Vì sao chính quyền Việt Nam ‘kỷ niệm’ cụ Bùi Bằng Đoàn lúc này ?
Phạm Chí Dũng, VOA, 19/09/2019
Vào tháng 9 năm 2019 nhưng không trùng với một sự kiện chính trị hay ngày lễ quan trọng nào ở Việt Nam, việc chính quyền ‘bỗng dưng’ tổ chức trọng thể và rầm rộ lễ kỷ niệm về một nhân sĩ, mà tên của ông đã bị chính quyền này quên lãng từ rất nhiều năm trước, đã nêu ra một dấu hỏi lớn trong công luận về tính mục đích của hành động kỷ niệm này.
Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh và Bùi Bằng Đoàn (phải), giai đoạn thập niên 1940. Ảnh minh họa
Trọng thể và khoa trương
Nhân sĩ đó là cụ Bùi Bằng Đoàn, từng là một quan triều Nguyễn học rộng tài cao, nổi tiếng đức độ, thanh liêm, chính trực, lo cho dân. Sau Cách mạng tháng 8/1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia giúp nước, làm cố vấn cho Chính phủ.
Trong chính quyền mới, cụ Bùi Bằng Đoàn từng giữ các chức vụ : Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ, Cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhân dịp lễ kỷ niệm cụ Bùi Bằng Đoàn, báo chí nhà nước trích dẫn một trong những lá thư do ông Hồ Chí Minh viết gửi cụ :
"Thưa Ngài,
Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe.
Kính thư".
Rất đáng chú ý, lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh "cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/09/1889 – 19/09/2019)" được tổ chức trang trọng vào ngày 16/9/2019 - bởi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức, có sự tham dự của một phần ba ‘tam trụ’ là Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội, và một cựu tổng bí thư đảng - người được dân gian đặt cho biệt danh là ‘Mạnh mượt’.
Chưa kể sự tham dự của 1.000 đại biểu gồm các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể của trung ương và thành phố Hà Nội…
Lễ kỷ niệm trên còn được tường thuật trực tiếp trên sóng VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Nghi thức tổ chức trang trọng trên thường chỉ dành cho những quan chức cao cấp và những trí thức lớn (đã mất) của chế độ cầm quyền.
Theo VOV, "Lễ kỷ niệm là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ, tri ân và tôn vinh một lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước. Việc tổ chức lễ kỷ niệm gắn với tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao, đóng góp to lớn của cụ Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với Quốc hội Việt Nam…
Làm quan trong Triều đình nhà Nguyễn dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, cụ Bùi Bằng Đoàn vẫn luôn thể hiện tinh thần yêu nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ sự công bằng, bảo vệ các phong trào yêu nước.
Trong 12 năm làm việc dưới triều vua Bảo Đại, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có công lớn trong việc sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời, biên soạn và ban hành một số luật mới, cải tiến tổ chức các tòa án, đào tạo các thẩm phán và đội ngũ nhân viên tư pháp. Đây chính là nền tảng vững vàng để cụ phát huy khi được giao trọng trách là Trưởng ban Thường trực Quốc hội của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau này"
Vì sao kỷ niệm ?
Trong khi đó, một số trí thức độc lập lại có cách đánh giá khác hẳn. Theo họ, cụ Bùi Bằng Đoàn không phải là một nhân tố ‘có công với cách mạng’ một cách đặc biệt. Quá trình cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia vào hoạt động điều hành của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là khá ngắn ngủi. Từ rất nhiều năm qua, báo chí nhà nước rất ít khi nhắc tới tên cụ Bùi Bằng Đoàn…
Sự kiện lễ kỷ niệm trên không nhận được nhiều chú ý và phân tích của mạng xã hội. Trong khi những người thân chính quyền cho rằng đó thuần túy là hành động ‘uống nước nhớ nguồn’ của đảng, thì nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự và nhân quyền tỏ ra thờ ơ, chỉ xem đó là một trong số nhiều hoạt động mang tính tuyên truyền chính trị phục vụ cho lợi ích của đảng cầm quyền.
Vậy tại sao chính quyền Việt Nam lại tổ chức trang trọng và có vẻ mang tính khoa trương về lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của cụ Bùi Bằng Đoàn ?
