Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/10/2019

Đến với "Những nền tảng của xã hội tự do"

Tâm Don

"Những nền tảng của xã hội tự do" của Eamonn Butler đã giải thích cặn kẽ các nội dung, nội hàm của tự do và ý nghĩa cao quý của tự do bằng lối diễn đạt và văn phong đơn giản, dễ hiểu. 

nentang1

Bìa sách "Những nền tảng của xã hội tự do" (Fundations of Free Society) của Eamonn Butler, Phạm Nguyên Trường dịch, Nhà xuất bản Kiến Tạo ấn hành vào tháng 9/2019

Các quan chức Việt Nam và một số học giả làm việc trong hệ thống công quyền Việt Nam hay nói, hay viết về tự do nhưng họ không đưa ra nội hàm của khái niệm tự do. Có lẽ, trong một xã hội bị cấm đoán như Việt Nam, việc giải thích các nội hàm của tự do chẳng khác nào chính thức xác nhận Việt Nam không có tự do.

Thế giới đã có hàng ngàn cuốn sách viết về tự do và giá trị của tự do, trong đó có cuốn "Những nền tảng của xã hội tự do" của Eamonn Butler. Eamonn sinh năm 1953, là một nhà kinh tế học người Anh. Ông có bằng đại học kinh tế, triết học bà tâm lý học. Năm 1978, Eamonn Butler bảo vệ luận án tiến sĩ (PhD) tại Trường đại học St Andrews. Ông đã từng giữ cương vị giám đốc Viện Adam Smith, một think tank hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách. Eamonn Butler là người viết những cuốn sách triết học chính trị và triết học kinh tế ngắn gọn và dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của các tầng lớp. Phẩm chất hiếm có và độc đáo của Eamonn Butler là ông có thể viết một cuốn sách ngắn gọn, ít hàn lâm, diễn đạt đơn giản hóa các vấn đề phức tạp bằng một thứ tiếng Anh đơn giản nhưng nhuần nhị. Và cuốn sách "Những nền tảng của xã hội tự do" của Eamonn Butler cũng được viết theo chính phong cách của ông, không trộn lẫn vào đâu được.

"Những nền tảng của xã hội tự do" đã được dịch giả Phạm Nguyên Trường - một dịch giả chuyên về dòng sách chính trị và xã hội - dịch sang tiếng Việt, và được Nhà xuất bản Kiến Tạo ấn hành vào tháng 9/2019. "Những nền tảng của xã hội tự do" có 9 mục, với những nội dung chính sau đây :

- Tự do tạo ra thịnh vượng. Tự do giải phóng tài năng, óc sáng tạo và khả năng đổi mới của con người, nó tạo ra của cải mà trước đây chưa có. Những xã hội chào đón tự do đã tự làm cho mình trở thành giàu có, còn những xã hội không chấp nhận tự do vẫn tiếp tục là những kẻ nghèo đói.

- Người dân trong xã hội tự do trở nên giàu có không phải bằng cách bóc lột người khác, như những kẻ ăn trên ngồi trốc trong các nước ít tự do hơn vẫn làm.

- Trong các xã hội tự do, người nghèo là những người được hưởng lợi nhất từ sự năng động của nền kinh tế. Về kinh tế, xã hội tự do bình đẳng hơn xã hội phi tự do.

- Thương mại quốc tế tạo cho các doanh nghiệp những cơ hội mới trên thị trường. Tự do thực sự là một trong những lực lượng nhân từ và hiệu quả nhất trong lịch sử nhân loại.

- Những nỗ lực của chính phủ nhằm cào bằng tài sản hay thu nhập đã chứng tỏ phản tác dụng, không khuyến khích con người lao động và kinh doanh và làm nản lòng những người muốn tích lũy vốn.

- Xã hội tự do là xã hội tự phát, được xây dựng từ các hành động của cá nhân theo những luật lệ thúc đẩy hợp tác hòa bình. Xã hội tự do không phải do quyền lực chính trị áp đặt từ bên trên.

- Trong xã hội tự do, chính phủ có vai trò rất hạn chế. Chính phủ có nhiệm vụ duy trì và thực thi công lý, tức là ngăn chặn, không để công dân của mình bị thiệt hại. Trong xã hội tự do, các nhà lãnh đạo không thể cướp bóc của dân chúng để thu lợi riêng, cũng không ban ân huệ cho bạn bè hay sử dụng quyền lực nhằm chống lại kẻ thù của mình.

- Chính phủ của xã hội tự do là chính phủ tôn trọng nguyên tắc pháp quyền- thượng tôn pháp luật, và tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

- Xã hội tự do khoan dung với tư tưởng và lối sống của người khác, chính quyền trong xã hội tự do không có quyền kiểm duyệt và không có quyền đàn áp tư tưởng.

- Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã làm cho các chính thể độc tài gặp nhiều khó khăn hơn, họ không thể che dấu hành động của mình trước phần còn lại của thế giới. Kết quả là, ngày càng có nhiều nước mở cửa cho thương mại và du lịch, và những tư tưởng mới tràn lan khắp nơi. Ngày càng có nhiều người nhìn thấy những lợi ích của tự do kinh tế và tự do xã hội và đứng lên đòi những quyền tự do đó.

"Những nền tảng của xã hội tự do" của Eamonn Butler đã giải thích cặn kẽ các nội dung, nội hàm của tự do và ý nghĩa cao quý của tự do bằng lối diễn đạt và văn phong đơn giản, dễ hiểu. Có lẽ, Eamonn Butler chọn phong cách này- lối viết này để tất cả mọi người, từ bình dân đến tinh hoa, đều dễ dàng tiếp nhận và hiểu được giá trị của tự do.

Trong phần dẫn nhập của cuốn sách "Những nền tảng của xã hội tự do", Eamonn Butler giải thích nguyên nhân khiến ông viết cuốn sách này : " Cuốn sách này phác thảo những nguyên tắc cốt lõi, định hình xã hội tự do. Cần phải có tác phẩm này vì tự do cá nhân, tự do xã hội, tự do chính trị và tự do kinh tế thực sự là của hiếm- thậm chí ngay cả ở những nước tự coi là tự do".

Cuốn sách "Những nền tảng của xã hội tự do" có lợi cho ai, tổ chức nào, gây bất lợi cho ai, tổ chức nào ? Ông Ali Salman, người sáng lập và giám đốc điều hành Viện nghiên cứu chính sách về kinh tế tự do Islamabad, Pakistan, viết : "…Tác phẩm này là lời giới thiệu tuyệt vời cho những người muốn tìm hiểu những nguyên tắc cơ bản của xã hội tự do. Nó cũng đặc biệt có lợi cho những người đang thúc đẩy tự do ở các nước, nơi những nguyên tắc này vẫn chưa được nhiều người biết tới, nó cũng có lợi đối với những người bảo vệ tự do ở những nơi mà các quyền tự do truyền thống đang bị chà đạp".

Tâm Don

Nguồn : VNTB, 04/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 526 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)