Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/09/2019

Học giả Trung Quốc phê phán chủ trương ‘đường 9 đoạn’

Lý Lệnh Hoa

Lời người dịch : Dưới đây là bài viết của học giả Lý Lệnh Hoa (李令Li Linghua, sinh 1946, tốt nghiệp Học viện Hải dương Sơn Đông, nay là Nghiên cứu viên Trung tâm Thông tin Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc). Ông từng viết nhiều bài phê phán các sai lầm của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp về biển đảo với các nước xung quanh. Nguyên văn tiêu đề là "Kiên trì ‘Đường 9 Đoạn’, việc vạch ranh giới biển Nam Hải sẽ đi vào con đường bế tắc".

Nguyễn Hải Hoành

*****************

9doan1

Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Biển Đông [1] sau khi công bố đã được dư luận nước ngoài và Trung Quốc quan tâm. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần tỏ ý không tiếp thu, không tham gia, không thừa nhận vụ trọng tài Biển Đông do Philippines đưa ra. Tòa Trọng tài phán quyết rằng "Đường 9 Đoạn" ở Biển Đông không phù hợp luật quốc tế.

Điều đó khiến mọi người nhớ lại một câu nói sinh thời của cố Cục trưởng Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc La Ngọc Như : "Việc vạch ranh giới biển của Trung Quốc không được vạch đến tận cửa nhà người ta". Gợi ý này của ông đều thích hợp với việc vạch ranh giới biển tại Biển Đông cũng như biển Hoa Đông [2].

"Đường 9 Đoạn" quả thực đã mở rộng đến tận cửa nhà người khác, chiếm 85% toàn bộ vùng biển của Biển Đông, lại là một đường ảo [nguyên văn hư tuyến], thảo nào Philippines đưa việc đó ra kiện Trung Quốc.

Có bản đồ [của Trung Quốc] vẽ "Đường 9 Đoạn" cách bờ biển lục địa Việt Nam khoảng 50 hải lý, cách đảo Lý Sơn trên bờ biển Việt Nam 36 hải lý ; cách đảo Pulau Sekatung gần Indonesia nhất 75 hải lý ; cách bờ biển Kalimantan của Malaysia 24 hải lý ; cách bờ biển Brunei khoảng 30 hải lý ; cách đảo Balabac ở Đông Nam Philippines 35 hải lý, cách đảo Y’ Ami ở cực Bắc eo biển Luzon của Philippines 26 hải lý.

Như vậy tức là nói phạm vi của "Đường 9 Đoạn" do Trung Quốc chủ trương đã xuất hiện sự chồng lấn [nguyên văn trùng điệp] trên diện tích lớn với biên giới vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của các quốc gia khác ở duyên hải Biển Đông.

Nguyên tắc vạch biên giới biển được áp dụng rộng rãi trên quốc tế hiện nay dựa trên cơ sở trạng thái địa lý học bờ biển, gồm cấu hình bờ biển và chiều dài bờ biển. Khi thực hành vạch ranh giới biển, Trung Quốc không thể không tuân thủ nguyên tắc đó. Do kiên trì "Đường 9 Đoạn", việc vạch ranh giới biển Trung Quốc tất nhiên đi vào con đường bế tắc [nguyên văn tuyệt lộ].

Trên vấn đề chủ quyền đảo ở Biển Đông, Trung Quốc không chỉ có tranh chấp với Philippines. Để giải quyết vấn đề này, các bên đều cần thống nhất nhận thức với nhau. Trong việc vạch ranh giới biển, cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước yêu sách chủ quyền như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia có tính chung.

Trung Quốc kiên trì "Đường 9 Đoạn" (đường đứt khúc) có tính lịch sử nhưng các nước kia thì chủ trương vạch ranh giới biển căn cứ vào các Điều 74 và 83 trong "Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển [UNCLOS], theo đó quy định các nước ven biển được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Trong thời gian dài qua, hai bên giữ lập trường đối lập nhau. Đàm phán chỉ là chuyện tầm phào, lãng phí thời gian và tiền bạc nhà nước. Do tồn tại bất đồng về lãnh thổ đảo và ranh giới biển mà cuộc đàm phán vạch ranh giới biển bên ngoài cửa khẩu vịnh Bắc bộ giữa Trung Quốc với Việt Nam đã kéo dài hơn 10 năm [3]. Vì hai bên không chịu nhượng bộ, cho tới nay đàm phán không có bất kỳ tiến triển nào, khiến mọi người rất lấy làm tiếc.

Muốn Biển Đông trở thành biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị, các bên cần bình tĩnh lại, cùng nhau tiến lên, xem xét các vấn đề một cách toàn diện. Tất cả các bên tranh chấp nên trao đổi rộng rãi với nhau, hiểu biết lẫn nhau. Nên đề xướng kết hợp đàm phán song phương và nhiều bên để giải quyết tranh chấp. Đây cũng là nhu cầu thực tế bố cục toàn diện trong việc giải quyết vấn đề lãnh thổ và vạch đường ranh giới biển ở Biển Đông. Trung Quốc không thể chỉ áp dụng thế "tấn công" với một, hai quốc gia. Trong giải quyết tranh chấp Biển Đông mà chỉ áp dụng đàm phán song phương thì e rằng ngay cả các học sinh trung học, tiểu học Trung Quốc cũng cho rằng đây là chuyện căn bản không thể làm được.

Lý Lệnh Hoa

Nguyên tác : "坚持"九段线",南海海洋划界会走上绝路 李令"

Nguyễn Hải Hoành dịch từ nguồn tiếng Trung

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 11/09/2019

———————

[1] Nguyên văn chữ Hán là Nam Hải ; Việt Nam gọi là Biển Đông

[2] Nguyên văn chữ Hán là Đông Hải, tức vùng biển phía Đông Trung Quốc.

[3] Ý nói vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Quay lại trang chủ
Read 544 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)