Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

20/06/2019

Hậu Thành Đô 4 - Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Nguyễn Văn Huy

Phần 4

Khu đô thị mới Thủ Thiêm

 

1. Khu đô thị Thủ Thiêm : quan Trung Quốc chỉ tay, quan Việt Nam thi hành

Nguyễn Văn Huy, Thông Luận, 06/05/2018

Những ngày gần đây, chính quyền và báo chí Việt Nam tất bật giải thích việc chiếm hữu toàn bộ đất đai trong khu vực Quận 2 Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ Thiêm trước kia chỉ là một vùng đất sình lầy đầy ruồi muỗi, dân cư rải rác, không ai muốn đến đó sinh sống. Những cư dân địa phương phần lớn chỉ dựng nhà và sinh sống dọc bờ sông. Vào nửa cuối thế kỷ 19, một vài giáo sĩ Công giáo đã đến lập chòi dựng nhà thờ và tu viện. Từ đó nhiều gia đình người Việt đã đến định cư và sống bằng nghề nông và đánh bắt cá.

Trong suốt thời gian xảy ra cuộc chiến tại miền Nam (1956-1975), phe cộng sản đã vào đây lập căn cứ và xây dựng cơ sở hậu cần (nhưng không quy mô bằng Củ Chi và Bình Dương) để tiếp tế những lực lượng du kích và chính quy đột nhập vào khu vực Sài Gòn-Gia Định. Trong thời gian này nhiều cư sĩ Phật giáo đến đây lập am dựng chùa, trong đó có một số cán bộ cộng sản nằm vùng đội lốt tu sĩ để bám trụ. Sau khi chiếm đóng Sài Gòn tháng 4/1975, tất cả những đơn vị du kích cộng sản đã rời bỏ khu vực này để vào thành phố ở trong những ngôi nhà tịch thu tiện nghi hơn và khang trang hơn.

Dưới thời quân quản, chính quyền Sài Gòn khuyến dụ cư dân đi vùng kinh tế mới. Rất nhiều gia đình, phần lớn là gia đình những cựu binh sĩ và công chức Việt Nam Cộng Hòa, đã tin theo và bán đổ bán tháo đồ đạc trong nhà để ra đi. Chỉ một thời gian ngắn sau, chưa đầy 6 tháng, những gia đình này đã trở về lại Sài Gòn nhưng nhà cửa đã vào tay người khác, tất cả đành phải nằm đường, ngủ bờ ngủ bụi và làm đủ mọi ngành nghề để kiếm sống, kể cả trộm cắp và bán thân. Nhiều gia đình đã phải vào những khu nghĩa địa cộng cư với người chết để có chỗ trú mưa gió và ăn ở qua ngày.

Sự hiện diện ồ ạt cư dân từ vùng kinh tế mới về lại Sài Gòn đã gây một làn sóng lo ngại trong thành phố, chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc bố ráp xua đuổi số dân cư này ra khỏi nội thành. Từ đó nẩy sinh phong trào dân kinh tế mới di tản sang khu vực Thủ Thiêm chiếm đất, dựng nhà và canh tác nông nghiệp. Cho đến một ngày gần đây, đã có hơn 15.000 hộ dân đã đến đây lập nghiệp. Rất nhiều gia đình thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã đến đây sinh sống và cũng đang trong tình trạng chờ bị đuổi đi. Hiện nay, theo thông báo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, 12.000 hộ dân đã được đền bù và đã dọn nhà đi nơi khác, số phận những hộ còn lại, trong đó có Nhà thờ Thủ Thiêm và dòng nữ tu Mến Thánh Giá, chưa rõ ràng và thực sự không muốn đi.

Tại sao khu vực Thủ Thiêm trở nên sôi động ?

Đó là vì vùng đất này sẽ được xây dựng như một trung tâm đô thị lớn, rập theo khuôn mẫu Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc. Chính quyền Việt Nam muốn dọn sạch vùng đất này trước khi giao cho nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện.

Ngày 04/05/2018, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, Trần Đức Hải, đã đến gặp và chào từ biệt Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhân dịp kết thúc vai trò Tổng lãnh sự của mình. Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ông Trần Đức Hải giúp xây dựng khu đô thị sáng tạo ở phía Đông thành phố Hồ Chí Minh, tức khu vục Thủ Thiêm, giống như Phố Đông (Pudong) của Thượng Hải.

pudong

Ông Nguyễn Thiện Nhân muốn nhờ Trung Quốc biến cải khu đất Thủ Thiêm thành Phố Đông (Pudong) như Thượng Hải

Đề nghị này không phải tình cờ, nó đã manh nha từ nửa cuối thập niên 1990 nhưng bị cất vào tủ vì không ai muốn bỏ tiền ra xây dựng, Thủ Thiêm vào lúc đó vẫn còn là một vùng đất sình lầy. Rồi đùng một cái, trong suốt tháng 4/2018 khu vực đất Thủ Thiêm bỗng trở thành trung tâm điểm đánh bắt tham nhũng tại Sài Gòn do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi động. Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng và báo chí nhà nước đem Ban bí thư thành ủy Sài Gòn ra làm dê tế thần, tố cáo phe "Hai Nhựt", bí danh của cựu Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, đã bán rẻ khu đất này cho thân nhân và tay chân và muốn lấy lại.

thuthiem1

Khu đô thị kiến tạo Thủ Thiêm - Ảnh minh họa

Trong thực tế, mục đích chính của chiến dịch loại trừ phe Lê Thanh Hải là để Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam giành quyền quản trị và xử lý trực tiếp Thành phố Hồ Chí Minh. Lý do là phía Trung Quốc đang nóng rột muốn trực tiếp vào Sài Gòn xây dựng cơ sở chứ không muốn qua trung gian các công ty xây dựng bình phong của Việt Nam hay các công ty hợp doanh có vốn nước ngoài như trước. Trong khi phe nhóm của ông Lê Thanh Hải, có lẽ đã lỡ làm ăn gian dối trong việc quy hoạch truất hữu nhà đất của dân và lo sợ chuyên tham ô của họ bị phát giác nên đã cất giấu những bản đồ gốc, bây giờ mới phát giác.  Cũng có thể vụ mất bản đồ quy hoạch chỉ là hỏa mù để che giấu một âm mưu khác thâm hiểm hơn : Bắc Kinh muốn thiết đặt cơ sở lâu dài tại miền Nam trù phú.

