Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/09/2019

Cán bộ giàu sang, làm ma to, xây mả lớn là... xây dựng đảng !

Nguyễn Đình Ấm

Rõ ràng, cán bộ sống giàu sang, chết ma to, mả lớn vẫn có lợi cho đảng nhiều hơn là có hại, tức là góp phần xây dựng đảng.

ma1

Biệt thự của ông Ngô Văn Đức, nguyên chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh trị giá 40 tỷ đồng

Khi các ông Đỗ Mười, Trần Đại Quang, Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Khải, Võ Nguyên Giáp... qua đời, Nhà nước tổ chức quốc tang linh đình, xa hoa, tốn kém.

Tại quê ông Trần Đại Quang, các đội thi công trắng mấy đêm làm đường, xây khu mộ rộng hơn 5 ha, khu lưu niệm ông Nguyễn Văn Linh ở làng Giai Phạm, Yên Mỹ (Hưng Yên) nhiều công trình nguy nga, cầu, đường, non bộ mênh mông tốn không biết bao nhiêu tỷ. Đám tang ông Võ Nguyên Giáp dùng cả chuyến chuyên cơ, khu mộ dùng cả vùng đồi, biển huy động cả những đội quân ngày đêm canh gác mộ. Ông Nguyễn Đức Bình, ủy viên Bộ chính trị, được chính quyền địa phương ở quê Hà Tĩnh cũng dành cho 2.000m2 đất để xây lăng mộ...

Tại sao Đảng cộng sản Việt Nam luôn "học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư...và "đảng chỉ vì lợi ích của nhân dân không có lợi ích gì khác..". thế nhưng các cán bộ, lãnh đạo sống và khi chết như những vua, chúa trước cảnh nghèo khó của đa số người dân ?

Chẳng lẽ Đảng cộng sản không cần sự tín nhiệm của nhân dân ?

Ý nghĩ, "sao đảng dại thế nhỉ"... đeo đẳng trong tâm trí tôi, đặc biệt là mỗi khi thấy những vụ công an, quân đội cưỡng chế đất đai tàn bạo, làm tượng đài nghìn tỷ, khắp nơi quan chức đảng xây biệt thự, lâu đài, biệt phủ nguy nga trong khi biết bao đứa trẻ còn chưa có miếng ăn, chỗ để ngồi học, mẹ bán cả con cái, bào thai...

Thế nhưng, suy nghĩ kỹ, chính tôi mới là kẻ ngây thơ.

Lý tưởng

Bất cứ một người nào trí tuệ bình thường cũng có lý tưởng cuộc sống. Người tầm thường thì chỉ lo giàu, sang, phú, quý vun vén cho gia đình mình, người có nhân văn, lòng tự trọng, bản năng yêu quê hương, đất nước thì thêm lý tưởng bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước hùng cường,sống trong tự do, dân chủ, bình đẳng... Họ cảm thấy nhục trước sự bất công trong xã hội, giang sơn, tổ quốc bị xâm lược, sỉ nhục...

Với một đảng chính trị càng phải có khát vọng, lý tưởng nào đó mới có thể vượt qua gian khổ, hy sinh, được nhiều người ủng hộ để chiếm được chính quyền, tồn tại, phát triển.

Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại, phát triển cũng với những khát vọng, lý tưởng, có thể chia thành 3 giai đoạn, trạng thái chính :

1. Thời nước ta bị Pháp đô hộ

Vào những năm 1930 nhiều đảng phái ra đời, tồn tại với lý tưởng là giải phóng dân tộc. Những Trần Phú, Phan Đăng Lưu, Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Chinh, Lê Duẩn... cùng những lớp người vô danh với lý tưởng giải phóng dân tộc mới vượt qua gian khổ, hy sinh để tập hợp dân chúng làm cách mạng thành công. Mặc dù sau khi giải phóng dân tộc những người cộng sản theo chủ nghĩa Mác-Lê áp dụng chế độ độc tài cực đoan, dùng bạo lực tiêu diệt các khuynh hướng chính trị khác, đẩy dân tộc vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm làm cho đất nước nghèo hèn, lạc hậu bị Trung Quốc xâm lược... nhưng cần phải ghi nhận lý tưởng yêu nước ban đầu cao cả của những người cộng sản tiền bối.

