Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/10/2019

Cơ hội của Việt Nam trong chuỗi ngành nghề toàn cầu

Quinghe

Đứng trước sự thay đổi của nền kinh tế thế giới, Việt Nam đang dần khẳng định được vị thế của mình trên thương trường và trong khu vực thông qua quá trình chuyển dịch nghành nghề toàn cầu.

cohoi1

Thành phố Hồ Chí Minh trước thử thách toàn cầu hóa - Ảnh minh họa

Những năm gần đây, Việt Nam đang dần lọt vào tầm ngắm của thế giới. Bốn tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 154,6 tỷ USD, bằng một nửa của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động của Việt Nam chiếm đến 1/10 thị phần toàn cầu,cụ thể là cứ 10 chiếc điện thoại di động trên thế giới thì có 1 chiếc được sản xuất tại Việt Nam.

Năm 1990, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt mức 96 USD. Năm 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt hơn 2.300 USD. Năm 1990, GDP bình quân đầu người của Malaysia gấp 25 lầnViệt Nam, còn Philippines gấp 8 lần Việt Nam. Năm 2015, khoảng cách này đã bị thu hẹp, Malaysia chỉ còn gấp 4,6 lần, Philippines gấp 1,4 lần Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2018 là 6,6%, Ấn Độ là 7,4%, còn Việt Nam đạt 7,08%. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai ở Châu Á. 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đều duy trì ở mức trên 5%, trở thành một trong những quốc gia mới nổi có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất và ổn định nhất.

Ngày 19/2/2019, trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố tầm nhìn quốc gia đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), về việcViệt Nam sẽ phát triển thành quốc gia có thu nhập cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia tầm nhìn chung của Việt Nam thành hai giai đoạn chiến lược : Giai đoạn thứ nhất, đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người phải đạt 18.000 USD, thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình cao. Giai đoạn thứ hai nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam phải trở thành quốc gia, thịnh vượng và hạnh phúc, gia nhập nhóm nước có thu nhập cao. Thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra mục tiêu này cũng là thời điểm diễn ra cuộc gặp Trump-Kim, Việt Nam đã nắm bắt cơ hội này để thể hiện với thế giới tầm nhìn đổi mới mở cửa và sự phát triển nhanh chóng.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, Việt Nam tiếp tục mở cửa ra bên ngoài, tích cực hội nhập trật tự quốc tế, tận dụng thời kỳ đặc biệt của quan hệ Trung-Mỹ, giành lấy lợi ích lan tỏa từ sự chuyển dịch ngành nghề trên toàn cầu, và sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành sản xuất và nền kinh tế.

Năm 2018, GDP của Việt Nam là 242,5 tỷ USD, tương đương với GDP của tỉnh Sơn Tây, bằng 1/5 GDP của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/4 của Trung Quốc, nhưng nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng hiện nay, trong 10 năm tới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt đến mức của Trung Quốc hiện nay.

Việt Nam gần như chắc chắn sẽ vượt qua 4 con hổ Châu Á (Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia). Liệu Việt Nam, có thể trở thành một quốc gia phát triển nhân dịp 100 năm thành lập nước như nhà lãnh đạo Việt Nam từng mong đợi hay không ?

Đổi mới mở cửa, một quốc gia khao khát hội nhập trật tự quốc tế

Việt Nam từng chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh trong quá khứ, thường bị rơi vào cuộc đọ sức giữa các nước lớn. Vào những năm 1980, cuối cùng Việt Nam đã có cơ hội phát triển độc lập tự chủ.

Tháng 12/1986, Đại hội khóa VI Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức, chính thức đưa ra chính sách đổi mới mở cửa, chủ trương phát triển kinh tế thị trường và chính sách mở cửa với bên ngoài. Tuy nhiên, trong 10 năm đầu, con đường đổi mới mở cửa của Việt Nam không được thuận lợi như Trung Quốc. Sau những năm 1980 và trong suốt những năm 1990, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có những tranh cãi quyết liệt về đường lối phát triển, cải cách đang diễn ra chậm chạp và trùng lặp, lạm phát luôn ở mức cao, kinh tế tăng trưởng chậm. Những năm 1990 được Việt Nam coi là 10 năm bảo vệ chủ nghĩa xã hội, sự phát triển kinh tế vẫn trì trệ và các cuộc đọ sức chính trị. Tuy nhiên, trong 10 năm đó, Việt Nam vẫn có một số thử nghiệm về cải cách theo định hướng thị trường.