Phải nhắc lại một quyết tâm của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ thời Võ Văn Kiệt, Trương Tấn Sang và Lê Thanh Hải, giới đầu tư đến trực tiếp từ Trung Quốc đã không có những đặc quyền như bây giờ. Tất cả các tập đoàn tài chánh cũng như đầu tư xây dựng Trung Quốc đều phải làm đơn đệ trình và chờ xét duyệt. Phần lớn những dự án đầu tư của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn và không được chấp thuận, giới đầu tư Trung Quốc đành phải mượn tên của tập đoàn địa phương Việt Nam để hiện diện. Thành ủy Sài Gòn dành ưu tiên cho những tập đoàn đầu tư Đông Á và phương Tây. Còn thành phần tư doanh Trung Quốc, đã có mặt rất đông tại Sài Gòn, đa số phải hành nghề chui. Nếu loại trừ được phe của lãnh chúa Lê Thanh Hải, tản đá cản đường bánh xe tài phiệt và thực dân kinh tế Trung Quốc lăn vào Thành phố Hồ Chí Minh được tháo gỡ, dân Sài Gòn sẽ biết thêm một ngày 30/4 mới. 

Từ đầu năm 2018 đến nay, đặc biệt là trong tháng 4 và tháng 5/2018, nhiều phái đoàn cao cấp của chính quyền Trung Quốc đã liên tục đến Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với các cấp lãnh đạo địa phương nhằm "giúp" Việt Nam sửa đổi lại một số luật về quyền sử dụng đất đai và quyền được đưa người và vật tư trực tiếp từ Trung Quốc sang làm việc.

Phải hiểu đây là một chương trình thuộc địa hóa lãnh thổ Việt Nam. Không thể nói Đảng cộng sản hay chính quyền cộng sản Việt Nam ngây thơ không biết âm mưu này, cũng không thể nói Đảng cộng sản Việt Nam không muốn mượn bàn tay Trung Quốc để giúp Việt Nam phát triển đất nước. Trước Trung Quốc đã có rất nhiều quốc gia đến Việt Nam giúp phát triển đất nước nhưng đã lần lượt rút lui vì áp lực của Trung Quốc trên chính quyền Việt Nam. Bây giờ là thời điểm đã chín muồi để biến những thỏa thuận trong những Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc hay Trung Quốc-Việt Nam thành hiện thực, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đang tự biến thành tay sai Bắc triều như dưới thời Bắc thuộc. 

Và đúng như vậy, Đảng cộng sản Việt Nam đang thi hành những mệnh lệnh đến từ Bắc Kinh, theo những thỏa thuận đã ghi trong những Tuyên bố chung Trung Quốc-Việt Nam 2015 và 2017. Theo một trong những thỏa thuận này, Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc 2015, Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam xây dựng hai Khu công nghiệp Long Giang (Tiền Giang) và An Dương (Hải Phòng). Nhưng gần đây, trước những biến động bất lợi trên Biển Đông vì sự hiện diện thường xuyên hơn của tàu chiến Hoa Kỳ và đồng minh, Bắc Kinh muốn tiến hành nhanh sự hiện diện của mình ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Để ước muốn biến thành sự thực, phía Trung Quốc muốn bổ túc thêm một đề mục mới (Điều 5, mục iv trong Tuyên bố chung Trung Quốc-Việt Nam 2015), đó là trực tiếp đầu tư xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm, cảng sông Đồng Nai và vùng phụ cận (Long Thành, Long Hưng, Long Tân), nghĩa là những khu vực yết hầu của nền kinh tế Việt Nam.

Cách để Bắc Kinh đạt được mục tiêu một cách nhanh chóng mà không gặp chống đối là hứa giúp xây dựng những trung tâm phát triển kinh tế, tài chánh và kỹ thuật mà Việt Nam đang cần, đầu tiên là Sài Gòn và vùng phụ cận. Chuyện mất bản đồ gốc càng dễ cho phía Trung Quốc quy hoạch lại khu đô thị Thủ Thiêm mà không cần căn cứ vào những bản đồ gốc, đặc biệt là đồ án Thủ Thiêm của công ty Sasaki Asociates năm 1996, với những lôi thôi về qui định thế nào là đất xây dựng - đất nông nghiệp, đền bù xứng đáng hay không xứng đáng.

Trước yêu cầu mới này, Đảng cộng sản Việt Nam không những vâng lời mà còn quyết tâm thi hành triệt để mệnh lệnh đó. Vụ biển thủ bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm chỉ là lý cớ để phía Trung Quốc có toàn quyền quy hoạch lại công trình xây dựng, nghĩa là giảm bớt sự hiện diện của người Việt và tăng cường sự hiện diện của những đại công ty Trung Quốc trong khu đô thị : Thủ Thiêm sẽ thành một Phố Đông bis của Thượng Hải tại Việt Nam dành cho người Trung Quốc.

Theo như quy hoạch cũ trong những bản đồ được công bố trên báo chí ngoài luồng, Khu đô thị Thủ Thiêm được xây dựng để trở thành một trung tâm kinh tế và tài chánh lớn của Việt Nam, có thể cạnh tranh ngang hàng với các trung tâm kinh tế và tài chánh lớn của ASEAN (1). Ước muốn này không được phía Trung Quốc chấp nhận nên bản đồ của những hoạch định cũ phải bị biến mất.

Cái gì sẽ xảy ra tiếp ngay sau đó ? Sau vụ này, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ mở thêm những hồ sơ tham nhũng khác về đất đai ở Đồng Nai và Biên Hòa (Long Thành, Long Hưng, Long Tân) nhằm loại trừ ảnh hưởng của những sứ quân địa phương để giao lại cho Trung Quốc. Vì tham vọng của Bắc Kinh không dừng ở Thủ Thiêm.

>thuthiem2

Biểu tượng hoa sen được chọn cho thiết kế nhà ga sân bay Long Thành - Ảnh minh họa

Tại sao Đồng Nai và tại sao Long Thành ? Rất dễ hiểu, nếu đổ tiền đổ của ra biến vùng đất sình lầy Thủ Thiêm thành một phố kiến tạo, Phố Đông bis (theo đề nghị của Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân), người và hàng hóa sẽ vào Sài Gòn bằng cách nào ? Lấy Đồng Nai để xây dựng trạm xe lửa xuyên Việt từ Trung Quốc và lấy Long Thành để xây dựng phi cảng quốc tế. Trong những ngày sắp tới, người ta sẽ thấy giới đầu tư Trung Quốc sẽ lần lượt trúng các lô thầu xây dựng xa lộ và đường sắt siêu tốc Bắc-Nam, cảng sông Đồng Nai và phi cảng quốc tế Long Thành, các khu công nghiệp Long Tân và Long Hưng.

