Luật Dẫn độ đã xuất hiện rất lâu trong thế giới Tây phương, nó cho phép các nước ký kết với nhau chia sẻ những thông tin giữa hai phía. Nó cũng cho phép tội phạm của nước này có thể bị nước kia bắt và gửi trả về nguyên quán. Tuy nhiên đó là những nghi phạm can tội tại nước của mình như tham nhũng hay các tội hình sự khác.
Hình trích xuất từ website báo Tuổi Trẻ.
Có những trường hợp đặc biệt khi một người bị đất nước của họ kết án tội phạm chính trị vì có những lời nói, hành động chống lại chính quyền thì đa số các nước trong thể chế dân chủ sẽ có điều khoản từ chối dẫn độ vì làm như vậy thì người bị cáo buộc có thể bị những bản án rất nặng nề mà một đất nước dân chủ thật sự không cho phép. Đây là điều mà dân chúng Hong Kong đang lo lắng và cực lực phản đối luật dẫn độ do Trung Quốc gợi ý và bà trưởng đặc khu đề nghị.
Cũng có những điều khoản ngoại lệ trong luật dẫn độ nếu tội phạm bị trả về nguyên quán sẽ bị tử hình thì nước thứ hai sẽ không dẫn độ đương sự về bản quốc để thụ án vì lý do nhân đạo.
Một trong những điều khoản thông thường nhất là tội phạm can án tại quốc gia nào thì quốc gia ấy trực tiếp dùng luật lệ của mình để xử lý hành vi của nghi can và chỉ trả đương sự về nước sau khi thi hành án. Theo lời Luật sư Nguyễn Văn Miếng, khi trả lời RFA hôm 12 tháng 8 năm 2019 giải thích về luật dẫn độ như sau :
"Bộ luật hình sự Việt Nam có quy định về dẫn độ, tuy nhiên phải theo hiệp ước giữa hai bên, thứ hai là trường hợp viên chức ngoại giao, một trường hợp nữa là do hai bộ ngoại giao làm việc với nhau để giải quyết. Tuy nhiên một nguyên tắc tối thượng trong bộ luật hình sự là tội phạm hình sự xảy ra ở đâu, thì xử ở đó. Tức là xảy ra ở Việt Nam thì Việt Nam phải xử, riêng trường hợp Trung Quốc thì nó đặc biệt như thế nào đó mà hiện nay tôi chưa hiểu rõ là họ căn cứ vào đâu để họ dẫn độ những công dân Trung Quốc phạm tội ở Việt Nam, vì về nguyên tắc là phải xử ở Việt Nam".
Ngoài ra, theo điều 27 của Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam đã ký với Trung Quốc. Việt Nam cũng có thể từ chối tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự.
Tuy nhiên thực tế những gì đang diễn ra tại Việt Nam lại khác với thông lệ thế giới, ngay cả khác với những quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam khi nhiều tội phạm quốc tịch Trung Quốc đến Việt Nam gây án lại "được" dẫn độ về Trung Quốc mà không qua xét xử khiến dư luận ngỡ ngàng và rất nhiều câu hỏi đặt ra về hiện tượng này.
Tháng 8 năm 2019 vừa qua, 395 tội phạm người Trung Quốc bị phát hiện và bắt giữ tại Hải Phóng vì tổ chức đánh bạc trong khu vực mà Việt Nam cho phép họ dùng để làm resort. Chỉ mấy ngày sau phía Việt Nam đã dẫn độ 395 tội phạm này cho phía Trung Quốc.
Ngày 27 tháng 8 , Việt Nam cũng đã trao trả 28 người Trung Quốc cho Cục Công an thành phố Đông Hưng của Trung Quốc để xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại Việt Nam.
Tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội sáng 4 tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thông tin về lý do trao trả 395 người trong đường dây đánh bạc bị bắt tại khu đô thị Our City cho Trung Quốc. Ông Lê Quý Vương lý giải việc trao trả 395 "con bạc" cho Trung Quốc là do Việt Nam và Trung Quốc ký thỏa thuận về hợp tác trong công tác phòng chống tội phạm.
Một vài tuần sau, một đường giây ma túy cực lớn bị phát hiện tại Bình Định, bốn nghi can người Trung Quốc bị bắt tại hiện trường và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh lại ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 người này về hành vi cư trú bất hợp pháp với số tiền 95 triệu đồng và buộc phải trở về Trung Quốc. Đây là 4 trong số 6 đối tượng liên quan đến 2 kho chứa hóa chất dùng để chế biến ma túy tại khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) vừa bị Công an tỉnh Bình Định phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) bắt giữ vào ngày 6-8.
