Năm 2017, ông Tô Lâm đích thân sang Đông Âu chỉ đạo bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Kết quả được xem là thành công mỹ mãn, khi chính Tô Lâm đưa được Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam hầu tòa. Cũng nhờ đó mà ông Nguyễn Phú Trọng hạ được Đinh La Thăng. Tuy nhiên, đấy là hành động xốc nổi, chỉ được việc trong ngắn hạn, còn về dài hạn thì hại nhiều hơn lợi.
Ba khúc xương "khó gặm" của Bộ trưởng Tô : Vũ Đình Duy, Hồ Thị Kim Thoa và Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Cái hại trước hết là Đảng cộng sản Việt Nam bị dính tiếng xấu đối với Đức và các nước trong khối EU khác. Thứ nhì là mối quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa Việt Nam và Đức. Cho đến nay, mối quan hệ này vẫn còn căng thẳng.
Bắt cóc trong bất kỳ trường hợp nào cũng là hành vi phạm pháp. Hơn nữa, bắt cóc trên lãnh thổ một quốc gia còn là hành vi chà đạp lên hệ thống luật pháp và chủ quyền của quốc gia đó. Qua việc bắt cóc người, Đảng cộng sản Việt Nam và Tô Lâm đã xem Đức như là một quốc gia vô chủ.
Đức là một cường quốc thế giới, là quốc gia vừa có gốc tư bản lẫn gốc cộng sản. Nơi đây, người Việt sống và định cư rất đông, đặc biệt là những người phía Bắc vĩ tuyến 17, từng đi xuất khẩu lao động tại Đông Đức và giờ là công dân của nước Đức thống nhất. Cho nên, quan chức Việt Nam có bà con họ hàng tại Đức khá đông. Đây cũng là lý do để nhiều quan chức tham nhũng bỏ trốn, chọn nước Đức làm nơi tá túc.
Thời ông Tô Lâm làm Bộ trưởng Bộ Công an, ông đã để xổng 4 con cá gộc trong các vụ án lớn. Đó là :
- Vũ Đình Duy – cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) ;
- Hồ Thị Kim Thoa – cựu Thứ trưởng Bộ Công thương ;
- Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch Công ty Tiến bộ Quốc tế AIC ;
- Bùi Quang Huy – cựu Tổng Giám đốc Nhật Cường Mobile.
Riêng Bùi Quang Huy không biết lẩn trốn nơi nào, còn 3 người kia được xác định là hai người đang lẩn trốn ở Đức và một người đang lẩn trốn ở Pháp.
Ngày 5/10 vừa qua, báo chí Việt Nam cho biết, chính quyền Việt Nam đã gửi 13 yêu cầu dẫn độ trong năm 2023, 40 yêu cầu giao người chấp hành hình phạt tù, theo báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, cho tới nay, Việt Nam chưa thể dẫn độ được 4 nhân vật lớn nói trên. Đặc biệt là Vũ Đình Duy, Hồ Thị Kim Thoa và Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Được biết, Việt Nam không ký hiệp định pháp lý nào với Đức. Còn với Pháp, Việt Nam cũng không ký hiệp định dẫn độ, chỉ ký Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự. Đức là nơi mà Vũ Đình Duy và Nguyễn Thị Thanh Nhàn ẩn náu, còn Pháp là nơi bà Hồ thị Kim Thoa ẩn náu. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn có quốc tịch Cyprus – một nước thuộc khối EU.
Hiện nay, một số người lý luận rằng, Đức dung túng cho tội phạm Việt Nam là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đây chỉ là lý luận theo ngôn ngữ cộng sản.
Với Đức, họ là quốc gia pháp quyền, thượng tôn pháp luật, tôn trọng nhân quyền. Họ sẽ chỉ xem xét vấn đề trên phương diện pháp lý, không dựa vào cảm tính, cảm xúc hay quen biết …
Họ không tin tưởng vào quy trình tố tụng của Việt Nam, mà trên thực tế, đã để xảy ra quá nhiều oan sai. Do đó, "tội phạm" mà Việt Nam truy tố, đối với Đức, không hẳn là tội phạm. Vì vậy, nếu những người này kêu oan, kêu cứu, thì luật pháp Đức có thể cứu xét.
Lấy ví dụ về vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Thanh đã nộp đơn xin tị nạn tại Đức, tất nhiên ông ta phải trình bày những bằng chứng, chứng minh ông bị oan, hoặc bị ép buộc, bị truy bức. Chính quyền Đức đã chấp nhận đơn xin tị nạn của ông Thanh, nghĩa là, họ nhận thấy những bằng chứng, lý lẽ của ông Thanh có phần hợp lý, phù hợp pháp luật của họ.
