Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/09/2019

Nguy cơ thiếu hụt năng lượng đe dọa kinh tế Việt Nam

Thanh Phương

Trong một bài báo đề ngày 22/09/2019, tờ nhật báo Anh Financial Times đề cập đến nguy cơ thiếu hụt đang đe dọa nền kinh tế Việt Nam, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Châu Á.

nang1

Nguy cơ thiếu hụt năng lượng đe dọa sinh hoạt kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo là Việt Nam có thể bị thiếu hụt năng lượng ngay từ năm 2021 và ông đã ra lệnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy điện mới. Đây là một vấn đề quan trọng đối với Việt Nam, một nền kinh tế dựa rất nhiều vào ngành sản xuất rất hao tốn năng lượng. Nền kinh tế này cũng đang thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế, vì Việt Nam là nơi mà họ có thể chuyển cơ sở sản xuất đến để tránh những ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Theo Financial Times, Việt Nam có nguy cơ gặp khủng hoảng năng lượng ở cả hai mặt cùng một lúc : ngoài việc Việt Nam thiếu khả năng sản xuất điện, còn có việc Trung Quốc gây áp lực mạnh lên các hoạt động dầu khí trên Biển Đông. Đối với một quốc gia vẫn cố gắng giữ thế cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cả về mặt ngoại giao lẫn kinh tế, Việt Nam đang đối diện với những chọn lựa về năng lượng trong ngắn hạn, nhưng cũng sẽ có những tác động địa chính trị trong những năm tới.

Tờ báo trích lời chuyên gia Andrew Harwood, công ty tham vấn năng lượng Wood Mackenzie, cho biết nguồn cung từ trữ lượng dầu khí của Việt Nam đã gặp nhiều thách thức và bị chậm trễ, một phần là do tập đoàn dầu khí quốc gia không có đủ khả năng tài chính để phát triển các nguồn tài nguyên đó, và một phần là do các căng thẳng chính trị và tranh chấp chủ quyền biển đảo. Theo ông, thật sự đang có mối quan ngại về khả năng của Việt Nam đáp ứng các nhu cầu về năng lượng trong tương lai.

Financial Times nhắc lại là cho tới nay, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào than đá, dầu hỏa và thủy điện để sản xuất điện, tuy nhiên, nhiều dự án như vậy đã bị chậm trễ. Vào năm 2016, chính phủ Hà Nội cũng đã từ bỏ chương trình phát triển điện hạt nhân. Trong khi đó, theo lời ông Gavin Smith, giám đốc phát triển sạch của công ty Dragon Capital ở Sài Gòn, chưa biết là sự phát triển nhanh chóng về năng lượng tái tạo kể từ năm 2018 ở Việt Nam có đủ để đẩy lui nguy cơ thiếu hụt điện trong 3 năm tới hay không.

Nhu cầu về điện của Việt Nam hiện tăng khoảng 9% mỗi năm, nhanh hơn tăng trưởng kinh tế, đã đạt hơn 7% trong năm 2018. Vấn đề nhạy cảm đến mức không một quan chức nào của chính phủ Việt Nam trả lời báo Financial Times. Tuy nhiên, một quan chức xác nhận là có nguy cơ thiếu hụt điện "trong những trường hợp xấu nhất và không dự đoán được", chẳng hạn khi mực nước các hồ chứa của những đập thủy điện xuống quá thấp.

Theo Financial Times, để ra gia tăng nguồn cung cấp năng lượng, Hà Nội đang nhập khẩu thêm nhiều điện từ Lào. Các quan chức cũng đang thảo luận về khả năng nhập điện từ Trung Quốc, cho dù đây có thể là một vấn đề rất nhạy cảm về chính trị do tâm lý chống Trung Quốc vẫn rất phổ biến ở Việt Nam và càng được thể hiện rõ qua những căng thẳng gần đây trên Biển Đông.

Khả năng của Việt Nam khai thác khí đốt ngoài khơi nước này nay cũng đang được đặt lại, nhất là kể từ tháng 7, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 tiến hành thăm dò ngoài khơi bờ biển miền nam Việt Nam, gần một mỏ dầu khí mà tập đoàn PetroVietnam và tập đoàn Rosneft của Nga đang liên doanh khai thác.

Financial Times cũng nhắc lại thông tin chưa được xác nhận về về tập đoàn Mỹ Exxon Mobil rút ra khỏi dự án Cá Voi Xanh. Exxon đã từ chối bình luận điều mà họ gọi là "tin đồn", còn phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thi Thu Hằng, trích dẫn PetroVietnam, đối tác của Exxon, khẳng định dự án "vẫn được tiến hành theo dự kiến".

Thanh Phương

Nguồn : RFA, 24/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 516 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)