2. Thời kỳ chiến tranh với Mỹ

Sau hiệp định Genève Đảng cộng sản miền bắc đưa người vũ khí vào đánh phá miền nam của chính phủ Ngô Đình Diệm, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa bắt bớ những người cộng sản, quân du kích, bình định miền nam nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản tiến xuống phía nam. Ở miền bắc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân nhằm ngăn chặn miền bắc tiếp viện quân sự cho miền nam, nhà cầm quyền miền bắc tuyên truyền "đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam" dẫn đến mọi người tin là Việt Nam bị Mỹ xâm lược. Trước tình hình đó, lý tưởng của đảng và dân Việt Nam trong đó có cả người viết bài này là lãnh xứ mạng"tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa chống Mỹ xâm lược, bảo vệ tổ quốc" nên không tiếc máu xương đi chiến đấu bảo vệ tổ quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội".

Từ những năm 1990 :

1. Lý tưởng chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa xã hội ở đông Âu hoàn toàn sụp đổ chỉ còn vài ba nước như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba, Triều Tiên nhưng Việt Nam, Trung Quốc thì phải từ bỏ những nguyên lý cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác, nước cố giữ như Triều Tiên, Cuba thì kinh tế lạc hậu lụn bại đói nghèo, chính Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng thừa nhận Việt Nam "cuối thế kỷ này chưa biết có chủ nghĩa xã hội hay không". Trên thực tế đảng đã từ bỏ những nguyên lý cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác, tức không còn lý tưởng chủ nghĩa xã hội.

2. Lý tưởng bảo vệ tổ quốc

Mặc dù Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm phần diện tích biên giới phía bắc, ải Nam Quan, 1/2 thác Bản Giốc, quần đảo Hoàng Sa, bảy đảo lớn Trường Sa nhưng trên thực tế Đảng cộng sản Việt Nam đã hợp tác mọi mặt, dành cho kẻ xâm lược mọi ưu đãi, cho thuê lãnh thổ, coi là bạn bè anh em chí cốt, học tập, nhờ Trung Quốc đào tạo cán bộ chính trị, quân sự, đàn áp người biểu tình nhằm dập tắt tinh thần chống Trung Quốc xâm lược và " việc đó có đảng lo"... Như thế có thể nói Đảng cộng sản Việt Nam có lý tưởng bảo vệ tổ quốc hay không ?

3. Lý tưởng xây dựng kinh tế

Trong thời bình, mọi người, đảng phái thường có lý tưởng xây dựng kinh tế, thế nhưng xem ra điều đó cũng không phải là lý tưởng ưu tiên ở Đảng cộng sản Việt Nam. Bởi lẽ, nếu ưu tiên lý tưởng ấy thì đảng phải cơ bản tư nhân hoá nền kinh tế để đạt hiệu quả cao nhất, đằng này những ngành kinh tế trọng yếu nhất của đất nước lại vẫn là quốc doanh, quân đội, cơ quan đảng làm kinh tế, làm ăn kém hiệu quả, là "địa bàn chiến lược của tham nhũng", cạnh tranh bất bình đẳng với cộng đồng doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp nhà nước là tác nhân chủ yếu làm cho nợ công chồng chất đẩy đất nước vào tình thế nghèo hèn. Một đảng cầm quyền mà tham nhũng "nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có... Ăn của dân không từ thứ gì", "không tham nhũng thì bị cô lập" (lời Đại biểu quốc hội Nguyễn Tiến Sinh) thì có thể nói đảng đó thực sự có lý tưởng ưu tiên xây dựng kinh tế ?

Như vậy, trong thời bình Đảng cộng sản Việt Nam không có hoặc không ưu tiên các lý tưởng cao cả giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế thì lý tưởng gì để đảng duy trì,tồn tại, phát triển ?

Chỉ còn lý tưởng vật chất

Trong hiến pháp và trên thực tế Đảng cộng sản Việt Nam nắm trọn mọi thứ quyền hành, tài nguyên, lợi ích của đất nước : Đất đai, khoáng sản, rừng, biển... Hiến pháp nói đất đai là "sở hữu toàn dân" nhưng không người dân nào có quyền phán xử đất đai mà tất cả là cán bộ của đảng. Mọi cơ quan pháp luật, quân đội, công an... do đảng quản lý, sử dụng phụng sự lợi ích của đảng trước tiên.

Nắm trong tay mọi tài nguyên quốc gia, lợi ích, quyền hành như vậy nên đảng -ông chủ vĩ đại mọi tài sản, lợi ích quốc gia- tự nhiên đã là sức quyến rũ những người có lý tưởng sinh kế (là bản năng của mỗi con người) bằng con đường chính trị để có quyền hành, "có phần" hơn trong những tài sản, lợi ích quốc gia ấy. 

