Cái gì ‘bảo mật’, cái đó sinh chuyện
Trân Văn, VOA, 27/09/2019
Sau sửng sốt, công chúng phẫn nộ khi ông Nguyễn Hạnh Phúc (Tổng Thư ký kiêm Phát ngôn viên của Quốc hội Việt Nam), giải thích : Cả chín người tháp tùng bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Chủ tịch quốc hội) sang thăm Nam Hàn hồi tháng 12 năm ngoái, rồi ở lại Nam Hàn bất hợp pháp đều nằm trong nhóm… đi nhờ chuyên cơ (1) !
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, người dẫn đầu phái đoàn đi trên chiếc chuyên cơ có 9 người... đi nhờ sang Hàn Quốc.
Qua mạng xã hội, đã có khá nhiều người giải thích tại sao họ phẫn nộ. Tuy nhiên vẫn còn một yếu tố cần phải lưu ý là việc cho… đi nhờ chuyên cơ vi phạm Luật Bảo vệ bí mật nhà nước mà Quốc hội Việt Nam từng thông qua hồi tháng 11 năm ngoái – một tháng trước khi xảy ra chuyện cho… đi nhờ.
Nếu căn cứ theo Điểm b, Khoản 1, Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước thì chuyến thăm Nam Hàn của bà Ngân thuộc phạm vi… bí mật nhà nước. Khi toàn bộ "hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo đảng, nhà nước" đã được xác định là phải… "bảo mật" (2), cho… đi nhờ chuyên cơ rõ ràng là phạm pháp.
Diễn biến của scandal cho… đi nhờ, chỉ ra, trong thực thi Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, các cơ quan hữu trách của Việt Nam chỉ… "bảo mật" tình tiết có chín người tháp tùng bà Ngân sang Nam Hàn rồi bỏ trốn. Nếu đầu tuần này, Đài Truyền hình MBC của Nam Hàn không phanh phui, công chúng Việt Nam không thể nào biết vì Luật Bảo vệ bí mật nhà nước còn nghiêm cấm tiết lộ "thông tin có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội" (Điểm b, Khoản 1, Điều 7).
Đó có thể là lý do, chín tháng sau khi sự kiện chín người… đi nhờ để bỏ xứ tha phương cầu thực bị lộ, đại diện Quốc hội mới xác nhận, mới đề nghị "điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm". Chưa rõ sắp tới, Quốc hội và Bộ Công an có trình bày cho công chúng rõ, tại sao và những ai phải chịu trách nhiệm về việc tiết lộ thông tin vốn thuộc loại cần được "bảo mật", sắp đặt cho chín người vừa kể xin được visa nhập cảnh Nam Hàn, leo lên chuyên cơ, tháp tùng Chủ tịch quốc hội Việt Nam sang "thăm" Nam Hàn hay không ?
Nhìn một cách tổng quát, "bảo mật" lại… sanh chuyện. Tự thân bảo mật không sai cũng chẳng xấu, thậm chí hết sức cần thiết song khác với thiên hạ, cách "ta" dùng các qui phạm pháp luật xác định phạm vi cần bảo mật, mức độ mật, cách thức bảo mật khiến "bảo mật" đồng nghĩa với che đậy, hỗ trợ đại gian, đại ác !
***
Cách nay vài ngày, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Việt Nam Pharma) và các đồng phạm "buôn bán thuốc giả" mới cảnh báo tất cả các cá nhân dự xử, từ bị cáo, nhân chứng, người có quyền và nghĩa liên quan,… cho đến luật sư, báo giới,… rằng, hồ sơ vụ án này có một số tài liệu thuộc loại "mật" và "tuyệt mật", vô tình hay cố ý tiết lộ những tài liệu này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (3) !
Ai cũng thấy scandal Việt Nam Pharma nhập và phân phối H-Capita (dược phẩm đặc trị ung thư) không chỉ là trách nhiệm của ông Hùng và 11 bị cáo khác. Tuy nhiên sau năm năm tính từ ngày vụ án được khởi tố, sau hai năm tính từ khi bản án sơ thẩm đầu tiên bị hủy, vẫn chưa có viên chức nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và vẫn chưa thấy hệ thống tư pháp giải thích tại sao, lúc đầu, từ công an, viện kiểm sát đến tòa án khăng khăng ông Hùng và các đồng phạm chỉ "buôn lậu" ?
