Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/09/2019

Khi Quốc hội Anh khẳng định quyền hành

Lê Phan

LTS. Chính trị nước Anh vẫn không thể hiểu nổi như thường lệ. Ngày 28/08/2019, hơn một tháng sau khi lên làm thủ tướng Boris Johnson đã quyết định đình hoãn Quốc hội cho đến ngày 14/10. Tuy vậy Quốc hội Anh vẫn họp một cách hoàn toàn hợp lệ và biểu quyết ba nghị quyết chống thủ tướng (giành lại quyền làm chủ nghị trình Quốc hội, chống Brexit không thỏa thuận, chống giải tán Quốc hội và bầu lại). Như vậy Quốc hội Anh có đình hoãn không ? Như thể là tình hình chưa đủ phức tạp, ngày 11/9 tòa án Scotland lại phán quyết quyết định đình hoãn Quốc hội của thủ tướng Johnson là bất hợp pháp, và ông Johnson quyết định kháng án... ra tòa án London !

Bài sau đây của Lê Phan viết từ London theo lời yêu cầu của Thông Luận giúp chúng ta hiểu phần nào chính tình nước Anh.

Thông Luận

johnson0

Ngày 28/08/2019, hơn một tháng sau khi lên làm thủ tướng Boris Johnson đã quyết định đình hoãn Quốc hội cho đến ngày 14/10.

******************

Nền dân chủ Anh Quốc không có hiến pháp thành văn. Hiến pháp của nước Anh, khởi sự từ Hiến chương Magna Carta là một tập hợp của một số văn bản, tiền lệ, và sự tuân thủ của mọi người cho những thông lệ và truyền thống đó.

Nhưng trong các nguyên tắc căn bản của chính trị Anh có một điều tối quan trọng : Quyền hành nằm trong tay Quốc hội. Tiếng Anh dùng danh từ "Sovereign Parliament" để chỉ uy quyền của Quốc hội, hai chữ này nhằm diễn tả Quyền cai trị của Quốc hội. Sở dĩ như vậy là vì khi các triều vua Anh nhường quyền từ từ để giữ vị thế, ngay từ Hiến chương Magna Carta, thì quyền đó chuyển sang cho Quốc hội. Thủ tướng Anh trước hết phải là một thành viên của Quốc hội và ngay từ danh xưng, một thủ tướng chỉ là "primus inter pares - tức là người đứng trước giữa những người bình đẳng". Thủ tướng Anh không cầm đầu một định chế tương đương với Quốc hội như tổng thống Hoa Kỳ.

Chính vì vậy mà hành động của Thủ tướng Boris Johnson trong có chưa đầy 50 ngày kể từ khi ông nắm quyền đã tạo một sự chấn động cho chính trị Anh, và chính vì vậy ông đã đưa mình vào thế kẹt

Khi thủ tướng lợi dụng quyền ngưng họp, mà tiếng Anh gọi là "prorogue", thường theo thông lệ chỉ là một việc làm tạm trong một giai đoạn ngắn. Trong trường hợp hiện nay thường Quốc hội sau khi nhóm họp khóa mùa Thu có thể "prorogue" một thời gian ngắn để các đảng họp đại hội và sau đó trở lại làm việc. Nhưng lần này ông Johnson đã dùng cái thông lệ đó để chặn không cho các vị Dân biểu nhóm họp để có thể bỏ phiếu chống lại Brexit không có thỏa thuận.

Điều này đã tạo nên một cú shock. Sir John Major, một cựu thủ tướng, trong bài diễn văn đọc hôm thứ năm vừa qua đã nói "Tôi không thể tin là ngay cả bất cứ một thủ tướng tiền nhiệm nào – từ Pitt, đến Disraeli, đến Churchill, đến Thatcher – sẽ tính đến một hành động như vậy. Họ coi Quốc hội là quyền lực, không phải là một bù nhìn – chỉ có lợi khi nó chấp thuận ý muốn của Thủ tướng". Xin mở ngoặc, Thủ tướng William Pitt the Younger, vì cha ông cũng là thủ tướng, làm việc dưới trào vua George III, là vị thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Thống nhất, Thủ tướng Benjamin Disraeli, hai lần làm thủ tướng dưới thời Nữ hoàng Victoria.

