Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/09/2019

Cuộc chiến đơn độc của Việt Nam trước Trung Quốc trên Biển Đông

Nhiều tác giả

Lúc nào là thời điểm thích hợp để Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế ?

Phạm Ngọc Minh Trang, RFA, 28/09/2019

Ngày 28/9/2019, Bộ trưởng Ngoại giao – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Đã có những mong đợi là ông sẽ đưa vấn đề căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ra UN lần này để có thể đạt được một nghị quyết lên án Trung Quốc, làm cơ sở cho những vụ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Nhân dịp này, Đài Châu Á Tự Do phỏng vấn bà Phạm Ngọc Minh Trang – Giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học khoa học xã hội nhân văn thành phố Hồ Chí Minh thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam, hiện giờ là học giả theo chương trình Fulbright tại trường Luật thuộc Đại Học New York. Bà Phạm Ngọc Minh Trang vừa có bài viết trên trang Sáng kiến minh bạch hàng hải (thuộc CSIS), phân tích khả năng Việt Nam đưa Trung Quốc ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

kien1

Hình minh họa. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 27/9/2018 AFP

RFA : Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sắp có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong bài viết mới đây của chị đăng trên CSIS, chị có nói vấn đề đưa căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, chị có thể giải thích nguyên nhân tại sao chị đưa ra lập luận như vậy ?

Phạm Ngọc Minh Trang : Một phần theo quan sát và nghiên cứu của chính mình, về vấn đề Biển Đông thì Trung Quốc có bộ phận tuyên truyền vừa đối với người dân trong nước vừa với bên ngoài và các học giả Trung Quốc viết rất nhiều sách, đăng trên rất nhiều tạp chí nghiên cứu chuyên ngành về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên vấn đề Biển Đông do chính phủ Việt Nam hoặc học giả Việt Nam nói ra ngoài thế giới thì chưa có nhiều. Cộng thêm trao đổi của mình với một số giáo sư về luật quốc tế ở trường đại học và Liên Hiệp Quốc thì họ nói là họ chưa nghe nhiều về Việt Nam nói về Biển Đông, họ có nghe Philippines, Indonesia, Malaysia nhưng Việt Nam thì rất ít. Mình nghĩ là Việt Nam cần phải để thế giới nghe nhiều hơn ý kiến của Việt Nam về vấn đề Biển Đông và đặc biệt là Bãi Tư Chính gần đây, nạn nhân trực tiếp là Việt Nam. Mình tìm hiểu thêm thì biết là quyền của mỗi quốc gia thành viên UN là có quyền nêu ý kiến của mình và nêu các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh của thế giới ra Đại hội đồng UN, mà đại hội đồng phải có nghĩa vụ phải lắng nghe và trả lời cho vấn đề này như thế nào.

RFA : Chị có nói khi Việt Nam đưa vấn đề này ra đại hội đồng UN như vậy thì có khả năng UN sẽ có một nghị quyết. Theo chị thì khả năng Việt Nam giành được thắng lợi tức là tạo được một nghị quyết ở phiên họp lần này ra sao ?

Phạm Ngọc Minh Trang : Mình nói vấn đề gì đó thì người ta nghe là một chuyện, người ta ủng hộ mình hay không là một chuyện. Cơ chế ở Đại hội đồng UN để mà ra được một nghị quyết là cơ chế bỏ phiếu. Tất cả mọi quốc gia đều có quyền bỏ phiếu và các phiếu bằng nhau. Tuy nhiên nó phải hơn 50% thì mới có nghị quyết còn không thì sẽ trôi qua luôn. Mình phỏng vấn một số đại diện của các nước ở UN cộng với trao đổi với các nhân viên làm việc trong UN, họ nhận định là hiện giờ sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đại hội đồng UN rất là lớn. Cái thứ hai mình tìm hiểu thêm, Trung Quốc có ảnh hưởng ở Mỹ Latinh, Châu Phi. Thậm chí Trung Quốc có ảnh hưởng ở cả Malasia, Philippines, Campuchia và Lào. Thời điểm hiện nay nếu mình đưa vấn đề này ra và yêu cầu Đại hội đồng UN đưa ra một nghị quyết chỉ trích Trung Quốc và yêu cầu các nước phải kiềm chế các hoạt động của mình không nên gây hấn tại Biển Đông thì nó khó, vì rất có thể lúc mình phát biểu người ta không đến nghe. Có thể họ không xuất hiện khi bỏ phiếu hoặc trường hợp thứ ba mình ra một cái nghị quyết mà được ít phiếu bầu nên không có ý nghĩa lớn. Như trong bài mình viết là không phải là một chiến thắng lớn (big win). Mình phải làm từng bước từng bước trước. Ví dụ mình chuẩn bị về mặt học giả, về mặt báo chí rồi đưa ra Đại hội đồng, chứ hiện giờ đột nhiên đưa ra Đại hội đồng thì hơi khó.

