Lời tòa soạn : Từ tháng 5/2018, sau vụ Thủ Thiêm, Thông Luận đã đăng một loạt bài viết về thủ thuật loại trừ phe nhóm Hai Nhựt giành lại quyền lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh để sau đó giao lại cho những tập đoàn bất động sản đến từ Trung Quốc vào trực tiếp đầu tư (1). Dư luận trong và ngoài nước lúc đó không quan tâm và chỉ chú tâm vào vụ "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng. Nay tình hình đã qua nghiêm trọng buộc báo chí trong nước lên tiếng báo động : Việt Nam đang biến thành thuộc địa của Trung Quốc qua trung gian Đảng cộng sản Việt Nam và những "thực dân bất động sản", như Tập đoàn E-House, v.v.
Phối cảnh dự án D’. Palais Louis được Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đơn vị phân phối E-House, nhìn từ trên cao
Cơ quan chủ quản lãnh đạo kế hoạch đầu tư bất động sản ồ ạt vào Sài Gòn và vùng phụ cận (Đồng Nai-Biên Hòa) là Chính Hiệp Thượng Hải. Mặt trận Tổ quốc trung ương và Ban Bí thư thàu ủy Thành phố Hồ Chí Minh là hai cơ quan được Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam ủy nhiệm ký kết những văn bản cho phép doanh nhân Trung Quốc trực tiếp vào đầu tư, dưới hình thức Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment - FDI) để nắm giữ toàn bộ sinh hoạt kinh tế chủ yếu của Thành phố Sài Gòn.
Điều trớ trêu và cũng là nghịch lý ở Việt Nam là do không còn tin tưởng về sự bền vững và chính đáng của chính quyền cộng sản hiện hành, giới có tiền trong nước, kể cả gia đình quan chức đang tại chức, thay vì bỏ tiền đầu tư cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc lại ôm của ra nước ngoài mua nhà tậu đất, nhiều nhất là Bắc Mỹ và Tây Âu - một hình thức trốn chạy và đào nhiệm. Tình trạng này giống Sài Gòn trước ngày 30/04/1975, chính quan chức chính quyền tổ chức chuyển tiền ra nước ngoài để trốn chạy.
Dưới đây là loạt bài viết về bất động sản chưa bị kiểm duyệt đăng trên những tờ báo lớn phát hành trong nước.
Nguyễn Văn Huy
(1) Những thỏa thuận hậu Thành Đô 4 - Khu đô thị mới Thủ Thiêm
****************
Lo ngại doanh nghiệp ngoại thâu tóm bất động sản
Phan Diệu, Một Thế Giới, 11/09/2019
Trước làn sóng doanh nghiệp bất động sản ngoại đổ vào Việt Nam gần đây, nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm, thất bại ngay trên sân nhà.
Doanh nghiệp bất động sản "ngoại" đang thâu tóm nhiều dự án thông qua các thương vụ M&A - Ảnh : Internet
Thông tin từ Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua phản ánh từ báo chí, nhiều chuyên gia lo ngại doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm, thất bại trước làn sóng doanh nghiệp bất động sản ngoại đổ vào Việt Nam. Về vấn đề này, thành phố nói rằng sẽ sớm nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Vài năm trở lại đây, bất động sản đang trở thành ngành dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/6, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản là 1,32 tỉ USD. Trong số các ngành, vốn vào bất động sản vẫn chiếm vị trí thứ hai với tỷ trọng 7,2%.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong nửa đầu năm 2019, thành phố có 572 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 528 triệu USD. Đồng thời, có thêm 137 lượt dự án với tổng vốn đăng ký thêm 285 triệu USD. Ngoài ra, còn có 2.209 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đạt 2,27 tỉ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ.
Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp FDI vào Thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 3 tỉ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng đầu về vốn đăng ký với 26 dự án, vốn đạt 225,9 triệu USD, chiếm 42,7% tổng vốn dự án được cấp phép mới.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh - Giám đốc cấp cao Thị trường vốn JLL Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, xu hướng dịch chuyển lĩnh vực sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho cả khu vực, bao gồm cả Việt Nam. Các nhà đầu tư đang không ngừng tìm kiếm tài sản công nghiệp và hậu cần, thông qua liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp địa phương hoặc mua lại quỹ đất và các bất động sản đang hoạt động.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đang khiến doanh nghiệp địa ốc gặp nhiều thách thức.
