Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/10/2019

Tập Cận Bình và “bẫy Thucydides”

Trần Trung Đạo

Việc Tập Cận Bình vừa công khai đưa Trung Cộng trở lại thời Mao, tức một người trị muôn người, cho thấy tham vọng làm vua của y mà báo chí quốc tế phân tích sau đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã thành sự thật.

Con đường đi của Tập về tham vọng không khác gì mục đích của Hitler đối với châu Âu. Giống Hitler, họ Tập thích phô trương.

Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 thu hút 3068 phóng viên báo chí, trong số đó có 60% là báo chí quốc tế. Những vấn đề được thảo luận không chỉ các thành tựu trong quá khứ mà các nhà phân tích gọi là “sự trổi dậy của Trung Quốc phiên bản 1”, mà còn các chiến lược phát triển trong tương lai được gọi là “sự trỗi dậy của Trung Quốc phiên bản 2”, hay thời đại Tập Cận Bình. Khác với “phiên bản 1” tập trung vào phát triển kinh tế, phiên bản 2 sẽ mở rộng đến vai trò của Trung Cộng trong hệ thống thế giới đang tồn tại.

TCB1

Nói vậy chứng tỏ khái niệm “Bẫy Thucydides” đã in sâu vào suy nghĩ của họ Tập từ lâu.

Giống Hitler trong giai đoạn đầu của thập niên 1930, họ Tập ca ngợi hòa bình và hữu nghị dù tại lục địa bộ máy tuyên truyền đang ngày đêm đun sôi lò lửa dân tộc cực đoan Đại Hán.

Hitler phát biểu trước Quốc Hội Đức Quốc Xã năm 1932: “Đức Quốc, và đặc biệt là chính phủ Đức hiện nay không có mong muốn nào khác hơn là được sống trong điều kiện hòa bình và thân hữu với các nước láng giềng… Tôi muốn nhân dân Đức học hỏi để thấy những thực tế lịch sử của các quốc gia khác, trong đó một người hoang tưởng có thể muốn chúng rơi vào quên lãng, nhưng không thể bị lãng quên”.

Tập Cận Bình phát biểu cùng một giọng điệu tại Liên Hiệp Quốc tháng 9, 2015: “Chúng ta nên xây dựng một tinh thần hợp tác qua đó các quốc gia đối xử nhau công bằng, cam kết để tham khảo lẫn nhau và bày tỏ sự hiểu biết hỗ tương.

Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền củng cố Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Tương lai của thế giới tùy thuộc vào sự đóng góp của mọi quốc gia. Tất cả quốc gia đều bình đẳng. Những nước lớn, mạnh, giàu không nên hiếp đáp các nước nhỏ, nghèo và yếu”.

Nhưng khác Hitler, họ Tập đi sau, khôn ngoan hơn, học kinh nghiệm thất bại của Đức Quốc Xã, có thời gian và vốn liếng để chuẩn bị các phương án chinh phục ngắn hạn cũng như lâu dài.

Trong diễn văn đọc tại Seattle tối 22 tháng 9, 2015, Tập Cận Bình phát biểu: ”Không có cái gì gọi là ‘Bẫy Thucydides’ trong thế giới cả. Nhưng nếu các cường quốc tiếp tục phạm phải các sai lầm chiến lược, họ tạo ra bẫy cho chính họ”.

Nói vậy chứng tỏ khái niệm “Bẫy Thucydides” đã in sâu vào suy nghĩ của họ Tập từ lâu.

“Bẫy Thucydides” là gì mà đã làm Tập Cận Bình quan tâm nhiều như vậy?

“Bẫy Thucydides” phát xuất từ câu nói của sử gia Thucydides (460 BC-400 BC) rút ra sau khi nghiên cứu và hoàn thành bộ sử Lịch sử Chiến tranh Peloponnesian (History of The Peloponnesian).

Nguyên văn câu nói của Thucydides: “Sự trổi dậy của Athens và nỗi lo lắng được lan truyền mạnh ở Sparta sẽ làm cho chiến tranh không thể nào tránh khỏi” (It was the rise of Athens and the fear that this inspired in Sparta that made war inevitable.)

Chiến tranh Peloponnesian mà sử gia Thucydides nhắc đến xảy ra giữa hai liên minh thành phố trong thời Cổ Hy Lạp, một bên là Delian do Athens lãnh đạo và Peloponnesian do Sparta lãnh đạo và kéo dài 27 năm với phần thắng cuối cùng thuộc về Sparta.