RFA : Như vậy là Việt Nam hiện giờ vẫn chưa chuẩn bị những bước để đưa ra Đại hội đồng như chị nói đúng không ?

Phạm Ngọc Minh Trang : Tình hình của Bộ Ngoại giao và Chính phủ thì mình không rõ lắm, nhưng mình đọc thường xuyên các báo trên thế giới như Diplomat hay của trang CSIS thì thấy ít các bài của học giả Việt Nam trong khi các bài của học giả Trung Quốc rất nhiều. Thậm chí Trung Quốc còn bỏ tiền cho các học giả nước ngoài viết để có lợi cho họ nữa. Minh đọc được những bài đó rất nhiều, nhiều hơn những bài do Việt Nam viết.

RFA : Như vậy chị đánh giá là nó sẽ không có lợi cho Việt Nam khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa vấn đề này ra tại bài phát biểu ở UN vào ngày mai đúng không ạ ?

Phạm Ngọc Minh Trang : Bài phát biểu của Phạm Bình Minh có thể đưa vấn đề an ninh khu vực nói chung. Còn ví dụ như đề cập trực tiếp Việt Nam lên án Trung Quốc ở Bãi Tư Chính thì theo mình nhận định là hơi khó…. Mình còn một hội nghị nữa mà mình có thể đưa vấn đề Biển Đông ra là hội nghị của các nước thành viên của UNCLOS. Nó có hội nghị hàng năm, tất cả các nước tập hợp lại và chia sẻ việc mình thực hiện công ước thế nào thì lúc đó mình có thể trực tiếp nói là Trung Quốc đã vi phạm điều mấy khoản mấy của công ước. Như vậy là rất trực tiếp và gần như là có tác dụng nhiều hơn.

RFAChị có nói rằng Việt Nam đưa vấn đề này ra UN và giả dụ có được một nghị quyết, nghị quyết đó có thể dùng trong các tòa quốc tế. Chị nghĩ thế nào về khả năng Việt Nam sẽ đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế cũng giống như Philippines đưa Trung Quốc đưa ra tòa Trọng tài Quốc tế PCA và có phán quyết vào năm 2016 ?

Phạm Ngọc Minh Trang : Minh sẽ phân tích Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế theo hai mặt. Thứ nhất về thủ tục pháp lý thì mình hoàn toàn có thể thỏa mãn tất cả các điều kiện về mặt pháp lý, mình là người thực hiện các điều khoản của UNCLOS, những nguyên tắc pháp lý, và Trung Quốc là người đang vi phạm. Mình hoàn toàn có thể thắng. Mặt thứ hai là về tác động xã hội thì mình phải nhìn lại việc xuất nhập khẩu với Trung Quốc ra thế nào. Ví dụ Trung Quốc có gây khó khăn cho mình không. Thường một vụ kiện tụng kéo dài 3 đến 5 năm thì lúc đó kinh tế mình bị ảnh hưởng thế nào thì mình phải cân nhắc cái đó. Ngoài ra, còn có một số tiểu thương vừa và nhỏ cũng có hợp tác làm ăn với Trung Quốc thế nào đó, thì ví dụ như mình kiện Trung Quốc thì họ sẽ bị ảnh hưởng thế nào. Họ bị ảnh hưởng trực tiếp thì mình phải quan tâm đến đời sống của họ và có những cái hỗ trợ cho họ thế nào. Cái thứ hai nữa là tại vì mình không thể kiện Trung Quốc ra các tòa miễn phí như ICJ hay ITLOS. ICJ là tòa được thành lập bởi Hiến chương Liên Hiệp Quốc hay ITLOS là tòa được thành lập bởi UNCLOS, hai tòa này mình là thành viên thì mình không cần trả tiền để kiện ở đây. Mà kiện ở đây phải có sự đồng ý giữa mình và Trung Quốc và chắc chắn Trung Quốc sẽ không đồng ý giống vụ của Philippines. Mình phải kiện ở nơi khác là Tòa Trọng tài là nơi Philippines kiện Trung Quốc. Tòa này phải trả nhiều tiền, trả cho từng thẩm phán và tòa và nhiều thứ. Lúc mà Philippines kiện Trung Quốc thì tiền mà Philippines bỏ ra để theo kiện tính bằng % GDP của cả nước trong mấy năm. Cho nên để đưa vụ kiện này ra về pháp lý mình hoàn toàn tin tưởng mình có thể chiến thắng, nhưng các mặt khác mình phải tính toán cho thật kỹ, chuẩn bị thật kỹ.