Phan Diệu
Nguồn : Một Thế Giới, 11/09/2019
*******************
Đừng để người dân bị "vắt kiệt" để "nuôi béo" khối FDI
Bùi Trinh, TBKTSG, 11/09/2019
Mới đây Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Điều này thể hiện sự quan tâm và đưa ra một góc nhìn mới của Đảng với vấn đề đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị tăng cường thu hút FDI nhưng cần phải lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với chiến lược là nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất, hàm lượng công nghệ; tăng cường hoạt động thẩm định, chọn lọc một cách kỹ càng. Ảnh minh họa : TTXVN
Trong hai năm 2018-2019, Bộ Chính trị có ba Nghị quyết đáng chú ý liên quan vấn đề doanh nghiệp, đầu tư. Thứ nhất là nghị quyết về kinh tế tư nhân, được coi là động lực kinh tế quan trọng. Lần đầu tiên đánh giá kinh tế tư nhân quan trọng như vậy. Thứ hai là nghị quyết về doanh nghiệp nhà nước nhằm đẩy nhanh cổ phần hóa và bây giờ là nghị quyết về đầu tư nước ngoài (FDI). Nghị quyết đưa ra đánh giá thành quả quan trọng của việc thu hút đầu tư FDI đồng thời vạch ra khiếm khuyết và giải pháp. Như vậy có thể thấy nghị quyết của Đảng nêu cao vai trò quan trọng của doanh nhân và xác định doanh nghiệp là đội quân chủ lực kinh tế đất nước. Cùng với kinh tế nhà nước, tư nhân, đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn. Câu hỏi đặt ra là :
Thứ nhất, Chính phủ, bộ, ngành có nên coi thu hút đầu tư nước ngoài như thành tích để đưa vào báo cáo theo nghĩa thu hút vốn đăng ký càng nhiều, dự án nước ngoài càng nhiều thì càng thành công ?
Khi vẫn còn tư tưởng thành tích trong thu hút đầu tư nước ngoài, sẽ dẫn đến cấp phép ngược với chủ trương của Đảng, như vậy, khó tránh khỏi tác động không tốt đến môi trường và ảnh hưởng vấn đề an ninh quốc phòng. Do đó, các bộ phải thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài. Đi kèm với đó là chế tài xử lý sai phạm thu hút đầu tư nước ngoài. Ví dụ vai trò trách nhiệm của bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh ra sao khi dự án nước ngoài đầu tư địa phương không hiệu quả, gây ô nhiễm, bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra, chúng ta tôn trọng nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải có thái độ công bằng giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước ở cả các chính sách về thuế, về tiếp cận đất đai. Phải có biện pháp kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng nơi đặt dự án là "thế giới riêng" của doanh nghiệp nước ngoài...
Thứ hai, nghị quyết nói đến vấn đề không chấp nhận dự án đầu tư nước ngoài đưa công nghệ lạc hậu, thay vào đó là công nghệ hiện đại tiên tiến. Đây là định hướng quan trọng, có ý nghĩa lớn để tránh việc Việt Nam trở thành "bãi rác" công nghiệp. Thế nhưng, một vấn đề nảy sinh từ thực tế cho thấy dù doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ hiện đại vào nhưng lại không chia sẻ, không cho người lao động Việt Nam tiếp cận. Như vậy vấn đề công nghệ hiện đại nhưng việc tiếp cận, chuyển giao từ doanh nghiệp nước ngoài có diễn ra không ? Nếu công nghệ hiện đại nhưng chúng ta chỉ làm thuê và làm công việc gia công thì cũng không có ý nghĩa.
Thứ ba, vấn đề là hiệu quả của doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế Việt Nam là gì ? Doanh nghiệp FDI được hưởng lợi từ chính sách thuế, đất đai, lao động giá rẻ, sử dụng năng lượng. Những doanh nghiệp này làm ăn rất hiệu quả, tiền họ có thể giữ lại tái đầu tư, họ cũng có thể chuyển về công ty mẹ (hoặc nước mẹ).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017 chi trả sở hữu ra nước ngoài khoảng 11 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, cần đặt ra hiệu quả của doanh nghiệp FDI là hiệu quả cho ai ? Nếu chỉ hiệu quả cho bản thân các doanh nghiệp FDI thì họ đang rất hiệu quả; trong khi nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam ngày càng bị hao hụt thông qua chỉ số để dành ngày càng nhỏ.
Điều này khiến người ta có cảm giác doanh nghiệp nội và người dân Việt Nam đang bị vắt kiệt để nuôi béo khối FDI qua chính sách thuế (doanh nghiệp FDI được ưu đãi quá nhiều, trong khi người dân và doanh nghiệp nội bị tận thu qua thuế, phí và cả các khoản đóng góp mang tên xã hội hóa).
Đây là vấn đề cốt lõi cũng là câu hỏi được đặt ra. Doanh nghiệp nước ngoài ưu đãi về đất, thuế... nhưng hiệu quả mang lại cho Việt Nam là gì ngoài chất thải gây ô nhiễm nước, không khí và chất thải rắn khác ?
Bùi Trinh
Nguồn : TBKTSG, 11/09/2019
*****************
Người Trung Quốc "núp bóng" thâu tóm đất : Không đơn thuần coi là quan hệ thương mại
Hà Vũ, VnEconomy, 04/06/2019
Chúng tôi không coi đơn thuần đó chỉ là những vấn đề về quan hệ thương mại, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc về người Việt đứng tên mua đất đai cho người Trung Quốc, sáng 4/6 tại Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh : Quovhoi.vn
Như đã thông tin, hồi âm ý kiến cử tri, Bộ Công an đã nêu tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, khu vực biên giới biển, biên giới đất liền; thâu tóm các vị trí đất đẹp, trung tâm.
Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn, Bộ trưởng có coi đó là những giao dịch thương mại không hay đó là những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và Bộ có quan tâm và để giải quyết dứt điểm chuyện này không?