Đề án “Thucydides’s Trap” tại Harvard Kennedy School tổng kết 16 xung đột xảy ra trong lịch sử thế giới. Trong số đó chỉ có 3 xung đột là tránh được chiến tranh và 13 xung đột khác đã dẫn tới chiến tranh.

Nói một cách dễ hiểu lãnh đạo của các quốc gia trong 13 cuộc chiến đó đã rơi vào “bẫy Thucydides”. Thế chiến thứ nhất và thế chiến thứ hai là hai trường hợp rơi vào bẫy trầm trọng nhất.

Áp dụng vào quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Cộng, câu nói của Thucydides có thể viết lại cho thích hợp: “Sự trổi dậy của Trung Cộng và nỗi lo lắng được lan truyền mạnh tại Mỹ sẽ làm chiến tranh Mỹ-Trung không thể nào tránh khỏi.”

Hai mệnh đề mang tính điều kiện “sự trổi dậy của Trung Cộng” và “sự lo lắng đang lan truyền mạnh tại Mỹ” đều là thực tế xảy ra trong suốt ba chục năm qua từ khi các chính sách đổi mới kinh tế của Đặng Tiểu Bình đầu thập niên 1980.

Để làm giảm “sự lo lắng đang lan truyền mạnh tại Mỹ”, họ Tập dùng miếng mồi kinh tế để lấy lòng và trấn an nỗi lo của giới tư bản Mỹ.

Đảng cộng sản Trung Quốc có thừa tiền đang đầu tư tại các ngân hàng lớn trên thế giới. Tính theo tổng sản lượng nội địa Trung Cộng, nền kinh tế Trung Cộng năm 2016, theo ước tính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) , được xếp vào hạng thứ hai, sau Mỹ, với trên 11 trillion dollars. Những phương tiện xa xỉ này Hitler không có trước thế chiến thứ hai.

Ngoài Mỹ, họ Tập cũng dùng vũ khí kinh tế để mua chuộc, đe dọa các quốc gia đối phương hay có khả năng trở thành đối phương tại Á Châu.

Họ Tập biết phần lớn các quốc gia đang có chung biên giới và quan hệ kinh tế với Trung Cộng, ngoại trừ Lào, cộng sản Việt Nam và Bắc Hàn, đều là các nước dân chủ và tồn tại trên các nguyên tắc dân chủ.

Khái niệm “trung lập” hay “bang giao bình đẳng”, hay “hợp tác cùng có lợi” không tồn tại một khi chiến tranh khu vực hay thế giới xảy ra, nhất là các quốc gia trong vùng độn (buffer states) hay nằm trên trục chiến tranh như Việt Nam.

Theo tinh thần của diễn văn đọc trước đại hội đảng cộng sản Trung Quốc, mục đích tối hậu của Tập Cận Bình là thống trị Á Châu và ảnh hưởng thế giới.

Trung Cộng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nhà nước cộng sản, sẽ là quốc gia quan trọng nhất trên thế giới. Danh từ “cường quốc” được lập lại nhiều lần trong diễn văn của họ Tập.

Tuy nhiên, họ Tập muốn đạt đến mục đích bành trướng đó mà không phải đương đầu trong các xung đột quân sự với Mỹ và các quốc gia đồng minh Nhật, Hàn hay có khả năng trở thành đồng minh như Úc, Ấn, khối ASEAN và cả Cộng đồng Châu Âu có quyền lợi tại Á Châu. Cho đến nay, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông vẫn là điểm nóng nhất trong quan hệ giữa các nước trong vùng.

Nhiều nhà phân tích đồng ý, nếu biết Tập sợ vướng “Bẫy Thucydides” thì thay vì mềm dẻo, hòa hoãn với Tập Cận Bình như Neville Chamberlain đã làm đối với Adolf Hilter, lãnh đạo các quốc gia có quyền lợi bị va chạm phải tỏ ra cứng rắn và có những biện pháp trả đũa thích đáng trước mọi hành vi bành trướng dù rất nhỏ của Tập Cận Bình trên Biển Đông.

Nguồn FB Trần Trung Đạo

Quay lại trang chủ
Read 563 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)