Đường giây ma túy này lớn đến nỗi có chân rết tại nhiều tỉnh thành đã bị phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, Kom Tum và đang tiếp tục điều tra tại nhiều nơi khác. Tất cả 14 nghi can đều là người quốc tịch Trung Quốc sang Việt Nam với mục đích duy nhất là sản xuất và phát tán một lượng lớn ma túy cho người tiêu thụ tại Việt Nam. Tuy chưa có quyết định về số phận của những tội phạm người Trung Quốc này nhưng dư luận cho rằng họ sẽ được dẫn độ về Trung Quốc như 4 phạm nhân tại Bình Định.
Rất ít người dân biết được luật dẫn độ đã được Việt Nam ký với Trung Quốc, theo VOA dẫn lại nhiều nguồn từ Trung Quốc thì Hiệp định Dẫn độ gồm 22 điều khoản, bao gồm các vấn đề như nghĩa vụ dẫn độ, tội phạm đủ điều kiện dẫn độ, những lý do có thể và nên được sử dụng để từ chối dẫn độ và giải quyết tranh chấp.
Hiệp định này được Hội đồng Nhà nước ủy quyền, nhóm đàm phán Trung Quốc gồm các quan chức từ nhiều bộ khác nhau, đã bắt đầu hội đàm với phía Việt Nam hồi tháng 10 năm 2013. Hai bên đã ký hiệp ước vào ngày 7/4/2015 tại Bắc Kinh.
Cho tới nay chưa có thông tin chi tiết nào từ luật dẫn độ được chính phủ Việt Nam ban hành vì vậy khi có một cuộc dẫn độ xảy ra ngay cả các luật sư là người phải am tường luật này cũng chịu thua và chỉ suy đoán căn cứ theo Bộ luật hình sự Việt Nam. Việc ký kết này được xem là mờ ám và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, vi phạm Hiến pháp Việt Nam và pháp luật Việt Nam bị những người đặt bút ký Luật này với Trung Quốc thông đồng với Bắc Kinh làm cho đất nước bị đối xử như một mảnh đất vô pháp luật.
Người dân Việt Nam cần biết rõ Luật Dẫn độ ký kết với Trung Quốc có được thông qua Quốc Hội hay không và vì lý do gì báo chí không công khai cho người dân biết. Người dân Việt Nam cũng rất cần biết tại sao nhà nước Việt Nam ưu tiên cho người Trung Quốc vào Việt Nam với số lượng rất lớn và không kiểm soát tất cả mọi công việc họ làm trên đất nước này để khi xảy ra vụ việc sản xuất ma túy với số lượng cực lớn thì người dân mới biết tới Luật dẫn độ mà thực chất là dẫn tội phạm về bản xứ đề tránh bị xét xử tại tòa án Việt Nam.
Phải chăng Trung Quốc là đất mẹ mà Việt Nam cần đưa người dân của họ về cũng như Hong Kong, Trung Quốc muốn bắt ai thì bắt qua Luật Dẫn độ đang gây phân rã mảnh đất kiên cường này. Việt Nam không phải là Hong Kong và vì vậy người dân có quyền biết những điều mà chính phủ Việt Nam đang cố giấu.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 13/09/20149
*********************
Dân phẫn nộ vì người Trung Quốc sản xuất ma túy ở Việt Nam chỉ bị phạt hành chính (VOA, 13/09/2019)
Việc nhà chức trách đưa ra mức xử phạt hành chính đối với 4 người Trung Quốc tham gia đường dây sản xuất ma túy "cực lớn" ở Việt Nam đã làm người dân phẫn nộ khi họ cho rằng Việt Nam sẽ là "thiên đường" của tội phạm Trung Quốc.
Một cảnh sát canh gác bên cạnh lô hàng ma túy bị thu giữ ở Trung Quốc năm 2018. Bộ Công an Việt Nam đã phát hiện và đang điều tra đường dây sản xuất ma túy của người Trung Quốc ở Việt Nam, trong đó 4 người Trung Quốc bị phạt "hành chính" 95 triệu đồng.
Truyền thông trong nước hôm 11/9 cho biết một đường dây sản xuất ma túy được gọi là "cực lớn" do nhóm người Trung Quốc cầm đầu ở tỉnh Bình Định đã bị Công an Việt Nam triệt phá. Bốn người Trung Quốc liên quan đến đường dây này bị xử phạt hành chính về "hành vi cư trú bất hợp pháp với số tiền 95 triệu đồng".
Quyết định xử phạt của tỉnh Bình Định đối với những người Trung Quốc, được VTC và Người Lao Động trích dẫn, cho biết ông Zhou Liuging, 38 tuổi, bị phạt 35 triệu đồng do "không có giấy tờ tùy thân và đã vi phạm hành chính với lỗi là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền". Ba người còn lại bị phạt mỗi người 20 triệu đồng do "nhập cảnh hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền".