Ngược lại, Việt Nam lại tổ chức bắt cóc người trên lãnh thổ Đức, đó là hành vi phạm tội, là cách hành xử theo kiểu mafia, mà một quốc gia pháp quyền không thể chấp nhận, chưa kể hành vi đó chà đạp lên chủ quyền quốc gia của Đức.
Vì vậy, sau vụ Trịnh Xuân Thanh, Đức từ chối tất cả các yêu cầu dẫn độ từ Việt Nam là điều hợp lý.
Vấn đề của chính quyền Việt Nam với phía Đức được chỉ được tháo gỡ, khi phía Việt Nam nhận sai và sửa sai bằng cách trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức.
Tuy nhiên, việc chính quyền cộng sản nhận sai là không bao giờ. Vậy nên, dù có soạn thảo về Luật dẫn độ, có làm gì đi chăng nữa, thì việc bắt người tại Đức là điều không thể. Và cả Pháp cũng thế, Việt Nam chưa có hiệp định dẫn độ với Pháp, thì xem ra, muốn bắt người là rất khó. Cho nên, có thể nói, trường hợp Vũ Đình Duy, Hồ Thị Kim Thoa và Nguyễn Thị Thanh Nhàn là 3 khúc xương khó gặm đối với ông Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam – Tô Lâm.
Ý Nhi
Nguồn : Thoibao.de, 10/10/2023
Hai nghi phạm gốc Việt bị truy nã về tội giết người ở Mỹ đã được dẫn độ về Houston, nơi xảy ra án mạng, và bị từ chối bảo lãnh tại tòa do "nguy cơ bỏ trốn", theo các báo địa phương của Texas.
(Từ trái qua phải) Jaydan Vu Nguyen và Polie Phan đã bị đưa về Houston, nơi xảy ra án mạng, sau khi bị công an Việt Nam bắt giữ và trao trả về Mỹ.
Trích dẫn thông tin từ Sở Cảnh sát Houston, Click2Houston, cho biết Polie Phan và Jaidan Nguyen, bị cáo buộc tội giết người hồi tháng 3 vừa qua, đã được di lý từ San Francisco ở California tới Địa hạt Harris ở Houston của Texas hôm 19 và 21/7.
Trước đó trong tháng này, Cục Cảnh sát hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã bắt giữ và trao cho phía Hoa Kỳ hai nghi can bị truy nã ở Houston vì bị cáo buộc "sử dụng súng bắn chết hai người" hồi tháng 1 năm nay. Theo Bộ Công an Việt Nam, hai người này đã nhập cảnh vào Việt Nam để lẩn trốn.
Các nhà điều tra cho biết hai nghi phạm gốc Việt đã giết hại 2 người trồng cần sa thương mại – Dana Ryssdal, 35 tuổi, và Gerald Martin III, 37 tuổi – vì tranh chấp tiền liên quan đến ma túy, theo Click2Houston.
Còn theo bà Jennifer Lawrence, người đang truy tố vụ án cho Văn phòng Tổng Công tố tiểu bang, được Houston Chronicle trích lời cho biết các đoạn ghi hình giám sát, dữ liệu điện thoại di động và những lời khai của Jaidan Nguyen với cơ quan thực thi pháp luật cho thấy nghi phạm 25 tuổi này dính líu đến vụ bắn chết Ryssdal và Martin ở khu vực Houston Heights của Địa hạt Harris.
Tại tòa xét xử trọng tội của Địa hạt Harris hôm 24/7, Jaidan Nguyen bị từ chối quyền được bảo lãnh tại ngoại, theoHouston Chronicle.
Theo tờ báo của Houston, thẩm phán Lori Chambers Grey đưa ra lý do để giữ Jaidan Nguyen lại cho việc xét xử và từ chối quyền bảo lãnh đối với bị can này khi cho rằng nghi phạm có nguy cơ bỏ trốn do tiền sử gần đây của người này.
Trước đó, Polie Phan, 27 tuổi, cũng bị một thẩm phán từ chối cho quyền được bảo lãnh khi xuất hiện tại tòa ở Quận Harris hôm 21/7.
Theo Bộ luật Hình sự Texas, được Houston Chronicle trích dẫn, việc giết nhiều người trong đó nghi phạm "cố ý hoặc cố tình gây ra cái chết cho một cá nhân" là một trọng tội và có mức án lên đến tử hình.
