Câu chuyện được xoay quanh vấn đề thời sự về xài tiền thuế của dân nghèo qua chuyện làm cây cầu đi bộ vắt ngang sông Sài Gòn, nối bờ quận một với bán đảo Thủ Thiêm, quận 2.
Cầu Thủ Thiêm 2 trong tương lai
Những hàng cây bị bức tử
Sau 8 năm lên kế hoạch và ý tưởng, đến tháng 9 vừa qua, chính quyền đã thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, về kế hoạch tổ chức tuyển chọn và nhiệm vụ thiết kế tổ chức tuyển chọn "Phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn" kết nối trung tâm quận một với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nếu hoàn thành đúng tiến độ, dự kiến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, theo thông báo của chính quyền, người dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có cây cầu đi bộ vượt sông đầu tiên, nối từ trung tâm ở cuối đường Nguyễn Huệ, giao với Tôn Đức Thắng đến khu đô thị mới.
Kiến trúc sư Lê Thị Lan, người có thời gian dài tu nghiệp tại Paris, nói rằng với quy hoạch kể trên thì cây cầu đi bộ này chủ yếu phục vụ cho dân nhà giàu bên Thủ Thiêm… tập dưỡng sinh (!?).
"Chân cầu nằm trong khu vực công viên cảng Bạch Đằng, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, chân cầu đặt tại công viên bờ sông khu A, phía nam quảng trường trung tâm. Ngoài chức năng chính dành cho người đi bộ, cầu phía nam có thêm làn cho người đi xe đạp - nghĩa là độ dốc phải thoai thoải. Người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai có thể sử dụng kết hợp băng chuyền, ram dốc, thang máy để di chuyển.
Như vậy sẽ lại có một số cảnh quan cây xanh hiện hữu ở công viên cảng Bạch Đằng bị chặt bỏ. Kề bên công viên cảng Bạch Đằng đang có một cây cầu bề thế mang tên Thủ Thiêm II đang đổ móng, với chân cầu phía quận một là giao lộ Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn, băng qua sông Sài Gòn sang Thủ Thiêm. Hàng cây cổ thụ di sản trên con đường Cường Để của Sài Gòn hôm qua, và Tôn Đức Thắng hôm nay đã bị bức tử không thương tiếc.
Với một khúc sông ngắn cùng sang một điểm cận kề nhau, lại vừa có một cây cầu cho xe cơ giới, một cây cầu cho người đi bộ và cả hai còn phải đáp ứng độ tỉnh không cho tàu thuyền qua lại… Điều này tôi nghĩ rằng làm xấu bộ mặt kiến trúc và tốn tiền thuế của dân nghèo. Nó giống như cùng căn biệt thự, người ta khoét cái lỗ lớn ngoài hàng rào cho chó Berger chui ra chui vào, lỗ nhỏ hơn dành cho chó cỏ". Kiến trúc sư Lê Thị Lan nhận xét.
Vì sao lại là ‘tiền thuế của dân nghèo’ ? Theo bà Lan, cầu đi bộ tốn kém nhưng chỉ mang tính chất giải trí thư giãn, không có hiệu quả cao về kết nối giao thông đô thị.
"Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm đã giải tỏa trắng cư dân bản địa Thủ Thiêm. Các dự án chung cư, nhà cao tầng nơi đây là tương tự như khu Phú Mỹ Hưng, khu Thảo Điền ; nghĩa là chỉ dân giàu có mới dư dả tiền để mua. Người nghèo đi bộ sang phố nhà giàu Thủ Thiêm để bán hàng rong à ? Tôi không tin có chuyện người dân đi xe đến đầu cầu bên này, gửi xe, đi bộ qua đầu cầu bên kia rồi lại bắt xe đi tiếp.
Cứ thử quan sát những cây cầu đi bộ trên cạn ở một số nơi ngay tại Sài Gòn sẽ thấy rõ, việc xây cầu đi bộ chỉ thu hút được người dân khi khoảng cách và thời gian đi bộ là ngắn nhất". Kiến trúc sư Lê Thị Lan nói.
Chỉ nhằm để gia tăng tiện ích cho lãnh địa nhà giàu ?
Một số ‘cò đất’ ở quận 2 giải thích sở dĩ có rất nhiều cây cầu được xây dựng để kết nối bán đảo Thủ Thiêm với các quận 1, 4, Bình Thạnh vì chỉ khi đường sá thuận tiện, nhà đầu tư bất động sản mới có thể kinh doanh tốt những dự án hoành tráng nơi đây.
Hồi đó, giải thích cho chuyện làm hầm qua sông Sài Gòn để sang Thủ Thiêm đầy tốn kém, chính quyền biện minh là nhằm để giữ cảnh quan sông Sài Gòn thông thoáng, thuận tiện ghe tàu qua lại.
Giờ thì ế ẩm các dự án bất động sản kéo dài, buộc các nhà đầu tư phải tác động để chính quyền chấp nhận làm rất nhiều cây cầu để nối với Thủ Thiêm, nhằm gia tăng tiện ích giao thông, bất chấp cảnh quan, bất chấp di sản. Trong khi đó thì việc người dân bản địa Thủ Thiêm bị mất đất lại không được quan tâm. Thưa kiện ngay từ hồi đầu mới quy hoạch, đến nay chính quyền chỉ chịu đền bù gần 5 héc ta gọi là ngoài vùng quy hoạch, bỏ qua khoản ngoài quy hoạch khác lên tới 160 héc ta.
Ghi nhận ý kiến từ giới ‘xe công nghệ’ đậu dọc bến Bạch Đằng vào sáng 12/10, họ nói rằng thật phi lý trong xài tiền thuế của dân.
"Ngày 17 tháng 10 tới đây, chính quyền tăng phí đăng ký xe máy hai bánh thêm 500 ngàn đồng nữa cho mỗi lần lấy bảng số. Xe hơi tăng mạnh hơn, thêm đến cả chục triệu. Tăng như vầy có nghĩa là ngân sách cố tìm mọi cách để vơ vét. Thế nhưng cách xài tiền thì cần bàn lại.
Thứ nhất, việc xây cầu vượt đi bộ vượt sông nhằm giải quyết được vấn đề nào ở đây ?. Người có nhu cầu đi bộ ở đôi bên đầu cầu ra sao ?
Thứ hai, đã xây hầm vượt sông tốn hết bao nhiêu bạc tiền thuế của dân chúng rồi ? Sao lúc trước không xây cầu vượt sông luôn cho rẻ và tiện lợi, hay lúc đó nói xây cầu mất mỹ quan nên chọn xây hầm – có nghĩa tầm nhìn hạn chế trong quy hoạch ?
Thứ ba, tiền thì không có, phải nợ nước ngoài, giờ đi vay rồi làm những việc lãng phí, dân phải trả hay sao ? Nếu có tiền đi chăng nữa thì sao không xây mấy chỗ khác đang cần ?".
Những ‘bác tài’ trẻ, tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm thích hợp, nên đành chạy ‘xe ôm công nghệ’ được dịp ‘xả xú pháp’ như vậy khi được hỏi ý kiến về cây cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn.
Cũng có ý kiến ủng hộ cần sớm khởi công việc xây nhiều cây cầu đi bộ vắt ngang sông Sài Gòn, vì, ‘lúc trời mưa hay triều cường gây ngập, dân chúng có thể đi bộ lên cầu để chờ nước rút’ !
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 13/10/2019