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời, vấn đề mua đất đai của người nước ngoài, Bộ coi đó là một mặt phát triển quan hệ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, cho nhà đầu tư trong môi trường kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, bảo đảm an ninh trật tự luôn là nhiệm vụ quan trọng.
"Chúng tôi không coi đơn thuần chỉ là những vấn đề về quan hệ thương mại, ở mức độ thế nào, tập trung thế nào hoặc đối với những dự án nào, khu dân cư nào, theo phát triển, theo mật độ người nước ngoài ở mức độ như thế nào để bảo đảm được vấn đề an ninh quốc gia chúng tôi sẽ có tính toán, đề xuất, biện pháp để báo cáo với cơ quan chức năng phối hợp với các ngành, kể cả thương mại và xây dựng để quản lý những vấn đề này", Bộ trưởng cho biết.
Một "điểm nhấn" đáng chú ý khác tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) hỏi, vì sao số lượng tướng lĩnh của ngành công an thời gian qua đến mức phải xử lý bằng chế tài hình sự nhiều đến như vậy ? Ai là người chịu trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm những cá nhân này.
Từ vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói : "vấn đề tướng vi phạm hình sự thì đã được xử lý, không có khoảng đất nào trống cho các vị tướng công an mà vi phạm pháp luật đã bị xử lý. Còn trách nhiệm ai đề bạt, bổ nhiệm thì Quốc hội biết rồi. Để bổ nhiệm một vị tướng phải đúng pháp luật quy định mà Quốc hội đã ban hành các bước quy trình. Khi bổ nhiệm người ta tốt thì bổ nhiệm nhưng sau đó người ta vi phạm pháp luật thì xử lý. Chuyện rất bình thường. Tôi nghĩ câu này thì Bộ trưởng khỏi trả lời".
Tín dụng ngân hàng về tận xã, sao tín dụng đen vẫn tăng ?
Một trong những vấn đề trở đi trở lại trong phiên chất vấn người đứng đầu ngành công an là trấn áp tội phạm tín dụng đen.
Trong khi hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng được tổ chức từ trung ương đến cấp xã, tại sao hoạt động tín dụng đen gia tăng trọng thời gian gần đây? Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và có giải pháp gì để ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu câu hỏi.
Một số vị đại biểu khác cũng "truy" Bộ trưởng giải pháp căn cơ cho "đại dịch" tín dụng đen.
Trả lời chung về những chất vấn này, Bộ trưởng cho biết không chỉ người cho vay mà người đi vay cũng có nhiều dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm, nếu sản xuất kinh doanh bình thường thì rất khó để có đủ điều kiện kinh doanh để có thể trả lãi cao lên tới 300%.
Người đi vay cũng có mục tiêu sử dụng trong những việc vi phạm pháp luật, việc không lành mạnh như cờ bạc, buôn bán hàng lậu, gian lận về thương mại. Người ta cần khoản tiền rất nhanh ngay trong một phi vụ thì người ta bất chấp lãi suất của các tổ chức tín dụng, sẵn sàng để huy động những việc đó, hoặc là lừa đảo, Bộ trưởng giải thích.
Vẫn theo Bộ trưởng thì đằng sau các tổ chức tín dụng đen là tổ chức tội phạm. Những người lập ra các quỹ tín dụng đen cho vay, đằng sau những ông chủ đó bản thân là đối tượng hình sự hoặc nếu không thì cũng nuôi, chăn dắt một số lượng đối tượng hình sự để phục vụ mục tiêu hoạt động tín dụng đen của mình.
Nếu không thực hiện được trong thời gian vay tín dụng đen với lãi suất cao như thế thì dùng những đối tượng xăm trổ, những đối tượng hình sự đến đe dọa, đòi nợ thuê, gần như đến cướp ngày, Bộ trưởng nói.
Trước phiên chất vấn, tại báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm đã "hứa" thời gian tới sẽ tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ, phát hiện, kịp thời triệt phá các băng nhóm tội phạm hình sự ngay từ khi mới manh nha hình thành, không để hoạt động theo kiểu "xã hội đen"; không để tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" phức tạp trở lại.
Hà Vũ
Nguồn : VnEconomy, 04/06/2019
****************
Núp bóng người Việt, người Trung Quốc thâu tóm "đất đẹp" tại Việt Nam
Nguyên Vũ, VnEconomy, 02/06/2019
Có tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt thâu tóm các vị trí đất đẹp ở Việt Nam.
Theo Bộ Công an, có tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản.
Gửi kiến nghị tới Chính phủ, cử tri Đà Nẵng phản ánh tình trạng ở các địa phương, vùng miền của đất nước đều có sự xuất hiện của người Trung Quốc, nhất là các dự án kinh tế, nhà máy đặt ở các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia, như bô xít ở Tây Nguyên, Formosa ở Hà Tĩnh... và khu vực dọc theo bờ biển của miền Trung.
Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có sự xem xét cẩn trọng, cảnh giác với thực trạng này để đảm bảo vấn đề an ninh chủ quyền quốc gia.
