Vì sao chính quyền Việt Nam ‘kỷ niệm’ cụ Bùi Bằng Đoàn lúc này ?
Phạm Chí Dũng, VOA, 19/09/2019
Vào tháng 9 năm 2019 nhưng không trùng với một sự kiện chính trị hay ngày lễ quan trọng nào ở Việt Nam, việc chính quyền ‘bỗng dưng’ tổ chức trọng thể và rầm rộ lễ kỷ niệm về một nhân sĩ, mà tên của ông đã bị chính quyền này quên lãng từ rất nhiều năm trước, đã nêu ra một dấu hỏi lớn trong công luận về tính mục đích của hành động kỷ niệm này.
Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh và Bùi Bằng Đoàn (phải), giai đoạn thập niên 1940. Ảnh minh họa
Trọng thể và khoa trương
Nhân sĩ đó là cụ Bùi Bằng Đoàn, từng là một quan triều Nguyễn học rộng tài cao, nổi tiếng đức độ, thanh liêm, chính trực, lo cho dân. Sau Cách mạng tháng 8/1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia giúp nước, làm cố vấn cho Chính phủ.
Trong chính quyền mới, cụ Bùi Bằng Đoàn từng giữ các chức vụ : Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ, Cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhân dịp lễ kỷ niệm cụ Bùi Bằng Đoàn, báo chí nhà nước trích dẫn một trong những lá thư do ông Hồ Chí Minh viết gửi cụ :
"Thưa Ngài,
Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe.
Kính thư".
Rất đáng chú ý, lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh "cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/09/1889 – 19/09/2019)" được tổ chức trang trọng vào ngày 16/9/2019 - bởi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức, có sự tham dự của một phần ba ‘tam trụ’ là Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội, và một cựu tổng bí thư đảng - người được dân gian đặt cho biệt danh là ‘Mạnh mượt’.
Chưa kể sự tham dự của 1.000 đại biểu gồm các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể của trung ương và thành phố Hà Nội…
Lễ kỷ niệm trên còn được tường thuật trực tiếp trên sóng VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Nghi thức tổ chức trang trọng trên thường chỉ dành cho những quan chức cao cấp và những trí thức lớn (đã mất) của chế độ cầm quyền.
Theo VOV, "Lễ kỷ niệm là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ, tri ân và tôn vinh một lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước. Việc tổ chức lễ kỷ niệm gắn với tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao, đóng góp to lớn của cụ Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với Quốc hội Việt Nam…
Làm quan trong Triều đình nhà Nguyễn dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, cụ Bùi Bằng Đoàn vẫn luôn thể hiện tinh thần yêu nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ sự công bằng, bảo vệ các phong trào yêu nước.
Trong 12 năm làm việc dưới triều vua Bảo Đại, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có công lớn trong việc sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời, biên soạn và ban hành một số luật mới, cải tiến tổ chức các tòa án, đào tạo các thẩm phán và đội ngũ nhân viên tư pháp. Đây chính là nền tảng vững vàng để cụ phát huy khi được giao trọng trách là Trưởng ban Thường trực Quốc hội của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau này"
Vì sao kỷ niệm ?
Trong khi đó, một số trí thức độc lập lại có cách đánh giá khác hẳn. Theo họ, cụ Bùi Bằng Đoàn không phải là một nhân tố ‘có công với cách mạng’ một cách đặc biệt. Quá trình cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia vào hoạt động điều hành của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là khá ngắn ngủi. Từ rất nhiều năm qua, báo chí nhà nước rất ít khi nhắc tới tên cụ Bùi Bằng Đoàn…
Sự kiện lễ kỷ niệm trên không nhận được nhiều chú ý và phân tích của mạng xã hội. Trong khi những người thân chính quyền cho rằng đó thuần túy là hành động ‘uống nước nhớ nguồn’ của đảng, thì nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự và nhân quyền tỏ ra thờ ơ, chỉ xem đó là một trong số nhiều hoạt động mang tính tuyên truyền chính trị phục vụ cho lợi ích của đảng cầm quyền.
