Trọng Nghĩa, RFI, 22/06/2022
Sau gần bốn tháng chiến tranh ở Ukraine, một điểm nóng mới vừa xuất hiện giữa Moskva và Phương Tây : Vùng lãnh thổ Kaliningrad nhỏ bé của Nga nằm kẹt giữa Lithuania (Litva) và Ba Lan, ngay trong lòng Liên Hiệp Châu Âu và giữa khối NATO. Việc Lithuania áp dụng lệnh trừng phạt của Liên Âu nhắm vào Kaliningrad, và phản ứng tức tối từ Moskva có nguy cơ biến nơi này thành thùng thuốc súng, châm ngòi cho một cuộc xung đột võ trang giữa Phương Tây và Nga.
Một đoàn tàu chở hành khách tuyến Kaliningrad-Moskva đến ga biên giới Kybartai, Lithuania, ngày 21/06/2022. Reuters – INTS Kalnins
Về mặt địa lý, Kaliningrad chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ, với diện tích khoảng 15.000 km2, lớn hơn một tỉnh của Pháp một chút, và là nơi cư ngụ của khoảng 500.000 dân. Vùng lãnh thổ này thuộc về Nga, nhưng bị cắt đứt với chính quốc, nằm sát biển Baltic và bị kẹp giữa Ba Lan và Lithuania, hai quốc gia vừa thuộc Liên Hiệp Châu Âu, vừa thuộc khối NATO.
Liên lạc trên bộ với Nga được thực hiện qua một hành lang hẹp, dài hơn 60 km, mang tên hành lang Suwalki, chạy dọc theo biên giới Ba Lan-Lithuania đến biên giới Belarus, một nước hiện đang ủng hộ Nga. Ngoài ra còn có tuyến đường sắt nối liền Nga với Kaliningrad xuyên qua Minsk, thủ đô Belarus và Vilnius, thủ đô Lithuania.
Lợi dụng vị trí của Kaliningrad ngay bên bờ biển Baltic, lại nằm ngay trong lòng EU và NATO, Moskva đã nhanh chóng biến vùng lãnh thổ này thành một tiền đồn quân sự, làm nơi đặt bản doanh của Hạm đội Baltic của Nga, được trang bị vũ khí hùng hậu, với các loại chiến đấu cơ tối tân, như Mig-31K, có thể mang theo tên lửa siêu thanh.
Đáng ngại nhất là loại tên lửa Iskander với tầm hoạt động từ 400 đến 500 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, qua đó đặt nhiều thủ đô lớn của phương Tây trong tầm bắn...
Vào đầu tháng này, Moskva đã tiến hành một cuộc tập trận rầm rộ để thị uy, huy động đến 60 con tàu và 10.000 binh sĩ.
Do cuộc chiến xâm lược Ukraine, Nga đã bị phương Tây và đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt, và Kaliningrad cũng bị ảnh hưởng. Hôm 19/06 vừa qua, Lithuania đã bắt đầu áp dụng một số biện pháp cấm vận thương mại đối với Kaliningrad, không cho các mặt hàng Nga bị Châu Âu cấm giao dịch trung chuyển qua lãnh thổ của mình để đến vùng lãnh thổ của Nga.
Đối với Lithuania, họ chỉ áp dụng lệnh cấm vận chung của 27 thành viên UE, và cho biết thêm là lệnh cấm chỉ liên quan đến các đoàn xe dùng đường bộ, hay các chuyến tàu chở hàng, còn đường biển và tàu chở hành khách vẫn được cho phép.
Quyết định của Lithuania dĩ nhiên đã khiến Nga nổi giận. Chính quyền Moskva hôm qua, 21/06, đã lên án "một hành động thù địch" và đe dọa Lithuania sẽ phải gánh chịu những biện pháp trả đũa "nặng nề".
Như để cho Vilnius hiểu rõ quyết tâm của mình, Moskva đã triệu tập đại sứ Lithuania tại Nga lên để phản đối, đồng thời cử Nikolai Patrushev, người được coi là nhân vật số hai trong chế độ Nga hiện nay, đến Kaliningrad để xem xét tình hình.
Theo Jeff Hawn, một chuyên gia về các vấn đề an ninh Nga, thuộc Viện New Lines, một trung tâm nghiên cứu địa chính trị của Mỹ, chuyến thăm Kaliningrad của ông Patrouchev là "một ví dụ về ý muốn thị uy chính trị, nhằm cho thấy là Moskva xem tình hình là rất hệ trọng".
Về các biện pháp trả đũa từ phía Nga, theo giới phân tích, Moskva rất có thể sẽ đẩy mạnh hơn nữa các cuộc tấn công mạng và tin học vào Lithuania. Nhưng họ cũng lo ngại Nga sẽ có những biện pháp dữ dội hơn.
Trên mạng xã hội Nga, đã có nhiều tiếng nói kêu gọi Moskva dùng võ lực giành quyền kiểm soát hoàn toàn hành lang Suwalki, một hành động chắc chắn sẽ không được NATO để yên.
Nhìn chung, vùng lãnh thổ nhỏ bé Kaliningrad có nguy cơ biến thành một thùng thuốc súng, lôi cuốn Nga và NATO vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Trọng Nghĩa
**************************
Trọng Nghĩa, RFI, 21/06/2022
Vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga nhìn ra biển Baltic nhưng nằm giữa biên giới Lithuania (Lithuania) và Ba Lan lại gây căng thẳng giữa Moskva và Vilinius. Sau khi Lithuania quyết định hạn chế một số mặt hàng quá cảnh qua lãnh thổ của họ để vào Kaliningrad, vào hôm 20/06/2022 Nga đã đe dọa trừng phạt Lithuania. Liên Hiệp Châu Âu lập tức lên tiếng ủng hộ thành viên của mình.
