Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/09/2019

Cái quan định luận : trường hợp cựu thẩm phán Thomas Nguyễn Cần (1935-2019)

Nguyễn Đức Cung

Nhận xét về một nhân vật nào đó nào đó, nhất là đối với những kẻ có đôi chút tiếng tăm, người ta thường nhắc nhở nhau bốn chữ : "Cái quan định luận" (nghĩa là "đậy nắp áo quan rồi mới bình luận").

lugiang1

Ông Nguyễn Cần (1935-2019)

Bốn chữ này vốn nằm trong hai câu thi của Lý Tăng Bá, một nhà thơ Trung Hoa đời Tống :

"Cái quan công luận định,

Bất mẫn thị nhân tâm"

Nghĩa là : Đậy nắp quan tài mới luận định công bằng, không vội vàng đó mới chính là lòng con người. Cuộc đời anh Nguyễn Cần vốn có nhiều sóng gió trong trường văn trận bút nên bốn chữ "cái quan định luận" mang lại nhiều suy gẫm cho những ai quan tâm đến sự nghiệp và đời sống của anh giữa dòng chảy của thời cuộc.

Nhiều năm về trước, những khi có dịp về Nam Cali, tôi thường gặp thăm anh Nguyễn Cần, cùng nhau đi ăn uống, trò chuyện. Các cô em họ nhà tôi gọi Nguyễn Cần bằng cậu và cũng hay thường làm bánh bột lọc theo kiểu Quảng Bình để đãi tôi nhân thể mời "cậu Cần" dự luôn vì cậu rất thích loại bánh quê hương này khác với bánh bột lọc kiểu Huế chỉ độc có một chút tôm nhỏ xíu và chút thịt mỡ ăn chẳng thấm tháp vào đâu. Bánh bột lọc làm theo kiểu Tam Tòa, Quảng Bình của chúng tôi to gấp đôi bánh Huế, cái nhân ở trong gồm có tôm, thịt nạc hoặc thịt mỡ, nấm mèo, măng non xé từng sợi, tất cả đem xào tiêu ớt trước và nêm nếm cho đúng khẩu vị, rồi đem từng muỗng nhân đó bọc bột lọc hay bột năng : bánh trần thì nặn theo hình bán nguyệt hoặc gói lá chuối đem hấp. Khi ăn phải chấm bánh vào chén nước mắm thật mặn với ớt thật cay. Đang khi ăn có người còn bưng chén nước mắm lên húp sùm sụp mới đã. Trong ngày lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất nhà thờ Tam Tòa ở Đồng Hới, Quảng Bình, cách đây bốn năm (2014), qua đó nhờ sự vận động tài chánh của Nguyễn Cần rất có năng hiệu bằng các bài báo trên mạng hoặc báo giấy cùng sự hỗ trợ của giáo dân khắp mọi nơi, cha xứ Phêrô Trần Văn Thành đã khoản đãi một bữa ăn lớn cho khoảng 1.500 khách tham dự có Giám mục Giuse Võ Đức Minh (vốn là con dân của giáo xứ Tam Tòa cũ ở Quảng Bình trước năm 1954) của Giáo phận Nha Trang, và giáo dân địa phương thuộc Giáo phận Vinh, con dân giáo xứ Tam Tòa khắp nơi trên thế giới về tham dự ngày lễ hội này, thực đơn gồm nhiều món dĩ nhiên trong đó không thể thiếu bánh bột lọc đặc sản Tam Tòa.

Vào buổi sáng ngày thứ sáu 30/08/2019 vừa qua, tôi cùng một người bạn, anh Phùng Ngọc Thọ, và người em họ của tôi gọi Nguyễn Cần bằng cậu vào bệnh viện Garden Grove Hospital, Nam Cali thăm anh lúc đó đã hôn mê. Trước đó mấy ngày Nguyễn Cần còn gọi cho anh Thọ và bảo : "Tau đi". Anh Thọ hỏi lại : "Anh đi đâu ?". Anh Cần lặp lại : "Tau đi" sau đó nghe nói anh hôn mê cho đến khi mất khoảng hai tuần lễ.

