Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/09/2019

Bao nhiêu tuổi còn được gọi là thanh niên ?

Nhiều tác giả

Thanh niên tuổi... bốn mươi

Nguyễn Tường Thụy, RFA, 13/09/2019

Quốc hội đang rôm rả thảo luận về luật thanh niên sửa đổi. Đáng chú ý hơn cả là người ta đang muốn tăng tuổi thanh niên lên tới... 40 ! ?

40tuoi1

Hình minh họa. Các đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản diễu hành trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân lễ kỷ niệm 45 năm quốc khánh hôm 2/9/2015 ở Hà Nội - AFP

Hồi còn trẻ, tôi thấy qui định tuổi đoàn viên từ 15 – 28. Hiện nay theo điều lệ đoàn thì tuổi đoàn từ 16-30, tức là theo qui định của Luật thanh niên hiện hành.

Còn bây giờ, người ta muốn tăng tuổi tối đa của thanh niên lên cao hơn nữa. Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật đề xuất nâng độ tuổi thanh niên lên tới 35 hay 40.

Một đống luật đang bị xếp vào một xó, không dám đụng tới như Luật biểu tình, Luật về hội... Họ không muốn xây dựng những luật "nhạy cảm" ấy nhằm chừa ra chỗ trống để xử lý theo luật rừng. Lại có thứ luật mà không ai đủ can đảm nhắc tới như Luật về hoạt động của đảng (cộng sản Việt Nam) cho nên Đảng cộng sản Việt Nam muốn làm gì thì làm.

Những luật đó rất cần thiết, nó tạo ra cơ sở pháp lý để quản lý xã hội.

Trong khi hoãn đi hoãn lại Luật biểu tình, Luật về Hội, không dám nhắc đến luật đảng thì quốc hội lại đem luật thanh niên ra bàn lại. Hình như quốc hội không có việc gì để làm. Nói đúng ra là những việc cần làm thì không được phép nên đành lôi những việc vô bổ ra bàn thảo. Chẳng lẽ đến nghị trường chỉ để ngủ. Mà đã làm cho có việc thì sinh ra nhiều ý kiến rất vớ vẩn, chỉ tổ cho dư luận giễu cợt.

40tuoi2

Hình minh họa. Hình chụp hôm 8/7/2016 : các em học sinh trung học tập quân sự ở Hà NộiAFP

Trở lại việc nâng tuổi thanh niên tới 40. Tuổi thanh niên cần qui định trong độ tuổi như thế nào để người ở giới hạn tối đa và tối thiểu phải có những điểm tương đồng không cách biệt nhau mấy. Theo ý kiến của ông Nguyễn Khắc Định thì tuổi tối thiểu và tối đa của thanh niên cách nhau tới 24 tuổi, tức là cách nhau hẳn một thế hệ. Hơn kém nhau 24 tuổi, mọi thứ nó khác lắm như về sức khỏe, độ nhanh nhẹn, tính trẻ trung sôi nổi. Một người 40 tuổi hoàn toàn có thể có con từ 16 đến 20, 21 tuổi. Khi ấy, sẽ xảy ra chuyện, bố con hoặc mẹ con cùng sinh hoạt trong một... chi đoàn thanh niên.

Đọc những ý kiến của các vị đại nghị gật, hóa ra họ muốn nâng tuổi tối đa của thanh niên lên để những người trong độ tuổi (mở rộng) "cống hiến" được nhiều hơn. Ông Phùng Quang Hiến, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng sửa luật để "tiếp lửa cho khí thế hừng hực của thanh niên". Chỉ cần sửa mấy điều luật mà những "thanh niên" 31, 40 bỗng trở nên "hừng hực" được thì lạ thật.

Họ cứ làm như thể một ông 40 tuổi, khi xếp vào thanh niên thì anh ta khỏe ra không bằng.

Ngược lại, người trẻ nếu xếp vào lớp già cũng không làm cho họ già đi. Ngày xưa, thế hệ bố mẹ tôi, 50 tuổi đã có người gọi bằng cụ. Bố tối hồi 49 tuổi, ra đường được chào "cháu kính cụ", "chào cụ giáo". Sở dĩ tôi nhớ được là hồi ấy đoàn công tác tìm đến nhà cụ giáo để điều tra dân số. Gọi là cụ, nhưng đâu phải làm ông già đi. Ông vẫn còn dạy học được hơn 10 năm nữa mới nghỉ hưu. Còn tôi được báo về hưu từ năm 39 tuổi, có nghĩa là theo dự tính tuổi thanh niên bây giờ thì tôi về hưu khi chưa hết tuổi đoàn. Tôi đi lính, ở nhà dân, gọi những người 40 tuổi thậm chí 35 tuổi là bố mẹ, vì con của bố mẹ cũng chỉ xêm xêm tuổi tôi. Ông Hồ Chí Minh xưng là "cha già dân tộc" khi ông mới 55 tuổi, tức là hơn tuổi thanh niên mở rộng có 15 tuổi. Rõ ràng, xưng thì cứ xưng, gọi thì cứ gọi nhưng không thể biến một ông thành người cao tuổi nhất nước được.

