Hơn 80 ngày sục sạo quanh Tư Chính, hôm 18/09/2019 Bắc Kinh leo thêm một nấc thang mới, đòi đuổi Việt Nam ra khỏi vùng EEZ của mình. Mãi 4 ngày sau, Hà Nội mới "thỏ thẻ" đề nghị Bắc Kinh đừng gây thêm phiền hà ở Biển Đông. Người dân liệu có lý do để tin rằng, đây đúng là trò toa rập giữa bọn cướp nước và một bộ phận rắp tâm dâng biển đảo cho Tàu ?
Hình minh họa. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính - Photo by VGP
Trò tung hứng không chỉ diễn ra qua tuyên bố của phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 22/09/2019, cũng như qua họp báo của phát ngôn viên Cảnh Sảng ngày 18/09/2019. Trước thời điểm đưa tàu xâm nhập Bãi Tư chính, ngày 27/05/2019, Trung Quốc đã bày trò Hội thảo quốc tế về cái gọi là Kiến nghị khai thác chung ở Biển Đông, trong đó các đại biểu dự hội thảo – đáng ngạc nhiên là có cả đại diện từ Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam [1] – đồng ý đưa Bãi Tư Chính vào diện khai thác chung ( ?)
Vải thưa che mắt thánh ?
Phải nói "cho vuông", những trò tung hứng rẻ tiền ấy, ngay từ đầu, làm sao qua mặt được những người yêu nước Việt Nam. "Vải thưa không che được mắt thánh !". Hãy nhìn vào các mốc phản ứng của Việt Nam trong tiến trình Trung Quốc cho các loại tàu vào xâm nhập xung quanh Bãi Tư Chính ! Trên thực tế, từ đầu tháng 6/2019, các tàu Trung Quốc đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), nhưng suốt cho tới ngày 15/7/2019, Hà Nội hầu như "mất điện".
Ngày 3/7/2019, tàu giặc kéo vào Tư Chính thì ngày 7/9 bà chủ tịch quốc hội Kim Ngân bay sang Bắc Kinh, được nói là để mở rộng "quan hệ hợp tác". Có phi lý nào hơn khi cướp vào nhà mà còn sang thăm thú nó để nâng cấp quan hệ ? Mãi tới 16/7, "bóng hồng" Lê Thị Thu Hằng xuất hiện, phê phán vu vơ các "tàu lạ". Vu vơ đến mức, một số báo lề phải, kể cả một "yếu nhân" tham gia "Bàn tròn" BBC còn lẫn, nói Trung Quốc và Việt Nam đối đầu nhau trong vùng biển "tranh chấp".
Đến ngày 19/7, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao mới được phép "gọi sự vật đúng tên" và tuyên bố công khai, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với Trung Quốc để trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển EEZ, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Tiếp theo đó là chiều 25/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhắc lại các hành động của Trung Quốc là "nghiêm trọng" và khẳng định Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền.
Trong khi đó, Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng sau thời gian dài vắng mặt trên chính trường, xuất hiện trở lại vào dịp kỷ niệm thành lập công đoàn 28/7, đã cảnh báo người dân "tăng cường sức đề kháng trước sự chống phá, xuyên tạc của thế lực thù địch" [2]. Tàu giặc vào EEZ, ngỡ rằng Tổng chủ phải lên án hành tung cướp biển của giặc Tàu. Nhưng không, ông lại kêu gọi phải đề phòng người dân. Dư luận lập tức dấy lên, coi đấy là cách hành xử của một thái thú.
Trong khi tàu Trung Quốc tiếp tục vào ra EEZ như vùng biển vô chủ, ngày 4/9, người đứng đầu chính phủ, trong một tuyên bố đã rón rén : "Chúng ta kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta" [3]. "Kiên trì, kiên quyết đấu tranh" mà tên thằng kẻ cướp còn không dám xướng lên thì đấu tranh với ai ? Thế giới hiện có 204 nước. Ông nói về 203 nước hay là sự khiếp nhược để không "phạm húy" ?
Nhìn cách hành xử của "tam tứ trụ trong triều đình" Đảng cộng sản Việt Nam, bộ phận thần dân ngu ngơ có thể nhầm rằng, đảng đang nâng dần sách lược đấu tranh với Tàu, từ thấp lên cao, từ tuyên bố suông đến hành động quyết liệt. Nhưng liệu nay mai, khi Tàu chốt hạ tại khu vực Bãi Tư Chính một giàn khoan khủng như HD981 hồi tháng 5/2014, hoặc Tàu tìm mọi cách đuổi các công ty nước ngoài đang làm ăn với Việt Nam ra khỏi EEZ của mình, thì chính quyền Việt Nam sẽ phản ứng tiếp thế nào ?