Có ý kiến cho rằng lễ kỷ niệm trên nhằm phát đi thông điệp đảng cầm quyền hiện thời muốn trở về thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, huy động các nguồn lực nhân tài để bảo vệ và xây dựng đất nước mà không phân biệt đảng phái.
Tuy nhiên, lời giải thích trên lại quá mâu thuẫn với thực tế : cho tới nay chính thể độc tài ở Việt Nam vẫn chưa có được bất kỳ một biểu hiện, thậm chí là chưa có nổi một dấu hiệu khả tín nào về việc sẽ ‘tổ chức đối thoại với các cá nhân bất đồng chính kiến trong nước’.
Chính quyền Việt Nam cũng chưa có bất kỳ động thái nào được xem là đủ thành tâm trong việc đối thoại với giới bất đồng chính kiến và tầng lớp quan chức của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Vào năm 2017, ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học’ do đảng cầm quyền ở Việt Nam, thông qua Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã thất bại cay đắng đến hai lần vì chẳng có nhà văn hải ngoại có tên tuổi nào chịu về Việt Nam tham dự.
Có liên quan nhà báo Bùi Tín ?
Trong khi câu hỏi về lễ kỷ niệm cụ Bùi Bằng Đoàn vẫn đọng lại như một dấu hỏi rất lớn, có một chi tiết đặc biệt mà hệ thống tuyên giáo và báo đài quốc doanh đã không một lần nhắc tới : cụ Bùi Bằng Đoàn là thân phụ của nhà báo, cựu đại tá quân đội cộng sản Việt Nam Bùi Tín. Từ nhiều năm trước, ông Bùi Tín đã thoát ly khỏi chế độ cộng sản, tị nạn ở Pháp và trở thành một người bất đồng chính kiến nổi bật trong cộng đồng người Việt hải ngoại, thường xuyên viết bài cho đài VOA Việt ngữ và tham gia các hoạt động cổ súy dân chủ nhân quyền cho Việt Nam và loại trừ chế độ độc tài cộng sản ở đất nước này. Tháng 8 năm 2018, ông mất tại Pháp.
Về thực chất, Bùi Tín bị chính quyền Việt nam xem là kẻ thù của chế độ.
Phải chăng có một mối liên hệ nào đó giữa lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn với người con Bùi Tín ? Và liên quan đến chuyến đi Mỹ của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng - có khả năng sẽ diễn ra vào những tháng cuối năm 2019, trong đó vừa ẩn vừa lộ mục đích vận động và thuyết phục nguồn lực chất xám và tiền bạc từ gần 5 triệu ‘khúc ruột ngàn dặm’ sống ở nước ngoài ?
Hay đảng muốn nhắn nhủ tới những người có xuất thân như ông Bùi Tín rằng ‘quay đầu là bờ’ ?
Trong khi những giả thiết trên vẫn thuần túy là giả thiết và vẫn có thể chẳng ăn nhập gì với thực tế, lại có một thực tế là rất nhiều người, trong đó không ít là giới bất đồng chính kiến trong và ngoài Việt Nam, vẫn chẳng hiểu về mục đích thực chất của lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn là gì.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 19/09/2019
***********************
Chính quyền nhắc đến cụ Bùi Bằng Đoàn vào lúc này để làm gì ?
Diễm Thi, RFA, 19/09/2019
Hôm 16/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cố Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889 – 19/9/2019).
Cụ Bùi Bằng Đoàn. File photo
Kỷ niệm suông hay khơi gợi lòng yêu nước ?
Cụ Bùi Bằng Đoàn từng là một quan triều Nguyễn học rộng tài cao, nổi tiếng đức độ, thanh liêm, chính trực, lo cho dân. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia giúp nước, làm cố vấn cho Chính phủ.
Trong chính quyền mới, cụ Bùi Bằng Đoàn từng giữ các chức vụ : Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ, Cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Báo chí trong nước trích dẫn một trong những lá thư do ông Hồ Chí Minh viết gửi cụ Bùi Bằng Đoàn.
"Thưa Ngài,
Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe.
Kính thư".