Vậy tại sao chính quyền Việt Nam lại tổ chức trang trọng và có vẻ mang tính khoa trương về lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của cụ Bùi Bằng Đoàn ?
Có ý kiến cho rằng lễ kỷ niệm trên nhằm phát đi thông điệp đảng cầm quyền hiện thời muốn trở về thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, huy động các nguồn lực nhân tài để bảo vệ và xây dựng đất nước mà không phân biệt đảng phái.
Tuy nhiên, lời giải thích trên lại quá mâu thuẫn với thực tế : cho tới nay chính thể độc tài ở Việt Nam vẫn chưa có được bất kỳ một biểu hiện, thậm chí là chưa có nổi một dấu hiệu khả tín nào về việc sẽ ‘tổ chức đối thoại với các cá nhân bất đồng chính kiến trong nước’.
Chính quyền Việt Nam cũng chưa có bất kỳ động thái nào được xem là đủ thành tâm trong việc đối thoại với giới bất đồng chính kiến và tầng lớp quan chức của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Vào năm 2017, ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học’ do đảng cầm quyền ở Việt Nam, thông qua Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã thất bại cay đắng đến hai lần vì chẳng có nhà văn hải ngoại có tên tuổi nào chịu về Việt Nam tham dự.
Có liên quan nhà báo Bùi Tín ?
Trong khi câu hỏi về lễ kỷ niệm cụ Bùi Bằng Đoàn vẫn đọng lại như một dấu hỏi rất lớn, có một chi tiết đặc biệt mà hệ thống tuyên giáo và báo đài quốc doanh đã không một lần nhắc tới : cụ Bùi Bằng Đoàn là thân phụ của nhà báo, cựu đại tá quân đội cộng sản Việt Nam Bùi Tín. Từ nhiều năm trước, ông Bùi Tín đã thoát ly khỏi chế độ cộng sản, tị nạn ở Pháp và trở thành một người bất đồng chính kiến nổi bật trong cộng đồng người Việt hải ngoại, thường xuyên viết bài cho đài VOA Việt ngữ và tham gia các hoạt động cổ súy dân chủ nhân quyền cho Việt Nam và loại trừ chế độ độc tài cộng sản ở đất nước này. Tháng 8 năm 2018, ông mất tại Pháp.
Về thực chất, Bùi Tín bị chính quyền Việt nam xem là kẻ thù của chế độ.
Phải chăng có một mối liên hệ nào đó giữa lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn với người con Bùi Tín ? Và liên quan đến chuyến đi Mỹ của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng - có khả năng sẽ diễn ra vào những tháng cuối năm 2019, trong đó vừa ẩn vừa lộ mục đích vận động và thuyết phục nguồn lực chất xám và tiền bạc từ gần 5 triệu ‘khúc ruột ngàn dặm’ sống ở nước ngoài ?
Hay đảng muốn nhắn nhủ tới những người có xuất thân như ông Bùi Tín rằng ‘quay đầu là bờ’ ?
Trong khi những giả thiết trên vẫn thuần túy là giả thiết và vẫn có thể chẳng ăn nhập gì với thực tế, lại có một thực tế là rất nhiều người, trong đó không ít là giới bất đồng chính kiến trong và ngoài Việt Nam, vẫn chẳng hiểu về mục đích thực chất của lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn là gì.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 19/09/2019
***********************
Chính quyền nhắc đến cụ Bùi Bằng Đoàn vào lúc này để làm gì ?
Diễm Thi, RFA, 19/09/2019
Hôm 16/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889 – 19/9/2019).
Cụ Bùi Bằng Đoàn. File photo
Kỷ niệm suông hay khơi gợi lòng yêu nước ?
Cụ Bùi Bằng Đoàn từng là một quan triều Nguyễn học rộng tài cao, nổi tiếng đức độ, thanh liêm, chính trực, lo cho dân. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia giúp nước, làm cố vấn cho Chính phủ.