Ông Hùng từng bị phạt 12 năm vì "buôn lậu" nhưng bản án này đã bị hủy. Giờ, với cáo buộc "buôn bán thuốc giả" – được xem là đúng với bản chất của hành vi phạm tội - ông đang đối diện với khả năng bị phạt tử hình ! Cảnh báo của Hội đồng xét xử, không được tiết lộ các tài liệu thuộc loại "mật" và "tuyệt mật" trong hồ sơ vụ án chắc chắn sẽ bịt miệng cả các bị cáo lẫn luật sư. Tuy vụ án được xét xử "công khai" nhưng với cảnh báo đó, làm sao có thể hy vọng hoạt động xét xử sẽ phơi bày trách nhiệm của cả những cá nhân đứng sau hậu trường hỗ trợ Việt Nam Pharma nhập – phân phối thuốc giả, lẫn những cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng từng khăng khăng ông Hùng chỉ "buôn lậu" ?
Trong scandal Việt Nam Phama/H-Capita, hệ thống tư pháp không chỉ bộc lộ sự bầy hầy khi cả công an, viện kiểm sát, tòa án cố tình xác định sai tội danh của ông Hùng và các đồng phạm (chỉ là "buôn lậu") khiến bản án sơ thẩm bị hủy. Hệ thống này còn có một số cá nhân nhận hối lộ 10 tỉ khi thụ lý vụ án. Cuối cùng, vụ nhận hối lộ 10 tỉ được tách ra xử lý riêng, chỉ có ông Ngô Anh Quốc (1/12 bị cáo vụ Việt Nam Pharma/H-Capita), một luật sư và một doanh nhân tham gia "môi giới" bị phạt tù do "đưa hối lộ". Hệ thống tư pháp không tìm ra viên chức nào "nhận hối lộ" để truy cứu trách nhiệm hình sự (4). Có tài liệu nào thuộc loại "mật" và "tuyệt mật" trong hồ sơ vụ án liên quan đến chuyện này không ?..
***
"Bảo mật" đã từng mở lối để AVG bán 95% cổ phần cho MobiFone. Ngay sau khi AVG "loan báo" ý định bán cổ phần cho doanh nghiệp ngoại quốc, Bộ Công an lấy lý do cần "bảo mật" để "khuyến cáo" Bộ Thông tin – Truyền thông phải sắp xếp cho doanh nghiệp trong nước mua lại số cổ phần này. Sở dĩ AVG, MobiFone, các viên chức hữu trách thản nhiên định giá AVG cao hơn giá trị thực 14 lần, MobiFone vui vẻ mua hớ, khiến ngân sách thất thoát 7.000 tỉ đồng vì toàn bộ hồ sơ của thương vụ này được xác định là… mật !
Trung tuần tháng này, khi cùng Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam xem xét các báo cáo về hoạt động của hệ thống tư pháp, bà Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội), bảo với Viện Kiểm sát tối cao và Bộ Công an rằng, không thể chấp nhận việc hai cơ quan này xác định những vi phạm trong hoạt động tư pháp (truy tố sai, kết án oan), số lượng tù nhân chết trong các trại giam, số lượng giám thị trại giam bị kỷ luật… là thông tin… tối mật (5) !
Bà Nga nhấn mạnh, nếu cứ như thế chắc chắn sẽ không thể bảo đảm được sự công minh trong hoạt động tư pháp, đồng thời than rằng, Quốc hội đã góp ý nhiều lần nhưng hệ thống tư pháp không sửa ! Tháng 11 năm 2017, khi góp ý cho Dự luật Bảo vệ bí mật nhà nước, bà Nga từng than về "tình trạng lạm dụng bí mật nhà nước", đóng dấu "mật" vào đủ thứ, kể cả "văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội" nên đại biểu không thể dùng văn bản này để trả lời cử tri ! Bà cảnh báo rằng, nếu không thay đổi thì không bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong phòng – chống tham nhũng và bảo đảm yêu cầu công khai hoạt động tố tụng (6)…
Dự luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã trở thành luật ! Nếu có thời gian xem qua bộ luật này ắt sẽ thấy, tại Việt Nam, "công khai, minh bạch" vẫn chỉ trên "đầu môi, chót lưỡi". Có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất xác định "hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước" cũng thuộc… "phạm vi bí mật nhà nước" (Điểm a, Khoản 3, Điều 7) ! Sự kỳ quái ấy khởi đi từ yêu cầu toàn bộ hoạt động "bảo mật" phải "đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam" (Khoản 1, Điều 3).