Cái gì đang xảy ra ở Việt Nam ? Quan trên Trung Quốc chỉ tay, quan dưới Việt Nam thi hành. Hơi hướm giống như thời Bắc thuộc.

Không biết nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam có đồng tình với nhận định này không.

Nguyễn Văn Huy

(1) Lại giả mù sa mưa : Hà Nội muốn thay đổi bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm 

*******************

2. Bắc Kinh gia tốc tiến trình thuộc địa hóa Việt Nam

Nguyễn Văn Huy, Thông Luận, 27/04/2019

Tình hình Biển Đông đang làm Bắc Kinh lo ngại. Chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thời Barack Obama tưởng đâu đã bị bỏ rơi dưới thời Donald Trump, không ngờ đang được làm sống lại.

backinh1

Tình hình Biển Đông đang làm Bắc Kinh lo ngại.

Hiện trạng trên Biển Đông

Ban cố vấn an ninh diều hâu của Tổng thống Donald Trump đang khám phá sự chiếm hữu, cải tạo và xây dựng bất hợp pháp những căn cứ quân sự trên những bãi đá san hô ngoài khơi Biển Đông của Trung Quốc nhằm tăng cường và nới rộng sự kiểm soát của Bắc Kinh trên bầu trời và hải lộ giao thương chính ở vùng Tây Thái Bình Dương. Điều này có nghĩa là nếu im lặng để Trung Quốc thực hiện âm mưu chiếm hữu Biển Đông, các quốc gia cùng chia sẻ trục lộ giao thông hàng hải chính này là Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, các quốc gia ASEAN, Úc, Tân Tây Lan và Ấn Độ sẽ không còn quyền tự do giao thương và đi lại nữa.

Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực đã lên tiếng tố cáo và yêu cầu Bắc Kinh ngưng các hoạt động phi pháp này. Thay vì hòa hoãn và tiếp tục trong âm thầm, Bắc Kinh đã không những lên gân khoe cơ bắp mà còn lớn tiếng đe dọa những ai xâm phạm vào lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đã liên tiếp tập trận bắn đạn thật gần như hàng tháng trong khu vực "lưỡi bò" mà họ tự vẽ ra. Những hành động này trước hết là nhằm răn đe chính quyền Đài Loan không nên có ý đồ tuyên bố độc lập, kế là cảnh báo các quốc gia trong khu vực chớ nên thách thức sức mạnh của lực lượng hải và không quân Trung Quốc.

Hăm dọa này có lẽ đã thành công đối với các quốc gia nhỏ yếu trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Campuchia nhưng không hề làm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Úc và Ấn Độ lo ngại. Không những thế, tàu chiến của các cường quốc hải quân Châu Âu, Anh và Pháp, còn được gởi tới để tuần tra chung. Trước những phản ứng này, Bắc Kinh đã vô cùng bối rối, nhất là bộ tư lệnh hai Hạm đội Đông Hải và Nam Hải.

Bắc Kinh đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng, mở rộng và củng cố những bãi đá san hô thành những căn cứ rộng lớn, đã điều động gần như trọn bộ lực lượng tàu chiến và máy bay tiên tiến nhất vào khu vực này để gây tiếng vang và làm áp lực với các thế lực hàng hải quốc tế… Nhưng kết quả đã không như mong đợi. Áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông đã thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang qui mô chưa từng có trên toàn khu vực, và nếu càng để lâu lực lượng hải quân răn đe của Trung Quốc có thể lâm vào thế yếu.

Các quốc gia nhỏ bé và yếu kém hơn Trung Quốc như Singapore, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia đã trang bị những loại khí tài tối tân và hiện đại như tàu ngầm, tàu dẫn tên lửa, các loại máy bay tiêm kích đời mới… Các quốc gia hiếu hòa trước đây như Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan buộc phải canh tân lại khả năng chiến đấu của các lực lượng võ trang phòng vệ để đối đầu với Trung Quốc. Chưa bao giờ sự hiện diện của lực lượng hải và không quân Hoa Kỳ tuần tra và tập trận ngay sát cạnh lãnh thổ và lãnh hải Trung Quốc như hiện nay.

Thêm vào đó, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã được trang bị hai tàu chở trực thăng tự đóng, có khả năng trở thành hàng không mẫu hạm, và thành lập nhiều đơn vị tác chiến chuyên nghiệp có khả năng chiến đấu ngoài lãnh thổ. Nam Hàn cũng thế, lực lượng hải và không quân đã được trang bị thêm tàu chiến và các loại máy bay tiêm kích tiên tiến nhất, đủ khả năng tập trận chung ngang hàng với Hạm đội 7 Hoa Kỳ trong vùng biển Hoa Đông, sát cạnh thủ đô Bắc Kinh. Trong khi Đài Loan, một hòn đảo quốc gia độc lập với Trung Quốc, cũng đã canh tân và trang bị thêm những loại khí tài hiện đại đủ khả năng đẩy lùi và phản công lại bất cứ bất cứ cuộc tấn công nào đến từ lục địa.

Trước những chuẩn bị này, chỉ cần bật một que diêm là nồi thuốc súng sẽ nổ, bất cứ một tấn công nào vào tàu thuyền di chuyển trong vùng Biển Đông sẽ dẫn đến xung đột võ trang. Chính vì thế, mặc dù rất bực bội, Bắc Kinh chưa dám ra tay. Nhưng tình thế này không thể kéo dài mãi mãi. Càng để lâu, chi phí bảo trì các cơ sở vận hành và phương tiện di chuyển trên biển và trên không càng tăng cao mà không bên nào mong muốn.

Vấn đề của Trung Quốc là nếu càng để lâu tình hình sẽ ung thối, sự áp đảo của Trung Quốc về số lượng máy bay và tàu chiến sẽ mất hiệu lực răn đe, chủ quyền tuyên bố đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông không được tôn trọng, lượng tiền khổng lồ bỏ ra không thu đạt kết quả mong muốn.

