Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/09/2019

GDP tăng thêm 25,4% : 76.000 doanh nghiệp ở đâu ra ?

Minh Quân

Việc Tổng cục Thống kê Việt Nam ‘phát minh’ ra GDP tăng thêm 25,4%, nền kinh tế bỗng nhiên có thêm 40 tỷ USD và mỗi đầu dân bỗng giàu lên gần 400 USD đang gây xôn xao dư luận, đồng thời nhận lãnh nhiều phản ứng của giới chuyên gia kinh tế và từ rất nhiều người dân ngày càng khốn quẫn trong sinh nhai.

gdp0

Một lần nữa, những chuyên gia phân tích độc lập - như Tiến sĩ Bùi Trinh - phản pháo : "tính thêm khu vực này vào GDP chỉ có lợi ích duy nhất là làm đẹp thành tích tăng trưởng nhưng lại lợi bất cập hại ở chỗ kéo tỉ lệ bội chi và nợ công nhỏ xuống", và "Nợ công và bội chi phải nhìn nhận ở con số tuyệt đối, nếu hạ "ảo" để đạt thành tích sẽ khiến các nhà làm chính sách và cả người dân quên đi thực tại".

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đặt dấu hỏi : "Có rất nhiều câu hỏi đặt ra ? Con số bổ sung 76.000 doanh nghiệp tăng thêm 25,4% GDP là những doanh nghiệp nào ? Cần phải công bố danh sách các doanh nghiệp này và lý do vì sao trước đây không tính toán được. Bởi vì số doanh nghiệp cũ trước đây, đóng góp GDP không lớn như vậy ?".

Nhưng Tổng cục Thống kê vẫn ‘câm như hến’ mà không trưng ra bất kỳ bằng chứng nào về con số 76.000 doanh nghiệp dôi thêm đó.

Trước đó, quan chức Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia của Tổng cục Thống kê là Dương Mạnh Hùng, cho biết, quá trình đánh giá lại quy mô GDP đã bổ sung thông tin của 76.000 doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp đang hoạt động nhưng không cung cấp thông tin và doanh nghiệp vừa đi vào hoạt động (trước đây chưa thống kê). Với những doanh nghiệp không thu thập được từ hồ sơ hành chính, Tổng cục Thống kê bổ sung số liệu từ cơ quan thuế.

Hành vi ‘giả số liệu’ - hiện tượng mà dư luận xã hội rất nghi ngờ là Tổng cục Thống kê đã ‘kiến tạo’ để làm đẹp các báo cáo thành tích cho sếp của cơ quan này là Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc, khốn thay lại đang rất gần với sự thật.

Phải chăng 76.000 doanh nghiệp được tính thêm đó chỉ là con số ‘ma’ ?

Hoặc nếu là con số thực thì 76.000 doanh nghiệp chiếm hơn 10% tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Vì sao trong suốt một thời gian rất nhiều năm, Tổng cục Thống kê lại thống kê thiếu con số khổng lồ ấy ? Vì sao con số đó chỉ thình lình hiện ra khi đề án tính thêm ‘kinh tế ngầm’ vào GDP của Tổng cục Thống kê bị dư luận phản ứng mà khó có thể thực hiện ?

Tình trạng một cơ quan thống kê quốc gia nhưng lại để lọt sổ đến hơn 10% số doanh nghiệp là quá yếu kém về năng lực thống kê và không thể chấp nhận được. Nhưng vì sao những quan chức đầu ngành thống kê không những không bị kỷ luật hay cách chức mà lại ngày càng được Thủ tướng Phúc ưu ái ?

Mặt khác, trong nền kinh tế Việt Nam đang xảy ra một nghịch lý kinh khủng : đa số doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả hoặc bị lỗ, phá sản nhưng GDP vẫn tăng mạnh !