Tôi với anh Nguyễn Cần là người đồng hương, làng Đồng Mỹ, cùng xứ đạo Tam Tòa thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Anh ít tuổi hơn người chị thứ hai của tôi, lúc nhỏ học cùng lớp cho nên đối với tôi anh là bậc trưởng thượng về tuổi tác và anh nhập Tiểu Chủng Viện An Ninh năm 1949 trước tôi đến sáu năm.

Thân sinh của Nguyễn Cần là cụ Nguyễn Sá, chuyên gia điêu khắc tượng gỗ là một trong những người học trò của cụ Nguyễn Văn Tư (1860-1944) vốn là ông tổ ngành chạm mộc làng Đồng Mỹ tỉnh Quảng Bình, có nhiều công trình đóng góp xây cất cung điện cho các vua triều Nguyễn nên có chức "huyện hàm" thường gọi là cụ Huyện Tư. Năm 1905, khi linh mục Léopold Cadière tức Cố Cả, một nhà Việt Nam học nổi tiếng làm chánh xứ Tam Tòa, ngài đã khuyến khích ngành chạm gỗ trong xứ đạo để làm kế sinh nhai cho giáo dân. Tác phẩm thuộc loại nghệ thuật thánh này như thánh giá, tuợng Chúa Giê-su, Đức Mẹ, các hộp gỗ đựng chuỗi kinh hạt, tượng các thánh được Cố Cả đem triển lãm nhiều lần tại Paris và một số thành phố khác ở bên Tây. Bạn cùng nghề với cụ Nguyễn Sá thân phụ anh Nguyễn Cần ở trong làng còn các các cụ Hoàng Văn Giao có thời làm chánh trương tức Trùm Giao, cụ Nguyễn Khiếng (con là Nguyễn Kim Khánh). Các cụ nghệ nhân này thường thuê các tay thợ chạm ở làng Trúc Ly ở huyện Lệ Thủy về nhà làm công cho họ.

Cụ Nguyễn Sá có bốn người con hai trai hai gái đặt tên Ân, Cần, Kinh, Lễ mà anh Cần là con thứ hai. Chị cả Ân hiện còn sống tại giáo xứ nhà thờ chính tòa Giáo Phận Đà Nẵng, Việt Nam, em trai là Nguyễn Công Kinh, dạy học, tham gia sinh hoạt chính trị trong Lực lượng Đại Đoàn Kết của cựu Nghị sĩ Nguyễn Gia Hiến tức Hiến Mập, sống tại Giáo xứ Thanh Bình Đà nẵng, em gái tên Lễ chết hồi còn trẻ trước năm 1960.

Anh Nguyễn Cần sinh ngày 13 tháng 2 năm 1935 tại làng Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, tên thánh Thomas, rửa tội tại nhà thờ Tam Tòa, thuở nhỏ học Trường Sainte Marie (sau đổi là Trung Học Chơn Phước Phượng) của Linh mục Viry (thường gọi Cố Vị, người Pháp lúc đó làm Hiệu trưởng của Trường Providence (Thiên Hựu) ở Huế) mở ra tại Giáo xứ Tam Tòa, Đồng Hới, bạn đánh bi với người anh rể của tôi thuở nhỏ. Gia đình Nguyễn Cần di cư vào Đà Nẵng năm 1954, cư ngụ tại Giáo xứ Thanh Bình. Anh tự học để thi Tú tài bán phần và toàn phần ban Cổ ngữ La Tinh, bị bệnh phổi và phải cắt bỏ một lá. Thời gian điều trị bệnh anh đã tỏ ra khéo tay bằng cách gom các hộp thuốc dùng kéo cắt thành hình tòa nhà của Viện Bài Lao Huế là nơi anh nằm điều trị, học Luật khoa Sài Gòn, đậu thẩm phán (ngành xử án), làm việc tại Long Xuyên và Sài Gòn. Khi về già, do ảnh hưởng của việc cắt bỏ một lá phổi, lưng anh gù lại, dáng đi lệch một bên nhưng giọng nói của anh vẫn luôn luôn sang sảng, rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt là đôi mắt vẫn toát lên vẻ tinh anh.