Tại văn bản trả lời, Bộ Công an cho biết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, hiện đang triển khai 6.175 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 65 tỷ USD. Các dự án của Trung Quốc có ở hầu hết các địa phương, tập trung chủ yếu ở thành phố lớn, khu kinh tế trọng điểm, các tỉnh ven biển, biên giới và trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo đánh giá của Bộ, các dự án của Trung Quốc đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung, các vùng miền có dự án đầu tư nói riêng, tuy nhiên, một số dự án do Trung Quốc làm chủ đầu tư còn một số vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Như, một số dự án bỏ vốn đầu tư thấp, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, giá thành rẻ, chất lượng thấp, thời gian thực hiện kéo dài. Nhà thầu Trung Quốc chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, lợi dụng kẽ hở quy định về quản lý lao động, quản lý xuất, nhập cảnh để đưa lao động phổ thông vào Việt Nam hoặc sử dụng lao động người Trung Quốc trái phép (không có giấy phép lao động, sử dụng visa du lịch, làm giả giấy tờ, hồ sơ hợp pháp hóa lãnh sự)...
Bên cạnh đó là tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, khu vực biên giới biển, biên giới đất liền; thâu tóm các vị trí đất đẹp, trung tâm... văn bản trả lời nêu rõ.
Ngoài ra, số lượng người Trung Quốc vào Việt Nam du lịch, công tác, học tập tăng nhanh đi cùng với nhu cầu sở hữu, thuê, mua nhà ở tập trung đông đúc, lập gia đình, sinh con nhưng không đăng ký với chính quyền địa phương. Nhiều trường hợp không tuân thủ pháp luật Việt Nam, gây mâu thuẫn với người dân địa phương, thậm chí sang Việt Nam hoạt động phạm tội, trốn truy nã...
Trước tình hình đó, Bộ Công an đã tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, kiểm tra, giám sát các dự án.
Bộ cũng kiến nghị các bộ, ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến năng lực, điều kiện hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khắc phục tình trạng dự án "treo", nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, chuyển nhượng dự án trái phép...
Đồng thời, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung điều tra, nắm tình hình hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, kịp thời phát hiện các vi phạm về hợp đồng, tiêu chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo yêu cầu về môi trường, sử dụng lao động trái phép... để đề xuất biện pháp xử lý; nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại đối với người nước ngoài tại Việt Nam...
Liên quan đến vấn đề trên, vừa qua, qua giám sát về quản lý sử dụng đất đai đô thị, đoàn giám sát của Quốc hội cũng đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.
Nguyên Vũ
Nguồn : Người Đô Thị, 04/06/2019
******************
Bất động sản Việt 'nóng' vì nhà sản xuất Trung Quốc dịch chuyển
Quang Huy, Pháp Luật, 28/04/2019
Xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á đang mang đến nhiều cơ hội cho phân khúc bất động sản công nghiệp.
Nguồn cung bất động sản công nghiệp tại Việt Nam tăng trưởng để hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc. Ảnh minh họa
Nghiên cứu thị trường của công ty CBRE Việt Nam cho biết trong năm 2018, thị trường ghi nhận sự gia tăng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Xu hướng này không quá mới khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục tăng khiến cho việc di dời trở thành một sự lựa chọn khả thi về mặt tài chính đối với nhiều nhà sản xuất.
UBS Evidence Lab đã thực hiện cuộc khảo sát vào tháng 11.2018, dựa trên phản hồi từ hơn 200 công ty sản xuất có lượng xuất khẩu đáng kể hoặc cung cấp cho các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc.
Theo CBRE, trong tương quan đến quy mô kinh tế của các nước ASEAN, Việt Nam có thể sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất này do các chỉ số kinh tế quan trọng của Việt Nam như tăng trưởng GDP, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lạm phát vẫn duy trì ở mức tích cực.
Trong khi đó, Chính phủ tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và giúp cho những nhà sản xuất tiếp cận được tốt hơn với các thị trường xuất khẩu chính bằng việc tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Dự báo cho các quý còn lại năm 2019 và cả năm 2020, CBRE cho rằng nguồn cung bất động sản công nghiệp tại Việt Nam tăng trưởng để hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc.
Để phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp nước ngoài có thể tìm đến những đối tác trong nước với kinh nghiệm và quỹ đất lớn để giúp quá trình thâm nhập thị trường của họ được diễn ra nhanh hơn.
Ngoài ra, với thị trường và khách thuê đang ngày càng am hiểu, chủ đầu tư cần đa dạng sản phẩm cho thuê gồm đất cho thuê, nhà xưởng và kho xây sẵn cho thuê, bán xưởng, bán và cho thuê lại để mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng.
Tại một số vị trí chiến lược, CBRE cũng nhận thấy nhà xưởng xây sẵn cũng đang thay đổi, với nguồn cung dịch chuyển từ nhà xưởng một tầng truyền thống thông thường sang nhà xưởng cao tầng, khoảng từ 2 đến 6 tầng. Dù hiện tại nguồn cung nhà xưởng cao tầng còn hạn chế, đây có thể sẽ là một xu hướng mới khi Việt Nam mong muốn thu hút các ngành công nghệ cao và công nghiệp nhẹ, dạng ngành nghề đòi hỏi nhà xưởng chất lượng cao.
