Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/09/2019

Chế độ cộng sản Việt Nam không có đồng minh

Phạm Trần

Mỗi ngày qua đi là thêm một ngày nhà nước cộng sản Việt Nam mất chủ quyền và không có đồng minh ở Biển Đông. Bằng chứng này đang xảy ra từ khi Trung Quốc đem tàu khảo sát dầu khí Hải Dương 8 (HD-8), có các tàu Hải quân và Hải giám võ trang hộ tống vào tìm dầu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đe dọa dự án đào dầu chung giữa Việt Nam-Nga và Ấn Độ ở khu vực bãi Tư Chính, cách Vũng Tàu khoảng 370 cây số hướng đông nam.

hd1

Tàu khảo sát dầu khí Hải Dương 8 (HD-8), có các tàu Hải quân và Hải giám võ trang hộ tống vào tìm dầu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Chính quyền cộng sản Việt Nam đã nhiều lần phản đối Trung Quốc và đòi rút HD-8 và các tàu hộ tống, nhưng Trung Quốc không chỉ làm ngơ mà còn tự ý ra vào vùng biển của Việt Nam, có lần chỉ cách Bình Thuận 185 cây số, như vào sân nhà mình.

Lực lượng Cảnh sát biển và Hải quân Việt Nam đã hiện diện để một mặt theo dõi hoạt động của HD-8, mặt khác bảo vệ các giàn khoan dầu của mình. Tuy nhiên thông tin về các hoạt động của đôi bên không được loan báo nên không ai biết diễn biến ra sao.

Năm 2014, Trung Quốc đã đem giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (200 hải lý tính từ bờ biển) để tìm dầu. Vị trí này cách đảo Lý Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi, khoảng 120 Hải lý, hay lối 220 cây số, về hướng đông, và đứng nguyên ở đó từ ngày 01/05/2014 đến ngày rút lui 16/07/2014, vì vào thời điểm này Trung Quốc chưa tân tạo xong thành đảo bãi đá Chữ Thập.

Nên biết sau cuộc tấn công chiếm đóng và thảm sát 64 quân sĩ Việt Nam ở Gạc Ma (Johnson South Reef), Trường Sa, ngày 14/03/1988, Trung Quốc đã chiếm thêm các đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Ga Ven (Gaven Reef), Tư Nghĩa (Hughes Reef), Vành Khăn (Mischief Reef) và Xu Bi (Subi Reef).

Sau đó, Trung Quốc đã tân tạo các vị trí chiếm đóng thành đảo nhân tạo với sân bay, bến cảng, trại đóng quân, hệ thống phòng không, radar và một số đài khí tượng và hải đăng

Vì vậy lần này HD-8 tự ý rút khỏi Tư Chính lần thứ nhất ngày 07/08/2019 về nghỉ ngơi và nhận tiếp liệu ở Bãi Chữ Thập ở phía bắc rồi quay lại Tư Chính ngày 13/08/2019. Sau đó HD-8 lại lần mò vào sâu trong vùng biển Bình Thuận rồi lại trở về Tư Chính.

Các tàu võ trang hộ tống của Trung Quốc đi theo HD-8 cũng đã thay phiên nhau quay về Chữ Thập để lấy tiếp liệu rồi lại quay xuống Tư Chính mà không bị tàu Việt Nam ngăn cản. 

Khả năng Chữ Thập

Vị trí của Chữ Thập do đó đã biến thành điểm cầu nối chiến lược quan trọng giữa Tư Chính và căn cứ Hải quân và tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam ở phía bắc, trong khoảng cách ngót 2.000 cây số.

Vậy Trung Quốc đã biến đá Chữ Thập thành căn cứ quân sự như thế nào ?

Báo Thanh niên viết : 

"Tính đến tháng 5/2015, đảo nhân tạo đã có diện tích khoảng 280,3 ha với chiều dài khoảng 3.700 m (rộng nhất 1.100 m, hẹp nhất 60 m) và hồ nhân tạo ở phía đông bắc diện tích khoảng 52 ha với luồng dẫn vào dài khoảng 700 m, rộng 270 + 300 m. 

Đến nay, căn cứ Chữ Thập đã hoàn tất với cụm 7 nhà lớn ở khu vực trung tâm (cao 5-6 tầng) và 30 công trình nhà trung bình, nhỏ khác ; 1 đường băng sân bay dài hơn 3.000 m, rộng 50 m phục vụ các loại máy bay vận tải dân dụng, quân sự, du lịch loại nhỏ cất hạ cánh ; các đài chỉ huy không lưu, tháp ra đa không lưu và khoảng 30 nhà chứa máy bay dọc đường băng... 

Ngoài ra, căn cứ này còn có các công trình hiện đại như: tháp hải đăng, tháp điều độ cảng, tháp viễn thông (thu phát sóng 4G), tháp ra đa đối không - đối hải, hệ thống liên lạc vệ tinh, sân vận động trung tâm, trạm quan trắc hải dương, trạm lọc nước biển, bệnh viện tiêu chuẩn cấp 2. 