Việt Nam đã phá vỡ chỉ thị sản xuất và tiêu thụ của nền kinh tế kế hoạch, thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành chủ thể thị trường tự chịu trách nhiệm về lợi nhuận và thua lỗ, xóa bỏ việc kiểm soát giá, áp dụng cơ chế định giá thị trường hàng hóa, cho phép ngân hàng tư nhân, ngân hàng cổ phần và ngân hàng nhà nước cùng phát triển, chuyển giao đất nông nghiệp cho nông dân, thúc đẩy tư hữu hóa đất đai.

Tháng 4/2001, Đại hội khóa IX của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức, ông Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư thay ông Lê Khả Phiêu. Sau khi lên nhậm chức, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đẩy mạnh chính sách cải cách trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị. Do đó, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong đổi mới, mở cửa, kinh tế tăng trưởng nhanh. Nền kinh tế Việt Nam được đẩy mạnh theo hướng hội nhập quốc tế. Về ngoại giao, Việt Nam đã xác định 3 mục tiêu lớn : tích cực hội nhập quốc tế, phát triển quan hệ với nước lớn và phát triển quan hệ láng giềng.

Một chính sách đối ngoại thành công và linh hoạt là chìa khóa cho sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế hướng ngoại là một sách lược quan trọng cho sự phát triển của nhiều nước nhỏ, thực chất là dựa vào làn sóng toàn cầu hóa, giành lấy lợi ích từ thương mại toàn cầu, chuyển đổi ngành nghề thông qua làn sóng toàn cầu hóa. Thái Lan, Mexico, Philippines, Đài Loan, Hong Kong đều từng được hưởng lợi nhiều từ điều đó và ngày nay Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam bắt đầu điều chỉnh chính sách ngoại giao, tích cực hội nhập ASEAN và gia nhập tổ chức này vào năm 1995. Điều này đã loại bỏ các trở ngại cho việc Việt Nam phát triển quan hệ với các nước láng giềng. Sau đó, Việt Nam thực hiện bình thường hóa quan hệ với Mỹ, môi trường quốc tế của Việt Nam khi đó có thể nói là cởi mở và hữu nghị chưa từng có. Năm 1998, Việt Nam tham gia Diễn đàn hợp tác Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), trở thành bước ngoặt cho sự hội nhập của Việt Nam vào cộng đồng quốc tế.

Sau khi bước vào thế kỷ 21, Việt Nam tích cực hội nhập thị trường thương mại tự do toàn cầu, lần lượt ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, đặc biệt là với Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do cho thấy quyết tâm mở cửa với nước ngoài của Việt Nam, đồng thời cũng buộc Việt Nam phải đẩy nhanh cải cách trong nước.

Năm 2006, Việt Nam ban hành Luật đầu tư, tuyên bố thực hiện quản lý thống nhất đầu tư trong nước và nước ngoài, xóa bỏ nhiều hạn chế của Luật đầu tư nước ngoài trước đó, mở cửa thị trường hơn nữa. Cũng trong năm 2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Sau khi gia nhập tổ chức này, nền kinh tế đối ngoại của Việt Nam đã có những cơ hội phát triển tuyệt vời. Việt Nam đã đưa ra chiến lược "mở rộng quan hệ đối ngoại, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế", khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng của các đơn vị kinh tế ngoài nhà nước của Việt Nam vượt qua các đơn vị nhà nước, sức sống của thị trường bắt đầu được giải phóng, doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài dần trở thành lực lượng quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế.

Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam duy trì ở mức khoảng 6%. Ở khu vực Châu Á, tốc độ tăng trưởng này chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 2001, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 388 USD, nhưng năm 2008 đã lên đến 1.024 USD, trong vòng chưa đến 10 năm đã thoát khỏi mức của các quốc gia có thu nhập thấp.

Năm 2011, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư, Việt Nam đã tập trung phát triển kinh tế và mở cửa với bên ngoài. Năm 2015, để hội nhập hơn nữa vào trật tự quốc tế, thích ứng với các quy tắc thương mại và đầu tư quốc tế như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…, Việt Nam đã sửa đổi và bổ sung trên phạm vi tương đối lớn đối với Luật đầu tư, ban hành Luật đầu tư mới. Luật đầu tư mới mang đến nhiều ưu đãi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 1/2011, Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng khóa XI, trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 đã nêu rõ đến năm 2020 GDP bình quân đầu người phải đạt 3.000 USD, về cơ bản thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Do chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có phần chậm lại, nhưng nhìn chung vẫn duy trì ở mức trên 5%, cũng là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng mạnh nhất Châu Á.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Từ năm 2012-2018, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tăng từ 5,03% lên 7,08% và bắt đầu có xu hướng dừng lại.