Đến giờ, những con dấu xác định thông tin là "Mật", "Tối mật", "Tuyệt mật" vẫn bu bám trên đủ loại văn bản, kể cả văn bản do chính quyền các tỉnh, thành phố phát hành, những nhắc nhở về "bảo mật", răn đe về hậu quả nếu vi phạm Luật Bảo vệ bí mật nhà nước vẫn vang như chuông. Nhìn cho kỹ thì "bảo mật" vẫn là tấm khiên che cho gian nhân, đậy điệm đủ loại tội ác. "Bảo mật" vẫn là một thứ bùa vừa gìn giữ, vừa tạo thêm thế và lực cho âm binh mặc sức tung hoành ! Chín người… đi nhờ chuyên cơ chỉ là chuyện nhỏ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/09/2019
Chú thích :
(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Luat-Bao-ve-bi-mat-nha-nuoc-2018-337064.aspx
(3) https://plo.vn/phap-luat/nhung-dau-mat-tuyet-mat-trong-ho-so-vu-an-vn-pharma-860035.html
(4) https://tuoitre.vn/vu-buon-thuoc-gia-tai-vn-pharma-10-ti-hoa-hong-chay-an-20190704185604977.htm
(5) https://plo.vn/thoi-su/ba-le-thi-nga-hoi-ly-do-mat-trong-bao-cao-cua-cong-an-vks-857680.html
****************
Nguyễn Hạnh Phúc & Nguyễn Chí Dũng phải chịu trách nhiệm vụ 9 người trốn tại Hàn Quốc
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 26/09/2019
"Quá giang" - một cách đi nhờ (đi ké) người khác trong một quãng đường mà (nhấn mạnh) người có xe buộc phải đi qua và người đi nhờ không hề phải trả tiền.
Người ohsat ngôn Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (trái) và Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phải chịu trách nhiệm vụ 9 người trốn tại Hàn Quốc - Ảnh minh họa
"Quá giang" hầu hết thuộc về xe gắn máy, xe hơi. Dưới quê, ngày xưa, có thêm đò, ghe, xuồng, thuyền. Chính vì vậy, chữ "quá giang" (nghĩa là qua sông) xuất phát từ "miệt vườn Nam Bộ").
"Quá giang" - một nét văn hóa của người Việt Nam có từ rất xưa. Đặc biệt, vô cùng phổ biến tại miền Nam trước 1975.
Nhiều nhà văn, kịch tác gia và đạo diễn đã lấy cảm hứng từ nét văn hóa này, để tạo ra nhiều câu chuyện tình lãng mạn, không thiếu những phim kinh dị, ma quái và cả những đề tài về kẻ có đầu óc đen tối lợi dụng "quá giang" để "làm bậy" (cướp của, giết người, hiếp dâm v.v...)
Ai có đi về qua nơi ấy
Một quãng đời thơ, tôi quá giang
Kể từ ngày...
Giặc từ miền Bắc vô đây
Bàn tay nhuốm máu đồng bào
Giặc từ miền Bắc vô đây
Bàn tay nhuốm máu anh em...
...cùng với đời sống đói nghèo và tăm tối phủ trùm cả nước, "quá giang" đã "lặn chìm" mất tăm cùng với "lòng nhân ái" bạc thếch, khi đời sống "làm chủ tập thể" lên ngôi - nơi vốn không dung chứa, dù chỉ một chút xíu "sự khoáng đạt" - thật nhỏ nhoi !
Lúc từng lít xăng, lít dầu trở thành "của hiếm", người ta còn chế ra "xe than" để đáp ứng nhu cầu đi lại của cái thứ "thời đại Hồ Chí Minh" mà người Sài Gòn Xưa cũng như miền Nam không tài nào quên nỗi, những chuyến xe đi nuôi "tù cải tạo" hay những lượt người chui nhủi cho những chuyến đi buôn thời "ngăn sông cấm chợ" ! Làm gì còn "quá giang" để bày tỏ tấm thịnh tình cho người lỡ đường với cái túi tiền trống rỗng !
"Quá giang" đã chết ! Nhân cách người Việt Nam đã lụi tàn lâu lắm rồi !
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về 9 người Việt Nam mất tích trong đoàn thăm của Quốc hội Việt Nam hồi tháng 12/2018, và ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội Photo : RFA
Vì vậy, khi mà Nguyễn Hạnh Phúc (Tổng Tthư ký Quốc hội) và Nguyễn Chí Dũng (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư) gọi 9 người trốn tại Hàn Quốc với cái chữ "đi nhờ" (tức là "quá giang" hay "đi ké") nghĩa là cả 2 ông Cộng Sản này nói láo không biết ngượng !