RFAMột số người nói rằng Việt Nam không cần đưa Trung Quốc ra tòa nữa vì Philippines đã đưa ra rồi và phán quyết của tòa có những cái rất có lợi cho Việt Nam liên quan đến đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên biển. Vậy thì Việt Nam chỉ cần tuyên bố chính thức là Việt Nam chấp nhận phán quyết của tòa năm 2016. Chị có nhận xét gì về ý kiến này ?

Phạm Ngọc Minh Trang : Thực ra Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố chính thức là Việt Nam ủng hộ tòa đưa ra phán quyết. Đó cũng là một bước cho thấy Việt Nam ủng hộ vụ kiện và ủng hộ Philippines. Cái thứ hai về mặt pháp lý thì đây là vụ kiện của hai nước và nó chỉ có giá trị pháp lý của hai nước mà thôi. Nó sẽ luôn luôn có giá trị pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc dù sau nay không còn Philippines hay Trung Quốc đi chăng nữa, nhưng nó sẽ không có giá trị với nước thứ ba. Theo mình biết từ đó đến giờ chưa có quốc gia nào tuyên bố mình sẽ chấp nhận phán quyết đã ra rồi. Ví dụ trong lúc có vụ kiện mà mình đăng ký vào làm bên thứ ba của vụ kiện này và sẽ chịu tác động pháp lý của vụ kiện trong lúc họ đang kiện thì mình có thể. Còn sau đó rồi thì nó chỉ có giá trị pháp lý giữa hai nước mà thôi. Tuy nhiên nếu mình kiện thì mình có quyền dẫn lại những phán quyết trước đây có lợi cho mình.

RFA : Trong bài báo của chị chị có viết là Việt Nam có thể xem xét các bước khác nữa là có được một tuyên bố của ASEAN bày tỏ sự quan ngại về vấn đề Biển Đông. Thực ra ASEAN trong tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 7 cũng bày tỏ quan ngại nhưng họ không nói thẳng là quan ngại mà nói là có một số sự kiện nghiêm trọng xảy ra ở Biển Đông. ASEAN từ trước đến nay cũng luôn tránh chỉ đích danh Trung Quốc, và một số chuyên gia nhận định là ASEAN cũng bị chia rẽ do ảnh hưởng của Trung Quốc. Chị nghĩ Việt Nam có khả năng tạo được một tuyên bố như vậy không và một tuyên bố chung dung như vậy thì giúp được gì cho Việt Nam ?

Phạm Ngọc Minh Trang : Thực ra nó không phải là những tuyên bố chung dung đâu. ASEAN là một tổ chức quan trọng nhất ở Đông Nam Á hiện giờ. Họ đã ra được tuyên bố quan ngại về những sự kiện xảy ra trong khu vực cũng thể hiện phần nào áp lực với các nước có liên quan. Cái thứ hai là về vấn đề ASEAN chia rẽ hiện nay thì vấn đề đó là có. Campuchia, Lào, hay Tổng thống Duterte của Philippines hiện giờ thì khó có thể đưa ra một tuyên bố của ASEAN. Tức là 10 nước phải đồng thuận thì tuyên bố đó mới được công bố. Việt Nam có thể lấy tên ASEAN, tập hợp giữa Việt Nam với Malaysia, Singapore, hay cố gắng có Philippines, gọi là các nước ASEAN, thì lúc đó mình có cái tên ASEAN thì tiếng nói của mình là tập hợp của các nước, không phải là một mình Việt Nam lên tiếng chống lại Trung Quốc. Có được cái tên ASEAN vào thì tốt hơn là chỉ là một cái tên Việt Nam quan ngại.

RFA : Chúng ta phải quay lại ý kiến chị nói lúc nãy về tòa Công lý Quốc tế ICJ, và tòa ITLOS, có một số ý kiến nói rằng là Việt Nam có thể yêu cầu hai tòa ra ý kiến tham vấn về hiệu lực của phán quyết tòa PCA. Người ta cũng nêu những dẫn chứng, những vụ trước đó như giữa Malaysia và Singapore. Chị có thể phân tích liệu Việt Nam có thể áp dụng điều này và nó có lợi gì cho Việt Nam ?

