Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/06/2022

Putin làm suy yếu Liên bang Nga, bóng ma Đại Nga bị lờn mặt

Minh Nhật, Thùy Dương

Kaliningrad : Thùng thuốc súng có nguy cơ làm chiến tranh Nga-NATO bùng nổ

Trọng Nghĩa, RFI, 22/06/2022

Sau gần bốn tháng chiến tranh ở Ukraine, một điểm nóng mới vừa xuất hiện giữa Moskva và Phương Tây : Vùng lãnh thổ Kaliningrad nhỏ bé của Nga nằm kẹt giữa Lithuania (Litva) và Ba Lan, ngay trong lòng Liên Hiệp Châu Âu và giữa khối NATO. Việc Lithuania áp dụng lệnh trừng phạt của Liên Âu nhắm vào Kaliningrad, và phản ứng tức tối từ Moskva có nguy cơ biến nơi này thành thùng thuốc súng, châm ngòi cho một cuộc xung đột võ trang giữa Phương Tây và Nga.

nga1

Một đoàn tàu chở hành khách tuyến Kaliningrad-Moskva đến ga biên giới Kybartai, Lithuania, ngày 21/06/2022. Reuters – INTS Kalnins

Về mặt địa lý, Kaliningrad chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ, với diện tích khoảng 15.000 km2, lớn hơn một tỉnh của Pháp một chút, và là nơi cư ngụ của khoảng 500.000 dân. Vùng lãnh thổ này thuộc về Nga, nhưng bị cắt đứt với chính quốc, nằm sát biển Baltic và bị kẹp giữa Ba Lan và Lithuania, hai quốc gia vừa thuộc Liên Hiệp Châu Âu, vừa thuộc khối NATO.

Liên lạc trên bộ với Nga được thực hiện qua một hành lang hẹp, dài hơn 60 km, mang tên hành lang Suwalki, chạy dọc theo biên giới Ba Lan-Lithuania đến biên giới Belarus, một nước hiện đang ủng hộ Nga. Ngoài ra còn có tuyến đường sắt nối liền Nga với Kaliningrad xuyên qua Minsk, thủ đô Belarus và Vilnius, thủ đô Lithuania.

Cái gai dưới gót chân NATO

Lợi dụng vị trí của Kaliningrad ngay bên bờ biển Baltic, lại nằm ngay trong lòng EU và NATO, Moskva đã nhanh chóng biến vùng lãnh thổ này thành một tiền đồn quân sự, làm nơi đặt bản doanh của Hạm đội Baltic của Nga, được trang bị vũ khí hùng hậu, với các loại chiến đấu cơ tối tân, như Mig-31K, có thể mang theo tên lửa siêu thanh.

Đáng ngại nhất là loại tên lửa Iskander với tầm hoạt động từ 400 đến 500 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, qua đó đặt nhiều thủ đô lớn của phương Tây trong tầm bắn...

Vào đầu tháng này, Moskva đã tiến hành một cuộc tập trận rầm rộ để thị uy, huy động đến 60 con tàu và 10.000 binh sĩ.

Lithuania áp dụng lệnh trừng phạt Nga của Châu Âu

Do cuộc chiến xâm lược Ukraine, Nga đã bị phương Tây và đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt, và Kaliningrad cũng bị ảnh hưởng. Hôm 19/06 vừa qua, Lithuania đã bắt đầu áp dụng một số biện pháp cấm vận thương mại đối với Kaliningrad, không cho các mặt hàng Nga bị Châu Âu cấm giao dịch trung chuyển qua lãnh thổ của mình để đến vùng lãnh thổ của Nga.

Đối với Lithuania, họ chỉ áp dụng lệnh cấm vận chung của 27 thành viên UE, và cho biết thêm là lệnh cấm chỉ liên quan đến các đoàn xe dùng đường bộ, hay các chuyến tàu chở hàng, còn đường biển và tàu chở hành khách vẫn được cho phép.

Đe dọa trả đũa của Moskva

Quyết định của Lithuania dĩ nhiên đã khiến Nga nổi giận. Chính quyền Moskva hôm qua, 21/06, đã lên án "một hành động thù địch" và đe dọa Lithuania sẽ phải gánh chịu những biện pháp trả đũa "nặng nề".

Như để cho Vilnius hiểu rõ quyết tâm của mình, Moskva đã triệu tập đại sứ Lithuania tại Nga lên để phản đối, đồng thời cử Nikolai Patrushev, người được coi là nhân vật số hai trong chế độ Nga hiện nay, đến Kaliningrad để xem xét tình hình.

Theo Jeff Hawn, một chuyên gia về các vấn đề an ninh Nga, thuộc Viện New Lines, một trung tâm nghiên cứu địa chính trị của Mỹ, chuyến thăm Kaliningrad của ông Patrouchev là "một ví dụ về ý muốn thị uy chính trị, nhằm cho thấy là Moskva xem tình hình là rất hệ trọng".