Tiện nói đến ông Hồ, nhắc luôn mấy câu thơ của ông :

"Chưa năm mươi đã kêu già

Sau ba mình nghĩ vẫn là đương trai".

Ở một bài khác :

"Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già".

Sáu ba : đương trai, năm chín : chưa già là lối nói lạc quan, tự động viên mình và động viên người khác, chứ không có nghĩa là tuổi ấy vẫn còn là thanh niên.

Mấy ông bà quốc hội nghĩ, cứ tăng tuổi thanh niên lên là con người trẻ ra. Trẻ hay không là phụ thuộc vào tuổi chứ đâu phụ thuộc vào việc xếp vào nhóm nào, thanh niên hay người cao tuổi. Ví dụ tuổi thanh niên nếu qui định tới 65 thì bà Kim Ngân vẫn là bà già 65 tuổi chứ đâu biến được bà thành cô gái.

Cơ cấu tuổi trong dân số là khách quan. Dù phân loại theo tiêu chí nào thì nguồn lao động xã hội nó vẫn thế. Cho rằng tăng tuổi thanh niên để tăng thêm nguồn lực lao động là lối tư duy nhảm nhí.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 13/09/2019

*******************

Vì sao 'thanh niên' Nguyễn Khắc Định đề xuất 40 tuổi mới hết là thanh niên ?

Minh Châu, VNTB, 13/09/2019

Cần lưu ý việc ông Nguyễn Khắc Định từng là trợ lý của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và từng bị ‘đá văng’ khỏi Sài Gòn.

40tuoi3

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định. Ảnh : Trung tâm báo chí Quốc hội

Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định đã đề xuất, nghiên cứu nâng độ tuổi thanh niên lên 35 hay 40 tuổi, vì quy định độ tuổi thanh niên 30 tuổi như lâu nay, theo ông là quá thấp.

Dự án Luật Thanh niên sửa đổi đang được Bộ Nội vụ chấp bút soạn thảo, vừa có tờ trình dự án này tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/9. Đề xuất nâng độ tuổi thanh niên là ý kiến của ông Nguyễn Khắc Định. Chưa ghi nhận ý kiến nào phản bác hay tán thành đề xuất đó của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tại phiên họp.

Bao nhiêu tuổi được gọi là ‘thanh niên’ từng được đặt ra trong lần lấy ý kiến về dự Luật Thanh niên năm 2005 (hiệu lực từ 1/7/2006). Khi ấy, khoản 2 điều 1 của dự Luật Thanh niên quy định : "Thanh niên là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 16 - 35 tuổi".

Khi ấy, quan điểm của Hội Khuyến học Việt Nam rằng tuổi từ 25 trở lên nhiều thanh niên đã là cử nhân, kỹ sư, cũng có thể là các doanh nghiệp. Còn từ 30 tuổi trở đi có người đã là tiến sĩ, vụ trưởng, chủ tịch xã, những cán bộ chính trị... Với những đối tượng này họ cần luật khác hơn là Luật Thanh niên.

Ý kiến tương tự từ Trung tâm Xã hội học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), với tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chưa cao, nếu quy định là 35 thì đã ở... nửa cuộc đời rồi, do đó nên dưới 30 thì phù hợp. Nếu lấy độ tuổi thanh niên từ 16 - 35 thì biên độ chênh lệch quá lớn (19 tuổi). Như vậy, về lý thuyết, trong một gia đình có thể có cả bố, mẹ và con cùng trong độ tuổi thanh niên.

Con số công bố hôm 10/9/2019, theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong cho biết, hiện nay cả nước có hơn 6,3 triệu đoàn viên. Còn Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam có hơn 10 triệu thành viên tham gia. Theo quy định hiện hành, từ 15 đến 30 là ‘tuổi Đoàn", còn độ tuổi của hội viên Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam quy định đến 35 tuổi. Nếu sắp tới dự Luật Thanh niên sửa đổi nâng tuổi thanh niên lên 35 tuổi, thì coi như cánh tay phải của đảng cộng sản Việt Nam bổ sung thêm được 4 triệu người nữa.