Phạm Ngọc Minh Trang : Để xin được ý kiến tham vấn của các tòa quốc tế thì các quốc gia không thể nào một mình xin ý kiến tham vấn mà phải là một cơ quan của tổ chức quốc tế hay một tổ chức quốc tế nào đó. Ví dụ để xin ý kiến của ICJ thì phải là Đại hội đồng xin ý kiến tham vấn hoặc là Hội đồng bảo an UN xin tham vấn hoặc các cơ quan nhỏ của UN xin tham vấn thì ICJ lúc đó mới có quyền đưa ý kiến tham vấn chứ Việt Nam không có thể nào đưa vào ICJ và nói họ trả lời câu hỏi này… Cho nên bước đầu tiên bao giờ cũng là sự ủng hộ của tất cả các nước, hay đa số các nước của một tổ chức nào đó. Ở đây ICJ thì là Đại hội đồng UN, cũng phải ra được một cái nghị quyết nói rằng Đại hội đồng rất quan ngại về tình hình Biển Đông, và nhơ ICJ tư vấn pháp lý để giải quyết vấn đề hoặc đưa ra những đề xuất pháp lý giải quyết thế nào, thì vấn đề này mới được giải quyết. Tương tự với ITLOS thì cũng phải là một tổ chức quốc tế, bất cứ tổ chức quốc tế nào hoặc một hiệp ước quốc tế giữa các nước trong khu vực ký kết với nhau và yêu cầu là dựa vào hiệp ước đó thì ITLOS trả lời một số câu hỏi liên quan đến pháp lý về một số vấn đề nào đó. Cho nên nếu Việt Nam muốn sử dụng ý kiến tham vấn, thì lúc nào cũng phải tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Đó là một trong những lý do mình nói là Việt Nam phải đưa ra cho quốc tế biết nhiều hơn về vấn đề Biển Đông, phải đưa ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

RFA : Theo phân tích của chị là lúc này Việt Nam chưa có lợi thế để đưa ra bất kỳ tòa nào đúng không ạ ?

Phạm Ngọc Minh Trang : Nhìn chung thì chưa phải là thời điểm thích hợp để đưa ra tòa án. … Những khó khăn đó khiến cho thời điểm lúc này chưa phải là thời điểm thích hợp.

RFA : Xin cảm ơn chị đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Nguồn : RFA, 28/09/2019

*****************

Phải chăng Trung Quốc đã thắng trong ‘cưỡng chiếm Biển Đông’ ?

Nguyễn Hiền, VNTB, 28/09/2019

Trung Quốc tiếp tục đưa dàn khoan dầu sâu vào Biển Đông, trước thời điểm kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

kien2

Tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra trong vùng biển Việt Nam tại Bãi Tư Chính

Thạch Du 982 (Haiyang Shiyou 982, hay Ocean Oil 982), đã đi vào hoạt động vào thứ Bảy ở vùng nước sâu tới 3.000m, theo Chang An Jian, một tài khoản truyền thông xã hội do Ủy ban Chính trị và Pháp lý Trung ương Trung Quốc nắm.

Không cho biết vị trí của giàn khoan, nhưng điều này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Việt Nam vẫn đang tiếp tục so kè với nhau tại vùng Bãi Tư Chính.

Theo SMCP, động thái này nằm trong chuỗi tăng cường nỗ lực thăm dò tài nguyên kể từ năm 2016 nhằm giảm sự phụ thuộc dầu thô vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Thạch Du 982 gợi nhớ lại giàn khoan nước sâu đầu tiên của Trung Quốc – Hải Dương 981 - đi vào hoạt động ở Biển Đông vào năm 2012. Năm 2014, nó đã được chuyển đến đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 30 km, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 222km về phía đông. Và vị trí đặt của Hải Dương 981 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Sự kiện Hải Dương 981 gây ra khủng hoảng ngoại giao hai quốc gia trong suốt mùa hè 2014 và sau đó, làm nổ ra các cuộc biểu tình lớn tại Việt Nam.

Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, cho biết trong một bài báo đã cho rằng, những diễn biến gần đây cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng đẩy mạnh yêu sách hàng hải của mình.

The Diplomat, ngày 26/9, nhận định, Việt Nam đang cho thấy mình ở một vị trí khó khăn, không có nhiều sự hỗ trợ ngoài lời nói, trước một Trung Quốc đầy kiên quyết [về yêu sách].

Điều này phù hợp với những diễn biến thời gian qua, và vào sáng ngày 26/9, Dự án Đại sự ký Biển Đông tiếp tục cập nhật, vẫn chưa tìm được dấu hiệu nào cho thấy hải cảnh Trung Quốc rời khỏi khu vực lô dài 06.1. SỰ thay phiên nhau tìm đến Bãi Tư Chính của nhóm tàu Trung Quốc gắn liền với khu vực Đá Chữ Thập, cho thấy ‘đảo nhân tạo’ hay tiền đồn quân sự mà Trung Quốc xây dựng trái phép đã pháp huy tác dụng trong gây rối và thực hiện mưa đồ biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp của Bắc Kinh.

