Từ ô nhiễm không khí đến ô nhiễm nhận thức
Đinh Yên Thảo, VOA, 08/10/2019
Dù luôn tự hào với những thứ hạng nhất đã đạt được hay đang mơ đến, có lẽ dòng trạng thái của AirVisual nhằm cảnh báo Hà Nội đang trở thành thành phố dẫn đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí vào ngày 29 tháng Chín vừa qua trên trang Facebook của mình, đã làm không ít thanh niên Việt Nam tức giận với thứ hạng nhất không mong đợi này.
Ảnh về ô nhiễm không khí ở Hà Nội hôm 30/9/2019.
AirVisual trực thuộc công ty Thụy Sĩ IQAir, chuyên thiết kế và chế tạo hệ thống lọc không khí và quan trắc mức độ ô nhiễm, có văn phòng tại California và Bắc Kinh. AirVisual ra đời từ năm 2015 nhằm thu thập dữ liệu về mức độ ô nhiễm không khí và cung cấp dữ liệu tức thời (real-time) cho người cài đặt tại hàng ngàn thành phố khắp thế giới qua một ứng dụng trên điện thoại đa năng. Theo nguyên tắc hoạt động ghi trên cùng trang mạng của mình, AirVisual thu thập dữ liệu từ cơ quan khí tượng, hệ thống vệ tinh và các dữ liệu quan trắc của chính phủ sở tại cùng các tổ chức phi chính phủ để đưa ra chỉ số ô nhiễm địa phương trong sự minh bạch và chính xác nhất có thể.
Trên AirVisual, số lượng người Việt Nam đã cài đặt và theo dõi dữ liệu (follow) tại Hà Nội và Sài Gòn hiện nay cùng tương đương cùng ở mức xấp xỉ 1,4 triệu người tại mỗi thành phố. Như vậy số người quan tâm về mức độ ô nhiễm tại Việt Nam khá cao. Dù không ít người chỉ mong muốn được thấy những con số hay báo cáo tích cực, bất chấp mức độ ô nhiễm thật sự như thế nào. Đó là lý do đã tạo ra làn sóng chống đối, đánh giá cho điểm thật thấp ứng dụng hay buông lời xúc phạm nặng nề đến hãng này vì chỉ số ô nhiễm không mong muốn. Một số lời bình còn cho rằng, IQAir AirVisual chỉ đánh giá thấp nhằm "bán sản phẩm" của mình dù AirVisual chẳng phải là thương phẩm bán lẻ đến người tiêu dùng. Nhưng cũng có không ít người Việt cảm thấy xấu hổ trước những hành động thiếu suy nghĩ này nên đã vào ủng hộ, binh vực cho AirVisual. Bởi AirVisual chẳng phải ứng dụng tạo riêng cho người Việt Nam mà nó được sử dụng tại nhiều quốc gia khác nhau và được nhiều tổ chức cùng một số chính phủ sử dụng.
AirVisual là công ty tư nhân, chuyên cung cấp máy móc và dịch vụ trong lĩnh vực ô nhiễm không khí
Trên trang Facebook của mình, AirVisual trả lời chung cho những người Việt ủng hộ mình rằng, "Cảm ơn những lời tử tế của các bạn. Thật là một ngày khó khăn cho chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là cung cấp dữ liệu phẩm chất không khí tín cẩn để giúp mọi người... Chúng tôi bị nhận quá nhiều (đánh giá) 1 sao hôm nay…". Quả thật là vậy, khi vào Play Store trên hệ thống điện thoại Android, hầu hết các đánh giá một sao trong vài ngày qua là mang tên người Việt.
Rồi giải thích trên trang mạng của mình qua thông cáo báo chí ghi ngày 6 tháng 10, AirVisual cho biết họ nhận được sự quan tâm tại Việt Nam liên quan đến Hà Nội đứng đầu danh sách trong gần 90 thành phố chính trong các ngày qua, không có nghĩa là Hà Nội bị ô nhiễm nhất thế giới bởi vì cả London và San Francisco cũng từng đứng đầu một thời điểm nào đó trong năm qua. AirVisual cho biết họ minh bạch nguồn thông tin đã sử dụng như từ chính phủ Việt Nam và Đại Sứ Quán Hoa Kỳ. AirVisual cũng cho biết họ tin rằng việc nhận thức được sự nguy hại của vấn đề ô nhiễm không khí sẽ dẫn đến sự thay đổi tích cực.