Sơ đồ tuyến giao thương Hành lang Suwalki giữa Ba Lan và Lithuania : Vilnius quyết định hạn chế một số mặt hàng quá cảnh qua lãnh thổ Lithuania để vào Kaliningrad
Phát biểu tại Bruxelles, ông Josep Borrell, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu, cho rằng Lithuania không hề đơn phương hành động chống Nga, mà chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt của Châu Âu khi quyết định cấm vận chuyển một số hàng hóa đến khu vực Kaliningrad của Nga.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet phân tích :
"Ông Josep Borrell khẳng định : việc giới hạn trao đổi kinh tế và vận chuyển hàng hóa đến Kaliningrad chỉ là hệ quả trực tiếp của gói trừng phạt thứ sáu của Liên Hiệp Châu Âu nhắm vào Nga.
Theo Ngoại trưởng Lithuania, hàng hóa bị phong tỏa là thép và kim loại có chất sắt, trái ngược với những gì thống đốc vùng Kaliningrad của Nga khẳng định khi ông nói đến vật liệu xây dựng, hàng công nghệ và than đá bị ngăn chặn.
Khi Đức Quốc Xã sụp đổ, phân nửa phía bắc của miền Đông Phổ rơi vào tay Moskva, nhưng vùng Kaliningrad - dưới tên gọi Königsberg - đã bị các lãnh thổ của Ba Lan và Lithuania cắt rời khỏi nước Nga.
Đối với Moskva, tuyến giao thương giữa Nga và Kaliningrad là một tuyến nội địa, cho dù trong thực tế hàng hóa vẫn phải đi qua hai nước Belarus và Lithuania, và Vilnius, với tư cách thành viên EU, đã áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Âu nhắm vào Moskva.
Các biện pháp trả đũa mà điện Kremlin dự kiến hiển nhiên mang tính khiêu khích, vì Lithuania là nước có thỏa thuận phòng thủ chung với cả NATO lẫn Liên Âu".
Trọng Nghĩa
*********************
Thùy Dương, RFI, 21/06/2022
Tối thứ Hai, 20/06/2022, khoảng 50.000 người dân Georgia (Gruzia) đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Tbilisi, đòi hỏi chính phủ, bị xem là thân Nga, phải nỗ lực hết mình để nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này được gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Georgia từ 20 năm qua.
Người biểu tình trước tòa nhà Nghị Viện tại Tbilisi đòi chính phủ cải cách để Georgia gia nhập EU, ngày 20/06/2022 © AP - Shakh Aivazov
Ba phần tư dân số Georgia ủng hộ việc nước này trở thành thành viên Liên Âu. Nỗi lo lắng và thất vọng của dân chúng đã tăng cao sau khi Ủy ban Châu Âu hôm 17/06 từ chối cấp cho Georgia quy chế ứng viên gia nhập Liên Âu và ra điều kiện là Tbilisi phải cải thiện bầu không khí dân chủ, bảo đảm tính độc lập của tư pháp và môi trường tự do cho truyền thông.
Từ Tbilissi, thông tín viên RFI Régis Genté gửi về bài phóng sự :
Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Georgia trong 20 năm qua. Có khoảng 50.000 người tập trung trước tòa nhà Quốc hội Georgia, trên đại lộ Rustaveli, và đặc biệt có nhiều sinh viên. Họ giương cao lá cờ của Liên Hiệp Châu Âu, cờ Georgia, cờ của NATO và cả quốc kỳ Ukraine.
Đối với các sinh viên, chẳng hạn Salomé, một nữ sinh viên đại học Luật ở Tbilisi, trên má có vẽ lá cờ Ukraine, đây là thời điểm mà tương lai của Georgia được quyết định.
Salomé nói : "Chúng tôi muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và chúng tôi đã sẵn sàng cho điều này. Nhưng chính phủ của chúng tôi lại đang làm tất cả để chia tách chúng tôi khỏi Châu Âu. Chúng tôi cũng ở đây để ủng hộ Ukraine, những người anh em của chúng tôi, họ cần được giúp đỡ. Và chúng tôi ở đây để ủng hộ Ukraine, cũng là để bảo vệ tương lai của chúng tôi".
Nỗi tức giận đối với chính phủ, với đảng "Giấc mơ Georgia" của nhà tài phiệt Bidzina Ivanishvili, là rất lớn. Nhà tài phiệt Bidzina Ivanishvili, ít nhất từ 3 năm nay, cũng là nhân vật đã gia tăng các hành động phá hoại quan hệ giữa Georgia với Châu Âu. Chính sách của ông bị đa số người tuần hành tối thứ Hai tại Tbilisi xem là thân Nga.
Thùy Dương
*************************
Minh Nhật, Dân Việt, 20/06/2022
Những thất bại của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine sẽ dẫn đến sự "sụp đổ" của ngành công nghiệp vũ khí của nước này, John Dobson, một cựu tùy viên Hải quân Anh tại Moscow bình luận.
Xác các phương tiện quân sự Nga bị phá hủy nằm trong sân của một ngôi nhà ở làng Bohdanivka, phía đông bắc Kiev, vào ngày 12/4. Ảnh News Week.
Trong bài bình luận được đăng trên tờ Sunday Guardian, ông Dobson cho biết, các quốc gia mua phần lớn vũ khí từ Nga đang đặt câu hỏi về độ tin cậy của vũ khí Nga cũng như khả năng giao hàng trong tương lai" của nước này. Lý do dẫn đến sự ngờ vực này được cho là vì những "thất bại" của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga chiếm "19% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí" trên toàn cầu từ năm 2017 đến năm 2021 - chỉ xếp sau Mỹ - nước dẫn đầu với 39% tổng lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu.
Theo ông Dobson, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Nga có thể thất bại trong việc chinh phục Ukraine như việc nhiều tướng lĩnh cấp cao của nước này đã tử trận và nhiều loại vũ khí tối tân Moscow triển khai ở chiến trường Ukraine đã bị phá hủy.
