Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/10/2023

Ba khúc xương "khó gặm" của Bộ trưởng họ Tô

Ý Nhi

Năm 2017, ông Tô Lâm đích thân sang Đông Âu chỉ đạo bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Kết quả được xem là thành công mỹ mãn, khi chính Tô Lâm đưa được Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam hầu tòa. Cũng nhờ đó mà ông Nguyễn Phú Trọng hạ được Đinh La Thăng. Tuy nhiên, đấy là hành động xốc nổi, chỉ được việc trong ngắn hạn, còn về dài hạn thì hại nhiều hơn lợi.

tolam1

Ba khúc xương "khó gặm" của Bộ trưởng Tô : Vũ Đình Duy, Hồ Thị Kim Thoa và Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Cái hại trước hết là Đảng cộng sản Việt Nam bị dính tiếng xấu đối với Đức và các nước trong khối EU khác. Thứ nhì là mối quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa Việt Nam và Đức. Cho đến nay, mối quan hệ này vẫn còn căng thẳng.

Bắt cóc trong bất kỳ trường hợp nào cũng là hành vi phạm pháp. Hơn nữa, bắt cóc trên lãnh thổ một quốc gia còn là hành vi chà đạp lên hệ thống luật pháp và chủ quyền của quốc gia đó. Qua việc bắt cóc người, Đảng cộng sản Việt Nam và Tô Lâm đã xem Đức như là một quốc gia vô chủ.

Đức là một cường quốc thế giới, là quốc gia vừa có gốc tư bản lẫn gốc cộng sản. Nơi đây, người Việt sống và định cư rất đông, đặc biệt là những người phía Bắc vĩ tuyến 17, từng đi xuất khẩu lao động tại Đông Đức và giờ là công dân của nước Đức thống nhất. Cho nên, quan chức Việt Nam có bà con họ hàng tại Đức khá đông. Đây cũng là lý do để nhiều quan chức tham nhũng bỏ trốn, chọn nước Đức làm nơi tá túc.

Thời ông Tô Lâm làm Bộ trưởng Bộ Công an, ông đã để xổng 4 con cá gộc trong các vụ án lớn. Đó là :

- Vũ Đình Duy – cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) ;

- Hồ Thị Kim Thoa – cựu Thứ trưởng Bộ Công thương ;

- Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch Công ty Tiến bộ Quốc tế AIC ;

- Bùi Quang Huy – cựu Tổng Giám đốc Nhật Cường Mobile.

Riêng Bùi Quang Huy không biết lẩn trốn nơi nào, còn 3 người kia được xác định là hai người đang lẩn trốn ở Đức và một người đang lẩn trốn ở Pháp.

Ngày 5/10 vừa qua, báo chí Việt Nam cho biết, chính quyền Việt Nam đã gửi 13 yêu cầu dẫn độ trong năm 2023, 40 yêu cầu giao người chấp hành hình phạt tù, theo báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, cho tới nay, Việt Nam chưa thể dẫn độ được 4 nhân vật lớn nói trên. Đặc biệt là Vũ Đình Duy, Hồ Thị Kim Thoa và Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Được biết, Việt Nam không ký hiệp định pháp lý nào với Đức. Còn với Pháp, Việt Nam cũng không ký hiệp định dẫn độ, chỉ ký Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự. Đức là nơi mà Vũ Đình Duy và Nguyễn Thị Thanh Nhàn ẩn náu, còn Pháp là nơi bà Hồ thị Kim Thoa ẩn náu. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn có quốc tịch Cyprus – một nước thuộc khối EU.

Hiện nay, một số người lý luận rằng, Đức dung túng cho tội phạm Việt Nam là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đây chỉ là lý luận theo ngôn ngữ cộng sản.

Với Đức, họ là quốc gia pháp quyền, thượng tôn pháp luật, tôn trọng nhân quyền. Họ sẽ chỉ xem xét vấn đề trên phương diện pháp lý, không dựa vào cảm tính, cảm xúc hay quen biết …

Họ không tin tưởng vào quy trình tố tụng của Việt Nam, mà trên thực tế, đã để xảy ra quá nhiều oan sai. Do đó, "tội phạm" mà Việt Nam truy tố, đối với Đức, không hẳn là tội phạm. Vì vậy, nếu những người này kêu oan, kêu cứu, thì luật pháp Đức có thể cứu xét.

Lấy ví dụ về vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Thanh đã nộp đơn xin tị nạn tại Đức, tất nhiên ông ta phải trình bày những bằng chứng, chứng minh ông bị oan, hoặc bị ép buộc, bị truy bức. Chính quyền Đức đã chấp nhận đơn xin tị nạn của ông Thanh, nghĩa là, họ nhận thấy những bằng chứng, lý lẽ của ông Thanh có phần hợp lý, phù hợp pháp luật của họ.

Ngược lại, Việt Nam lại tổ chức bắt cóc người trên lãnh thổ Đức, đó là hành vi phạm tội, là cách hành xử theo kiểu mafia, mà một quốc gia pháp quyền không thể chấp nhận, chưa kể hành vi đó chà đạp lên chủ quyền quốc gia của Đức.

Vì vậy, sau vụ Trịnh Xuân Thanh, Đức từ chối tất cả các yêu cầu dẫn độ từ Việt Nam là điều hợp lý.

Vấn đề của chính quyền Việt Nam với phía Đức được chỉ được tháo gỡ, khi phía Việt Nam nhận sai và sửa sai bằng cách trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức.

Tuy nhiên, việc chính quyền cộng sản nhận sai là không bao giờ. Vậy nên, dù có soạn thảo về Luật dẫn độ, có làm gì đi chăng nữa, thì việc bắt người tại Đức là điều không thể. Và cả Pháp cũng thế, Việt Nam chưa có hiệp định dẫn độ với Pháp, thì xem ra, muốn bắt người là rất khó. Cho nên, có thể nói, trường hợp Vũ Đình Duy, Hồ Thị Kim Thoa và Nguyễn Thị Thanh Nhàn là 3 khúc xương khó gặm đối với ông Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam – Tô Lâm.

Ý Nhi

Nguồn : Thoibao.de, 10/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ý Nhi
Read 822 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)