Việc Chính phủ chọn năm nay tổ chức kỷ niệm 130 năm ngày sinh một nhân sĩ trí thức như vậy, trong bối cảnh Việt Nam đang đối diện với nhiều vấn đề, từ lũng đoạn nội bộ nhân sự đến việc bị xâm lấn lãnh hải do tàu Trung Quốc quấy nhiễu tại Bãi Tư Chính khiến nhiều người đặt câu hỏi, có phải Chính quyền Việt Nam muốn kêu gọi sự đóng góp xây dựng đất nước của các nhân sĩ trí thức ngày nay ?
Giáo sư Nguyễn Đình Cống khẳng định khi trả lời RFA về vấn đề này rằng cộng sản vẫn thích những chuyện như mít tinh, tuyên truyền, kỷ niệm… và đây chỉ là một kiểu tuyên truyền :
"Đây không phải là dấu hiệu chứng tỏ rằng họ đang muốn kêu gọi trí thức đâu, bởi muốn kêu gọi trí thức phải bằng những chuyện khác kia. Thỉnh thoảng người ta vẫn tổ chức những dịp kỷ niệm như thế để chứng tỏ rằng người ta cũng tôn trọng, cũng có làm việc này việc kia chứ tôi không nghĩ đây là một dấu hiệu để họ muốn tranh thủ trí thức đâu. Đây là một cái kiểu tuyên truyền của họ. Thế thôi !"
Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai - nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương nhận định, việc tổ chức kỷ niệm là chính quyền muốn quay về quá khứ để họ ru ngủ mọi người rằng lãnh đạo Chính phủ đã từng có việc kết nối được với giới thượng lưu, trí thức.
"Họ tưởng họ đưa những vấn đề như thế thì xã hội thấy là họ cũng đang có chủ trương tìm đến trí thức, đến những người yêu nước không phải cộng sản. Đấy chỉ là dân túy, là mị dân thôi. Vấn đề hiện nay là họ có dám đối thoại với các trí thức trong và ngoài nước đang đau đáu về vấn đề sửa đổi cái chế độ này để nó bớt tham nhũng, bớt độc tài, bớt tàn ác với dân, hay không ?"
Ông nói thêm rằng, ngay cả những nhân vật trong triều đình hoặc những nhân vật trí thức cao cấp một thời mà họ thuyết phục được thì sau này họ cũng loại trừ, cũng gạt bỏ mà thôi.
Điều này cũng được nhà báo Ngô Nhật Đăng viết trên facebook cá nhân của ông hôm 17/9/2019 rằng, sau đại hội tháng 2/1951 của đảng cộng sản, ông Hồ Chí Minh thông báo đổi tên thành đảng Lao động và phát động phong trào "Chỉnh huấn" gồm : chỉnh quân, chỉnh phong và chỉnh đảng. Mở màn cuộc đấu tố "chỉnh huấn trí thức", phát súng đầu tiên là nhằm vào cụ Bùi Bằng Đoàn.
Ông Ngô Nhật Đăng trích dẫn lời ông Hồ Chí Minh nói với cụ Bùi Bằng Đoàn tại Hội nghị :
"Thời trước cụ làm thầy giáo thì không có gì là tham ô, lãng phí của nhân dân, vì dạy bao nhiêu giờ lĩnh bấy nhiêu tiền.
Nay xét lại :
Lúc đó dạy thì dạy gì, đào tạo người thì đào tạo cho ai ? Vì "tôn sư trọng đạo", cụ ở địa vị ông thầy, nên được lớp trí thức trọng cụ, dân cũng trọng cụ. Nhưng ông thầy lúc ấy nói gì ? Nói chống Tây thì nó đá đít. Dù muốn hay không, cũng phải nói đế quốc, phong kiến là tốt. Như thế là có thể có tội với nhân dân rồi. Tôi nghe ở đây có đến 4 đời là học trò cụ, như thế là tứ đại nô lệ".
Lãnh đạo có nghe góp ý của giới trí thức ?
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh : "Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc" ; "Bất luận trong hoàn cảnh nào, cụ cũng đứng về phía nhân dân, hết lòng bảo vệ người dân".