Bốn người này nằm trong số 6 nghi can vừa bị Bộ Công an bắt giữ liên quan đến 2 kho chứa hóa chất dùng để chế biến ma túy tại phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn của Bình Định, theo ghi nhận của phóng viên VTC và Người Lao Động.
Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Bộ Công an đã thu giữ 200 thùng phuy chứa hóa chất và nhiều dụng cụ, máy móc để sản xuất ma túy.
Kết quả cho thấy kho chứa hóa chất ở Bình Định là nơi trung chuyển cho các cơ sở sản xuất ma túy tại nhiều tỉnh, thành trong nước do người Trung Quốc cầm đầu vừa được Bộ Công an Việt Nam triệt phá.
Trước đó, Bộ Công an hôm 9/9 bắt giữ 8 người Trung Quốc có hành vi sản xuất ma túy tại tỉnh Kon Tum. Công an Việt Nam đã thu giữ hàng chục tấn hóa chất, tiền chất ma túy cùng 20 tấn máy móc, thiết bị sản xuất ma túy trong vụ đột kích nhà kho ở tỉnh trên Tây Nguyên, theo Thanh Niên.
Trong số những người phản đối mức phạt "hành chính" đối với 4 công dân Trung Quốc, một người dùng Facebook có tên Thuy Le cho rằng "tội phạm buôn bán, tàng trữ, sản xuất ma túy thường phải xử nhiều năm tù hoặc chung thân đến tử hình". Facebooker này "phẫn nộ" trước việc những người Trung Quốc chỉ bị phạt "vài chục triệu đồng".
Anh Linh, một người dùng Facebook, cũng nêu ý kiến phản đối khi cho rằng "buôn bán sản xuất 13 tấn ma túy chỉ phạt hành chính thì xã hội không loạn mới lạ".
Trong khi đó, hôm 5/9 một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án chung thân đối với một công dân Úc gốc Việt vì tham gia đường dây buôn bán ma túy từ Việt Nam sang Úc.
Luật sư Hà Huy Sơn nói với VOA rằng khung hình phạt theo Bộ luật hình sự Việt Nam cho hành vi sản xuất ma túy với khối lượng lớn như vậy phải là tử hình.
Nhận định về việc xử phạt 4 người Trung Quốc của chính quyền Bình Định, ông Lê Quang Huy, một người dân sống ở thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA rằng "tội phạm ma túy là tội hình sự" và do đó theo ông "tội phải xét xử theo thẩm quyền lãnh thổ, nhưng Việt Nam bị vướng vào hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc nên phải trả cho Trung Quốc". Ông Huy nói ông "phản đối điều này".
Trung Quốc tháng trước cho biết quốc hội nước này đã phê chuẩn một Hiệp ước dẫn độ với Việt Nam đã được ký kết từ năm 2015, theo đó các tội phạm của Trung Quốc sẽ được đưa về nước họ để xử. Việc phê chuẩn này diễn ra hơn 1 tháng sau khi Việt Nam dẫn độ hơn gần 400 nghi phạm người Trung Quốc tham gia đường dây đánh bạc được coi là lớn nhất ở Việt Nam qua mạng internet tại Hải Phòng bằng đường bộ qua cửa khẩu quốc tế tại Lạng Sơn.
Tháng trước, ba người Trung Quốc bị kết tội giết hại một người lái xe taxi ở Sơn La rồi vứt xác xuống sông nhưng lại được trục xuất về Trung Quốc. Vụ việc này cũng gây nên phẫn nộ từ phía người dân.
Cũng trong tháng 8, Việt Nam đã dẫn độ 28 người Trung Quốc giao cho Cục Công an thành phố Đông Hưng của Trung Quốc xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại Việt Nam.
Luật sư Lê Đình Việt cho rằng "Hiệp ước dẫn độ Việt-Trung sẽ thu hút nhiều người Trung Quốc qua Việt Nam phạm tội" trong một phần đăng tải trên Facebook cá nhân hôm 11/9.
Một Facebooker có tên Vova Bui, trong phần bình luận về việc xử phạt hành chính 4 người Trung Quốc ở Bình Định, cũng cho rằng "Việt Nam sẽ là thiên đường của tội phạm Trung Quốc".
"Để đảm bảo chủ quyền và luật pháp được thực hiện nghiêm minh thì tội phạm xảy ra trên đất nước Việt Nam cần phải được xử lý bằng pháp luật Việt Nam," theo Luật sư Hà Huy Sơn.