"Các nước đang theo dõi sát sao màn trình diễn ảm đạm của Nga ở Ukraine và đưa ra kết luận của riêng họ. Lời quảng cáo để bán vũ khí của Nga nhìn chung luôn là chúng rẻ hơn và dễ bảo trì hơn so với các lựa chọn thay thế của phương Tây... Nhưng những lời quảng cáo này có thể không còn hiệu quả đối với nhiều quốc gia khi họ đang chứng kiến những tổn thất về trang thiết bị quân sự của Nga trên chiến trường Ukraine", ông Dobson bình luận.
Theo ông Dobson, các chuyên gia đã ước tính rằng, từ đầu cuộc xung đột đến nay Nga mất khoảng 1.000 xe tăng, 50 máy bay trực thăng, 400 khẩu pháo và tỷ lệ hỏng tên lửa của nước này có thể lên tới 60% "do lỗi thiết kế và thiết bị lạc hậu hoặc kém chất lượng". Tuy nhiên, số liệu trên không thể được xác thực một cách độc lập.
Ngoài ra, ông Dobson cũng lưu ý rằng, vì bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, nên Nga có thể khó sản xuất vũ khí hơn khi không thể nhập khẩu nhiều thành phần như bảng mạch từ nước ngoài.
Điều này "có nghĩa là các nước muốn tiếp tục mua xe tăng và máy bay chiến đấu của Nga sẽ phải chờ đợi lâu hoặc tìm kiếm các giải pháp thay thế ở nơi khác để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của họ.
Ông Dobson cũng nhấn mạnh rằng, các quốc gia bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ có thể tận dụng việc Nga đang giảm vai trò xuất khẩu vũ khí để tăng cường chào hàng vũ khí của họ.
"Trong những năm tới, các nhà sử học sẽ đánh giá lại cuộc chiến ở Ukraine và liệt kê vô số hậu quả khôn lường của chiến tranh, đặc biệt là sự sụp đổ của ngành công nghiệp vũ khí của Nga" ông Dobson viết.
Theo News Week
Minh Nhật
Theo dõi những cuộc ẩu đả ngôn ngữ của người Việt xung quanh cuộc chiến Nga-Ukraine trên mạng, một người bạn của tôi nói rằng : "Người Việt mình lúc nào cũng chia ra làm hai phe, để rồi cũng chẳng làm gì cả. Đến khi nào người Việt mới biết mình chung một số phận ?".
Một người đàn ông đi giữa đống đổ nát của những ngôi nhà bị quân đội Nga đánh bom ở Bila Tserkva, miền trung Ukraine, hôm 8/3. © AFP / Aris Messinis / AFP
Một phe thì ủng hộ Ukraine, điều này hoàn toàn là một phản xạ tự nhiên của con người. Sự yêu thương, đau xót với đồng loại thực ra là điều không quá trừu tượng, không phải là sản phẩm của tưởng tượng nào đó mà nó nằm ngay trong bản chất của con người. Đôi khi tình cảm này có cả ở động vật. Một phe thì ủng hộ cuộc tấn công của Putin vào Ukraine với những từ ngữ lạnh người : "Chờ đợi tháng Mười", bằng những hình ảnh đổ nát ở Ukraine, cho rằng đó là sự sáng suốt, quyết liệt, táo bạo của Putin dù miệng lưỡi của những người này luôn luôn nói mình yêu hòa bình. Thật không thể tưởng tượng được.
Có phải những hào nhoáng được tô vẽ về một nước Nga vĩ đại đã khiến người ta mất luôn khả năng suy nghĩ ? Người ta lấy ý định để biện luận cho ý kiến một cách gượng gạo và yếu ớt trong khi lẽ ra ý kiến phải chỉ đạo ý định. Thái độ đúng của một người trong thảo luận là luôn luôn ngờ vực những gì mình biết, kiểm chứng lại những ý kiến khác thay vì biểu lộ thái độ một cách quyết liệt, và đặt mình trong tư thế sẵn sàng thay đổi lập trường.
Dường như người Việt hiểu sai về nước Nga rất nhiều và chưa có những nghiên cứu nghiêm chỉnh nào về nước Nga nên mới có những cuộc ẩu đả, mạt sát nhau dữ dội vậy.
Nước Nga hiện tại
Mới đây Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược của nước Nga đã nói rằng cuộc chiến này phải chấm dứt trong vòng hai tuần lễ, nhưng đến nay đã hơn hai tuần rồi mà không có dấu hiệu nào là nó sẽ chấm dứt. Và ngay cả Nga từ đây tới đó có chiếm được Ukraine đi chăng nữa thì cũng sẽ thất bại thôi, bởi vì quân đội Nga chỉ tấn công vào Ukraine bằng máy bay, pháo và xe tăng. Như chúng ta đều biết, xe tăng, pháo và máy bay chỉ có thể tàn phá thôi chứ không có khả năng chiếm đóng, và Nga sẽ không đủ người để chiếm đóng nếu đánh chiếm được toàn bộ Ukraine.
Viễn cảnh quân đội Nga bị sa lầy sẽ bi đát hơn khi chiếm Afghanistan vì Ukraine được cả thế giới ủng hộ nhiệt tình. Có một sự kiện mà chúng ta không thể quên, đó là sự sa lầy của Liên Xô trước đây ở Afghanistan đã dẫn tới sự sụp đổ của cả Liên bang Xô Viết sau đó. Lần này có rất nhiều triển vọng, gần như là chắc chắn, rằng sự sa lầy của Nga tại Ukraine sẽ dẫn tới sự sụp đổ của Liên bang Nga.
Lần này có rất nhiều triển vọng, gần như là chắc chắn, rằng sự sa lầy của Nga tại Ukraine sẽ dẫn tới sự sụp đổ của Liên bang Nga.