Cũng nên biết số lượng dầu diesel và mazout tiêu thụ mỗi ngày cho tàu thuyền dân sự, tàu quân sự và máy bay có nhiệm tuần tra Biển Đông rất là cao, trong khi Trung Quốc chưa tìm được mỏ dầu nào đáng kể để cung cấp nhiên liệu cho đội tàu và máy bay sử dụng. Chỉ riêng tàu sân bay Liêu Ninh, lượng diesel tiêu thụ mỗi ngày hơn một triệu lít dầu, mỗi khi di chuyển phải có hai tàu chở nhiên liệu đi theo để luân phiên tiếp tế, chính vì thế khả năng phòng thủ của tàu Liêu Ninh rất yếu vì không thể ra khơi quá vài ngày hoặc một tuần ; nếu xảy ra xung đột, chỉ cần ngăn chặn hay đánh chìm những tàu tiếp tế thì coi như tàu Liêu Ninh bị vô hiệu, có thể bị bắt sống. Các loại tàu chiến và tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Tiếp vận nguyên nhiên vật liệu cho đội tàu trên biển chính vì thế là ưu tiên hàng đầu của các bộ tư lệnh Hạm Đội Đông Hải và Nam Hải.

Gia tốc tiến trình thuộc địa hóa Việt Nam

Trước tình thế này, Bắc Kinh đang rất bối rối. Ra tay hay không ra tay ? Ra tay bằng cách nào, vào lúc nào, và nhắm vào ai ? Hậu quả nhận lại sẽ như thế nào ?

backinh2

Đảo Lý Sơn còn gọi là Cù Lao Ré. Ảnh từ Internet

Rất nhiều câu hỏi đã được đưa ra nhưng chưa có giải pháp nào thỏa đáng. Điều quan trọng mà Bắc Kinh có thể làm lúc này là chuẩn bị cho một tình huống xấu : chấp nhận xung đột võ trang.

Nhưng chấp nhận xung đột võ trang là một quyết định quan trọng, sự an nguy cũng như chỗ đứng của Trung Quốc đặt trên bàn cân mà được thì không có gì thêm, còn thua thì mất tất cả. Do đó, ngoài giải pháp ngoại giao, vận động dân vận và thông tin tuyên truyền, hai công tác mà Bắc Kinh đang tiến hành trong lúc này là :

1. Củng cố và trang bị những bãi đá nhân tạo ngoài khơi Biển Đông để dò tìm và phát hiện sự xâm nhập của đối phương, tiếp tục tuần tra và tập trận trên vùng biển với những tốn kém khó chịu đựng ;

2. Tăng cường xây dựng cơ sở hậu cần trên đất liền như nhà ở để bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần và chuyên viên kỹ thuật quốc phòng đang công tác ngoài khơi Biển Đông khi xảy ra chiến tranh, quan trọng nhất là chiếm giữ những nguồn sản xuất đầu khí ngoài khơi Biển Đông, xây dựng những kho tồn trữ nguyên nhiên vật liệu và khí tài chiến tranh (xăng dầu, vũ khí, đạn dược, thiết bị quân sự, lương thực thực phẩm, dụng cụ y tế...) để tiếp tế ngoài khơi khi có xung đột. Cũng nên biết, kẻ thù chính ngoài khơi của các lực lượng quân sự là muối. Muối ăn mòn và làm rỉ sét sắt thép, nhôm kẻm, ximăng, tiêu diệt cây cỏ, do đó xây dựng nhà kho trên đất liền là điều bắt buộc để bảo trì cơ sở và vũ khí. Việt Nam nằm trong công tác thứ 2.

Theo lịch trình chiến lược đã được hoạch định trong những Tuyên bố chung 2015 và Tuyên bố chung 2017, phải chờ đến năm 2021 công tác họp tác toàn diện với Việt Nam trên mọi lãnh vực mới hoàn tất. Nhưng trước tình thế cấp bách như hiện nay trên Biển Đông, Bắc Kinh muốn đốt giai đoạn như dự trù trong Điểm 5, mục iii và iv của bản Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc 2017  : gia tốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên những vị trí trọng điểm chiến lược ở Việt Nam.

Một cách cụ thể : Trung Quốc muốn trực tiếp đứng ra xây dựng những đại công trình xây dựng cơ sở tại một số trọng điểm chiến lược trên lãnh thổ Việt Nam mà Bắc Kinh đã chọn, chứ không muốn giao cho người Việt Nam đứng tên như đã làm trong quá khứ. Những địa điểm chiến lược mà Bắc Kinh đang nhắm tới là vùng đất liền gần những căn cứ quốc phòng của Trung Quốc ở ngoài khơi Biển Đông : Quảng Nam-Đà Nẵng, Quảng Ngải cho Hoàng Sa, Phan Thiết, Vũng Tàu và Nhà Bè cho Trường Sa. Riêng tại Sài Gòn, hai địa danh chiến lược mà giới đầu tư Trung Quốc đang nhắm tới là Thủ Thiêm và Biên Hòa để giành độc quyền xây dựng những cao ốc cư ngụ, và đặc biệt là xây dựng giang cảng quốc tế trên sông Đồng Nai và phi cảng quốc tế Long Thành.

Để cụ thể hóa, ngày 24/04/2018 vừa qua, một phái đoàn cao cấp đã từ Thượng Hải đến Sài Gòn yêu cầu cấp lãnh đạo địa phương nhượng quyền xây dựng công khai và trực tiếp cho những công ty xây dựng Trung Quốc, đặc biệt là tại Sài Gòn và các tỉnh duyên hải miền Trung, trong thời hạn 99 năm. Điều đáng lưu ý là những phái đoàn đến từ Trung Quốc này không liên lạc trực tiếp với Hà Nội, tức Trung ương, mà với từng cấp ủy địa phương Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Tại miền Trung, họ liên lạc trực tiếp với các cấp ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, Quảng Ngãi để nhượng quyền xây dựng và khai thác bán đảo Sơn Trà và đảo Lý Sơn, hai vị trí gần quần đảo Hoàng Sa nhất, đương nhiên là với mục đích khai thác những bãi biển du lịch nhưng hậu ý là xây dựng cơ sở cho lực lượng chuyên viên kỹ thuật và hậu cần đồn trú khi xảy ra chiến tranh trên biển.

