Mỹ, Anh và Đức ra 'cảnh báo đỏ' về ô nhiễm không khí ở Việt Nam
Viễn Đông, VOA 06/10/2019
Nhiều nước phương Tây như Mỹ, Anh và Đức mới phát đi "cảnh báo đỏ" về tình hình ô nhiễm không khí "nguy hiểm" ở các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, khuyến cáo công dân của mình về tác động đối với sức khỏe của họ.
“Mức độ ô nhiễm không khí ở mức cao, thậm chí là nguy hiểm, xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn, có thể làm trầm trọng các bệnh về tim, phổi và hô hấp. Trẻ em, người già và những ai có tiền sử bệnh lý đặc biệt bị ảnh hưởng”, thông báo của Đại sứ quán Anh ở Hà Nội hôm 1/10 có đoạn.
"Mức độ ô nhiễm không khí ở mức cao, thậm chí là nguy hiểm, xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn, có thể làm trầm trọng các bệnh về tim, phổi và hô hấp. Trẻ em, người già và những ai có tiền sử bệnh lý đặc biệt bị ảnh hưởng", thông báo của Đại sứ quán Anh ở Hà Nội hôm 1/10 có đoạn.
Cơ quan ngoại giao của Anh cũng kêu gọi các công dân nước mình ở Việt Nam tìm kiếm thông tin về chất lượng không khí cũng như các biện pháp phòng ngừa trên trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đại sứ quán Anh cũng đưa ra lời khuyên các công dân nước mình truy cập một trang web có liệt kê Chỉ số Chất lượng Không khí Thế giới để xem tình hình ô nhiễm với thời gian thực ở một số thành phố ở Việt Nam.
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, trang web được lập nên năm 2007 ở Trung Quốc cung cấp thông tin về chất lượng không khí cho hơn 88 nước với hơn 11 nghìn trạm theo dõi ở 1000 thành phố lớn trên thế giới, trong đó có trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.
Thông tin tối 1/10 của trạm này cho thấy rằng chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức màu đỏ, tức "không lành mạnh", theo đó "tất cả mọi người có thể bắt đầu bị ảnh hưởng sức khỏe" và "các thành viên của các nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn".
Tin cho hay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phối hợp với Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), "đặt máy giám sát chất lượng không khí trên nhiều cơ sở của mình trên khắp thế giới để cung cấp thông tin giúp bảo vệ sức khỏe của nhân viên và công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài".
Trong khi đó, một máy đo của Đại sứ quán Đức hôm 1/10 cũng ra cảnh báo đỏ rằng chất lượng không khí "không tốt cho sức khỏe".
Ô nhiễm không khí là hiểm họa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người ở Việt Nam, thậm chí có thể nghiêm trọng hơn tai nạn giao thông.
Cảnh báo của Đại sứ quán Đức.
Dưới cảnh báo này, cơ quan ngoại giao Đức ở Hà Nội còn nói tới ảnh hưởng của việc ô nhiễm không khí tới sức khỏe.
"Ô nhiễm không khí là hiểm họa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người ở Việt Nam, thậm chí có thể nghiêm trọng hơn tai nạn giao thông. Các chất gây ô nhiễm không khí được coi là có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường", Đại sứ quán Đức viết. "Theo ước tính của WHO, ô nhiễm không khí là nguyên nhân môi trường hàng đầu gây nên các ca tử vong sớm. Ngoài việc gây ra tử vong sớm, ô nhiễm không khí còn làm tăng tỉ lệ mắc một loạt các bệnh khác (ví dụ như bệnh đường hô hấp, các bệnh tim mạch và ung thư), với những tác động ngắn hạn và dài hạn".
Trong phần đánh giá về "gánh nặng bệnh tật từ ô nhiễm không khí", trang web của WHO ở Việt Nam nói rằng mỗi năm ở Đông Nam Á có gần 1,4 triệu ca tử vong vì loại ô nhiễm này, trong đó ở Việt Nam là 60 nghìn ca.