Vậy với giới trí thức hiện nay luôn đứng về phía nhân dân thì có được chính quyền trọng dụng hay không, Giáo sư Nguyễn Đình Cống bày tỏ :
"Nhân sĩ trí thức họ không được trọng dụng vì họ không xu nịnh, họ không ca ngợi đảng, họ không chịu lụy đảng. Họ đứng về phía nhân dân, thẳng thắn vạch ra những sai lầm của đảng. Thế thì đảng không dùng họ đâu !"
Theo vị giáo sư này, trí thức ở trong nước cũng có nhiều người giỏi nhưng chính quyền cho rằng đấy là thế lực thù địch, bởi những người ấy không chịu "khom lưng quỳ gối" để phục vụ, để ca ngợi đảng cộng sản. Họ muốn loại bỏ những chủ thuyết của cộng sản, thì sao cộng sản dùng họ được ?
Ông dẫn chứng trường hợp Luật sư Nguyễn Mạnh Tường - một nhà trí thức rất lớn - nhưng vì nói thẳng, góp ý thẳng và phê bình những sai lầm của đảng nên đảng tìm cách diệt ông ngay.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường - File photo
Ông Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909 tại phố Hàng Đào, Hà Nội. Khi mới 22 tuổi ông trở thành người Việt đầu tiên đỗ hai bằng tiến sĩ tại Pháp.
Sau năm 1954, ông từng giữ những chức vụ quan trọng như Giám đốc Đại học Luật, Phó Giám đốc Đại học Sư Phạm, Chủ tịch Hội đồng Luật sư Hà Nội. Ông được phong Giáo sư, và tham gia giảng dạy tại các Trường đại học Văn khoa, Sư phạm, Tổng hợp Hà Nội...
Ngày 30/10/1956, tại một cuộc họp của Mặt Trận Tổ Quốc ở Hà Nội, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã đọc một bài diễn văn phân tích những sai lầm của Đảng và Nhà nước trong vụ "Cải Cách Ruộng Đất" và đề ra hướng để nhà nước tránh mắc lại sai phạm. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông bị sa thải khỏi đại học và không được hành nghề luật sư. Ông và gia đình bị cô lập với xã hội chung quanh, không được làm bất cứ nghề gì để kiếm tiền.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhận xét rằng cho đến bây giờ, đảng cộng sản Việt Nam vẫn "điếc" không muốn nghe bất cứ góp ý nào để thay đổi chế độ, vì chế độ này cho họ cái quyền "cướp bóc" của dân, nhất là với chính sách đất đai sai lầm. Ông nói thêm :
"Hiện nay họ đang có cái chủ thuyết sai lầm và họ muốn kiên trì với nó. Cái chủ thuyết đó lâu nay đã cho họ cướp bóc dân. Nếu họ vẫn khư khư giữ cái chế độ có khả năng cướp bóc nhân dân như thế, thì làm sao họ có thể có tình cảm và ý chí để đối thoại tử tế với những con người vì dân vì nước thật sự được !"
Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là hiện nay chính quyền có dám trao đổi và tranh luận với giới trí thức - những người có tài có đức và có tầm nhìn hết sức sáng suốt mà lại không có tư lợi gì - hay không ?. Đó và vấn đề.
Cùng với những trăn trở của giới trí thức trước vận mệnh đất nước hiện nay, Giáo sư Nguyễn Đình Cống thẳng thắn đề nghị ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban tuyên giáo trung ương rằng : "Đối thoại với chúng tôi, chúng tôi sẽ góp ý kiến thẳng thắn cho đảng, chỉ ra những sai lầm của đảng. Ông có chịu nghe không ?"
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 19/09/2019
Trong bài trước, chúng tôi đã viết về nền cộng hòa được xác lập và thực hiện đầu tiên tại Việt Nam là bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa ban hành ngày 26/10/1956 tại Miền Nam Việt Nam. Mặc dầu trước đó, tại Việt Nam đã có một bản Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được Quốc hội liên hiệp Quốc-Cộng thông qua ngày 9/11/1946, tuy có xây dựng trên nền tảng cộng hòa thật, theo đúng ý nghĩa chân chính của từ ngữ cộng hòa, nhưng chưa bao giờ được thực thi, nên chưa có giá trị pháp lý và thực tế, mà chỉ mang ý nghĩa lịch sử và chính trị. Vì sao ?