Một vài dữ kiện cơ bản để chúng ta hiểu thêm về thực tại nước Nga hiện nay. Nga không có một trọng lượng kinh tế đáng kể trong sự kiện kinh tế thế giới. Tổng sản lượng nội địa của Nga (GDP) chỉ bằng 2% GDP của thế giới. Thu nhập bình quân trên mỗi đầu người ở Nga thấp hơn hẳn mức trung bình của thế giới (năm 2020 Hoa Kỳ : 63.500 USD, Đức : 45.725 USD, Nga : 10.125 USD). Liên bang Nga là một quốc gia không giàu và chưa phát triển cao. Lợi tức lớn nhất của Nga là xuất khẩu dầu khí và vũ khí. Với nguồn lợi tức nay, thay vì dồn mọi cố gắng vào phát triển hạ tầng cơ sở và nâng cao mức sống người dân, Tổng thống Putin trong suốt thời gian cầm quyền đã dồn hết mọi tài nguyên nhân vật lực của đất nước vào quốc phòng, trong mục tiêu được xếp ngang hàng với Hoa Kỳ và Trung Quốc về sức mạnh quân sự. Vì những lý do đó, liên bang Nga vốn chưa giàu nay sẽ nghèo thêm bởi những đòn trừng phạt kinh tế và tài chính của Hoa Kỳ và Liên Âu.
Hiện nay, trên chiến trường Ukraine,một trong những lý do mà các quan sát viên quốc tế chú ý nhất đó là sự lúng túng về việc tiếp liệu cho đoàn quân Nga xâm, và có thể không thể tiếp liệu được nữa nếu cuộc chiến còn kéo dài. Nguồn lương thực của binh lính Nga đang cạn dần, có những nơi lính Nga vào nhà dân tìm kiếm thực phẩm để ăn. Đó là chưa kể tinh thần xuống dốc của binh sĩ trên đường hành quân, đã xảy ra nhiều trường hợp binh lính tự phá hỏng phương tiện di chuyển của mình để viện cớ không thể đi xa hơn.
Thông thường các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây phải mất một thời gian nhất định thì mới có tác dụng, nhưng với Nga là một ngoại lệ, không ai có thể nghĩ rằng những biện pháp đó có tác dụng nhanh đến như vậy. Các công ty công nghệ, các định chế tài chính thế giới đang gấp rút thu hẹp hay tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Nga khiến đời sống của người Nga bị suy giảm trầm trọng. Trước ngày 24/2/2021, ngày quân đội Nga chính thức tiến vào xâm lược Ukraine, nền kinh tế Nga vốn đã yếu kém do đại dịch Covid gây ra, GDP của Nga vốn đã thấp nay còn suy giảm hơn nữa, -19%.
Vì sao nước Nga lại rơi vào tình trạng bi đát như hôm nay ?
Hiểu sai về lịch sử, về dòng chảy của lịch sử thì không thể hành động đúng trong thực tại. Các chế độ độc tài cố tình viết lại lịch sử để biện hộ cho sự độc quyền cai trị của họ, người sẽ không bao giờ họ đạt được ý nguyện, vì lịch sử là lịch sử, không ai có thể sửa đổi được dòng lịch sử.
Người Ukraine đã vượt qua được di sản bạo lực nặng nề để đổi dòng lịch sử, chuyển hóa thành công về dân chủ.
Nếu không đặt biến cố lịch sử trong một bối cảnh lớn mà chỉ coi lịch sử như một số biến cố ngẫu nhiên và cục bộ thì không dễ gì nhìn thấy logic của nó. Có một khảo nghiệm giản dị khả dĩ giải thích được điều này : Trong khoa học, người ta thử nghiệm một phương pháp, một hiện tượng vô số lần và chỉ đưa ra kết luận sau khi đã tìm tòi và hiểu biết tường tận về nó. Tìm hiểu lịch sử cũng thế, nếu ta chỉ đọc lịch sử của riêng nước mình, hiển nhiên ta chỉ thấy các sự kiện lịch sử liên quan đến nước mình. Về lịch sử của những quốc gia khác, ta chỉ cái nhìn phiến diện, do đó không thể có một cái nhìn tổng hợp và hiểu một cách thấu đáo những vấn đề liên quan đến lịch sử của thế giới nói chung và quốc gia liên nói riêng. Để có cái nhìn khách quan tối đa, ta phải xem xét đồng thời khảo nghiệm những sự kiện xảy ra ở các nước khác như thế nào để rút ra một kết luận đúng đắn.
Nước Nga không hề vĩ đại như của bậc cha anh chúng ta thấy hoặc cố tình cho ta thấy. Mục đích của Putin không phải chỉ là chiếm Ukraine mà còn là gây khó khăn cho Mỹ và Liên Âu. Nếu thành đạt những điều như thế, Putin thể hiện trước công chúng Nga như một cứu tinh, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có uy tín buộc các thế lực thù địch phải nễ sợ, từ đó kích thích tinh thần dân tộc cực đoan của người Nga để triệt để ủng hộ mình.
Lịch sử nước Nga đặc biệt hơn lịch sử mọi nước trên thế giới, vì cho tới nửa sau thế kỷ 9, cách đây 1300 năm, không có một quốc gia nào có thể tồn tại lâu trên một lãnh thổ rộng lớn do thời tiết lạnh lẽo khắc nghiệt, đất đai không thể trồng cấy và con người không thể sinh sống được. Vùng đất đó ban đầu không có chính quyền, chỉ có vài nhóm dân phiêu lưu lang bạt đến ở, và giữa họ chỉ có chiến tranh chứ không hề có sự liên đới nào. Vào thế kỷ 9, những nhóm cướp biển Viking gốc anglo-saxon từ Bắc Âu tràn xuống lập nghiệp, họ không còn đi cướp bóc và bắt nô lệ mà bắt đầu có những hoạt động buôn bán bởi các dân tộc ở trung tâm Châu Âu đã biết cách tự vệ. Những nhóm Viking này đi dọc theo những con sông như sông Volga, sông Dnieper vào sâu trong đất liền. Tới cuối thế kỷ 9 họ thành lập ra nước Rus Kiev, rồi sau họ tới chinh phục vùng đất Ukraine, cũng trong cuối thế kỷ 9. Từ hai vùng đất tổ này, dần dần họ chinh phục toàn vùng Ural, tức lãnh thổ Nga bây giờ. Quá trình mở mang và dựng nước của những nhóm di dân này rất man rợ và đẫm máu.
