Một số tài liệu mật liên quan đến vụ AVG do thứ trưởng bộ công an Tô Lâm ký vừa qua đã được tung lên mạng xã hội. Qua những tài liệu này cho thấy bộ công an đã có công văn ý kiến rằng nên bán AVG cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong nước để tránh trường hợp công ty truyền hình AVG rơi vào tay thế lực bên ngoài, đặc biệt là tình báo Hoa Nam.
Một số tài liệu mật liên quan đến vụ AVG do thứ trưởng bộ công an Tô Lâm ký vừa qua đã được tung lên mạng xã hội.
Xét về mặt an ninh quốc phòng, ý kiến của thượng tướng, thứ trưởng bộ công an hoàn toàn là có lý.
Nhưng hầu hết những lãnh đạo có ý kiến tham gia vụ Mobifone mua AVG đều nhận tiền lại quả từ Phạm Nhật Vũ, riêng Tô Lâm không nằm trong danh sách này, đó chính là điều mà những người tung công văn mật lên mạng xã hội muốn dư luận đặt câu hỏi về vấn đề kỳ lạ này.
Nay ông Tô Lâm đã mang hàm đại tướng, lên chức bộ trưởng công an, sinh năm 1957 ông sẽ có độ tuổi 64 vào năm 2021, độ tuổi mà các uỷ viên bộ chính trị vẫn còn hạn tham gia trong bộ chính trị (không quá 65 so với quy định của đảng).
Có lẽ việc ông ở lại Bộ Chính Trị vào khoá 13 tới, chính là nguyên nhân những đối thủ của ông lôi vụ AVG ra để cản trở con đường công danh của ông vào nhiệm kỳ tới.
Vụ AVG là vụ mà cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang theo đuổi nhiề u năm nay, ngay cả khi về hưu ông Sang vẫn tiếp tục đến các cơ quan phụ trách vụ việc này để hối thúc xử lý, cùng lúc ông Sang cấp tin tức cho những đệ tử làm báo liên tục đưa tin vụ việc AVG này lên báo chí, để gây sức ép buộc ông Nguyễn Phú Trọng phải chỉ đạo làm đến cùng. Mục tiêu của ông Tư Sang nhắm tới vừa qua là bộ trưởng công an Tô Lâm, có thể nếu trừ được Tô Lâm, ông Sang còn muốn trừ nhiều kẻ khác nữa.
Ông Nguyễn Phú Trọng đang mơ ước chiến dịch đốt lò của ông có những thanh củi lớn như bên Trung Quốc đã làm. Nói về điều này thì nói ngược chút về lịch sử, trong quá khứ thì khi quan hệ khăng khít, Việt Nam thường phải làm theo những gì mà Trung Quốc đã thực hiện. Như vụ cải cách ruộng đất, trăm hoa đua nở... Trung Quốc làm trước và ép Việt Nam làm theo.
Hiện nay Tập Cận Bình giữ hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước, Tập Cận Bình phát động đả hổ diệt ruồi, bắt uỷ viên Bộ Chính trị kết án tử hình.... ông Trọng thời gian sau cũng kiêm hai chức như vậy và chiến dịch đốt lò của ông Trọng cũng đã đưa được uỷ viên Bộ Chính trị vào tù, tướng công an , quân đội và tù. Ông chỉ còn thiếu một cái án tử hình cho quan chức cấp cao trong hàng ngũ cộng sản Việt Nam là làm tròn sứ mệnh cao cả của người cầm lái, để ông có thể vững chắc đi tiếp trong trường hợp sức khỏe cho phép hoặc về hưu trong ánh hào quang.
Cùng mục đích muốn mang vụ AVG ra xử nhưng mục đích của ông Sang và ông Trọng khác nhau. Ông Sang muốn quét sạch đám đối thủ với nhóm đàn em của mình, tạo cho Đại hội sắp tới những đàn em của mình nắm những chiếc ghế chủ chốt, qua đó ông thao túng được chính trường, làm thái thượng hoàng và đưa được người tình Đặng Hoàng Yến trở về nước trong ánh hào quang.
Ông Trọng thì khác chút, ông muốn được tiếng là thời kỳ của ông xử lý được nhiều vụ án lớn, bỏ tù được nhiều quan chức lớn, thậm chí là tử hình cả cựu uỷ viên trung ương đảng. Nhưng ông Trọng không thể chiều theo ý ông Sang mà đốt tất, điều đó có thể dẫn đến sự bất ổn cho thể chế. Ông Trọng đốt lò một cách cân nhắc sao cho khỏi ảnh hưởng đến sự tồn vong của đảng. Điều này chính ông đã nhiều lần bày tỏ như "đánh chuột không để vỡ bình" hay "chống tham nhũng là ta đánh ta" hoặc "chống tham nhũng nhưng phải giữ được chế độ".
Vụ mua bán AVG ông Trọng đã đạt được mục đích của mình, như thu hồi số tiền, xử lý cán bộ cỡ bộ trưởng, uỷ viên trung ương, đương chức và đã về hưu. Nếu không tiếp tục ở nhiệm kỳ sau, ông Trọng muốn sắp xếp cho đàn em của mình là Trần Quốc Vượng, Vương Đình Huệ giữ chức tổng bí thư và thủ tướng. Ghế quốc hội và chủ tịch nước sẽ lọt vào một đàn em của ông Ba Dũng là điều chắc chắn, còn chiếc ghế còn lại có lọt được vào tay ông Tư Sang hay không thì còn để ngỏ.