Cảnh sát bắt đầu điều tra về vụ giết người hôm 27/1 sau khi tìm thấy thi thể của ông Ryssdal với nhiều vết đạn bắn tại nhà của ông Martin và sau đó tìm thấy thi thể ông Martin với nhiều vết thương do đạn bắn tại một địa điểm khác ở Houston.
Theo cảnh sát, dường như Polie Phan nợ tiền ông Martin và điều này có thể dẫn đến vụ sát hạn bằng súng. Trong khi đó, Kathy Vu, bạn gái của Polie Phan, cho rằng ông Martin mới là người nợ bạn trai của mình 40.000 USD "sau khi một giao dịch liên quan đến ma túy không diễn ra như kế hoạch", theo hồ sơ tòa án.
Kathy Vu đã xuất hiện tại tòa vào tháng 3 để đối chất với cáo buộc rằng cô đã giả mạo bằng chứng liên quan đến cái chết của ông Martin và Ryssdal. Nghi phạm 23 tuổi này được cho là đã "dọn dẹp hiện trường vụ án mạng" và "giúp xóa sạch mọi bằng chứng".
Phiên tòa tiếp theo xử Jaidan Nguyen được dự kiến vào tháng 10 và luật sư biện hộ được chỉ định của nghi phạm này, David Michael Ryan, cho biết ông nhắm mục tiêu loại bỏ án tử hình cho thân chủ.
Không rõ phiên tòa xét xử tiếp theo đối với Polie Phan và Kathy Vu được ấn định khi nào.
Thu Hằng, RFI, 26/12/2020
Trung Quốc sắp phê chuẩn một hiệp định dẫn độ với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi cư trú của đông đảo sắc dân thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo bị truy bức ở vùng Tân Cương, viễn tây Trung Quốc.
Ủy ban Đối Ngoại của Quốc hội Trung Quốc có đợt họp trong tuần này, kết thúc hôm nay, 26/12/2020. Ngày 23/12, ông Trương Nghiệp Toại (Zhang Yesui), chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Quốc hội Trung Quốc, đã báo cáo về tiến độ đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ. Hiệp định dẫn độ được hai bên ký vào năm 2017 nhưng chưa được phê chuẩn. Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, theo thông lệ, Quốc hội Trung Quốc thường phê chuẩn các văn bản chính thức ít ngày sau báo cáo như trên.
Bắc Kinh rất mong muốn sớm thông qua Hiệp định này. Trong một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua vac-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc mới đây, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhắc lại mong muốn của Bắc Kinh.
Theo ông Li Wei, một chuyên gia về chống khủng bố tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc ở Bắc Kinh, được SCMP trích dẫn, "chống khủng bố sẽ là một phần quan trọng của hiệp định, vì cả hai nước phải đối mặt với các mối đe dọa khủng bố trong thời gian dài". Vẫn theo vị chuyên gia này, hiệp định sẽ "không chỉ đích danh một tổ chức hay một nhóm người cụ thể".
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, nếu được phê chuẩn, số phận người Duy Ngô Nhĩ tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể gặp nguy hiểm. Ông Selcuk Colakoglu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương tại Ankara, đánh giá rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đối mặt với "phản ứng dữ dội" của các đảng đối lập, thậm chí ngay trong nội bộ đảng cầm quyền, nếu dự thảo luật dẫn độ với Trung Quốc được đưa ra phê chuẩn ở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Liên Hiệp Châu Âu cũng như Liên Hiệp Quốc đã liên tục cảnh báo tình trạng đàn áp nhân quyền tại khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, và việc chính quyền Bắc Kinh trấn áp người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo.
Thu Hằng
*************************
Trọng Thành, RFI, 23/11/2020
Báo chí Ấn Độ hôm 25/12/2020, đồng loạt loan tin về vụ an ninh Afghanistan bắt giữ 10 nghi phạm gián điệp Trung Quốc. Người đứng đầu nhóm tình nghi gián điệp bị bắt từ ngày 10/12. Theo trang Hindustan Time, đích danh phó tổng thống Afghanistan, Amrullah Saleh, giám sát cuộc điều tra về vụ án này.
Theo phó tổng thống Afghanistan, nếu Bắc Kinh chính thức có lời xin lỗi, Kabul sẽ thả các nghi phạm. Chính quyền Kabul cũng thông báo với đại sứ Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không xin lỗi, tư pháp Afghanistan sẽ tiến hành truy tố các can phạm. Đây là vụ bắt giữ nghi phạm gián điệp Trung Quốc đầu tiên từ nhiều năm nay.