Thật vậy, kết quả thu ngân sách năm 2018 đối với khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đã bị giảm thu từ hơn 2% đến gần 3% so với dự toán, còn khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - thành phần kinh tế dù không được xem là ‘chủ đạo’ như kinh tế quốc doanh nhưng lại đóng góp phần lớn tiền của cho GDP và nuôi sống bộ máy gần 3 triệu công chức viên chức mà trong đó có đến 30% ăn không ngồi rồi - còn tồi tệ hơn nhiều : giảm thu đến 15% so với dự toán.

Thêm vào đó, năm 2018 đã chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp phải phá sản và tạm ngừng hoạt động tăng vọt so với năm 2017 và tăng hơn hẳn so với tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới, năm 2019 cũng rất có thể chứng kiến nền kinh tế Việt Nam tiếp tục lọt thỏm vào chu kỳ suy thoái năm thứ 11 liên tiếp kể từ năm 2008, khiến sức sản xuất và khu vực lưu thông hàng hóa càng thêm trì trệ, càng làm rỗng túi doanh nghiệp mà do đó càng khiến khả năng ‘cống hiến’ cho ngân sách tồi tệ đi nhiều.

Những năm gần đây, phía chính phủ muốn tăng vay ODA mà do đó khiến tăng nợ công nhưng bị ngưỡng nguy hiểm ‘nợ công không thể vượt quá 65% GDP’ chặn lại, cũng như bị một số đại biểu quốc hội chỉ trích. Nhưng nay chỉ bằng thủ thuật kinh tế - chính trị đơn giản ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’, với nền kinh tế ngầm ấy có thể chiếm ít nhất 10% hoặc thậm chí đến 30 - 40% GDP trong trường hợp Việt Nam, thì khi đó tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm tương ứng và giảm mạnh, có thể chỉ còn khoảng 50% GDP, trở thành một con số còn bóng lộn hơn cả báo cáo nợ công "chỉ có 55% GDP" thời Nguyễn Tấn Dũng. Một kết quả rất hấp dẫn chỉ nhờ vào việc tính toán những con số trên giấy mà chẳng phải lao tâm khổ tứ thuyết phục quốc hội lẫn ma mị dân chúng.

Một khi kịch bản "tính lại GDP" thành công theo "yêu cầu đặc biệt" của Thủ tướng Phúc, các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước cùng Chính phủ sẽ còn ‘dư địa vay nợ’ và tha hồ vay được ít ra 15% GDP nữa, tương đương khoảng 30 tỷ USD, chẳng hạn "phục vụ dự án trọng điểm sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc Nam". Hai dự án này lần lượt chiếm vốn đầu tư là 18 tỷ USD và hơn 10 tỷ USD, cộng lại xấp xỉ với "quota" 30 tỷ USD mà Chính phủ có thể vay trực tiếp hoặc bảo lãnh vay nếu thành công trong việc "tính lại GDP". Cơ hội để các nhóm lợi ích "ăn tàn phá hại" vốn ODA và những nguồn vốn vay khác sẽ lại mở ra không khác gì thời Nguyễn Tấn Dũng.

Một cách tương ứng, ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’ sẽ làm giảm tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP trong lúc số tuyệt đối về bội chi không hề giảm, đồng nghĩa với việc chính phủ và trong đó có phần tiêu xài khổng lồ của khối cơ quan đảng sẽ không còn phải nhìn trước nhìn sau với tỷ lệ bội chi ngân sách 3,6% GDP hay dưới 5% GDP nữa, mà sẽ thoải mái nâng con số tuyệt đối về bội chi.

Và một khi kịch bản "tính lại GDP" thành công theo "yêu cầu đặc biệt" của Thủ tướng Phúc, không chỉ ông Phúc được cộng điểm thành tích cho vận mạng ‘ngồi trên triệu người’ của ông ta tại đại hội 13 của đảng cầm quyền diễn ra vào năm 2021, mà gần 100 triệu con dân Việt sẽ càng có cơ hội đội thêm gánh nặng nợ nần ngập đầu cho hiện tại và cho rất nhiều đời con cháu mai sau.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 14/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 498 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)