Sông Đồng Nai với thành phố Biên Hòa và Long Thành là hai địa điểm đầy triển vọng phát triển của nền kinh tế miền Nam : cảng sông lớn, đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực trẻ và chuyên nghiệp. Nhưng Long Thành mới chính là địa điểm chiến lược mà các chuyên gia Trung Quốc đang nhắm tới. Một công ty xây dựng lớn của Trung Quốc đang vận động quyền được sử dụng và chuyển nhượng những cơ sở hạ tầng lớn ở Việt Nam do họ xây dựng (chẳng hạn như quyền xây dựng và khai thác độc quyền phi cảng quốc tế Long Thành, giang cảng Phú Đông trên sông Đồng Nai, hải cảng nước sâu Vũng Tàu, khu công nghiệp Long Hưng, Long Tân…) trong thời hạn 99 năm thay vì 50 năm như luật định. Cũng nên lưu ý, chính quyền cộng sản Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng phi cảng quốc tế Long Thành từ rất lâu, nhưng "không hiểu vì sao" đã cất vào tủ và chỉ lo tập trung mở rộng phi cảng Tân Sơn Nhất về phía nam.

Sài Gòn cũng thế, địa điểm chiến lược đầy triển vọng phát triển trong những năm tới mà giới đầu tư Trung Quốc đang nhắm tới là Thủ Thiêm, Quận 2. Đây là một vùng còn hoang dã nên rất dễ xây dựng vì không phải bỏ ra những món tiền lớn để đền bù chuyển nhượng.

Hậu ý của chiến dịch "đốt lò" của Nguyễn Phú Trọng

Xâu chuổi lại những diễn biến xảy ra gần đây trên chính trường Việt Nam, và qua những mô tả vừa kể như trên, chúng ta thấy Đảng cộng sản Việt Nam đang thi hành đúng bài bản và lịch trình mà phía Trung Quốc đã hoạch định :

mặt này làm áp lực với Việt Nam để chia quyền khai thác các mỏ dầu ngoài khơi Biển Đông. Bằng chứng cụ thể là chính quyền cộng sản Việt Nam đã rút lui và ngừng dự án dò tìm dầu khí trong khu vực Cá rồng đỏ và Cá voi xanh ;

- mặt kia đưa người trực tiếp từ mẫu quốc vào Việt Nam để xây dựng những công trình muốn thực hiện, vừa nhanh vừa đảm bảo bí mật quốc phòng. Đầu tiên là tố giác và loại trừ những sứ quân bất động sản địa phương để giành lại quyền quyết định điều phối : ở Đà Nẵng qua vụ Phan Văn Anh Vũ và đồng nhóm, tiếp theo là tố giác tham nhũng bất động sản trên bán đảo Sơn Trà và đảo Lý Sơn, rồi đây trong những ngày sắp tới sẽ xảy ra những vụ việc liên quan đến quyền chuyển nhượng và khai thác bất động sản trên Cù lao Chàm ở Hội An, Hòn Yến ở Nha Trang, đảo Long Hải ở Phan Thiết, đảo Côn Sơn ở Vũng Tàu sẽ nổ ra, mà điểm cuối cùng là Sài Gòn. Tất cả đều nằm trong tiến trình chiếm hữu những vị trí chiến lược ngoài khơi bờ biển Việt Nam để những công ty Trung Quốc vào xây dựng cơ sở vừa kinh tế vừa quốc phòng.

Một cách cụ thể, hiện nay đang nổ ra cuộc điều tra các cấp lãnh đạo địa phương lạm quyền cung cấp giấy phép khai thác Quận 2 Thủ Thiêm, một dự án lớn nhằm biến Thủ Thiêm thành một trung tâm kinh tế tài chánh tầm cỡ khu vực và quốc tế. Vụ việc này đang nổ lớn vì đối tác chính là giới đầu tư Trung Quốc muốn thương lượng quyền khai thác.

Cũng nên chú ý, tham nhũng ở Việt Nam xảy ra gần như hàng ngày, ở khắp nơi và liên quan đến mọi cấp đảng, chính quyền, quân đội và công an. Chỉ cần chịu khó quan sát, tham nhũng bất động sản đã lộ mặt ngay trong nội thành và chung quanh Hà Nội, dọc bờ biển Quảng Ninh, Hải Phòng, và ngay trong Vịnh Hạ Long, rồi Thanh Hóa, Sơn Tây, trên vùng Trung Du, ở các tỉnh dọc vùng biên giới Trung Quốc, Lào và Campuchia, trên Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, tất cả đã được báo chí trong nước phanh phui nhưng đều chìm tắt trong im lặng.

Ngược lại tại sao tham nhũng bất động sản chỉ công khai nổ bùng ở vùng duyên hải miền Trung và vùng Sài Gòn-Đồng Nai ? Rất dễ trả lời, tất cả đều nằm trong ý đồ của Bắc Kinh : muốn đốt giai đoạn để nắm quyền kiểm soát trực tiếp. Việt Nam đang biến thành thuộc địa của Trung Quốc.

Về phía dư luận Việt Nam, có thể những tố giác và tố cáo tham nhũng gần đây tại Việt Nam mang hơi hướm của "trâu cột ghét trâu ăn" chứ không phải là muốn thực sự bài trừ tham nhũng. Điều này cũng đúng vì bất cứ cán bộ đảng viên nào có chức vụ đều tham nhũng, từ cấp trung ương đảng đến các cấp địa phương, từ công an đến quân đội. Phe Nguyễn Tấn Dũng đã ăn quá nhiều và không chừa gì cho người đi sau thì bây giờ người đi sau lên cầm quyền chỉ muốn đòi những người đã ăn quá lố trả lại để chia lẫn nhau.

Vấn đề là không ai thấy âm mưu thâm độc của Bắc Kinh là đang thuộc địa hóa Việt Nam. Những gì đang diễn ra hiện nay giống như thời những người Minh Hương đầu tiên đến khai thác vùng Sài Gòn-Gia Định thế kỷ 18. Khi lực lượng di dân nhà Minh này thành công, họ liền liên lạc với mẫu quốc để đưa gia đình và thân quyến đến định cư và khai thác. Điểm khác biệt là những người Minh Hương này là những người tị nạn chính trị, đã chọn miền Nam là quê hương thứ hai nên đã ra sức xây dựng và bảo vệ nó như chính quê hương mẹ của mình, và đã trở thành người Việt Nam trọn vẹn. Trong khi người Trung Quốc thì ngược lại, họ chỉ đến để khai thác và hủy hoại môi trường để người Việt Nam không thể ngóc đầu lên ngang hàng với họ. Những di dân Trung Quốc này là những thực dân kinh tế, không bao giờ họ muốn trở thành người Việt Nam. Thực dân phương Tây cho phép những hội đoàn tôn giáo và nhân đạo chăm sóc người cùng khổ, thực dân Trung Quốc chỉ bòn rút tiền trong xã hội Việt Nam để mang về nước hay để mở rộng địa bàn thu vét tài nguyên và tài sản cho mình và cho mẫu quốc. Chỉ cần nhìn những tổ chức cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt và thiên tai tại Việt Nam trong những năm qua thì sẽ rõ, đã có bao nhiêu tổ chức nhân đạo của Trung Quốc tham gia ? Zero.

