Giới thiệu sách
Chúng tôi vừa lục tìm tài liệu để viết bài trong tủ chứa sách cũ ở nhà kho thì tình cờ bắt gặp cuốn sách nhan đề"Chính sách bành trướng bá quyền trung quốc ở Đông Nam Á" của tác giả Nhuận Vũ, do nhà xuất bản Sự Thật ở Hà Nội ấn hành tháng 6 năm 1983.
Nghĩa là sách ra mắt độc giả trong nước sau hơn 4 năm xẩy ra cuộc chiến tranh xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam của Trung Quốc mà Đặng Tiểu Bình quốc sư lúc đó gọi là để "dậy cho Việt Nam một bài học".
111111111111111111
Bìa sách ‘Chính sách bành trướng bá quyền Trung Quốc ở Đông Nam Á’
Bây giờ là tháng 10/2019, sau nhiều năm tránh né không dám chỉ đích danh các hành động xâm lấn chủ quyền biển đảo của Việt Nam, bắn giết ngư dân Việt Nam, ngăn chặn Việt Nam khai thác và hợp đồng khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển trong thềm lục địa và các vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam mới đây mớ dám lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong vụ Bãi Tư Chính.
Vào thời điểm hiện nay, qua vụ Bãi Tư Chính, Trung Quốc một lần nữa đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Sự thể này đã buộc Việt Nam không còn tránh né như bao lâu nay mà đã lên tiếng tố cáo mạnh mẽ đích danh Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Cách hành xử này đã được sự tán đồng của quốc dân Việt Nam trong và ngoài nước, sức hậu thuẫn mạnh mẽ của nhiều quốc gia trên thế giới, đứng đầu là cường quốc Hoa Kỳ ; không chỉ bằng lời nói mà đi kèm với những hành động song phương cũng như đa phương theo chiều hướng ủng hộ, bênh vực Việt Nam, thể hiện quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế là chặn đứng tham vọng bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, vì quyền lợi chung.
Nhân dịp này, trong khi chờ đợi nhà đương quyền Việt Nam ra "Sách Trắng" (hy vọng thế) và các hành động tiếp theo để bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng tôi xin giới thiệu các phần chính nội dung và trích đoạn từ cuốn sách nhan đề"Chính sách bành trướng bá quyền trung quốc ở Đông Nam Á" của tác giả Nhuận Vũ, do nhà xuất bản Sự Thật ở Hà Nội ấn hành tháng 6 năm 1983.Nội dung sách có ý nghĩa như một "sách trắng" không chính thức, được viết sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung quốc vào tháng 2-1979, do tác giả Nhuận Vũ viết, có lẽ theo chỉ đạo và cho phép ấn hành của chính nhà cầm quyền Việt Nam vào thời điểm 4 năm sau cuộc chiến (1979-1983) trong thời kỳ đoạn giao giữa Việt-Trung (1978-1989).
Chúng tôi lần lược giới thiệu : Bố cục cuốn sách khổ nhỏ dày 75 trang kể cả Mục Lục, ngoài "Lời nhà xuất bản" (Sự Thật) cơ quan xuất bản của Đảng cộng sản Việt Nam ; và trích đoạn phần quan trọng có ý nghĩa liên quan đến hành động bành trướng bá quyền mới nhất của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Bố cục
Theo Mục Lục có 3 phần chính :
I. Chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa bá quyền Đại Hán trong lịch sử
1. Truyền thống bành trướng, bá quyền của các giai cấp chủ nô, phong kiến và tư sản Trung Quốc.
2. Những kẻ kế thừa trung thành : Từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiều Bình.
3. Đông-Nam Á, mục tiêu cơ bản đầu tiên của chủ nghĩa bành trướng và bá quyền Bắc Kinh.
