Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/09/2019

Tại sao VTV lại dung túng cho hận thù dân tộc ?

An Viên

Dù tôn trọng quan điểm trái chiều, nhưng quan điểm "ngụy quân ; ngụy quyền" của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và Thiếu tướng Hoàng Kiên nên hạn chế thấp nhất về mặt truyền thông.

VTV1

Chương trình "Đối diện – Những thủ đoạn gây bất ổn xã hội" của VTV

Mới đây, trong chương trình "Đối diện – Những thủ đoạn gây bất ổn xã hội", VTV đã phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn (Nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân dội nhân dân Việt nam) và Thiếu tướng Hoàng Kiền (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Tư lệnh Công binh) về bộ sách Lịch sử Việt Nam 15 tập (của Viện Sử học Việt Nam). Hai ông đều cho rằng, đây là hiện tượng "xét lại lịch sử", nhằm xuyên tạc bản chất và ý nghĩa của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thậm chí là phục vụ cho những âm mưu chính trị thâm độc, là "diễn biến hòa bình".

Trước sự phản ứng của dư luận xã hội, VTV đã cho rút nội dung phần chương trình này trên website của đài.

Facebooker Phạm Tứ Kỳ trong một chai sẻ ngày 2/9, cho rằng : hai vị tướng anh hùng, từng vào sinh ra tử, lại từng giữ những cương vị lãnh đạo rất cao trong Quân đội Nhân dân Việt Nam không nói đùa. Họ nắm chắc kỷ luật của Đảng và của Quân đội, và hẳn cũng có ý thức đầy đủ với phát ngôn của mình.

Sở dĩ ông Phạm Tứ Kỳ đề cập như vậy là vì quan điểm của hai vị tướng nêu trên đi ngược lại với quan điểm của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Theo đó, việc bỏ cách sử dụng cụm từ "ngụy quân", "ngụy quyền", mà thay bằng các cụm từ "quân đội Sài Gòn", "chính quyền Sài Gòn" trong bộ sách trên là không có sai phạm về chuyên môn và chính trị. Như vậy, cách mà hai vị tướng lên án bộ sách là "phục vụ cho những âm mưa chính trị thâm độc", thì hẳn nhiên cũng gián tiếp lên án Ban tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có cả Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn.

Lấy trí nhân thay cường bạo

Đã từ lâu, cụm từ "ngụy quân ; ngụy quyền" trở thành một nhát dao cứa vào quan điểm "hòa hợp, hòa giải dân tộc". Nếu đặt nó trong tiến trình phát triển dân tộc, thì chính nó đã trở thành lực cản rất lớn. Tuy nhiên, cụm từ này ngày càng mờ nhạt trong đời sống và nhận thức người dân, bởi hơn ai hết, quá khứ đã lùi dần và nhu cầu bắt tay, cùng nhau kiến tạo tương lai mới là điều cần bàn đến. Do đó, nếu bộ sách Lịch sử Việt Nam 15 tập là sự tiến bộ về mặt nhận thức, thì Kết luận của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam là kịp thời và phù hợp với tiến triển thời đại, khi cho rằng bộ sách không có sai phạm về chuyên môn và chính trị.

Quan điểm nêu trên của Ban tuyên giáo cần phải phổ rộng mạnh hơn, sâu hơn trong tầng lớp đảng viên, đặc biệt là nhóm tướng lĩnh. Bởi trên hết, đó là quan điểm hợp thời.

Lịch sử là sự ghi nhận, không phải là chiếu lệ của thể chế. Không phải ngẫu nhiên mà sử học được xem là vũ khí văn hóa quan trọng góp phần ổn định và củng cố lòng người sau thời hậu chiến, và bản chất của sử chính là dẹp toan những mưa đồ gây hại cho sự thống nhất lòng dân. Không phải ngẫu nhiên mà từ thời phong kiến, các sử quan đều làm độc lập và không theo chỉ thị vua.

Quay trở lại với vấn đề, những tướng thời chiến là người chiến thắng trong chiến tranh, nhưng tư duy "ngụy quân ; ngụy quyền" lại biến họ trở thành những vật cản của xã hội. Sẽ khó có thể hòa hợp hay góp phần ổn định khi mà tư duy này khiến những người hai đầu chiến tuyến khó có thể bắt tay nhau để cùng xây dựng quốc gia, vì mục tiêu cường thịnh chung.

"Đối diện – Những thủ đoạn gây bất ổn xã hội", giờ đây, lại trở thành chương trình gây bất ổn xã hội.

Nhìn xa hơn, liệu Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Thiếu tướng Hoàng Kiền có hổ thẹn không, khi mà mà lần đầu tiên, một Đại sứ Mỹ, đến thắp hương cho hơn 1 vạn liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Chính cái tư duy cấp tiến và hòa hợp, tư duy đóng cửa chiến tranh và hướng tới tương lai như thế đã thu phục nhân tâm hàng triệu người Việt. Trong khi cái tư duy cũ kỹ và lỗi thời từ trong chiến tranh, tư duy của sự hằn học và đi ngược lại với giấc mơ "hòa hợp" của dân tộc đã tiếp tục khiến cả hai vị tướng, trong đó có một là anh hùng, bị phản ứng.

Hận thù không làm nên tương lai, bao dung mới làm nên điều đó. Nước Việt có đại thi hào Nguyễn Trãi, người có một quan điểm rất tiến bộ và nhân văn, "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,. Lấy trí nhân để thay cường bạo". Tại sao hai vị tướng là người Việt lại không học theo mà đua đòi "thù hận", trong khi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam lại làm rất tốt điều đó ? Bên cạnh đó, VTV là cơ quan truyền thông quốc gia, tại sao hẹp hòi đến mức dung dưỡng cho tinh thần "hằn học" đến như thế ?

An Viên

Nguồn : VNTB, 03/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 464 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)