Bên cạnh đó, Đài VOA phỏng vấn doanh nhân Lê Hoài Anh về chuyện 9 người Việt Nam trốn lại Hàn Quốc, bà Anh cho biết :
"...việc được tháp tùng các nguyên thủ đi công tác nước ngoài là một cơ hội tốt trong công việc kinh doanh, nhờ không khí thân mật trong chuyến chuyên cơ giữa các thành viên cũng như điều kiện thuận lợi để làm việc tại quốc gia điểm đến.
Tuy nhiên, các doanh nhân muốn đăng ký đi tháp tùng nguyên thủ phải là những gương mặt nổi bật trong các lĩnh vực thương mại liên quan tại quốc gia điểm đến, và họ phải đóng tiền mua vé máy bay như khi đi máy bay thương mại..".
Như vậy, đã quá rõ, việc 9 người trốn tại Hàn Quốc, họ phải mua vé - không hề có chuyện miễn phí. Hơn nữa, họ không phải là "kẻ lỡ đường" và chuyến chuyên cơ của nữ công bộc Kim Ngân không phải là "chuyên xe rong ruổi" đâu đó !
"Quá giang" (đi nhờ, đi ké) trước 1975, cũng không được nhìn nhận trong phương tiện xe lửa hay máy bay !
Yêu cầu Bộ Chính trị phải làm cho rõ vai trò của Nguyễn Hạnh Phúc và Nguyễn Chí Dũng đã "tạo điều kiện" cho 9 con người kia làm nhục "đảng thể" mà người Việt Nam phải chịu lây mang tên "quốc thể" !
*********************
Vẫn còn may, vì Ngân đâu có trốn !
Nguyễn Tường Thụy, VNTB, 26/09/2019
Bây giờ người dân Việt Nam mới biết chuyện từ 10 tháng trước do báo chí Hàn Quốc xì ra.
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh : Trọng Đức/TTXVN)
Chuyện rằng Nguyễn Thị Kim Ngân hồi cuối năm 2018 đã dẫn đoàn cán bộ cao cấp của Việt Nam sang thăm Hàn Quốc từ ngày 4 đến 7 tháng 12 năm 2018. Đoàn có 162 người, trong đó có hơn 20 Bộ trưởng, thứ trưởng cao cấp đi riêng một máy bay của hãng Vietnam Airlines và hạ cánh tại sân bay Gimhae (Busan). Nhưng đến khi quay về Việt Nam tại sân bay Incheon thì 9 người đã trốn ở lại Hàn Quốc.
Chuyện này, mãi tối ngày hôm qua 23/9/2019, báo chí và đài truyền hình Hàn Quốc mới đồng loạt đăng tin. Không hiểu sao thông tin đưa ra muộn 10 tháng nhưng lại đồng loạt đăng cùng một lúc.
*
Chuyện có lạ không ? Không lạ.
Trước đây, đã có nhiều thông tin về người Việt Nam đi du lịch xứ "tư bản giãy chết" trốn ở lại. Nổi tiếng nhất là vụ cũng vào tháng 12/2018, cả đoàn từ Việt Nam đi du lịch Đài Loan 153 người thì 152 người trốn ở lại.
Những người ấy là công dân bình thường, có lẽ chẳng chức quyền, hoặc quyền bé, kiếm chác chẳng được là bao. Cũng có thể có người không khó khăn về kinh tế nhưng khao khát tự do nên tìm cách ở lại.
Thiết nghĩ không nên trách cứ họ làm gì. Kể cả báo chí nhà nước lên án, cho rằng họ làm nhục quốc thể thì tình thường cũng không nên trách. Đó là sự lựa chọn của họ. Sau Tháng 4/1975 hàng triệu người Việt, kể cả ở miền Bắc vượt biên, bị kết tội rằng, sự trốn chạy của họ là phản bội Tổ quốc nhưng thực chất họ không có tội. Họ chỉ là nạn nhân. Đi tìm tự do không bao giờ có tội.
Những vụ trốn chạy khỏi đất nước khốn khổ này không lạ. Lạ là ở chỗ, những người có điều kiện không bỏ chạy mà cam chịu hoặc là ảo tưởng về một cuộc sống tuy đầy rẫy khốn khó nhưng có quá nhiều lời hứa hẹn viển công về thiên đường chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra cũng cần cảm thông với những người không có điều kiện hoặc còn nhiều thứ ràng buộc.
Đấy là nói về những dân thường. Còn vụ này là đoàn cán bộ cao cấp của nhà nước Việt Nam do Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu có 9 người trốn ở lại.
Có lạ không ? Cũng không lạ.