II. Các thủ đoạn chiến lược của các thế lực bành trướng bá quyền Trung Quốc
1. Lôi kéo, chia rẽ.
2. Hoạt động khuynh đảo và lật đổ.
3. Chiến tranh xâm lược.
III. Những trở ngại không thể vượt qua
1. Nhân loại đã thức tỉnh.
2. Những kẻ cạnh tranh không khoan nhượng.
3. Nhân dân Trung Quốc có tiếng nói sau cùng
B. Trích đoạn
B-1. Trích nguyên văn "Lời nhà xuất bản Sự Thật", cơ quan in ấn của Đảng Cộng sản Việt Nam (trang 3-4)
"Trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của những người cầm quyền Trung Quốc, Đông-Nam Á – khu vực đông dân, giầu có, nằm ở phí Nam Trung Quốc – chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng.
Để tiến tới "chinh phục trái đất" theo ước mơ của "Người cầm lái vĩ đại", trong hơn 30 năm qua kể từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, những tập đoàn cầm quyền ở Trung Nam Hải miệng thì nói không "xưng hùng, xưng bá", nhưng trên thực tế luôn luôn tìm mọi cách bành trướng xuống vùng Đông – Nam – Á hòng thôn tính các nước trong khu vực này.
Cuồng vọng thống trị Đông – Nam – Á đã khiến Bắc Kinh không từ một thủ đoạn dã man và xảo quyệt nào, từ lôi kéo, chia rẽ, lật đổ đến trực tiếp gây chiến tranh xâm lược.
Chính sách bành trướng bá quyền của những người lãnh đạo Trung Quốc đã thất bại và chắc chắn sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng hiện nay nó đang là nguy cơ đe dọa chủ quyền và an ninh của các dân tộc, nhất là ở Đông-Nam-Á và nhân dân thế giới phải vạch trần và đánh bại cái chính sách bành tướng, bá quyền này.
Để góp phần vào cuộc đấu tranh đó, góp phần vạch trần chính sách bành trướng, bá quyền Trung Quốc ở Đông – Nam – Á, chúng tôi cho xuất bản cuốn sách "Chính sách bành trướng bá quyền Trung Quốc ở Đông-Nam-Á".
Cuốn sách này giới thiệu với bạn đọc một cách khái quát quá trình bành trướng, bá quyền của các thế lực thống trị Trung Quốc, những mục tiêu cơ bản, những thủ đoạn bành trướng chủ yếu của Bắc Kinh ở Đông-Nam-Á, đặc biệt là đối với các nước Đông Dương. Đồng thời cuốn sách cũng vạch rõ những trở ngại mà Trung Quốc không thể vượt qua trên con đường bành trướng xuống khu vực này của châu Á.
Tháng 6 năm 1983
Nhà xuất bản Sự Thật (trang 3-4)
B-2. Trích đoạn trong các phần chính của sách
B-2.1. Về thủ đoạn thực hiện chủ nghĩa bành trướng, bá quyền trong lịch sử của Trung Quốc
"Chủ nghĩa bành trướng, bá quyền đại Hán ra đời trong quá trình bành trướng, đồng thời lại là tư tưởng chỉ đạo các hoạt động xâm lược và bành trướng của các thế lực cầm quyền Trung Quốc. Các thế lực này, từ đời này qua đời khác đã phát triển chủ nghĩa bành trướng, bá quyền đó cho phù hợp với hoàn cảnh mới, thời kỳ mới.Những chính sách và thủ đoạn của họ không ngừng được cải tiến, bổ sung, tạo nên cái gọi là "truyền thống"sâu sắc với nhiều chính sách thủ đoạn đa dạng, kết hợp bạo lực dã man(dùng lực lượng quân sự xâm lược, đàn áp để chiếm đất hoặc bắt thần phục…)với những thủ đoạn chính trị xảo trá, quỷ quyệt (lừa bịp, lôi kéo, đe dọa, chia rẽ…) kết hợp việc lấn đất, chiếm đất, với việc đồng hóa, kết hợp sự thống trị trực tiếp với "bảo hộ", chi phối, thần phục...