Chính cú shock đó đã tạo nên khó khăn cho ông Johnson. Nó đã khiến các vị dân biểu bỏ phiếu áp đảo hôm thứ ba giành lại quyền kiểm soát Quốc hội, kể cả quyền làm luật và thông qua luật. Sang hôm sau, họ bỏ phiếu thông qua một đạo luật vốn buộc ông Johnson phải yêu cầu gia hạn thời hạn ly dị với Liên Hiệp Châu Âu. Khi thủ tướng nổi giận đưa ra luật để giải tán Quốc hội tổ chức bầu cử lại, một lần nữa ông thất bại, mà thất bại cay đắng nhất là vì 21 dân biểu trong đảng Bảo thủ của ông đã bỏ phiếu cùng với phe đối lập để đánh bại ông. Và cũng trong 24 giờ định mệnh đó, họ bỏ phiếu lần thứ ba từ chối yêu cầu của thủ tướng tổ chức bầu cử lần nữa.

Phải nói là say men chiến thắng, Thủ tướng Boris Johnson và nhất là ông cố vấn của ông, Dominic Cummings đã nghĩ là chiến lược của họ tuyệt hảo khi tuyên bố prorogue Quốc hội chỉ một tuần lễ sau khi nhóm họp khóa mùa Thu và nói Quốc hội sẽ tái nhóm vào ngày 14 tháng 10 chính phủ trình bày nghị trình cho năm tới qua bài diễn văn của Nữ hoàng.

Bình thường, quả là Quốc hội có nghỉ họp cỡ vài tuần để cho các đảng họp đại hội, nhưng đó là vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 và trước đó, Quốc hội có cả tháng để làm việc. Nhưng ông Johnson và ông cố vấn khôn ngoan của ông lợi dụng nới rộng vụ nghỉ bình thường này thành một cản trở cho công việc của Quốc hội.

Họ tin tưởng là Quốc hội sẽ không đủ thời giờ để làm gì cả vì như mọi cơ quan lập pháp khác, thủ tục Quốc hội Anh khá rườm rà, và một tuần lễ không đủ để họ ra luật cản thủ tướng trong việc thực hiện Brexit, có hay không có thỏa thuận. Họ cũng đã thấy Quốc hội bất lực đã mấy lần có những cố gắng để giành quyền kiểm soát hoạt động và nghị trình ra khỏi tay chính phủ dưới thời Thủ tướng Theresa May mà không thành.

Nhưng họ đã đẩy các vị dân cử Anh vào một cái thế phải hành động để bảo vệ một định chế dân chủ lâu đời nhất nhì của thế giới. Hôm thứ ba tuần rồi, khi Quốc hội nhóm họp và là khóa họp đầu tiên của Quốc hội với ông Johnson là thủ tướng, ngay khi thủ tướng vừa mở đầu khóa họp với một lời tuyên bố về Hội nghị G7, Dân biểu Phillip Lee, một bác sĩ, đã bước sang phía đối diện từ bỏ đảng Bảo thủ, khiến thủ tướng đã mất đa số chỉ có một phiếu và khiến chính phủ không có đủ đa số để cai trị.

Quốc hội Anh, cũng xin thêm, khác với nhiều Quốc hội khác, khi các vị dân cử ngồi đối diện với chủ tịch quốc hội, được sắp xếp để đảng cầm quyền và đảng đối lập nhìn nhau, phân cách bởi một đường đi ở giữa. Với sắp xếp như vậy, đi từ bên này sang bên kia trở thành một cử chỉ đầy kịch tính.