Vì con người, ngoài nhu cầu vật chất, còn có nhu cầu tinh thần. Tự do là một thứ nhu cầu tinh thần.
Không lạ nhưng mai mỉa, hài hước. Nó làm cho các vị lãnh đạo đảng và nhà nước mất mặt vì đã có quá nhiều phát ngôn không có thật. Còn có ngượng ngùng, xấu hổ không ? Chắc là không.
Trước hết, phải nhắc đến lời ông Nguyễn Phú Trọng : "Đất nước ta có bao giờ được thế này không ?"
Là lời của ông Nguyễn Minh Triết khi còn làm chủ tịch nước, đòi cùng Cu Ba canh giữ hòa bình thế giới, phân công nhau mỗi nước canh một bán cầu. Thế mới tợn.
Là lời của bà Nguyễn Thị Doan khi làm phó chủ tịch nước : dân chủ nước ta "cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản".
Vậy mà, dân Việt Nam cứ ra nước ngoài là trốn ở lại, không loại trừ cả cán bộ cao cấp của chế độ.
Xin nhắc lại, những chuyện ấy, người Việt Nam không lạ nhưng mai mỉa bởi những lời phát ngôn ngu ngơ hoặc tưởng dân ngu ngơ của mấy vị lãnh đạo cao nhất nước kia. Việc cứ ra nước ngoài là trốn ở lại, nó là những cái "vuốt má" đối với những người phát ngôn ra những câu nói để đời kia(tôi không muốn bắt chước các vị thường dùng từ "cái tát" khi nói về "thế lực thù địch")
*
Bây giờ, có vài lời về Nguyễn Thị Kim Ngân.
Vụ 9 người trong đoàn cán bộ cao cấp trốn ở lại Hàn Quốc, Kim Ngân và nhà nước Việt Nam có biết không ? Dĩ nhiên là biết, vì ai cũng biết đếm, biết phân biệt con số 162 và 151nhưng họ đã ém nhẹm, có lẽ vì quá nhục. Sự việc chỉ bị lộ ra khi 10 tháng sau, báo chí Hàn Quốc đăng tin thì dân chúng Việt Nam mới biết.
Nghe nói Nguyễn Thị Kim Ngân xuất thân từ một cô gái bán vé số ở tỉnh Bến Tre. Từ khi Ngân bước chân vào chính trường, người ta chỉ biết đến bà ta qua những câu chuyện bà ta đưa ông Obama thăm ao cá và cho ông này chứng kiến cách bà ta cho cá ăn. Người ta biết đến bà mặc quần áo lòe loẹt khi đi viếng liệt sĩ, biết bà ta ưỡn ẹo với Tập Cận Bình khi Tàu Cộng đang gây hấn ở Bãi Tư Chính. Kim Ngân còn nổi tiếng với ít nhất 300 bộ áo dài đắt tiền các kiểu (chỉ tính riêng của nhà thiết kế Võ Việt Chung), tiêu tốn tiền ngân sách vài chục tỉ đồng, bất chấp bà ta đã là một bà già U70.
Về vai trò Chủ tịch quốc hội, có lần Nguyễn Thị Kim Ngân đưa dự thảo Luật đặc khu bắt quốc hội thông qua vì "Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật"
Nhưng cuối cùng, bị dân đả đảo nhiều quá, bà ta đã không hoàn thành nhiệm vụ mà ông Trọng giao cho.
Đại khái, việc làm và hình ảnh của Kim Ngân chỉ có vậy. Thế nhưng bà ta lại rất hay cao giọng giáo dục người khác. Ngân đã từng gây phẫn nộ trong nhân dân khi bà ta cho rằng những người lên tiếng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc là những người "ồn ào kích động" và hỏi họ "Đã làm gì cho đất nước chưa ?" Gần đây nhất, giọng lưỡi ấy lặp lại khi bà ta nói : "Luật Thanh niên sửa đổi phải giúp thanh niên đọc vào thấy được mình đã làm gì cho Tổ quốc, chứ không phải để đòi hỏi Tổ quốc làm gì cho mình". Rất nhiều người biết, nội dung này là đạo lời Tổng thống Mỹ John F. Kennedy phát biểu trong bài diễn văn nhậm chức năm 1961 : "Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn. Hãy hỏi : Bạn có thể làm được gì cho tổ quốc". (Ask not what your country can do for you - ask what you can do for your country). Nhưng Ngân lại lập lờ làm cho lớp thanh niên còn ít hiểu biết cử tưởng là lời của "nhà lãnh đạo" Nguyễn Thị Kim Ngân.