Thông tín viên Sonia Ghezali tường trình từ Islamabad :
"Súng ống, đạn dược và thuốc nổ đã được tìm thấy tại nhà của nghi phạm Lý Dương Dương (Li Yangyang) ở Kabul. Kiều dân Trung Quốc sống tại Afghanistan từ mùa hè vừa qua này đã bị cơ quan phản gián Afghanistan bắt giữ cùng với 8 người khác, cũng mang quốc tịch Trung Quốc. Lý Dương Dương được coi là một trong hai chỉ huy của nhóm công dân Trung Quốc bị tình nghi làm gián điệp. Nhân vật này đã tiếp xúc với mạng lưới Haqqani, cánh vũ trang của phong trào Taliban.
Theo các cơ quan phản gián Afghanistan, Lý Dương Dương tìm kiếm thông tin về lực lượng khủng bố Al-Qaida, cũng như sự hiện diện có thể của người Duy Ngô Nhĩ, tại một số tỉnh miền đông Afghanistan. Người Duy Ngô Nhĩ là sắc tộc theo đạo Hồi ở khu tự trị Tân Cương, miền viễn Tây Trung Quốc.
Từ nhiều năm nay, nhiều người Duy Ngô Nhĩ ngả theo con đường cực đoan hóa, đã tham gia vào hàng ngũ Al-Qaida. Họ đầu quân vào lực lượng mang tên ETIM, tức Phong trào Hồi giáo tranh đấu Đông Turkestan. Bốn năm về trước, ETIM tuyên bố ''thánh chiến'' chống lại chính quyền Trung Quốc, nhằm ''giải phóng vùng Tân Cương khỏi những kẻ chiếm đóng cộng sản''.
Mới đây, một số người Duy Ngô Nhĩ có thể đã tham gia chi nhánh của người Afghanistan thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Afghanistan.
Chính quyền Afghanistan đã mở một cuộc điều tra sau vụ bắt giữ 10 nghi phạm gián điệp Trung Quốc. Vụ bắt giữ này là một đòn nặng nề không thể phủ nhận được đối với quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia bạn hữu".
Theo giới bảo vệ nhân quyền, chính quyền Trung Quốc tiếp tục các đàn áp nhắm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bất chấp các lên án của giới bản vệ nhân quyền. Theo nhiều nhà quan sát, khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo trá hình tại đặc khu. Đòi hỏi cử quan sát viên đến Tân Cương của Liên Hiệp Châu Âu cho đến nay chưa được Bắc Kinh đáp ứng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước thềm Noel, 23/12, bộ trưởng phụ trách Ngoại Thương của Pháp, ông Franck Riester, khẳng định Paris sẽ không ủng hộ việc Liên Âu ký kết thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, dự kiến thông qua trước cuối năm, nếu Bắc Kinh không phê chuẩn Công ước cấm lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động Quốc tế. Theo Le Monde, một báo cáo công bố hôm 15/12, ước tính khoảng 570.000 người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức tham gia vào việc thu hoạch bông tại Tân Cương.
Trọng Thành
Luật Dẫn độ đã xuất hiện rất lâu trong thế giới Tây phương, nó cho phép các nước ký kết với nhau chia sẻ những thông tin giữa hai phía. Nó cũng cho phép tội phạm của nước này có thể bị nước kia bắt và gửi trả về nguyên quán. Tuy nhiên đó là những nghi phạm can tội tại nước của mình như tham nhũng hay các tội hình sự khác.
Hình trích xuất từ website báo Tuổi Trẻ.
Có những trường hợp đặc biệt khi một người bị đất nước của họ kết án tội phạm chính trị vì có những lời nói, hành động chống lại chính quyền thì đa số các nước trong thể chế dân chủ sẽ có điều khoản từ chối dẫn độ vì làm như vậy thì người bị cáo buộc có thể bị những bản án rất nặng nề mà một đất nước dân chủ thật sự không cho phép. Đây là điều mà dân chúng Hong Kong đang lo lắng và cực lực phản đối luật dẫn độ do Trung Quốc gợi ý và bà trưởng đặc khu đề nghị.
Cũng có những điều khoản ngoại lệ trong luật dẫn độ nếu tội phạm bị trả về nguyên quán sẽ bị tử hình thì nước thứ hai sẽ không dẫn độ đương sự về bản quốc để thụ án vì lý do nhân đạo.