Quang Huy
Nguồn : Pháp Luật, 04/06/2019
*********************
Vì sao khách Trung Quốc ồ ạt mua căn hộ cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh ?
An Chi, The Leader, 27/12/2018
Khách hàng người Trung Quốc đang ngày càng quan tâm tới thị trường bất động sản Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ sông Sài Gòn.
Diễn biến lạ trên thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh
Phân khúc căn hộ hạng sang tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây đang nhận được sự quan tâm rất lớn của thị trường với mức giá cao kỷ lục.
Đáng chú ý như dự án Alpha City (số 87 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1) với giá bán từ 8.000 - 10.000 USD/m2 tùy vị trí căn hộ, chưa tính thuế VAT và phí bảo trì. Đây được xem là dự án căn hộ có mức giá cao nhất hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tập đoàn Novaland cũng vừa tung ra thị trường 1.000 căn hộ dự án The Grand Manhattan tại trung tâm Quận 1 với giá từ 6.000USD/m2.
Trước đó, Novaland cũng đã mở bán một dự án căn hộ tại đường Thi Sách (Quận 1) với mức giá khoảng 4.500 USD/m2. Công ty SonKim Land cũng xây dựng 45 căn biệt thự trên không Serenity Sky Villas ngay góc đường Điện Biên Phủ và Trần Quốc Thảo (Quận 3) với giá khoảng 120 triệu đồng/m2.
Giá cao "ngất ngưởng" nhưng theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, một số dự án căn hộ có giá bán 150 - 200 triệu/m2 tại các khu trung tâm đang được giới thượng lưu và khách nước ngoài rất quan tâm. Lượng cung căn hộ siêu sang trong quý III/2018 đạt 1,5% với 135 căn, tỷ lệ hấp thụ đạt tới 100%.
Đặc biệt, các dự án siêu sang tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm rất lớn của khách nước ngoài. Bằng chứng cho sự sôi động này là tại các dự án có vị trí tốt, chất lượng đạt tiêu chuẩn từ các chủ đầu tư uy tín, lượng khách nước ngoài luôn chiếm hết room dành cho khối ngoại.
Theo thống kê dựa trên các giao dịch thông qua CBRE ở phân khúc căn hộ cao cấp và hạng sang, trong 9 tháng đầu năm 2018 tỉ lệ người nước ngoài mua căn hộ dựa trên giao dịch của CBRE chiếm 76%.
Đáng chú ý, số lượng khách mua là người Trung Quốc chiếm tới 31% tổng số giao dịch của CBRE, so với chỉ 4% trong năm 2017 và 2% trong năm 2016.
Bên cạnh đó, càng ngày càng có nhiều sự quan tâm đến từ các khách mua chưa từng đặt chân tới thị trường Việt Nam. Nếu như trước đây khách nước ngoài mua nhà chủ yếu là những người sống và làm việc ở Việt Nam lâu năm thì hiện nay nhờ có sự chủ động tiếp thị từ các chủ đầu tư tại thị trường nước ngoài nên các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài biết tới Việt Nam nhiều hơn và nhiều người trong số họ đã quyết định mua ngay cả khi chưa hề đặt chân tới Việt Nam.
Điều này cho thấy ngoài nhóm khách hàng là những người đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhóm khách hàng đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài cũng có sự quan tâm rất lớn đến thị trường căn hộ trong nước, xác định được dự án hoặc sản phẩm mà mình quan tâm để sang Việt Nam tham quan dự án và tiến hành thủ tục ký kết hơp đồng.
Mặc dù đơn vị này cho rằng, số liệu khách hàng Trung Quốc mua nhà tăng mạnh chỉ là số liệu thống kê thông qua sàn giao dịch của CBRE và ở phân khúc hạng sang, cao cấp, do đó, con số này chỉ mang tính chất tham khảo, không đại diện cho toàn thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy một xu hướng mới của thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, rõ ràng người Trung Quốc đang ngày càng quan tâm tới thị trường căn hộ Việt Nam nhiều hơn so với trước và xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
"Điều này thực ra cũng chưa có gì đáng lo ngại bởi Việt Nam cũng đã có quy định hạn chế người nước ngoài mua ở mức 30% trong tổng số căn hộ của một toà nhà chung cư, khu đô thị. Mặt khác, xét trên toàn bộ thị trường, số lượng khách hàng mua nhà là người Việt Nam vẫn chiếm đa số, lên tới 90 - 95%", bà Dung nhận định.
Đâu là nguyên nhân ?
Lý giải việc bất động sản hạng sang tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hút khách hàng nước ngoài, đặc biệt là các khách hàng Trung Quốc, CBRE cho rằng, nguyên nhân chính là do từ năm 2015 Việt Nam bắt đầu mở cửa cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu bất động sản tại Việt Nam.
Thêm nữa, các chủ đầu tư Việt Nam cũng chủ động mang các dự án sang nước ngoài giới thiệu. Nếu như năm 2016 - 2017, các chủ đầu tư mang dự án sang chào tại Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) thì năm 2018, họ mang các dự án của mình sang cả Bắc Kinh và Thượng Hải.