Dẫu sao để tránh những ảnh hưởng xấu đến ứng dụng của mình, các tin tức cho hay người sử dụng điện thoại đa năng trong nước đã không tìm thấy ứng dụng để tải AirVisual và người đại diện hãng đã cho biết họ nhận được quá nhiều tin nhắn xúc phạm, đánh giá thấp về ứng dụng cũng như qua Facebook của mình, trong khi giúp người sử dụng nhận thức được sự nguy hiểm của mức độ ô nhiễm không khí, họ lại bị một cuộc tấn công tập thể từ Việt Nam và quyết định ngưng cung cấp ứng dụng này tại Việt Nam.
Tạm bỏ qua mức độ chính xác của các dữ liệu về mức độ ô nhiễm tại Hà Nội hay Việt Nam nói chung theo các chỉ số của AirVisual, dù điều này xảy ra cũng không là điều quá ngạc nhiên. Vấn đề ô nhiễm là nan đề của bất cứ quốc gia đang phát triển lẫn phát triển nào, nên Việt Nam bị ô nhiễm là điều đương nhiên khi cây xanh bị chặt đón, môi trường bị hủy hoại, kỹ nghệ sản xuất gia tăng, nạn kẹt xe xảy ra hàng ngày và biện pháp chống ô nhiễm chưa được xem là trọng tâm. Như Trung Cộng đã đánh đổi sự phát triển của mình bằng sự ô nhiễm hàng đầu tại các thành phố lớn và khu kỹ nghệ của mình. Người dân cũng là một trong những nhân tố chính trong việc bảo vệ sức khoẻ cho chính mình, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nên nhận thức được tầm quan trọng trước vấn đề này là điều cần thiết. Ghi nhận, so sánh và đối chiếu cùng các nguồn dữ liệu khác nhau và tìm biện pháp để giảm tình trạng ô nhiễm là những điều cần làm, thay vì bày tỏ thái độ tức giận như vậy.
Đây không phải lần đầu một nhóm người Việt trên cộng đồng mạng có những hành động đáng xấu hổ như vậy. Nó ngày phổ biến hơn khi các cổ động viên nền túc cầu Việt Nam vào tấn công các cầu thủ hay những đội banh chiến thắng các đội Việt Nam. Hồi 2018, nhiều cổ động viên Việt Nam đã vào trang Facebook của cầu thủ Andrey Sidorov, người ghi bàn thắng quan trọng để hạ gục U23 của Việt Nam để đưa đội Uzbekistan giành chức vô địch cúp AFC U23 mà mạ lỵ, chửi bới cầu thủ cùng đội banh này. Nó tương tự như trong các trận thua trước Thái Lan và các đội Á Châu khác. Những điều này không làm thay đổi tỉ số thắng bại các trận đấu, cũng như sự tức giận trong vụ AirVisual chẳng đảo ngược sự thật về tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay. Ngoài việc tạo cho cộng đồng thế giới một cái nhìn chẳng mấy tốt đẹp trước những thái độ và suy nghĩ như vậy.
Ô nhiễm về không khí có thể còn tìm ra được giải pháp, nhưng sự ô nhiễm trong hành xử, nhận thức xem là điều nguy hiểm gấp bội phần. Bởi sự phát triển hay tụt hậu của một quốc gia là đến từ tư duy cộng đồng.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 08/10/2019
*********************
Vũ Khắc Ngọc : tại sao thầy 'giết đồng bào' mình ?
Nguyễn Hiền, VNTB, 08/10/2019
AirVisual, ứng dụng quan trắc không khí của một công ty Thụy Sỹ đã không còn trên chợ ứng dụng (appstore). Và fanpage AirVisual đã chặn IP từ Việt Nam.
Đây là kết quả của sự phát động ‘tấn công AirVisual’ dựa trên tâm lý bầy đàn của thầy giáo Vũ Khắc Ngọc.
Thầy Vũ Khắc Ngọc – người hùng từng được tung hô trong vụ phanh phui gian dối trong giáo dục Hà Giang. Thầy Vũ Khắc Ngọc cũng là người có kiến thức chuyên môn (hóa học) khá giỏi, và đang là một trong những ‘lò luyện thi’ có tiếng tại Hà Nội.