Một trong những điều khoản thông thường nhất là tội phạm can án tại quốc gia nào thì quốc gia ấy trực tiếp dùng luật lệ của mình để xử lý hành vi của nghi can và chỉ trả đương sự về nước sau khi thi hành án. Theo lời Luật sư Nguyễn Văn Miếng, khi trả lời RFA hôm 12 tháng 8 năm 2019 giải thích về luật dẫn độ như sau :
"Bộ luật hình sự Việt Nam có quy định về dẫn độ, tuy nhiên phải theo hiệp ước giữa hai bên, thứ hai là trường hợp viên chức ngoại giao, một trường hợp nữa là do hai bộ ngoại giao làm việc với nhau để giải quyết. Tuy nhiên một nguyên tắc tối thượng trong bộ luật hình sự là tội phạm hình sự xảy ra ở đâu, thì xử ở đó. Tức là xảy ra ở Việt Nam thì Việt Nam phải xử, riêng trường hợp Trung Quốc thì nó đặc biệt như thế nào đó mà hiện nay tôi chưa hiểu rõ là họ căn cứ vào đâu để họ dẫn độ những công dân Trung Quốc phạm tội ở Việt Nam, vì về nguyên tắc là phải xử ở Việt Nam".
Ngoài ra, theo điều 27 của Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam đã ký với Trung Quốc. Việt Nam cũng có thể từ chối tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự.
Tuy nhiên thực tế những gì đang diễn ra tại Việt Nam lại khác với thông lệ thế giới, ngay cả khác với những quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam khi nhiều tội phạm quốc tịch Trung Quốc đến Việt Nam gây án lại "được" dẫn độ về Trung Quốc mà không qua xét xử khiến dư luận ngỡ ngàng và rất nhiều câu hỏi đặt ra về hiện tượng này.
Tháng 8 năm 2019 vừa qua, 395 tội phạm người Trung Quốc bị phát hiện và bắt giữ tại Hải Phóng vì tổ chức đánh bạc trong khu vực mà Việt Nam cho phép họ dùng để làm resort. Chỉ mấy ngày sau phía Việt Nam đã dẫn độ 395 tội phạm này cho phía Trung Quốc.
Ngày 27 tháng 8 , Việt Nam cũng đã trao trả 28 người Trung Quốc cho Cục Công an thành phố Đông Hưng của Trung Quốc để xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại Việt Nam.
Tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội sáng 4 tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thông tin về lý do trao trả 395 người trong đường dây đánh bạc bị bắt tại khu đô thị Our City cho Trung Quốc. Ông Lê Quý Vương lý giải việc trao trả 395 "con bạc" cho Trung Quốc là do Việt Nam và Trung Quốc ký thỏa thuận về hợp tác trong công tác phòng chống tội phạm.
Một vài tuần sau, một đường giây ma túy cực lớn bị phát hiện tại Bình Định, bốn nghi can người Trung Quốc bị bắt tại hiện trường và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh lại ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 người này về hành vi cư trú bất hợp pháp với số tiền 95 triệu đồng và buộc phải trở về Trung Quốc. Đây là 4 trong số 6 đối tượng liên quan đến 2 kho chứa hóa chất dùng để chế biến ma túy tại khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) vừa bị Công an tỉnh Bình Định phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) bắt giữ vào ngày 6-8.
Đường giây ma túy này lớn đến nỗi có chân rết tại nhiều tỉnh thành đã bị phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, Kom Tum và đang tiếp tục điều tra tại nhiều nơi khác. Tất cả 14 nghi can đều là người quốc tịch Trung Quốc sang Việt Nam với mục đích duy nhất là sản xuất và phát tán một lượng lớn ma túy cho người tiêu thụ tại Việt Nam. Tuy chưa có quyết định về số phận của những tội phạm người Trung Quốc này nhưng dư luận cho rằng họ sẽ được dẫn độ về Trung Quốc như 4 phạm nhân tại Bình Định.
Rất ít người dân biết được luật dẫn độ đã được Việt Nam ký với Trung Quốc, theo VOA dẫn lại nhiều nguồn từ Trung Quốc thì Hiệp định Dẫn độ gồm 22 điều khoản, bao gồm các vấn đề như nghĩa vụ dẫn độ, tội phạm đủ điều kiện dẫn độ, những lý do có thể và nên được sử dụng để từ chối dẫn độ và giải quyết tranh chấp.