Nước Nga từ khi thành lập (cho tới nay là 12 thế kỷ) chỉ có những kẻ cầm quyền tàn bạo, những lãnh thổ đặt dưới quyền cai trị của họ không bao giờ có tự do hay hòa bình, hôm nay đánh chỗ này ngày mai lại nội chiến chỗ kia. Kể cả những vị vua được người Nga xem là vĩ đại như Peter đại đế cũng hoàn toàn thiếu lòng nhân đạo. Trong 300 năm cuối cùng trước khi bị lật đổ, dòng họ Romanov luôn luôn giết nhau để giành quyền. Người nô lệ trong chế độ phong kiến Nga cũng bị đối xử rất tàn tệ, các vương công, lãnh chúa Nga thích làm gì họ thì làm.
Về mức độ còn tàn bạo, những chế độ vương quyền Nga còn tàn bạo hơn cả chế độ quân chủ tại Việt Nam. Nền quân chủ Việt Nam cũng hung bạo không kém nhưng không có chuyện anh giết em, chú giết cháu để tiếm quyền hiếm (có thể vì Khổng giáo không cho phép nổi loạn và khuyến khích người dân phục tùng vương quyền).
Nga và thế giới dân chủ
Về xung đột giữa Liên bang Xô Viết và Nga với các quốc gia khác, từ sau Thế chiến Hai đến nay chỉ có 2 trường hợp, đó là dưới thời Khrushchev năm 1962 và Putin năm 2022.
Cuộc xung đột căn cứ phóng tên lửa trang bị đầu đạn nguyên tử trên đảo Cuba giữa Mỹ và Liên bang Xô Viết kéo dài 12 ngày (14-28/10/1962). Trước đó Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên bang Xô Viết, Nikita Khruschev, hô hào chống Mỹ và tuyên bố lung tung về việc bị Mỹ bao vây, sau cùng cho xây dựng căn cứ phóng tên lửa mang đầu đạn nguyên tử trên đảo Cuba hướng về nước Mỹ. Chỉ sau khi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy hăm dọa sẽ đánh phủ đầu nếu không rút tên lửa về nước, Khruschev mới thôi.
Đối với Putin, người có nhiệm kỳ lãnh đạo Liên bang Nga lâu nhất hơn 18 năm (31/12/1999-7/5/2008 và từ tháng 5/2012 cho tới nay), mối đe dọa từ phía Ukraine chỉ là một chi tiết nhỏ và không khẩn cấp. Nguy cơ quân đội Ukraine được trang bị hiện đại, và rồi tới một lúc nào đó đánh chiếm Donbass và sáp nhập lại vào lãnh thổ Ukraine. Nhưng theo Putin, mất mát không lớn lắm, Nga vẫn làm chủ bán đảo Crimea với tầm chiến lược không thể chuyển nhượng.
Lo âu thực sự của Putin là vùng biên giới phía tây-bắc, giáp với các quốc gia Baltic và Belarus. Những biến động trong vùng này có ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến Moscow và Saint Peterburg, hai trung tâm kinh tế và chính trị của liên bang Nga. Ba quốc gia vùng Baltic (Estonia, Latvia and Lithuania) tách rời Liên bang Xô Viết và gia nhập Liên Hiệp Châu Âu rồi NATO là chuyện đã rồi, nhưng Nga vẫn còn giữ vùng đất Kaliningrad để canh chừng.
Mối đe dọa từ Belarus lớn hơn. Belarus tuy là một quốc gia riêng lập nhưng thực tế vẫn là chư hầu của Liên bang Nga và rất gắn bó với Moscow. Lukashenko từng dựa vào sự che chở của Putin để lộng hành, bất chấp cả luật lệ quốc tế để đàn áp. Nhưng trong những năm gần đây tình hình Belarus trở nên sôi động vì khát vọng dân chủ lên cao, Putin lo sợ một cuộc cách mạng dân chủ ở đây lật đổ chế độ độc tài của Lukashenko và thành lập một chính quyền thân phương Tây, như vậy Nga càng bị bao vây và làn sóng dân chủ trực tiếp tràn vào Nga lật đổ địa vị lãnh đạo độc tôn của Putin.
Về mặt kinh tế và kỹ thuật, Liên bang Nga rất kém, chỉ giỏi làm vũ khí, hack máy tính và kỹ thuật không gian. Thực ra kỹ thuật không gian của Nga không sản xuất gì ghê gớm cả, về cơ bản chỉ làm hỏa tiễn bắn lên không gian để phô trương với thế giới. Gần như tất cả những dụng cụ sinh hoạt hằng ngày như bàn ghế, dụng cụ điện nội thất, máy tính điện tử, nồi niêu xoong chảo, đều phải nhập khẩu. Lợi tức duy nhất của Liên bang Nga là xuất khẩu dầu khí, bán vàng và vũ khí chiến lược, gần đây thì biết thêm chăn nuôi nhưng đó cũng không phải là kỹ thuật cao.