"Những "truyền thống" đó – cả về mặt chính sách cũng như thủ đoạn – đã được các thế lực bành trướng, bá quyền ở Bắc Kinh ngày nay tiếp thu và vận dụng vào hoàn cảnh mới để thực hiện tham vọng bá chủ thiên hạ của họ…" (trang 21).
B-2.2. Về quan hệ hữu nghị "lá mặt lá trái" của Trung Quốc
"Thời đại mới cũng như tình trạng "lực bất tòng tâm" của nước Trung Hoa ngày nay không cho phép những kẻ theo chủ nghĩa bành trướng, chủ nghỉa bá quyền ở Trung Nam Hải có thể áp đặt công khai bộ máy quan thái thú của các triều đại phong kiến Trung Quốc lên đầu nhân dân các nước khác. Bọn theo chủ nghĩa Mao luôn tự nhận là "Bạn" của những nước mà họ muốn thâu tóm. Với danh nghĩa "Bạn" đó, họ sẽ tìm cách tác động đến các nước hữu quan , lôi cuốn dần những nước này đi vào quỹ đạo đường lối của họ. Để đạt được điều đó, họ cũng đã không từ bỏ một tội ác nào. Trước khi họ tiến hành chính sách diệt chủng đối với dân tộc Kampuchia thì biết bao người cộng sản chân chính Kampuchia đã bị giết hại.Ngay cái chết đột ngột của đồng chí Sơn Ngọc Minh, Tổng Bí thư đảng nhân dân cách mạng Khmer trong khi được họ mời sang "điều dưỡng" ở Trung Quốc vẫn là một dấu hỏi lớn trong lịch sử quan hệ giữa Kampuchia và Trung Quốc…" (trang 28)
B-2.3. Về chính sách viện trợ có ý đồ đen tối của Trung Quốc
"Trong các thủ đoạn "Không đánh mà phải hàng" của các con cháu Tần Thủy Hoàng ngày nay phải kể đến "chính sách viện trợ của Trung Quốc".
Đối với cộng sản Việt Nam, tác giả viết :
"Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam cả trong cuộc kháng chiến chống Pháp lẫn cuộc kháng chiến chống Mỹ… Nhưng ngày nay chúng ta hãy xem lại những người lãnh đạo Trung Quốc sử dụng viện trợ đó như thế nào ? Vào những mục đích gì ? Thực chất viện trợ đó đã được họ sử dụng như một thứ công cụ gây sức ép, lôi kéo Việt Nam, biến Việt Nam thành một con bài trong tay họ, thành chư hầu để họ sai khiến trên con đường họ đi xuống vùng Đông-Nam Á…"(trang 29).
B-2.4. Về việc Trung Quốc vận dụng vào thực tế
"Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954)vào cuối cuộc kháng chiến thì Trung Quốc là nước viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (5/1954) quân đội viễn chinh Pháp đã đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Chính phủ Pháp phải coi việc cứu đạo quân viễn chinh này là nhiệm vụ trọng tâm. Nhưng người lãnh đạo Trung Quốc lúc đó sợ "con hổ giấy" Mỹ nhảy vào biên giới phía Nam của Trung Quốc nên đã thỏa hiệp với Pháp, cứu nguy cho quân đội Pháp và gây sức ép với Việt Nam, buộc Việt Nam nhận một giải pháp không phản ảnh đúng tình hình thực tế trên chiến trường... Miền Bắc Việt Nam trở thành khu đệm cho biên giới phía Nam của Trung Quốc khỏi sự đe dọa trực tiếp của Mỹ…".
Tác giả lên án rằng :
"Tài liệu lịch sử không thể chối cãi về tội ác của những người lãnh đạo Trung Quốc (đối với Việt Nam) đã được trình bày cặn kẽ trước dư luận thế giới trong cuốn sách trắng của Bộ Ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1979. Những tài liệu đó chứng minh rất rõ rằng những người lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng viện trợ theo tính vị kỷ dân tộc như thế nào, gây thiệt hại cho người khác ra sao…" (trang 31).
