Canada chấp thuận tiến trình dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu (VOA, 02/03/2019)
Chính phủ Canada ngày 1/3 chấp thuận tiến trình dẫn độ giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Giám đốc tài chính công ty Huawei, Mạnh Vãn Châu.
Bà Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Huawei, bị bắt tại Vancouver, Canada, tháng 12 năm ngoái và hiện đang bị quản thúc tại gia. Cuối tháng Giêng năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố bà Mạnh tội âm mưu vi phạm chế tài của Mỹ đối với Iran.
Bà Mạnh sẽ ra trình diện một tòa án ở Vancouver sáng ngày 6/3 tới đây.
"Hôm nay, các giới chức Bộ Tư pháp Canada cho phép xúc tiến, chính thức khởi sự tiến trình dẫn độ trong vụ án của bà Mạnh Vãn Châu", chính phủ Canada cho biết trong một thông cáo.
Trung Quốc lên án quyết định này và đã nhiều lần đòi phóng thích bà Mạnh.
Tuy nhiên, có thể phải mất nhiều năm trước khi bà Mạnh được giao cho phía Mỹ vì hệ thống tư pháp Canada cho phép được kháng cáo các quyết định.
******************
Canada có thể sẽ cho mở phiên xử dẫn độ giám đốc Huawei (VOA, 01/03/2019)
Giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Huawei Mạnh Vãn Chu bị giám sát 24/24 trong thời gian tại ngoại ở Vancouver. (Ảnh: AFP)
Canada nhiều khả năng sẽ thông báo trong ngày 1/3 rằng phiên tòa xử việc dẫn độ giám đốc Công ty Công nghệ Huawei có thể được tiến hành, theo các chuyên gia pháp lý cho biết. Động thái này càng làm cho mối quan hệ vốn đã đóng băng của Ottawa với Bắc Kinh càng thêm xấu đi.
Cảnh sát bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc, ở Vancouver vào tháng 12 theo yêu cầu của Washington. Cuối tháng 1, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Huawei và bà Chu đã âm mưu vi phạm những chế tài của Mỹ đối với Iran.
Hạn chót để Ottawa công bố liệu họ có cho phép tiến hành phiên tòa hay không là vào nửa đêm ngày 1/3 (5 giờ sáng GMT ngày 2/3). Nếu được phép, một phiên tòa ở tỉnh British Columbia giáp biển Thái Bình Dương sẽ bắt đầu phiên tòa chính thức.
Joanne Harrington, một giáo sư luật tại Đại học Alberta ở Edmonton, nói các quan chức chắc chắc sẽ bật đèn xanh.
"Tôi không thấy có lý do gì mà họ lại không làm (điều đó). Mỹ và Canada luôn hợp tác trong việc dẫn độ lâu nay", GS Harrington cho Reuters biết qua điện thoại.
"Mỹ và Canada có cùng nền văn hóa pháp lý" và Canada tin tưởng nền pháp lý của Mỹ, theo bà Harrington, một chuyên gia về luật nhân quyền quốc tế.
Sau vụ bắt giữ bà Mạnh, các giới chức Canada nói rằng phần lớn những yêu cầu của Mỹ để dẫn độ bà Mạnh đều được thông qua.
Có thể sẽ mất nhiều năm trước khi bà Mạnh bị dẫn độ sang Mỹ do hệ thống tư pháp diễn ra từ từ của Canada cho phép kháng nghị các quyết định.
Bà Mạnh, hiện đang bị giam giữ tại gia, dự kiến sẽ trình diện tại một tòa án ở Vancouver hôm 6/3 để cho thấy bà tuân thủ các thỏa thuận hồi tháng 12, theo đó cho phép bà được tại ngoại hầu tra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Reuters hồi tháng 12 rằng ông sẽ can thiệp nếu nó phục vụ các lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp đạt được một hiệp định thương mại với Trung Quốc, và điều này khiến Ottawa nhấn mạnh rằng việc dẫn độ không nên bị chính trị hóa. Tuần trước ông Trump loại bỏ khả năng hủy bỏ các cáo buộc (đối với bà Mạnh).
Bắc Kinh yêu cầu trả tự do cho bà Mạnh. Sau khi bà bị bắt giữ, Trung Quốc bắt giam 2 công dân Canada với các cáo buộc về an ninh quốc gia, và một phiên tòa của Trung Quốc sau đó xử án chung thân đối với một người đàn ông Canada mà trước đó chỉ bị tù vì buôn lậu ma túy.
Gary Botting, luật sư bào chữa hình sự của Vancouver và là một chuyên gia về luật dẫn độ, cũng tiên đoán rằng các giới chức Canada sẽ cho phép phiên tòa được tiến hành.
"Tôi không chút nghi ngờ gì rằng họ sẽ cho phép nhưng điều đó sẽ rất dại dột", LS Botting nói với Reuters qua điện thoại, và nhận định rằng việc cho phép mở phiên tòa này sẽ "gây ra tai họa" và có thể sẽ bị Trung Quốc trả đũa về kinh tế.
Người phát ngôn của bộ tư pháp Canada từ chối bình luận. David Martin, một luật sư của bà Chu, không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Reuters