Thầy Vũ Khắc Ngọc cũng từng lên tiếng ‘trấn an’ dư luận trên Facebook về sự kiện cháy nhà máy Rạng Đông, thậm chí thầy cho rằng, thủy ngân với một lượng nhất định từ vụ cháy có thể uống mà không làm sao. Tuy nhiên, khi kết quả muộn từ cơ quan nhà nước Việt Nam đưa ra về tác hại thủy ngân, và sự phản ứng của dư luận, thầy Vũ Khắc Ngọc đã âm thầm xóa chia sẻ trấn an trên Facebook cá nhân.
Mới đây, thầy Vũ Khắc Ngọc và Phó Tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo trên trang Facebook cá nhân của mình đã nghi ngờ về số liệu mà AirVisual đưa ra, khi cảnh báo về bụi mịn ở mức cao hàng đầu thế giới. Và cho đây là chiêu trò để bán khẩu trang phòng bụi.
Thầy Vũ Khắc Ngọc còn đi xa hơn, khi ra tuyên bố trên Facebook cá nhân của mình, trong đó nhấn mạnh, ‘Người Việt cần làm gì trước trò lừa đảo của AirVisual’. Thầy kêu gọi đánh giá 1 sao trên Fanpage AirVisual ; báo cáo app Airvisual trên kho ứng dụng, và gây sức ép để bắt AirVisual xin lỗi. Thậm chí, thầy giáo này còn tuyên bố ‘báo cáo, đòi cải chính’ những bài báo ghi nhận ‘Hà Nội ô nhiễm nhất trên thế giới’.
Là một người có trình độ, chuyên môn (hóa học) tốt. Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc đã không thể chứng minh được ‘trò lừa đảo của AirVisual’ là gì ? Và cái duy nhất thầy đưa ra là AirVisual làm giả số liệu để bán máy lọc, khẩu trang.
Nhưng vấn đề, AirVisual không có đại diện tại Việt Nam, và hoàn toàn không có bán các sản phẩm mà thầy Vũ Khắc Ngọc hướng tới để tố cáo.
Nếu xét trên mặt luật pháp, thầy Vũ Khắc Ngọc đã rơi vào hành vi ‘vu khống’.
Và kết quả của việc sử dụng ảnh hưởng cộng đồng để ‘đánh AirVisual’, là ứng dụng này đã không còn trên kho ứng dụng và fanpage đã chặn IP từ Việt Nam. Và kết quả từ trang web chỉ hiển thị chỉ số đo từ Trạm quan trắc trung ương, thay vì các chỉ số từ các trạm đo khác.
Và trong khi thầy Vũ Khắc Ngọc và những người mà thầy sai khiến để ‘đánh sập AirVisual’ vui vừng trước kết quả, thì các quốc gia Mỹ, Anh và Đức ra 'cảnh báo đỏ' về ô nhiễm không khí ở Việt Nam.
Câu chuyện của thầy Vũ Khắc Ngọc cho thấy, bằng cách sử dụng ảnh hưởng và khả năng ‘kích động’ của mình, thầy đã thành công trong việc ‘trong lành hóa không khí Hà Nội’, và giảm bớt sự ‘cảnh giác’ của người dân về vấn đề này.
Người dân sẽ không còn tự bảo vệ mình qua khẩu trang và máy lọc không khí, và họ sẽ tiếp tục thụ hưởng bụi mịn hàng ngày vào phổi của mình. Tất nhiên, theo logic của thầy Vũ Khắc Ngọc thì nó sẽ không là vấn đề gì lớn đối với sức khỏe, giống như cách thầy biện hộ ‘thủy ngân uông được’ qua vụ cháy nhà máy Rạng Đông.
Và cách thầy Ngọc lôi cuốn được một đám đông người cho thấy tính chất bầy đàn của người Việt, vừa thể hiện sự ‘ngu dốt’ cùng cực của người Việt. Một sự ngu dốt đi kèm với sự nhiệt tình mà không thể phân biệt được đúng sai.
Cách thầy Vũ Khắc Ngọc thể hiện trên Facebook cá nhân gián tiếp đẩy những người khác vào trong bệnh tật ở tương lai. Một cách ‘người Việt giết người Việt’ bằng sự ảnh hưởng công chúng.