Lẽ thường, khi nhắc lời của ai thì phải chú giải, ông A nói, ông B nói... Không chú giải tức là mặc nhiên nhận là lời của mình. Không biết của ai thì cũng phải nói "tôi nghe nói".
Với việc nhắc đi nhắc lại câu nói của ông Kennedy đã trở thành phổ biến cho thấy trình độ chính trị của Ngân chỉ là trình độ của một dư luận viên mới vào nghề.
Nguyễn Thị Kim Ngân còn phát ngôn nhiều câu nghịch nhĩ nữa như "Ngay trong gia đình, nếu bố mẹ không tôn trọng con cái thì ra đời con cái không tôn trọng người khác" hoặc "Nếu đâu đó xảy ra mất dân chủ, dân chủ hình thức, thì đó là cái sai của của tổ chức, cá nhân cụ thể, không phải bản chất nhà nước"...
Trở lại vụ đoàn cán bộ cao cấp của Nguyễn Thị kim Ngân có 9 người trốn ở lại Hàn Quốc. Có lẽ vì Kim Ngân vô tích sự quá nên có người an ủi coi đây là thành tích của bà ta. Rằng, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cài cắm được 9 chiến sĩ cộng sản trung kiên vào đất nước của bọn tư bản giãy chết, để gây dựng cơ sở, làm nội ứng cho Bắc Triều Tiên vào "giải phóng miền Nam" sau này.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : VNTB, 26/09/2019
*********************
'Đi nhờ' bà Kim Ngân rồi trốn ở Hàn Quốc : Việt Nam ‘đang điều tra’ (BBC, 25/09/2019)
Các quan chức cao cấp của Việt Nam thừa nhận họ đã biết từ trước về việc 9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc khi đi cùng Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói với báo Việt Nam '9 người trốn ở lại Hàn Quốc là rất đáng tiếc, chúng tôi buồn lắm'b - Ảnh minh họa
Vụ bỏ trốn hy hữu xảy ra khi bà Kim Ngân dẫn đoàn thăm Hàn Quốc từ 4 đến 7/12/2018, nhưng chỉ mới được truyền thông Hàn Quốc công bố hôm 23/9.
Ngày 25/9, phản ứng về tin của báo Hàn Quốc, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng xác nhận vụ việc có thật.
Theo trang VietnamNet, ông Chí Dũng cho biết bộ của ông khi đó được giao tổ chức các đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo trong các chuyến thăm và làm việc tại các nước cũng như tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại ở nước ngoài.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư 'rất buồn'
"Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc như thế, chẳng may có một cuộc có một số trường hợp trốn lại rất là đáng tiếc. Chúng tôi cũng buồn lắm", Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư nói với báo Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc lập danh sách các doanh nghiệp đi cùng lãnh đạo là do bộ này thành lập thông qua các hiệp hội thông báo cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
"Chúng tôi xét duyệt, xem xét từng trường hợp tham gia. Trong quá trình đó, có thể sơ suất, ai đó lợi dụng sang đó rồi bỏ trốn. Chúng tôi giữ cả hộ chiếu mà họ còn bỏ trốn. Đây là những nhân vật có ý đồ, cố tình, là sự việc đáng tiếc", ông Dũng nói.
Ông Dũng nói thêm : "Chúng tôi đã tích cực phối hợp tìm kiếm nhưng quan trọng nhất là rút ra bài học kinh nghiệm sắp tới làm chặt chẽ hơn nữa. Tuy nhiên, nếu làm chặt quá thì doanh nghiệp lại kêu không tạo điều kiện cho họ".
Trên trang chính thức của Quốc hội Việt Nam ngày 25/9, Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội Việt Nam đang phối hợp với các bên liên quan để tiếp tục xác minh, xử lý.
Thông cáo của Quốc hội nói : "Theo những thông tin ban đầu thì đây là vụ việc liên quan đến những người tham gia Đoàn các doanh nghiệp Việt Nam dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức, không thuộc thành phần Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam".
Quốc hội làm việc với Bộ Công an
Thông cáo nói tiếp : "Thị thực nhập cảnh cấp cho những người này là để đi dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc chứ không phải thị thực ngoại giao, tham dự thành phần Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam".
"Để thuận tiện cho việc tham dự Diễn đàn, Đoàn doanh nghiệp này đã đi nhờ chuyên cơ của Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam. Trước khi Đoàn này về nước, các cơ quan hữu quan đã phát hiện có 09 người bỏ trốn, cố ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật".