Trong một bài báo có tên "Nhìn lại cuộc di cư đẫm máu" viết nhân kỷ niệm đúng 64 năm ngày Hiệp định Genève chia đôi đất nước, với một tiết mục nhỏ có tên "Những tên điếc không sợ súng", Lữ Giang tức Nguyễn Cần viết :

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, tỉnh Quảng Bình được trao cho Việt Cộng. Quân đội, công chức và dân chúng khắp nơi trong tỉnh tìm mọi phương tiện để rời khỏi Quảng Bình. Hai phương tiện được dùng để di cư đồng bào một cách nhanh chóng là tàu thủy và máy bay. Lúc đó tôi mới 15 tuổi, nhưng đã cùng một số anh em tham gia vào toán tiếp cư do linh mục Georges Neyroud, tuyên úy Quân Đội Pháp thành lập. Ngày 1/8/1954, linh mục cho biết linh mục phải vào gấp Đồng Hà và Đà Nẵng để lo cho đồng bào mới vào, ông cần mấy người biết tiếng Pháp ở lại tiếp tục đón tiếp các đồng bào ở xa tới và cấp giấy cho họ đi. Gia đình chúng tôi đã vào Đà Nẵng hết rồi, nhưng tôi và một số anh em vẫn còn ở lại lo công việc tiếp cư. Khi nghe linh mục Georges Neyroud hỏi như trên, tôi, anh Nguyễn Kim Thuyên, và anh Lê Trung Tha xin tình nguyện ở lại. Thấy chúng tôi còn quá nhỏ, ông hơi do dự, nhưng không còn ai khác, mọi người đã lo đi càng sớm càng tốt, nên ông đành chấp nhận cho chúng tôi ở lại và giới thiệu một Trung Úy người Pháp đến làm việc chung với chúng tôi. Ông ném lại cho chúng tôi hai tạ gạo và một thùng lựu đạn OF. Đó là lương thực của chúng tôi. Mỗi ngày chúng tôi đem một trái lựu đạn OF ném xuống sông rồi lặn xuống bắt cá đem lên luộc ăn với cơm. Sông Nhật Lệ quá nhiều cá nên có khi chúng tôi ăn cá thay cơm.

Công việc của chúng tôi cũng không có gì khó khăn. Chúng tôi tiếp những người trốn được từ vùng quê hay từ Nghệ An và Hà Tĩnh vào, lấy lý lịch của họ ghi vào một tấm thẻ màu đỏ, bắt họ lăn ngón tay cái vào thẻ, rồi chuyển cho Trung úy người Pháp để anh này dẫn họ đến một phòng tiếp cư đợi lên tàu vào Đà Nẵng. Cứ theo lời khai của những người trốn được từ bên kia sông Gianh vào, nếu có sự can thiệp của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến, sẽ có hàng chục ngàn người thuộc hạt Bình Chính như Hướng Phương, Hòa Ninh, Đồng Trác, Gia Hưng v.v… và ở Hà Tĩnh sẽ bỏ ra đi. Nhưng chúng tôi chẳng biết làm gì để giúp đỡ họ.

Trung úy người Pháp đến giúp chúng tôi chưa đến 30 tuổi và rất tháo vát. Trong những lúc rảnh việc, ông quay về đơn vị mượn dây dù và các dụng cụ để trục cái chuông lớn từ trên tháp cao của nhà thờ Tam Tòa và cây đàn Harmonium ở phòng ca đoàn xuống rồi đưa lên tàu. Vì thấy tàu của Pháp còn khá rộng, ông và chúng tôi tháo các bàn thờ và ghế trong nhà thờ ra và cho xuống tàu luôn. Các vật dụng này hiện đang được xử dụng tại nhà thờ Tam Tòa ở Đà Nẵng.

Trong khi chúng tôi lo tiếp những người từ xa đến thì trên đường phố của thành phố Đồng Hới, Việt Cộng tổ chức biểu tình "hoan hô Cách mạng" liên tiếp từ ngày này qua ngày khác với thái độ hung hăng, nhưng chúng tôi chẳng ai lo sợ gì cả !

Sáng ngày 8/8/1954, Trung úy người Pháp đến báo tin cho chúng tôi biết phải rời thành phố chiều hôm nay và phải đi bằng đường bộ vợt qua sông Bến Hải, vì không còn phương tiện tàu thủy hay máy bay nữa. Con đường từ Đồng Hới đến Bến Hải dài 71 cây số. Cách đây một năm, ba chúng tôi đã dám vượt qua các bãi mìn, đi bộ từ Bến Hải đến Đồng Hới, nên khi được bảo phải đi bằng đường bộ, chúng tôi không có chút lo ngại nào. Đúng là điếc không sợ súng !