Trước kia, Việt Nam đã nhiều lần làm bia đỡ đạn cho nước lớn, chịu không ít thiệt thòi, nhưng sau Chiến tranh Lạnh, ngoại giao của Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành quả. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga… Cấp độ và bố cục ngoại giao của Việt Nam rất rõ ràng, thiết lập quan hệ ổn định với các nước láng giềng, đặc biệt là ASEAN, sau đó thiết lập quan hệ hữu nghị với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và giành được lợi ích trong cuộc đọ sức giữa các nước lớn.

Tháng 7/2013, Việt Nam và Mỹ quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác toàn diện, mở rộng đáng kể thương mại với Mỹ. Năm 2018, tận dụng sự va chạm trong quan hệ thương mại Trung-Mỹ, Việt Nam đã được lợi từ sự thay thế thương mại và chuyển dịch ngành nghề. Năm 2019, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từng bước mở ra cục diện trong vòng tròn thương mại Thái Bình Dương, đặc biệt là quan hệ thương mại với Nhật Bản.

Hiện nay, việc Việt Nam thực hiện đường lối cải cách đã đạt được những kết quả tốt. Đánh giá quá trình phát triển trong hơn chục năm qua, Việt Nam đã thể hiện rõ mong muốn phát triển mạnh mẽ. Việt Nam là quốc gia có tham vọng, họ muốn hội nhập toàn cầu hóa, gia nhập trật tự quốc tế, nắm lấy những lợi ích đang mất đi từ toàn cầu hóa, nhanh chóng phát triển đất nước. Lợi ích từ chính sách và toàn cầu hóa có thể thay đổi diện mạo nghèo khó của Việt Nam trong thời gian ngắn.

Ưu thế dân số đang làm thay đổi Việt Nam từ sau những năm 1980

Hiện nay, dân số Việt Nam vào khoảng 95 triệu người, đây là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế. Do chiến tranh kéo dài, đầu những năm 1980, dân số Việt Nam chỉ có hơn 50 triệu người, trong đó nam giới ít hơn. Đến những năm 1980 và 1990, Việt Nam chào đón thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh, dân số tăng nhanh.

Hiện tại, Việt Nam có hơn 54 triệu người đang ở độ tuổi lao động, trong đó phần lớn là người sinh sau những năm 1980 và 1990. Số liệu năm 2017 cho thấy độ tuổi trung bình của dân số Việt Nam là 30,5. Lương cơ bản của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc. Do đó, kết cấu dân số của Việt Nam rất có ưu thế, đặc biệt là ưu thế về dân số là vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế hướng ngoại và ngành sản xuất.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sau hơn 10 năm phát triển, lương cơ bản của Việt Nam cũng đang tăng lên. Năm 2018, lương cơ bản của Việt Nam đã tăng 6,5%. Kể từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho công nhân, chi phí của doanh nghiệp cũng đang tăng lên. Tuy nhiên, so với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, Việt Nam vẫn có ưu thế nhất định về giá nhân công.

Để giảm chi phí cho doanh nghiệp, Việt Nam đã đưa ra không ít chính sách ưu đãi về thuế. Tháng 10/2016, Bộ Tài chính Việt Nam đã đệ trình dự thảo kế hoạch giảm thuế lên Quốc hội, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mới khởi nghiệp. Từ năm 2017 đến năm 2020 thuế suất giảm từ 20% xuống 17%. Với điều kiện ưu đãi thuế này, doanh nghiệp có doanh thu hàng năm không quá 100 tỷ đồng có thể được miễn thuế.

Đồng thời, Việt Nam cũng học theo Trung Quốc, ra sức phát triển các khu công nghiệp, có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Đầu năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch xây dựng 3 đặc khu kinh tế, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp thuộc đặc khu kinh tế sẽ được miễn giảm thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp…, đồng thời được hưởng ưu đãi tiền thuê đất, phân bổ tín dụng.