Trong chính quyền mới, cụ Bùi Bằng Đoàn từng giữ các chức vụ : Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ, Cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Báo chí trong nước trích dẫn một trong những lá thư do ông Hồ Chí Minh viết gửi cụ Bùi Bằng Đoàn.
"Thưa Ngài,
Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe.
Kính thư".
Việc Chính phủ chọn năm nay tổ chức kỷ niệm 130 năm ngày sinh một nhân sĩ trí thức như vậy, trong bối cảnh Việt Nam đang đối diện với nhiều vấn đề, từ lũng đoạn nội bộ nhân sự đến việc bị xâm lấn lãnh hải do tàu Trung Quốc quấy nhiễu tại Bãi Tư Chính khiến nhiều người đặt câu hỏi, có phải Chính quyền Việt Nam muốn kêu gọi sự đóng góp xây dựng đất nước của các nhân sĩ trí thức ngày nay ?
Giáo sư Nguyễn Đình Cống khẳng định khi trả lời RFA về vấn đề này rằng cộng sản vẫn thích những chuyện như mít tinh, tuyên truyền, kỷ niệm… và đây chỉ là một kiểu tuyên truyền :
"Đây không phải là dấu hiệu chứng tỏ rằng họ đang muốn kêu gọi trí thức đâu, bởi muốn kêu gọi trí thức phải bằng những chuyện khác kia. Thỉnh thoảng người ta vẫn tổ chức những dịp kỷ niệm như thế để chứng tỏ rằng người ta cũng tôn trọng, cũng có làm việc này việc kia chứ tôi không nghĩ đây là một dấu hiệu để họ muốn tranh thủ trí thức đâu. Đây là một cái kiểu tuyên truyền của họ. Thế thôi !"
Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai - nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương nhận định, việc tổ chức kỷ niệm là chính quyền muốn quay về quá khứ để họ ru ngủ mọi người rằng lãnh đạo Chính phủ đã từng có việc kết nối được với giới thượng lưu, trí thức.
"Họ tưởng họ đưa những vấn đề như thế thì xã hội thấy là họ cũng đang có chủ trương tìm đến trí thức, đến những người yêu nước không phải cộng sản. Đấy chỉ là dân túy, là mị dân thôi. Vấn đề hiện nay là họ có dám đối thoại với các trí thức trong và ngoài nước đang đau đáu về vấn đề sửa đổi cái chế độ này để nó bớt tham nhũng, bớt độc tài, bớt tàn ác với dân, hay không ?"
Ông nói thêm rằng, ngay cả những nhân vật trong triều đình hoặc những nhân vật trí thức cao cấp một thời mà họ thuyết phục được thì sau này họ cũng loại trừ, cũng gạt bỏ mà thôi.
Điều này cũng được nhà báo Ngô Nhật Đăng viết trên facebook cá nhân của ông hôm 17/9/2019 rằng, sau đại hội tháng 2/1951 của đảng cộng sản, ông Hồ Chí Minh thông báo đổi tên thành đảng Lao động và phát động phong trào "Chỉnh huấn" gồm : chỉnh quân, chỉnh phong và chỉnh đảng. Mở màn cuộc đấu tố "chỉnh huấn trí thức", phát súng đầu tiên là nhằm vào cụ Bùi Bằng Đoàn.
Ông Ngô Nhật Đăng trích dẫn lời ông Hồ Chí Minh nói với cụ Bùi Bằng Đoàn tại Hội nghị :
"Thời trước cụ làm thầy giáo thì không có gì là tham ô, lãng phí của nhân dân, vì dạy bao nhiêu giờ lĩnh bấy nhiêu tiền.
Nay xét lại :
Lúc đó dạy thì dạy gì, đào tạo người thì đào tạo cho ai ? Vì "tôn sư trọng đạo", cụ ở địa vị ông thầy, nên được lớp trí thức trọng cụ, dân cũng trọng cụ. Nhưng ông thầy lúc ấy nói gì ? Nói chống Tây thì nó đá đít. Dù muốn hay không, cũng phải nói đế quốc, phong kiến là tốt. Như thế là có thể có tội với nhân dân rồi. Tôi nghe ở đây có đến 4 đời là học trò cụ, như thế là tứ đại nô lệ".