Chiều hôm đó, khi chúng tôi qua khỏi phà Quán Hàu, cách thành phố Đồng Hới khoảng 3 cây số, quay nhìn lại thì thành phố đang cháy !

Tôi nhớ lại, khi tôi trao tấm thẻ đỏ di cư cho người anh họ của tôi là anh Nguyễn Thật để lên đường vào Đà Nẵng, anh ấy đã cúi đầu xuống và thở dài : "Đi như thế này rồi cũng mất nữa thôi !" - Lời tiên đoán đó đã đúng 20 năm sau !

Trong ba chúng tôi, anh Lê Trung Tha vừa qua đời, anh Nguyễn Kim Thuyên đang ở Việt Nam, còn tôi ở Mỹ đã ngồi ghi lại những dòng này.

Ngày 20/7/2018

Lữ Giang

***************

Đoạn đường Tiểu Chủng Viện An Ninh Quảng Trị đến giáo xứ Tam Tòa Quảng Bình vốn là đoạn đường đi bộ quen thuộc hơn 70 cây số đối với vài chủng sinh trong làng tôi khi những mùa tựu trường đến và họ phải nhập học. Tâm tính khí khái của anh Nguyễn Cần bộc lộ ngay từ hồi nhỏ.

Trước năm 1975, trong thời gian làm việc ở Sài Gòn, Nguyễn Cần cộng tác với Linh mục Phan Văn Thăm và Cha Nicholas Huỳnh Văn Nghi (sau này là Giám mục Giáo phận Phan Thiết) ở Giáo xứ Tân Định, xuất bản tờ Tuần báo Thẳng Tiến do cha Phan Văn Thăm làm Chủ nhiệm, Nguyễn Cần viết nhiều bài ký sự dưới bút danh Đường Thế Sự, sinh hoạt cùng nhóm Pax Romana tức Nhóm Trí Thức Công giáo ở Sài Gòn có trụ sở ở Nhà thờ Tân Định đường Hai Bà Trưng, Phú Nhuận. Tờ báo Thẳng Tiến không chỉ thuần túy ghi lại các sinh hoạt tôn giáo của Địa Phận Sài Gòn mà còn phản ảnh quan điểm người Công giáo trước thời cuộc đặc biệt trong các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội v.v…

Sau ngày 30/4/1975, Nguyễn Cần đã trải qua nhiều trại tù ở trong Nam và ngoài Bắc như trại tù Long Thành, Thủ Đức rồi ra trại Thanh Cẩm ở Thanh Hóa và ra khỏi tù vào dịp tết năm 1988. Trong thời gian anh đi tù, vợ con vượt biên và có một đời sống riêng biệt, nghe nói ở New York, nhưng bạn bè tôn trọng anh nên không ai dám hỏi chuyện riêng tư gia đình cho đến khi anh sắp mất… mới được hé lộ chút đỉnh. Qua bản cáo phó, chúng tôi biết thêm anh có hai người con trai Châu Giang, Lữ Giang đã có gia đình và ở xa.

Là người có một bộ nhớ tuyệt vời, ngòi bút sắc sảo, bén nhạy, Nguyễn Cần đã nhờ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, cổ ngữ La Tinh nên tiếp cận được rất nhiều nguồn tư liệu, sách vở, báo chí khắp nơi trên thế giới, cập nhật hóa các nguồn tin tức, nhất là đã có cơ hội phỏng vấn các nhân vật giữ nhiều chức vụ quan trọng của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 nhờ ở tù chung với rất nhiều người thuộc đủ mọi thành phần chính trị, tình báo, tôn giáo, đảng phái cũng như trong thời gian ở Hoa Kỳ từ năm 1991 đến nay anh đã tiếp xúc và ghi lại các buổi trò chuyện, thăm viếng, phỏng vấn v.v… phản ảnh trong rất nhiều bài viết và tác phẩm gây chấn động dư luận như Những bí ẩn đàng sau các cuộc thánh chiến tại Việt Nam, Những bí ẩn đàng sau cuộc chiến Việt Nam, một trang web có tên Một Góc Trời với hàng nghìn bài viết giá trị. Có thể nói không một cây bút nào ở hải ngoại thuộc giới làm báo có tính dẻo dai về sức viết, dồi dào về tư liệu và phong phú về chủ đề như những bài viết của anh dưới bút hiệu Lữ Giang, hay Tú Gàn.