Có lẽ ông Trọng muốn hài hòa, trong 4 ghế tứ trụ thì đệ của ông 2, đệ ông Nguyễn Tấn Dũng 1, đệ ông Trương Tấn Sang 1.
Thế cuộc chia như vậy là khá hợp lý, nhưng ngặt nỗi một điều chỉ có một trường hợp quá tuổi ở lại Bộ Chính Trị thì ông Trọng đã dành cho Trần Quốc Vượng. Đệ tử của ông Sang không ai có điều kiện lọt vào tứ trụ Đại hội 13 vì quá tuổi.
Chính vì thấy nguy cơ không có người của mình lọt vào tứ trụ, ông Tư Sang quyết định chơi một bài cào bằng với ông Nguyễn Tấn Dũng, tức là nếu người của tao không có chân nào, thì người của mày cũng vậy.
Phe ông Tư Sang muốn gây sức ép với ông Trọng để đưa ra một danh sách tứ trụ bao gồm tổng bí thư là ông Trần Quốc Vượng, chủ tịch nước là ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng là Vương Đình Huệ , còn chủ tịch quốc hội sẽ là một người trung dung giữa các bên.
Hai ông Vượng, Huệ là đệ của ông Trọng, nhân vật thứ ba là trung dung khỏi cần bàn, còn ông Phúc thì vốn người tỉnh nào ông cũng cho thành thủ phủ, ông nào cũng là đại ca, kể cả ông Trọng, Sang, Dũng đều là đại ca của ông Phúc hết, thành ra ông Phúc cũng sẽ là nhân vật trung dung.
Ông Tư Sang cũng đe ông Phúc, nếu ngả theo ông Nguyễn Tấn Dũng , ông sẽ cho ông Phúc mất trắng không được gì.
Việc vừa rồi, ông Tư Sang cho tung tài liệu AVG liên quan đến đại tướng Tô Lâm, là nhằm chặn Tô Lâm đến chức chủ tịch nước.
Một mặt tung ra những tố cáo gây rối loạn nội bộ , mặt khác ông Tư Sang đưa ra một giải pháp khá ưng ý với ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Phú Trọng quyết định thế nào trước giải pháp mà ông Trương Tấn Sang đưa ra ?
Báo quân đội nhân dân cuối tháng 8 năm 2019 có bài viết nhan đề.
- Không để hiện tượng mượn phê bình để làm điều xấu.
Bài viết dẫn lời ông Hồ Chí Minh dạy rằng phê bình là trên tinh thần đoàn kết, thương yêu lẫn nhau...
Sau đó bài viết có đoạn rất đáng chú ý như sau.
"Phê bình không khách quan, không kịp thời nhắc nhở đồng chí, đồng nghiệp mà "tích lũy khuyết điểm" của người khác để kết tội. Với "chiếc áo" phê bình, họ kéo bè, kéo cánh để công kích những người không ưa, gây mất đoàn kết nội bộ, làm rối loạn cơ quan, đơn vị...".
Bài viết dường như muốn ám chỉ kẻ nào đó đã âm thầm tích luỹ khuyết điểm của đồng chí mình, rồi đợi thời cơ vì "lợi ích nhóm "mà tung ra triệt tiêu người khác, điều đó gây mất đoàn kết nội bộ.
Hẳn nhiên bài viết muốn ám chỉ phe ông Tư Sang gần đây tung ra những tài liệu mật tố cáo đại tướng công an Tô Lâm.
Tác giả của bài viết là một sĩ quan trẻ tên Hà Văn Thái, thuộc khoa Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, học viên chính trị Bộ Quốc phòng.
Tất nhiên người ảnh hưởng đến khoá Chủ nghĩa Xã hội Khoa học này không thể là Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng....người ảnh hưởng đến khoa này phải là người có lý luận, có học hành nghiên cứu về Chủ nghĩa xã hội nhiều năm.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã thông qua bài báo trên, đưa thông điệp bác bỏ yêu cầu của ông Trương Tấn Sang về xử lý đại tướng công an Tô Lâm.
Nếu ông Tư Sang không có đòn gì mới, không tiếp tục tung ra những tài liệu mật tố cáo đối thủ, ông phải dùng đến biện pháp dùng Đặng Thị Hoàng Yến kiện Nguyễn Tấn Dũng, đó là một đòn cảm giác được tung ra khi chẳng còn cách nào nữa, một cú đánh hú hoạ, nếu có trúng thì hậu quả còn phải vài năm nữa. Chẳng tòa án quốc tế nào có thể xử vụ kiện này trong vòng 1 hay 2 năm. Chưa kể họ có thụ lý xử hay không, có chế tài nào buộc ông Nguyễn Tấn Dũng phải ra tòa quốc tế để nghe luận tội...
Những cây bút một thời sẵn sàng hăng hái xung trận theo hiệu lệnh của ông Tư Sang hồi trước, nay đều có thái độ lưỡng lự.
Ông Tư Sang nếu không còn đòn gì tung ra tiếp để triệt hạ được ông Tô Lâm, ông chỉ còn cách duy nhất là ve vãn được Nguyễn Xuân Phúc , để vớt vát được chút ảnh hưởng của mình trong những nhân sự ở Đại hội 13 tới đây.
Về ông Tô Lâm, con đường đi tiếp của ông vẫn còn chưa khép, những công văn mật, tối mật kia đã bị hoá giải bởi bài báo của học viện chính trị bộ quốc phòng.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 11/09/2019