Điều đáng chú ý là, Trung Quốc đang triển khai một cách tiếp cận yêu sách chủ quyền có phần khác so với trong quá khứ. Theo đó, trước đây Trung Quốc triển khai tàu và ở lại trong một vài tháng trong cùng một khu vực, nhưng lần này – Bắc Kinh chỉ triển khai tàu khảo sát vài tuần rồi rút, sau đó lại quay trở lại.

Và dù có những phản ứng quốc tế đến từ Anh, Mỹ, Úc, Nhật, hay thậm chí là Malaysia, Ấn Độ,… về các va chạm trên Biển Đông, đặc biệt là tại Bãi Tư Chính (thuộc chủ quyền hoàn toàn của Việt Nam) thì theo The Diplomat, ‘dường như Việt Nam sẽ không thể nhận được bất kỳ sự hỗ trợ mạnh mẽ nào từ các đối tác trong khu vực và bên ngoài. Trong khi, Việt Nam khó có thể tự mình chống lại Trung Quốc. [Và] Bắc Kinh dường như đã tính toán chính xác rằng họ không phải sợ bất kỳ sự chống đối nghiêm trọng nào nữa’.

Sở dĩ như vậy, vì bấy lâu nay, so với các ‘mặt trận’ khác, Biển Đông trong mắt EU và Mỹ, cũng như một số quốc gia khác có chỉ số hồ sơ an ninh thấp hơn. Frans-Paul van der Putten, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Clingendael, một nhóm chuyên gia tư duy độc lập ở Hà Lan cho biết : Cho đến vài năm trước, các nước Châu Âu thích giữ chỉ số hồ sơ thấp về các vấn đề an ninh khu vực ở Đông Á.

Kết quả trong tiến trình coi thấp an ninh tại vùng Biển Đông là thời điểm Trung Quốc tận dụng tối đa thời gian và vật lực để bồi đắp chuỗi đảo nhân tạo. Đặc biệt, từ năm 2014 - 2018, Trung Quốc đã gia tăng xây dựng và mở diện tích sửu dụng các đảo mà Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép trên Biển Đông, kết quả, tổng diện tích bồi đắp các vùng đá ngầm trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc cưỡng quyền trái phép) đã lên đến 13,21km, trong đó nhóm đá nhân tạo Vành Khăn, Xu Bi, và Chữ Thập trở thành một ‘tiền đồn quân sự’ trên vùng Biển Đông của Bắc Kinh.

Với Việt Nam – quốc gia đang phải chịu tổn thất lớn nhất trong các hành động quấy rối và cưỡng chiếm chủ quyền Việt Nam. Từng có thời chủ đề Hoàng Sa – Trường Sa là chủ đề cấm kỵ trong báo giới và bàn luận xã hội. Vào năm 2011, bộ phim tài liệu ‘Hoàng Sa Việt Nam : Nỗi đau mất mát’ của ông André Menras - Hồ Cương Quyết được thực hiện tại huyện đảo Lý Sơn và xã Bình Châu thuộc huyện Bình Sơn, nhưng kết quả, đã bị ‘cấm chiếu ở Việt Nam’ dù không ‘vi phạm luật báo chí Việt Nam’. Trước đó, Báo Du Lịch thuộc Tổng Cục Du lịch Việt nam, đã bị đình bản 3 tháng vào năm 2009, vì đăng bài ‘Tản Mạn Đảo Xa’. Các cuộc biểu tình liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa cũng bị triệt khá vì sự ‘nhạy cảm’ của nó trong mắt chính quyền. Trong vấn đề liên quan đến sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, đến nay, cấp lãnh đạo cao nhất lên tướng về vấn đề này là Phó Thủ tướng.

Phải chăng, Trung Quốc đã chiến thắng trước Việt Nam và các nước phương Tây (bao gồm cả Mỹ), trong cuộc chiến thống trị Biển Đông ? Nói cách khác, trong khi Việt Nam lên tiếng tuyên bố ngoại giao về các bằng chứng chủ quyền lịch sử từ thời nhà Nguyễn, Âu-Mỹ lên tiếng về ‘tự do hàng hải’, thì Trung Quốc đã thực thi cưỡng chiếm chủ quyền bằng hành động ?

Và thực tế cho thấy, vào ngày 22/8/2019, trong khi báo Thanh Niên đăng bài ‘Bằng chứng khách quan Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa’. Thì vào năm 2018, Trung Quốc hoàn thành chuỗi đảo nhân tạo : bãi Đá chữ thập, Đá Xu bi ; Đá Vành khăn ; bãi Châu Viên ; đá Gạc Ma ; Đá Ga Ven - Đá Lạc ; Đá Tư Nghĩa (thuộc quần đảo Trường Sa) ; thực hiện cơi nới đảo Phú Lâm và Quang Hòa (quần đảo Hoàng Sa).