Ngoài lớp người vào đảng theo phong trào để "khỏi bị ức hiếp" (lời nguyên Tổng bí thư báo "Dòng nhạc"), con cái được ưu tiên, ưu đãi, một số người ban đầu vào đảng với động cơ trong sáng nhưng về sau (nhất là từ những năm 1990 trở lại đây) phải thỏa hiệp với lý tưởng chung hoặc thất vọng bị loại hoặc tự rời khỏi đảng. Số đông còn lại phần lớn những người vào đảng là để mưu hưởng thụ hơn những đồng nghiệp khác, tìm kiếm giàu sang bằng nghề chính trị. Nghề này không còn lạ ngay từ thời nhà Tần (221 trước công nguyên), thương nhân Lã Bất Vi đã cực giàu có nhưng còn bỏ tiền của mua địa vị chính trị để giàu, sang hơn còn hiện tại tình trạng " chạy ghế, mua quan, bán chức" được chính nhiều lãnh đạo đảng thừa nhận.

Lộ trình vào nghề chính trị như sau : Trước tiên "phấn đấu" vào đảng cộng sản để có điều kiện trước tiên trở thành cán bộ. Làm cán bộ thì công việc nhàn hạ hưởng thụ hơn người bình thường, đặc biệt mới có cơ hội thu nhập ngoài chính thống. Cán bộ hưởng thụ ngoài tiêu chuẩn cao do đảng, nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan... đề ra không thấm tháp gì với những bổng lộc do chức quyền đem lại. Một trưởng ban ở doanh nghiệp nhà nước công việc nhàn hạ nhưng lương gấp 2-3 lần một chuyên viên, bắt đầu có quà cáp bỗng lộc, một quan chức quận, huyện trở lên chỉ phê một chữ cho ai đó đám đất với giá rẻ, một mảnh đất nông nghiệp thành đất ở, cho xây cao ốc trong nội thành, cho xây thêm vài tầng nhà, ký một chữ cho cán bộ cấp dưới lên chức, mua, bán một lô hàng... cũng có thể đem lại hàng vài trăm triệu, tỷ, chục tỷ, trăm tỷ... "Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ đ.." (lời thiếu tướng, Đại biểu quốc hội Nguyễn Xuân Tỷ). Vừa qua vụ án Vũ nhôm, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, các tướng công an... thể hiện rõ địa vị chính trị, quyền uy dễ thâu tóm, vơ vét của cải xã hội như thế nào.

Với một xã hội dân chủ, chức vụ do dân bầu thì không còn nguồn lợi "bán ghế", quan chức tham nhũng sẽ bị đảng đối lập, báo chí tư nhân soi mói, phanh phui, cơ quan pháp luật độc lập phán xử công minh... đảng phái ấy mất uy tín bị nhân dân phế truất trong các dịp bỏ phiếu... Vì vậy từ quan to, nhỏ phải giữ gìn, tham nhũng vẫn còn nhưng rất hạn chế. Với chế độ độc tài các cấp lãnh đạo do nội bộ quan chức đảng dàn xếp cất nhắc lên, xuống, phẩm chất của họ chẳng liên quan với dân. Vì vậy những tội phạm như Đinh La Thăng mà ngoi lên đến ủy viên bộ chính trị,những công an sa đoạ khủng khiếp nhưng lên đến cấp trung tướng, năm 2014 quốc hội lấy phiếu tín nhiệm Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son vẫn đạt phiếu "tín nhiệm cao", nhiều lần Quốc hội bàn luận về xử lý tài sản bất minh (tham nhũng, trộm cắp) nhưng vẫn không thể nào nhất trí được... là như thế.