Nhìn lại mẫu quốc của những di dân Trung Quốc, sau hơn 30 năm cố gắng để phát triển ngang bằng các quốc gia phương Tây, lục địa Trung Quốc ngày nay còn lại gì ? Cái nôi phát sinh nền văn minh Trung Hoa là lưu vực sông Hoàng Hà, ngày nay đang biến thành sa mạc trong khi phần còn lại của lãnh thổ Trung Quốc, đất đai cằn cổi, nguồn nước bị nhiễm độc, không khí ô nhiễm. Giữ gìn môi sinh, bảo vệ môi trường chưa bao giờ là một ưu tư đối với người Trung Hoa lục địa và cũng không là một giá trị của nền văn hóa Trung Hoa. Ngày nay giấc mơ của rất nhiều người Trung Quốc là được chạy ra nước ngoài định cư và xây dựng cuộc sống mới.

Nếu nhượng quyền canh tác cho người Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam 99 năm, chắc chắn chỉ sau vài chục năm họ cũng sẽ bỏ đi vì sau lưng họ chỉ còn là một vùng đất ô trọc, không một sinh vật nào còn sống nổi. Không cần nhìn xa, kiểm nghiêm lại những dự án khai thác và sản xuất do phía Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam thì sẽ thấy : các nhà máy khai thác bô-xít Tây Nguyên, sinh vật, thực vật và cây cả nào còn sống sót chung quanh những hồ chứa thải ? Vụ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, chỉ sau hai năm hoạt động còn sinh vật nào sống sót dưới lòng biển duyên hải phía bắc miền Trung ? Rồi các nhà máy điện than, nhà máy sản xuất giấy, chỉ sau vài tháng hoạt động bao nhiêu động vật, bao nhiêu tấn cá, bao nhiêu khu sinh thái và diện tích đất đai bị hủy hoại ? Với 99 năm nhượng quyền khai thác, phía Trung Quốc sẽ xây những bồn chứa và dự trữ xăng dầu khổng lồ để tiếp tế cho đội tàu viễn dương dọc vùng duyên hải miền Trung, những bãi biển xinh đẹp, con gà đẻ trứng vàng, nguồn lợi trời cho của Việt Nam còn lại gì nếu không bị hủy hoại bởi những vết dầu loang, chất thải độc thì cũng bị chiếm hữu những vùng cận biển đẹp ? Tương lai của vùng duyên hải miền Trung sẽ bị xấu xí hóa không ai muốn đến, các khu dân cư và khu sinh thái sẽ bị ô nhiễm và nguồn tôm cá bị hủy tiêu... Con cháu chúng ta sẽ làm gì với những đống bê tông mục rữa và những đống sắt phế liệu sét rỉ để lại sau 99 năm ?

Phải tố giác và cảnh báo người Việt Nam, trong và ngoài chính quyền, trong và ngoài đảng, nguy cơ mất nước là có thật. Trong nỗi bất hạnh này, đảng viên hay không đảng viên, mọi người Việt Nam đều cùng chia sẻ thân phận hẩm hiu chung của kiếp nô lệ.

Trước khi quá muộn, trách nhiệm cảnh tĩnh đầu tiên thuộc về giới làm báo, vì họ đã thấy, đã viết và đã thông tin. Nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về những người hiểu biết, những người được gọi là trí thức. Hãy thông tin, hãy viết, hãy tố cáo và kêu gọi dân tộc Việt Nam phản ứng. Nếu không ai làm gì thì thôi đành vậy, tương lai của dân tộc Việt Nam đã được thấy trước : nô lệ cho đảng cộng sản cầm quyền và cho những chủ nhân ông Trung Quốc.

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm những bài khảo luận về hiện tượng tham nhũng bất động sản tại Việt Nam của nhà báo Thiền Lâm, cộng tác viên nhật báo CaliToday News, phát hành tại Hoa Kỳ. 

Nguyễn Văn Huy

 

*********************

3. Việt Nam đang biến thành thuộc địa !

Nguyễn Văn Huy, Thông Luận 25/04/2018

Từ nhiều tháng qua, dư luận trong và ngoài nước dường như đã và đang bị choáng ngộp bởi lượng thông tin liên quan đến chống và bắt tham nhũng trong nước. Những quan tham trong các đại công ty nhà nước, đặc biệt là trong ngành công an và quân đội lần lượt bị bắt và truy tố. Mọi người đều hài lòng vì ít ra ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, đã dám làm những việc mà chính ông và những đồng nhiệm trước đó đã không dám làm vì sợ làm vỡ bình, nghĩa là dám đánh vào chính mình, dám làm sạch guồng máy cầm quyền. Có làm được hay không, đó là một chuyên đề khác.

Gần như mỗi ngày báo chí trong nước cung cấp những thông tin khá hấp dẫn liên quan đến chống và bắt tham nhũng ở cấp cao, không những trong ngành công an mà còn cả ở những các cấp chính quyền, từ trung ương đến địa phương. Như bị mê hoặc, dư luận rất khoái trá trước những thông tin về chức vụ và lượng tiền khổng lồ mà những quan tham đã chiếm dụng và số năm tù phạt quan tham. Ngoài chuyện đánh bắt tham nhũng, những gì đang xảy ra trong nước gần như không còn được báo chí trong nước quan tâm.

Nhưng lá không thể che lấp rừng. Tương lai và sự tồn vong của dân tộc và đất nước không phải chỉ là chống tham nhũng. Tất cả chỉ là hỏa mù để che lấp một âm mưu thâm độc hơn : Trung Quốc đang âm thầm thực hiện âm mưu biến Việt Nam thành thuộc địa.