Phải chăng Bắc Kinh thực sự đã ‘tính toán đúng’ về rủi ro và cơ hội trong xâm phạm chủ quyền Biển Đông, họ đã thực trọn vẹn kế ‘Vô trung sinh hữu’ (Không có mà làm thành có) trong đó có chủ quyền Việt Nam, nơi mà ‘họ không phải sợ bất kỳ sự chống đối nghiêm trọng nào nữa’ ?

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 28/09/2019

Chú thích :

https://thediplomat.com/2019/09/vietnam-confronts-china-alone/

https://www.malaysia-today.net/2019/07/17/china-blocking-malaysian-and-vietnamese-oil-and-gas-vessels-shows-greater-willingness-to-use-force-think-tank-says/

*******************

Biển Đông : Việt Nam "đơn độc" chống Trung Quốc

Minh Anh, RFI, 27/09/2019

Trang mạng The Diplomat ngày26/09/2019 có bài viết nhận định về những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam tại bãi Tư Chính, Biển Đông. Bài viết đề tựa ngắn gọn : "Việt Nam một mình đối đầu với Trung Quốc".

kien3

Ảnh vệ tinh chụp một nhà giàn khoan của Việt Nam tại Bãi Tư Chính (Biển Đông) AMTI/CSIS

Theo giải thích của tác giả bài viết, Rajeswari Pillai Rajagopalan, mặc dù Việt Nam và Trung Quốc đang lao vào một cuộc đối đầu dữ dội tại Biển Đông nhưng sự việc lại không thu hút được sự quan tâm đầy đủ của thế giới. Trung Quốc gởi một tầu khảo sát và ít nhất 4 tầu tuần duyên. Việt Nam đáp trả qua việc triển khai đội tầu Cảnh sát biển.

Phản ứng của Việt Nam

Đầu tiên tác giả điểm lại diễn biến vụ việc, bắt đầu vào trung tuần tháng 7/2019. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, tố cáo "nhóm tầu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông".

Cuối tháng Bẩy, bà Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định yêu cầu "Trung Quốc rút ngay lập tức các tàu của họ khỏi vùng biển của Việt Nam và tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vì lợi ích mối quan hệ giữa hai nước và vì ổn định và hòa bình cho khu vực". Việt Nam khẳng định rằng họ đã nhiều lần tiếp cận Trung Quốc thông qua một số kênh khác nhau.

Cũng trong cuối tháng 7, Phó thủ tướng, ngoại trưởng, Phạm Bình Minh tại hội nghị ASEAN đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn tiến gần đây tại Biển Đông, liên quan đến các hoạt động của nhóm tầu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, xâm phạm vùng EEZ của Việt Nam và thềm lục địa trong vùng lãnh hải". Ngoại trưởng Việt Nam nói thêm rằng các hoạt động này "đe dọa nghiêm trọng các quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin và gia tăng căng thẳng, do đó làm tổn hại hòa bình và ổn định khu vực".

Tờ báo nhắc lại vùng đặc quyền kinh tế này được vạch ra theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, mà cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều có tham gia ký kết.

Chỉ có điều lần này Trung Quốc tiến hành theo một phương thức khác. Theo ghi nhận của các nhà phân tích Việt Nam, không giống như trong quá khứ, mỗi lần như thế tầu Trung Quốc ở lại đến vài tháng trong cùng một khu vực. Lần này, Trung Quốc để đội tầu ở lại vài tuần trước khi rút đi, để rồi sau đó quay trở lại trong cùng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đầu tháng Tám năm 2019, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo "tầu Hải Dương Địa Chất 8 đã ngưng các hoạt động khảo sát và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía nam". Vài ngày sau, bộ Ngoại giao lại nhận thấy "đội tầu khảo sát Trung Quốc cùng với nhiều tầu hộ tống lại quay trở lại vùng lãnh hải Việt Nam". Chính quyền Hà Nội một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế có phản ứng với tình hình nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Cùng lúc đó, Bắc Kinh bắt đầu đợt tập trận mới gần quần đảo Hoàng Sa.

Bất chấp sự phản đối liên tục của Việt Nam, căng thẳng vẫn tiếp tục, và giờ đã bước sang tháng thứ ba. Cách đây vài ngày, Nguyễn Mạnh Đông, Vụ trưởng Vụ biển, Ủy ban Biên giới Quốc gia, trực thuộc Bộ Ngoại giao, trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, nói rõ là "Tranh chấp là điều không thể tránh khỏi trong việc diễn giải và áp dụng Công ước UNCLOS, nhưng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình thông qua các biện pháp quy định tại Điều 33 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Điều 279 của UNCLOS".