Hiện nay, 80% dân số Việt Nam làm nông nghiệp, song tỷ trọng của sản xuất công nghiệp đang tăng nhanh. Khác với Thái Lan và Myanmar, Việt Nam đang đẩy mạnh việc phát triển ngành sản xuất, cố gắng xây dựng đất nước bằng công nghiệp. Cách làm này giống với Trung Quốc và khác với phần lớn cácquốc gia Đông Nam Á.

Năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 9,4%, trong đó ngành sản xuất tăng 14,5%, sản xuất và cung cấp điện tăng 9,4%, cung cấp nước và xử lý nước thải tăng 8,7%. Cũng trong năm 2018, Việt Nam đã thu hút được 17 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hiện nay Nhật Bản và Hàn Quốc đang đầu tư trực tiếp nhiều vào Việt Nam. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã đầu tư vào Việt Nam hơn 4 tỷ USD.

Hiện nay, ngành sản xuất của Việt Nam lấy thương mại xuất khẩu làm định hướng. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lập kỷ lục mới 482,2 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 7,2 tỷ USD, đây là năm có thặng dư mại lớn nhất từ trước đến nay.

Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU) là 6 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng kết cấu xuất khẩu của Việt Nam tương đối hợp lý, không phụ thuộc nhiều vào một thị trường nào đó. Hiện nay, quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang 3 thị trường lớn là Mỹ, EU, Trung Quốc tương đối cân bằng. Hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu bao gồm điện thoại, thiết bị máy móc và linh kiện thay thế, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản. Hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dệt may, kim loại thường, nhựa, gang thép… Từ các mặt hàng nhập khẩu có thể thấy Việt Nam chủ yếu phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều sức lao động, phát huy ưu thế của nhân công giá rẻ.

Tuy nhiên, thương mại hàng gia công của Việt Nam hiện nay vẫn còn tương đối lạc hậu, do thiếu sự hỗ trợ đồng bộ của các ngành nghề và sự lạc hậu của ngành sản xuất, Việt Nam cần nhập khẩu thiết bị máy móc và linh kiện từ Trung Quốc. Những năm 1980, khi Trung Quốc phát triển ngành thương mại gia công, chủ yếu là gia công nguyên liệu, phải nhập khẩu thiết bị của Nhật Bản, Hàn Quốc, sau khi gia công mới xuất khẩu.

Về đầu tư bất động sản, do kinh tế khởi sắc, Việt Nam đã mở cửa thị trường bất động sản với các nhà đầu tư nước ngoài, nên giá nhà ở Việt Nam cũng tăng khá nhanh. Người Hàn Quốc đầu tư vào thị trường bất động sản của Việt Nam nhiều nhất, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang tăng lên. Người Việt Nam mua nhà được hưởng quyền sở hữu vĩnh viễn, nhưng những người nước ngoài có khả năng mua căn hộ thì chỉ có quyền sở hữu trong 50 năm, đến kỳ hạn có thể tiếp tục gia hạn.

Theo báo cáo nghiên cứu do Ngân hàng HSBC công bố năm 2016, đến năm 2020, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng lên đến 33 triệu người. Việc kinh tế khởi sắc, dân số tăng lên, tầng lớp trung lưu gia tăng và tỷ lệ đô thị hóa khá thấp là nguyên nhân quan trọng khiến bên ngoài coi trọng thị trường bất động sản của Việt Nam.

Năm 2018, ngành du lịch của Việt Nam cũng có những biểu hiện không tồi, du khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục, với 15,5 triệu người, tăng 19,9% so với năm 2017 (lượng du khách tăng hơn 2,6 triệu người), trong đó, chủ yếu là du khách Châu Á, với 12,07 triệu lượt người, tăng 23,7% so với năm 2017.

Với bờ biển dài 3.260 km, Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch vào mùa Đông rất tốt. Năm 2011, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc đã công nhận Vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Ngành du lịch của Việt Nam có tiềm lực phát triển tương đối lớn.

Hiện nay, các hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam diễn ra khá sôi nổi. Năm 2016, có 110.000 doanh nghiệp mới thành lập ; năm 2017, có 127.000 doanh nghiệp mới thành lập. Năm 2018 có 131.300 doanh nghiệp mới đăng ký trên cả nước, tổng vốn đăng ký là 147,81 triệu tỷ đồng (khoảng 64,2 tỷ USD). Nếu tính cả số vốn đăng ký mới và vốn đầu tư bổ sung, thì năm 2018, các doanh nghiệp đã tăng thêm gần 390 triệu tỷ đồng (169,5 tỷ USD) cho kinh tế phát triển.

