Tác giả một cuốn sách phê phán nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng ông không tin ông Trọng tới đây "sẽ đi thăm Hoa Kỳ".
Nhà báo Phạm Thành
Được hỏi vì sao cuốn sách "Nguyễn Phú Trọng : Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo" nhà báo Phạm Thành, chủ blog Bà Đầm Xòe, vừa tự xuất bản lại chỉ nói về ông Nguyễn Phú Trọng, tác giả nói với BBC đây là chủ ý của ông từ rất lâu.
Là một nhà báo từng làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà văn Phạm Thành nói ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, cũng như những quan chức chính trị.
Ông chọn ông Nguyễn Phú Trọng để ra sách bởi ông Trọng có quá trình lãnh đạo đất nước rất lâu, từ Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội rồi Tống bí thư kiêm Chủ tịch nước.
Nhà báo Phạm Thành tin rằng ông Trọng, ngoài lý luận về chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa Mác - Lê Nin, là người có quan điểm muốn "bảo vệ Đảng, muốn đất nước độc tài, muốn thân Trung Quốc, muốn kiến thiết đất nước theo đường lối Trung Quốc".
"Ngay từ năm 2007, khi ông Trọng với tư cách Chủ tịch Quốc Hội sang Trung Quốc và trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông khẳng định rằng, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ, trong khi trước đó, máu ngư dân Việt Nam đã đổ trên Biển Đông.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân đón lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc thăm Việt Nam tháng 11/2015
Từ lúc ấy, tôi đã đặt câu hỏi về con người này. Ông ta sẽ thực hiện các chính sách đối nội, đối ngoại như thế nào, và ông ta sẽ gắn với Trung Quốc như thế nào ?
"Trong thời chấp chính, ông Trọng ký tới 27 văn bản ghi nhớ hợp tác với Trung Quốc, cả về an ninh, quốc phòng, giáo dục, truyền thông và đặc biệt là đào tạo cán bộ," ông Phạm Thành nói.
Nỗi sợ vô hình
Khi được hỏi về việc ông có sợ hay không, nhà văn Phạm Thành nói đó chỉ là nỗi sợ vô hình và cho rằng, điều 25 Hiến pháp Việt Nam cho phép quyền biểu đạt tư tưởng.
"Mà quyền biểu đạt tư tưởng là gì nếu không phải là quyền được tự do nói, mình viết ra cái gì thì mình được quyền in. Trên thực tế, 10 năm nay, rất nhiều người đã thực hiện quyền đó rồi. Người ta có tác phẩm, người ta tự in ra, rồi tặng hay phát cho bạn bè.
"Không chỉ tôi mà cả Nguyễn Đình Chính, Phạm Viết Đào... người ta cứ ra hiệu photocopy người ta in thôi và chả ai làm sao cả. Hiến pháp đã quy định như vậy, nếu mình có tác phẩm, mình in mỗi lần dưới 50 cuốn, rồi tặng hay phát cho bạn bè.
Bạn bè nhận sách tặng lại tiền cho mình thì đó là quyền của bạn bè. Mình không bị làm sao cả. Năm ngoái tôi in và gửi tới 500 cuốn, gửi qua bưu điện, địa chỉ, số tài khoản tôi ghi thẳng trên bì thư mà có sao đâu.''
''Lần này, tuy tôi không thể in gần nhà vì các tiệm ở Hà Nội không dám in nhưng tôi tìm nơi xa để in, rồi mang sách về nhà mà không ai làm gì tôi. Còn những người cứ nói sợ và không in sách thì theo tôi đó là nỗi sợ vô hình. Theo tôi, ở Việt Nam đang có tự do này, vấn đề là người ta có gì để in không, có dám vượt qua nỗi sợ hay không"- chủ nhân blog Bà Đầm Xòe nói.
Còn cụ thể những gì mà nhà chức trách ở Việt Nam đối xử với ông sau khi hai cuốn sách trước "Cô hồn xã nghĩa" và "hậu Chí Phèo" xuất bản, ông Phạm Thành nói không có gì, mà "chỉ thấy bạn bè khắp nơi chúc mừng.
"Nói thật, sau khi nhận sách, ai trong bạn bè ủng hộ bao nhiêu tiền, tôi đăng ngay lên Facebook mà cũng chẳng thấy có việc gì."
Nội dung chính cuốn sách "ngoài luồng" này tập trung vào thái độ và hành động của ông Nguyễn Phú Trọng trước Trung Quốc.