Lãnh đạo có nghe góp ý của giới trí thức ?
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh : "Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc" ; "Bất luận trong hoàn cảnh nào, cụ cũng đứng về phía nhân dân, hết lòng bảo vệ người dân".
Vậy với giới trí thức hiện nay luôn đứng về phía nhân dân thì có được chính quyền trọng dụng hay không, Giáo sư Nguyễn Đình Cống bày tỏ :
"Nhân sĩ trí thức họ không được trọng dụng vì họ không xu nịnh, họ không ca ngợi đảng, họ không chịu lụy đảng. Họ đứng về phía nhân dân, thẳng thắn vạch ra những sai lầm của đảng. Thế thì đảng không dùng họ đâu !"
Theo vị giáo sư này, trí thức ở trong nước cũng có nhiều người giỏi nhưng chính quyền cho rằng đấy là thế lực thù địch, bởi những người ấy không chịu "khom lưng quỳ gối" để phục vụ, để ca ngợi đảng cộng sản. Họ muốn loại bỏ những chủ thuyết của cộng sản, thì sao cộng sản dùng họ được ?
Ông dẫn chứng trường hợp Luật sư Nguyễn Mạnh Tường - một nhà trí thức rất lớn - nhưng vì nói thẳng, góp ý thẳng và phê bình những sai lầm của đảng nên đảng tìm cách diệt ông ngay.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường - File photo
Ông Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909 tại phố Hàng Đào, Hà Nội. Khi mới 22 tuổi ông trở thành người Việt đầu tiên đỗ hai bằng tiến sĩ tại Pháp.
Sau năm 1954, ông từng giữ những chức vụ quan trọng như Giám đốc Đại học Luật, Phó Giám đốc Đại học Sư Phạm, Chủ tịch Hội đồng Luật sư Hà Nội. Ông được phong Giáo sư, và tham gia giảng dạy tại các Trường đại học Văn khoa, Sư phạm, Tổng hợp Hà Nội...
Ngày 30/10/1956, tại một cuộc họp của Mặt Trận Tổ Quốc ở Hà Nội, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã đọc một bài diễn văn phân tích những sai lầm của Đảng và Nhà nước trong vụ "Cải Cách Ruộng Đất" và đề ra hướng để nhà nước tránh mắc lại sai phạm. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông bị sa thải khỏi đại học và không được hành nghề luật sư. Ông và gia đình bị cô lập với xã hội chung quanh, không được làm bất cứ nghề gì để kiếm tiền.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhận xét rằng cho đến bây giờ, đảng cộng sản Việt Nam vẫn "điếc" không muốn nghe bất cứ góp ý nào để thay đổi chế độ, vì chế độ này cho họ cái quyền "cướp bóc" của dân, nhất là với chính sách đất đai sai lầm. Ông nói thêm :
"Hiện nay họ đang có cái chủ thuyết sai lầm và họ muốn kiên trì với nó. Cái chủ thuyết đó lâu nay đã cho họ cướp bóc dân. Nếu họ vẫn khư khư giữ cái chế độ có khả năng cướp bóc nhân dân như thế, thì làm sao họ có thể có tình cảm và ý chí để đối thoại tử tế với những con người vì dân vì nước thật sự được !"
Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là hiện nay chính quyền có dám trao đổi và tranh luận với giới trí thức - những người có tài có đức và có tầm nhìn hết sức sáng suốt mà lại không có tư lợi gì - hay không ?. Đó và vấn đề.
Cùng với những trăn trở của giới trí thức trước vận mệnh đất nước hiện nay, Giáo sư Nguyễn Đình Cống thẳng thắn đề nghị ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban tuyên giáo trung ương rằng : "Đối thoại với chúng tôi, chúng tôi sẽ góp ý kiến thẳng thắn cho đảng, chỉ ra những sai lầm của đảng. Ông có chịu nghe không ?"
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 19/09/2019