Về các biện pháp trả đũa từ phía Nga, theo giới phân tích, Moskva rất có thể sẽ đẩy mạnh hơn nữa các cuộc tấn công mạng và tin học vào Lithuania. Nhưng họ cũng lo ngại Nga sẽ có những biện pháp dữ dội hơn.

Trên mạng xã hội Nga, đã có nhiều tiếng nói kêu gọi Moskva dùng võ lực giành quyền kiểm soát hoàn toàn hành lang Suwalki, một hành động chắc chắn sẽ không được NATO để yên.

Nhìn chung, vùng lãnh thổ nhỏ bé Kaliningrad có nguy cơ biến thành một thùng thuốc súng, lôi cuốn Nga và NATO vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Trọng Nghĩa

**************************

Hàng quá cảnh vào Kaliningrad : Liên Âu ủng hộ Lithuania trong cuộc đọ sức với Nga

Trọng Nghĩa, RFI, 21/06/2022

Vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga nhìn ra biển Baltic nhưng nằm giữa biên giới Lithuania (Lithuania) và Ba Lan lại gây căng thẳng giữa Moskva và Vilinius. Sau khi Lithuania quyết định hạn chế một số mặt hàng quá cảnh qua lãnh thổ của họ để vào Kaliningrad, vào hôm 20/06/2022 Nga đã đe dọa trừng phạt Lithuania. Liên Hiệp Châu Âu lập tức lên tiếng ủng hộ thành viên của mình.

nga2

Sơ đồ tuyến giao thương Hành lang Suwalki giữa Ba Lan và Lithuania : Vilnius quyết định hạn chế một số mặt hàng quá cảnh qua lãnh thổ Lithuania để vào Kaliningrad

Phát biểu tại Bruxelles, ông Josep Borrell, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu, cho rằng Lithuania không hề đơn phương hành động chống Nga, mà chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt của Châu Âu khi quyết định cấm vận chuyển một số hàng hóa đến khu vực Kaliningrad của Nga.

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet phân tích :

"Ông Josep Borrell khẳng định : việc giới hạn trao đổi kinh tế và vận chuyển hàng hóa đến Kaliningrad chỉ là hệ quả trực tiếp của gói trừng phạt thứ sáu của Liên Hiệp Châu Âu nhắm vào Nga.

Theo Ngoại trưởng Lithuania, hàng hóa bị phong tỏa là thép và kim loại có chất sắt, trái ngược với những gì thống đốc vùng Kaliningrad của Nga khẳng định khi ông nói đến vật liệu xây dựng, hàng công nghệ và than đá bị ngăn chặn.

Khi Đức Quốc Xã sụp đổ, phân nửa phía bắc của miền Đông Phổ rơi vào tay Moskva, nhưng vùng Kaliningrad - dưới tên gọi Königsberg - đã bị các lãnh thổ của Ba Lan và Lithuania cắt rời khỏi nước Nga.

Đối với Moskva, tuyến giao thương giữa Nga và Kaliningrad là một tuyến nội địa, cho dù trong thực tế hàng hóa vẫn phải đi qua hai nước Belarus và Lithuania, và Vilnius, với tư cách thành viên EU, đã áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Âu nhắm vào Moskva.

Các biện pháp trả đũa mà điện Kremlin dự kiến hiển nhiên mang tính khiêu khích, vì Lithuania là nước có thỏa thuận phòng thủ chung với cả NATO lẫn Liên Âu".

Trọng Nghĩa

*********************

Georgia : Biểu tình lớn đòi chính phủ cải cách để được gia nhập Liên Hiệp Châu Âu

Thùy Dương, RFI, 21/06/2022

Tối thứ Hai, 20/06/2022, khoảng 50.000 người dân Georgia (Gruzia) đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Tbilisi, đòi hỏi chính phủ, bị xem là thân Nga, phải nỗ lực hết mình để nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này được gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Georgia từ 20 năm qua.

nga3

Người biểu tình trước tòa nhà Nghị Viện tại Tbilisi đòi chính phủ cải cách để Georgia gia nhập EU, ngày 20/06/2022  © AP - Shakh Aivazov

Ba phần tư dân số Georgia ủng hộ việc nước này trở thành thành viên Liên Âu. Nỗi lo lắng và thất vọng của dân chúng đã tăng cao sau khi Ủy ban Châu Âu hôm 17/06 từ chối cấp cho Georgia quy chế ứng viên gia nhập Liên Âu và ra điều kiện là Tbilisi phải cải thiện bầu không khí dân chủ, bảo đảm tính độc lập của tư pháp và môi trường tự do cho truyền thông.

Từ Tbilissi, thông tín viên RFI Régis Genté gửi về bài phóng sự :

Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Georgia ​​trong 20 năm qua. Có khong 50.000 người tập trung trước tòa nhà Quốc hội Georgia, trên đại lộ Rustaveli, và đặc biệt có nhiều sinh viên. Họ giương cao lá cờ của Liên Hiệp Châu Âu, cờ Georgia, cờ của NATO và cả quốc kỳ Ukraine.