Trong thời gian cộng tác làm Tuần báo Thẳng Tiến, Nguyễn Cần tức nhà báo Đường Thế Sự không quên "chiếu cố" đến các nhân vật trong chính quyền thời Đệ Nhị Cộng Hòa, và các cơ quan như Thượng Viện, Hạ Viện, các vị đứng đầu tỉnh. Có lần Đường Thế Sự chê cánh dân biểu thân chính của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là không đọc nổi các tập dự thảo về ngân sách quốc gia. Điều này cũng hơi quá đáng vì thực ra trong Hạ Viện hay Thượng Viện Việt Nam Cộng Hòa cũng có một số nghị sĩ hay dân biểu thuộc thành phần sắc tộc, trình độ có đôi chút thấp nhưng so ra chắc chắn trình độ họ cao hơn các vị "đại biểu quốc hội" của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa bây giờ, và rõ ràng tinh thần quốc gia chống Cộng của họ rất cao, chẳng hạn Dân biểu Nay-Lo từng làm Tỉnh Trưởng tỉnh Pleiku (1967-68), Dân biểu Touneh-Tơn của Tuyên Đức (tham gia Đại Việt Cách Mạng Đảng) nói tiếng Pháp không thua gì người Pháp, tổ tiên có nhiều công trong việc thành lập thành phố Đà Lạt.

Sau biến cố 30/4/1975, Nguyễn Cần cũng như nhiều thành phần thuộc các giới quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa bị bắt và đưa vào các trại tập trung, không hề qua thủ tục của tòa án, chịu trên 12 năm khổ sai lao động của nhiều trại giam ở miền bắc do chính sách trả thù của chế độ cộng sản Việt Nam.

Ra hải ngoại, Nguyễn Cần sống ở Orange County, hành nghề viết báo ở Nam Cali với bút danh Lữ Giang hay Tú Gàn đề cập đến hầu hết các vấn đề chính trị có liên quan tới Việt Nam, thuộc mọi đề tài trong lãnh vực luật pháp mà anh vốn rất am tường và nắm vững. Trong nhiều năm sau khi dời khỏi Sài Gòn Nhỏ, anh thường xuyên xuất hiện trong các chương trình truyền hình của Cộng Đồng Người Việt ở Nam Cali chuyên trách các vấn đề thời sự, tin tức báo chí, sinh hoạt văn học, nghệ thuật, tôn giáo v.v… Với một số lượng văn phẩm hơn 2.000 bài còn để lại đọc thấy trên Web có tên Một Góc Trời cùng với một số sách đã xuất bản, nhà báo Tú Gàn hay Lữ Giang đã thực sự có một vị thế đáng kính nể trong báo giới ở hải ngoại mặc dù anh đã bị nhiều phe phái, nhiều nhóm thuộc các tôn giáo và lập trường chính trị khác nhau công kích, dè bỉu, thậm chí lăng mạ, đặt điều nói xấu anh trong suốt nhiều thập kỷ qua. Trong khi đó cũng có nhiều, rất nhiều người có lập trường quốc gia chân chính kính phục anh, khen ngợi, cổ vũ, nhiều người Công giáo mến yêu anh tìm đọc các bài viết của anh, nhiều người Phật giáo tâm đắc các bài viết của anh trong suốt từ thập niên này đến thập niên khác.

Cũng cần nói rõ rằng Nguyễn Cần là một nhà báo từ trước năm 1975 cho đến nay, một đời viết lách, không phải là một nhà nghiên cứu sử học cho nên một số vấn đề anh viết hoặc đề cập đến mang đậm tính thời sự cần phải có những khoảng thời gian để gạn lọc tư liệu, lắng đọng tâm tư tình cảm đối với chế độ hoặc với những người trong cuộc, hoặc với thể chế còn đứng vững hay đã bị xóa đi trong lịch sử.