Họa phúc phải đâu một buổi
Với cách hành xử của chính quyền Việt Nam, Bắc Kinh có thể "đọc vị" được rằng, mình đánh nó mà nó vẫn "ôm chân mình" xin cải thiện quan hệ. Đánh tiếp, nó dí súng vào đầu dân, bảo với dân "hãy ngồi yên". Đánh liên tục nữa thì nó đổ lỗi cho "các hoạt động của nước ngoài" chứ đâu dám phê phán mình. Và kết quả là, ngày 18/9/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã tố cáo trước thế giới "Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc" [4].
Hình minh họa. Người biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng ở Hà Nội bị an ninh bắt hôm 10/06/2018 Courtesy FB Hiển Trịnh
Một blogger bình luận, muốn hiểu chính sách của chính quyền Việt Nam thì "đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy xem những gì cộng sản làm". Trong hồ sơ Bãi Tư Chính, chỉ cần nhìn lại kết quả chuyến đi của bà Ngân, có thể có được một bức tranh đầy đủ. Bức tranh ấy mô tả, chính quyền Hà Nội đích thị là một đại diện của Đảng cộng sản Trung Quốc tại Việt Nam. Liệu có thể tin rằng, tất cả chỉ là việc tung hứng giữa ông chủ và kẻ làm thuê hòng qua mặt người dân Việt Nam ?
Tiến sĩ Derek Grossman, một nhà nghiên cứu đang làm việc cho Tập đoàn RAND mới đây nhận xét, Đảng cộng sản Việt Nam giờ đây hoàn toàn bị tê liệt, đơn độc trong việc chống trả các cuộc xâm nhập của Trung Quốc (nguyên văn : VCP is now completely paralyzed – helpless to resist China’s actions). Nhưng cũng theo nhà nghiên cứu này, tuy nhiên chưa phải tất cả đã mất hết, Việt Nam còn một cơ hội tuyệt vời cần khai thác, đó là thúc đẩy sự can dự gần gũi hơn về an ninh với Mỹ.
Hiến kế của nhà nghiên cứu trên chỉ đúng một phần. Việt Nam còn có một cơ hội tuyệt vời khác, đó là "can dự gần gũi hơn" với chính người dân. Chính quyền không nên sợ dân hơn sợ địch ! Sợ như qua sự thảng thốt của Tổng chủ : Hãy "án binh bất động", bà con mà đi biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược là sẽ bị "các lực lượng thù địch lợi dụng ngay". "Gen" chống xâm lược của dân Việt Nam là vốn quý, nhưng sao Đảng cộng sản lại sợ bị lợi dụng ? Có phải ở đây có sự thao túng của Trung Quốc ?
Một vị đại sứ tên tuổi từ Bộ Ngoại giao Việt Nam [5] từng đưa ra nhận xét : Chúng ta không sống trong thời trung cổ, ngày này, luật pháp quốc tế vẫn là xu thế chủ đạo. Việt Nam không có lý do gì để đánh mất biển đảo, nếu Biển Đông luôn ở trong mỗi trái tim của 96 triệu người dân. Bãi Tư Chính chỉ mất khi niềm tin, ý chí tự cường, tự tôn của dân tộc bị đốn ngã. Phảng phất đâu đây lời cảnh báo của Churchill : "Một dân tộc tìm cách né tránh chiến tranh bằng cách cúi đầu chịu nhục thì dân tộc ấy sẽ lãnh đủ cả hai thứ : cả chiến tranh lẫn sự nhục nhã !".
Không người dân Việt Nam nào lại muốn chiến tranh và có ảo tưởng đất nước dưới triều cộng sản đủ sức đánh nhau với Tàu. Nhưng quyền lợi hợp pháp của người dân là quyền được thông tin về chủ quyền quốc gia. Nghĩa vụ của người dân là bảo tồn toàn vẹn chủ quyền lãnh hải quốc gia. Trách nhiệm của chúng ta là đồng hành cùng với nhau, chống lại bất kỳ mưu đồ của bộ phân nào trong chính quyền có mưu toan tung hứng, toa rập với chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc.
Nhân Hòa
Nguồn : RFA, 23/09/2019
Phóng viên Nga Pham của đài BBC đã bình luận : Trong một nghiên cứu chung do Đại học Phục Đán, Thượng Hải chủ trì, nhóm tác giả trong đó có bà Bùi Thị Thu Hiền, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đưa ra một số khuyến cáo về chính sách. Bắt đầu phát triển chung ở những khu vực chỉ có hai nước tuyên bố chủ quyền... Một số khu vực hứa hẹn cho phát triển (khai thác) chung là cửa vịnh Bắc Bộ (chỉ có Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền) và Bãi Tư Chính (chỉ có Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền)... Khuyến cáo này cho thấy sự công nhận cửa Vịnh Bắc Bộ và Bãi Tư Chính là khu vực tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ???
[3] https://nguoidothi.net.vn/chu-quyen-bien-20355.html
[4] VOA, tiếng Việt ngày 29/9/2019 : "Bắc Kinh nói Việt Nam vi phạm quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông"
[5] https://www.youtube.com/watch?v=QEfhHwjTc0E Bài báo bị gỡ : Đại sứ Nguyễn Trường Giang : "Không thể để mất Biển mất bãi Tư Chính được".