Sau giờ vấn đáp với thủ tướng, mà tiếng Anh gọi là Question time, một dự luật được đưa ra để giành quyền kiểm soát nghị trình khỏi tay chính phủ đã được thông qua với đa số áp đảo 328 chống 301, với 21 thành viên của đảng Bảo thủ của ông Johnson bỏ phiếu ủng hộ. Tức giận, ông Johnson đuổi 21 vị dân biểu này ra khỏi đảng Bảo thủ của ông. Trong số những nhân vật đó có hai cựu bộ trưởng tài chánh và Sir Nicholas Soames, cháu ngoại của Thủ tướng Winston Churchill. Để chứng tỏ sự kỳ cục của quyết định đó, ông Ken Clark, 49 năm làm dân biểu của đảng, và là một cựu bộ trưởng tài chánh, đã từ chối rời khỏi ghế ngồi, thản nhiên ngồi kế bên cựu Thủ tướng Theresa May bên phía của đảng Bảo thủ.

Ngay hôm sau, Dân biểu Hillary Benn bên Lao động đưa ra một dự luật mới cấm chính phủ không được ly dị với Liên Hiệp Châu Âu mà không có một thỏa thuận và dự luật cũng được thông qua chớp nhoáng. Khi thủ tướng đòi giải tán Quốc hội để bầu cử lại, một việc đòi hỏi phải có đa số hai phần ba, ông lại thua một lần thứ ba.

Sau đó, em ruột thủ tướng, ông Jo Johnson, thứ trưởng Giáo dục Đại học, từ chức và rút lui khỏi chính trị nói là ông không thể tiếp tục vừa giữ tình gia đình vừa bảo vệ tổ quốc được. Đến cuối tuần, bộ trưởng Amber Rudd của bộ xã hội từ chức bộ trưởng và từ bỏ đảng Bảo thủ, tuy vẫn tiếp tục là một dân biểu độc lập.

Như vậy tức là chỉ trong có sáu tuần lễ ông Johnson đã mất đa số, bị thua ba lần ở Quốc hội. Sự ra đi của bà Rudd sẽ càng làm cho chính phủ của ông Johnson ngày càng trở thành hoàn toàn thuộc phe Brexit. Bà Rudd ủng hộ ở lại Châu Âu.

johnson1

Chỉ trong có sáu tuần lễ ông Johnson đã mất đa số, bị thua ba lần ở Quốc hội.

Nhưng vấn đề Brexit này không phải là một hiện tượng mới. Nó xuất phát từ ngay khi những bước đầu của công trình kết hợp Châu Âu. Ngay chính Thủ tướng Winston Churchill, một trong những người vốn được cả Châu Âu lẫn Anh Quốc kính nể, cũng có một thái độ mập mờ về Châu Âu. Mặc dầu ông đọc bài diễn văn nổi tiếng năm 1946 ở Zurich kêu gọi thành lập một "Liên bang Châu Âu" nhưng như tờ Financial Times, dẫn lời sử gia Hugo Young giải thích "Churchill được gọi là cha già của ‘Châu Âu’, và ông nói nhiều điều để xứng đáng để được danh xưng đó. Nhưng ông cũng là cha già của sự hiểu lầm về vai trò của Anh trong Châu Âu. Ông khuyến khích Châu Âu hiểu lầm Anh, và Anh hiểu lầm chính mình". Bởi ông coi Anh là "bạn và bảo trợ" cho dự án Châu Âu nhưng không nói đến Anh Quốc trở thành thành viên. Ông đã từng viết "Chúng ta với Châu Âu nhưng không phải của Châu Âu. Chúng ta liên hệ nhưng không là thành phần". Chính sự mơ hồ đó đã ám ảnh liên hệ giữa Anh và các nước láng giềng kể từ khi đó, và kết cục là cuộc trưng cầu dân ý hôm 23 tháng 6 cho Brexit.

Chính vì vậy khi sáu quốc gia Châu Âu gồm Bỉ, Pháp, Ý, Luxembourg và Hòa Lan và Tây Đức ký kết Hiệp ước Paris thành lập Cộng đồng Than đá và Thép Châu Âu, Anh có được mời vào nhưng từ chối. Sau đó khi sáu quốc gia này ký Hiệp ước Rome thành lập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) năm 1957 Anh cũng từ chối.