Đề cập tới các nguồn sử liệu xuất phát từ báo chí, Linh mục Nguyễn Phương, giáo sư sử học thuộc Viện Đại học Huế từ 1957 đến 1975, đã viết rằng :

Phần nhiều, ký giả khi lượm tin tức để đăng trên báo, cũng làm việc theo những nguyên tắc như sử gia khi lượm lặt và án khảo sử liệu. Họ cũng dò xét tư cách của người chứng, cũng cân nhắc tính cách đáng tin của chứng tích. Nhưng một điều sử gia không nên quên là ký giả làm việc trong những điều kiện phần nhiều bất lợi cho việc suy xét chặt chẽ, vì họ phải tranh thủ thời gian để cho tin tức của họ mang tính cách sốt dẻo, giật gân, như người ta thường nói. Bởi đó, không lạ gì nếu sử gia nhận thấy trong câu chuyện họ thuật xen lẫn vào những thiếu sót về chi tiết, những hấp tấp trong phán đoán, những sai lạc trong kết luận. Khi dùng đến nhật báo, sử gia cố nhiên phải cân nhắc, so sánh, để loại trừ những sơ hở rất thường gặp đó.

Sử gia nên nhớ nữa rằng giá trị của một tờ báo thường lệ thuộc bầu không khí chính trị trong đó tờ báo ra đời. Nếu đó là một chính thể tôn trọng tự do tư tưởng, thì tờ báo sẽ có nhiều bảo đảm về phần tin tức và bình luận. Nhưng nếu chính phủ thi hành chính sách độc tài, thì báo chi tất cả chỉ là những phương tiện tuyên truyền đường lối riêng của chính phủ, và bấy giờ sử gia phải phê bình báo chí như phê bình những tờ truyền đơn.

Rồi, báo còn có thể là cơ quan ngôn luận của một phe phái, một đảng chính trị, nên dầu là ở trong một nước tự do được tôn trọng, vẫn có thể bị óc đảng phái làm cho thiên lệch. Cả những tờ báo không có mầu sắc chính trị cũng có thể bị ảnh hưởng khi ít khi nhiều bởi những thành kiến về kinh tế, xã hội hoặc tôn giáo, và nhiều khi uốn nắn tin tức hay dư luận theo chiều hướng của mình.

(Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học, Phòng nghiên cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1964, trang 137).

Những bài báo được soi chiếu dưới ánh sáng của phương pháp sử học như nói trên đây chắc chắn không thiếu gì trong số hàng nghìn bài viết của Tú Gàn hay Lữ Giang còn để lại, do đó chúng ta cần phải cẩn trọng khi sử dụng để chắt lọc lấy những yếu tố gần với sự thật được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Cũng may, Nguyễn Cần (Tú Gàn hay Lữ Giang) như nhiều người lớn tuổi khác sống tại Miền Nam Việt Nam tương đối được hưởng những năm tháng tự do, dân chủ của nền Đệ I và Đệ II Cộng Hòa nên ngòi bút của anh cũng như của nhiều người kỳ cựu trong làng báo trước năm 1975 và nay tại hải ngoại còn có tiếng tăm như ký giả Phạm Trần chẳng hạn được kể là những cây bút có bản sắc.

Trong cuốn sách có tên Bốn mươi năm "nói láo", Vũ Bằng, một ký giả "nằm vùng" của cộng sản đã tỏ ra cảm mến lớp ký giả trẻ như Phạm Trần, Phạm Văn Đại. Vũ Bằng viết rằng :

Có dịp chuyện trò với Phạm Trần, tôi thấy anh là một người từ tốn. Ước vọng của anh là làm việc không ngừng cho báo chí, nhưng theo anh, muốn làm nên việc thì chỉ riêng lớp ký giả trẻ, không thể đủ ; trẻ và già phải hợp tác chặt chẽ với nhau ; trẻ không được miệt thị già, già cũng chẳng nên coi trẻ là những kỳ-quan, đứng né ra hẳn phía ngoài. Hoạt động và sự hăng say của lớp trẻ cộng thêm với học hỏi và kinh nghiệm của lớp già không những đã nói lên được sự đoàn kết, mà chắc chắn chỉ đem lại thêm cái hay, cái đẹp cho ngành báo và tăng cường nỗ lực tranh đấu của những người làm việc cho ngành báo chí ngày mai.

(Vũ Bằng, Bốn mươi năm "nói láo", Đại Nam xuất bản, không đề năm in, trang 293).