Quan chức không kinh doanh gì mà giàu sang là nhờ tham nhũng, chức càng to, càng giàu, quyền lực càng lớn càng an toàn nên nghề chính trị hấp dẫn nhiều người khao khát vươn lên quyền lực. Cái khác sự "vươn lên" của cán bộ ở chế độ độc tài là không cần tu dưỡng làm việc thật sự tốt để dân tín nhiệm bàu lên mà là hết lòng phụng sự quan trên để được chú ý, cất nhắc lên chức. Do phất lên bằng con đường chính trị kiểu đó có hiệu quả cao,rất ít rủi ro so với sản xuất kinh doanh nên luôn có người xin vào đảng,sống sao cho vừa ý quan trên để nhanh chóng lên cán bộ to như một nghề chính đáng. Sự tồn tại, phát triển của đảng cộng sản cơ bản theo cách ấy đã đủ lâu thành như một sự tất nhiên, lương thiện cộng với truyền thống nho giáo "yêu địa vị, trọng quyền lực" mà dân gian coi việc lên chức là "tiến bộ". Nhiều người già trước khi chết còn nhắn nhủ con, cháu đứa nọ, kia "phải phấn đấu vào đảng, lên cán bộ". Việc rất nhiều cán bộ tại chức khai man tuổi, bằng cấp, thành tích để đua tranh, kéo dài chức vụ, hưởng thụ, khi nghỉ hưu thì "nhạt đảng" chứng tỏ việc gia nhập đảng vì mục đích vụ lợi.

Cán bộ sống như vua, chết như chúa là xây dựng đảng

Thời bao cấp chỉ có con đường làm giàu là vào đảng làm cán bộ nhưng hiện nay có doanh nghiệp tư nhân, FDI nhiều người có năng lực, lòng tự trọng thấy nhiều cán bộ đảng cộng sản quá tham nhũng, bê tha, nhân dân chán ghét đã tìm các con đường khác để tiến thân dẫn đến tình trạng "chán đảng, khô đoàn, nhạt chính trị" (lời Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng). Để duy trì đội ngũ, nhiều cơ quan, doanh nghiệp quốc doanh phải giao chỉ tiêu kết nạp đảng. Vì vậy thời nay việc cán bộ được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi, phô trương giàu sang để hấp dẫn người vào, xây dựng đảng càng cần thiết hơn bao giờ hết... Thời gian qua, quan chức đảng xây biệt thự, biệt phủ cực kỳ nguy nga, làm đám cưới, đám ma linh đình, mồ mả chiếm diện tích đất quá xa tiêu chuẩn, ngược hẳn pháp luật, lời ông Hồ Chí Minh "cần kiệm, liêm chính…" nhưng đảng gần như không ngăn chặn,xử lý. Việc Đảng cộng sản tạo ra những luật lệ, cơ chế lý tưởng cho tham nhũng như : "thu hồi đất cho phát triền kinh tế, đổi đất lấy hạ tầng, phạt cho tồn tại…" nên bao năm nay hô hào chống tham nhũng nhưng tham nhũng càng phát triển chứng tỏ điều đó.

Tôi khẳng định chế độ độc tài không thể chống tham nhũng và nếu chống triệt để thì đảng sẽ khó tồn tại. Bởi chế độ độc tài chống tham nhũng là chống bản chất của nó vì "ta đánh ta" (lời ông Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng). Việc đảng ra chỉ thị 15 công an không được trinh sát tham nhũng đảng viên khi chưa được lệnh chứng tỏ đảng muốn "nuôi" tham nhũng ở mức độ nào đó để duy trì sinh lực cho đảng.

Việc cán bộ đảng "khi sống như vua", lúc chết làm ma to, mả lớn phô trương sự giàu sang phú quý có làm dân bức xúc, ảnh hưởng uy tín nhưng trước mắt cái lợi cho đảng vẫn nhiều hơn ? Bởi vì, dân bức xúc (như biểu tình, đánh cán bộ, ném giày... chẳng hạn) cũng chẳng làm gì được đảng do địa vị của đảng không do dân phán xét, bầu bán, có điều 4 hiến pháp bảo lãnh, ai phản kháng, biểu tình đã có công an, nhà giam, nhà tù... bởi quân đội, công an có nghĩa vụ bảo vệ đảng trên hết, "còn đảng còn mình". Thêm nữa, đảng có cả một hệ thống thông tin truyền thông, văn hóa, văn nghệ... độc quyền khổng lồ tuyên truyền theo định hướng tạo uy tín cho đảng.

Vừa qua tân bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục khuyến cáo các báo thông tin tiêu cực chỉ chiếm 10% nội dung trên báo chí là như thế. Dù sự thật như thế nào thì báo chí cũng phải định hướng ca ngợi đảng phần lớn nội dung... Như thế dù sao vẫn có bộ phận lớn dân chúng tin tưởng vào sự "quang vinh muôn năm" của đảng.

Rõ ràng, cán bộ sống giàu sang, chết ma to, mả lớn vẫn có lợi cho đảng nhiều hơn là có hại, tức là góp phần xây dựng đảng.

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 14/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 596 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)