Năm 2018, vốn FDI đã đầu tư vào 3046 dự án mới có vốn đăng ký là 17,976 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2017 số lượng dự án đã tăng 17,6%, nhưng vốn đăng ký giảm 15,5%.

Lạm phát từng là một trở ngại của kinh tế Việt Nam. Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã kiểm soát khá tốt tỷ lệ lạm phát. So với mức bình quân lạm phát của năm 2017, tỷ lệ lạm phát cơ bản bình quân của năm 2018 tăng 1,48%.

Những năm gần đây, thu nhập bình quân của Việt Nam tăng khá nhanh. Năm 2018, thu nhập bình quân hàng tháng vào khoảng 3,76 triệu đồng (khoảng 160 USD), tăng 660.000 đồng (khoảng 26 USD) so với năm 2016. Thu nhập bình quân hàng tháng từ năm 2016-2018 tăng 10,2%.

Trên thực tế, cơ hội thực sự của Việt Nam nằm ở cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như sự chuyển dịch ngành nghề trên toàn cầu. Mỗi lần thế giới chuyển dịch ngành nghề đều sẽ tạo ra một loạt ngành nghề mới và nước xuất khẩu thương mại. Những năm 1950-1960, Mỹ chuyển dịch các ngành nghề truyền thống như sắt thép, dệt may sang Nhật Bản, Đức, làm cho kinh tế của hai nước này được phục hồi nhanh chóng, ngành sản xuất cũng tìm kiếm được cơ hội phát triển quan trọng.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự chuyển dịch ngành nghề của nền kinh tế công nghiệp ở khu vực Đông Á bắt buộc với "sếu đầu đàn" là Nhật Bản, sau đó là "4 con rồng Châu Á", rồi đến "4 con hổ Châu Á" và Trung Quốc đại lục. Sự chuyển dịch ngành nghề trong mấy chục năm qua đã phác họa ra mô hình đàn sếu bay với sếu đầu đàn là Nhật Bản. Hiện nay, mô hình đàn sếu bay này vẫn đang tiếp diễn, các ngành nghề đang dần chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Điều đáng chú ý là trong quá trình này, Nhật Bản liên tục xảy ra va chạm thương mại với Mỹ. Va chạm thương mại Nhật-Mỹ đã đẩy nhanh sự chuyển dịch ngành nghề theo mô hình đàn sếu bay. Những năm 1950-1960, Mỹ tiến hành cuộc chiến thương mại với Nhật Bản trong ngành dệt may và gang thép, Nhật Bản buộc phải chuyển dịch hai ngành nghề có ưu thế này ra nước ngoài.

Đến những năm 1970-1980, ngành điện tử và ô tô của Nhật Bản nổi lên, Mỹ lại thực hiện cuộc chiến thương mại đối với hai ngành này. Hàn Quốc và Đài Loan đã nắm bắt cơ hội chuyển dịch ngành nghề lần này, Hàn Quốc xây dựng ưu thế cạnh tranh trên toàn cầu trong ngành điện tử và ô tô, Đài Loan có ưu thế rõ rệt trong ngành điện tử và sản xuất chất bán dẫn. Những năm 1980, để ngăn cản Nhật Bản phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn, Mỹ bắt đầu ủng hộ Hàn Quốc và Đài Loan sản xuất chất bán dẫn.

Ngay từ những năm 1960, các nhà sản xuất nước ngoài đã xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Hàn Quốc, tận dụng nhân công địa phương giá rẻ để lắp ráp các linh kiện đơn giản. Tuy nhiên, chất bán dẫn của Hàn Quốc bắt đầu thực sự phát triển vào những năm 1980.

Trong kẽ hở của va chạm thương mại Mỹ-Nhật, Hàn Quốc đã tận dụng cơ hội lịch sử chuyển dịch ngành nghề và thay thế thương mại lần này. Các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyundai và Daewoo đã chủ động thu hút, mô phỏng theo công nghệ của Mỹ và Nhật Bản, đẩy mạnh đầu tư vào thiết bị và nhân tài, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh về công nghệ. Hiện nay, Hàn Quốc đã chiếm 22% thị phần chất bán dẫn trên toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ. Tập đoàn Samsung đã vượt tập đoàn Intel trở thành doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới.