Tôi không biết rõ niên kỷ của ông Phạm Trần nhưng được đọc nhiều bài của ông về chế độ cộng sản hiện nay, theo dõi các cuộc phỏng vấn của ông với các vị lãnh đạo Công giáo Việt Nam như Giám mục Nguyễn Thái Hợp chẳng hạn và nghĩ rằng ông Phạm Trần tuổi chắc cũng không thua Tú Gàn hay Lữ Giang bao nhiêu. Chính bầu khí tự do, dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa trước đây đã đào tạo nên những nhà báo tên tuổi, có trình độ như vậy.

Đối với những chủ đề, kiến thức, tư liệu, biến cố cùng nhân vật được anh Nguyễn Cần đưa vào bài viết đã giúp cho rất nhiều độc giả có thêm nhiều hiểu biết với những luận cứ mang tính thuyết phục của anh tuôn trào dưới ngòi bút sắc bén, linh hoạt với giọng văn phản ảnh cá tính của một con người "bất cần đời" nhưng trọng lẽ phải. Một số bài viết của anh dựa trên sử liệu thuộc các nguồn chính sử và dã sử của các triều đại Việt Nam trước đây, dựa trên khả năng luật học vốn là sở trường của một luật gia được đào tạo có bài bản, đã tăng thêm giá trị ngòi bút của anh. Công tâm mà nói, có khi Tú Gàn hay Lữ Giang cũng không kìm hãm được sức mạnh ngòi bút của mình nên cũng có thể vì đó mà gây nên nhiều bất mãn cho nhiều kẻ khác thậm chí cho một số anh em cùng môi trường tu học trước đây với anh.

Nếu trong lịch sử Ki-tô giáo đã xuất hiện những vị giám mục, linh mục hoặc các nhà văn được gọi là những nhà hộ giáo (apologist) thường dùng khả năng văn chương của mình để bênh vực cho tôn giáo chống lại người ngoại giáo hay người Do Thái, như trường hợp St. Justin (apologia tiếng Hy-Lạp có nghĩa là bảo vệ) chẳng hạn, (Pope Benedict XVI, Great Christian Thinkers, from the early Church through The Middle Ages, First Fortress Press, 2011, page 9), thì sau biến cố ngày 1/11/1963 ở Miền Nam Việt Nam do người Mỹ nhúng tay vào trong việc lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, đạo Công giáo cũng gặp phải rất nhiều chống đối, bôi nhọ, hiểu lầm, thậm chí đàn áp, đốt phá, bách hại v.v… như hai giáo xứ Thanh Bồ Đức lợi ở Đà Nẵng bị đốt phá tháng 8/1964, linh mục Nguyễn Cao Lộc bị nhóm tranh đấu hành hung ở vùng Túy Vân, quận Phú Lộc nên đã khiến cho một số người cầm bút hoặc trí thức Công giáo cảm thấy cần thiết phải dấn thân tranh đấu cho sự công bằng và ổn định của xã hội. Trong hoàn cảnh đó, về phương diện chính trị, sự xuất hiện Lực lượng Công dân Công giáo của Linh mục Hoàng Quỳnh, Lực lượng Đại Đoàn Kết của Nguyễn Gia Hiến, Khối Công giáo di cư vùng Hố Nai, Gia Kiệm, Nhật báo Xây Dựng của Linh mục Nguyễn Quang Lãm đã được coi như những đối lực cần thiết giữa lúc cuộc chiến hai miền Nam Bắc vẫn còn trong thế nghiêng ngửa chưa phân định lẽ hơn thua. Từ trong môi trường chính trị đó mà có lẽ anh Nguyễn Cần đã phác cho mình một lối đi của một người có tinh thần hộ giáo chăng ? Nói chung các vị thánh tử đạo Công giáo ở khắp nơi trên hoàn vũ cũng như tại Việt Nam đều là những vị thánh mang tinh thần hộ giáo dưới hình thức này hay hình thức khác. Phẩm phục màu đỏ của các vị hồng y nói lên tinh thần sẵn sàng đổ máu ra vì đức tin phản ảnh tinh thần hộ giáo một cách rõ ràng nhất.