Hiến pháp 1946 gọi Quốc Hội là Nghị Viện Nhân Dân.
Bài viết lần lượt trình bày :
- Bối cảnh lịch sử và sự hình thành Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946.
- Nội dung Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946
- Nhận định và so sánh giá trị lập hiến của Hiến pháp 1946 với các bản Hiến pháp sau đó của đảng cộng sản Việt Nam.
I. Bối cảnh lịch sử và sự hình thành Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946
1. Bối cảnh lịch sử
Theo sử liệu tổng hợp, thì ngày 11/03/1945 tức ngày 27 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 20, Nhật đã trao trả độc lập cho vua Bảo Đại. Sau đó chính phủ quốc gia Trần Trọng Kim được thành lập.
Tháng 8 năm 1945, lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng, sự rụt rè của chính quyền quốc gia Trần Trọng Kim và sự phân tán của các chính đảng quốc gia, đảng Cộng sản Việt Nam (cộng sản Việt Nam) nhờ tính tổ chức cao và kinh nghiệm đấu tranh lật đổ, đã cướp được chính quyền từ tay chính quyền chính thống quốc gia Trần Trọng Kim mới tiếp nhận độc lập từ tay Nhật chưa đầy 6 tháng, ép của Vua Bảo Đại thoái vị. Việt Minh cộng sản gọi cuộc cướp chính quyền không đổ máu này là "Cách mạng Tháng 8" như là cuộc "Cách mạng Tháng 10 Nga" của đảng cộng sản Bolsevick Nga lật đổ chế độ Nga Hoàng cướp chính quyền năm 1917, thành lập nước "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Xô-Viết" (gọi tắt là Liên Xô).
Nhưng vì thế lực của Đảng cộng sản Việt Nam vào thời khoảng này còn yếu kém so với các chính đảng quốc gia ; và cũng vì quốc tế đang coi chủ nghĩa cộng sản là một hiểm họa toàn cầu của nhân loại cần ngăn chặn loại trừ ; nên lãnh tụ cộng đảng Việt Nam Hồ Chí Minh buộc lòng phải đứng ra thành lập một chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng và sau đó đẻ ra một Quốc hội Liên hiệp Quốc-Cộng tiền định ngụy dân tộc, ngụy cộng hòa, ngụy dân chủ (1).
Sau khi cướp được chính quyền không đổ máu, bằng sức mạnh của quần chúng nhân dân biểu tình khắp nơi, ngày 02/ 09/ 1945, lãnh tụ Cộng đảng Việt Nam Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại phiên họp đầu tiên của chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách trước mắt, một trong sáu nhiệm vụ đó là xây dựng hiến pháp.
2. Sự hình thành Hiến Pháp 1946
Ngày 20/09/1945, Chính phủ Lâm thời ra sắc lệnh thành lập Ban dự thảo Hiến pháp (2). Ngày 9/11/1946, sau 10 ngày làm việc, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội liên hiệp Quốc-Cộng, khoá.1, Quốc hội đã thông qua bản dự thảo Hiến pháp. Ngày 19/12/1946 Việt Minh cộng sản phát động cuộc kháng chiến toàn quốc. Do hoàn cảnh chiến tranh hiến pháp 1946 không được công bố, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện Nhân dân không có điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, chính phủ và quốc hội liên hiệp Quốc-Cộng sau đó do Việt Minh (mặt nạ của Đảng cộng sản Việt Nam) độc chiếm, lũng đoạn, dưới sự chủ đạo kháng chiến chống Pháp của lãnh tụ cộng đảng Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam.