Cảnh báo của các cơ sở ngoại giao của các nước phương Tây ở Hà Nội được đưa ra đúng ngày chính phủ Việt Nam khuyến cáo "người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp hạn chế ra ngoài, hạn chế tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời" và "nếu có nhu cầu ra ngoài thì nên đeo khẩu trang và kính mắt".
Cùng ngày, ông Vũ Đăng Định, người phát ngôn UBND TP Hà Nội, được báo chí trong nước dẫn lời, chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm, trong đó có khí xả thải từ ôtô, xe máy ; đun bếp than tổ ong, đốt củi ; xây dựng, phá dỡ các công trình ; vận chuyển vật liệu ; đốt rơm rạ, rác ; thu gom rác thải chưa tốt…
Chưa rõ ngay liệu các cảnh báo của các nước trên về tình hình ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn ở Việt Nam có tác động gì tới số du khách nước ngoài tới quốc gia Đông Nam Á này hay không. Tới tối ngày 1/10, trang web của Tổng cục Du lịch Việt Nam chưa có bất kỳ cảnh báo và khuyến cáo nào cho du khách.
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 06/10/2019
*******************
Kẻ nào đã khiến những buồng phổi bị ung thư ?
Trúc Giang, VNTB, 05/10/2019
Đô thị tăng trưởng xanh là đô thị đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động đô thị, nhằm giảm những tác động có ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Không khí ô nhiễm ở Thành phố Hồ Chí Minh
Thông tư đầu tiên được ban hành trong năm 2018 của Bộ Xây dựng có tên "Quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh", hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2018.
Đô thị xanh thua đô thị tiền ?
Trong Thông tư đánh số 01/2018/TT-BXD, thì, "Đô thị tăng trưởng xanh là đô thị đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động đô thị nhằm giảm những tác động có ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên".
Và, "Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh là các hoạt động xây dựng, quy hoạch đô thị ; lập và thực hiện chương trình phát triển đô thị ; đầu tư phát triển đô thị hướng tới đô thị tăng trưởng xanh".
Xanh, hiểu thuần theo nghĩa sắc màu, đó là màu xanh của cây cối nơi đô thị với chức năng là buồng phổi, đóng góp quan trọng trong quá trình trao đổi chất của môi trường sống đô thị, và còn có nhiều tác dụng trong tổng thể hệ sinh thái cảnh quan đô thị.
Nhịp độ công nghiệp hóa, đô thị hóa càng tăng, công việc của mỗi người càng bận rộn và căng thẳng, phát sinh căn bệnh dễ căng thẳng ‘xì – trét’. Cây xanh cảnh quan, hoa đẹp là những phương thuốc giúp cho con người thư giãn dễ chịu, giải toả những ức chế căng thẳng.
Nhiều người khi bị những áp lực của công việc hoặc do một số nguyên nhân khác gây căng thẳng bức xúc thường rất cần tìm được những nơi nghỉ ngơi thư giãn với khu vực thiên nhiên cây xanh cảnh quan đẹp sẽ giúp họ phần nào giải toả dần sự mệt mỏi đó.
Thế nhưng trên thực tế thì sau tháng tư 1975, người ta không chỉ tàn phá rừng với đủ mọi lý do. Trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành đã có hàng chục cổ thụ, cây thân gỗ trên các con phố, vườn hoa, công viên bị chính quyền chặt hạ, bất chấp phản đối của người dân.
Một thống kê được báo chí đăng tải hồi giữa năm nay cho biết, Hà Nội và Sài Gòn có tỷ lệ diện tích cây xanh trung bình trên đầu người khoảng 2m2. Với riêng Sài Gòn, diện tích tính kiểu bình quân đó sở dĩ được con số 2 mét vuông là nhờ vào khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, hay còn gọi là Rừng Sác.
Rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ trở thành ‘buồng phổi’, mà đồng thời còn là ‘trái thận’ có chức năng làm sạch không khí và nước thải từ các thành phố công nghiệp trong thượng nguồn sông Ðồng Nai - Sài Gòn đổ ra biển Ðông. Tuy nhiên chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lại tiếp tục đề nghị chính phủ đồng ý mở rộng thêm 300 ha dọc bờ biển theo hướng về xã Long Hòa cho dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ 2.870 ha.
Trước đó, chính quyền cũng lập dự án mở tuyến đường rộng đến 17 m, dài 3,5 km đi qua vùng lõi rừng ngập mặn Cần Giờ để phục vụ cho các dự án bất động sản nơi đây ; đặc biệt là những dự án của nhóm các nhà đầu tư Vingroup đến từ Hà Nội.
Không lo ‘trồng người’ thì nói gì đến trồng cây !
"Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc ; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc ; chung thân chi kế, mạc như thụ nhân. Nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã ; nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã ; nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã. Ngã cẩu chủng chi, như thần dụng chi, cử sự như thần, duy vương chi môn". Sách Quản Tử, chương Quyền Tu.
Nghĩa là : Kế cho một năm thì không gì bằng trồng lúa ; kế cho mười năm thì không gì bằng trồng cây ; kế cho suốt đời thì không gì bằng đào tạo con người. Trồng một mà lợi ích một đó là lúa ; trồng một mà lợi ích mười, đó là cây ; đào tạo một mà lợi ích một trăm đó là con người. Nếu chúng ta chú trọng đào tạo con người, thì hiệu dụng như thần, làm việc mà thu được hiệu quả thần kỳ thì chỉ có con đường của bậc vương giả mới có thể làm được.
Trở ngược thời gian, chục năm trước, người ta đã chắt lưỡi tiếc rẻ khi nói rằng, ‘ở Sài Gòn, những rặng bàng, xà cừ, hàng me có tuổi đời cả trăm năm trên đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách mạng tháng Tám, Phạm Ngọc Thạch… giờ cũng chỉ đếm trên đầu ngót tay’.
Nay thì đầu ngón tay cũng chẳng còn để mà đếm. Hàng cây trăm năm trên đường Cường Để/Tôn Đức Thắng (trước 1975 mang tên Cường Để) bị đốn bỏ, với tổng cộng 258 cây xanh trên trăm tuổi. Hàng cây ở Hồng Thập Tự/ Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Văn Duyệt/ Cách mạng tháng Tám cũng được chặt bỏ ở nhiều nơi khi các dự án cao ốc văn phòng được chính quyền phê duyệt.
Hoàn toàn dễ hiểu, ngay cả Đà Lạt mà vẫn còn bị tàn phá không thương tiếc những rừng thông, thì nói gì tới những khu đất vàng, những khoảng không gian xanh công cộng ở các khu trung tâm đô thị Sài Gòn luôn có giá trị thương mại, ngày càng bị thu hẹp nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng, khiến gia tăng mật độ dân cư, quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội ; đặc biệt là tình trạng tắc đường, ngập úng, ô nhiễm khói bụi... đang là cơn ung thư của Thành phố Hồ Chí Minh.
Cơn ung thư này đang diễn ra đều khắp cả nước mà người dân không khó để kiểm chứng, khi thời gian gần đây với ứng dụng "AirVisual" dễ dàng cài đặt miễn phí trên điện thoại di động, và cả theo dõi trên web https://www.airvisual.com/, người dân dễ dàng nhận ra mức độ ô nhiễm không khí gần như hàng giờ với độ trễ chỉ khoảng 60 phút, so với hệ thống bảng biểu điện tử đặt ngoài đường phố của chính quyền có độ trễ đến… 30 ngày.