Báo Lao Động, ngày 7/10 đã đăng tải bài viết với tiêu đề : AirVisual thừa nhận ‘Hà Nội không phải là thành phố ô nhiễm nhất thế giới’.
Nếu dựa trên nguồn tin này, thì thầy Vũ Khắc Ngọc đã hoàn toàn đúng. Thế nhưng, thực tế AirVisual đã ra thông báo không như vậy.
Cụ thể, thông báo của minh, AirVisual không ‘thừa nhận, hay khẳng định (admit, regconize, confirm)’ Hà Nội không phải là thành phố ô nhiễm trên thế giới. Mà nó chỉ cho rằng, việc Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng là chuyện không lạ, bởi vì cũng có lúc, thành phố London và Fancisco cũng từng đứng đầu vào năm ngoái.
Như vậy, cách luân chuyển vị trí đứng đầu bảng cho thấy tình trạng hiện thời của một thành phố, và không có nghĩa điều này sẽ duy trì liên tục (nếu có biện pháp khắc phục).
Chính vì thế, ngay sau đó, báo Lao Động đã chuyển tiêu đề bài viết thành : AirVisual nói về thông tin "Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới".
Và điều mà AirVisual làm chính là ‘khi con người có nhận thức về mức độ ô nhiễm sẽ giúp dẫn đến thay đổi’, như cách người dân Bắc Kinh đã khiến chính quyền Bắc Kinh hành động để thay đổi ô nhiễm.
Đó là điều mà thầy Vũ Khắc Ngọc và ông Đỗ Cao Bảo - Phó chủ tịch FPT không nhận thức được, hoặc cố tình không nhận thức được. Bằng cách sử dụng ảnh hưởng của mình để dập tắt sự ‘phòng bị’ của người dân, và cho đó là một chiến thắng lớn lao, nhưng thực tế đó là một hành vi vô nhân đạo dựa trên nhận thức chủ quan và hiếu chiến của chính mình. Và chính sự ‘kích động’ của thầy Vũ Khắc Ngọc cùng những người ‘đồng chí’ của thầy, đã đặt dấu chấm hết cho ‘sự thay đổi’ không khí Hà Nội trong tương lai.
Và người dân Hà Nội bị lôi cuốn bởi sự xảo ngôn của thầy Vũ Khắc Ngọc sẽ không thấy được điều mà chính quyền Thái Lan hay Bắc Kinh đã làm để giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Và giờ đây, mỗi người dân Hà Nội sẽ hít những luồn không khí chứa bụi mịn vào phổi với sự tin tưởng rằng nó hoàn toàn không nguy hiểm. Và tất nhiên, thầy Vũ Khắc Ngọc sẽ không nằm trong số đó, khi thời gian thầy tiếp xúc ngoài trời tại Hà Nội nó ít hơn nhiều lần so với thời gian thầy ngồi trong biệt thự, giảng bài và kiếm tiền.
Truyền thông của thầy Vũ Khắc Ngọc cũng chính là thứ truyền thông máu, của những người ‘thầy XHCN’, của sự bất nhân cao hơn trình độ học vấn. Nơi mà ‘ngu dân để trị’ đã được thầy Vũ Khắc Ngọc góp phần không nhỏ.
Và trong khi AirVisual đang ‘trong xanh’ trở lại, thì PAM Air, Windy, PurpleAir vẫn báo động ô nhiễm không khí ‘đỏ’ tại Hà Nội.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 08/10/2019
Tham khảo :
*******************
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội cảnh báo những nguy cơ về sức khỏe
Nguyễn Lại, VOA, 07/10/2019
Trong những ngày qua, mối quan tâm của rất nhiều người sinh sống tại Hà Nội là tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại thủ đô. Trên các trang mạng xã hội tràn ngập những số liệu về chất lượng không khí, hình ảnh về Tây Hồ, khu vực vốn được coi là trong lành nhất của thành phố cũng mờ mịt ngay từ buổi sáng mà người dân tự chụp hoặc thu thập được cùng những bày tỏ lo lắng và có cả những bình luận hài hước về một nguy cơ mà mọi người đều biết từ lâu nhưng không ai biết làm cách nào để thoát khỏi.