"Có rất nhiều người nói rằng, ông Trọng có thể xoay trục sang Mỹ, nhưng tôi không tin, bởi có trục đâu mà xoay. Con người ta một khi đã trưởng thành, họ sẽ sống và hành xử theo tư tưởng của mình, mà ông Trọng thì có tí nào dân chủ, có tí đổi mới, có tí thích phương Tây nào đâu.
Ông ấy là một 'đại cục,' đại cục của Trung Quốc. Tôi nói một câu mà có thể sẽ chạm tới tự ái của nhiều người, nhưng những người nói ông Trọng có thể thoát Trung, có thể xoay trục, là chưa trưởng thành về trí tuệ."
'Tôi không tin ông Trọng sẽ đến Mỹ lần thứ hai'
Nhà báo Phạm Thành cũng cho rằng, khả năng ông Trọng đi Mỹ cũng là rất thấp.
"Tôi không tin vào điều này, ngay từ khi Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo về việc ông Donald Trump mời ông Trọng sang thăm Hoa Kỳ trong năm 2019. Ngay khi đó, tôi đã đặt câu hỏi rằng, liệu ông Trọng có lần thứ hai đặt chân lên đất Mỹ. Và tôi khẳng định luôn rằng, khó có khả năng đó, bởi ba lý do.
Thứ nhất, ông Trọng có dám vượt qua chính mình không, tức là có dám vứt bỏ tư tưởng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-xít để kiến tạo đất nước không ;
Thứ hai là ông ta có dám không hỏi ý Trung Quốc để đi hay không.
Thứ ba là ông Trọng nếu muốn được Mỹ mời thì phải có ký kết cụ thể nào đó với Mỹ. Nhưng tôi không tin rằng người Mỹ dưới thời ông Donald Trump có thể mời ông Trọng làm việc đó.
Ông Phạm Thành phủ nhận ý kiến cho rằng, cuốn sách của ông viết về ông Trọng ra đời ngay giữa khi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành thảo luận nhân sự, chuẩn bị cho Đại hội Đảng 13 là nhằm phục vụ mục tiêu ''đấu tranh phe nhóm".
Chủ nhân blog Bà đầm xòe nhấn mạnh thực tế là cuốn sách này đáng lẽ xuất bản ngay từ tháng 6, cùng thời điểm với cuốn sách "Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế".
Nếu thăm Hoa Kỳ thì để đạt mục tiêu gì ?
Trong tháng 9 này, các tin tức từ Việt Nam và nước ngoài đặt ra khả năng Tổng bí thư Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ.
Trong khi ý kiến của nhà báo Phạm Thành phản ánh một phần dư luận ở Việt Nam hết niềm tin vào khả năng "thoát Trung", bỏ mô hình thể chế cũ kỹ để đi theo các giá trị chung trên thế giới, những nhà quan sát nước ngoài vẫn tin rằng lãnh đạo Việt Nam đang có đà để nghiêng hơn về phía Hoa Kỳ và các nước Phương Tây cùng Nhật Bản.
Giáo sư Carl Thayer từ Úc gần đây nêu ba khả năng về tiến triển quan hệ Mỹ - Việt nếu Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sang thăm và hội đàm gặp Tổng thống Trump ở Washington D.C. trong năm nay.
Theo ông, đầu tiên là hai nhà lãnh đạo đồng ý mở rộng (enlarge) quan hệ đối tác toàn diện ký từ 2013.
Hai là họ sẽ công bố đàm phán để nâng quan hệ song phương lên mức quan hệ đối tác chiến lược.
Ba là Mỹ - Việt sẽ đồng ý ký một tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược.
Bất cứ một trong ba khả năng đó đều sẽ là dấu hiệu Việt Nam tiến tới chỗ cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ để phản ứng lại hành đồng đe dọa và bắt nạt của Trung Quốc (Chinese intimidation and bullying) ở Biển Đông trong những tháng qua, theo ông Thayer.
Hồi đầu 2017, ông Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm sang Trung Quốc.
Bản tin của Tân Hoa Xã khi đó đăng tin nói hai nước Trung - Việt tin rằng chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "đạt thành công to lớn trong việc nâng cao sự tin cậy chính trị giữa hai bên, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, củng cố quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện, và đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực".
Bà Đầm Xòe
Nguồn : BBC tiếng Việt, 18/09/2019