Qua ghi nhận của AirVisual cho thấy mức độ ô nhiễm liên quan mật thiết đến không chỉ khói xả thải từ xe cộ lưu thông, mà còn là từ các nhà máy sản xuất, vì đêm về khuya đường sá vắng xe mà chỉ số ô nhiễm vẫn còn cao ở nhiều địa phương có mật độ tập trung khu công nghiệp. Điều đó cho thấy mặc dù từ 1/1/2011, Việt Nam bắt đầu áp dụng Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với yêu cầu bắt buộc về "kiểm toán năng lượng", song gần như từ đó đến nay việc xả thải gây ô nhiễm vẫn ngày càng trầm trọng ; kể cả vụ xả thải hủy diệt môi trường của dự án Formosa Hà Tĩnh.
Sinh tiền, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam có nói : Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người.
Tuy nhiên, ông ấy nói vậy mà xem ra không trồng được người mấy trong ngay chính nội bộ đảng của ông. Thất bại trong ‘kế trồng người’ của Đảng – Nhà nước Việt Nam đã tạo ra nhiều cơn bệnh ung thư khác nhau, với cả những liều thuốc giả trị ung thư trong đời sống xã hội Việt Nam.
Thay lời kết
Một người bạn của tôi kể rằng ông biết nhiều người ở Sài Gòn, khi nhà có tang cũng thắt khăn tang cho mấy cái cây trong sân. Có người nhắc hoài như nhắc người thân, về một cây táo gai lâu năm ra trái ngọt, một cây khế chua, một cây trứng cá thường rụng trái làm dơ sân. Cây sống lâu với người thành thân thiết, như khi nuôi con mèo con chó.
Hàng cây nói với lề đường
Những khi đổ lá là thường nhớ nhau...
Hai câu thơ gợi cảm trên, được cho là của Nguyễn Tất Nhiên (1952 – 1992). Một cái cây trước sân nhà cũng chứng kiến một cuộc hẹn hò, hai hàng cây trên đường đủ tạo thành một "con đường tình ta đi".
Nhiều người âm thầm đau lòng khi hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng bị chặt bày ra một khoảng đường nắng khó chịu, mất đi dáng vẻ thanh mát của con đường hoa mộng những ngày tháng cũ ; những ngày từ tam giác đại học chạy ra hóng gió bến Bạch Đằng rồi lang thang Tự Do, Lê Lợi…
Sài Gòn đã không còn, thật ngớ ngẩn khi đi tiếc về những hàng cây !
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 05/10/2019
**********************
Thiếu giải pháp chống ô nhiễm không khí : quan liêu hay kém chuyên môn ?
Minh Luật, RFA, 04/10/2019
Trong nhiều ngày qua, hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tục nằm trong top báo động về mức độ ô nhiễm không khí. Nguyên nhân được Bộ Tài nguyên và môi trường nhận định là do "thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi", và khuyến cáo người dân hạn chế ra đường.
Không phải sương mù, Sài Gòn đang hứng chịu đợt ô nhiễm kinh dị nhất
Từ nhận định bởi thời tiết, Bộ này đề ra phương án sẽ lắp đặt thêm các trạm đo quan trắc không khí để cảnh báo kịp thời cho người dân [1].
Với phương án này thì việc hít thở không khí ô nhiễm của người dân trong thời gian tới như trong tình trạng… "sống chung với lũ".
Có vẻ như cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay trong việc đánh giá nguyên nhân thật sự, và bế tắc trong việc đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Chuyên gia nói gì ?
Tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt do bụi mịn gây ra đã được nêu ra tại phiên họp thứ 40 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 1/2019.
Theo đó, việc hít thở không khí được Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Nhân quyền và Môi trường đánh giá là một quyền con người, dưới tên gọi "Quyền được hít thở không khí trong lành" (Right to breathe clean air) .