Mô hình tiếp nhận của Đài Loan khác với Hàn Quốc. Do thiếu sự hỗ trợ vốn của các nhà tài phiệt, nên về cơ bản ngành sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan được thị trường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp nhận. Với sự hỗ trợ của Công viên Khoa học Tân Trúc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan đã tận dụng ưu thế nhân công giá rẻ để bắt đầu trở thành nhà sản xuất phụ tùng gốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới.

Liệu Việt Nam có trở thành Hàn Quốc hoặc Đài Loan tiếp theo ?

Từ góc độ chuyển dịch ngành nghề, Việt Nam có cơ hội này. Cuộc đọ sức thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ thúc đẩy chuỗi tái cấu trúc ngành nghề và chuyển dịch ngành nghề trên toàn cầu, Việt Nam có ưu thế tiếp nhận ngành nghề hơn so với Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia…

Hiện nay, Việt Nam có ưu thế rõ rệt về giá nhân công. Đó là lí do tập đoàn Samsung đã xây dựng nhà máy ở Việt Nam đồng thời chuyển dịch một phần nhà máy ở Trung Quốc sang Việt Nam. Kể từ năm 2008, tập đoàn Samsung đã bắt đầu tiến hành đầu tư vào Việt Nam, với mức đầu tư ban đầu là 670 triệu USD, đến tháng 4/2018, tổng mức đầu tư của Samsung vào Việt Nam lên đến 17,3 tỷ USD. Hiện nay, tập đoàn này đã xây dựng 8 nhà máy ở Việt Nam, chủ yếu sản xuất điện thoại di động và linh kiện điện tử. Kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn Samsung ở Việt Nam trong năm 2017 đạt 54 tỷ USD, năm 2018 đạt hơn 60 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đầu tư của tập đoàn Samsung đã thúc đẩy ngành sản xuất điện thoại di động và điện tử của Việt Nam phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hình thành mạng lưới ngành nghề về điện thoại di động và linh kiện.

Ngoài tập đoàn Samsung, trong năm 2017 tập đoàn LG và Microsoft cũng lần lượt đầu tư 1,5 tỷ USD và 320 triệu USD vào Việt Nam, tập đoàn Apple đã chuyển một số trung tâm nghiên cứu ở Châu Á đến Việt Nam, tập đoàn Foxconn cũng xây dựng nhà máy ở Việt Nam.

Ngoài Samsung và ngành điện tử, dệt may, mũ và giày dép cũng là ngành chủ đạo trong ngành sản xuất tại Việt Nam. Những đồng tiền đầu tiên mà nền kinh tế hướng ngoại của Việt Nam kiếm được là từ xuất khẩu hàng dệt may.

Hiện nay, tập đoàn Feng Tay của Đài Loan là nhà sản xuất giày chủ lực của tập đoàn Nike, tổng lượng giày thành phẩm trong năm 2018 là hơn 114 triệu đôi, trong đó, sản lượng giày ở các nhà máy tại Trung Quốc là 11,5 triệu đôi, chiếm 10% ; sản lượng giày ở các nhà máy tại Việt Nam là 60 triệu đôi, chiếm 52%. Việt Nam là nơi sản xuất lớn nhất của tập đoàn Feng Tay, tập đoàn này còn xây dựng dây chuyển sản xuất mới ở khu công nghiệp Xuân Lộc (Đồng Nai).

Cuối cùng, Việt Nam có thể đạt đến một mức độ nhất định nào trong lần chuyển dịch ngành nghề này, có thể thực hiện ý tưởng chiến lược trở thành nước phát triển hay không, chủ yếu được quyết định ở những mặt sau :

Một là liệu Việt Nam có chào đón sự chuyển dịch ngành nghề bằng thái độ mở cửa hơn và bằng một chiến lược ngoại giao đầy hứa hẹn hay không. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam rất muốn mở cửa với nước ngoài, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, nắm bắt cơ hội lịch sử của cuộc gặp Trump-Kim để thể hiện thái độ và sự tự tin mở cửa với thế giới.

Ngoài ra, một loạt hiệp định thương mại tự do như CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EVFTA)… cũng sẽ thúc đẩy Việt Nam mở cửa kinh tế hơn nữa, đồng thời thu hút nhiều vốn nước ngoài hơn vào Việt Nam.