Thế nhưng, Việt Minh cộng sản luôn dùng Hiến pháp 1946 để "ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa" để che dấu bộ mặt cộng sản trước nhân dân (vốn sợ chủ nghĩa cộng sản tam vô : vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo) và trước thế giới (vốn coi chủ nghĩa cộng sản là hiểm họa toàn cầu). Thực tâm Ông Hồ và Đảng cộng sản Việt Nam không bao giờ muốn thực hiện bản Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946 tại Việt Nam. Điều họ muốn là phải thực hiện một bản Hiến pháp Xã hội Chủ nghĩa rặp khuôn bản Hiến pháp Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-Viết 1936 của đảng cộng sản Liên-Xô. Điều muốn này của ông Hồ và Đảng cộng sản Việt Nam đã được thực hiện sau khi cướp được chính quyền trên một nửa nước Miền Bắc qua Hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam, với các bản hiến pháp 1959, 1980, 1992…
Qua nội dung các bản Hiến pháp này của Đảng cộng sản Việt Nam, dù hình thức Hiến pháp 1959 vẫn giữ bảng hiệu "Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa" của Hiến pháp 1946, để che đây bộ mặt "ngụy dân tộc" để tiến hành cuộc chiến tranh cộng sản hóa Miền Nam dưới ngọn cờ chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc.Thế nhưng sau khi cưỡng chiếm được Miền Nam bằng bạo lực quân sự, đã lộ nguyên hình là chế độ độc tài toàn trị cộng sản mệnh danh "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa", vẫn còn chút "ngụy cộng hòa" (chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân). Vì thực chất cũng như thực tế chế độ mệnh danh "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" từ quá khứ đến hiện tại chỉ là một "chế độ độc tài Đảng trị hay toàn trị cộng sản", với chủ quyền tuyệt đối thuộc về Đảng cộng sản Việt Nam ; độc lập, tự do, dân chủ, nhân quyền chỉ là bánh vẽ, biến thành ân huệ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ban phát cho người dân nào chỉ biết phục tùng mệnh lệnh của "Đảng và Nhà nước ta" mà thôi ! Kẻ nào giám chống lại sẽ bị đàn áp dã man bởi các công cụ"chuyên chính vô sản (cộng sản)" là mật vụ, công an, quân đội, tòa án, nhà tù, pháp trường…
II. Nội dung Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946
Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 là một văn bản lập hiến tương đối ngắn, gọn, song khá đầy đủ những điều cơ bản hiến định. Nội dung Hiến pháp gồm có lời nói đầu và 7 chương, 70 điều.
Lời nói đầu khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp này :
1. "Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo".
2. "Bảo đảm các quyền tự do dân chủ".
3. "Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân".
Chương I quy định chính thể của Việt Nam là Dân chủ xây dựng trên nền tảng Cộng hòa (Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân).
Chương II quy định nghĩa vụ và quyền lợi công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật.
Chương III quy định về nghị viện nhân dân.(Quốc hội)
Chương IV quy định về chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc
Chương V quy định phương diện hành chính, bộ, tỉnh, huyện, xã ; quy định về cơ quan hành chính (ủy ban hành chính và hội đồng nhân dân) các cấp.
Chương VI quy định về cơ quan tư pháp bao gồm tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp.
Chương VIIquy định về việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có quyền phúc quyết hiến pháp của dân.
III. Nhận định về bản Hiến pháp 1946
Nhận định tổng quát của chúng tôi : về hình thức và nội dung, Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946 mang tính tiến bộ, hiện tại vẫn còn phù hợp, nếu được thực thi tại Việt Nam sau khi tu chỉnh để hoàn chỉnh, thích dụng với trình độ dân trí và trào lưu dân chủ thời đại, đáp ứng được khát vọng tự do dân chủ bấy lâu nay của quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Bởi vì, đây đúng là một bản hiến pháp dân chủ xây dựng trên nền tảng cộng hòa "Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân" và quy định tương đối đầy đủ ngắn gọn, các dân quyền cơ bản : dân chủ, dân sinh, nhân quyền ; với các cơ chế tổ chức guồng máy công quyền quốc gia theo nguyên tắc tam quyền phân lập (Lập pháp-Hành pháp-Tư pháp độc lập nhưng không biệt lập) bảo đảm được các quyền tự do dân chủ của người dân. Sở dĩ có được các ưu điểm này, có lẽ là nhờ trong Ban Dự thảo Hiến pháp có một số thành viên là các nhà luật học, trong đó chúng tôi thấy có tên của Tiến sĩ Nguyễn Cao Hách, sau năm 1954 đã là một trong các Giáo sư Khoa Trưởng Đại học Luật khoa Sài gòn, nay đã quá vãng.
