơi chốn đã cưu mang chúng ta, nhưng chúng ta đã quá hèn yếu và bất lực, đã để mặc cho những người cầm quyền tham danh hám lợi, đưa cuộc sống chúng ta thành một bàn cờ, mà mỗi nước đi chỉ thí mạng con người cho việc dựng lên những lâu đài mới, dòng tộc tự xưng và những bài hát màu hồng về số phận, khổ nạn, về cái chết của chúng ta, của chính con cháu chúng ta.
Tuấn Khanh
Nguồn RFA, 29/08/2019
***********************
Ôi may quá, mình vẫn còn quốc tịch Việt Nam
Cánh Cò, RFA, 28/08/2019
Câu chuyện đòi bỏ quốc tịch Việt Nam của Anh Gấu Phạm đang làm nhiều người tham gia bàn luận. Không khí không ồn ào, gân cốt như bàn về một người nổi tiếng nào đó của Việt Nam khi bị scandal, nhưng không kém chiều sâu khi nhiều người phân tích hành động của Anh Gấu Phạm một cách bình tĩnh và sáng suốt cho thấy mạng xã hội vẫn là nơi công bình nhất trước một sự kiện, cho dù đôi lúc vẫn có hiện tượng tát nước theo mưa nhưng cuối cùng thì sự thật vẫn được người ta cố gắng phanh phui để tìm cho được câu hỏi do người khác đặt ra.
Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Bà Quy muốn đối chất trực tiếp với lái xe
Anh Gấu Phạm là biệt danh, tên thật là Phạm Tuấn Anh với hơn 65.000 người theo dõi trên Facebook. Anh vừa gửi một lá đơn cho hầu hết các lãnh đạo cao nhất Việt Nam yêu cầu họ xem xét trường hợp của bà Nguyễn Bích Quy vừa bị tạm giam để điều tra vụ án bé trai chết tại trường Quốc tế Gateway.
Trong thư kiến nghị anh tỏ ra lo lắng về trường hợp bà Quy sẽ bị một thế lực nào đó dùng quyền hạn của mình để gán ghép tội cho bà Quy, anh viết :
"Nếu thực sự có việc lạm dụng quyền lực để đổi trắng thay đen thì vụ việc này dù nhỏ nhưng hàm chứa mọi yếu tố có thể dẫn đến sự bất đồng và mất niềm tin của người dân. Trong giai đoạn Việt Nam chuẩn bị trải qua cuộc chuyển giao lãnh đạo, tôi nghĩ rằng vai trò của sự ủng hộ và niềm tin của người dân lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng".
Nếu chỉ kiến nghị làm rõ việc công an điều tra thì không có gì đáng nói đàng này Gấu Phạm không liên can thân thiết gì tới người bị bắt hay nạn nhân đã chết. Anh đang sống và làm việc tại Washington DC và theo sự trình bày của anh trong lá đơn này thì anh từng hân hạnh được phục vụ hai đời Tổng thống Mỹ trong vai trò phiên dịch cho các lãnh đạo cấp cao khi họ thăm viếng Nhà Trắng, cụ thể là chuyến đi mới nhất vào tháng 7 năm 2015, Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm cùng Tổng thống Barack Obama tại phòng Bầu dục thì Anh Gấu Phạm là thông dịch viên cho hai nguyên thủ. Theo báo chí Việt Nam đây là cuộc gặp lịch sử trong chuyến công du Mỹ nhân dịp 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, 2 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Từ kinh nghiệm bản thân Anh Gấu Phạm viết tiếp :
"Đối với riêng tôi là người luôn trăn trở suy nghĩ xem làm sao có thể giúp quê hương Việt Nam mãi được hòa bình, thịnh vượng ; người dân Việt Nam được sống trong xã hội có kỷ cương, pháp luật nghiêm minh ; trẻ em Việt Nam được học hành và an toàn, thì việc ai đó lạm dụng quyền lực trắng trợn để đàn áp người hèn, kẻ yếu, nếu có, sẽ là một sự xúc phạm không thể tha thứ. Nếu bà Quy bị điều tra tắc trách và vì thế có thể bị kết án oan, thì trước ngày 2/9/2020 tôi xin gửi tới và mong ngài Chủ tịch chấp thuận Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam của tôi".
Và mạng xã hội bàn tán, tranh luận chung quanh việc thôi quốc tịch Việt Nam của Anh Gấu Phạm.
Đại đa số người tham gia đều cho rằng quốc tịch Việt Nam thì có gì đáng giá đâu để mà đem ra trao đổi với một vụ án xem ra đã đi vào thông lệ "án bỏ túi". Từ đó nảy sinh ra yếu tố khoe khoang hay huyễn hoặc mình đang là người nổi tiếng bởi vai trò thông dịch viên. Bài bác lá đơn rằng sẽ không ai đọc và có đọc họ cũng cười khẩy không hơn không kém.