Sau khi CPTPP có hiệu lực vào năm 2019, hiệu ứng xuất khẩu của Việt Nam đã được thể hiện. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong quý I/2019 đạt 4,62 tỷ USD, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng của Việt Nam sang Nhật Bản liên tục tăng lên. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản hàng dệt may, công cụ vận tải và linh kiện, thủy sản.

Ngoài CPTPP, Việt Nam còn ký Hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, theo hiệp định này, Nhật Bản sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu cho phần lớn các mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Nhật Bản là nước nhập khẩu nhiều thực phẩm, hàng dệt may, thủy sản và nông sản. Việt Nam đang cung cấp cho Nhật Bản hàng dệt may và thủy sản. Hiện nay, tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Nhật Bản là AEON đã đưa Việt Nam vào danh sách mua sắm toàn cầu. Dự kiến, xuất khẩu của Việt Nam sang Đông Á, nhất là Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng lên.

Hai là liệu Việt Nam có chuyển đổi ưu thế về giá nhân công thành ưu thế mạng lưới và đồng bộ ngành nghề hay không. Lợi thế về giá nhân công chỉ là nền tảng, ưu thế thực sự của một nước lớn về ngành sản xuất nằm ở mạng lưới và sự đồng bộ ngành nghề. Trung Quốc gần như đã xây dựng mạng lưới chuỗi ngành nghề đầy đủ trong ngành sản xuất, đây là ưu thế cạnh tranh hiếm có trên toàn cầu. Việt Nam không thể xây dựng mạng lưới chuỗi ngành nghề đầy đủ, nhưng có thể giống như Hàn Quốc, Đài Loan, lựa chọn một số ngành nghề chủ đạo, như điện tử, ô tô, dệt may… để xây dựng mạng lưới và sự đồng bộ ngành nghề.

Hiện nay, sự đồng bộ ngành nghề của Việt Nam tương đối lạc hậu, thiết bị và linh kiện của một số ngành nghề đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Chỉ khi xây dựng được mạng lưới cơ sở hạ tầng từ nguyên liệu phụ, linh kiện, lắp ráp, thiết bị máy móc trong ngành công nghiệp phụ trợ đến bến cảng, đường sắt, sân bay, cao tốc, viễn thông, điện lực trong ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm cuối cùng, Việt Nam mới có thể thực sự có ưu thế cạnh tranh toàn cầu của ngành này.

Đầu tư của Chính phủ Việt Nam vào cơ sở hạ tầng là rất đáng chú ý. Chuyên gia của Việt Nam cho biết Việt Nam đã đầu tư tương đối lớn vào xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Đến năm 2020, nguồn vốn mà Việt Nam cần để xây dựng cơ sở hạ tầng là 480 tỷ USD.

Năm 2019, Chính phủ Việt Nam khởi động dự án nhà máy điện sông Hậu thuộc tỉnh Hậu Giang, dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn và dự án cao tốc nối Huế-Đà Nẵng.

Năm 2016, lượng du khách xuất nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, lên đến 32,5 triệu lượt người. Thành phố Hồ Chí Minh đang xây mới sân bay, dự định lượng xuất nhập cảnh hàng năm sẽ lên đến 100 triệu lượt người.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam trong năm 2018 đứng thứ 39/160 quốc gia, tăng 25 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN, sau Singapore (đứng thứ 7) và Thái Lan (đứng thứ 32).

Năm 2018, dựa vào tiến độ phát triển và chuyển đổi mô hình của thương mại điện tử và logistics, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật quản lý ngoại thương, Luật hải quan và luật logistics khác, đơn giản hóa trình tự hải quan, triển khai cơ chế một cửa quốc gia để thích ứng với bối cảnh nhất thể hóa quốc tế.

Ngoài ra, ưu thế về bến cảng như cảng Hải Phòng, cảng ở thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở hạ tầng quan trọng để Việt Nam phát triển nền kinh tế hướng ngoại.

Ba là liệu Việt Nam có thể tiếp tục thúc đẩy đổi mới, duy trì chính sách tiền tệ, tài chính và ngoại hối hợp lý không.