Và trong cuộc "kháng chiến chống Mỹ", tác giả Nhuận Vũ viết :
"…dã tâm bành trướng, bá quyền của những người lãnh đạo Trung Quốc lại biểu lộ một cách tệ hại hơn trong một hoàn cảnh mới. Như chúng ta đã biết, Việt Nam là cửa mở xuống phương nam của Trung Quốc. Để nắm Việt Nam, họ tái diễn những thủ đoạn chia rẽ và lôi kéo của họ. Họ tự nhận "800 triệu nhân dân Trung Quốc là hậu phương đáng tin cậy" của nhân dân Việt Nam ! Về thực tế, sự viện trợ của nhân dân Trung Quốc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là to lớn… Chỉ có điều là… Trong từng thời gian cụ thể, họ đã sử dụng viện trợ đó để chi phối Việt Nam hòng dùng Việt Nam làm con bài để mặc cả với Mỹ như "người cầm lái vĩ đại" của Trung Quốc đã ấp ủ ngay từ khi ông ta còn ẩn náu ở Diên An. Quá trình đó là quá trình kiềm chế và làm suy yếu cách mạng Việt Nam, hòng khuất phục Việt Nam, thực hiện bước đầu của việc bành trướng ở Đông Dương và Đông-Á…" (trang 34-35).
B-2.5. Về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 :
"Có thể coi vụ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là một hành động xâm lược trắng trợn nhưng từng bước. Tuy nhiên, đó chưa phải là đỉnh cao của sự trắng trợn. Cho đến nay, đỉnh cao này thuộc về chiến tranh xâm lược chống Việt Nam vào tháng 2 năm 1979. Trong cuộc chiến tranh xâm lược này, Trung Quốc đã huy động tới 60 vạn quân - cao hơn số quân Mỹ vào thời điểm cao nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ chống Việt Nam – tiến công đồng loạt trên toàn tuyến biên giới. Đặng Tiểu Bình – kẻ chủ mưu trong trong hoạt động tội ác này – nói rằng mục tiêu của hoạt động quân sự này chỉ là "phản công tự vệ" để "dạy cho Việt Nam bài học" ! Nhưng đó chỉ là những lời lẽ giả dối mang tính chất trịch thượng của nước lớn. Thật ra đây đã là một cuộc chiến tranh xâm lược chống lại một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Cuộc chiến tranh đó nhằm trực tiếp đỡ đòn cho bọn tàn quân Pon Pốt đang tháo chạy tan tác trước cuộc nổi dạy của nhân dân Kampuchia được sự hổ trợ của quân tình nguyện Việt Nam. Cuộc chiến đó cũng nhằm trực tiếp chiếm một số vùng đất của Việt Nam trên vùng biên giới để xây dựng các cứ điểm quân sự phục vụ cho các hoạt động xâm lược về sau…" (trang 57-58).
Theo tác giả, hành động xâm lược trên của Trung Quốc, là nằm trong tham vọng bá chủ thế giới mà :
"Mao Trạch Đông đã từng nói với các chỉ huy quân sự của ông ta : "Chúng ta phải chinh phục trái đất… Theo tôi, trái đất của chúng ta là quan trọng nhất, tại đây chúng ta sẽ xây dựng một quốc gia hùng mạnh. Nhất định phải thấm nhuần một quyết tâm như vậy…" (1).
Và :
"Chúng ta phải giành cho được Đông-Nam Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này…" (2) (trang 58).
Như vậy là, qua nội dung sách viết về "Chính sách bành trướng bá quyền Trung Quốc ở Đông Nam Á" do chính những người cầm quyền tiền nhiệm chỉ đạo cho tác giả Nhuận Vũ viết ra mà chúng tôi vừa giới thiệu tổng quát bố cục và trích đoạn trên đây, hơn ai hết, những người cầm quyền hôm nay ắt phải biết cái mặt nạ "4 Tốt, 16 Chữ Vàng" để che đậy thực chất mối quan hệ Việt – Trung bao lâu nay là gì, lợi hại thế nào cho Việt Nam chứ ?