Nga là một trong những quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới bằng hàng hóa nhập khẩu
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga đã hòa hợp hơn về mặt sắc tộc nhưng vẫn còn khá phức tạp. Khoảng từ 50 đến 60 triệu dân gốc Nga (Slav) sống tập trung quang hai trung tâm Moscow và Saint Peterburg. Putin đã dựa vào đám người Slav này để áp đặt lên các sắc tộc khác cái tinh thần dân tộc cực đoan, khuynh hướng hung hãn của họ.
Liên bang Nga hiện nay có 22 nước cộng hòa, 4 lãnh thổ tự trị và từ 20 đến 30 lãnh thổ bán tự trị. Do đó, có thể nói Liên bang Nga một nửa là đế quốc, một nửa là quốc gia. Theo lẽ thường, một đế quốc khi có khủng hoảng thì sẽ co lại, nhưng với thực thể phức tạp như Liên bang Nga hiện nay thì... làm liều.
Trong thực tế, khối người Nga có thể tồn tại lâu dài ở phía tây nhưng những sắc tộc khác bên trong nước Nga và vùng viễn đông thì đang ngày càng ý thức về quyền tự quyết của họ. Liệu Liên bang Nga có giữ nổi 22 nước cộng hòa đó không ? Có lẽ là không. Nước Nga của người Slav ở Moscow có thể còn nhưng Liên bang Nga hiện nay đang đối mặt nguy cơ tan rã nghiêm trọng.
Belarus và Ukraine là những vùng đất tổ của người Nga nhưng gần đây cũng đã và đang ly khai. Putin đòi EU không được kết nạp Ukraine cũng như NATO phải rút hết căn cứ quân sự khỏi các nước Liên Xô cũ và Đông Âu. Đó là một đòi hỏi vô lý tới nỗi EU và NATO không thèm trả lời. Putin nghĩ rằng NATO đang chết lâm sàng do quan hệ Mỹ-EU rạn nứt nên mới dám xấc xược như vậy.
Trước khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine xảy ra, thái độ của Mỹ cũng không rõ ràng. Ngay sau khi Biden họp với Putin xong, Biden mở một cuộc họp báo và thông tin như thế này : "Nước Nga có thể xâm nhập ở mức độ nhỏ vào Ukraine và cũng có thể xâm nhập ở mức độ nghiêm trọng. Nhưng nếu xâm nhập ở mức độ nghiêm trọng thì Mỹ sẽ can thiệp". Biden không nói sẽ can thiệp như thế nào.
Người ta lại hỏi như vậy là ông cho phép Nga xâm nhập vừa chăng, và định nghĩa xâm nhập vừa là gì ? Thế là phát ngôn viên của Biden và ngoại trưởng Mỹ phải thanh minh rằng : "Xâm nhập nào cũng là xâm nhập, chúng tôi không dung túng". Có thể hiểu điều này rằng : Mỹ sẽ không can thiệp quân sự mà chỉ trừng phạt kinh tế thôi. Tuy nhiên cũng không nên coi thường các đòn kinh tế, SWIFT vừa rồi là một minh chứng. Nga sống chủ yếu bằng bán dầu rồi mua những vật dụng cần thiết - thế nên bị loại khỏi hệ thống SWIFT thì gần như không thể mua bán gì với thế giới, đồng nghĩa với việc lâm vào đường cùng.
Hy vọng nào cho dân tộc Nga
Nga vốn dĩ là một đất nước rất phức tạp. Nó vẫn có các tổ chức đối lập nên dư luận nói chung vẫn cởi mở hơn những nước độc tài còn sót lại, nhưng băng đảng mafia của Putin càng lúc càng siết chặt sự kiểm soát bằng tuyên truyền một chiều, tung tin giả và ám sát đối lập. Chính quyền Putin rất tích cực đẩy mạnh tuyên truyền một chiều về hình ảnh một nước Nga mạnh mẽ đang quay lại vị thế siêu cường nhưng gặp sự chống đối mạnh mẽ của phương Tây. Những thông điệp loại này dễ khiến dân Nga bị mê hoặc, bởi dân trí thấp.
Một cách ngắn gọn về trình độ dân trí Nga : nếu đi từ phía Đông Nga về phía Tây, càng tới gần Châu Âu thì trình độ văn minh và văn hóa của người Nga càng được nâng cao. Khi sang Ukraine, trình độ phát triển dân trí cũng vậy.
St. Petersburg là thành phố giàu nhất Liên bang Nga nhưng so với những thành phố trung bình ở Châu Âu thì mức sống người Nga có phần thua kém hơn. Nước Nga có một số khoa học gia đại tài, nhưng đa số đều là những người từng sống ở Tây Âu, kể cả nhà bác học được xem là vĩ đại nhất của họ là Mendeleev. Nếu so với số nhà bác học của phương Tây thì số nhà bác học Nga rất ít ỏi.
Sở dĩ người Việt thấy nước Nga vĩ đại là qua những tông tin và biện pháp tuyên truyền. Người Nga cũng kém về tư tưởng như người Việt Nam. Sau khi Liên Xô sụp đổ họ cũng không có được một nhà tư tưởng nào, Putin là tay bố già mafia, còn người tiền nhiệm Yeltsin cư xử cũng rất côn đồ và nghiện rượu. Hệ thống KGB cũ vẫn còn ảnh hưởng lớn ở các nước Liên Xô cũ, đặc biệt là Nga, thậm chí nó còn ảnh hưởng lớn tới các nước Đông Âu ngày nay dù đã dân chủ hóa.
"Người Nga không cần dân chủ mà chỉ cần Sa Hoàng thôi" (Vladimir Putin).