Đây là cả một quy trình đã được chuẩn bị rất kỹ càng và có lớp lang, có thể đã bắt đầu từ thập niên 1970 dưới thời Chu Ân Lai và được cụ thể hóa từ sau năm 1990, qua Hội nghị Thành Đô. Chính sách thuộc địa hóa Việt Nam tuy tiệm tiến nhưng chắc chắn : cố vấn để khống chế Đảng cộng sản Việt Nam trong mọi lãnh vực, đặc biệt là ngoại giao và quốc phòng. Chuyên gia Trung Quốc trong những ban công tác đã phác thảo ra những chương trình hợp tác giữa hai nước trong chiến lược thuộc địa hóa này : mở đường ra biển về phía nam bằng cách chiếm các hải đảo trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ; xác định lại khu vực biên giới trên đất liền để bảo vệ an ninh lãnh thổ và làn ranh phân chia lãnh hải để mở rộng chủ quyền trên biển và chiếm giữ những nguồn tài nguyên dưới biển ; đưa người ồ ạt sang Việt Nam để khống chế sinh hoạt kinh tế và tìm kiếm những vùng đất tốt để xây dựng cơ sở khai thác và ở lại lâu dài trong mục tiêu nắm quyền điều khiển đất nước Việt Nam, đầu tiên là kinh tế tài chính và sau đó là chính trị và văn hóa. Tất cả đều diễn ra theo đúng bài bản của một chính sách thực dân nhằm biến Việt Nam thành một thuộc địa của Trung Quốc, với sự đồng lõa của Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và đám quan lại trong guồng máy đảng và nhà nước. Cũng nên chú ý, hệ thống an ninh và luật pháp Việt Nam đã tỏ ra rất dễ dãi với những tội phạm hình sự nhưng rất hung bạo với những ai có hành vi chống Trung Quốc, dù là ông già bà cả, trẻ em hay phụ nữ có con thơ.

bds1

Mỗi ngày có hàng nghìn khách Trung Quốc là người cao tuổi nhập cảnh vào Việt

Kế hoạch thuộc địa hóa này đã và đang thực hiện một cách thành công, qua chương trình đầu tư bất động sản. Người Trung Quốc chỉ muốn vào ở những nơi có tiềm năng kinh tế cao, nghĩa là trong các trung thâm thành thị, cạnh những trục lộ giao thông và giao thương có tầm vóc (hải cảng, giang cảng, thương cảng đường bộ và đường sắt), những địa điểm du lịch có khả năng thu lợi cao, những địa danh có phong thủy tốt… để chỉ có thể phát tài thêm hơn.

Vì Việt Nam là một chế độ độc tài, kế hoạch thuộc địa hóa này rất dễ thực hiện : đầu tiên là móc nối với những quan chức đảng và nhà nước có quyền quyết định hay có quyền ký kết, đương nhiên là với những khoảng tiền lót bàn phải tính bằng chục triệu USD dưới bàn. Để tránh tai tiếng, những quan chức này (ít nhất là cấp Trung ương hay Bộ Chính trị) tháo khoáng cho những đàn em hay thân tín (cấp bộ trưởng hay cấp tướng) đảm nhiệm công tác giao dịch với người cung cấp tiền (phía Trung Quốc) và thương lượng với cơ quan hay các cấp chính quyền, quân đội và công an có quyền quyết định về truất hữu quyền sử dụng đất. Từ đó nảy sinh những đại gia bất động sản, rất nhiều người trở đã thành tỷ phú đô la, và cũng từ đó sản sinh những tiểu gia bất động sản (vài chục triệu USD) sẵn sàng chiếm dụng những vùng đất tốt bằng mọi giá để bán lại với giá cao hơn gấp nhiều lần.

Những đại gia trung gian bất động sản chỉ cho mượn danh và chẳng phải làm gì cả, nhiệm vụ duy nhất của những người này là không để người Việt gây xáo trộn, cản trở những công trình xây cất. Công tác và chi phí xây dựng những công trình quy mô phần lớn đều do phía Trung Quốc cung cấp và đài thọ, vì Việt Nam không đủ khả năng cung cấp : vật tư xây cất (dụng cụ dựng sàn, xe cần cẩu, cần trục, xe ủi đất...), nguyên vật liệu xây dựng (ximăng, sắt thép, dây điện, ống nước, linh kiện điện nước), nhân công từ cao cấp (từ kỹ sư, kiến trúc sư, thợ cả đến thợ nề, thợ mộc, thợ điện, thợ ống nước...), vật tư và vật liệu xây dựng đường sá...

Sự khôn ngoan của người cung cấp tiền (phía Trung Quốc) là không muốn người làm trung gian hợp tác vay tiền của các ngân hàng Việt Nam, vì sợ bị kiểm soát. Nếu bắt buộc phải vay để hợp thức hóa công trình xây dựng thì chỉ được vay với những số tiền nhỏ (tuy nhỏ nhưng cũng đủ gây khó khăn cho ngân hàng nếu trở thành nợ xấu, nghĩa là không đủ khả năng trả nợ, và thường là nợ xấu vì người vay tuyên bố phá sản và chuyển quyền khai thác cho nhà đầu tư bất động sản bản xứ khác).

Hiện nay ở Việt Nam đã và đang xuất hiện rất nhiều cao ốc và cơ ngơi sang trọng, với hàng trăm ngàn căn hộ trống chưa có người mua (ở trong và cạnh các trung tâm đô thị, cạnh các trục lộ giao thông chính, cạnh các bờ sông, xa lộ, phi cảng và hải cảng quốc tế…), mà lợi tức trung bình của một người Việt Nam lương thiện không thể mua nổi.

Vậy những căn hộ này bán cho ai ? Chỉ có một khách hàng duy nhất : người Trung Quốc.

Cũng nên biết không phải người Trung Quốc yêu mến gì thắng cảnh xinh đẹp của Việt Nam mà ồ ạt tràn vào Đà Nẵng, đảo Lý Sơn, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết, Cần Thơ, Phú Quốc và Sài Gòn tham quan. Những người này chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là bám trụ chờ khi được bật đèn xanh thì làm thủ tục mua nhà, làm việc trong những hãng xưởng thuộc khu kinh tế đặc biệt do người Trung Quốc lục địa làm chủ, hay xây dựng cơ sở buôn bán để ở lại Việt Nam lâu dài.

Vào thời điểm này (tháng 4/2018) đèn xanh đã được bật. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã sửa đổi Luật đất đai 2013 cho phép người nước ngoài mua nhà đất ở Việt Nam (mà nhiều người tưởng dành riêng cho Việt kiều). Theo Luật nhà ở 2014, cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự thì được quyền mua, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại. Thời hạn sở hữu nhà theo thỏa thuận trong các hợp đồng giao dịch nhưng không quá 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn. Thời hạn sở hữu nhà ghi rõ trong giấy chứng nhận... nhưng người Trung Quốc muốn gia hạn tới 99 năm, nghĩa là muốn ở lại lâu dài. 

