Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/10/2019

Dân túy, quan túy và thuật "nói vậy mà không phải vậy"

Lê Ngọc Sơn

Công cuộc "đốt lò" của Đảng nhằm chặn đứng cuộc khủng hoảng niềm tin đã có những chỉ dấu tích cực, những con sâu mọt cộm cán từng khoác lên mình những chức vụ cao cấp bị lôi ra ánh sáng. Những con sâu mọt này khi còn đương chức từng biến hóa, nguỵ trang, khoác lên mình đủ thứ tuyên ngôn hùng hồn tỏ vẻ cần kiệm, sạch sẽ. Khi phanh phui các vụ tham nhũng của những con sâu cộm cán này, tiết lộ một bức tranh đa chiều kích : Nếu như trước đây rộ lên chủ nghĩa "dân túy", thì song song với nó, chủ nghĩa "quan túy" cũng thịnh hành. Quan túy hay dân túy, tiền đều vào túi quan, và người dân là nạn nhân của họ.

dantuy1

Ngay sau sự cố Formosa, ông Trương Minh Tuấn (áo đỏ, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông) đã xuất hiện trước ống kính phóng viên bằng hình ảnh mua cá và ăn cá ở Quảng Bình. Một thời gian sau, cơ quan chức năng cảnh báo người dân về tình trạng cá nhiễm độc. Ảnh : Ngô Huyền

Trong tiếng Việt, tôi cực kỳ ưng một từ mà các tiền nhân đã dịch : từ "populism" được dịch thành "chủ nghĩa dân túy". Nôm na đại khái là lừa mị đám đông, dân chúng ; đánh vào điểm yếu tâm lý của họ để chiều chuộng cảm xúc nhất thời, để lấy lòng hay chiếm cảm tình của họ. Tôi thích được hiểu "dân túy" là chuốc rượu cho dân say ("túy" trong Hán Việt nghĩa là uống rượu say).

Vậy "quan túy" là gì ? Nó là một chiều kích khác của việc "làm say" người đồng hàng ngũ nhằm trục lợi. Nếu dân túy là chọn DÂN làm đối tượng để mị, tìm cách "làm màu", làm cho dân "say" để lấy được lòng tin của quần chúng, thì quan túy lại chọn QUAN là đối tượng để mị, tìm cách "làm màu", làm "say" nhằm lấy được lòng tin của đồng chí, đồng đội, cấp trên. Một bên đánh bả lòng tin của đám đông quần chúng, một bên rắc bả mê lú đối với đồng chí, đồng đội, cấp trên.

Tất cả đều toát lên đặc điểm nổi trội của thuật "nói vậy mà không phải vậy". Trên cùng một trận tuyến, quan chức theo chủ nghĩa quan túy hô hào ủng hộ đồng đội về đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp, nhưng kỳ thực lại thọc tay vào túi công sản để tư lợi cho mình. 

Ở Việt Nam, nếu bậc thầy của chủ nghĩa dân túy là Đinh La Thăng (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải), thì bậc thầy chủ nghĩa quan túy ắt hẳn phải kể đến Nguyễn Bắc Son hay Trương Minh Tuấn (cả hai đều là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông).

Chẳng biết từ bao giờ, không ít chính trị gia có xu hướng làm hình ảnh bằng các tuyên ngôn. "Nổ" rằng mình vì dân, "nổ" rằng mình vì Đảng. Nếu như "tín đồ" chủ nghĩa dân túy hô hào rằng "trảm tướng" để chiều chuộng, làm hài lòng đám đông trong phút chốc, thì những "tín đồ" chủ nghĩa quan túy viết sách "chống diễn biến hòa bình", "chống nói xấu Đảng và Nhà nước" để thu nhận niềm tin của cấp trên, đồng chí, đồng đội. Dù nhắm đến mê mị dân, hay mê mị quan, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là rải thảm hoa hồng bằng ngôn từ ngon ngọt trên thảm sự nghiệp chính trị của quan tham.