Cũng sau ngày chế độ Đệ I Cộng Hòa sụp đổ, để chạy tội cho chính quyền Mỹ, trường phái sử học chính thống Mỹ đã tỏ ra bất công khi trút tất cả mọi lỗi lầm, yếu kém, tham nhũng lên Tổng thống Ngô Đình Diệm và gia đình với hàng tấn tài liệu đầy ngụy tạo, thiên lệch, xảo trá nhằm biện minh cho việc nhúng tay vào máu của chính quyền Tổng thống Kennedy qua các chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu. Rất may sự thật lịch sử đã dần dần được tỏ lộ qua tinh thần tôn trọng công bằng lẽ phải của một số các sử gia Hoa Kỳ thuộc trường phái phi chính thống như Suzanne Labin, Ellen J. Hammer, Mark Moyar, Geoffrey Shaw,Tiến sĩ Ronald Frankum, Tiến sĩ Phạm Văn Lưu, Minh Võ, Lữ Giang, Tú Gàn, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Hữu Duệ, Nguyễn Văn Châu, Ngô Đình Quỳnh, Ngô Đình Lệ Quyên v.v…

Năm 2006, chúng tôi xuất bản quyển sách "Quảng Bình chín trăm năm nhìn lại, 1075-1975" và có tặng cho anh Nguyễn Cần một quyển cũng như những lần xuất bản các sách trước đây. Sau đó trên Sài Gòn Nhỏ anh đã viết một bài có tên "Con đường Nam Tiến của người Việt" như một ghi nhận mới về cuốn sách này, trong đó có đoạn :

Phải công nhận rằng đây là một tác phẩm nghiên cứu rất công phu, có thể giúp chúng ta hình dung được cha ông chúng ta đã hành xử như thế nào để đưa toàn bộ nước Chiêm và một phần nước Chân Lạp vào lãnh thổ Việt Nam. Dĩ nhiên, ngoài khía cạnh "Nam Tiến", tác giả cũng đã nghiên cứu nhiều vấn đề khác của Quảng Bình như dấu tích tiền sử và lịch sử, dấu tích Chămpa, những sơn kỳ thủy tú và địa danh v.v… Nhưng chúng tôi chú ý tới khía cạnh Nam Tiến như một khám phá đặc biệt.

Trong bộ The Study of History, sử gia nổi tiếng người Anh Arnold J. Toynbee đưa ra nhận định : "Những miền nằm trên miền biên giới đều có sinh lực mạnh mẽ" (1). Thời tiền sử, Quảng Bình là vùng "bản lề" của hai nền văn hóa Đông-Sơn và văn hóa Sa-Huỳnh, và thời hữu sử đó là đất biên cương tranh chiếm khá đẫm máu giữa hai dân tộc Chăm-pa và Đại-Việt trong nhiều thế kỷ. Quảng Bình là vùng đất nằm trên miền biên giới nên những người như Đường Thế Sự, Lữ Giang, Tú Gàn hay Nguyễn Cần vốn có sinh lực mạnh mẽ thể hiện qua cuộc đời 84 tuổi và nhiều tác phẩm về lịch sử quan trọng, pháp luật, văn hóa hơn 2000 bài khảo luận, phiếm luận được phổ biến trước đây trong nước và hải ngoại.

Khi chúng tôi viết bài này thì ngày mai 16/9/2019 thánh lễ an táng cho anh Thomas Nguyễn Cần sẽ được cử hành tại Giáo xứ Đức Mẹ La Vang 288 S. Harbor Blvd, Santa Ana, CA 92704 và sau đó sẽ hỏa thiêu. Theo di chúc, tro cốt của anh sẽ được chuyển về Quảng Bình và rải dọc theo bờ biển, nơi thuở nhỏ anh từng nhiều lần tắm biển nô đùa với muôn vàn ngọn sóng hòa trong dòng nước mát của sông Nhật Lệ chảy ngang qua giáo xứ cũ Tam Tòa mà cách đó khoảng hơn hai cây số tại Phường Nam Lý, Đồng Hới một thánh đường mới cũng mang tên Nhà thờ Tam Tòa đang hoành tráng vươn cao sẽ được khánh thành trong một dịp gần đây mà qua đó công lao vận động của Thomas Nguyễn Cần được coi là rất nhiều.

Philadelphia,15/9/2019

Nguyễn Đức Cung

(1) Arnold J Toynbee, The Study of History, tác phẩm tóm lược (hai tập) của D.C. Somervell, A laurel edition, Dell Publishing Co., Inc xuất bản, 1971. Nguyễn Thế Anh, Nhập môn Phương pháp Sử học, Sài Gòn 1974, trang 17

Quay lại trang chủ
Read 731 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)