Đặc biệt, tại đá Chữ Thập, phía Trung Quốc xây dựng hệ thống công trình ngầm rất lớn và 9 cầu tàu đảm bảo đón nhận tàu trọng tải hàng vạn tấn... 

Do là căn cứ lớn nhất và quan trọng nhất ở Trường Sa nên phía Trung Quốc triển khai nhiều hệ thống, phương tiện bảo vệ. Các tàu thuyền nào vào gần đá Chữ Thập 12 hải lý đều bị xua đuổi, ngăn cản quyết liệt" (Thanh Niên, 13/06/2019).

Trong khi đó, theo Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở) thì : "Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa, có diện tích 2,74 km2 (tính đến tháng 7/2015) với tổng kinh phí hơn 73 tỉ nhân dân tệ (11,5 tỉ USD)"…

Wikipedia viết thêm : 

"...Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ của Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris, cho biết hiện các vỉa đá ngầm mà Trung Quốc chiếm giữ và xây dựng trái phép ở Biển Đông nhìn giống hệt các căn cứ cho máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu và hoạt động do thám".

Như vậy, rõ ràng Trung Quốc đã sử dụng Chữ Thập qua vụ Tư Chính như một "phép thử" cho khả năng quân sự để đe dọa an ninh Biển Dông và riêng Việt Nam ở phía cực nam của hình Lưỡi bò tự vẽ của Bắc Kinh nhằm dành chủ quyền 90% của diện tích trên 3 triệu cây số vuông ở Biển Đông.

Ngậm miệng ăn tiền ?

Vì vậy, khi tình hình Tư Chính, sau hơn 2 tháng HD-8 và các tàu quân sự của Trung Quốc ra vào biển đảo của Việt Nam như đi chợ mà không thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng hành động gì thì rất nhiều thức giả, trong và ngoài nước, đã bắt đầu hoài nghi về khả năng đối phó với Bắc Kinh của ông Trọng và của Đảng cộng sản Việt Nam.

Đã có nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cộng sản Việt Nam phải cương quyết bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá và phải dứt khoát một lần với Trung Quốc, thay vì "đại cục", theo ý muốn của Trung Quốc, mà để bị nắm tóc phục tùng.

Một số bài viết của những người nổi tiếng như các ông Hà Sĩ Phu, nguyên Đại sứ Nguyễn Trung, Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Tương Lai, Giáo sư Nguyễn Đình Cống v.v... đã kêu gọi lãnh đạo đảng và nhà nước hãy can đảm "vượt qua chính mình" và đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên quyền lợi của đảng và quyền lợi của cá nhân để thoát vòng nô lệ phương Bắc.

Trong số góp ý này, cũng đã có yêu cầu Việt Nam đưa vụ Tư Chính ra trước Liên Hợp Quốc, rồi sau đó, ra trước Tòa án Trọng tài Quốc tế, nếu cần, như Phi Luật Tân đã làm năm 2016. Nhưng xem ra, sau lưng hậu trường, các đào kép lãnh đạo, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, đã bị nhóm "tư tưởng bàn đèn" trong Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Tuyên giáo níu áo ghìm lại, sợ phản ứng bất lợi của Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Trung Quốc.

Vì vậy, lần đầu tiên, ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu Phó trưởng ban thường trực, Ban Tuyên giáo trung ương, cựu Ủy viên trung ương đảng đã viết bài tâm huyết nói thẳng với lãnh đạo đảng và nhà nước về vụ Tư Chính.

Ông viết : 

"Âm mưu của Trung Quốc về việc cưỡng chiếm Biển Đông của Việt Nam đã có từ lâu. Âm mưu đó có nguồn gốc từ bản chất Đại Hán của đế chế Phương Bắc này. 

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, đến nay cảm thấy đủ điều kiện nên họ đang quyết tâm thực hiện một bước nhảy vọt đáng kể để thực hiện âm mưu này. 

Việc tàu Trung Quốc vào ra vùng biển chủ quyền của Việt Nam vài tháng nay không phải là một cuộc "dạo chơi" mà là một bước leo thang ngoạn mục. 

Thế mà phía Việt Nam ta cũng có ý kiến cho rằng "nó vào rồi nó ra chứ đã làm được gì đâu". Nghĩ vậy thật đơn giản và thơ ngây quá ! Nó vào rồi nó ra, nó ra rồi nó lại vào. Nó muốn vào thì vào, muốn ra thì ra, vào nhà người ta mà cứ nhà của nó. 

Một đất nước có chủ quyền mà sao có thể chịu vậy. Kiểu này thì có ngày nó bảo "hai nhà là một", nhập chung thôi, rồi lấy tiếng Trung làm tiếng phổ thông vì đại đa số dân chúng đang nói thứ tiếng này. Thế là nó hoàn thành âm mưu thôn tính và đồng hóa, đạt mục đích mà hơn 4000 năm nay họ chưa làm được. Thật nhẹ nhàng, ít tốn công tốn sức.