Hình ảnh Hồ Hoàn Kiếm mờ ảo trong một sáng Chủ Nhật khi người dân đi tập thể dục
Ngày 01/10, Tổng cục Môi trường của Việt Nam xác nhận ô nhiễm không khí ở Hà Nội cao "vượt quy chuẩn" liên tiếp trong nhiều ngày và khuyến cáo người dân "hạn chế các hoạt động ngoài trời", theo trang Facebook chính thức mang tên Thông tin Chính phủ và nhiều báo trong nước. Thông báo của Tổng cục Môi trường dẫn số liệu của 13 trạm quan trắc tự động ở Hà Nội, trong đó có 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ, cho biết từ ngày 25-29/9, toàn bộ các trạm đều báo là chỉ số bụi siêu mịn PM2.5 vượt quy chuẩn Việt Nam.
Trước tình cảnh "không còn lối thoát" nếu vẫn cứ tiếp tục phải sống tại Hà Nội, không ít gia đình đã sơ tán trẻ nhỏ khỏi thành phố về quê để tránh các nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm không khí. Chị Thu Hiền, một cư dân sinh sống tại khu vực Quận Hai Bà Trưng chia sẻ với VOA : "Con bé nhỏ nhà mình thì mình gửi về Nam Định nhờ ông bà trông giùm từ lâu nay rồi… Thực tế thì từ khi cháu về Nam Định sống với ông bà thì sức khỏe tốt hơn, không còn bị các bệnh về đường hô hấp như lúc còn ở Hà Nội nữa. Mẹ con xa nhau nhưng đành phải chịu trong hoàn cảnh như thế này thôi".
Theo bác sĩ Hồ Văn Hiền, người có gần 50 năm kinh nghiệm điều trị ở ngoại ô thủ đô Washington và có nhiều nghiên cứu liên quan đến những căn bệnh có nguyên do từ ô nhiễm không khí thì ô nhiễm không khí,trong đó đặc biệt là ô nhiễm bụi siêu mịn PM2.5, tức là những loại bụi siêu nhỏ, là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra các căn bệnh nan y.
Bác sĩ Hiền cho biết : " Việt Nam hiện nay đang đi theo con đường của Trung Quốc vì Trung Quốc đã kỹ nghệ hóa trước chúng ta vài chục năm. Một cô bé Trung Quốc 8 tuổi được ghi nhận ở Trung Quốc là người bị ung thư phổi trẻ nhất ở nước này. Các nhà khoa học cho rằng các hạt bụi siêu mịn này sau khi đi qua đường hô hấp đã đọng lại ở trong phổi em bé và làm cho tế bào nó đột biến thành tế bào ung thư. Cơ quan quốc tế về khảo cứu ung thư đã chính thức công nhận rằng ô nhiễm không khí ngoài trời là có khả năng gây ung thư cho loài người và mỗi năm có chừng 20.000 trường hợp ung thư phổi, chiếm tới 15% các trường hợp ung thư phổi và ảnh hưởng này tác động đặc biệt đến một số đối tượng như trẻ em còn đang là bào thai trong bụng mẹ, thời điểm dậy thì của các thanh thiếu niên…"
Trên các diễn đàn, phần lớn mọi người đều bày tỏ lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài tại Hà Nội. Những người có điều kiện thì mua máy lọc không khí để trong nhà sử dụng, và giá thành mặt hàng này đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Những người không có điều kiện thì tranh thủ dịp cuối tuần đưa cả gia đình ra ngoại thành để ít nhất hai ngày được hít thở không khí sạch hơn so với ở Hà Nội. Anh Đặng Minh Hòa, một cư dân sinh sống ở quận Hoàn Kiếm cho biết : "Cuối tuần nào gia đình tôi cũng phải lên xe đi thật ra, ra các tỉnh lân cận vốn là quê của bạn bè hoặc người thân như Ninh Bình hay Phú Thọ chẳng hạn để vừa là đi dã ngoại vừa là tránh cái ô nhiễm ở Hà Nội. Mình sinh sống làm việc và các con học tập ở đây, không đi đâu được, nhưng ít nhất hai ngày cuối tuần đi xa còn thoát được ô nhiễm…".