Tuy nhiên nếu nhìn kỹ hơn về hiện tượng dùng quốc tịch như một mặc cả sẽ thấy ra được khoành khắc "nao lòng" của tác giả lá đơn.
Hơn ai hết sống giữa hai quốc gia dân chủ và cộng sản như tác giả thật khó mà tưởng tượng ra rằng anh không hiểu chút gì về đặc trưng của Cộng sản. Vì hiểu quá nhiều, quá sâu Anh Gấu Phạm đã dùng đến đồng tiền cuối cùng của mình trong ván bài từ bỏ quốc tịch. Anh tin việc từ bỏ quốc tịch của anh sẽ không làm cho đa số các lãnh đạo nao núng nhưng anh cũng tin rằng người từng nghe anh thông dịch tại Nhà Trắng sẽ nghĩ lại việc của anh đóng góp, nếu cho là như vậy, và sẽ có hồi đáp ít nhất là trên một văn bản nào đó do Ban tuyên giáo soạn thảo.
Anh cũng tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng nếu đi Mỹ trong lần tới dự kiến vào tháng 10 năm nay thì anh là ứng viên đầu tiên ông Trọng sẽ đề nghị. Anh đặt cược vào niềm tin ấy nên con bài "từ bỏ quốc tịch Việt Nam" đã được anh đặt xuống như một cách chứng tỏ niềm tin của mình vào người mà anh từng ngồi kế bên nghe và diễn đạt lời ông ta nói.
Có thể anh bị hội chứng "ào tưởng sức mạnh" như một số người nhẹ nhàng lên án nhưng biết đâu cái ảo tưởng ấy có thể chia sẻ một phần nào tính cách đồng bệnh tương lân vì ông Trọng cũng không kém gì Anh Gấu Phạm trong lĩnh vực này.
Mọi nỗ lực của anh nếu suy nghĩ sâu hơn người ta sẽ thấy rằng bà Quy chỉ là cái nguyên cớ khiến anh hành động vì tại Việt Nam trường hợp án oan như bà Quy đã và đang xảy ra cùng khắp mọi nẻo đường đất nước tuy nhiên bà Quy được mạng xã hội biết và lên tiếng vì đàng sau câu chuyện Gateway là một bí ẩn của tập đoàn tội ác mang nhãn hiệu giáo dục để không chế pháp luật.
Anh Gấu Phạm chẳng những lên tiếng công khai mà anh còn mang cả "credit" mà anh từng có ra đánh cược với cả một tập đoàn phía sau Gateway. Việc làm này của anh nhìn ở góc cạnh nào cũng không thấy sự vô ích hiện hữu vì anh đã làm đúng, làm đủ những gì anh có.
Người dân bình thường từng ký đơn khiếu kiện nhà nước hàng trăm lần nhưng chưa có ai đòi "bỏ quốc tịch Việt Nam" như Anh Gấu Phạm, kể cả Việt Kiều. Thái độ từ bỏ này là lá bài "phương diện quốc gia" dành riêng cho ông Trọng và ông Trọng phải biết điều này bởi nó nằm ngay tại thủ đô nước Mỹ nơi ông sẽ tới một lần nữa theo dự định.
Không ai tin tác giả bức kiến nghị yêu quốc tịch Việt Nam đến thế nhưng người ta tin rằng nếu dọa dẫm bỏ quốc tịch Việt Nam thì lần tới khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất Anh Gấu Phạm sẽ được "trao đổi" tại một căn phòng nho nhỏ nằm gần với kiot của hài quan cửa khẩu.
"Mỗi người làm theo cách của mình" miễn sao đánh động được người khác suy nghĩ và tiếp nối đó mới là quan trọng. Chúng ta không ai nhớ tới quốc tịch mình đang mang có giá trị thế nào thì có lẽ sau vụ này nếu mọi việc im lặng như không có gì thì cái quốc tịch Việt Nam không có giá trị gì như nhiều người vẫn tưởng, bằng ngược lại nếu yêu sách của Anh Gấu Phạm được nhà nước chính thức bàn bạc, phân tích thì may ra chúng ta còn yên tâm với cuốn hộ chiếu màu xanh lá cây rực rỡ của mình sẽ được các nước nâng niu, thèm khát.
Có nằm mơ cũng nên nằm mơ thấy được làm tỷ phú Mỹ đừng mơ thấy mình trở thành 40 tên cướp trong câu chuyện Alibaba. Tiếc thay chúng ta không có quyền "điều hành" giấc mơ của mình như ông Trọng đang điều hành đất nước.