Hiệp định này được Hội đồng Nhà nước ủy quyền, nhóm đàm phán Trung Quốc gồm các quan chức từ nhiều bộ khác nhau, đã bắt đầu hội đàm với phía Việt Nam hồi tháng 10 năm 2013. Hai bên đã ký hiệp ước vào ngày 7/4/2015 tại Bắc Kinh.
Cho tới nay chưa có thông tin chi tiết nào từ luật dẫn độ được chính phủ Việt Nam ban hành vì vậy khi có một cuộc dẫn độ xảy ra ngay cả các luật sư là người phải am tường luật này cũng chịu thua và chỉ suy đoán căn cứ theo Bộ luật hình sự Việt Nam. Việc ký kết này được xem là mờ ám và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, vi phạm Hiến pháp Việt Nam và pháp luật Việt Nam bị những người đặt bút ký Luật này với Trung Quốc thông đồng với Bắc Kinh làm cho đất nước bị đối xử như một mảnh đất vô pháp luật.
Người dân Việt Nam cần biết rõ Luật Dẫn độ ký kết với Trung Quốc có được thông qua Quốc Hội hay không và vì lý do gì báo chí không công khai cho người dân biết. Người dân Việt Nam cũng rất cần biết tại sao nhà nước Việt Nam ưu tiên cho người Trung Quốc vào Việt Nam với số lượng rất lớn và không kiểm soát tất cả mọi công việc họ làm trên đất nước này để khi xảy ra vụ việc sản xuất ma túy với số lượng cực lớn thì người dân mới biết tới Luật dẫn độ mà thực chất là dẫn tội phạm về bản xứ đề tránh bị xét xử tại tòa án Việt Nam.
Phải chăng Trung Quốc là đất mẹ mà Việt Nam cần đưa người dân của họ về cũng như Hong Kong, Trung Quốc muốn bắt ai thì bắt qua Luật Dẫn độ đang gây phân rã mảnh đất kiên cường này. Việt Nam không phải là Hong Kong và vì vậy người dân có quyền biết những điều mà chính phủ Việt Nam đang cố giấu.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 13/09/20149
*********************
Dân phẫn nộ vì người Trung Quốc sản xuất ma túy ở Việt Nam chỉ bị phạt hành chính (VOA, 13/09/2019)
Việc nhà chức trách đưa ra mức xử phạt hành chính đối với 4 người Trung Quốc tham gia đường dây sản xuất ma túy "cực lớn" ở Việt Nam đã làm người dân phẫn nộ khi họ cho rằng Việt Nam sẽ là "thiên đường" của tội phạm Trung Quốc.
Một cảnh sát canh gác bên cạnh lô hàng ma túy bị thu giữ ở Trung Quốc năm 2018. Bộ Công an Việt Nam đã phát hiện và đang điều tra đường dây sản xuất ma túy của người Trung Quốc ở Việt Nam, trong đó 4 người Trung Quốc bị phạt "hành chính" 95 triệu đồng.
Truyền thông trong nước hôm 11/9 cho biết một đường dây sản xuất ma túy được gọi là "cực lớn" do nhóm người Trung Quốc cầm đầu ở tỉnh Bình Định đã bị Công an Việt Nam triệt phá. Bốn người Trung Quốc liên quan đến đường dây này bị xử phạt hành chính về "hành vi cư trú bất hợp pháp với số tiền 95 triệu đồng".
Quyết định xử phạt của tỉnh Bình Định đối với những người Trung Quốc, được VTC và Người Lao Động trích dẫn, cho biết ông Zhou Liuging, 38 tuổi, bị phạt 35 triệu đồng do "không có giấy tờ tùy thân và đã vi phạm hành chính với lỗi là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền". Ba người còn lại bị phạt mỗi người 20 triệu đồng do "nhập cảnh hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền".
Bốn người này nằm trong số 6 nghi can vừa bị Bộ Công an bắt giữ liên quan đến 2 kho chứa hóa chất dùng để chế biến ma túy tại phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn của Bình Định, theo ghi nhận của phóng viên VTC và Người Lao Động.
Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Bộ Công an đã thu giữ 200 thùng phuy chứa hóa chất và nhiều dụng cụ, máy móc để sản xuất ma túy.
Kết quả cho thấy kho chứa hóa chất ở Bình Định là nơi trung chuyển cho các cơ sở sản xuất ma túy tại nhiều tỉnh, thành trong nước do người Trung Quốc cầm đầu vừa được Bộ Công an Việt Nam triệt phá.