Biển của Việt Nam mà họ bảo của họ, yêu cầu cùng khai thác. Theo luận điệu đó thì Việt Nam mất biển. Mà mất Biển Đông là mất nước. Phần còn lại nhỏ hẹp, không gian sinh tồn của dân tộc mất đi hơn một nửa, lục địa bị bao vây tứ bề, phần tài nguyên khoáng sản lớn và quý giá nhất bị cướp hết, không còn cửa để ra đại dương - cái mà rất nhiều quốc gia đều cần đến để thành cường quốc, hàng không cũng mất tự do, con cháu muôn đời sẽ bị o ép và lệ thuộc họ đủ điều, mất lần này là mất hẳn, mãi mãi không bao giờ đòi lại được, niềm tự hào về lịch sử bất khuất của một dân tộc văn hiến cũng sẽ mờ nhạt và bị tan biến, đất nước anh hùng chỉ còn lại một cái xác như một mảnh nhỏ vô hồn, một dân tộc sẽ mãi tụt hậu, tủi nhục và đau đớn".

Do đó, ông Hoàng nhấn mạnh : 

"Vào lúc này công việc lớn lao nhất, quan trọng nhất, hơn bất cứ thứ gì, là bảo vệ Đất nước, trước mắt là Biển Đông. Tổ Quốc trên hết! Có thể đình hoãn nhiều việc khác, kể cả việc quan trọng, để tập trung suy tính kỹ cả chiến lược, sách lược và giải pháp cụ thể (đừng chủ quan nói đã tính kỹ hết rồi). Đây mới chính là "đại cục" chứ còn cái đại cục gì nữa? Đây là nội dung quan trọng nhất và là cốt lõi, chính yếu của Đại hội lần nầy, chứ không thể nội dung nào hơn được. 

Đây là phương hướng và quan điểm để chọn nhân sự chứ không có bất cứ tiêu chí gì quan trọng hơn vào lúc vận mệnh đất nước như thế này. Theo đó, tiêu chí đầu tiên để chọn cán bộ lãnh đạo các cấp các ngành là thái độ rõ ràng, mạnh mẽ và tư duy mạch lạc trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông".

Phản ứng trong nước về phát biểu của ông Hoàng có nhiều, nhưng đáng chú ý nhất là những câu chữ của Giáo sư Chu Hảo, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhà bất đồng chính kiến ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam.

Ông Hảo viết : 

"Chắc chắn đã có "một bộ phận không nhỏ" trong giới cầm quyền cản trở việc tháo gỡ các nút thắt này, nên lãnh đạo Việt Nam mới lúng túng và chần chừ đến như vậy. Có một Trần Ích Tắc dân tộc đã khổ, nếu có một bầy Trần Ích Tắc thì nhân dân ta khó lòng giữ được truyền thống quật cường, không khuất phục của Dân tộc ta đã được hun đúc từ khi dựng Nước. Họa mất Nước đang đe dọa dân ta ! Phải vạch mặt bọn Trần Ích Tắc này, đừng sợ !

...Nếu Dự án Đường cao tốc Băc Nam lại chủ yếu rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc thì liệu chừng ta không chỉ mất Biển mà còn mất nốt cả Đất. Đường về nô lệ đang hiển hiện, phải cùng nhau góp sức làm cho toàn dân thấy rõ nguy cơ này, đừng sợ !".

Quá khứ ông Trọng

Riêng ông Nguyễn Phú Trọng thì bài học Hải Dương 981 đã để lại bản lĩnh ù lì của ông, khi ông tự khoe với cử tri Hà Nội ngày 08/12/2015.

Ông nói : 

"Trên Biển Đông, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế dẫn đến hàng hoạt vấn đề bất ổn.

Tuy nhiên, về đại thể, Việt Nam vẫn giữ được ổn định, an sinh xã hội thậm chí được cải thiện ; đường sá xây mới, nhiều trung tâm lớn, nhiều cao ốc mọc lên... Năm 2015, GDP ước đạt 6, 5%, vượt mức đề ra.

Các bác thấy vấn đề Biển Đông chúng ta giải quyết như thế có đúng không ? Chuyện Biển Đông, càng ngày càng thấy tính đúng đắn của hướng giải quyết, vẫn đảm bảo được môi trường ổn định, hoà bình để phát triển. 

Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không ?" (Đại hội đảng XII năm 2016).

Ông khoe tiếp : 

"Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật... vừa qua như thế hợp lý không ? Để đảm bảo độc lập tự chủ, chơi với mọi nước nhưng không phụ thuộc vào ai mà các nước ta quan hệ, hợp tác đều phải nể trọng như vậy".

Nhưng tình hình HD-981 năm 2014 khác với HD-8 năm 2019. Ông Trọng chắc phải biết như thế, nhưng ông lại sợ có đồng minh để đương đầu với cáo già Tập Cận Bình.

Từ khi lên cầm quyền năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng đã chứng minh là người trung thành với Bắc Kinh để Đảng cộng sản Việt Nam được tồn tại bằng mọi giá. Ông Trọng sẽ không thay đổi vì ông không có can đảm "vượt qua chính mình" để ngẩng mặt nhìn vào tương lai. 

Do đó, ông rất khó để có đồng minh và sẽ mãi mãi là người cô đơn trong tư duy của một nhà độc tài.

Phạm Trần

(19/09/2019)

Quay lại trang chủ
Read 759 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)