Đối với các sinh viên, chẳng hạn Salomé, một nữ sinh viên đại học Luật ở Tbilisi, trên má có vẽ lá cờ Ukraine, đây là thời điểm mà tương lai của Georgia được quyết định.

Salomé nói : "Chúng tôi muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và chúng tôi đã sẵn sàng cho điều này. Nhưng chính phủ của chúng tôi lại đang làm tất cả để chia tách chúng tôi khỏi Châu Âu. Chúng tôi cũng ở đây để ủng hộ Ukraine, những người anh em của chúng tôi, họ cần được giúp đỡ. Và chúng tôi ở đây để ủng hộ Ukraine, cũng là để bảo vệ tương lai của chúng tôi".

Nỗi tức giận đối với chính phủ, với đảng "Giấc mơ Georgia" của nhà tài phiệt Bidzina Ivanishvili, là rất lớn. Nhà tài phiệt Bidzina Ivanishvili, ít nhất từ 3 năm nay, cũng là nhân vật đã gia tăng các hành động phá hoại quan hệ giữa Georgia với Châu Âu. Chính sách của ông bị đa số người tuần hành tối thứ Hai tại Tbilisi xem là thân Nga.

Thùy Dương

*************************

Nga thất bại ở Ukraine sẽ đe dọa ngành công nghiệp vũ khí của nước này

Minh Nhật, Dân Việt, 20/06/2022

Những thất bại của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine sẽ dẫn đến sự "sụp đổ" của ngành công nghiệp vũ khí của nước này, John Dobson, một cựu tùy viên Hải quân Anh tại Moscow bình luận.

nga4

Xác các phương tiện quân sự Nga bị phá hủy nằm trong sân của một ngôi nhà ở làng Bohdanivka, phía đông bắc Kiev, vào ngày 12/4. Ảnh News Week.

Trong bài bình luận được đăng trên tờ Sunday Guardian, ông Dobson cho biết, các quốc gia mua phần lớn vũ khí từ Nga đang đặt câu hỏi về độ tin cậy của vũ khí Nga cũng như khả năng giao hàng trong tương lai" của nước này. Lý do dẫn đến sự ngờ vực này được cho là vì những "thất bại" của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga chiếm "19% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí" trên toàn cầu từ năm 2017 đến năm 2021 - chỉ xếp sau Mỹ - nước dẫn đầu với 39% tổng lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu.

Theo ông Dobson, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Nga có thể thất bại trong việc chinh phục Ukraine như việc nhiều tướng lĩnh cấp cao của nước này đã tử trận và nhiều loại vũ khí tối tân Moscow triển khai ở chiến trường Ukraine đã bị phá hủy.

"Các nước đang theo dõi sát sao màn trình diễn ảm đạm của Nga ở Ukraine và đưa ra kết luận của riêng họ. Lời quảng cáo để bán vũ khí của Nga nhìn chung luôn là chúng rẻ hơn và dễ bảo trì hơn so với các lựa chọn thay thế của phương Tây... Nhưng những lời quảng cáo này có thể không còn hiệu quả đối với nhiều quốc gia khi họ đang chứng kiến những tổn thất về trang thiết bị quân sự của Nga trên chiến trường Ukraine", ông Dobson bình luận.

Theo ông Dobson, các chuyên gia đã ước tính rằng, từ đầu cuộc xung đột đến nay Nga mất khoảng 1.000 xe tăng, 50 máy bay trực thăng, 400 khẩu pháo và tỷ lệ hỏng tên lửa của nước này có thể lên tới 60% "do lỗi thiết kế và thiết bị lạc hậu hoặc kém chất lượng". Tuy nhiên, số liệu trên không thể được xác thực một cách độc lập.

Ngoài ra, ông Dobson cũng lưu ý rằng, vì bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, nên Nga có thể khó sản xuất vũ khí hơn khi không thể nhập khẩu nhiều thành phần như bảng mạch từ nước ngoài.

Điều này "có nghĩa là các nước muốn tiếp tục mua xe tăng và máy bay chiến đấu của Nga sẽ phải chờ đợi lâu hoặc tìm kiếm các giải pháp thay thế ở nơi khác để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của họ.

Ông Dobson cũng nhấn mạnh rằng, các quốc gia bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ có thể tận dụng việc Nga đang giảm vai trò xuất khẩu vũ khí để tăng cường chào hàng vũ khí của họ.

"Trong những năm tới, các nhà sử học sẽ đánh giá lại cuộc chiến ở Ukraine và liệt kê vô số hậu quả khôn lường của chiến tranh, đặc biệt là sự sụp đổ của ngành công nghiệp vũ khí của Nga" ông Dobson viết.

Theo News Week

Minh Nhật

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Thùy Dương, Minh Nhật
Read 448 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)