Còn anh Đoàn Trần Thành, một Việt kiều mới từ Anh Quốc trở về Hà Nội vì việc gia đình, thì lại chia sẻ sự ngạc nhiên của mình : "Thật sự khi tôi về đây thì không khí quá là ô nhiễm, ở mức gần như là không thể thở nổi vì khói bụi. Môi trường thật sự là quá tệ. Nhưng tôi cũng rất ngạc nhiên khi ra đường thì thấy phần lớn mọi người đều không mang khẩu trang. Có thể họ chưa ý thức được những tác hại lâu dài do hít phải không khí ô nhiễm trong một thời gian dài".
Theo bác sĩ Hồ Văn Hiền, không chỉ gây ra tác động lên những người bị bệnh tim và bệnh phổi khiến người bệnh chết yểu hay khiến tế bào đột biến gây ra các căn bệnh ung thư cho những người tiếp xúc trực tiếp,ô nhiễm không khí còn để lại những tác hại lâu dài cho nhiều thế hệ sau này.
"Ngay mấy chục năm sau nguy cơ ung thư vẫn còn tiếp tục, ví dụ như là đối với những phụ nữ có chất plastic PCB nó cao sau khi sinh thì có nguy cơ ung thu vú cả 20 năm sau và có khi sau cả vài thế hệ sau, đời cháu chắt dù sau này chúng ta đã cải thiện về môi trường, do tác động trên di thể, tức là ô nhiễm không khí đã tác động đến gene đối với các thế hệ mai sau", bác sĩ Hiền cũng khuyến cáo thêm.
Nguyễn Lại
Nguồn : VOA, 07/10/2019
*********************
Việt Nam xả thẳng hầu hết nước thải đô thị chưa xử lý ra môi trường (RFA, 07/10/2019)
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường đưa ra vào ngày 6/10 cho biết Việt Nam chỉ xử lý 13% lượng nước thải đô thị của cả nước. Báo mạng VnExpress tiếng Anh loan tin ngày 7/10.
Nước thải xả trực tiếp từ nhà dân ra kênh ở Hà Nội. RFA video
Báo cáo dẫn lời ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và môi trường của Bộ Xây Dựng cho biết Việt Nam có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị với công suất 926.000 mét khối nước thải mỗi ngày, nhưng những thách thức trong việc thu nhận và xử lý nước thải khiến cho tỷ lệ, xử lý nước thải, thấp.
Trong đó, Hà Nội có 6 nhà máy hoạt động xử lý tổng cộng 276.300 mét khối nước thải mỗi ngày, chiếm tới 22% lượng nước thải hàng ngày. Thành phố cho biết, các nhà máy xử lý nước thải mới vẫn chưa được hoàn thành, và 12 nhà máy nữa đang trong giai đoạn hình thành. Vẫn theo báo cáo, Hà Nội cho rằng việc tìm kiếm nguồn quỹ xã hội hóa cho các hệ thống thoát nước còn khó khăn và đó cũng là một trong những yếu tố khiến tiến trình xử lý nước thải sinh hoạt chưa đạt được kế hoạch.
Trong khi đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 3 nhà máy hoạt động và các đơn vị khác xử lý tổng cộng 370.624 mét khối nước thải mỗi ngày, đạt khoảng 21,2% tổng lượng nước thải hàng ngày.
Báo cáo cũng dẫn lời ông Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (IESE), nói rằng hầu hết các dự án tài trợ ODA không có hệ thống thoát nước với các hộ dân nên cũng khiến cho việc thiết lập hệ thống xử lý nước thải gặp nhiều thách thức.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về quản lý nước thải đô thị tại Việt Nam, chỉ có 60% hộ gia đình ở Việt Nam được kết nối với hệ thống nước công cộng và chỉ 10% nước thải được thu gom và xử lý. Vì thế, Việt Nam sẽ cần khoảng 8,3 tỷ đô la để cung cấp dịch vụ thoát nước đô thị cho 36 triệu công dân vào năm 2025.
Theo một nghiên cứu của công ty Indochina Research, ô nhiễm nước là một trong năm mối quan tâm hàng đầu đối với công chúng Việt Nam, chỉ sau ô nhiễm không khí, an toàn thực phẩm, quấy rối tình dục và chăm sóc sức khỏe.