Putin có một người bạn thân là tỷ phú, người tỷ phú này thích dân chủ nên cố gắng thuyết phục Putin nhưng chỉ nhận được lời khẳng định : "Người Nga không cần dân chủ mà chỉ cần Sa Hoàng thôi". Thực sự theo góc độ nào đó Putin không sai. Lịch sử nước Nga cực kỳ đẫm máu, giữa các sắc tộc chỉ có hận thù, chính vì vậy dưới góc nhìn như Putin có thể khẳng định : họ cần một Sa Hoàng độc đoán ép buộc tất cả phải bỏ qua hận thù mà sống chung trong một nước Nga thống nhất. Đó cũng là nét đậm nhất trong bản khắc họa của lịch sử Nga.
Người dân Ukraine cho tới khi Liên Xô tan rã chỉ biết tới những chế độ chuyên chế. Khi Liên Xô tan rã người dân Ukraine đã vượt qua được di sản bạo lực nặng nề, bất chấp tình trạng nghèo đói để đổi dòng lịch sử, chuyển hóa thành công về dân chủ. Và đương nhiên, điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ bất chấp tất cả để bảo vệ sự tự do, nền dân chủ dù còn non trẻ của mình dù phải đồng quy vu tận với Nga như lời ông tổng thống Zelensky nói : "Chúng ta đã không chịu trở thành nô lệ và sẽ mãi mãi không bao giờ chấp nhận làm nô lệ. Vì đây là tinh thần chiến đấu của chúng ta và đó cũng chính là bổn phận của chúng ta".
Con người sinh ra vốn có những khả năng bình đẳng như nhau, nhưng bản thân các dân tộc hơn kém nhau vì tổ chức xã hội của họ khác nhau. Bản thân người Nga từng có rất nhiều tiềm năng, nhưng vì tổ chức xã hội sai trái nên họ chỉ có tương lai mù mịt. Trong lịch sử, họ đã là quốc gia sản xuất nhiều vàng nhất thế giới, nhưng hiện tại họ đang bán gần hết trữ lượng của mình để tài trợ những sinh hoạt cấp quốc gia.
Hầu như toàn bộ lịch sử nước Nga đều liên hệ với chế độ nô lệ, thế nên nếu được chọn lựa có lẽ người Nga không muốn sống ở nước Nga. Trong chiều sâu, dân tộc nào không ít thì nhiều cũng xứng đáng với số phận của mình. Nếu quả thực người Nga hiện nay dưới thời Putin cũng nghĩ như nhiều người đang tự hào về họ, rằng nước Nga thật sự vĩ đại thì phải xem chừng. Từ xưa đến nay, tự hào dân tộc vốn là những hô hào vô giá trị vì nó có sẵn trong lòng mỗi người và luôn luôn miễn phí. Tự hào dân tộc ngày nay là biết hòa hợp với những dân tộc khác và cùng xây dựng hòa bình với những quốc gia khác.
Nếu thế kỷ này sẽ chứng kiến những dân tộc có thể vươn lên và phát triển để bắt tìm hạnh phúc thì chắc chắn dân tộc Nga hiện nay không nằm trong số đó. Cầu mong người Nga ý thức được điều này để cùng đứng lên thay đổi dòng chảy của lịch sử và vận mạng của chính họ.
Trần Khánh Ân
(12/03/2022)
Cùng với sự khủng hoảng tạm thời có tính quy luật của toàn cầu hóa, sự sống lại của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc đã đưa Donald Trump lên ngôi hoàng đế Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đã tạo ra Brexit tách Anh ra khỏi một cộng đồng tiên tiến nhất của nhân loại, gợi ý cho Tập Cận Bình kích động sự thèm khát của dân tộc đại Hán dựng lại một đế chế Trung Hoa bằng giấc mơ "con đường tơ lụa" của 1.300 năm trước, giúp Putin lại một lần nữa trúng cử tổng thống Liên bang Nga với cùng một loại tư tưởng kích thích sự nuối tiếc niềm vinh quang đã mất trong lòng người Nga.
Putin lại một lần nữa trúng cử tổng thống Liên bang Nga với cùng một loại tư tưởng kích thích sự nuối tiếc niềm vinh quang đã mất trong lòng người Nga.
Nhưng dân Nga, hay Putin đã không nhận ra, con đường đang đi và buộc phải đi đang dẫn Nga tới sụp đổ lần thứ Hai.
Trả lời câu hỏi phỏng vấn của báo chí ngày hôm trước cuộc bầu cử : "Tổng thống có sự tiếc nuối nào ?", ông Putin đã trả lời không một giây đắn đo : "Sự tan rã của Liên Xô". Đây là tư tưởng xuyên suốt của Putin, là nguồn gốc sức mạnh của Putin cho đến nay, nhưng cũng là sai lầm lớn nhất của Putin sẽ dẫn Putin tới thất bại và Liên bang Nga tới sụp đổ.
Thế giới ngày nay không còn là thế giới sau Đại chiến II. Châu Âu tan tành đã trở thành một cộng đồng biểu tượng của nền văn minh nhân loại, đang càng ngày càng khẳng định một vị trí đầy tiềm năng của xu thế. Nhật đã là một nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu. Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới với một kinh tế có tốc độ tăng trưởng bền vững cao nhất thế giới, sẽ vượt qua Trung Quốc và thậm chí qua Mỹ trong một thời gian không dài. Trung Quốc từ một quốc gia nghèo đói thời Mao Trạch Đông, đã trở thành cường quốc thứ hai, đối đầu trực diện với Mỹ tranh giành ngôi vị đứng đầu. Mỹ dù không còn độc quyền vai trò cảnh sát trật tự thế giới, vẫn là quốc gia đứng đầu ở một khoảng cách đủ lớn để bất cứ một quốc gia nào cũng sẽ sụp đổ nếu theo đuổi một chính sách ganh đua. Nga không còn vị thế đứng đầu một nửa thế giới để tranh hùng với nửa bên kia do Mỹ đứng đầu.
