Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/12/2020

Trung Quốc : Hiệp định dẫn độ với Turkey, ổ gián điệp Afghanistan

RFI tổng hợp

Bắc Kinh muốn phê chuẩn Hiệp định dẫn độ với Ankara : Lo ngại cho dân Duy Ngô Nhĩ

Thu Hằng, RFI, 26/12/2020

Trung Quốc sắp phê chuẩn một hiệp định dẫn độ với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi cư trú của đông đảo sắc dân thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo bị truy bức ở vùng Tân Cương, viễn tây Trung Quốc.

ankara1

Người Turkistan biểu tình trước tòa Lãnh sự Trung Quốc tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 1/10/2019 phản đối Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.  Yasin AKGUL / AFP

Ủy ban Đối Ngoại của Quốc hội Trung Quốc có đợt họp trong tuần này, kết thúc hôm nay, 26/12/2020. Ngày 23/12, ông Trương Nghiệp Toại (Zhang Yesui), chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Quốc hội Trung Quốc, đã báo cáo về tiến độ đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ. Hiệp định dẫn độ được hai bên ký vào năm 2017 nhưng chưa được phê chuẩn. Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, theo thông lệ, Quốc hội Trung Quốc thường phê chuẩn các văn bản chính thức ít ngày sau báo cáo như trên.

Bắc Kinh rất mong muốn sớm thông qua Hiệp định này. Trong một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua vac-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc mới đây, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhắc lại mong muốn của Bắc Kinh.

Theo ông Li Wei, một chuyên gia về chống khủng bố tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc ở Bắc Kinh, được SCMP trích dẫn, "chống khủng bố sẽ là một phần quan trọng của hiệp định, vì cả hai nước phải đối mặt với các mối đe dọa khủng bố trong thời gian dài". Vẫn theo vị chuyên gia này, hiệp định sẽ "không chỉ đích danh một tổ chức hay một nhóm người cụ thể".

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, nếu được phê chuẩn, số phận người Duy Ngô Nhĩ tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể gặp nguy hiểm. Ông Selcuk Colakoglu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương tại Ankara, đánh giá rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đối mặt với "phản ứng dữ dội" của các đảng đối lập, thậm chí ngay trong nội bộ đảng cầm quyền, nếu dự thảo luật dẫn độ với Trung Quốc được đưa ra phê chuẩn ở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên Hiệp Châu Âu cũng như Liên Hiệp Quốc đã liên tục cảnh báo tình trạng đàn áp nhân quyền tại khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, và việc chính quyền Bắc Kinh trấn áp người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo.

Thu Hằng

*************************

Ổ gián điệp Trung Quốc bị phanh phui : Afghanistan đòi Bắc Kinh xin lỗi

Trọng Thành, RFI, 23/11/2020

Báo chí Ấn Độ hôm 25/12/2020, đồng loạt loan tin về vụ an ninh Afghanistan bắt giữ 10 nghi phạm gián điệp Trung Quốc. Người đứng đầu nhóm tình nghi gián điệp bị bắt từ ngày 10/12. Theo trang Hindustan Time, đích danh phó tổng thống Afghanistan, Amrullah Saleh, giám sát cuộc điều tra về vụ án này.

ankara2

Thủ đô Kabul : Ảnh chụp ngày 23/11/2020. Reuters - Mohammad Ismail

Theo phó tổng thống Afghanistan, nếu Bắc Kinh chính thức có lời xin lỗi, Kabul sẽ thả các nghi phạm. Chính quyền Kabul cũng thông báo với đại sứ Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không xin lỗi, tư pháp Afghanistan sẽ tiến hành truy tố các can phạm. Đây là vụ bắt giữ nghi phạm gián điệp Trung Quốc đầu tiên từ nhiều năm nay.

Thông tín viên Sonia Ghezali tường trình từ Islamabad :

"Súng ống, đạn dược và thuốc nổ đã được tìm thấy tại nhà của nghi phạm Lý Dương Dương (Li Yangyang) ở Kabul. Kiều dân Trung Quốc sống tại Afghanistan từ mùa hè vừa qua này đã bị cơ quan phản gián Afghanistan bắt giữ cùng với 8 người khác, cũng mang quốc tịch Trung Quốc. Lý Dương Dương được coi là một trong hai chỉ huy của nhóm công dân Trung Quốc bị tình nghi làm gián điệp. Nhân vật này đã tiếp xúc với mạng lưới Haqqani, cánh vũ trang của phong trào Taliban.

Theo các cơ quan phản gián Afghanistan, Lý Dương Dương tìm kiếm thông tin về lực lượng khủng bố Al-Qaida, cũng như sự hiện diện có thể của người Duy Ngô Nhĩ, tại một số tỉnh miền đông Afghanistan. Người Duy Ngô Nhĩ là sắc tộc theo đạo Hồi ở khu tự trị Tân Cương, miền viễn Tây Trung Quốc.

Từ nhiều năm nay, nhiều người Duy Ngô Nhĩ ngả theo con đường cực đoan hóa, đã tham gia vào hàng ngũ Al-Qaida. Họ đầu quân vào lực lượng mang tên ETIM, tức Phong trào Hồi giáo tranh đấu Đông Turkestan. Bốn năm về trước, ETIM tuyên bố ''thánh chiến'' chống lại chính quyền Trung Quốc, nhằm ''giải phóng vùng Tân Cương khỏi những kẻ chiếm đóng cộng sản''.

Mới đây, một số người Duy Ngô Nhĩ có thể đã tham gia chi nhánh của người Afghanistan thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Afghanistan.

Chính quyền Afghanistan đã mở một cuộc điều tra sau vụ bắt giữ 10 nghi phạm gián điệp Trung Quốc. Vụ bắt giữ này là một đòn nặng nề không thể phủ nhận được đối với quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia bạn hữu".

Theo giới bảo vệ nhân quyền, chính quyền Trung Quốc tiếp tục các đàn áp nhắm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bất chấp các lên án của giới bản vệ nhân quyền. Theo nhiều nhà quan sát, khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo trá hình tại đặc khu. Đòi hỏi cử quan sát viên đến Tân Cương của Liên Hiệp Châu Âu cho đến nay chưa được Bắc Kinh đáp ứng.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước thềm Noel, 23/12, bộ trưởng phụ trách Ngoại Thương của Pháp, ông Franck Riester, khẳng định Paris sẽ không ủng hộ việc Liên Âu ký kết thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, dự kiến thông qua trước cuối năm, nếu Bắc Kinh không phê chuẩn Công ước cấm lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động Quốc tế. Theo Le Monde, một báo cáo công bố hôm 15/12, ước tính khoảng 570.000 người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức tham gia vào việc thu hoạch bông tại Tân Cương.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Trọng Thành
Read 558 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)