Phản ứng "dè chừng" của quốc tế

Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trong khu vực. Tác giả nhắc lại một loạt các sự cố trong năm nay : Tháng 6, Trung Quốc cho tầu đâm chìm thuyền đánh cá của Philippines tại Bãi Cỏ Rong. Đầu tháng 5, tầu cảnh sát biển Hải Dương 35111 cản trở hoạt động của giàn khoan dầu khí của Malaysia gần đảo Luconia Shoals, ngoài khơi bang Sarawak. Trong một động thái khác để khẳng định yêu sách của mình, Trung Quốc đã tổ chức cuộc đua thuyền Sinan Cup lần thứ 7 tại đảo Duy Mộng, thuộc Hoàng Sa.

Trong tình hình này, chính phủ Việt Nam tìm cách tác động đến các nước Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Úc và nhiều nước khác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đáp lại lời kêu gọi này là gì ? Một sự im lặng và những lời phát biểu "sáo rỗng". Chẳng hạn, Malaysia trong một tài liệu công bố chính sách đối ngoại mới tuyên bố : "Biển Đông phải là khu vực của sự hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng và không phải là nơi đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần của Khu vực Hòa Bình, Tự Do và Trung Lập (ZOPFAN). Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy hơn nữa tầm nhìn này tại ASEAN".

Hay như thông cáo chung ngày 27/08/2019 giữa Việt Nam và Malaysia chỉ nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc tự kiềm chế, phi quân sự hóa và tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển, và điều luật quy định trong UNCLOS 1982 cũng như là tránh các hoạt động có thể gây leo thang căng thẳng".

Các cường quốc ngoài khu vực cũng chỉ có những phát biểu tương tự không hơn không kém. Điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, David Stilwell, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng, "thông qua nhiều hành động phi pháp và quân sự hóa các thực thể có tranh chấp, Bắc Kinh đã và tiếp tục hành động để ngăn chặn các nước thành viên ASEAN tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng ước tính trị giá 2,5 nghìn tỷ đô la".

Còn những cường quốc khác thì dừng lại ở việc nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của tự do hàng hải, như tuyên bố chung New Dehli – Paris nhân chuyến thăm Pháp gần đây của thủ tướng Modi. Hội nghị về Ấn Độ Dương được tổ chức gần đây tại Maldives trong hai ngày 3 và 4 tháng 9, với sự hiện diện của thủ tướng Sri Lanka cùng các ngoại trưởng Singapore và Maldives, cũng chỉ chú trọng vào tự do hàng hải, nhưng một lần nữa không đề cập đến Biển Đông.

Nhật Bản còn có vẻ cứng rắn một chút. Ngoại trưởng Nhật Bản cho rằng Biển Đông là một tuyến đường giao thông quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Vùng này có liên quan trực tiếp đến sự ổn định và hòa bình của khu vực. Do vậy, cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nhật Bản, chú ý nghiêm túc đến tình hình ở Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất kỳ hành động nào của bất kỳ ai nhằm làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Tương tự, Ấn Độ cũng nhấn mạnh rằng "hòa bình và ổn định khu vực mang lại lợi ích bền vững. Ấn Độ giữ vững lập trường ủng hộ tự do lưu thông hàng hải và hàng không, và giao thương hợp pháp không bị cản trở, trong vùng biển quốc tế, tuân thủ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS."

Trước những lời lẽ này, tác giả kết luận : Trong cuộc đối đầu này, Việt Nam có thể sẽ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ mạnh mẽ nào từ các đối tác trong khu vực và bên ngoài. Nhưng Việt Nam cũng khó có thể tự mình chống lại Trung Quốc. Bắc Kinh dường như đã tính toán chính xác rằng họ không phải lo sợ bất kỳ một sự hợp nhất chống đối nghiêm trọng nào.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 27/09/2019

*******************

Việt Nam đưa căng thẳng Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc, tránh nói tên Trung Quốc (RFA, 28/09/2019)

Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hôm 28/9 đã đưa vấn đề căng thẳng ở Bãi Tư Chính giữa Trung Quốc và Việt Nam ra Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) nhưng tránh nói tên Trung Quốc.

kien4

Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9/2019 Screen shot

Trong bài phát biểu dài khoảng 15 phút trước UNGA, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói :

"Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông bao gồm những vụ xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển của Việt Nam đã được xác định bởi UNCLOS (Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982). Các nước liên quan nên kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc làm tăng thêm căng thẳng trên biển, và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật quốc tế, bao gồm UNCLOS"

Phát biểu của Bộ trưởng Phạm Bình Minh về vấn đề Biển Đông đã được trông đợi từ trước đó vì suốt 3 tháng nay Việt Nam đang phải đương đầu với việc Trung Quốc điều tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng tàu hải cảnh và dân binh vào Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp những phản đối từ phía Việt Nam và quốc tế.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng nói đến việc các bên liên quan phải tôn trọng luật quốc tế mà cụ thể là UNCLOS.