Cũng vấn đề đó đã dẫn đến một sự chia rẽ trong hàng lãnh đạo Anh giữa một phe thân Châu Âu và một phe bài Châu Âu. Sự chia rẽ này trầm trọng hơn trong nội bộ đảng Bảo thủ nhưng cũng hiện diện trong đảng Lao động. Điều mỉa mai là lãnh tụ đảng Lao động hiện nay, ông Jeremy Corbyn là thuộc phe chống lại Châu Âu. Nay ông lại là người bảo vệ cho liên hệ giữa Anh và Châu Âu.

Trong đảng Bảo thủ, phe mà người Anh thường gọi là Euro-sceptics, luôn có một tiếng nói. Phe thiểu số nhưng quá khích này ôm hoài niệm về một nước Anh thời còn đế quốc, khi mà Anh Quốc chế ngự các đại dương trên một đế quốc mà mặt trời không bao giờ lặn. Hoặc họ coi liên hệ tự nhiên là với Hoa Kỳ chứ không phải với Châu Âu. Trong giai đoạn đầu khi tham gia EEC giúp Anh hồi phục, dân chúng ủng hộ Châu Âu, phe này chỉ thường là một sự bực mình cho các lãnh tụ đảng vốn đa số hiểu nhu cầu phải duy trì liên hệ với lục địa láng giềng. Họ thường xuyên đòi các cuộc trưng cầu dân ý về Châu Âu nhưng những đòi hỏi của họ bị lờ đi.

Trong những năm gần đây, nhờ tình hình rối loạn về di dân ở Châu Âu, sự thăng tiến của một phe cũng cực đoan không kém ở Hoa Kỳ, họ có thêm sự ủng hộ trong dân chúng, nhất là từ khi có đảng UK Independent Party (UKIP) của ông Nigel Farage ra đời. Cho đến thời Thủ tướng David Cameron họ cũng vẫn còn là một thiểu số ồn ào. Ông Cameron, sau khi thắng được cuộc trưng cầu dân ý về Scotland đòi độc lập, đã tin là ông cũng có thể thắng một cuộc trưng cầu dân ý về liên hệ với Liên Hiệp Châu Âu thành ra ông đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý để cho đám này im tiếng một lần cho xong. Cũng vì quá tự tin, ông rất cẩu thả trong việc chuẩn bị, từ ngay câu hỏi cho cuộc trưng cầu dân ý đến cả việc vận động. Và kết quả là phe ông Johnson trong đảng Bảo thủ liên kết với UKIP tổ chức một chiến dịch vận động với những tuyên bố hoàn toàn sai sự thật, nhưng cộng với bất mãn của vùng miền trung nước Anh vì toàn cầu hóa và sự đóng cửa của kỹ nghệ sản xuất, đã khiến phe ủng hộ Brexit thắng mặc dầu chỉ là 51,9% chống 48,1%.

Chắc chắn là không lâu nữa sẽ có một cuộc bầu cử. Anh Quốc, một trong những nền dân chủ lâu đời nhất, sẽ đang tiến dần đến sự bất ổn của Ý. Ông Johnson thắng sẽ dẫn đến triển vọng Anh sẽ ly dị với Châu Âu trong bất hòa và không có thỏa thuận. Như vậy chia rẽ trong xã hội Anh sẽ tiếp tục. Như Sir John Major đã nói "một nửa cử tri" là những người muốn ở lại với Châu Âu. Và do đó chính trị Anh sẽ còn tiếp tục xáo trộn và rối bời trong những ngày sắp tới. Như Tạp chí The Economist đã nhận xét "Trong một quốc gia mà hiến pháp dựa trên sự theo đuổi tục lệ và truyền thống, chỉ cần một đe dọa là thủ tướng không tuân thủ một đạo luật do Quốc hội thông qua cũng đủ mở đường cho một vòng vi phạm khác, dầu cho là chính phủ Bảo thủ hay Lao động".

Lê Phan

(London, 12/09/2019)

Quay lại trang chủ
Read 635 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)