Theo đánh giá của nhiều người thì đây là một văn bản Hiến pháp tiến bộ nhất so với các bản Hiến pháp sau đó cho đến Hiến pháp "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" hiện hành.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng ở trong nước cho rằng Hiến pháp 1946 phản ánh đúng tinh thần pháp quyền - "những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ". Điều đó, theo ông được thể hiện ở 5 điểm :
1. Hiến pháp đã được đặt cao hơn nhà nước. Nghị viện nhân dân (tức Quốc hội) không thể tự mình sửa đổi Hiến pháp. Mọi sự sửa đổi, bổ sung đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70 Hiến pháp 1946).
2. Các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thay vì được nhà nước ghi nhận và bảo đảm.
3. Quyền năng giữa các cơ quan nhà nước được phân chia khá rõ và nhiều cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau đã được thiết kế.
4. Quyền năng giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cũng được phân chia rất rõ.
5. Vai trò độc lập xét xử của tòa án được bảo đảm. Các cơ quan khác không có quyền can thiệp.
Tiến sĩ Dũng đánh giá "Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới".
Giáo sư Trần Ngọc Đường, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cộng sản Việt Nam (năm 2006), đã từng nhận xét đúng khi cho rằng các điểm nổi bật của Hiến pháp 1946 là : Tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân ; Tư tưởng pháp quyền ; Những quy định về quyền con người và đảm bảo quyền công dân ; Cơ chế bảo hiến ; Sửa đổi hiến pháp.v.v. Nhưng không đúng và chủ quan khi cho rằng Hiến pháp 1946 dựa trên Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nền lập hiến Việt Nam.
Đúng ra phải như nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Đại học Saarland, Cộng hòa Liên bang Đức quốc : Rằng đây là bản hiến pháp được soạn thảo theo tinh thần "tam quyền phân lập" : lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Tòa án) chịu ảnh hưởng của Hiến pháp Hoa Kỳ, Pháp, và hiến pháp của các nước cộng hòa khác. Điều 1 của Hiến pháp 1946 ghi rõ : "Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa". Nó không hề có một điều khoản nào quy định là một đảng phái nào hay một ý thức hệ nào là độc tôn và độc quyền lãnh đạo đất nước như các bản hiến pháp sau này của Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa 1959 hay Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam.(1980-1992-2013). Ông cho rằng thực tế Hiến pháp 1946 đã có những yếu tố nhất định thể hiện cơ chế phân công quyền lực, kiểm soát và cân bằng quyền lực.
Giáo sư Phạm Duy Nghĩa, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì cho rằng Hiến pháp năm 1946 là "bản hiến văn dân chủ vào loại bậc nhất Đông Nam châu Á lúc bấy giờ" và "đã có thể là một bản khế ước tốt để ràng buộc và khống chếcông bộc với lợi ích của ông chủ nhân dân". Ông tỏ ý tiếc rằng sáu mươi năm sau Việt Nam "đã không có cơ hội đi xa hơn trong chủ nghĩa lập hiến". Theo ông, Hiến pháp 1946 vẫn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam và "vẫn còn nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam".
IV. Kết luận
Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được hình thành trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt, nên chưa được ban hành và thực thi, nên không có giá trị pháp lý cũng như thực tế, mà chỉ có ý nghĩa lịch sử và chính trị. Bản Hiến pháp này được các nhà lập hiến soạn thảo trên nền tảng cộng hòa đúng theo ý nghĩa chân chính của từ ngữ "cộng hòa"(chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân), với cơ cấu tổ chức chính quyền dân chủ được thiết định thể hiện và bảo đảm được các quyền tự do dân chủ của người dân buộc nhà cầm quyền phải tôn trọng, bảo vệ và hành xử (nguyên tắc tam quyền phân lập).
Tiếc rằng cho đến nay bản Hiến pháp này chưa có cơ may được thực hiện. Vì trước cũng như sau khi cướp được chính quyền, trong nhiều thập niên qua, đảng Cộng sản Việt Nam chỉ "ngụy cộng hòa, ngụy dân chủ, ngụy dân tộc" để thực hiện một chế độ độc tài toàn trị cộng sản "Phản cộng hòa, phản dân chủ, phản dân tộc". Hệ quả tàn hại nghiêm trọng, toàn diện, di hại lâu dài cho nhân dân, dân tộc và đất nước như thế nào không cần nói ra thì quốc dân Việt Nam từng là nạn nhân đều đã biết rõ qua thực tiễn.