Vị chuyên gia này cũng đệ trình bản báo cáo nhấn mạnh 7 bước mà các quốc gia phải thực hiện để đảm bảo quyền hít thở không khí trong lành. Bảy bước này bao gồm : 1) theo dõi chất lượng không khí ; 2) đánh giá các nguồn gây ô nhiễm không khí ; 3) công khai thông tin để công chúng giám sát ; 4) thiết lập tiêu chuẩn chất lượng không khí ; 5) phát triển kế hoạch hành động ; 6) hành động và thực thi những tiêu chuẩn ; và 7) đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn [2].
Báo cáo viên của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, ở mỗi giai đoạn, các quốc gia phải đảm bảo rằng công chúng phải được tiếp cận đầy đủ thông tin và có cơ hội để tham gia vào quá trình ra quyết định.
Điều đáng ngạc nhiên là 7 bước được chuyên gia Liên Hợp Quốc nêu ra đã không được đảm bảo thực hiện tại Việt Nam.
Quan liêu và kém chuyên môn
Ngay từ bước đầu tiên, Bộ Tài Nguyên Môi trường là cơ quan mang chức năng theo dõi chất lượng không khí đã thất bại trong việc phát hiện ra tình trạng ô nhiễm. Người dân thông qua ứng dụng phần mềm đo quan trắc không khí IQAir AirVisual, đã phát hiện và báo động cho nhau trên mạng xã hội về tình trạng không khí độc hại trước cả khi Bộ Tài nguyên và môi trường thừa nhận sự nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm.
Việc Bộ này lên tiếng khuyến cáo sau đó và lên kế hoạch lắp đặt thêm các trạm đo quan trắc không khí chỉ là một liệu pháp tình thế nhằm trấn an dư luận, khi công chúng đã biết và đã phòng thủ bằng mặt nạ và khẩu trang trong nhiều ngày trước đó khi ra đường.
Khi ô nhiễm không khí xảy ra, đánh giá các nguồn gây ra ô nhiễm là bước quan trọng thứ hai mà cơ quan chức năng phải thực hiện để qua đó đề ra giải pháp nhằm loại bỏ hay hạn chế tình trạng này. Nhưng thay vì lên kế hoạch khảo sát và nghiên cứu để truy tìm ra nguồn gây ô nhiễm, thì Bộ Tài nguyên và môi trường lại đổi lỗi do thời tiết, tức do… ông trời gây ra.
Nghi phạm hàng đầu gây ra ô nhiễm không khí là các chất hóa học được thải ra từ các nhà máy sản xuất đã không được Bộ Tài nguyên và môi trường nêu ra trong nhận định của mình, bởi lẽ nó gắn liền với trách nhiệm quản lý trực tiếp của Bộ này thông qua thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo Luật Bảo vệ Môi trường, trong quá trình thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án. Nhưng thực tế cho thấy, quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư khi triển khai dự án là điều mà hầu hết người dân Việt Nam chưa từng nghe nói tới.
Tại bước ba này, Bộ Tài nguyên và môi trường còn có các hành vi che giấu các thông tin môi trường đến với công chúng. Chẳng hạn, gần đây vụ việc được dư luận đặc biệt chú ý, đó là chuyện phóng viên của báo Phụ Nữ đề nghị cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường về dự án Tam Đảo của Tập đoàn Sun Group, thì lại nhận được… "bữa trưa tôm hùm và túi xách trị giá 75 triệu đồng".
Che dấu các thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, ngăn chặn người dân tham gia giám sát và ra quyết định, dẫn đến mức độ không khí độc hại vượt quá ngưỡng cho phép như những ngày qua, là một hệ quả tất yếu bởi một bộ máy quan liêu và kém chuyên môn trong chức năng bảo vệ môi trường.
Tình trạng ô nhiễm sẽ còn tiếp tục nghiêm trọng và kéo dài trong thời gian tới khi Việt Nam vẫn chưa luật hóa được các tiêu chuẩn chất lượng không khí theo như bước 4 mà chuyên gia Liên Hợp Quốc đã khuyến nghị đối với các quốc gia.