Bên cạnh đó, một trong những lý do chính khiến nhà đầu tư Trung quốc quan tâm hơn đến việc đầu tư vào thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh là vì họ nhìn thấy được sự tương đồng trong phát triển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).
Cách đây 30 năm, Thượng Hải gần như giống Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay với nhiều khu đất trống và nhà thấp tầng. Trong quá trình phát triển hàng chục năm qua, giờ đây Thượng Hải là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới kéo theo đó là giá bất động sản tăng lên rất nhiều lần.
Cụ thể, theo số liệu của CBRE thì trong vòng 20 năm từ năm 1995 – 2015 giá căn hộ tại khu vực trung tâm phố Đông, Thượng Hải có thời điểm lên đến 180.000 NDT/m² tương ứng hơn 600.000.000 VND/m² còn giá cho thuê văn phòng trong giai đoạn này tăng gần gấp đôi.
Trong khi đó, nói đến giá phân khúc hạng sang mà khách hàng Trung Quốc quan tâm, CBRE nhận định năm 2017, thị trường thậm chí không ai nói tới phân khúc hạng sang nhưng đến nay đã có vài dự án với giá 5.000 - 6.000 USD/m² thậm chí lên tới 9.000 USD/m². Do nguồn cung còn quá ít nên dự báo giá căn hộ trong phân khúc này sẽ còn biến động trong thời gian tới.
Nói về sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc căn hộ hạng sang tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, ông Richard Leech, Tổng quản lý cấp cao mảng thương mại Alpha King cũng cho rằng, mặc dù Việt Nam là quốc gia thu nhập trung bình thấp nhưng cũng giống như các quốc gia khác, thành phố và đô thị của Việt Nam đang phát triển rất nhanh.
Kéo theo đó là thu nhập người dân tăng lên sẽ thúc đẩy mong muốn có nơi ở tốt hơn với chất lượng cao hơn. Hiện giá bất động sản tại đây đang ở mức cao nhưng các chủ đầu tư vẫn có thể phát triển dự án và bán được hàng.
"Tôi tin rằng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành thành phố toàn cầu và đến lúc đó, những vị trí tại trung tâm thành phố sẽ ngày càng khan hiếm hơn, đó chính là cơ hội của bất động sản cao cấp, siêu sang", ông Richard Leech nhận định.
An Chi
Nguồn : The Leader, 27/12/2018
**********************
Nhà đầu tư Trung Quốc âm thầm gom đất ở nhiều nơi
Thùy Linh, Người Đô Thị, 18/12/2018
Theo thống kê của CBRE, trong chín tháng đầu năm 2018, tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt 31%, trong khi người Việt Nam chỉ đạt 24%.
Trong chín tháng đầu năm 2018, tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt 31%, trong khi người Việt Nam chỉ đạt 24%.
Mới đây, tại hội nghị bất động sản "Động lực tăng trưởng mới CBRE", bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty Nghiên cứu thị trường CBRE, công bố kết quả thống kê về khách hàng mua nhà tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, trong chín tháng đầu năm nay, tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt 31%, trong khi người Việt Nam chỉ đạt 24%.
Nhờ người Việt đứng tên giấy tờ
Số liệu CBRE đưa ra dựa trên số lượng giao dịch thành công tại các dự án mà doanh nghiệp này phân phối chứ không phải của toàn thị trường; đồng thời cho đến thời điểm hiện tại cũng chưa có bất cứ cơ quan chức năng nào cung cấp số liệu thống kê về số người nước ngoài mua nhà tại các dự án trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, con số này cho thấy nhu cầu đầu tư của người Trung Quốc vào thị trường bất động sản Việt Nam là có thật.
Anh Huỳnh Đức (môi giới đất ở Kiên Giang) chia sẻ: Trước đây chỉ có người ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc từ Hà Nội vào mua nhưng khoảng vài năm trở lại đây thì số lượng khách hàng là người Trung Quốc tìm hiểu thông tin về đất đai ở khu vực Kiên Giang ngày càng nhiều. Song theo quy định của pháp luật thì người nước ngoài không được phép mua đất nền, do đó người Trung Quốc đã thuê người Việt đứng tên để mua.
"Mới đây, có một nhóm người Trung Quốc cũng thuê người Việt đứng tên trên hợp đồng mua bán trên lô đất khoảng 23 ha ở xã Cửa Cạn, Phú Quốc, Kiên Giang, có giấy tờ hợp pháp, giá là 60 triệu/công (một công tương đương 1.000 m2). Tính ra lô đất này có giá khoảng 13,8 tỉ đồng. Do giá trị khu đất lớn nên để phòng rủi ro, họ muốn đứng song song tên trên hợp đồng mua bán tại dự án. Tuy nhiên, khi ra công chứng thì xã không chấp thuận nên thương vụ này đổ bể. Như vậy, nếu họ không đề xuất để tên trong hợp đồng mua bán thì rõ ràng một khu đất lớn đã nằm trong tay người Trung Quốc rồi" - anh Đức nói.