Ông Nguyễn Bắc Son, khi còn là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đang lúc dư luận râm ran câu chuyện mắc mớ của ông trong thương vụ AVG, ông hùng hồn tuyên bố trên truyền thông, đại loại : Nói xấu quan chức lãnh đạo thì sẽ phải xử lý hình sự. Hay các diễn ngôn về chống lá cải hóa báo chí… vân vân và vân vân. Điều đó hoàn toàn đúng, nếu như nói đi đôi với làm, thay vì nói vậy nhằm tạo lá chắn để ông đút hàng triệu đô-la vào túi cá nhân mình. Nói theo lối "quan túy" thuyết phục và "tài" đến mức khiến tổ chức và đồng chí của mình phải trao cả Huân chương Độc lập hạng Nhì cho ông Son lúc "hoàng hôn nhiệm kỳ" chuẩn bị "hạ cánh". 

Còn "đệ" của ông Son, ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, là một ví dụ điển hình của mẫu quan chức vừa theo chủ nghĩa quan túy lẫn chủ nghĩa dân túy.

Về quan túy, ông viết sách dạy đồng chí, đồng đội, thuộc cấp... về "chống diễn biến hoà bình", lên báo phát biểu "không cho phép ai đến nhà tặng quà Tết", tỏ ra mình trong sạch, nhưng kỳ thực với sự tham nhũng của mình, ông ta tự lộ ra chân dung là một kẻ "diễn biến" cộm cán, phá tổ chức mạnh mẽ nhất. Ông Tuấn nổi tiếng là "sát thủ" làng báo : mạnh tay phạt, đóng cửa các tờ báo và thu hồi thẻ của các nhà báo. Điều mà chưa Bộ trưởng nào trước đó làm vậy.

Về dân túy, còn nhớ vụ chất độc từ khu công nghiệp Formosa đổ ra biển, dù chưa có điều tra khảo sát mang tính khoa học nào, ông Tuấn dẫn đoàn tùy tùng và các nhà báo thân cận nhiệt thành đi ăn cá để dụ người dân làm theo. Bằng việc này, ông Tuấn muốn thể hiện cho cả quan chức (cấp trên lẫn cấp dưới) và người dân thấy rằng ông là cán bộ mẫn cán, năng nổ. Hành động dân túy này, xui thay, đưa người dân vào vòng nguy hiểm, khi sau đó cơ quan y tế đã xác nhận cá biển thực sự nhiễm độc và nguy hại không được ăn.

Rõ ràng, dân túy hay quan túy đều nguy hiểm như nhau, việc "làm say" quá trớn người khác thực ra là việc "đánh bả niềm tin" với thuật "nói vậy mà không phải vậy". 

Công cuộc "đốt lò" của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư đang gặt hái được những thành tựu lớn, và cần được đồng sức, đồng lòng hơn nữa của cả hệ thống chính trị, để ngăn chặn những kẻ mê "chuốc rượu cho dân/quan say" phải ngừng diễn trò ma quái tinh ranh. Quan chức đích thực luôn phụng sự dân, nói đi đôi với làm, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, thay vì diễn trò mồm miệng để "làm màu", kiếm chác. Không ai dám chắc bao giờ mới hết những quan chức mê "chuốc rượu" cho người khác "say" để đút tiền vào túi tư lợi ; nhưng có một điều chắc chắn, chẳng ai dại dột chìa mãi niềm tin ra để người khác lường gạt. 

Lê Ngọc Sơn

Nguồn : Người Đô Thị, 11/10/2019

Lê Ngọc Sơn là Chuyên gia truyền thông chiến lược và xử lý khủng hoảng, Nhóm nghiên cứu quốc tế về truyền thông trong khủng hoảng, Đại học Công nghệ Ilmenau, Cộng hòa liên bang Đức

Quay lại trang chủ
Read 389 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)