Khi không có một bộ khung luật hóa tiêu chuẩn về chất lượng không khí, thì các bước còn lại khó lòng thực hiện được khi quốc gia thiếu cơ sở để tiên liệu, đánh giá định kỳ, và đề ra giải pháp kịp thời.
Ô nhiễm không khí không phải là thiên tai mà là hành vi của các nhóm lợi ích kinh tế tác động lên môi trường một cách thiếu kiểm soát và vô trách nhiệm, dưới sự tiếp sức của giới chức chính quyền – tước đoạt đi quyền được hít thở không khí trong lành của cả cộng đồng. Chấp nhận sống chung với ô nhiễm hay dứt khoát loại bỏ nó sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức về nhân quyền và cả thái độ "đòi lại quyền bị tước đoạt" của những nạn nhân.
Minh Luật
Nguồn : RFA, 04/10/2019 (minh-luat's blog)
------
[2] Xem báo cáo của Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Nhân quyền và Môi trường
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, trang web được lập nên năm 2007 ở Trung Quốc cung cấp thông tin về chất lượng không khí cho hơn 88 nước với hơn 11 nghìn trạm theo dõi ở 1000 thành phố lớn trên thế giới, trong đó có trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.
Thông tin tối 1/10 của trạm này cho thấy rằng chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức màu đỏ, tức “không lành mạnh”, theo đó “tất cả mọi người có thể bắt đầu bị ảnh hưởng sức khỏe” và “các thành viên của các nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn”.
Tin cho hay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phối hợp với Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), “đặt máy giám sát chất lượng không khí trên nhiều cơ sở của mình trên khắp thế giới để cung cấp thông tin giúp bảo vệ sức khỏe của nhân viên và công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài”.
Trong khi đó, một máy đo của Đại sứ quán Đức hôm 1/10 cũng ra cảnh báo đỏ rằng chất lượng không khí “không tốt cho sức khỏe”.
Dưới cảnh báo này, cơ quan ngoại giao Đức ở Hà Nội còn nói tới ảnh hưởng của việc ô nhiễm không khí tới sức khỏe.
“Ô nhiễm không khí là hiểm họa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người ở Việt Nam, thậm chí có thể nghiêm trọng hơn tai nạn giao thông. Các chất gây ô nhiễm không khí được coi là có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường”, Đại sứ quán Đức viết. “Theo ước tính của WHO, ô nhiễm không khí là nguyên nhân môi trường hàng đầu gây nên các ca tử vong sớm. Ngoài việc gây ra tử vong sớm, ô nhiễm không khí còn làm tăng tỉ lệ mắc một loạt các bệnh khác (ví dụ như bệnh đường hô hấp, các bệnh tim mạch và ung thư), với những tác động ngắn hạn và dài hạn”.
Trong phần đánh giá về “gánh nặng bệnh tật từ ô nhiễm không khí”, trang web của WHO ở Việt Nam nói rằng mỗi năm ở Đông Nam Á có gần 1,4 triệu ca tử vong vì loại ô nhiễm này, trong đó ở Việt Nam là 60 nghìn ca.
Cảnh báo của các cơ sở ngoại giao của các nước phương Tây ở Hà Nội được đưa ra đúng ngày chính phủ Việt Nam khuyến cáo “người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp hạn chế ra ngoài, hạn chế tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời” và “nếu có nhu cầu ra ngoài thì nên đeo khẩu trang và kính mắt”.
Cùng ngày, ông Vũ Đăng Định, người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội, được báo chí trong nước dẫn lời, chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm, trong đó có khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt…
Chưa rõ ngay liệu các cảnh báo của các nước trên về tình hình ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn ở Việt Nam có tác động gì tới số du khách nước ngoài tới quốc gia Đông Nam Á này hay không. Tới tối ngày 1/10, trang web của Tổng cục Du lịch Việt Nam chưa có bất kỳ cảnh báo và khuyến cáo nào cho du khách.
Nguồn VOA Tiếng Việt (6/10/2019)