Tương tự, chị Thúy Vy (môi giới địa ốc ở Long An) cho biết: "Đúng là không có cấp chính quyền nào dám công chứng những hợp đồng đất đai cho người nước ngoài cả. Nhưng thông thường những mảnh đất có diện tích khoảng 1.000-2.000 m2 hoặc có giá thành khoảng 1-2 tỉ đồng đổ lại thì rất nhiều người Trung Quốc sẵn sàng thuê người Việt đứng tên".
Chị Vy cho biết thêm sau khi hoàn tất các thủ tục, ngay lập tức người Trung Quốc giữ toàn bộ hồ sơ giấy tờ, chỉ khi nào sang nhượng thì hai bên mới gặp mặt và tiếp tục làm các thủ tục liên quan. "Những người được thuê đứng tên có thể vừa được hưởng hoa hồng vừa được tính % lợi nhuận sau khi sang nhượng, trong khi chẳng bỏ ra bất cứ đồng vốn nào thì thử hỏi có ai lại không ham. Tôi được biết có nhiều nhà đầu tư cá nhân là người Trung Quốc bỏ tiền mua đất ruộng ở huyện Bến Lức, huyện Đức Hòa thuộc Long An hoặc ở Bình Dương…" - chị Vy khẳng định.
Theo thống kê của CBRE, tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh trong ba năm qua. Ảnh : QUANG HUY
Thị trường bất động sản Việt Nam còn rất hấp dẫn
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản, cho biết: Thực tế cho thấy ở phân khúc căn hộ thì xu hướng nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc săn lùng bất động sản cao cấp tại nhiều thành phố lớn, dự án có vị trí đắc địa, chủ đầu tư uy tín tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc,… là có thực và đã diễn ra vài năm rồi. Sở dĩ giới đầu tư Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài để đầu tư bất động sản, trong đó có thị trường địa ốc Việt Nam, là do dư địa phát triển của thị trường bất động sản ở Việt Nam còn rất lớn.
"Chẳng hạn, ở Thành phố Hồ Chí Minh có những căn hộ cao cấp hiện chào bán với mức giá 7.000-10.000 USD/m2 đã được xem là kỷ lục nhưng so với giá ở những nơi như Singapore, Hong Kong, Bắc Kinh, Thượng Hải,… thì mức giá ở này vẫn còn rất thấp. Do đó, người Trung Quốc nhìn thấy cơ hội lợi nhuận ở đâu thì đổ tiền vào đó thôi".
Ngoài ra, theo ông Chánh, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng tác động không nhỏ đến quyết định này của nhà đầu tư Trung Quốc. "Dĩ nhiên khi có một lượng cầu lớn như vậy thì cũng sẽ khiến giá nhà tại những khu vực đó tăng cao trong thời gian tới, nhất là trong phân khúc mà người nước ngoài đầu tư" - ông Chánh nhấn mạnh.
Ông Chánh phân tích thêm: Ngoài phân khúc căn hộ thì cũng có hiện tượng nhà đầu tư Trung Quốc thông qua người Việt Nam, bằng cách góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp của các doanh nghiệp Việt Nam hoặc thuê người đứng tên để sở hữu đất nền ở một số khu vực. "Đối với những người đứng tên hộ người Trung Quốc để mua bán đất nền cũng cần phải ý thức được rằng trong mối quan hệ này có tiềm ẩn rủi ro khi mà quy định về pháp luật có sự thay đổi" - ông Chánh cảnh báo.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng : Do thị trường bất động sản hiện nay tại Trung Quốc có thể gặp nhiều khó khăn, cho nên nhiều nhà đầu tư muốn tìm một nơi trú ẩn an toàn hơn và có khả năng sinh lời tốt hơn, trong đó có các thành phố như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…
Người Trung Quốc dẫn đầu danh sách khách hàng mua nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh
Theo thống kê của CBRE, tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến trong ba năm qua. Năm 2016, chỉ 2% người Trung Quốc mua nhà ở Việt Nam. Đến năm 2017, tỉ lệ này đã tăng gấp đôi.
Đáng chú ý, trong chín tháng đầu năm 2018, người Trung Quốc từ chỗ xếp vị trí thứ sáu đã lên vị trí đầu tiên, vượt cả người Việt Nam, Hàn Quốc, Hong Kong trong danh sách khách hàng mua nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh phân theo lãnh thổ. Con số này chỉ được thống kê thông qua sàn giao dịch của CBRE với hầu hết khách mua nhà là người nước ngoài, chủ yếu giao dịch ở phân khúc căn hộ cao cấp và hạng sang.
Thùy Linh
Nguồn : Pháp Luật, 18/12/2018
*****************
Đầu tư bất động sản ra nước ngoài có đáng lo ?
Lao Động Online, 11/09/2019
Dự án Luật Đầu tư sửa đổi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản. Theo cơ quan soạn thảo, riêng kinh doanh bất động sản, đã có 262 dự án vốn đăng ký khoảng 9.000 tỉ đồng ra nước ngoài nhằm dịch chuyển tài sản hoặc để cư trú tại nước ngoài.