Hiện nay số lượng cao ốc và những khu biệt cư đã và đang xây dựng ở Việt Nam đủ để cung cấp cho hơn một triệu người nước ngoài vào ở. Số Việt kiều và người có quốc tịch phương Tây muốn mua nhà ở Việt Nam cao lắm là vài ngàn, số còn lại không ai khác hơn là khách du lịch Trung Quốc (không chịu đi tham quan) đang nằm vùng chờ cơ hội công khai để lộ diện.

Bây giờ giới chủ nhân cung cấp vốn gốc Trung Quốc không muốn chuyển tiền cho những trung gian người bản xứ (Việt Nam) xây cất nữa mà muốn trực tiếp đảm nhiệm. Công tác mua chuộc các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam đã hoàn tất, những người này muốn bạch hóa lượng tiền bỏ ra, vì đã được tẩy trắng bởi những đại gia bất động sản Việt Nam. Thời gian đang chín muồi cho sự lộ diện ồ ạt của chủ nhân những nguồn tiền khổng lồ đó, dưới hình thức "đầu tư trực tiếp nước ngoài" (Foreign Direct Investment - FDI), đến từ Thượng Hải và Quảng Châu.

Hai tin ngắn dưới đây cho thấy âm mưu cụ thể hóa quyền chuyển nhượng nhà đất của chính quyền cộng sản Việt Nam vào tay người Trung Quốc. Hệ quả của sự chuyển nhượng này là quyền lãnh đạo đất nước sẽ được chuyển từ từ vào tay người Trung Quốc. Lý do rất dễ hiểu : sở hữu được nhà thì sẽ sở hữu luôn quyền quyết định sinh hoạt nơi cư trú. Trong những ngày sắp tới số người Trung Quốc này chỉ đông lên thêm chứ không thể giảm xuống. Họ đã mua chuộc hầu hết các cấp chính quyền, họ có đủ mọi mọi phương tiện để có mọi giấy tờ cần có để hợp lệ hóa sự hiện diện và họ còn có thêm những quyền mà người Việt Nam không có như không nói tiếng Việt, không học tiếng Việt, không hội nhập vào xã hội Việt, không cho người Việt, kể cả các cấp chính quyền Việt Nam, được vào những khu vực dành riêng cho người Trung Quốc... Nói chung họ chỉ muốn là những khách trú ưu đãi, được hưởng tất cả những hoa lợi thu được ở Việt Nam mà không có một trách nhiêm gì cả, kể cả đóng thuế. Một cách ngắn gọn, họ là giai cấp thực dân mới.

Hơn nữa, cũng nên biết người Trung Quốc ở Việt Nam không muốn bị người Việt Nam cai trị, họ chỉ muốn được tự trị và lệ thuộc vào chính quyền Bắc Kinh. Ngược lại họ có quyền điều khiển người Việt Nam, qua trung gian giai cấp tôi đòi đảng cộng sản Việt Nam, để nắm yết hầu dân tộc Việt Nam qua các sinh hoạt kinh tế, quốc phòng và văn hóa.

Người Việt trong nước ơi, hãy thức tĩnh và ngăn chặn bàn tay bán nước đang biến con cháu mình thành nô lệ. Chỉ người Việt mới có thể cứu người Việt, hãy mở mắt và lấy quyết định dấn thân.

Nguyễn Văn Huy

*******************

Đọc thêm :

 

Doanh nghiệp Trung Quốc đề xuất đưa lao động sang Việt Nam, và sở hữu nhà 100 năm (RFA, 24/04/2018)

Một doanh nghiệp bất động sản lớn của Trung Quốc vừa đề nghị thành phố Hồ Chí Minh cho phép người Trung Quốc sở hữu nhà với thời hạn tới 100 năm vì doanh nghiệp này có thể sẽ đưa nhân viên Trung Quốc sang làm việc.

bds2

Ban giám đốc điều hành của tập đoàn bất động sản E-House của Trung Quốc.  thanhnien.vn

Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Chính Hiệp Thượng Hải Trung Quốc và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hôm 24/4.

Tại buổi làm việc, ông Ding Zuyu, Tổng giám đốc tập đoàn E-House của Trung Quốc cho biết, tập đoàn này đang có kế hoạch mở rộng đầu tư bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và hiện nay tập đoàn đã tham gia một vài dự án tại đây và sẽ mở bán trong thời gian tới cùng với việc mở công ty tại Việt Nam.

Ngoài ra ông Ding Zuyu còn đề nghị đưa các nhân viên từ Trung Quốc sang Việt Nam để làm việc và việc sở hữu nhà dành cho người nước ngoài lên tới 100 năm thay vì sở hữu 50 năm như luật qui định.

Hiện nay, Trung Quốc có 202 dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư các dự án lên tới hơn 150 triệu đô la và dự án lớn nhất lên tới 30 triệu đô la. Với tổng vốn đầu tư này Trung Quốc hiện xếp thứ 20 trong 96 quốc gia đầu tư tại đây.

Báo Thanh Niên trích lời bà Lê Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo luật Nhà ở, người nước ngoài được quyền mua nhà tại Việt Nam nhưng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Bà nói việc xem xét kéo dài thời gian sở hữu chỉ áp dụng đối với những dự án đặc biệt quan trọng tới sự phát triển của Việt Nam và phải do Thủ tướng xem xét.

********************

Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Thượng Hải Trung Quốc thăm Việt Nam (RFA, 23/04/2018)

Một đoàn cán bộ thành phố Thượng Hải của Trung Quốc vào ngày 23 tháng 4 được Tổng thư ký Ủy ban trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tiếp tại Hà Nội.

bds3

Ông Châu Hán Dân và ông Hầu A Lềnh tapchimattran.vn

Tin cho biết, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt Trận Tổ Quốc đại diện phía Việt Nam tiếp đón đoàn thành phố Thượng Hải, và trình bày về tình hình kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng của Việt Nam trong năm 2017 cho phía đoàn Thượng Hải.

Đại diện đoàn đại biểu Thượng Hải do ông Châu Hán Dân, Phó chủ tịch Chính hiệp Thành phố Thượng Hải dẫn đầu.

 

---------------------------

Mc lục

 

Phần 0 - Tổng quan

Phần 1 - Nắm giữ miền Bắc

Phần 2 - Hai hành lang một vành đai kinh tế

Phần 3 - Muốn làm chủ luôn cả miền Nam

Phần 4 - Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Phần 5 - Bằng chứng của một sự phản bội 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 2014 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)