Văn bản của Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên xác nhận rằng ngay khi vụ bỏ trốn được phát hiện, Văn phòng Quốc hội đã có văn bản trao đổi với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao để phối hợp Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc và các cơ quan chức năng của Hàn Quốc để tìm đưa những người này trở về Việt Nam.
Nhưng đến nay chỉ mới có hai người được đưa về Việt Nam.
******************
Ai có quyền ‘đi nhờ’ chuyên cơ nguyên thủ ?
Khánh An, VOA, 25/09/2019
Công luận Việt Nam ngày 25/9 càng "dậy sóng"dữ dội hơn sau khi Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí rằng 9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc trong chuyến công tác của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là "đi nhờ".
Đó là chuyên cơ chứ có phải tàu chợ đâu mà nói thế. Nếu là chuyên cơ thì từng người một đều mang danh nghĩa là thành phần của đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc. Ảnh danlambao.com
"9 người này không thuộc thành phần đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam mà thuộc đoàn của Diễn đàn đề nghị đi nhờ chuyên cơ sang kia", báo Thanh Niên dẫn lời Tổng thư ký Quốc hội trả lời báo giới ngày 25/9 về vụ "vượt biên bằng chuyên cơ" của các thành viên trong đoàn tháp tùng chuyến công tác của Chủ tịch quốc hội Việt Nam đến Hàn Quốc vào cuối năm ngoái.
Theo người phát ngôn của Quốc hội, những người bỏ trốn "không thuộc thành phần đoàn ngoại giao của Quốc hội Việt Nam và không được cấp visa ngoại giao".
Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, người từng có kinh nghiệm tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải trong một chuyến công tác sang Nhật, nói với VOA rằng bà "buồn cười" về câu trả lời "coi thường dư luận" của quan chức Việt Nam.
"Đó là chuyên cơ chứ có phải tàu chợ đâu mà nói thế. Nếu là chuyên cơ thì từng người một đều mang danh nghĩa là thành phần của đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc. Tôi nghe như thế thì thấy rất buồn cười. Không thể nào nói như vậy được. Rất coi thường dư luận".
Mặc dù đã xảy ra từ tháng 12 năm ngoái, nhưng thông tin về vụ bỏ trốn của các thành viên trong phái đoàn công tác Việt Nam chỉ được công chúng biết đến sau khi báo chí Hàn Quốc hôm 23/9 loan tin cho biết 2 trong số 9 người bỏ trốn đã bị trục xuất khỏi nước này và 7 người còn lại vẫn "mất tích".
"Đâu có đi free"
Vụ "vượt biên" bằng chuyên cơ nguyên thủ đã khiến công luận Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh những chuyến đi công tác tiêu tốn hàng tỉ tiền thuế của người dân của các quan chức Việt Nam.
Theo doanh nhân Lê Hoài Anh, việc được tháp tùng các nguyên thủ đi công tác nước ngoài là một cơ hội tốt trong công việc kinh doanh, nhờ không khí thân mật trong chuyến chuyên cơ giữa các thành viên cũng như điều kiện thuận lợi để làm việc tại quốc gia điểm đến.
Tuy nhiên, các doanh nhân muốn đăng ký đi tháp tùng nguyên thủ phải là những gương mặt nổi bật trong các lĩnh vực thương mại liên quan tại quốc gia điểm đến, và họ phải đóng tiền mua vé máy bay như khi đi máy bay thương mại.
Với vụ bỏ trốn đang gây chấn động dư luận, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hôm 25/9 nói rằng phía Quốc hội "không biết" thông tin gì về những chi phí mà 9 người bỏ trốn đã đóng góp cho chuyến đi.
"Toàn bộ sinh hoạt đi lại, ăn ở khách sạn chúng tôi cũng không biết vì đều do Bộ Kế hoạch và đầu tư lo", ông Phúc nói và cho biết thêm rằng sau khi làm việc tại Hàn Quốc thì những người tháp tùng Chủ tịch quốc hội lại "đi nhờ về".
Sau lời giải thích của ông Phúc, nhiều ý kiến trên mạng xã hội không những không bị thuyết phục mà còn tỏ ra nghi ngờ về việc có hay không một đường dây "vượt biên" qua đường chuyên cơ, và đâu là động cơ thực sự của những người đã bỏ trốn.
"Điều em rất thắc mắc là ban tổ chức chuyến đi này đã thu được bao nhiêu tiền ??? Mấy đồng chí ấy đâu có đi free [miễn phí] được. Và tại sao tới khi Hàn Quốc phát giác mình mới tỏ tè", tài khoản Facebook tên Nguyễn Võ Anh Trường viết.