Nâng tuổi thanh niên còn cần điều chỉnh tương ứng về định nghĩa thế nào là ‘người cao tuổi’ ?. Tại điều 2, Luật người cao tuổi năm 2009 có quy định người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Về vấn đề sức khỏe sinh sản trong độ tuổi thanh niên, nếu độ tuổi thanh niên được chấp nhận nâng lên mức tuổi 40, thì các khuyến cáo liên quan cho thấy là không phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

Giới y khoa cho rằng, tuổi thanh niên đến 35 là quá già.

"Theo tôi, nếu tính mốc giới hạn tuổi thanh niên đến 35 là quá già ! Bởi sự phát triển về mặt thể chất cũng như tâm sinh lý ở giới trẻ là sớm hơn trước. Tại Việt Nam, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tính từ 15. Đây là tuổi thể chất của các bạn nữ phát triển tương đối hoàn chỉnh và là tâm sinh lý cũng phát triển. Tuy nhiên, ở các bạn nam, 17 tuổi mới theo kịp sự phát triển sinh lý của các bạn nữ. Vậy nên, khung tuổi thanh niên thích hợp nhất là từ 15 đến 25 đối với nữ, và từ 17 đến 30 đối với nam". Bác sĩ, chuyên viên tư vấn sức khỏe Nguyễn Ngọc Năm (Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình), nhận định.

Ghi nhanh của người viết về đề xuất nâng tuổi thanh niên, theo cô giáo Nguyễn Thu Dung, thì nếu tăng tuổi thanh niên lên sẽ có tác dụng cho các báo cáo về dân số, thị trường.

"Việt Nam đã để lỡ thời kỳ dân số vàng 10 năm trước, lúc đó đỉnh điểm quốc gia có nguồn nhân lực trẻ, khỏe và dồi dào nhất, nhưng xui đúng lúc kinh tế đi xuống nên nguồn lực đó không được dùng hiệu quả. Việc kéo dài tuổi thanh niên ra, có thể là một cách chơi chữ để vẫn tận dụng được nguồn nhân lực trẻ đó, cũng như về lâu dài có thể có lợi trong các thống kê kinh tế gì đó…". Cô giáo Nguyễn Thu Dung, chia sẻ.

Cựu bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của trường cấp 3 Hoàng Hoa Thám, bà Nguyễn Ngọc Tâm ngờ vực : "Việt Nam đang trong quá trình tinh giản bộ máy, biên chế. Lực lượng cán bộ đầu vào đa phần là nguồn từ Đoàn thanh niên các cấp. Hiện nay, cán bộ đoàn đa số công tác không quá 35 tuổi, trường hợp đặc biệt không quá 40 tuổi. Sau khi hết tuổi bắt buộc phải sắp xếp luân chuyển sang vị trí tương đương.

Tăng tuổi thanh niên sẽ tăng tuổi của cán bộ Đoàn, trì hoãn việc luân chuyển bắt buộc, có khoảng trống để tinh giản biên chế. Đồng nghĩa sẽ giữ mấy ông cán bộ quá tuổi ở lâu hơn, lấy mất cơ hội của lớp trẻ".

Trong một chia sẻ cũng mang tính ngờ vực về ‘động cơ cá nhân’ của người đề xuất nâng tuổi thanh niên, theo nhà báo C.M.T, biên tập viên tạp chí Shipping Times, thì cần lưu ý việc ông Nguyễn Khắc Định từng là trợ lý của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và từng bị ‘đá văng’ khỏi Sài Gòn.

Tháng 3 năm 2014, ông Nguyễn Khắc định nằm trong danh sách 44 cán bộ được điều động, luân chuyển làm cán bộ tại các địa phương, ông được Bộ Chính trị điều động tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng bất ngờ sau đó ông phải lặng lẽ rời Thành phố Hồ Chí Minh để trở về Hà Nội để tiếp tục làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

"Theo tôi biết, trong những các bận lấy ý kiến trước đó về nâng độ tuổi thanh niên trong lần sửa đổi này về Luật Thanh niên, hầu hết đều đồng ý giữ nguyên như bản dự thảo là từ 16 đến 30.

Ngay cả ý kiến nâng lên từ 35 đến 40 của ông Nguyễn Khắc Định ở phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/9, thật ra cũng chẳng có ai hưởng ứng. Báo chí rút ý kiến này để làm tít tựa bài báo, chủ yếu để ‘câu view’ thu hút ngay từ đầu sự chú ý của người đọc". Biên tập viên C.M.T chia sẻ, và đưa ra tấm hình chụp những ‘thanh niên khăn quàng đỏ’ già chát…

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 13/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 491 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)