Trước đó, Bộ Công an hôm 9/9 bắt giữ 8 người Trung Quốc có hành vi sản xuất ma túy tại tỉnh Kon Tum. Công an Việt Nam đã thu giữ hàng chục tấn hóa chất, tiền chất ma túy cùng 20 tấn máy móc, thiết bị sản xuất ma túy trong vụ đột kích nhà kho ở tỉnh trên Tây Nguyên, theo Thanh Niên.
Trong số những người phản đối mức phạt "hành chính" đối với 4 công dân Trung Quốc, một người dùng Facebook có tên Thuy Le cho rằng "tội phạm buôn bán, tàng trữ, sản xuất ma túy thường phải xử nhiều năm tù hoặc chung thân đến tử hình". Facebooker này "phẫn nộ" trước việc những người Trung Quốc chỉ bị phạt "vài chục triệu đồng".
Anh Linh, một người dùng Facebook, cũng nêu ý kiến phản đối khi cho rằng "buôn bán sản xuất 13 tấn ma túy chỉ phạt hành chính thì xã hội không loạn mới lạ".
Trong khi đó, hôm 5/9 một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án chung thân đối với một công dân Úc gốc Việt vì tham gia đường dây buôn bán ma túy từ Việt Nam sang Úc.
Luật sư Hà Huy Sơn nói với VOA rằng khung hình phạt theo Bộ luật hình sự Việt Nam cho hành vi sản xuất ma túy với khối lượng lớn như vậy phải là tử hình.
Nhận định về việc xử phạt 4 người Trung Quốc của chính quyền Bình Định, ông Lê Quang Huy, một người dân sống ở thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA rằng "tội phạm ma túy là tội hình sự" và do đó theo ông "tội phải xét xử theo thẩm quyền lãnh thổ, nhưng Việt Nam bị vướng vào hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc nên phải trả cho Trung Quốc". Ông Huy nói ông "phản đối điều này".
Trung Quốc tháng trước cho biết quốc hội nước này đã phê chuẩn một Hiệp ước dẫn độ với Việt Nam đã được ký kết từ năm 2015, theo đó các tội phạm của Trung Quốc sẽ được đưa về nước họ để xử. Việc phê chuẩn này diễn ra hơn 1 tháng sau khi Việt Nam dẫn độ hơn gần 400 nghi phạm người Trung Quốc tham gia đường dây đánh bạc được coi là lớn nhất ở Việt Nam qua mạng internet tại Hải Phòng bằng đường bộ qua cửa khẩu quốc tế tại Lạng Sơn.
Tháng trước, ba người Trung Quốc bị kết tội giết hại một người lái xe taxi ở Sơn La rồi vứt xác xuống sông nhưng lại được trục xuất về Trung Quốc. Vụ việc này cũng gây nên phẫn nộ từ phía người dân.
Cũng trong tháng 8, Việt Nam đã dẫn độ 28 người Trung Quốc giao cho Cục Công an thành phố Đông Hưng của Trung Quốc xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại Việt Nam.
Luật sư Lê Đình Việt cho rằng "Hiệp ước dẫn độ Việt-Trung sẽ thu hút nhiều người Trung Quốc qua Việt Nam phạm tội" trong một phần đăng tải trên Facebook cá nhân hôm 11/9.
Một Facebooker có tên Vova Bui, trong phần bình luận về việc xử phạt hành chính 4 người Trung Quốc ở Bình Định, cũng cho rằng "Việt Nam sẽ là thiên đường của tội phạm Trung Quốc".
"Để đảm bảo chủ quyền và luật pháp được thực hiện nghiêm minh thì tội phạm xảy ra trên đất nước Việt Nam cần phải được xử lý bằng pháp luật Việt Nam," theo Luật sư Hà Huy Sơn.
Canada chấp thuận tiến trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu (VOA, 02/03/2019)
Chính phủ Canada ngày 1/3 chấp thuận tiến trình dẫn độ giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Giám đốc tài chính công ty Huawei, Mạnh Vãn Châu.
Bà Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Huawei, bị bắt tại Vancouver, Canada, tháng 12 năm ngoái và hiện đang bị quản thúc tại gia. Cuối tháng Giêng năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố bà Mạnh tội âm mưu vi phạm chế tài của Mỹ đối với Iran.
Bà Mạnh sẽ ra trình diện một tòa án ở Vancouver sáng ngày 6/3 tới đây.