Tư tưởng nuối tiếc quá khứ và cay cú sự tan rã của một siêu cường hàng đầu thế giới đã đẩy Putin tới việc sáp nhập bán đảo Crimea trái luật, gây ra khủng hoảng với Ukraine, dẫn tới khủng hoảng với Châu Âu và toàn bộ thế giới, cô lập Nga và đẩy Nga vào cuộc khủng hoảng cả kinh tế lẫn chính trị.
Nga phải thay đổi tư duy siêu cường theo kiểu Putin đang dẫn dắt dân tộc Nga hiện nay.
Đáng lẽ phải tìm cách xoa dịu khủng hoảng, trước hết với Ukraine và sau đó với Châu Âu, tất nhiên với một cái giá nào đó đủ tương xứng, thì Putin lại chọn giải pháp cố tình đe dọa sự tồn tại của chế độ thân phương tây của Kiev bằng cách ủng hộ lực lượng ly khai thân Nga phía đông Ukraine gây bạo loạn vũ trang, khiến Liên Hiệp Châu Âu vào cuộc và vị thế cô lập của Nga càng trầm trọng.
Một lần nữa, tư duy siêu cường lại dẫn Putin tới một sai lầm khác. Để phá vòng vây của thế giới tại khu vực Ukraine, Putin quyết định tạo ra một khủng hoảng khác : đối đầu với Mỹ và thế giới để bảo vệ chế độ Bashar al-Assad.
Quả thực, sau khi Nga trực tiếp can thiệp vào Syria, sự ồn ào quá mức tại Ukraine chìm xuống. Nga dễ thở hơn tại khu vực này. Nhưng việc mở ra mặt trận thứ hai này, từ đối đầu với Kiev, và chủ yếu với dư luận, Putin đã buộc phải đối đầu vũ trang với toàn bộ phương Tây, với Mỹ, với Châu Âu, với Thổ và Liên minh Ảrập. Cùng với nó là dư luận quốc tế vẫn không hề có lợi cho Nga.
Nga đang sa lầy, và có nguy cơ mất cả hai. Nếu Mỹ và các đồng minh, trong đó có Châu Âu quyết định mở cùng lúc hai mặt trận, nghĩa là cùng với việc cung cấp vũ khí và tài chính cho Kiev mở mặt trận tiêu diệt ly khai phía Đông, sẽ tăng cường quy mô chiến dịch tiêu diệt chính quyền Syria bị coi là khủng bố sử dụng vũ khí hóa học, thì Nga buộc phải đối đầu cuộc chiến với toàn thế giới, và kết quả thất bại là không tránh khỏi.
Bahar al-Assad sẽ bị loại bỏ, ly khai thân Nga phía đông Ukraine sẽ bị tiêu diệt, Kiev sẽ mượn đà lấn lướt để giành lại Crimea. Toàn bộ những chiến tích giúp Putin đắc cử tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ tư biến mất. Mọi chuyện trở lại từ đầu, giống như bà lão tham lam quay trở về với cái máng lợn trong câu chuyện "ông lão đánh cá và con cá vàng".
Nhưng dù tất cả biến mất, Putin và Nga không thể quay lại vị thế trước khi có cụôc sáp nhập Crimea được nữa. Nước Nga đã bị quá cô lập. Thế giới và đặc biệt Châu Âu đã chịu một vết thương quá nặng, không dễ dàng nhanh chóng liền miệng. Nước Nga phải bị trừng phạt. Trong một giai đoạn triết lý lợi ích quốc gia trên hết, thì Nga có ra sao, người dân Nga sẽ như thế nào không làm cho ai động lòng nữa.
Con đường cần phải đi của Nga là dân chủ hóa thật sự theo hình mẫu của Liên Hiệp Châu Âu, là hòa nhập vào thế giới, là thị trường hóa thật sự nền kinh tế, giải phóng năng lực sáng tạo của người Nga và thu hút đầu tư từ tất cả các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị. Một quốc gia mênh mông, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên trí tuệ vào loại đứng đầu nhân loại, tạo ra được một tốc độ tăng trưởng ngang Trung Quốc hay Ấn Độ, không phải là việc khó, nếu thay trừng phạt và bao vây bằng đầu tư và hợp tác. Nga có tất cả những gì Nhật có, cộng với một tài nguyên gấp Nhật hàng trăm lần, nhưng Nhật là nền kinh tế đứng thứ ba thế giới, khi Nga đứng thứ mười, sau Ấn Độ. Cái duy nhất Nhật có mà Nga không có đó là nền dân chủ đích thực, chảy xuôi chiều, chứ không phải ngược chiều, với dòng chảy chung của nhân loại.
Nga phải thay đổi tư duy siêu cường theo kiểu Putin đang dẫn dắt dân tộc Nga hiện nay. Nhưng người Nga đã không nhận ra điều đó, và Putin vẫn trúng cử tổng thống với 76,66%. Putin biết điều đó, nhưng ông ta không thể dứt gánh giữa chừng để vinh quang sụp xuống như một lâu đài bằng cát. Ông đã công bố chuẩn bị cho một người kế tiếp có tuổi đời ở khoảng 40, nghĩa là không thuộc thế hệ Sô Viết, để có cái nuối tiếc ảo tưởng như ông và chắc chắn hiểu và gần thế giới văn minh hơn ông.
Nhưng ông Putin vẫn lầm. Nếu ông còn đứng đấy, ông còn không thể không chấp nhận phải cùng lúc đối phó với hai cuộc chiến, ở cả Syria và Ukraine, và nước Nga sẽ sụp đổ trước khi ông có thể thực hiện ý đồ thay đổi của ông.
Nếu đúng là người ta muốn tiêu diệt một nước Nga ảo tưởng, và trước hết là tiêu diệt sự hợm hĩnh vinh quang của con người Putin, thì chiến tranh sẽ được tổ chức trên cả hai mặt trận. Để thay đổi nước Nga thì đây không phải là giải pháp tốn kém.
Paris, 20/03/2018
Bùi Quang Vơm