Vì vậy, từ lâu đã có nhiều ý kiến, nhất là ý kiến của chính "những người cộng sản phản tỉnh", đề nghị đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tu chỉnh Hiến pháp hiện hành dựa trên Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946. Đây như là một thông điệp, rằng đã đến lúc, tuy có quá trễ, những chưa quá muộn, Đảng cộng sản Việt Nam cần "phản tỉnh tập thể", được thể hiện qua "một quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa" chế độ độc tài toàn trị cộng sản hiện nay qua chế độ dân chủ pháp trị theo đúng ý nguyện của toàn dân, vì lợi ích quốc gia dân tộc và tương lai của các thế hệ dân Việt mai sau. Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch nước "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" Nguyễn Phú Trọng và các đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam nghĩ sao ?
Bao giờ Việt Nam mới có một chế độ dân chủ pháp trị, với một bản Hiến pháp dân chủ xây dựng trên nền tảng cộng hòa từng được Hiến pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xác lập năm 1946, mà chưa thực hiện được ?
Houston, ngày 9/11/2018
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 26/11/2018
Chú thích :
(1)- Theo tài liệu lịch sử, thành phần Quốc hội Liên hiệp Quốc-Cộng : cho thấy các chính đảng quốc gia được chia cho 70 đại biểu trên tổng số 403 còn lại là của Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức ngoại vi hay những cá nhân không đảng phái do Đảng cộng sản Việt Nam chọn lựa và khống chế.
Cụ thể tổng số đại biểu Quốc hội là 403, trong đó có 333 đại biểu được bầu (trá hình tiền định do Đảng cộng sản Việt Nam lựa chọn đưa vào) bao gồm Việt Minh 120 ghế, Đảng Dân chủ Việt Nam 46 ghế, Đảng Xã hội Việt Nam 24 ghế, không đảng phái 143 ghế. Số đại biểu không qua bầu cử là 70 người gồm 20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách ) và 50 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân Ðảng (Việt Quốc ). Việc có các đại biểu đặc cách không qua bầu cử này là theo thoả thuận trước cuộc bầu cử đạt được ngày 24 tháng 12 năm 1945 giữa Việt Minh với Việt Cách và Việt Quốc. Việc này thể hiện chủ trương của Việt Minh về "hòa hợp dân tộc", để che đậy bộ mặt cộng sản hầu tập trung được các lực lượng kháng chiến quốc gia chống thực dân Pháp.
(2).-Theo tài liệu lịch sử : Ban dự thảo Hiến pháp (Tiểu ban Hiến pháp) được Quốc hội bầu ra ngày 2 tháng 3 năm 1946 gồm có 11 thành viên : Tôn Quang Phiệt , Trần Duy Hưng , Nguyễn Thị Thục Viên , Đỗ Đức Dục (Dân chủ Đảng), Cù Huy Cận (Dân chủ Đảng), Nguyễn Đình Thi (Việt Minh), Huỳnh Bá Nhung , Trần Tấn Thọ , Nguyễn Cao Hách , Đào Hữu Dương , Phạm Gia Đỗ (4 vị thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng). Ban này tiếp tục nghiên cứu dự thảo hiến pháp. Đa số cũng thuộc Đảng cộng sản Việt Nam (6/5).
Bản hiến pháp được Quốc hội liên hiệp Quốc-Cộng thông qua vào ngày 9 tháng 11 năm 1946 , tại kỳ họp thứ 2, với 240 phiếu tán thành trên tổng số 242 phiếu. Sau đó, Quốc hội ra nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban Thường trực Quốc hội "cùng với chính phủ ban bố và thi hành hiến pháp khi có điều kiện". Tuy nhiên, Kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào ngày 19 tháng 12 năm 1946 đã làm việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân (Quốc hội) không có điều kiện để thực hiện. Do tình hình chiến tranh, Hiến pháp 1946 chưa được chính thức công bố và chưa từng có hiệu lực về phương diện pháp lý.