"Hôm nay, các giới chức Bộ Tư pháp Canada cho phép xúc tiến, chính thức khởi sự tiến trình dẫn độ trong vụ án của bà Mạnh Vãn Châu", chính phủ Canada cho biết trong một thông cáo.
Trung Quốc lên án quyết định này và đã nhiều lần đòi phóng thích bà Mạnh.
Tuy nhiên, có thể phải mất nhiều năm trước khi bà Mạnh được giao cho phía Mỹ vì hệ thống tư pháp Canada cho phép được kháng cáo các quyết định.
******************
Canada có thể sẽ cho mở phiên xử dẫn độ giám đốc Huawei (VOA, 01/03/2019)
Giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Huawei Mạnh Vãn Chu bị giám sát 24/24 trong thời gian tại ngoại ở Vancouver. (Ảnh: AFP)
Canada nhiều khả năng sẽ thông báo trong ngày 1/3 rằng phiên tòa xử việc dẫn độ giám đốc Công ty Công nghệ Huawei có thể được tiến hành, theo các chuyên gia pháp lý cho biết. Động thái này càng làm cho mối quan hệ vốn đã đóng băng của Ottawa với Bắc Kinh càng thêm xấu đi.
Cảnh sát bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc, ở Vancouver vào tháng 12 theo yêu cầu của Washington. Cuối tháng 1, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Huawei và bà Chu đã âm mưu vi phạm những chế tài của Mỹ đối với Iran.
Hạn chót để Ottawa công bố liệu họ có cho phép tiến hành phiên tòa hay không là vào nửa đêm ngày 1/3 (5 giờ sáng GMT ngày 2/3). Nếu được phép, một phiên tòa ở tỉnh British Columbia giáp biển Thái Bình Dương sẽ bắt đầu phiên tòa chính thức.
Joanne Harrington, một giáo sư luật tại Đại học Alberta ở Edmonton, nói các quan chức chắc chắc sẽ bật đèn xanh.
"Tôi không thấy có lý do gì mà họ lại không làm (điều đó). Mỹ và Canada luôn hợp tác trong việc dẫn độ lâu nay", GS Harrington cho Reuters biết qua điện thoại.
"Mỹ và Canada có cùng nền văn hóa pháp lý" và Canada tin tưởng nền pháp lý của Mỹ, theo bà Harrington, một chuyên gia về luật nhân quyền quốc tế.
Sau vụ bắt giữ bà Mạnh, các giới chức Canada nói rằng phần lớn những yêu cầu của Mỹ để dẫn độ bà Mạnh đều được thông qua.
Có thể sẽ mất nhiều năm trước khi bà Mạnh bị dẫn độ sang Mỹ do hệ thống tư pháp diễn ra từ từ của Canada cho phép kháng nghị các quyết định.
Bà Mạnh, hiện đang bị giam giữ tại gia, dự kiến sẽ trình diện tại một tòa án ở Vancouver hôm 6/3 để cho thấy bà tuân thủ các thỏa thuận hồi tháng 12, theo đó cho phép bà được tại ngoại hầu tra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Reuters hồi tháng 12 rằng ông sẽ can thiệp nếu nó phục vụ các lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp đạt được một hiệp định thương mại với Trung Quốc, và điều này khiến Ottawa nhấn mạnh rằng việc dẫn độ không nên bị chính trị hóa. Tuần trước ông Trump loại bỏ khả năng hủy bỏ các cáo buộc (đối với bà Mạnh).
Bắc Kinh yêu cầu trả tự do cho bà Mạnh. Sau khi bà bị bắt giữ, Trung Quốc bắt giam 2 công dân Canada với các cáo buộc về an ninh quốc gia, và một phiên tòa của Trung Quốc sau đó xử án chung thân đối với một người đàn ông Canada mà trước đó chỉ bị tù vì buôn lậu ma túy.
Gary Botting, luật sư bào chữa hình sự của Vancouver và là một chuyên gia về luật dẫn độ, cũng tiên đoán rằng các giới chức Canada sẽ cho phép phiên tòa được tiến hành.
"Tôi không chút nghi ngờ gì rằng họ sẽ cho phép nhưng điều đó sẽ rất dại dột", LS Botting nói với Reuters qua điện thoại, và nhận định rằng việc cho phép mở phiên tòa này sẽ "gây ra tai họa" và có thể sẽ bị Trung Quốc trả đũa về kinh tế.
Người phát ngôn của bộ tư pháp Canada từ chối bình luận. David Martin, một luật sư của bà Chu, không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Reuters