Một hội thảo về định cư tại Mỹ được các Cty môi giới di trú tổ chức. Ảnh : PV
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật nêu ra vậy là không phù hợp với quyền tự do đầu tư của cá nhân và doanh nghiệp, thậm chí nếu kiểm soát chặt có thể vi phạm thô bạo quyền tự do đầu tư.
Lo ngại tiền, tài sản chạy ra nước ngoài
Tại hồ sơ gửi Quốc hội về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đang được xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hoạt động bỏ vốn đầu tư bất động sản ở nước ngoài đang có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước. Do đó, bộ này đã đề xuất đưa ngành này vào diện đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, cùng với 5 ngành, nghề khác, gồm : Ngân hàng ; bảo hiểm ; chứng khoán ; khoa học và công nghệ ; báo chí, phát thanh, truyền hình. Riêng kinh doanh bất động sản là ngành, nghề không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, bởi theo báo cáo giải trình, hiện phần lớn dự án trong lĩnh vực này do cá nhân đăng ký thực hiện (gồm 262 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 390,9 triệu USD, tương đương gần 9.000 tỉ đồng) nhằm dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài và đang có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước "Việc đặt ra điều kiện để kiểm soát hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là cần thiết nhằm đảm bảo nguồn lực cho hoạt động đầu tư trong nước" - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Với số tiền 390,9 triệu USD tiền dịch chuyển ra nước ngoài kinh doanh bất động sản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thấp hơn nhiều so với số tiền các tổ chức nước ngoài tiết lộ. Cụ thể, cuối năm 2017, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố trong báo cáo Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017, người Việt đã bỏ ra 3 tỉ USD (tương đương gần 70.000 tỉ đồng) để mua nhà ở Mỹ, đứng thứ 6 trong số các quốc gia có nhiều người mua nhà tại Mỹ. Tổ chức này đánh giá, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới. Việt Nam đã đứng trong danh sách này 5 năm liên tiếp, từ năm 2013 đến nay.Tuy nhiên, ngay sau đó Ngân hàng Nhà nước đã có đính chính rằng việc người Việt chi 3 tỉ USD mua nhà tại Mỹ chỉ là thống kê của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc của Mỹ qua phiếu điều tra, không có cơ sở xác định.
Vi phạm quyền tự do đầu tư ?
Trao đổi với PV Lao Động, một doanh nhân đang tìm kiếm cơ hội mua nhà tại Úc cho rằng, ông thật sự lo ngại với từ ngữ "không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. "Nếu cá nhân dùng "tiền bẩn" do tham nhũng, vi phạm pháp luật để mua nhà nước ngoài thì chuyện đó đương nhiên cấm, thậm chí phải xử lý hình sự. Còn họ dùng những đồng tiền do công sức chính đáng làm ra, được pháp luật bảo hộ để mua nhà, mua tài sản ở nước ngoài lại không khuyến khích, thậm chí làm khó họ mua nhà nước ngoài khi liệt vào diện kinh doanh có điều kiện thì không thể chấp nhận. Hiện tại, hàng vạn người nước ngoài tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, nếu các nước cũng không khuyến khích công dân họ mua nhà, kinh doanh bất động sản tại Việt Nam thì dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ ra sao, kinh tế của Việt Nam thế nào ? Điều này hoàn toàn trái với thông lệ quốc tế" - vị này nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam - cho rằng, khó có thể chấp nhận việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra quan điểm không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản và đưa đầu tư bất động sản ra nước ngoài vào diện đầu tư ra nước ngoài có điều kiện. Theo ông Đính, với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản muốn đầu tư ở nước ngoài, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là bước cản cho doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội đầu tư. Còn với cá nhân đầu tư bất động sản ở các nước như Mỹ, Úc, Châu Âu thì cũng không dễ bởi các nước kiểm soát rất chặt do lo ngại rửa tiền, bởi vậy, dựng thêm hàng rào ngay trong nước sẽ làm khó khăn hơn cho nhu cầu chính đáng của người Việt muốn mua nhà nước ngoài. "Xét góc độ cả cá nhân hay doanh nghiệp thì việc này đều không chấp nhận được" - ông Đính phân tích.
Người Việt mua nhà ở Mỹ bằng cách nào ?
Theo khảo sát của PV Lao Động tại các công ty môi giới cho người Việt mua nhà tại Mỹ, có 3 cách để công dân Việt Nam có thể sở hữu nhà tại quốc gia này. Thứ nhất, lấy "thẻ xanh" đẩy nhanh tiến độ. Thứ hai, đầu tư vào dự án ở Mỹ, thường là các doanh nhân muốn hợp pháp hóa việc chuyển tiền sang Mỹ theo đúng mục đích đầu tư ban đầu. Thứ 3 là chuyển tiền bằng kênh không chính thức. Với hình thức này, người mua nhà phải trả thêm một khoản phí vài phần trăm từ tổng số tiền muốn gửi. Tuy nhiên, các công ty tư vấn cảnh báo, cũng phải xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện cách này vì vẫn có nguy cơ bị mất trắng nếu chưa hiểu rõ nguồn gốc và mức độ tin cậy.
Thông Chí
Nguồn : Lao Động, 11/09/2019