Chính sách ngoại hối có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế hướng ngoại của Việt Nam. Hiện nay, chính sách mà Việt Nam sử dụng là thả nổi tỷ giá có quản lý, tỷ giá hối đoái sẽ biến động theo đồng USD và trong tương lai có thể đồng Việt Nam sẽ tăng giá theo. Việc đồng tiền của Việt Nam tăng giá chắc chắn sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, ở mức độ nhất định sẽ làm suy yếu năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất. Nếu việc cải cách tỷ giá hối đoái có thể diễn ra một cách thuận lợi thì sẽ tạo thuận lợi cho ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam có đủ thời gian cần thiết để củng cố phát triển.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2012-2014, Việt Nam đều trong tình trạng nhập siêu thương mại, nhưng kể từ năm 2015, mỗi năm đã xuất siêu từ 2-3 tỷ USD. Hiện nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên đến hơn 60 tỷ USD, xét về mặt quy mô, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chưa phải ở quá cao, nhưng có năng lực đề phòng rủi ro ngoại hối nhất định. Cùng với năng lực thu ngoại tệ từ xuất khẩu tăng lên, rủi ro từ nợ nước ngoài và tiền tệ của Việt Nam sẽ giảm.

Kinh nghiệm phát triển của các nước có nền kinh tế mới nổi cho thấy Việt Nam cần phải tránh rủi ro mở rộng tài chính và tiền tệ. Việc Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng và khu công nghiệp cần phải có nguồn vốn rất lớn, mở rộng tài chính dễ đẩy nợ công tăng cao. Năm 2018, tổng nợ công của Việt Nam chiếm 61,3% GDP, dư nợ chiếm 52% GDP, dư nợ nước ngoài chiếm 49,7% GDP. Nhìn chung tỷ trọng nợ không thấp, nhưng tốc độ tăng lên trong những năm qua được kiểm soát khá tốt.

Năm 2010, Việt Nam đã thông qua Luật Ngân hàng Trung ương, luật này quy định Ngân hàng nhà nước Việt Nam là đơn vị chủ quản chính sách tiền tệ của cả nước, chủ yếu thông qua việc xác định công cụ chính sách tiền tệ và có các biện pháp tương ứng để đạt được mục đích ổn định giá trị đồng nội tệ và giữ lạm phát ở mức hợp lý.

Sau khi Ngân hàng Trung ương Việt Nam xác định mục tiêu của chính sách tiền tệ là tỷ lệ lạm phát, thì lạm phát của Việt Nam giảm mạnh, 10 năm gần đây đều duy trì ở mức tương đối thấp. Đây là điều rất hiếm có đối với một nước có nền kinh tế mới phát triển.

Nếu Việt Nam có thể tiếp tục duy trì mở cửa, tiếp tục hội nhập trật tự quốc tế, thì quy tắc quốc tế sẽ có lợi cho cải cách trong nước và duy trì chính sách kinh tế ổn định.

Hiện nay, chính trị trong nước, chính sách đối ngoại, ưu thế về nhân công của Việt Nam và chuyển dịch ngành nghề quốc tế đều tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển nền kinh tế hướng ngoại và ngành sản suất.

Dự tính Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong "4 con hổ Châu Á", nhưng chưa thể khẳng định có thể phát triển đến cấp độ "4 con rồng Châu Á" hay không. Suy cho cùng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan có thể trở thành nền kinh tế phát triển. Phần lớn các nước, trong đó có Mexico, Brazil, Argentina ở Mỹ Latinh và "4 con hổ Châu Á" đều đang giãy dụa trong bẫy thu nhập trung bình.

Để gia nhập hàng ngũ các nước phát triển, Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và khoa học công nghệ, nâng cao tố chất và trình độ nghiên cứu khoa học. Hiện nay, ngân sách Việt Nam giành cho ngành giáo dục chiếm 5,7% GDP, đứng thứ 29 trong 126 quốc gia trên toàn thế giới.

Đồng thời, là quốc gia có dân số đông, Việt Nam phải duy trì phát triển bất động sản và thị trường tài chính ở mức độ thích hợp. Ngoài ra, rủi ro lớn nhất của nền kinh tế hướng ngoại là những tác động tiêu cực của tài chính quốc tế, do đó Việt Nam vẫn cần phải có một chút may mắn.

Quinghe

Nguyên tác : Global Industry Chain Restructuring : Vietnam, is there an opportunity ?, Dun Jiao, 27/06/2019

Hà Lực giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 12/10/2019

Tác giả bài viết là Quinghe, tổng biên tập trang báo Zhibenshe. Bài viết được đăng tải trên trang Dun Jiao.

Quay lại trang chủ
Read 474 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)