Trong khi đó, nhà báo Huy Đức, trong một bài đăng trên Facebook liên quan đến vụ việc, lại đặt câu hỏi về những chuyến chuyên cơ mà theo ông "chỉ riêng tiền thuê sân đỗ đã là một con số khổng lồ với ngân sách của Việt Nam.
"Tại sao bà Ngân (và những người trong bộ tứ) lại dùng hẳn một chuyên cơ cho các chuyến công du ?" khi "những người thực sự đi làm việc cùng họ có khi không đủ để xếp một khoang hạng nhất", nhà báo Huy Đức viết, đồng thời dẫn chứng nhiều trường hợp nguyên thủ của các quốc gia G7 cũng thường dùng máy bay thương mại để đi công tác, thậm chí là máy bay giá rẻ như Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore.
Ai được "đi nhờ" ?
Bình luận về lý do "đi nhờ" chuyên cơ, nhà báo Trương Châu Hữu Danh nói việc tiếp cận "tứ trụ" ở "cự ly gần" là không dễ dàng.
"Những lần họp báo mà có tứ trụ, anh em phóng viên phải qua 2 cửa an ninh, rồi còn kiểm tra trực tiếp máy tính máy ảnh", nhà báo tại Việt Nam cho biết trên trang Facebook.
Theo anh, việc "quá giang" được chuyên cơ của Chủ tịch quốc hội còn khó hơn tiếp cận Hàn Quốc bằng những con đường khác (như đầu tư, học tập, hay xuất khẩu lao động). Vì vậy, việc 9 nhân vật chọn bỏ trốn theo con đường khó khăn này phải có vấn đề.
Một số ý kiến trên mạng xã hội cũng bày tỏ sự nghi ngờ tương tự khi cho rằng việc đi du lịch Hàn Quốc là khá dễ dàng khi chi phí đi tour chỉ khoảng 13 triệu đồng (gần 560 đôla).
Lên tiếng về trách nhiệm tổ chức đoàn tháp tùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong cùng ngày, trả lời với báo giới rằng Bộ này đã "làm hết trách nhiệm" trong việc chọn lọc những người đi theo chuyên cơ của Chủ tịch quốc hội.
"Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc như thế, chẳng may có một cuộc có một số trường hợp trốn lại rất là đáng tiếc. Chúng tôi cũng buồn lắm", ông Dũng nói với Vietnamnet..
Doanh nhân Lê Hoài Anh cũng xác nhận với VOA về quá trình xét duyệt khá chặt chẽ trước đây, vốn do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI phụ trách, trong đó các doanh nhân đăng ký tham gia vào đoàn tháp tùng đều phải trải qua các thủ tục quy định về kiểm tra lý lịch và an ninh.
Nhưng dưới sự quản lý của Bộ Kế hoạch và đầu tư và câu trả lời của người đứng đầu Bộ này, nữ doanh nhân này không khỏi đặt câu hỏi vì sao "con voi lại có thể chui qua lỗ kim" trong vụ bỏ trốn mà bà gọi là "nỗi nhục quốc thể" này.
"Nếu chỉ 1, 2 người tôi còn tin họ bất chợt nổi hứng bỏ trốn chứ đến 9 người thì cháu tôi nó cũng cười khẩy !" bà Hoài Anh nói với VOA.
"Là 1 một người chạy ăn từng bữa nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện trốn lui trốn lủi ở nước ngoài kiếm sống tủi nhục chứ huống gì những vị được ‘chọn lọc, thẩm định hết sức cẩn thận, xem xét từng đối tượng’ như ông Dũng nói. Chỉ có những kẻ chuẩn bị từ trước, có tiền bạc, địa vị và chạy trốn vì lý do nào đó chứ không phải sang đó kiếm từng won mới lọt vào được danh sách thẩm định kỹ càng này".
"Người dân chúng tôi rất muốn biết những vị đi nhờ là như thế nào ? Bằng cách nào họ lọt được vào đoàn và cuối cùng trốn lại ?", bà Lê Hoài Anh nói với VOA.
Hiện danh tính của 9 người bỏ trốn vẫn chưa được các quan chức Việt Nam công bố, mặc dù theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ này vẫn còn đang giữ hộ chiếu của tất cả những người này.
Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Hàn Quốc tham dự diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc diễn ra vào ngày 7/12/2018. Đi cùng bà có hơn 160 người, trong đó có 20 quan chức cấp cao, theo đài truyền hình Hàn Quốc MBC.
Khánh An
Nguồn : VOA, 25/09/2019