"Chúng tôi thúc giục các bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc UNCLOS 1982, vốn được coi như một hiến pháp của đại dương. Nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông rất quan trọng về mặt chiến lược đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Những nỗ lực của các bên liên quan đã đưa lại những kết quả tích cực trong việc giải quyết những khác biệt và tranh chấp"

Cũng trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam không loại trừ khả năng giải quyết các tranh chấp qua cơ chế tòa quốc tế.

"Luật quốc tế là nền tảng cho quan hệ công bằng giữa các quốc gia. Hành động của chúng ta phải tuân theo luật quốc tế. Việt Nam tin rằng việc tuân thủ luật quốc tế là biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn xung đột, và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các tranh chấp. Chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực để giải quyết tranh chấp qua các biện pháp hòa bình theo hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật quốc tế bao gồm cả đàm phán, tham vấn, và qua cơ chế tòa".

Kể từ giữa tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã không ngừng đưa tàu vào vùng biển của Việt Nam, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 3 lần chính thức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng mới đây nói rằng vùng biển ở khu vực Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam phải ngưng toàn bộ các hoạt động khoan tìm dầu khí tại đây.

Trung Quốc nói rằng vùng nước này nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp và Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ. Tuy nhiên theo phán quyết của tòa Trọng tài quốc tế PCA 2016, các thực thể ở khu vực quần đảo Trường Sa không thể coi là các đảo nên không thể có vùng đặc quyền kinh tế. Trong khi đó Bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý căn cứ theo UNCLOS.

Đã có những ý kiến từ những chuyên gia trong và ngoài nước thúc giục chính quyền Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế tương tự như Philippines đã làm hồi năm 2013 và có phán quyết vào năm 2016.

Bà Phạm Ngọc Minh Trang, giảng viên khoa quan hệ quốc tế Đại học khoa học xã hội nhân văn (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) mới đây nói với RFA rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể thắng nếu đưa Trung Quốc ra tòa.

"Về thủ tục pháp lý thì mình hoàn toàn có thể thỏa mãn tất cả các điều kiện về mặt pháp lý, mình là người thực hiện các điều khoản của UNCLOS, những nguyên tắc pháp lý, và Trung Quốc là người đang vi phạm. Mình hoàn toàn có thể thắng".

Tuy nhiên bà Trang cũng nói đến những khó khăn mà Việt Nam sẽ phải đối đầu khi theo đuổi vụ kiện.

"Về tác động xã hội thì mình phải nhìn lại việc xuất nhập khẩu với Trung Quốc ra thế nào. Ví dụ Trung Quốc có gây khó khăn cho mình không. Thường một vụ kiện tụng kéo dài 3 đến 5 năm thì lúc đó kinh tế mình bị ảnh hưởng thế nào thì mình phải cân nhắc cái đó. Ngoài ra, còn có một số tiểu thương vừa và nhỏ cũng có hợp tác làm ăn với Trung Quốc thế nào đó, thì ví dụ như mình kiện Trung Quốc thì họ sẽ bị ảnh hưởng thế nào. Họ bị ảnh hưởng trực tiếp thì mình phải quan tâm đến đời sống của họ và có những cái hỗ trợ cho họ thế nào. ...Mình phải kiện ở nơi khác là Tòa Trọng tài là nơi Philippines kiện Trung Quốc. Tòa này phải trả nhiều tiền, trả cho từng thẩm phán và tòa và nhiều thứ. Lúc mà Philippines kiện Trung Quốc thì tiền mà Philippines bỏ ra để theo kiện tính bằng % GDP của cả nước trong mấy năm. Cho nên để đưa vụ kiện này ra về pháp lý mình hoàn toàn tin tưởng mình có thể chiến thắng, nhưng các mặt khác mình phải tính toán cho thật kỹ, chuẩn bị thật kỹ".

Đã có những ý kiến cho rằng Việt Nam có thể đưa vấn đề ra các tòa quốc tế khác như Tòa công lý Quốc tế ICJ hay tòa của UNCLOS là ITLOS vốn không phải trả tiền vì Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên bà Trang cho biết việc này đòi hỏi phải có sự đồng ý từ Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã từng từ chối phán quyết của tòa PCA trong vụ kiện với Philippines, nên Bắc Kinh cũng có thể sẽ làm tương tự trong trường hợp này.

Cơ chế tham vấn với ITLOS và ICJ cũng đã được nói tới, nhưng để đạt được điều này Việt Nam cũng phải có được tiếng nói ủng hộ của những tổ chức quốc tế như ở Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. 

Quay lại trang chủ
Read 462 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)