B-3. Nhận định và đề nghị
Thiết tưởng đã đến lúc Việt Nam phải mạnh dạn, dứt khoát lột bỏ cái mặt nạ này đi, để thực hiện một đối sách thực tế, khôn ngoan, hiệu quả, ngõ hầu chặn đứng Trung Quốc thực hiện "chính sách lá mặt lá trái" xâm lược lãnh thổ, lãnh hải biển đạo của Việt Nam một cách tịnh tiến, êm dịu theo kiểu "tằm ăn dâu". Đối sách khôn ngoan đó là :
B-3.1. Dứt khoát, mạnh dạn từ bỏ"đối sách đi dây" song phương, và "đối sách 3 không" đa phương, tham gia vào liên minh quốc tế chống tham vọng bành trướng bá quyền Trung Quốc đã hình thành, dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, quốc tế hóa, đa phương hóa việc giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
B-3.2. Đảng cầm quyền cần chỉ đạo Quốc hội lên tiếng bằng một Nghị quyết xác định rõ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo của Việt Nam, phủ định giá trị pháp lý của các văn kiện ngoại giao mang tính chính trị liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải mà không được Quốc Hội chuẩn phê theo thủ tục Hiến định Việt Nam, công pháp quốc tế và tập quán quốc tế. Đồng thời tố cáo các vụ Trung Quốc đã cướp đoạt và đang lấn chiếm biển đạo của Việt Nam trước công luận, để bảo lưu quyền tài phán bất khả thời tiêu trong tương lai.
B-3.3. Đảng và Quốc hội cần ra lệnh cho chính phủ cấp thời ra "Sách trắng", đưa vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền.
Vì chỉ có như thế, Việt Nam ở vị thế quốc gia nhỏ yếu, mới có đủ thế lực đương đầu với tham vọng xâm lược "truyền thống" của nước Đại Hán Trung Quốc.
Thay lời kết
Tiếc thay, đến giờ này đảng cầm quyền độc tôn, quốc hội của đảng cầm quyền và chính phủ do quốc hội của đảng đẻ ra vẫn chỉ dám để cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng ở mức độ chỉ đích danh và các hành động của Trung Quốc vi phạm ngày một nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong vụ Bãi Tư Chính khởi đi từ tháng 7 vừa qua.
Trong khi những người đứng đầu đảng và nhà nước vẫn "im lặng đáng sợ". Điển hình là người đứng đầu Bộ ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trước diễn đàn Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9 vừa qua đã tránh né không dám chỉ đích danh Trung Quốc và các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam ; mà chỉ đề cập đến các sự kiện chung chung "về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông bao gồm những vụ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển Việt Nam".
Nay trong Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam hôm 7/10 mới đây, ông Tổng-Tịch Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo tối cao đảng và nhà nước, lại vẫn chỉ âm thầm, nhẹ nhàng như hơi gió thoảng, đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có tính nguyên tắc, rằng hãy "phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua".
Quả thực quốc dân Việt Nam trong và ngoài nước rất thất vọng trước cung cách hành xử của các ông bà lãnh đạo hàng đầu của "Đảng và nhà nước ta". Nhà Việt Nam đang bị Trung Quốc đốt cháy tiêu hủy từng mảng, sao các ông bà còn đủng đỉnh thế ? Hay là các ông bà đã có "Phương án 2" chuẩn bị cho gia đình, dòng họ kịp di tản ra nước ngoài trước khi căn nhà Việt Nam bị Trung Quốc tiêu hủy hết, để ngoại bang xây dựng lại giầu đẹp gấp vạn lần hôm nay cho người dân vong quốc phải hưởng đây ?
Các Ông Bà lãnh đạo hãy trả lời dân đi.
Houston, ngày 6/10/2019
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 09/10/2019
-----------------
1. Bài phát biểu của Mao Trạch Đông tại Hội nghị mở rộng Hội đồng quân sư trung ương đảng cộng sản Trung Quốc ngày 11/09/1959.
2. Lời phát biểu của Mao Trạch Đông tại phiên họp của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc tháng 8 năm 1965